Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3685|Trả lời: 0

Nếp Sống - Nhiệm vụ truyền bá

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 21-9-2011 19:33:44 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Nếp Sống Cộng Đồng
Tác giả: Dietrich Bonhoeffer

Nhiệm vụ truyền bá


Nhiệm vụ mà chúng ta bàn ở đây là con người dùng lời tiếp xúc với con người, tiếp xúc một cách tự nguyện, không câu nệ có chức vị hay không, không lệ thuộc vào thời gian và không gian. Đây là một cơ hội đặc biệt trên trần thế: con người dùng lời của con người làm chứng với người khác về ân an ủi, lời khuyến cáo, lòng nhân từ và đức nghiêm minh của Đức Chúa Trời. Có rất nhiều nguy cơ đe doạ lời này. Trước khi nói, nếu ta không nghiêm túc nghe Lời thì lời nói của ta có nghiêm túc không? Nếu lời nói và việc làm mâu thuẫn với nhau thì lời nói có đáng tin và xác thực không? Nếu lời nói không xuất phát từ tinh thần mang vác, nhưng từ sự nóng nảy và tinh thần ép buộc, làm sao lời nói có thể giải cứu và chữa lành được?
Ngược lại, môi miệng ta rất dễ câm lặng khi người khác cần nghe, khi ta phải phục vụ và mang vác. Con người không tin tưởng vào “lời nói mà không có việc làm”; điều này thường làm ta ngại tâm tình riêng với các anh chị em ta. Ta thường tự nhủ, lời nói bất lực của con người có thể giúp gì cho người khác? Ta có nên lải nhải những lời vô ích không? Ta có nên nói như những người đạo đức giả nhà nghề, thao thao bất tuyệt bất chấp nhu cầu của người khác không? Còn gì nguy hiểm hơn là thêm thắt vào Lời Đức Chúa Trời? Nhưng ngược lại, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu ta nín lặng khi cần nói? Phải chăng nói từ toà giảng những lời đã được soạn sẵn dễ hơn là nín lặng hoặc nói ra những lời thích hợp trong sinh hoạt hằng ngày?
Ngoài việc sợ chịu trách nhiệm về lời nói của mình, ta còn sợ người khác. Ta thường ngại mở miệng nói về Chúa Giê-xu Cứu Thế cho một người anh chị em của mình. Ở đây giữa “Đúng” và “Sai” cũng dễ lẫn lộn với nhau. Ai có quyền xen vào việc riêng của người lân cận? Ai có quyền sửa sai, xúc phạm và bàn bạc với người lân cận về những việc riêng tư của người đó? Ở đây nếu ta vội vã trả lời rằng mọi người đều có quyền này, hoặc đúng hơn: mọi người đều có bổn phận này, thì ta chưa nói lên được tinh thần của người tín hữu. Trong trường hợp này, tinh thần ép buộc có thể nảy mầm một cách rất thâm độc. Vì thực ra, người khác có quyền, có trách nhiệm và cũng có bổn phận chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào đời tư của họ. Người khác có những bí mật mà ta không được đề cập đến và làm tổn thương, và người khác cũng không được “bật mí” mà tự làm hại chính mình. Đó không phải là những bí mật về kiến thức hoặc về cảm xúc, nhưng là bí mật về sự tự do, về ân cứu rỗi, về sự sinh tồn của người đó. Nhưng ta cũng rất dễ cực đoan, đi đến chỗ lập lại lời nói sát nhân của Ca-in: “Tôi là người giữ em tôi sao?” (SaSt 4:9). Kính trọng sự tự do của người khác một cách thiêng liêng giả tạo có thể gặt hái lời nguyền rủa của Đức Chúa Trời: “Ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi” (Exe Ed 3:18).
Khi các tín hữu sinh hoạt cộng đồng với nhau, có những trường hợp ta phải tâm tình riêng với một người khác về Lời phán và Ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ta phải chia sẻ với nhau trong tình anh chị em. Ta sẽ không xử sự đúng tinh thần của người tín hữu nếu ta không thực hiện nhiệm vụ quan trọng này đối anh chị em của mình. Nếu không mở miệng chia sẻ được Lời nào, ta phải tự kiểm thảo lại xem phải chăng ta chỉ nhìn thấy danh dự con người nơi người anh chị em nên không dám xúc phạm đến, và phải chăng ta quên điểm quan trọng nhất: người anh chị em dù lão niên, dù có chức vị, dù quan trọng đến đâu, cũng là một người như ta, một tội nhân đang khao khát ân sủng của Đức Chúa Trời, cũng đang có những vấn nạn to lớn như ta, đang cần sự giúp đỡ, an ủi và tha thứ như ta.
Nền tảng để các tín hữu có thể tâm tình riêng với nhau là mỗi người đều nhận thức rằng người khác cũng là một tội nhân, tuy đáng kính nhưng bị bỏ, bị hư mất nếu không được giúp đỡ. Nói như vậy không có nghĩa là ta khinh thường, bất kính người khác, trái lại, ta kính trọng người khác bằng một sự tôn kính đích thực, tức là sự tôn kính dành cho tội nhân được dự phần vào ân sủng và vinh quang của Đức Chúa Trời, tức là sự tôn kính dành cho con cái của Ngài. Với nhận thức này ta có thể tự do và cởi mở tâm tình riêng với anh chị em ta. Chúng ta đề cập đến sự giúp đỡ mà cả hai đều cần. Chúng ta khuyến cáo nhau đi trên con đường mà Chúa Cứu Thế dành cho chúng ta. Chúng ta cảnh cáo nhau về sự bất tuân đang làm chúng ta truỵ lạc. Chúng ta mềm mỏng và nghiêm minh với nhau, vì chúng ta biết Đức Chúa Trời nhân lành và nghiêm minh. Tại sao chúng ta lại sợ nhau trong khi hai chúng ta chỉ phải kính sợ Đức Chúa Trời mà thôi? Tại sao ta nghĩ rằng người anh chị em sẽ không hiểu mình trong khi ta sẽ hiểu ngay nếu có ai nói - có thể bằng những lời nói rất vụng về - với mình về lời an ủi hoặc khuyến cáo của Đức Chúa Trời? Phải chăng ta nghĩ rằng trên đời này có một người không cần được giúp đỡ và khuyến cáo? Vậy tại sao Đức Chúa Trời lại ban cho ta tình anh chị em trong Chúa?
Nếu càng để cho người khác chia sẻ Lời Chúa cho mình, càng chấp nhận những lời khiển trách và khuyến cáo nghiêm khắc của người khác, ta sẽ càng tự do và khách quan nói ra lời của mình. Ai vì tự ái và kiêu căng từ chối nghe lời nói chân thành của anh chị em mình, người đó không thể khiêm nhường nói ra sự thật với người khác, vì sợ người khác không nghe và mình sẽ bị tổn thương. Người tự ái luôn luôn sẽ là người nịnh hót và rồi chẳng chóng thì chầy trở thành người khinh thường và vu cáo anh chị em mình. Nhưng người khiêm nhường trung thành với sự thật và tình yêu. Người khiêm nhường sống bằng Lời Đức Chúa Trời và để Lời Đức Chúa Trời dắt dẫn mình đến với anh chị em mình. Vì không tìm gì cho mình và không sợ gì, người khiêm nhường có thể dùng Lời Chúa giúp đỡ người khác.
Lời Chúa dạy, khi một người anh chị em hiển nhiên phạm tội, người đó cần được khiển trách. Sự thi hành kỷ luật nên bắt đầu thực hiện trong một nhóm ít người. Nếu ai xa rời Lời Đức Chúa Trời, qua giáo lý hoặc trong nếp sống, làm tổn hại gia đình và toàn thể Hội Thánh, người đó phải được khuyến cáo và trách phạt. Không có điều gì tàn nhẫn hơn là sự khoan dung để rồi phó mặc người khác cho tội lỗi, không có gì nhân từ hơn là sự sửa phạt nghiêm minh để rồi kêu gọi người anh chị em lìa bỏ con đường tội lỗi. Nhiệm vụ của lòng nhân từ, hành động của mối tương giao chân thật là chỉ để Lời của Đức Chúa Trời, Lời tuyên án và giúp đỡ, tác động ở giữa chúng ta. Để rồi không phải chúng ta nhưng Đức Chúa Trời kết án, và Lời kết án của Đức Chúa Trời giúp đỡ và giải cứu. Chúng ta chỉ có thể phục vụ người anh chị em cho đến cuối cùng nếu chúng ta không tự nâng mình lên cao hơn người đó. Chúng ta cũng phục vụ khi chúng ta nói với người anh chị em Lời kết án và phân rẽ của Đức Chúa Trời, khi chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời cắt đứt mối tương giao với người đó. Chúng ta biết rằng chúng ta trung thành với nhau không bằng tình thương yêu của con người phàm tục, nhưng bằng tình thương yêu của Đức Chúa Trời, tức làm tình thương yêu đến với con người qua sự xét xử. Lời Đức Chúa Trời phục vụ con người bằng cách xét xử con người. Ai để sự xét xử của Đức Chúa Trời phục vụ mình, người đó sẽ được giúp đỡ. Tất cả nỗ lực của con người để phục vụ anh chị em mình đều có giới hạn; giới hạn đó nằm ở đây: “Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Đức Chúa Trời. ...Vì giá chuộc mạng sống họ thật mắc quá, người không thể làm được đến đời đời” (Thi Tv 49:7).
Khi nhận thức được sự bất lực của mình, lúc đó chính là lúc ta tạo điều kiện cho ân cứu giúp của Lời Đức Chúa Trời; lúc đó là lúc ta thừa nhận rằng chỉ có Lời Đức Chúa Trời mới có thể cứu giúp người anh chị em mà thôi. Con đường của người anh chị em không nằm trên tay ta. Ta không thể hàn gắn những gì đổ vỡ. Ta không thể cứu sống những gì muốn chết. Chỉ có Đức Chúa Trời có thể hàn gắn trong sự đổ vỡ, xây dựng mối tương giao trong sự phân rẽ, ban ân sủng qua sự xét xử. Nhưng Đức Chúa Trời đặt Lời Ngài trong môi miệng của chúng ta. Chúa muốn phán dạy qua chúng ta. Nếu chúng ta ngăn trở Lời Ngài, huyết của người anh chị em phạm tội sẽ đổ trên chúng ta. Nhưng nếu chúng ta trung tín chuyển đạt Lời Ngài, Đức Chúa Trời sẽ cứu người anh chị em của chúng ta. “Người làm cho người có tội trở lại, đó là cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi” (Gia Gc 5:20).




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 02:11 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách