Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3733|Trả lời: 0

Dám Sống - SỰ CẤP DƯỠNG CỦA HỘI TRUYỀN GIÁO

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 25-9-2011 21:01:46 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dám Sống Trên Bờ Vực
Tác giả: Loren Cunningham & Janice Rogers

SỰ CẤP DƯỠNG CỦA HỘI TRUYỀN GIÁO, PHƯƠNG PHÁP CỦA CHÚA JESUS

Vì sao Đức Chúa Trời không lập tức cung ứng tất cả số tiền chúng ta cần cho công việc của Ngài trên đất? Chắc chắn là Ngài có thể dẫn dắt một nhà tỉ phú nào đó, là người yêu mến Ngài, viết một chi phiếu khổng lồ, tài trợ cho việc hoàn thành Đại Mạng Lệnh Truyền Giáo. Hoặc Ngài có thể giúp đỡ cho ai đó là người yêu mến Ngài, là người được tin cậy, tình cờ phát hiện một kho báu chôn giấu, hoặc bất ngờ có được một số tiền lớn và dâng tất cả cho công việc Chúa. Hoặc tại sao Chúa không khiến cho một trong những người hết sức yêu mến Ngài trúng số chừng 10 triệu ?
Những ai trong chức vụ đã từng vật lộn trong nước mắt, tự hỏi không biết làm thế nào mà mình vẫn còn tiếp tục ở trong sự kêu gọi, cũng đều phải có những câu hỏi tương tự. Một nhà truyền giáo đã có lần kêu lên trong sự tuyệt vọng "Chúng tôi không bao giờ có đủ tiền để làm điều chúng tôi dự định phải làm. Cứ như là Đức Chúa Trời đã cột trói một tay tôi ở sau lưng rồi bảo tôi hãy làm cũng chừng đó công việc. Thật là không công bằng!"
Và vì sao các nhà truyền giáo phải làm công việc gởi những thư từ xin giúp đỡ? Tôi tin chắc rằng mỗi một nhà truyền giáo đều đã có nhiều lần sốt ruột vì phải liên tục viết các bức thư hoặc gởi các lá thư xin giúp đỡ cho những người ở tại quê nhà. Rốt cuộc, hầu hết đều không được hồi âm. Và một hoặc hai ngày bị mất đi trong tháng để làm công việc thông tin như vậy, thật là đáng tiếc. Rốt lại, các lao tác viên giảm đi trong công việc Chúa, và sức ép của công việc thì thật lớn, đè trên một số ít người. Vậy tại sao chúng ta phải làm công việc quan trọng nhất trên thế gian này theo cách ấy?
Chúng ta cần nắm vững trong trí mình phương pháp của Đức Chúa Trời khi nhìn vào chức vụ hầu việc và vấn đề tiền bạc. Chúng ta đang lo ngại rằng bằng phương cách nào công việc được tiến hành và có tiền để các mục tiêu của chúng ta được hoàn thành tốt đẹp. Rốt lại, đó là những mục tiêu cho công việc Chúa, phải không?
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời lại có một nhân tố quyết định khác hẳn. Mối quan tâm hàng đầu của Ngài là việc khôi phục lại các mối tương quan giữa chúng ta với Ngài và giữa chúng ta với nhau. Đó là lý do vì sao Ngài hoạch định điều đó hầu cho chúng ta phải dựa vào những người khác để hỗ trợ mặt tài chánh đang khi chúng ta làm công việc Ngài.
Chúa Jesus đã nêu gương về lãnh vực đó cho chúng ta, Ngài đã tự cấp dưỡng cho mình với tư cách là một người thợ mộc trong những năm đầu trưởng thành, nhưng trọn ba năm chức vụ, Ngài và các môn đồ đã có "Giannơ vợ Chuxa, là quan nội vụ của Vua Hêrốt, Susannơ và nhiều người khác nữa cấp dưỡng cho, bằng những của cải của họ " (LuLc 8:3)
Khi con người dâng hiến của cải cho công việc của Chúa thì nhiều điều kỳ diệu xảy ra. Một câu chuyện từ New Orleans cho thấy một số điều Đức Chúa Trời làm qua sự dâng hiến của chúng ta. Cô bé Lisa mười tuổi kiếm được 15 Mỹ kim từ một garage .Thay vì tiêu món tiền đó vào kẹo bánh, đồ chơi hoặc áo quần. Lisa quyết định dâng số tiền đó cho một nhà truyền giáo đô thị tên là Chuck Morris, đang làm việc với hội YWAM bên trong thành phố "Ông hãy dùng số tiền này cho các hội truyền giáo", cô bé gái nói và đặt 15 đồng vào tay ông.
Hiểu rằng 15 đồng này có ý nghĩa thế nào đối với một đứa trẻ mười tuổi, ông Chuck thận trọng cân nhắc xem phải đầu tư vào chỗ nào cho em. Sau đó ông nghĩ đến David, một bé trai gần mười tuổi mà chẳng bao giờ em có cơ hội để được gặp gỡ. David không có việc làm và phải ngủ trong công viên của thành phố. Nhưng ông Chuck đã đưa dắt David đến với Chúa. David muốn tìm một việc làm, nhưng cậu không thể mua nổi tấm thẻ căn cước người ta đòi hỏi để được làm việc ở tại Louisiana. Ông Chuck quyết định dùng số tiền 15 Mỹ kim của Lisa mua thẻ căn cước cho David để cậu ta có được sự tự trọng do có một việc làm được trả lương.
Sau đó ông Chuck gởi cho Lisa một tấm hình của David và một lá thư để giải thích 15 Mỹ kim của em đã có ý nghĩa như thế nào đối với David. Trong vòng vài tuần lễ sau, David cũng viết cho Lisa một lá thư để cảm ơn cô và cho cô biết anh đã tìm được một việc làm. Ngày nay, Lisa vẫn thường cầu nguyện đều đặn cho David, vì biết rằng số tiền em dâng cho Chúa đã tạo được một sự thay đổi trong đời sống của một con người.
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ giữa cả triệu câu chuyện như vậy, nhưng nó cho thấy nhân tố quyết định là Chúa, có liên quan đến vấn đề tài chánh trong chừng mực nào. Hàng cuối cùng trong quyển sổ chi thu của Ngài chính là các mối tương quan, Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng cách ban cho, không những Ngài chỉ ban cho chúng ta Con Độc Sanh yêu dấu của Ngài như là một hành động rộng lượng nhất trong lịch sử, nhưng Ngài vẫn không ngừng ban cho mỗi một người trong chúng ta.
Lời Chúa cho chúng ta biết rằng mọi ân điển tốt lành đều đến từ Cha Thiên Thượng của chúng ta (Gia Gc 1:17). Đến lượt chúng ta cũng bày tỏ lòng yêu thương đáp lại với Ngài bằng cách ban cho người khác. Song thay vì chỉ làm vững mạnh mối quan hệ yêu thương giữa chúng ta với Chúa, việc ban cho của chúng ta còn ràng buộc tấm lòng của chúng ta với người nhận sự ban tặng ấy nữa.
Sự Ban Cho Nối Liền Tấm Lòng
Chúa Jesus cho biết của cải ở đâu, thì lòng chúng ta cũng ở đó. Khi chúng ta dâng "của cải mình cho những người nào đó và cho những chức vụ cụ thể của họ, tấm lòng chúng ta cũng sẽ gắn bó với họ. Chúng ta thấy mình có trách nhiệm phải cầu nguyện cho họ, giống như cô bé Lisa trong câu chuyện ở tại New Orleans. Có thể có những miền đất cách xa chúng ta đến nữa vòng trái đất mà chúng ta không bao giờ ghé đến, nhưng chúng ta sẽ gần gũi hơn với những người đó và với những gì Đức Chúa Trời tạo dựng và làm vững bền các mối quan hệ vì cớ sự ban cho của bạn. Bạn sẽ khiêm nhường khi biết có ai đó dâng hiến cho bạn, nhất là nếu bạn biết họ đã hy sinh để dâng cho bạn và công việc bạn làm. Điều đó khiến bạn cần phải cẩn thận và không được lạm dụng lòng tin cậy mà họ đặt nơi bạn. Đó là điều quan trọng để mỗi người kinh nghiệm được. Lòng kiêu hãnh của chúng ta giảm xuống trước sự dâng hiến rộng rãi, khi chúng ta không thể trả nỗi, song chỉ có thể cảm ơn họ và cầu nguyện xin Chúa ban phước lại cho họ. Thà chúng ta tự cấp dưỡng thì hơn.
Tôi đã nhiều lần trò chuyện với những người muốn một ngày kia sẽ trở thành nhà truyền giáo khi nào họ có thể đủ chi phí theo cách riêng của họ để đi ra. Nhưng điều đáng buồn đó là thậm chí nếu như có một vài người xoay xở được cách để không vướng vào những món nợ và tìm được cách để tự tài trợ cho công việc của mình, thì họ đã bỏ mất mối liên kết của tấm lòng khiêm nhường, của kinh nghiệm khủng khiếp nhưng kỳ diệu xảy ra khi ai đó đặt tiền vào tay bạn và nói rằng Chúa bảo người ấy giao cho bạn.
Có một mối liên kết đặc biệt tồn tại mãi mãi giữa bạn và người đã dâng tặng cho bạn. Bạn quan tâm đến người ấy và bạn cầu nguyện cho người ấy một cách khác biệt hơn với những người không hề dâng tặng cho bạn một cách cá nhân. Bạn cũng sẽ tự nhiên muốn chia xẻ tin tức chức vụ của bạn với người ấy, kể lại những gì mà món quà tặng của người ấy đã làm được cho công việc Chúa.
Tất cả những mối quan hệ này có được là nhờ nguyên tắc ban cho của Chúa Jêsus với tư cách là những chi thể trong Thân của Ngài . Bởi vì mỗi một chức vụ đều cần có tiền bạc, Ngài đã bảo đảm rằng chúng ta sẽ luôn luôn cần đến nhau và luôn luôn phải làm việc dựa trên các mối tương quan của chúng ta. Đồng thời nhu cầu của chức vụ sẽ được đáp ứng, những người có việc làm ở các thành phố và thị trấn sẽ có cái nhìn mở rộng và sẽ đến để nhìn thế giới này theo quan điểm của Đức Chúa Trời, tất cả đều nhờ việc ban cho của họ và những lời tường thuật mà họ nhận được từ những người đại diện cho cá nhân họ "ở tại đó". Và lời cầu nguyện sẽ tăng lên mọi bề, thực hiện công việc chiến đấu thuộc linh cần thiết cho bất cứ công việc gì cần được hoàn thành. Không điều nào trong những điều này có thể xảy ra để công việc Chúa cứ được tiến triển nếu chúng ta không nhờ vào tiền bạc và những người bằng lòng dâng hiến,
Dường như điều này khó đối với một nhà truyền giáo hoặc vị mục sư đang sống chật vật, song nếu có một ngân quỹ khổng lồ phải tài trợ cho công việc của người ấy, hoặc có một nhà tỷ phú nào đó đã đăng ký một chi phiếu khổng lồ rồi, thì chức vụ của người ấy đã đến lúc tận số. Các giáo sĩ không phải chỉ cần tiền bạc. Họ cần những người nâng đỡ họ, cầu nguyện cho việc mở mang nước Chúa; cam kết với họ trong trận chiến thuộc linh bằng sự dâng hiến và sự cầu thay.
Một Kế Hoạch 30/30 Dành Cho Việc Dâng Hiến Cho Các Hội Truyền Giáo
Tại Phi Châu, một thanh niên tên Archie Guvi từ Zimbabwe đến gặp tôi với một thắc mắc.
"Thưa ông Loren, Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi trở thành một nhà truyền giáo. Nhưng tôi không được cấp dưỡng về mặt tài chánh, và đồng bào tôi chưa bao giờ được dạy về việc dâng hiến cho các nhà truyền giáo. Tôi có thể làm gì ở đây?
Tôi nói với anh ta "Vậy thì anh phải dạy Kinh Thánh bằng tiếng địa phương của họ, không phải Kinh Thánh chép rằng hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người sao?"
Khi anh tỏ vẻ ngần ngại vì không nghĩ rằng những người dân nghèo của anh có thể giúp anh ra đi, tôi hỏi anh ở Zimbabwe một chai nước ngọt bao nhiêu tiền. Anh trả lời "Hai mươi lăm xu"
Tôi nói "Archie, anh có quen biết 25 người mà họ có thể tặng anh một chai côca côla nếu anh đến thăm nhà họ vào một ngày nóng nực và xin họ không?"
"Ồ, có chứ". Anh trả lời
"Liệu họ có làm điều đó mỗi ngày được không...họ có quen biết và yêu mến anh tới mức đó không?"
"Tôi nghĩ là có", anh trả lời
"Vậy thì hãy đi tìm 25 người đồng ý mỗi ngày tặng cho anh số tiền bằng một chai Côca Côla".
Sau đó tôi được tin Archie đã trở thành một nhà truyền giáo. Đáng lẽ tôi phải thách thức anh tìm 30 người, nhưng tôi chỉ nói có 25. Tuy nhiên kiểu mẫu ấy đã hoạt động được ở bất cứ nơi nào, ở mức nhu cầu nào, với một điều chỉnh nhỏ. Có khoảng 30 ngày trong mỗi tháng (chứ không phải 25).
Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi nhà truyền giáo đều ấn định một mục tiêu là tìm cho mình 30 người, mỗi người sẽ chịu trách nhiệm các chi phí của mình chỉ trong một ngày để mình làm công việc Chúa? Người ấy sẽ có 30 người mà tấm lòng của họ theo sau của cải, sẽ cầu nguyện cho người ấy, tin cậy người ấy và nâng đỡ người ấy khi người ấy cần sự khích lệ.
Điều gì xảy ra nếu như có tình trạng khẩn cấp nào đó xảy ra? một sự khủng hoảng nào đó, đòi hỏi phải cầu nguyện thêm? Người truyền giáo ấy sẽ liên lạc với 30 người đó để cầu nguyện, và 30 con người đó có thể có một ảnh hưởng trên 10 người khác. Mỗi người có thể yêu cầu 10 người quen biết họ cầu nguyện, như vậy có nghĩa là 300 người có thể lập tức cầu nguyện cho nhà truyền giáo.
Hãy mở rộng ảnh hưởng đó thành một tổ chức truyền giáo như tổ chức YWAM, làm việc để đem tin lành đến cho mọi vùng đất trên thế giới, và thật lệ thuộc vào nền tảng cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta có thể có từ 300.000 đến 3.000.000 người đang cầu nguyện.
Đề án này cũng có thể giải quyết được một số các nan đề thông thường. Tôi vẫn thường thấy những vị mục sư mang gánh nặng ở khắp nơi trên thế giới, vậy mà vẫn còn nghe tiếng kêu xin của một nhà truyền giáo khác nữa. Vị mục sư muốn giúp đỡ, song ông ta đã phải khó khăn để mà cảm thúc dân sự mình ban cho. Ông ta đang đẩy một gánh nặng chết lên một ngọn đồi, tìm cách làm cho tín đồ của mình phải quan tâm đến những người lạ.
Còn có những nan đề khác gắn liền với việc không có sự dâng hiến cá nhân cho các hội truyền giáo. Tôi thường thấy sự nản lòng của một công tác viên khi phải trở về, rời bỏ chức vụ được phân công bởi vì Hội thánh đang cấp dưỡng cho anh ta đột ngột có sự thay đổi chủ tọa, và vị mục sư mới không hề biết gì về anh hoặc không tin tưởng công việc anh đang làm. Chẳng bao lâu sau, Hội thánh bị lâm vào tình thế khó khăn về mặt tài chánh, sự cấp dưỡng của nhà truyền giáo bị cắt đứt. Hoặc thậm chí buồn hơn nữa, các Hội thánh phân rẽ hoặc bị giải thể, bỏ mặc các nhà truyền giáo bơ vơ.
Tuy nhiên, với những người được trợ giúp qua các mối tương quan cá nhân (ngay cả nếu các ngân quỹ được nối liền với hội thánh địa phương, như trong kế hoạch 30 ngày/30 người, nếu như một hậu thuẫn viên qua đời hoặc bị phá sản hoặc rút lui vì một lý do nào đó, thì nhà truyền giáo chỉ phải kiêng ăn một ngày trong một tháng cho đến khi anh ta thay thế được người hậu thuẫn đó! Nói nghiêm túc, phải tìm một người thay thế thì dễ hơn là mất tất cả hoặc mất đa số người cấp dưỡng cho mình. Nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta hãy nghĩ đến những mối quan hệ bạn hữu phát triển qua việc "liên kết tấm lòng với mục đích" để chinh phục thế gian cho Chúa Cứu Thế.
Những Lợi Ích Của Việc Hội Truyền Giáo Cấp Dưỡng, Phương Pháp Của Chúa Jesus
Chúa Jesus được các bạn hữu Ngài cấp dưỡng, không phải bởi ngân quỹ của một tập thể, hoặc một tài khoản khách quan, mà chỉ là các bạn hữu. Không có gì là sai Kinh Thánh đối với những phương tiện khách quan để cấp dưỡng cho việc truyền giáo cả. Nhưng có nhiều lợi ích khi chúng ta có những con người trực tiếp hỗ trợ cho con người:
. Những người dâng tặng có được niềm vui vì được dự phần vào chức vụ của ai đó. Những mối liên kết của tấm lòng được hình thành giữa những con người với nhau chứ không phải giữa những cơ cấu tổ chức.
. Có khả năng tính toán trực tiếp giữa vị truyền giáo với những người hậu thuẫn cho ông ta hoặc bà ta.
. Người cho có được sự hiểu biết trực tiếp và thức thời về điều đang xảy ra trong các hội truyền giáo qua sự thông tin liên lạc đều đặn của người truyền giáo của mình.
. Sự ban cho gắn liền với tấm lòng không dễ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái hoặc các thời kỳ khó khăn.
. Nó tạo cho mỗi một nhà truyền giáo có cơ hội tìm được sự giúp đỡ mà người ấy đang cần, chứ không phải chỉ những người đang thực hiện chức vụ "được tán dương" hơn hoặc "thú vị" hơn.
Cố tiến sĩ Donal McGavran, một chuyên gia của các hội truyền giáo ở tại Thần Học Viện Fuller, kêu gọi các Cơ Đốc nhân hãy bắt đầu hàng ngàn ban truyền giáo nhỏ, có liên quan trực tiếp đến một hoặc hai nhà truyền giáo trên một nền tảng cá nhân. Lý do thật là rõ ràng, có nhiều bất tiện trong phương pháp giữ theo truyền thống là cách Hội thánh cấp dưỡng cho một danh sách các nhà truyền giáo. Thông thường, chẳng có ai trong Hội thánh thật sự biết rõ các nhà truyền giáo trên bảng danh sách. Đôi khi có đến 8 hoặc 10 năm kể từ khi một nhà truyền giáo đích thân đến thăm viếng nơi đó. Và bởi vì đó chỉ là một buổi nhóm của Hội thánh, các tín hữu không được quen biết nhà truyền giáo cách cá nhân. Và thường cũng không ai đọc các bức thư báo cáo của nhà truyền giáo, ngoại trừ vị thư ký vô cùng bận rộn của Hội thánh đọc thử bức thư, hoặc có thể vị chủ tịch truyền giáo. Những vị này có thể chỉ mới đến Hội thánh và có thể chưa hề gặp những người mà các bức thư của họ được gởi đến theo đường bưu điện.
Ngay cả những vị mục sư được cảm động hết sức muốn dẫn dắt tín hữu của mình dâng hiến cho các hội truyền giáo cũng thấy đó là một công tác khó khăn dưới hệ thống nầy. Một số tâm sự rằng họ phải làm ngạc nhiên hội chúng của họ bằng một vị diễn giả truyền giáo, hầu cho hội chúng sẽ không giữ một khoảng cách với một buổi nhóm "buồn tẻ" của các hội truyền giáo.
Một Cuộc Thử Nghiệm Của Người Na-uy
Một trong những kế hoạch mới mẻ nhất mà gần đây tôi được thấy đã bắt đầu bởi hội YWAM ở tại Nauy. Họ đã bắt đầu Ra Đi Trong Tình Anh Em, tức là các nhóm cấp dưỡng nhỏ được thành lập với mục đích cử các nhà truyền giáo ra đi. Một số đặc điểm của các nhóm nầy là:
. Mỗi một nhóm Ra Đi Trong Tình Anh Em được tổ chức như là một nhóm hậu thuẫn cho một nhà truyền giáo (họ có 28 nhóm như vậy sẵn sàng hoạt động trong những vùng khác nhau thuộc Nauy)
. Mỗi một nhóm Ra Đi Trong Tình Anh Em bao gồm những người thuộc ít nhất là hai Hội thánh khác nhau để tăng cường tối đa sự hợp tác trong Thân Thể Đấng Christ.
. Các nhóm nầy nhóm lại mỗi tuần một lần để cầu nguyện cho nhà truyền giáo của họ. Họ cũng đọc bức thư mà nhà truyền giáo gởi đến trong tuần đó, cùng các tin tức từ văn phòng YWAM quốc gia. Mỗi tháng một lần, họ xem một cuộn băng Video tường trình các công việc của các hội truyền giáo. Khải Tượng Toàn Cầu của hội YWAM (Global Perspective)
. Họ cầu nguyện cho nhóm người chưa được nghe đến tin lành mà nhà truyền giáo sắp sửa đi đến. Đôi khi họ bắt đầu một nhóm Ra Đi Trong Tình Anh Em để nhắm vào một nhóm đông người chưa nghe tin lành ngay cả trước khi tìm ra được một nhà truyền giáo để gởi đến cho nhóm người ấy.
. Họ có một người điều phối trọn thì giờ của các nhóm Ra Đi Trong Tình Anh Em tại văn phòng YWAM quốc gia Nauy. Công việc của người nầy là giữ cho các nhóm Ra Đi Trong Tình Anh Em lúc nào cũng có được các thông tin mới nhất về công cuộc truyền giáo thế giới.
Bạn có thể hình dung được tính năng động của các nhóm đó không? Họ hoạch định để gia tăng số lượng của các nhóm nầy mỗi năm cho đến khi họ có được 1.000 nhóm và 1.000 nhà truyền giáo mới vào cuối thập kỷ nầy. Tôi tin chắc rằng các vị mục sư địa phương sẽ khám phá ra những người thuộc các nhóm Ra Đi Trong Tình Anh Em nầy đã bùng cháy để đẩy mạnh các hội truyền giáo bằng nhiều cách tại các hội thánh địa phương của họ. Một số người dùng các kỳ nghỉ để đi thăm những nhà truyền giáo của họ. Nhiều người có lẽ cuối cùng chính họ sẽ trở thành các nhà truyền giáo.
Tự Do Phạm Lỗi Tự Do Vâng Lời Chúa
Một số người lãnh đạo sợ kiểu liên quan trực tiếp nầy do việc dâng hiến của những người trong các hội truyền giáo. Chắc chắn là có sự mất kiểm soát trên việc dâng hiến của các thành viên trong Hội thánh. Tuy nhiên, mất kiểm soát là một phần của lòng rộng rãi. Hễ khi nào bạn rộng rãi và ban cho, thì bạn mất sự kiểm soát.
Đó cũng là sự thử thách tương tự mà tôi đã đối diện khi Chúa dẫn dắt chúng tôi thành lập một tổ chức truyền giáo mà không có một người nào được trả lương. Chúng tôi không gây quỹ để bỏ vào một khoản tài trợ tập trung cho việc trả lương các nhân sự, vì vậy chúng tôi không có quyền đủ để thuê hoặc sa thải các công tác viên.
Tôi thường phải cho phép hàng ngàn các nhà truyền giáo trọn thì giờ của chúng tôi khắp thế giới được tự do tối đa. Điều đó cho phép họ có sự tự do nhiều hơn để tìm kiếm Chúa, để nhận sự chỉ dẫn của Ngài, ra đi và vâng lời Ngài theo khả năng tốt nhất của họ. Họ có thường phạm lỗi không? Chắc chắn là có. Nhưng cũng thường có một hệ thống kiểm tra và cân đối tự nhiên, chẳng hạn những người có ý tưởng mới mẻ có thể đem những tư tưởng ấy ra thử nghiệm xem thử đây có phải là sự dẫn dắt của Chúa hay đó chỉ là ý tưởng ngông cuồng của lòng nhiệt thành tuổi trẻ.
Những người lãnh đạo thuộc linh phải thận trọng để đừng kiềm chế và sai khiến các tôi tớ của Chúa được Thánh Linh dắt dẫn, là người được mua bằng huyết trong vườn nho của Ngài. Chúng ta, những Cơ Đốc nhân là những tôi tớ, cần phải ban cho với đôi bàn tay rộng mở. Chúng ta không bao giờ được tìm cách ban cho mà còn kiểm soát chặt chẽ. Sự ban cho bị kiểm soát chặt chẽ quá sẽ làm nghẹt ngòi tính chủ động, và cuối cùng thậm chí có thể đặt chúng ta vào cùng một hạng với vua Tyrơ. Phương pháp của Satan là kiểm soát người ta qua tiền bạc.
Mới đây, một nhà doanh nghiệp đề nghị thu xếp số còn lại trong ngân sách để dâng cho một công việc Chúa có nhu cầu ở tại Ấn độ, làm như vậy ông sẽ được đa số ủng hộ trong cuộc bầu cử vào ban chấp hành của họ.
Đó không phải là sự rộng rãi theo Kinh Thánh hay là tấm lòng ban cho của người tôi tớ.
Vậy trách nhiệm quản lý đúng đắn trong lĩnh vực tài chánh của các ban chấp hành truyền giáo nhỏ sẽ thế nào? Có thể được giải quyết bằng cách để một Hội thánh địa phương giúp đỡ ban chấp hành nhỏ của hội truyền giáo bằng việc nêu lên những số họ thu nhận, và yêu cầu nhà truyền giáo phát biểu vấn đề chi tiêu mỗi cuối năm. Hội thánh có thể e ngại thực hiện công việc này, vì nghĩ rằng việc đó sẽ làm yếu đi nền tài trợ chính của nó. Tuy nhiên, trong hơn ba mươi năm, tôi vẫn thường thấy Hội thánh nào có lòng cởi mở đối với việc dâng hiến của những tín hữu đến bất cứ nơi nào Chúa dẫn dắt thì các nhu cầu của họ được thỏa đáp cách dư dật. Đây là một sự mở rộng liên hiệp của lẽ thật cho và nhận theo Kinh Thánh (LuLc 6:38)
Khi cá nhân cấp dưỡng cho các cá nhân, thì các Hội thánh thực hiện loại ban cho phù hợp nhất, tức là việc ban cho trong những đề án lớn với sự bắt đầu và kết thúc rõ ràng.
Những Nguyên Tắc Của Kinh Thánh Đối Với Việc Gây Quỹ
Kinh Thánh dạy dỗ nhiều nguyên tắc liên quan đến việc gây quỹ và cấp dưỡng cho hội truyền giáo, thậm chí dành cả một chương cho vấn đề này 1 .
Một mặt, Kinh Thánh dạy người hầu việc Chúa trọn thì giờ phải coi các tặng phẩm từ nơi hội chúng như là đã được dâng cho Chúa, cũng như những của dâng được dâng cho người Lêvi trong Cựu ước đã được nên thánh (LeLv 22:1-33). Vì vậy, mỗi một công tác viên trọn thì giờ phải nhận các của dâng với sự cẩn trọng và lòng kính sợ Chúa. Người ấy không bao giờ được xem thường việc người ta đã hy sinh để dâng cho mình.
Một nguyên tắc khác chúng ta học được từ Kinh Thánh nữa là bất cứ ai quản lý tiền bạc mà dân sự đã dâng vào công việc Chúa phải có trách nhiệm quản lý số tiền ấy. Khi Phao Lô cử Timôthê trên một chuyến đi gây quỹ cho các thánh đồ nghèo, ông cũng gởi kèm theo một người anh em vô danh, là người đã được chứng tốt và chuyên tâm để giúp việc quản lý. Khi Phao Lô bảo "Chúng tôi nhờ đó tránh khỏi tiếng trách móc về sự dùng tiền góp nhiều như vậy vì chúng tôi tìm điều lành, chẳng những ở trước mặt Chúa, mà cũng ở trước mặt người ta nữa" (IICo 2Cr 8:20-21). Hãy lưu ý, đứng trước mặt Đức Chúa Trời không thôi thì chưa đủ, mà còn phải đứng theo cái nhìn của công chúng nữa.
Có một số nhóm vội vã không tôn trọng ý định của các tặng phẩm đã được nêu rõ, họ không giao đúng toàn bộ của dâng cho một dự án hoặc cho người mà món quà đã được chỉ định. Như vậy không những trái với đạo lý mà trong nhiều quốc gia là nghịch với pháp luật. Bào chữa, và chuyển các tặng phẩm đến chỗ mà chúng ta thấy cần hơn là việc làm không phải lẽ. Nếu như có sự thay đổi hoàn cảnh, chúng ta cần phải liên hệ với người cho và hỏi người ấy xem phải làm gì với món quà đó. Nhưng chúng ta phải luôn luôn tôn trọng những ý định của họ một cách nghiêm túc, hãy giao tiền bạc đến đúng chỗ mà người cho muốn tiền của họ được sử dụng.
Các Mạng Lưới Cầu Nguyện Và Phụ Thuộc Lẫn Nhau
Khi dân sự dâng hiến theo như Chúa dẫn dắt lòng họ, thì chúng ta sẽ thấy sự dư dật trong công việc của Ngài. Điểm then chốt đối với Đức Chúa Trời không phải là tiền bạc, mà là các mối tương quan. Ngài sẽ dùng những sự cộng tác trong việc dâng hiến để xây dựng một mạng lưới cầu nguyện, và làm vững mạnh tính phụ thuộc lẫn nhau giữa vòng các con cái của Ngài. Khi chúng ta ban cho, của cải chúng ta sẽ có một phần nằm nơi nhân sự nầy và một phần nằm nơi một nhân sự kia, một ít nằm ở một xứ nào đó và một số khác nằm ở một miền đất khác. Tầm nhìn và sự cảm nhận của chúng ta về niềm phấn khởi được dự phần vào công việc Đức Chúa Trời đang thực hiện khắp nơi trên thế giới sẽ càng tăng thêm. Chúng ta đã có một cổ phần trong đó.
Thật lạ lùng và kỳ diệu khi nhìn xem hệ thống kinh tế của Đức Chúa Trời vận hành. Trong Hội Thanh Niên Sứ Mạng, có nhiều việc ban cho nhằm đáp ứng các nhu cầu của người khác. Khi tôi để ý cùng một số tiền ấy được trao đổi từ tay người nầy sang người khác, tôi đã phải sửng sốt vì thấy Đức Chúa Trời hành động thật quá nhiều. Đó là cách đã xảy ra tại Hilo, thuộc Hawaii trong một vài năm về trước.
Là những người đứng đầu của một trường huấn luyện các nhà truyền giáo tại Hilo, chúng tôi bắt đầu lo ngại vì tổng số học phí chưa thanh toán đang tăng lên. Chúng tôi, những người lãnh đạo nhóm nhau lại để cầu hỏi Chúa xem điều Ngài đang muốn phán với chúng tôi trong tình huống nầy là gì.
Một ý tưởng đến với tâm trí tôi là hãy đọc IICôrinhtô đoạn 8, tôi biết đoạn Kinh Thánh đó nói về việc giúp đỡ nhu cầu của các thánh đồ, nhưng khi tôi bắt đầu đọc thì câu 14 và 15 lại đập vào mắt tôi.
"Theo cảnh bây giờ, anh em có dư thì bù cho họ lúc túng thiếu, hầu cho họ có dư cũng bù lại lúc túng thiếu cho anh em, như vậy là bằng nhau, theo lời chép rằng: Kẻ đã thâu nhiều cũng chẳng dư, kẻ thâu ít cũng chẳng thiếu chi ".
Tôi nhớ những lời lẽ của một nhà truyền đạo cao tuổi. Ông nói rằng trong mọi tập thể Đức Chúa Trời đều đã đặt một số lượng tiền cần thiết cho bất cứ nhu cầu nào mà Ngài dẫn dắt tập thể ấy thực hiện. Và bây giờ dường như Chúa đang phán với chúng tôi rằng chúng tôi phải đáp ứng cho nhu cầu của các học viên nầy, với số lượng hàng ngàn Mỹ kim học phí chưa được trả, giữa vòng 150 nhân sự và học viên của chúng tôi.
Chúng tôi nhóm các học viên cùng các nhân sự lại và nói lên điều cảm nhận được từ nơi Chúa. Trước hết, tôi mời những người có các biên lai học phí chưa thanh toán đứng lên và nói cụ thể số tiền họ cần. Sau đó, tôi mời cả nhóm cầu nguyện theo từng cá nhân, hoặc theo từng cặp vợ chồng, để cầu hỏi Chúa họ có phải dâng giúp không, nếu có thì số tiền đó là bao nhiêu và ai là người họ cần phải cho.
Darlene vợ tôi và tôi cùng thầm nguyện bên cạnh nhau. Sau một vài phút, tôi khẽ hỏi "Em nhận được sự chỉ dẫn nào, Dar?"
Nàng nói "Em cảm thấy Chúa muốn chúng ta phải dâng 100 Mỹ kim cho Tom Hallas"
"Nhưng em yêu, chúng ta phải cầu nguyện cho nhu cầu của các học viên cơ mà", tôi tỏ rõ "còn Tom Hallas là nhân sự". Dẫu không nói ra nhưng ý của tôi đã rõ: Điều em nhận là sai rồi, chắc hẳn đó không phải là điều Chúa phán. Đoạn tôi cho nàng biết rằng tôi đã nhận được một sự chỉ dẫn rõ ràng hãy tặng 50 Mỹ kim cho một học viên. Tôi không thể nói từng chữ cho nàng biết rằng "Chúng ta hiện có chưa đến 100 Mỹ kim trong ngân quỹ, Dar à. Mà chúng ta chỉ có khoảng hơn 50 Mỹ kim thôi"
Mọi người vẫn cúi đầu cầu nguyện. Một vài người đang di chuyển giữa nhóm người, tiền đang được trao vào những đôi tay, người ta đang ôm siết nhau và đang cười hoặc khóc khe khẽ.
"Thôi được, anh Loren à", Dar nói "Có lẽ đây chỉ là việc giữa em và Chúa. Có lẽ em phải tin cậy Chúa để tự mình lo liệu cho có được 100 Mỹ kim và trao cho Tom".
Đoạn tôi nhận ra có lẽ mình sắp sửa bỏ lỡ một điều gì đó. Chúng tôi quyết định mỗi người đến riêng với Chúa, nhưng lần này với điều suy nghĩ của người kia. Tôi sẽ hỏi Chúa chúng tôi có phải dâng 100 Mỹ kim cho Tom hay không, còn Dar hỏi Ngài chúng tôi có phải dâng 50 Mỹ kim cho một học viên nọ không. Tôi thật ngạc nhiên vì mỗi chúng tôi đều cảm nhận thật chắc chắn rằng cả hai ý tưởng đó đều đến từ Chúa. Đôi khi, người ta có thể có những sự dẫn dắt khác nhau từ nơi Đức Chúa Trời và đã quên mất điều này: Đức Chúa Trời không bảo hoặc điều này, hoặc điều kia, song Ngài phán cả hai đều đúng.
Tôi viết một ngân phiếu 50 Mỹ kim và trao cho học viên có tên Chúa đã dẫn dắt tôi. Đoạn tôi quay về chỗ ngồi và chúng tôi chờ đợi để thấy điều Ngài sẽ làm. Vì chúng tôi không thể dâng số 100 mà mình không có.
Ngay lúc ấy, Tom Hallas bước đến, gương mặt anh lộ vẻ thắc mắc. Anh bước đến gần tôi và nói thật nhỏ để không quấy rầy những người khác vẫn còn đang cầu nguyện và tìm kiếm tiếng phán của Chúa.
"Diane và tôi", anh bắt đầu nói, ra dấu trỏ về hướng vợ anh "Ơ...chúng tôi đang cầu nguyện và chúng tôi nghĩ Chúa bảo chúng tôi hãy dâng 100 Mỹ kim cho một học viên. Anh gãi gãi sau tai mình, nhướng mắt với vẻ nghĩ ngợi "Nhưng chúng tôi không có đồng nào cả. Anh Loren nầy, anh có nghĩ rằng Chúa sẽ làm điều đó không?"
Tôi cười "Phải, tôi thật sự nghĩ rằng Chúa sẽ làm điều đó! Thật ra, Chúa đã bảo Dar và tôi hãy dâng 100 cho anh và chúng tôi cũng không có số tiền đó. Chúng ta hãy đợi một phút xem điều Ngài làm".
"Tốt" Tom rùn vai "Ít ra tôi cũng cảm thấy dễ chịu hơn". Anh quay về chỗ và ngồi xuống.
Kế đó, một nhân sự tên là Debbie Smith tiến đến chỗ tôi và Dar. Cô ta cũng mang một vẻ mặt ngơ ngác giống như vậy "Loren này, Chúa bảo tôi hãy dâng cho anh 100 nhưng không phải để cho anh". Trông cô ta thật bối rối "Liệu Ngài có làm điều đó không?"
"Chắc chắn Ngài sẽ làm đấy, cô Debbie à. Hãy đứng đây nhé, đừng đi đâu". Tôi gọi Tom và Diane đến. Đoạn tôi nói với Debbie "Hãy cho tôi 100". Cô ta đặt nó vào tay tôi. Tôi chuyển nó cho Tom, với Darlene đứng bên cạnh tôi "Tom, Chúa đã bảo chúng tôi giao 100 nầy cho anh". Anh ta cầm lấy và cười thành tiếng, rồi quay đi để tìm người học viên mà Chúa đã dẫn dắt anh hãy cho.
Tôi lắc đầu trong sự sửng sốt. Tại sao Chúa không bảo Dibbie trao thẳng cho học viên kia? Tại sao Ngài lôi cả Dar và tôi, Tom và Diane, và cả Dibbie vào? Tôi nghĩ là Ngài cho chúng tôi có thể nhìn thấy một quy mô nhỏ về nguyên tắc phân phối của Đức Chúa Trời vận hành trên khắp thế giới. Cùng số tiền đó, AgKg 2:8 chép rằng hết thảy đều thuộc về Chúa dưới bất cứ hình thức nào, chuyển từ tay này sang tay khác, đáp ứng các nhu cầu, và cho phép tất cả chúng ta được dự phần vào phép lạ của sự cung ứng, củng cố sự hiệp nhất và thách thức chúng ta trong sự vâng lời.
Thân thể của Đấng Christ đã có đủ số tiền cần thiết cho mọi công việc của Ngài. Tiến sĩ David Barrett chủ bút của bộ "World Christian Encyclopedia" (Bách khoa về Thế Giới Cơ Đốc) từng nói rằng hai phần ba của cải thế giới nầy nằm dưới quyền sở hữu và kiểm soát của các Cơ Đốc nhân2. Chúng ta không cần phải có thêm tiền cho Thân Thể của Đấng Christ, mà cần để cho tiền bạc được lưu xuất dễ dàng hơn. Khi chúng ta ban cho người khác, giữa cá nhân với cá nhân, giữa hội thánh với hội thánh, qua các hệ thống quốc gia và giáo phái, thì thân thể của Đấng Christ sẽ được kéo lại gần nhau hơn và gần với Chúa hơn.
Ghi chú : Chương 8
1. Xem ICôrinhtô 9 và IICôrinhtô đoạn 8 và 9
2. Quyển "Our Globe and How To Reach It" (Địa Cầu Của Chúng Ta và Cách Đạt Đến Nó) của David Barrett và Todd M.Johnson, 1990, New Hope, Birmingham, Al, trang 25

Mục lục:

1 LỜI NÓI ĐẦU10 SỐNG BỞI ĐỨC TIN
2 PHÁ HỎNG VIỆC TÌM KIẾM11 BAN CHO NHƯ THẾ NÀO
3 BẠN ĐÃ TỪNG THẤY MỘT CHÚ CHIM LO LẮNG CHƯA?12 NHỮNG PHƯƠNG TIỆN CẤP DƯỠNG
4 TẠI SAO PHẢI SỐNG BẰNG ĐỨC TIN13 PHẢI XIN TRỢ GIÚP NHƯ THẾ NÀO
5 ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TIỀN BẠC14 VẤN ĐỀ SUNG TÚC
6 VUA CHỨNG KHOÁN WALL STREET15 KHI CÔNG VIỆC KHÔNG KẾT QUẢ
7 LÀM THẾ NÀO GIỮ MÌNH KHỎI SỰ THẤT BẠI16 NẾU BẠN RỜI KHỎI MÉP BỜ
8 ĐƯỜNG LỐI KINH TẾ THÍCH HỢP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI17 VIỆC TẠO RA CỦA CẢI
9 SỰ CẤP DƯỠNG CỦA HỘI TRUYỀN GIÁO



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 01:34 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách