Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 4326|Trả lời: 0

Chúa Giê-xu - Sự Cầu Nguyện

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 8-11-2011 09:20:33 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Chúa Giê-xu Người Lãnh Đạo Gương Mẫu
NGƯỜI GIẢNG ĐẠO  
Tác giả: Dr. Davit J. Wriglesworth

Sự Cầu Nguyện:
“Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời” (ICo1Cr 1:18). Người truyền đạo được kêu gọi rao giảng Lời Đức Chúa Trời không chút thỏa hiệp (Mac Mc 16:15; ICo1Cr 1:23; IITi 2Tm 4:2). Về cơ bản, giảng đạo là rao báo tin tốt lành dưới hình thức sứ điệp thông qua một bài giảng theo đoạn Kinh Thánh, theo chủ đề, hay theo cách giải nghĩa Kinh Thánh. Chữ Hylạp kergyma nói lên việc rao giảng đạo trong khi chữ didache nói đến việc dạy Lời Đức Chúa Trời. Đôi khi hết sức khó phân biệt sự khác nhau này, vì người truyền đạo sẽ giảng lẫn dạy. Giảng đạo nên là một sự dạy dỗ tốt; và việc dạy có thể ra từ việc giảng đạo tốt.
Một lãnh đạo giỏi của hội thánh sẽ đặt sứ điệp trở thành điều ưu tiên cho công việc. Hội thánh địa phương tiếp nhận vị mục sư vì một lý do chính ấy là rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Người của Đức Chúa Trời được kêu gọi để giảng đạo; và hội thánh ủy nhiệm cho người giảng Lời Đức Chúa Trời. Trong phương diện này, chức vụ mục sư như chúng ta biết ngày nay gắn liền với nhiều trách nhiệm ngoài lề của công tác rao giảng Lời Chúa, và Hội Thánh nhận được rất nhiều ích lợi. Nhưng đừng để điều gì ngăn trở người truyền đạo khỏi bổn phận chính mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi người làm. Chúng ta nên nghe lời khuyên của các sứ đồ đầu tiên khi nan đề của các góa phụ Hylạp nảy sinh trong hội thánh Giêrusalem: “Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo” (Cong Cv 6:4).
Rõ ràng, Chúa Jesus đã là Người Thầy, Người Truyền Đạo xuất sắc của mọi thời đại, với những bổn phận cơ bản: ăn năn và công nhận (Mat Mt 4:17). Vì Ngài là Mẫu Mực cho công tác giảng dạy tốt, nên tốt nhất là học tập nơi Ngài. Chúng ta thấy rất nhiều phương pháp khác nhau - giảng luận, ẩn dụ, những minh họa từ cuộc sống, lời tiên tri và khuyên bảo. Tương tự, Ngài truyền chúng ta phải noi gương Ngài (LuLc 4:43; Mac Mc 16:15). Việc rao giảng Lời Đức Chúa Trời bắt đầu từ chính vị Thầy; và rồi Ngài ủy thác cho chúng ta làm giống như Ngài.
Công tác rao giảng muốn kết quả và hữu hiệu thì phải được dầm thắm trong sự cầu nguyện liên tục và mạnh mẽ. Kinh Thánh truyền tín đồ phải “cầu nguyện không thôi” (ITe1Tx 5:17). Nếu mạng lịnh này được ban cho thân thể Đấng Christ, thì nó còn áp dụng cho người của Đức Chúa Trời biết đến chừng nào! Chúng ta thấy đây là chức vụ chính yếu của Chúa Jesus, và kết thúc trong lời cầu nguyện vĩ đại ở vườn Ghếtsêmanê, lời cầu nguyện của Chính Chúa chứ không phải Lời Cầu Nguyện Của Môn Đồ (GiGa 17:1-26; Mat Mt 6:1-34). Cầu nguyện là chức vụ then chốt cho mọi hội thánh và cho sự thành công của hội thánh. Thiếu cầu nguyện thì sẽ gặp cơn hạn hán thuộc linh. Nhưng có cầu nguyện thì hội thánh sẽ kinh nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Trời và được Ngài thăm viếng.
Người lãnh đạo phải dành thì giờ để cầu nguyện. Người ta đã có lần nói rằng một Cơ Đốc nhân trung bình thì cầu nguyện ba phút mỗi ngày, còn mục sư cầu nguyện năm phút một ngày. Nếu quả đúng vậy, thì đương nhiên chúng ta hiểu được thực trạng thiếu quyền năng thuộc linh trong những chức vụ hiện tại của chúng ta. Công tác của Đức Chúa Trời không thể tiến lên phía trước nếu thiếu cam kết cầu nguyện.
Làm sao chúng ta tìm được thì giờ cầu nguyện khi có quá nhiều đòi hỏi trong đời sống và thời khóa biểu của chúng ta? Thông thường, chúng ta định ra những cuộc hẹn với tín đồ để thảo luận các vấn đề của hội thánh hay để giải quyết nhu cầu của tín đồ. Cớ sao lại không có cuộc hẹn hàng ngày với Đức Chúa Trời? Hãy dành riêng thì giờ ở một mình với Chúa. Đừng nghe bất cứ cuộc điện thoại nào, cũng đừng để bị gián đoạn trong thời gian này, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp. Thông thường, tôi tìm cách cầu nguyện từ nửa đến một tiếng đồng hồ trong giờ cầu nguyện hàng ngày. Martin Luther đã trở nên bận rộn trong chức vụ đến nỗi ông biệt riêng mỗi ngày ba giờ để cầu nguyện.
Bây giờ chúng ta quay sang vấn đề nên cầu nguyện cách nào. Chúa Jesus đã dạy các môn đồ bài cầu nguyện mẫu khi họ đến xin Ngài dạy cách cầu nguyện (Mathiơ 6). Đây không phải là bài cầu nguyện duy nhất để chúng ta thưa với Đức Chúa Trời, nhưng nó dạy chúng ta nên nói gì trong những lời cầu nguyện. Sự cầu nguyện phải bao gồm đức tin, sự thờ phượng, xưng tội, chúc tụng, ca ngợi, tạ ơn, hành động và cầu xin. Giacơ tuyên bố lời cầu nguyện linh nghiệm của người công bình (Gia Gc 5:16). Lời cầu nguyện thay đổi đời sống của bản thân, đời sống của người khác và thế giới quanh ta. Khi chúng ta cầu nguyện linh nghiệm và sốt sắng, thì Đức Chúa Trời hành động!
Cầu nguyện là công tác tốn thì giờ, và nên chiếm phần lớn trong cam kết công tác. Chúng ta nên tham dự vào sự cầu nguyện thông minh, một từ ngữ tôi dùng để định nghĩa phạm vi của thì giờ cầu nguyện. Chúng ta nên giữ sổ nhật ký cầu nguyện, bao gồm những vấn đề riêng tư của mình, những lời cầu xin của người khác, những vấn đề của địa phương và của quốc gia, những nhu cầu của quốc tế và nhu cầu của công tác truyền giáo. Lời cầu nguyện phải là lời tạ ơn bao quát dâng lên Chúa về ơn phước Ngài ban cho chúng ta. Và sự cầu nguyện luôn luôn dâng lên lời ca ngợi, chúc tụng và thờ phượng Chúa. Dầu đây là một công tác rất tốn thì giờ, nhưng nó sẽ đem lại rất nhiều kết quả khi Đức Chúa Trời nhậm lời chúng ta cầu xin trước mặt Ngài.
Chúng ta nên khích lệ nhau cầu nguyện. Nên phát triển sự cầu nguyện thành một chức vụ liên tục trong hội thánh. Đừng bao giờ xem đây như là một chương trình thêm nữa, nhưng quan trọng hơn, đây phải là chức vụ ưu tiên của mọi người. Thứ nhì, mỗi tuần hoặc mỗi tháng nên biệt riêng ra một ngày cầu nguyện. Dân sự Đức Chúa Trời nên nhóm lại để cầu nguyện. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi Hội Thánh quá thiếu quyền năng trong xã hội chính vì thiếu cầu nguyện trong những buổi nhóm giữa tuần của chúng ta. Buổi nhóm cầu nguyện đã trở thành buổi tối của gia đình. Điều này tạo nên nan đề, vì gia đình không bao giờ nhóm lại với nhau, nhưng đi ra theo nhiều hướng khác biệt để đến với những sinh hoạt theo từng lứa tuổi. Và thứ ba, chúng ta cần cầu nguyện và kiêng ăn. Có thể thấy hội thánh đầu tiên cầu nguyện và kiêng ăn rất nhiều, đặc biệt là khi có nan đề xuất hiện trong hội thánh, hay khi hội thánh đang đối diện với sự bắt bớ tàn khốc của thế gian. Chúng ta có khác hơn Hội Thánh đầu tiên chăng? Chúng ta cần chức vụ cầu nguyện đâm rễ vững chắc này trong các hội thánh địa phương để thay đổi nếp sống của mình và để đưa thế gian vào sự hiểu biết cứu rỗi được của sự sống thuộc linh.
Các buổi nhóm của chúng ta cần có những lời cầu nguyện thích hợp, có nghĩa là những lời cầu nguyện khai lễ, lời cầu nguyện dâng hiến, lời cầu nguyện mục vụ, những lời cầu nguyện đặc biệt và lời cầu nguyện kết thúc. Mỗi lời cầu nguyện nên được dâng lên theo đúng bối cảnh. Nói cách khác, mỗi phần cầu nguyện đừng kéo dài lê thê. Ví dụ: lời cầu nguyện khai lễ cầu xin ơn phước Chúa giáng trên buổi nhóm và chuẩn bị lòng chúng ta nghe tiếng Đức Chúa Trời phán với mình. Lời cầu nguyện dâng hiến cầu xin Chúa chúc phước cho số tiền dâng và cho tín đồ dâng hiến bằng tấm lòng rộng rãi và vui vẻ. Lời cầu nguyện mục vụ đóng vai trò chính cho toàn buổi nhóm và kết hợp những vấn đề của đất nước, quốc tế, cùng những nhu cầu của hội thánh và tín đồ. Đôi khi, có thể sẽ có những lời cầu nguyện đặc biệt, ví dụ như dâng con trẻ, sai phái gia đình giáo sĩ ra đi, khai mạc một chức vụ mới hay bất kỳ dịp nào. Lời cầu nguyện kết thúc sẽ vui mừng vì thì giờ nhóm lại với nhau và tạ ơn Chúa về sự thông công kỳ diệu với Ngài và với dân sự Ngài. Người cầu nguyện nên luôn luôn đáp ứng những nhu cầu cụ thể hay dịp cụ thể, dâng lên những lời lẽ và ý tưởng đúng.



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 12:26 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách