Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 4634|Trả lời: 0

Phê Bình Sử Tính của Kinh Thánh

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 23-7-2011 08:32:36 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Phê Bình Sử Tính của Kinh Thánh
Tác giả: Eta Linnemann

DẪN NHẬP CỦA DỊCH GIẢ: (Bản dịch Anh văn)
Quyển sách nầy đưa ra cho quí độc giả một thách thức - và một đề tài thảo luận. Vào tháng 11.1988, khi tôi đọc một bài phát biểu về bà Eta Linnemann nhân một buổi họp chuyên ngành, thảo luận về sự đóng góp của bà và các công trình nghiên cứu Tân Ước và các quan điểm phổ biến của bà như được diễn tả trong quyển sách nầy, đã có đến bốn nhà xuất bản tỏ ra quan tâm đến nó. Theo thiển ý, thì đây là một dấu chỉ cho thấy mức độ cao của sức thu hút và tính cách hợp thời của công trình nghiên cứu của bà.
Theo một phương diện, đã có một chiều kích cá nhân thật hấp dẫn khiến cho quyển sách nầy có chiều sâu và sức sắc bén. Bà Linnemann tung ra một lời phản đối mạnh mẽ chống lại các khuynh hướng và phương pháp của một chủ-thuyết mà bà vốn biết rõ cả trong lẫn ngoài. Bà đã không đứng từ xa để bắn cầu may vào, Bà vốn là một môn đệ chuyên cần và sẵn sàng tiếp thu một số các tư tưởng gia thật sự độc sáng của thế kỷ nầy trong công tác nghiên cứu, sưu tầm Tân Ước bên Đức, như Bultmann, Fucho, Gogarten, và Ebeling. Sau nầy, khi dấn thân vào xã hội chuyên nghiệp có uy tín nhất thế giới nhằm sưu tầm nghiên cứu Tân Ước, bà vốn là bạn cùng trang lứa với nhiều nhân vật khác nữa, cùng có vóc dáng tầm cỡ tương đương như thế.
Thế điều gì đã xui khiến một người để có thể khước từ một sự nghiệp như vậy? Tại sao lại có người dám thật sự vứt bỏ tất cả các quyển sách và bài báo mà mình đã khổ công viết ra, mong có ngày thấy chúng được công bố? Tại sao lại có người dám từ bỏ một địa vị trong hệ thống đại học bên Tây Đức, và cuối cùng, chịu đi phục vụ với tư cách một giáo sư giáo sĩ tại Indonesia? Quyển sách nầy ít ra cũng cung cấp được những nét phác thảo lớn cho những câu trả lời cho các câu hỏi vừa kể trên và nhiều câu hỏi rắc rối khác nữa.
Nhưng những gì bà Linnemann nêu ra còn bao hàm nhiều hơn là chỉ một góc độ quan tâm chú ý nào đó của nhân loại. Cuối cùng thì câu chuyện riêng tư về bà chỉ chuyển tải được những điều trăn trở chủ yếu về lịch sử, các phương pháp và hậu quả của điều mà bà đã gọi rất công bằng và hữu lý, là nền thần học phê bình sử tính (historical - critical theology). Có lẽ đây mới chính là ý nghĩa chủ yếu của những suy tư trăn trở của bà Linnemann.
Cũng chính tại đây, người ta mới chạm trán với lời thách đố của quyển sách, một thách thức được mở rộng trên nhiều cấp bậc, trình độ khác nhau. Ở cấp bậc thứ nhất, quí độc giả không-phải-là-người-Đức sẽ gặp nhiều đoạn đề cập một tình hình có lẽ có vẻ xa lạ. Điều nầy sẽ đặc biệt được nghiệm đúng với chương 4 và hai phần phụ lục tiếp theo đó. Ở đây, bà Linnemann đang đánh vật với sự cần thiết của khả năng và về các bước căn bản hướng đến việc hình thành các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo có trình độ đại học tại Tây Đức.
Sự thật là không phải đã chẳng hề có các trường cao đẳng dạy Thánh Kinh bằng tiếng Đức nào tại Tây Âu cả, người ta có thể tìm ra nhựng ngôi trường như thế tại Tây Đức hoặc tại các địa phương khác bên Thụy Sĩ, như Adelshofen, Beatenberg, Brake, Seeheim, Wiedenest, Wolmersen, và Wuppertal, đó là chỉ mới kể một vài nơi mà thôi. Nói cho đúng hơn thì các trưởng cao đẳng dạy Thánh Kinh ấy không đào tạo người theo trình độ cao của bậc đại học như phần giáo dục thần học được cung cấp tại các phân khoa thần học của các đại học đường bên Hoa Kỳ. Các Thánh Kinh học viện ấy cũng không được thừa nhận là chính thức như các trường học bên Mỹ. Điều mà các độc giả Hoa Kỳ xem là bình thường - sự tồn tại của hàng chục đại học đường vẫn được công nhận là các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo dạy các nghệ thuật tự do, và thậm chí một số các đại học đường ít nhất cũng có danh nghĩa là Cơ Đốc giáo - vốn không thấy có tại quốc gia mà bà Linnemann vốn quen biết là Tây Đức. Bà Linnemann và cùng với bà là nhiều người khác nữa, nhận thấy độc quyền của các đại học đường quốc gia trong việc đào tạo các mục sự, giáo sư tôn giáo, thần học gia và học giả Thánh Kinh người Đức, vốn có hậu quả tiêu cực, thậm chí còn tai hại nữa, suốt hai trăm năm vừa qua.
Thế nhưng, trong khi tình hình đã rèn luyện bà Linnemann thoạt nghe có vẻ như lạ lùng đối với nhiều độc giả, những lời bình luận của bà không phải là không thích hợp với nước Mỹ, nơi mà các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo đều được công nhận, như một sự kiện của đời sống. Những vấn đề bà đưa ra để thảo luận - đâu là một nền giáo dục Cơ Đốc giáo cao hơn, và làm thế nào để các Cơ Đốc nhân có thể dốc sức hầu theo đuổi hữu hiệu hơn và theo đúng với Thánh Kinh hơn trong một thế giới đang bị các định chế đại học mà căn bản là vô thần áp đảo? - vẫn thường được các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo Hoa Kỳ đặt ra, vốn không phải là có tính cách quá phản động để mọi người phải quan tâm bằng cách đồng hóa việc học thức đương đại, hay quá bác học, tự cao, để mọi người có thể nhận thấy các thế giới quan của chúng đã được thừa nhận là có tinh thần chống lại Cơ Đốc giáo như thế nào.
Về một cấp bậc thứ hai, vài người sẽ thấy quyển sách có tính cách thách thức vì họ vốn rất quen với phần lịch sử của các ý niệm mà bà Linnemann chỉ trích phê bình. Nhất là trong chương 1, và ở nhiều điểm khác nữa, người ta gặp cả một loạt các tư tưởng gia, có lẽ là cả một loạt nhiều mẫu người tiêu biểu mà người ta có thể trông mong trong một cuốn sách được một nhân vật nguyên được đào tạo từ phái phê bình Tân Ước viết ra. Vài người có thể xem đây là một nhược điểm, và tự hỏi tại sao bà Linnemann lại không tự cống hiến cho ngành học mà chắc chắn bà vốn là một chuyên gia. Tuy nhiên, bản tính của các suy tư trăn trở và các đề nghị của bà đòi hỏi bà phải rời tầm mắt khỏi những gì mình đã nhìn thấy, và đòi hỏi những người đọc sách của bà phải vượt khỏi các ranh giới hẹp hòi của một ngành đại học riêng biệt. Cuộc thảo luận của bà Linnemann có tầm hạn rộng lớn để bao quát các mối quan tâm của bà, và những gì mà bà có thể gọi là gánh nặng của mình. Những ai thắc mắc, chẳng hạn như về tính cách thích hợp của Goethe đối với tuyên đạo pháp đương đại (xem chương 1), có thể nghiên cứu Jaroslav Pelikan, là người thấy “cách bi kịch hóa cổ điển của các mối liên hệ cả tiêu cực lẫn tích cực giữa giáo lý Cơ Đốc và nền văn hóa hiện đại trong tác phẩm Faust của Goethe” (Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition, Vol 5: Christian Doctrine and Modern Culture (since 1700) (Chicago/London: University of Chicago Press, 1989,I). Nếu bà Linnemann có sai lầm trong việc cố gắng phân tích mối liên hệ giữa một phương pháp khoa học với phương pháp giải kinh trong bối cảnh lịch sử của các ý niệm, thì bà đã có một người bạn tốt rồi vậy.
Về một cấp bậc thứ ba mà chúng tôi đã gọi là gánh nặng của bà Linnemann, sẽ đưa ra một lời thách đố, nếu không phải là một tảng đá vấp chân cho một ai đó. Bà Linnemann cố tình không viết một sách khảo luận có hình thức bác học, mà chỉ viết một lời kêu gọi ăn năn mà thôi (Bà đã bắt tay viết một tác phẩm cho cấp đại học sẽ bao gồm nhiều điều thuộc cùng một lãnh vực, nhưng có tính cách chuyên sâu hơn và theo một viễn cảnh khác hẳn quyển sách có tính cách bình dân đã biết nầy).
Thứ nhất, nên nhớ rằng giọng điệu thỉnh thoảng có phần hăng say là điều hoàn toàn có thể hiểu được, vì cớ bản tính quỉ quái và tầm hạn của sự thất vọng đã khiến bà Linnemann phải bắt tay để chống lại nó. Thậm chí cả khi những số lần như thế chỉ nguy hiểm bằng phân nửa điều mà bà Linnemann nghĩ, chắc bà cũng đã sẵn sàng bỏ qua mà chẳng bận tâm nói gì hoặc nói ra bằng một giọng êm dịu hơn. Nhiều tác giả trong lịch sử tư tưởng Cơ Đốc giáo cũng từng nhận thấy giống như thế, rằng sự sai lầm càng lớn thì đòi hỏi phải có những lời nói mạnh mẽ, nặng nề hơn.
Thứ hai, cần ghi khắc vào tâm trí các hoàn cảnh trong đó bà Linnemann đã ăn năn qui đạo và những năm trước đó mà giờ đây bà nhận ra là mình đã giảng dạy điều sai lầm (xin xem phần dẫn nhập của bà). Chắc chắn là trong những năm đã qua rồi đó, bà từng nhiệt thành và cương quyết răn đe các sinh viên của bà rằng Thánh Kinh hàm chứa nhiều điều sai lầm, rằng các phép lạ vốn và sẽ chẳng bao giờ có thể có được, và rằng chỉ có phương pháp luận phê bình “khoa học” mới là phương pháp độc nhất có thể đưa ra một bản án có trách nhiệm về ý nghĩa của một văn bản Thánh Kinh. Các độc giả từng mong bà Linnemann tỏ ra kém hung hăng khi rao truyền chân lý hơn là lúc bà trình bày để truyền bá ngụy lý, quả thật là không thực tế. Nếu bà có thái độ như vậy, thì chắc đó chỉ là giả đạo đức mà thôi.
Thứ ba, ít nhất cũng có thể rằng sở dĩ bà Linnemann khẳng định đúng đắn rằng căn bệnh phổ biến của nền thần học Tây phương - vốn có thể không hoàn toàn có liên hệ với các nan đề bức bách của xã hội phương Tây nói chung - đòi hỏi sự ăn năn, thì không phải nó chỉ đơn giản đòi hỏi phải được thâm cứu, đối thoại hay suy tư trăn trở có tính cách phê bình mà thôi. Khi kêu gọi ăn năn, điều cần lưu ý là bà chỉ mới truyền giảng điều mà bản thân bà đã thực thi mà thôi. Nếu bà Linnemann đã đi lạc khi vạch ra sự ăn năn (và đứng vào vị trí chống lại Lời thành văn của Thượng Đế và Đấng Mết-si-a) như là việc chính thức, phải lẽ cần làm để tìm lại sự hướng dẫn thuộc linh và đạo đức trong một thế gian đang gặp rối ren sâu đậm, thì một lần nữa, bà đã có đầy đủ các nhà tiên tri làm bạn đồng hành trong lịch sử truyền giáo Do Thái - Cơ Đốc giáo.
Thứ tư, với những độc giả nào nhận thấy việc sử dụng Kinh-điển là dư thừa đến độ tự khoe khoang là họ vốn biết rõ Thánh Kinh đến nỗi những đoạn trích dẫn chỉ là rườm rà mà thôi, thì chúng tôi xin nói rằng đọc thêm những văn bản quen thuộc một lần nữa thì chẳng có hại chi cả, mà còn có thể đem đến nhiều báu vật mới mẻ cho khung cảnh mới, trong đó bà Linnemann ứng dụng chúng. Nếu quả đã có lần quần chúng Hoa Kỳ thấu triệt Thánh Kinh thật thiết thân, thì cái thời ấy cũng đã qua rồi. Hiện nay, đối với đa số độc giả, các văn bản mà bà Linnemann viện dẫn đã không còn quen thuộc nữa. Điều nầy chắc chắn được nghiệm đúng đối với đám cử tọa người Âu châu mà bà Linnemann đã nghĩ đến khi bà đặt bút để viết sách.
Thế thì, trên đây là một vài yếu tố đáng ghi nhận để có thể lãnh hội giọng văn trong tác phẩm của bà Linnemann. Ngay khi có ai đó nhận thấy có ngoại lệ chỗ nầy chỗ nọ, thì những nhận xét ấy đều có thể góp phần để đưa ra một thẩm định có tính cách xây dựng cho các luận cứ đã nêu lên.
Một cấp bậc thứ tư nữa của lời thách đố của bà Linnemann có thể là việc vạch ra, có phần là đen tối nói chung, tình trạng nghiên cứu học hỏi Thánh Kinh hiện hành, và đề nghị phải thay đổi triệt để mà bà đã nêu ra. Bà có nhấn mạnh quá đáng tình trạng của mình không?
Điều quan trọng là phải ghi khắc vào tâm trí rằng môi trường đầu tiên cần tập trung để tham khảo đối chiếu là Tây Đức và hệ thống đại học đường tại đấy. Những ai đã quen thuộc với môi trường ấy và bối cảnh tương tự với nó tại Bắc Mỹ có thể xác nhận tính cách chân thực của đồ án tổng quát của bà rằng công cuộc sưu tầm nghiên cứu thần học và Thánh Kinh dĩ nhiên là thường được theo đuổi dưới quyền bảo trợ của những kẻ vô thần. Nghĩa là tiêu điểm của sự suy tư thần học không phải là Thượng Đế chân thật và hằng sống, và Lời mặc khải của Ngài là quyển Thánh Kinh. Như bà Linnemann lưu ý rất đúng rằng trong thế giới hiện đại, Thượng Đế là Đấng bất khả tri, còn mặc khải theo định nghĩa truyền thống của nó, đã không còn được chấp nhận hay còn giá trị nữa. Thay vào đó tiêu điểm của thần học là kinh nghiệm của con người như các lý thuyết của các khoa học xã hội, triết học, sử học, và nhiều ngành “khoa học” khác đã định nghĩa nó. Theo cách hiểu của tư tưởng Cơ Đốc giáo chính thống trong lịch sử thì “Thượng Đế” đã bị loại ra một cách có hệ thống khỏi sự suy tư nhận xét, và được thay thế bằng sự tự ý thức về mình của con người và của các lực lượng thuần túy nội tại. Như các sách giáo khoa thần học trong lịch sử đã viết, nhân loại học (anthropology) đang thay thế cho thần học.
Sau khi đã trình bày môi trường nầy, là điều mà bà Linnemann vốn biết thật thiết thân vì trong quá khứ bà từng hiến thân cho nó, bà muốn nêu rõ trường hợp của mình bằng những lời lẽ đen trắng thật phân minh, cho ai nầy đều có thể hiểu được. Nếu có một số nhận xét có lẽ phần nào vốn có thể áp dụng nhiều hơn cho sân khấu Âu châu, thì điều cần lưu ý là ngoài cái thế giới tương đối nhỏ hẹp của công cuộc sưu tầm học hỏi theo khuynh hướng Tin Lành tại Bắc Mỹ, cùng những qui luật cho các trường đại học vẫn đang được áp dụng. Rất nhiều, dĩ nhiên là phần lớn, công trình nghiên cứu thần học và Thánh Kinh đang được tiến hành dưới các giả thiết cho rằng nó không thuộc quyền quản trị của cách hiểu về Thượng Đế của Cơ Đốc giáo chính thống của lịch sử về Thượng Đế, con người, và mối liên hệ giữa cả hai như đã được mô tả trong Thánh Kinh.
Do đó, cách đánh giá có phần nào bi quan của bà Linnemann về tình hình hiện tại và đề nghị triệt để của bà là phải thay đổi, rốt cuộc, có lẽ sẽ rất hợp thời với sân khấu Bắc Mỹ. Phần lớn những gì bà nói dĩ nhiên là áp dụng cho giới học giả và các tổ chức không phải là Tin Lành - vốn đào tạo một phần lớn các mục sư và nhà giáo dục thần học Bắc Mỹ. Và nó cũng phù hợp trực tiếp cho cộng đồng Tin Lành ít nhất cũng theo hai phương diện.
Một là, giới học giả Tin Lành chắc chắn phải chịu ảnh hưởng của thế giới đại học vô thần mà bà Linnemann mô tả. Người ta thường cho rằng hệ quả của điều nầy là nhỏ mọn, không đáng kể; bao lâu người Tin Lành còn giữ được lòng tin kính và nếp sống ngay thẳng, thì những gì đi vào trong đầu họ, hay những gì họ đưa ra như một lý thuyết phê bình, đều chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Nhưng đây chắc chắn là một quan điểm cận thị về các sự việc. Các hậu quả của giới học giả vô thần thật ra không phải luôn luôn là nhỏ mọn không đáng kể như người ta đều nhận thấy căn cứ vào sự hỗn loạn về giáo lý và luân lý đạo đức hiện đang len lỏi vào các Hội Thánh mà các cấp lãnh đạo và thành viên từ nhiều thập kỷ nay đã được huấn luyện về giáo lý bởi giới học giả ấy. Chính những người theo tự do chủ nghĩa hiện nay cũng tỏ ra thất vọng đối với vị Thượng Đế mà họ đã truyền giảng từ lâu nay, và một số người còn kêu gào hãy quay trở về với một “khải tượng do Thánh Kinh cho biết” về Thượng Đế, về Hội Thánh và về thế gian (William McKinney, “From the Center to the Margin”, Books & Religion 16:1;, 1889, 3, về một tiếng kêu gọi của phái tự do yêu cầu phải chú ý một cách mới mẻ đến việc giáo dục thần học của Thánh Kinh, xin xem chẳng hạn: W.Brueggemann “The Case for an Alternative Reading”, “Theological Education 23, 1987, p 89-107. Phê bình Thượng Đế không thực hữu của tự do chủ nghĩa, mà cũng là của giáo hội Tin Lành nữa, từ bên trong cộng đồng tự do là Joanne Swenson “Treating God as real”, Thelogy Today, Oct 1988, p 446-450), những tiếng nói - người ta có thể nghĩ đến nhiều diễn giả khác nhau, như Francis Schaeffer đã quá cố, các vị như Carl F.H.Henry, và James D.Hunter (Francis Schaeffer, The Great Evangelical Desaster, Westchester, Ill, Crossway, 1984. Carl F.H.Henry Ill, Crossway, 1988, James D.Hunter Evangelicalism: The coming Generation, Chicago: University of Chicago Press, 1987) - từng bảy tò niềm tin quyết rằng giáo hội Tin Lành có thể nói là đang sống trong một thời đại vay mượn và đang bị trôi giạt theo một chiếu hướng không lành mạnh (Là một nhà xã hội học, Hunter không gọi gương mặt tương lai của Giáo hội Tin Lành rõ ràng là “không lành mạnh: nhưng ông nghĩ rằng mình có thể thu thập tài liệu để chứng minh cho một sự trôi giạt tự do của nó). Dù muốn dù không, nền giáo dục cấp cao hơn của Cơ Đốc giáo vẫn giữ một vai trò chiến lược ở đây. Hơn nữa, người ta đã chủ trương khá hợp lý rằng thậm chí nền giáo dục thần học Tin Lành, nếu chưa gặp khủng hoảng, thì cũng chẳng còn xa mấy với tình trạng ấy (Scott J.Hafemann, “Seminary, Subjectivity, and the Centrality of Scripture”, Journal of the Evangelical Theology society 31, 1988, 129-143). Trên cấp bậc bình dân hơn, có rất ít các lãnh tụ Tin Lành dám mạnh bạo khẳng định rằng tình trạng đạo đức hiện tại của các giáo hội là bảo thủ về phương diện thần học, và quyền lãnh đạo của họ là không chỗ chê trách. Trong một tình hình như thế, việc chẩn đoán và kê đơn thuộc của bà Linnemann quả là có giá trị phòng xa, kêu gọi người Tin Lành phải xét kỹ các đường lối của mình trước những căn bệnh thông thường đang leo thang đến mức đã có thể gây tàn hại - dĩ nhiên là với sự khẳng định rằng tình hình vẫn chưa phải là đã quá muộn.
Những người xét lại và độc giả có tinh thần phê bình nói chung dường như đều nhận thấy phần lớn những gì tiếp sau đây là rắc rối, và họ cho rằng có một số là hoàn toàn ngoại lệ. Nhưng chắc chắn rằng họ cũng sẽ phải chạm trán với những điều hoàn toàn có thật, nhiều việc sẽ kích thích óc suy tư trăn trở có ích lợi cho đời sống của các sinh viên, giáo sư, cấp lãnh đạo Hội Thánh, và những người muốn tìm cầu theo đuổi chân lý nói chung.
Tôi xin tri ân Allan Fisher, Linda Triemstra và Paul Ingram của Nhà xuất bản Baker Book House về mối quan tâm và sự ủng hộ trong việc xuất bản, và tri ân Tiến sĩ Linnemann về sự chăm chút, sẵn sàng và rộng lượng của bà trong việc duyệt xét lại bản dịch nầy. Những điều hàm hồ và cách diễn tả đáng chê trách còn lại, xin quí độc giả hãy qui trách trên dịch giả, chứ không phải là cho tác giả.
Robert W.Yarbrough
Wheaton College
Wheaton, Illinois
5.7.1989

DẪN NHẬP CỦA TÁC GIẢ
“Tại sao bà lại nói “không” với ngành thần học phê bình sử tính?” Tôi đã phải đối đầu với câu hỏi nầy, nên muốn vạch rõ ngay từ đầu: Tiếng “không” tôi dành cho ngành thần học phê bình sử tính bắt nguồn từ tiếng “vâng” tôi dành cho Chúa và Cứu Chúa Jesus kỳ diệu của mình, và cho sự cứu chuộc vinh quang Ngài đã hoàn tất vì tôi tại Gô-gô-tha.
Là một môn đệ của Rudolf Bultmann và Ernst Fuchs, cũng như của Friesrick Gogarten và Gerhard Ebeling, tôi đã có được những vị giáo sư tài ba nhất mà ngành thần học về phê bình sử tính có thể cung cấp cho mình. Mà cả về các phương diện khác, tôi cũng chẳng hề bị thua kém. Quyển sách đầu tiên của tôi đã là một quyển sách bán chạy nhất, tôi trở thành giáo sư thần học và giáo dục tôn giáo tại Trường Đại học Kỹ thuật Braunchweig, Tây Đức. Sau khi đã hoàn tất những đòi hỏi khắt khe của một Giảng nghiệm viên đại học (Bà Linnemann ám chỉ quyển Habilitationschrift, một tác phẩm bác học mà tại Hoa Kỳ có thể xem như một luận án tiến sĩ thứ hai. Nó có giá trị khiến một người được mời diễn giảng tại một Trường Đại học Đức), tôi được truy tặng tước vị giáo sư danh dự về Tân Ước của phân khoa thần học của Đại học đường Philipps, Marbourg, Tây Đức. Tôi được bổ nhiệm vào Hiệp hội nghiên cứu Tân Ước. Tôi đã mãn nguyện vì được các bạn đồng liêu công nhận và thăng thưởng.
Đã được địa vị vững vàng về phương diện trí thức trong ngành thần học về phê bình sử tính, tôi tin tưởng sâu sắc rằng mình đang phục vụ Thượng Đế bằng công tác thần học và đóng góp vào công cuộc truyền bá Phúc Âm. Tuy nhiên, bấy giờ trên cơ sở của nhiều quan sát nhận xét, nhiều phát giác và kết quả là một sự tự ý thức, tôi bắt buộc phải công nhận hai điều ngoài ý muốn của mình: (1) Không hề có “chân lý” nào có thể nảy sinh từ “công tác khoa học thực hiện trên văn bản Thánh Kinh” ấy và (2) một công tác lao khổ như thế không hề phục vụ gì cho việc truyền bá Phúc Âm cả. Lúc ấy, điều đó chỉ mới là một nhận thức thực tế nẩy sinh từ kinh nghiệm mà tôi không còn có thể phủ nhận được nữa. Từ đó trở đi, nhờ ân phúc Thượng Đế và Lời Ngài, Thượng Đế đã ban cho tôi một cái nhìn thông tuệ (insight) vào các chiều kích lý thuyết của ngành thần học nầy. Thay vì căn cứ vào Lời Thượng Đế, nó vốn có các nền tảng trong triết học, khiến nó táo bạo định nghĩa chân lý, sao cho Lời Thượng Đế bị loại ra, không còn được xem là nguồn gốc chân lý nữa. Các nền triết học nầy giả thiết hết sức đơn giản rằng con người có thể chẳng có một kiến thức đúng nào về Thượng Đế của Thánh Kinh, về Đấng Tạo Hóa của trời đất, về Đức Chúa Cha của Chúa Cứu Thế Jesus của chúng ta cả.
Ngày nay, tôi nhận thức được rằng đặc tính độc quyền của ngành thần học phê bình sử tính mà ảnh hưởng lan tràn khắp thế giới của nó là một dấu hiệu chỉ rõ sự phán xét của Thượng Đế (RoRm 1:18-32). Thượng Đế đã tiên báo điều nầy trong Lời Ngài: “Vì sắp đến thời kỳ người ta không muốn nghe dạy chân lý, nhưng chiều theo dục vọng, tập họp nhiều giáo sư dạy những lời bùi tai” (IITi 2Tm 4:3). Ngài cũng hứa “để họ bị lừa gạt, tin theo những lời giả dối” (IITe 2Tx 2:11). Không phải Thượng Đế đã chết hay đã từ nhiệm, Ngài vẫn trị vì và đã thực thi quyền phán xét trên những kẻ tuyên bố rằng Ngài đã chết hay khẳng định rằng Ngài là một tà thần chẳng làm gì cả, dù thiện dù ác”.
Ngày nay, tôi nhận thức được rằng mình mắc nợ những cái nhìn thông tuệ đầu tiên ấy của những tác động sơ khởi của ân phúc Thượng Đế. Tuy nhiên, thoạt đầu, những gì tôi nhận thức được đó đã đưa tôi vào tình trạng hoang mang sâu xa. Tôi đã phản ứng bằng cách buông trôi về hướng những nghiện ngập có thể làm, chai lì nỗi khổ sở của mình. Tôi đã trở thành nô lệ cho việc xem vô tuyến truyền hình và cảm thấy càng ngày mình càng tăng thêm tình trạng bị lệ thuộc vào rượu. Kinh nghiệm bản thân cay đắng của tôi cuối cùng đã thuyết phục được tôi về chân lý mà Thánh Kinh đã khẳng định, rằng “Ai tham sống sợ chết sẽ mất mạng” (Mat Mt 10:39). Tới đây, Thượng Đế đã hướng dẫn tôi đến với nhiều Cơ Đốc nhân tràn đầy sinh lực, đích thân biết rõ Chúa Jesus là Chúa và Cứu Chúa của mình. Tôi nghe lời chứng của họ khi họ kể lại những gì Thượng Đế đã làm cho đời sống họ. Cuối cùng, Thượng Đế đã đích thân phán với lòng tôi qua lời một người anh em là Cơ Đốc nhân. Nhờ ân phúc và tình yêu thương của Thượng Đế, tôi đã phó thác cuộc đời mình cho Chúa Jesus.
Ngài đã tức khắc nắm lấy cuộc đời tôi trong bàn tay cứu rỗi của Ngài, và bắt đầu biến đổi nó tận gốc rễ. Những thói nghiện ngập tàn hại của tôi được thay thế bằng một sự đói khát Lời Ngài và sự giao hảo với các Cơ Đốc nhân khác. Tôi đã có thể nhận thức rõ ràng tội là tội, chứ không phải chỉ tìm cách biện minh cho nó như thói quen trước kia của tôi nữa. Tôi vẫn còn nhớ niềm vui diệu kỳ mình cảm thấy lần đầu tiên khi đen trắng phân minh, hai cái ấy không còn hòa lẫn vào nhau như một màu xám chẳng phân biệt được nữa.
Khoảng một tháng sau khi phó dâng cuộc đời mình cho Chúa Jesus, Thượng Đế đã thuyết phục tôi rằng các lời hứa của Ngài là một thực tại. Tôi được nghe câu chuyện mà một giáo sĩ Hội Wycliffe (của các nhà Phiên dịch Thánh Kinh) từng phục vụ tại Nepal kể lại. Ông kể rằng hồi ông ở ngoại quốc, người giúp dạy tiếng Nepal vừa ăn năn qui đạo của ông bị bỏ tù, vì tại đấy, trở thành một Cơ Đốc nhân là bất hợp pháp. Ông cũng kể lại những gì mà người Cơ Đốc mới tin Chúa đó đã nói khi bị đưa ra xét xử. Theo những gì tôi đã được nghe kể lại trước đó về người giúp dạy tiếng Nepal nầy, thì điều đã trở thành rõ ràng ngay tức khắc, là người ấy đã chẳng hề có thể trả lời như thế nếu chỉ nhờ vào khả năng riêng của mình mà thôi. Phân đoạn Mac Mc 13:9-11 bỗng nhiên xuất hiện trước mắt tôi - một khúc sách mà tôi đã đánh dấu để chú ý đến trước đó chỉ vì mối bận tâm bác học của mình mà thôi - và tôi chẳng còn có cách chọn nào khác hơn là phải thừa nhận rằng đây chính là phần ứng nghiệm của lời hứa ấy.
Bỗng nhiên tôi tin quyết rằng các lời hứa của Thượng Đế là một thực tại, rằng Thượng Đế là một Thượng Đế hằng sống, và rằng Ngài đang trị vì “Vì Ngài phán thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật liền đứng vững bền” (Thi Tv 33:9). Tất cả những lời làm chứng tôi được nghe suốt mấy tháng gần đây bỗng được sắp xếp đâu vào đấy ngay trong khoảnh khắc ấy. Tôi bỗng ý thức được rằng, với những gì Thượng Đế đang làm hiện nay, mà lại chủ trương rằng các phép lạ đã được kể lại trong Tân Ước là những việc vốn chẳng bao giờ xảy ra, thì thật là dại dột biết bao! Bỗng nhiên mọi sự việc đều trở thành rõ ràng cho tôi rằng lời truyền dạy của tôi chỉ là một trường hợp kẻ mù dẫn đường cho kẻ mù. Tôi rất ăn năn hối hận về cách thức tôi đã hướng dẫn cho các sinh viên của mình đi sai lạc.
Sau việc nầy độ một tháng, khi chỉ có một mình tôi ở trong phòng và hoàn toàn cách biệt với mọi ảnh hưởng của người khác trên mình, tôi cảm thấy chính mình đang trực diện với một quyết định vô cùng cấp bách. Tôi sẽ cứ tiếp tục dùng trí tuệ của mình để cai quản, kiểm soát Kinh Thánh, hay phải để cho Đức Thánh Linh biến đổi tư tưởng của mình? GiGa 3:16 đã soi sáng cho quyết định nầy, vì tôi mới vừa từng trải được chân lý của câu ấy, giờ đây cuộc đời tôi là những gì Thượng Đế đã làm cho tôi và cho cả thế gian - Ngài đã ban Con Yêu Dấu của Ngài. Tôi không còn cách gì để gạt câu nầy qua một bên nữa, để xem nó như chẳng có gì trói buộc, chỉ như một lời phát biểu thần học vô nghĩa của một nhà văn có ít nhiều đầu óc Trí-huệ phái mà thôi (như một người có thể đã làm đúng như thế nếu noi theo sự hướng dẫn của giáo sư của bà Linnemann là Rudolf Bultmann, xin xem quyển The Gospel of John, Philadelphia: Westminster, 1971 của ông ta). Đức tin có thể nương tựa trên lời hứa có tính cách trói buộc của Thượng Đế; còn các nguyên tắc suy lý của thần học chỉ là mối bận tâm suông có tính cách bác học mà thôi.
Nhờ hồng phúc Thượng Đế, tôi đã được từng trải về Chúa Jesus với tư cách Đấng mà danh Ngài được đề cao trên mọi danh. Tôi được cho phép để nhận chân được rằng Chúa Jesus là Con Thượng Đế, được một trinh nữ sinh ra. Ngài là Đấng Mết-si-a và là Con người, những danh hiệu như thế không phải chỉ được người ta gán cho Ngài do hậu quả của những bàn bạc suy tính của loài người. Tôi đã nhận chân được trước hết là bằng tâm trí, nhưng sau, đó là bằng một phương thức sinh động, do kinh nghiệm, rằng Thánh điển vốn được linh cảm.
Tôi đã nhận biết hết sức rõ ràng rằng điều tôi từng truyền dạy sai lạc trước kia là tội, không phải vì thiên hạ là loài người bảo như thế, nhưng vì lời làm chứng của Đức Thánh Linh trong lòng mình. Đồng thời, tôi cảm thấy hạnh phúc và rất biết ơn Chúa rằng tội ấy của tôi đã được tha thứ, vì Chúa Jesus đã mang lấy nó trên thập tự giá.
Chính vì lý do ấy mà tôi nói “không” với ngành thần học phê bình sử tính. Tôi xem tất cả những gì tôi đã truyền dạy và viết ra trước khi phó dâng cuộc đời mình cho Chúa Jesus là những gì đã bị tôi từ chối. Tôi muốn nhân cơ hội nầy để nói rằng tôi đã vứt bỏ hai quyển sách của tôi có nhan đề là Gleichnisse Jesus (tác phẩm nầy được xuất bản trong bản dịch Anh văn với nhan đề Jesus of the Parables, Introduction and Exposition, New York, Harper Row, 1966) và Studien zur Passiongeschichte cùng với các đóng góp của tôi cho các nhật báo, các tuyển tập và quyển Festschriften (thêm vào các tác phẩm của bà, Tiến sĩ Linnemann đã cho xuất bản trước đó các tài liệu sau đây: Xin chép theo trong nguyên tác Anh văn, trang 20, với đoạn cần dịch sau đây: 1-32, trong đó sử tính của Mac Mc 14:54, 66-72 bị phủ nhận; Der... 255-87, trong đó bà Linnemann đề nghị nguyên văn đoạn kết thúc sách Mác gồm có 16:8, tiếp theo là hai câu còn giữ lại trong Mat Mt 28:16, 17 và sau cùng là Mac Mc 16:15-20, cho đến hết). Bất luận là tác phẩm nào thuộc quyền sở hữu của tôi, tôi đều tự tay mình vứt hết vào sọt rác hồi năm 1978. Tôi yêu cầu bạn cũng hãy thành tâm làm y như thế đối với bất kỳ quyển sách nào thuộc số kể trên mà có thể rằng bạn hãy còn giữ lại trên kệ sách của mình.
Tiến sĩ Eta Linnemann Giáo sư, hồi hưu 5.7.1985


TỰA
Tôi đã không viết quyển sách nầy một mình, có rất nhiều thân hữu trung tín đã cùng cộng tác với tôi bằng lời cầu nguyện. Trước hết, tôi muốn kể ra Hội Thánh của tôi tại Leer, Tây Đức, nhất là Anh Hans Peter Grake, người lãnh đạo hội chúng. Chẳng những anh đã lao khổ với tư cách một người cầu thay trước mặt Chúa, mà qua nhiều lần khích lệ, anh đã góp phần cho việc bắt đầu quyển sách nầy. Cũng xin tri ân như thế các bạn đồng liêu của tôi trong Hội Truyền Giáo “Chúa Cứu Thế cho bạn” và người chị em trong Chúa của tôi Gertrud Scholz, đã cầu nguyện cho quyển sách và đã giúp tôi rất nhiều trong việc đọc lại bản vỗ.
Thêm vào đó, tôi xin kể thêm Hội Thánh của tôi tại Odenwald, Tây Đức, với vị lãnh tụ là Erling Eichholz, và tổ cầu nguyện do chị Elisabeth Hettinger đứng đầu. Tôi cũng xin tri ân các chị em trong Chúa là Lilot Scholler và Ruth Parasie, và các anh Gerhard Ullricho với Martin Schwarz.
Tôi xin tri ân tất cả những người vừa kể trên cũng như tổ cầu nguyện tại Hanssler Verlog, và toàn thể những ai không được nêu đích danh ra đây. Tôi xin tri ân Friedrick Hanssler vì đã sẵn sàng nhận xuất bản quyển sách nầy.
Tôi cũng xin tri ân Tiến sĩ R.Yarbrough đã thực hiện một bản dịch thật tốt, và nhà xuất bản Baker, đã vui lòng cho quyển sách nầy ra mắt quí độc giả nói tiếng Anh.
Tiến sĩ Eta Linnemann BaTu, Indonesia 1.6.1989


CƠ-ĐỐC GIÁO VÀ ĐẠI HỌC ĐƯỜNG HIỆN ĐẠI
CÁC NGUYÊN NHÂN KHIẾN CẤP ĐẠI HỌC CHỐNG LẠI CƠ-ĐỐC GIÁO
Hồi khởi thủy, hiện tượng có các trường đại học trong nền văn hóa Tây phương vốn là một tổ chức ngoại giáo, “đại học đường tại A-then sở dĩ đã bị đóng cửa là vì đặc tính ngoại giáo của nó, vào năm 529 SC” (1). Việc tái lập các trường đại học vào giai đoạn đầu của thời Trung cổ cho đến cuối thế kỷ thứ mười hai đã xảy ra đồng thời với mối bận tâm được hồi sinh đối với nhiều phương diện của nền văn hóa ngoại đạo làm chủ đề chính yếu cho công việc nghiên cứu.
Bộ luật dân sự (corpus juris cviles) là đối tượng nghiên cứu khiến hiệp hội các giáo sư và sinh viên đại học (universitas magistrorum et scholarium) họp tại Bologna, Ý quốc. Bộ luật nầy có nhiều qui tắc có hiệu lực trong lãnh vực Cơ Đốc giáo, nhưng nói chung thì nó gồm một bộ sưu tập các luật lệ bắt nguồn từ các thời kỳ ngoại đạo, tiền Cơ Đốc giáo. Các văn phẩm của Aristotle - một triết gia ngoại đạo - là các đối tượng nghiên cứu đã làm nẩy sinh việc thành lập một Trường đại học thứ hai, lần nầy tại Paris.
Lý do cho việc tự quản đạt đến mức cao của hình thức tổ chức mới mẻ nầy là do một mối quan tâm khoa học tự phát, một ước mong thiết tha muốn biết và thấu hiểu chân lý, sẵn sàng liễu lĩnh chấp nhận việc xung khắc, đối kháng nhau nhằm đạt được các mục tiêu. Tại Bologna, đã có quyết định bất chấp sự cho phép hay phê chuẩn chính thức đối với việc nghiên cứu bộ luật của hoàng đế La Mã Justinian, dường như đã bị xem thường từ 500 năm rồi, nhưng vốn có hiệu lực cùng khắp. Tại Paris, người ta đã tập trung chú ý vào các văn phẩm về triết học tự nhiên và siêu hình học của Aristotle, bấy giờ được cung cấp lần đầu tiên trong bản dịch La văn. Aristotle vốn bị nghi là dạy tà giáo (2)
KINH VIỆN CHỦ NGHĨA (Scholasticism)
Kinh viện chủ nghĩa phụ trách “dung hòa kiến thức duy lý mới với các điều luật của đạo” (3) - một nỗ lực đã bắt nhịp khai mào cho mọi cố gắng về phương diện thần học của hai giai đoạn Đầu và Cuối của thời Trung cổ. Nhưng nó đã đưa ra một quyết định quan trọng có tính cách định mệnh! Thay vì ghi khắc vào tâm trí rằng mọi kho tàng về khôn ngoan và tri thức đều ẩn tàng trong Chúa Cứu Thế (CoCl 2:3), người ta lại cho rằng con người bị đòi hỏi phải có sự khôn ngoan theo thế gian của ngoại giáo ngay bên cạnh Lời Thượng Đế, thì mới có được sự tiến bộ đích thực về mặt trí thức. Lời Thượng Đế đã bị thu hẹp lại để chỉ còn là một trong hai tiêu điểm để xác định sự khôn ngoan và tri thức. Thánh Kinh đã bị xem là chỉ có uy quyền khi nào các lãnh vực ấy đụng chạm đến sự cứu chuộc và đời sống Cơ Đốc nhân. Trái lại, Aristotle lại trở thành nguồn gốc của mọi kiến thức có giá trị cho thế gian, nghĩa là cho lãnh vực các khoa học tự nhiên, phân tích xã hội, và vv... Nói khác đi, từ đó trở về sau, Lời Thượng Đế không còn được xem là đáng tin trong các lãnh vực tri thức vừa kể trên nữa. Sau nầy, triết học của Aristotle sẽ bị thay thế bằng các ngành khoa học mới phát triển, đã nhanh chóng chê bai các sai lầm về vũ trụ luận của Aristotle và Lời Thượng Đế.
Ngay từ thời Trung cổ, việc lần đầu tiên người ta đã nhờ đến truyền khẩu và các văn phẩm ngoại giáo thượng cổ, đã dẫn đến việc định chế hóa động lực tự quản như một thành phần của yếu tính hình thành cấp đại học. Thánh điển vẫn còn uy quyền, người ta vẫn còn cố gắng tiếp cận sự khôn ngoan của con người của ngoại giáo với ý hướng “dung hòa tri thức duy lý mới với các điều luật của đạo” (4). Thần học là nữ hoàng, còn triết học thì được tuyên bố là nô tì của vị nữ hoàng ấy. Nhưng chẳng cần phải lâu la gì để tinh thần ngoại giáo, vốn được đưa đến để làm nô tì cho Trường đaị học vừa mới được thành lập, sẽ tiếm đoạt quyền tể trị. Vị nữ hoàng cũ chắc chắn cũng còn để mắt đến một vài quyền dân sự hiếm hoi trong vài trăm năm nữa.
NHÂN BẢN CHỦ NGHĨA (Humanism)
Hồi bắt đầu của tư tưởng hiện đại, đã có sự quyết định khủng khiếp được giới lãnh đạo trí thức dùng vũ lực để thực hiện, nhằm vây hãm Lời Thượng Đế và tìm sự hướng dẫn của ngoại giáo Thượng cổ để thay vào. Nhân bản chủ nghĩa đã quyết định biến con người thành thước đo của mọi vật. Đây là một quyết định có tính cách khước từ Thượng Đế, cả khi một nhân bản chủ nghĩa như thế vẫn thường tỏ thái độ hoàn toàn ngoan đạo và vẫn luôn miệng nói về Lời Thượng Đế. Những gì người ta nói về Thượng Đế không còn bắt nguồn từ Lời mặc khải của Thượng Đế nữa, mà trái lại, là từ tâm linh con người, tự nó cứ ngày càng cách xa Lời Thượng Đế.
Điều nầy đã được thấy rõ trong quan niệm của Pico della Mirandola về giá trị của con người, một quan niệm đã mở đường cho tất cả các quan niệm của nhân bản chủ nghĩa: “Thượng Đế đã đặt con người giữa một thế giới không có một nơi an toàn, không có một lai lịch phân biệt, không có một chức năng đặc biệt nào cả, trong khi mọi vật ấy, đều được ban cho số tạo vật còn lại của Ngài. Con người được tạo ra không phải trên mặt đất, cũng không phải trên thiên đàng, nó có thể thoái hóa để trở thành một con vật, nó có thể lên được thiên đàng, mọi sự đều hoàn toàn và lệ thuộc duy nhất vào ý chí của nó mà thôi. Con người được cho phép chiếm đoạt điều nó mong muốn, để trở thành cái mà nó muốn trở thành (5).
Xin chúng ta đừng để cho những lời lẽ nghe như ngoan đạo nầy lừa dối mình! Những gì đã được nói ở đây tương phản rõ ràng với Lời Thượng Đế. Trung tâm của công cuộc sáng tạo vũ trụ không phải là con người, nhưng là Chúa Cứu Thế Jesus:
Chúa Cứu Thế là hiện thân của Thượng Đế vô hình, Ngài có trước mọi vật trong vũ trụ. Chính Chúa Cứu Thế sáng tạo vạn vật, dù trên trời hay dưới đất, hữu hình hay vô hình, ngôi vua hay chủ tịch nhà nước, chính quyền hay các nhà lãnh đạo, tất cả đều do Chúa Cứu Thế tạo lập và đều đầu phục Ngài. Chúa Cứu Thế có trước vạn vật, Ngài an bài và chi phối vạn vật. Chúa là Đầu của thân thể, tức là Đầu Hội Thánh. Chúa sống lại đầu tiên, làm căn nguyên của sự sống lại, nên Chúa đứng đầu vạn vật. Chúa Cứu Thế có tất cả bản chất thần linh của Thượng Đế (đây là điều Chúa Cha đẹp lòng, Chúa Cha nhờ Chúa Cứu Thế đưa mọi loài dưới đất trên trời về giải hòa với Ngài; huyết Chúa Cứu Thế đổ ra trên cây thập tự đã tái lập hòa bình giữa Thượng Đế và nhân loại” (1:15-20). Pico rêu rao rằng “mọi sự đều hoàn toàn và lệ thuộc duy nhất vào ý chí của nó mà thôi” và rằng nhân loại “có thể lên được thiên đàng” đều chẳng có điểm nào đúng cả. “Như thế, việc lựa chọn của Thượng Đế không tùy thuộc ý muốn hay sức cố gắng của con người, nhưng do lòng nhân từ Ngài” (RoRm 9:16). Lời Thượng Đế vạch rõ: “Ngoài Chúa Cứu Thế Jesus, không ai có quyền năng cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời nầy, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi” (Cong Cv 4:12). Chúa Jesus của chúng ta phán: “Nếu không nhờ ta, không ai đến được với Cha” (GiGa 14:6) và “chẳng một người nào đến với tôi nếu không được Cha tôi thu hút” (6:44).
Cho dù nhân bản chủ nghĩa có thấy văn học cổ điển Thượng cổ là định chuẩn tuyệt đối mà Cơ Đốc giáo phải rập khuôn, như Laurentius Valls đã chủ trương, hay nó chọn một lập trường bình chọn giữa cả văn học Thượng cổ lẫn Cơ Đốc giáo, như lập trường của Erasmus ở Rotterdam, thì trong cả hai trường hợp, nó đều mâu thuẫn với Lời mặc khải của Thượng Đế. Thậm chí trong hình thức tích cực nhất, Cơ Đốc giáo chịu ảnh hưởng của nhân bản chủ nghĩa cũng thoái hóa để trở thành “một tôn giáo được soi sáng nhờ khoác lấy các giá trị văn minh nhân bản, đạt đến tột đỉnh về nhãn hiệu và tinh thần đạo đức trong khoa học và văn hóa (6).
Nhân bản chủ nghĩa từ chối không thừa nhận Thượng Đế và cách thức mà Ngài đã tự bày tỏ mình ra trong Lời Ngài. Trong nhân bản chủ nghĩa, đức tin sống động (đạo sống) của Cơ Đốc nhân suy thoái để trở thành “Cơ Đốc giáo” được hiểu là “tôn giáo” - và dĩ nhiên là bị đánh đồng với các tôn giáo khác. “Tôn giáo trở thành một tỉnh lẻ giữa nhiều lãnh vực khác nhau của văn hóa. Và mặc dầu có nhiều lãnh vực độc lập, vẫn có rất nhiều chuẩn mực để người ta căn cứ vào mà đo đạc tôn giáo” (7).
Lời Thượng Đế không còn là chuẩn mực trong nhân bản chủ nghĩa nữa, mà trái lại, còn bị chuẩn mực của nền văn hóa nhân bản phán xét. Như thế, văn hóa - sản phẩm của tâm linh của con người thọ tạo - lại thay thế cho Lời mặc khải của Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa. Đức tin đặt vào Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Chuộc, lại bị bẻ lệch để trở thành một chi nhánh của văn hóa và sức sống của tâm linh con người. Hệ quả là giờ đây, con người xem Lời Thượng Đế chỉ là một sản phẩm của hoạt động của tâm linh đó của con người. Người ta gán cho tôn giáo điều mà Schleiermarcher về sau, đã gọi là “tỉnh lẻ ngoan đạo của linh hồn”, nằm bên trong các ranh giới mà nó phải tác động vào. Từ nay trở đi, việc xâm phạm các ranh giới sẽ bị trừng phạt nặng nề. Như việc đã xảy ra trong trường hợp nầy, khi nào xác thịt đòi hỏi quyền tể trị tuyệt đối, thì nó chống lại tất cả những biểu hiệu của Thánh Linh.
Đối với nhân bản chủ nghĩa, người ta có thể nói rằng:
“Về cơ bản, chỉ có một điều bó buộc được con người, đó là chân lý (veritas); nhưng chân lý bao giờ cũng chỉ có một, mặc dầu nó khoác lấy nhiều hình dạng khác nhau. Pico nhấn mạnh: “Như các hệ thống ngoại giáo và của các tư tưởng gia Cơ Đốc giáo có vẻ như rất trái ngược nhau, về cơ bản, chúng đều là các chồi non của cùng một chân lý mà thôi”. Chính Phong trào soi sáng (Enlightment) cũng khó tương đối hóa mọi tôn giáo bằng cách nào triệt để hơn thế. Và đạo đức học của Cơ Đốc giáo đã bị kéo vào tiến trình tương đối hóa ấy (8).
Do đó, nhân bản chủ nghĩa gán qui chế chân lý cho bất kỳ một sản phẩm nào của tư tưởng và óc sáng tạo của con người. Bởi thế cho nên, định chuẩn duy nhất mà con người còn có được, đã bị tương đối hóa (9). Chủ quan tính bị tương đối hóa của con người vốn tự nó không thể cung cấp được một nền tảng thật sự cho các phán đoán và phương pháp, đã được hoàn toàn thả lỏng. Giờ đây, đã chẳng còn có phán đoán hay phương pháp gì cả, thì cũng không thể có được sự giao lưu cảm thông bên trong cộng đồng khoa học. Nhưng điều cần lưu ý là các hệ thống được khoa học và văn hóa liên kết lại với nhau theo các tiền đề nhân bản tuy không có nền móng thật sự, nhưng chỉ có cơ sở chẳng có chi nhiều hơn là những sắp xếp và sự đồng ý với nhau.
Theo cách hiểu nầy, thì mọi sự tự chứng minh được là đúng và có giá trị căn cứ vào phẩm chất nội tại của mình, đều có thể tự xưng là đúng và có giá trị. Tuy nhiên, thật ra chẳng có gì có thể được xem là đúng là thật và có giá trị văn hóa nếu nó không được các lực lượng tạo nên vóc dáng của khoa học và văn hóa, tức là cái có thể gọi là kỹ nghệ khoa học và văn hóa, thừa nhận (10). Các phương pháp của khoa học và các hệ thống thẩm định giá trị trong văn hóa cung cấp một trú sở cho nhân loại bên ngoài chân lý của Lời mặc khải. Nhưng cái trú sở ấy, mà chúng ta có thể ví sánh với ngọn tháp Ba-bên hiện đại đã được thiết kế nhằm đoàn kết cả nhân loại lại với nhau, đã không ngăn chặn được việc tư tưởng và đời sống con người bị phân tán manh mún, mà trái lại, còn tạo ra chính sự việc ấy nữa. Vì hệ thống ấy đã tạo ra nhiều bất đồng ý kiến, và là một nét đặc trưng vẫn được tiếp tục trong kỹ nghệ khoa học và văn hóa.
Điều không ai có thể chối cãi vào đâu được, là sự nhất trí mới khiến cho các công tác tiếp tục được, nhưng làm sao cho việc ấy xảy ra? Nhiều nhà cầm quyền và lãnh tụ theo trào lưu dấy lên, không phải chỉ căn cứ vào phẩm chất của công việc làm của họ mà thôi, nhưng phần lớn đều đặt cơ sở từng li từng tí trên những điều chẳng ai có thể nghĩ ra được và chẳng hề có chút liên hệ gì đến công việc làm của họ (11). Tính năng động tập thể đóng vai trò quyết định ở đây, mà hậu quả là cả một khung vườn của truyền thống trong các ngành khoa học và trong kỹ nghệ văn hóa. Các khoa học tự xưng là “độc lập” đều bị chính các truyền thống của mình lèo lái, và cá nhân chỉ được tự do trong phạm vi công tác của người ấy có thể đưa vào phần khung sườn theo truyền thống của ngành (khoa học) ấy mà thôi (12).
Tự do tư tưởng đích thực chỉ có được ở nơi nào có chân lý, mà chân lý chỉ hiện diện trong mối liên hệ với Đấng vốn là đường đi, chân lý và sự sống (GiGa 14:6) mà thôi. Chỉ có chân lý khi có Chúa Jesus. Trong nhân bản chủ nghĩa, chân lý đã bị thay thế bằng sự nhìn nhận, một uy tín được bao bọc bằng việc bàn luận và tiếp nhận vinh dự. Chẳng có gì để nghi ngờ là việc làm ấy đã phải cam chịu sự điều động, nhào nặn của bàn tay con người (13).
PHONG TRÀO SOI SÁNG
So với sự căng thẳng trí thức chống lại Cơ Đốc giáo của nhân bản chủ nghĩa, Phong trào soi sáng (Enlightment) thật ra chẳng đưa vào điều gì mới mẻ cả. Nó chỉ qui định các điều kiện để thực hiện lịch trình hành động của nhân bản chủ nghĩa mà thôi.
Lúc Francis Bacon ấn định rằng “mọi chân lý đều được tìm thấy nhờ qui nạp” (14) là ông ta biến việc đặt định con người làm thước đo cho vạn vật trở thành một việc có thể làm được một cách có phương pháp. Đồng thời, Thánh điển cũng bị loại bỏ, không còn được xem là nguồn gốc của chân lý nữa. Phù hợp với cách nhìn đó của mình, ông ta đã phân biệt “hoàn toàn lãnh vực của lý trí và khoa học, với (lãnh vực) của đức tin và tôn giáo” (15), và định nghĩa đức tin là sự đầu hàng của nỗ lực muốn hiểu biết (sacrificium intellectus).
Hobbes cũng thực hiện một sự phân biệt tận gốc rễ như thế giữa đức tin và tư tưởng, xếp các vấn đề của đức tin vào “lãnh vực không thể chứng nghiệm, nghịch lý, của những điều phi lý và mâu thuẫn” (16). Ông nhấn mạnh: “Chẳng hề có ý niệm nào trong trí hiểu của con người mà trước hết không nẩy sinh, trọn vẹn hoặc một phần, từ các giác quan” (17).
Như thế, chẳng những chỉ có các nền móng để phê bình Thánh Kinh là đã được thiết đặt - vì Hobbes đã đi bước trước để thiết đặt chúng - mà cả đến khởi điểm của các khoa học nói chung cũng đã được ấn định như thế. Spinoza, Descartes, Kant - ấy là chỉ nêu tên một vài người mà thôi - chỉ vạch rõ chính điều đã được thiết đặt ngay từ các giai đoạn bắt đầu của Phong trào soi sáng.
DUY TÂM CHỦ NGHĨA Ở ĐỨC (German idealism)
Lúc ấy, các ý niệm (ideas) nẩy sinh từ nhân bản chủ nghĩa mặc lấy phần hình thức đã trưởng thành trong duy tâm chủ nghĩa Đức quốc. Hệ thống giáo dục càng đâm rễ sâu hơn nữa vào hình ảnh con người mà nền văn học cổ điển Thượng cổ đã truyền dạy. Nhân vật theo phái Tam điểm (Freemason) là Wilheim von Humboldt đã thủ một vai trò đặc biệt có tính cách chiến lược ở đây (18).
Triết lý của Phong trào soi sáng, mà tột đỉnh được tìm thấy ở Kant, được hình thành trong văn học. Các nhà văn Đức của giai đoạn đầu của Phong trào Lãng mạn như Lessing, Schiller và Goethe, có thể nói là đã tái tạo nhân tính bằng hình ảnh mà họ rút ra được từ bức tranh của nền triết học nầy. Qua “cảm hứng thi ca” (19), các nhân vật trong văn chương của họ đã khoác vào những nét đặc trưng sống động và đầy sức thuyết phục, Họ trở thành nguyên mẫu của cá nhân hiện đại; qua sự phê chuẩn chính thức và phân phối rộng rãi các văn phẩm ấy trong chương trình giáo dục của các trường học, cả một “giòng kiểu mẫu” về những con người mới đã được sản xuất hàng loạt và chắc chắn như những chiếc ô-tô mới vậy, nghĩa là hoàn toàn giống với nguyên mẫu, ra từ cùng một dây chuyền lắp ráp. Rồi điều đã được tiếp thu trong trường học bằng phương pháp thụ giáo sinh động, với sự hỗ trợ hết sức thành công của kịch nghệ, đã được Trường đại học biến thành tư tưởng trừu tượng.
Triết học của Hegel khoác lấy hình thức của lời truyền dạy của lịch sử và thâm nhập mọi lớp học - đồng thời với các tư tưởng của Lessing về Cách Giáo Dục Nhân Loại và của Các Ý Niệm cho một triết lý và Lịch Sử Nhân Loại của Herder. Điều nầy khiến người ta dễ dàng chấp nhận các hậu duệ của Hegel là Marx và Angels, đến lượt họ lại dọn đường cho trường phái Frankfurt. Một sử quan khoa học đã nẩy sinh, trước nhất loại Thượng Đế trong tư cách một tác nhân tích cực trong tiến trình lịch sữ bằng cách đưa vào “một vị thần của các triết gia” tự ý thức được mình bên trong sự diễn tiến của lịch sử. Vị thần giả tạo này chẳng bao lâu lại trở nên thừa thải, nhưng vốn đã được dùng để loại trừ khả năng về một Thượng Đế chân chính, thực hữu và cứ tiếp tục hoạt động trong lịch sử loài người. Thế là “khoa học” về lịch sử đã trở thành hoàn toàn vô thần.
Các nhận định trên đây chắc đã đủ cho một phần phác họa lịch sử các ý niệm, một phác thảo chỉ có thể chiếu ra vài tia sáng lờ mờ mà thôi. Tôi vốn ý thức được hết sức rõ ràng rằng cách trình bày các mối liên hệ như thể chỉ có tính cách tạm thời và đã bỏ qua rất nhiều điều. Chắc chán là hãy còn rất nhiều tài liệu sẵn sàng bổ sung cho nó trong nền văn học Tin Lành mà tôi vẫn chưa có thể tra cứu, tham khảo. Quí độc giả nào có khuynh hướng sẽ được khuyến khích đánh một vòng chung quanh những gì tôi vừa phác thảo từ số kiến thức cá nhân và phong phú của mình trong các nguồn thông tin thích hợp. Lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ tri ân vị nào vui lòng cung cấp các tài liệu để tham khảo từ một nguồn thông tin như thế (20).
Tôi đã cố tình bỏ qua vấn đề về mối liên hệ giữa chính thống thuyết của công cuộc Cải chánh và Giáo hội Kháng Cách với nhân bản chủ nghĩa. Tôi cũng không xét đến mối liên hệ giữa phái tin kính (pietism) với Phong trào soi sáng. Đã có nhiều người viết sách về các lãnh vực ấy rồi. Trong phạm vi liên quan đến cấp đại học, thì dù sao nhân bản chủ nghĩa với Phong trào soi sáng, chứ không phải là công cuộc Cải chánh với phái tin kính, mới chứng tỏ là gây được ảnh hưởng dài hạn chỉ từ một phía mà thôi.
Chủ đích của tôi không phải là thực hiện một cuộc “kiểm kê” bác học. Đúng hơn là tôi chỉ muốn chứng minh thế nào giai đoạn lịch sử nầy và các hậu quả của nó đã xuất hiện dưới làn ánh sáng của Lời Thượng Đế. Và tôi muốn đưa ra một tiếng gọi ăn năn đáng lẽ đã phải có từ lâu rồi. Tôi không viết quyển sách nầy cho một quần chúng bác học, mà cho toàn thể những ai sẵn lòng chịu lắng nghe lời răn dạy của Lời Thượng Đế.
Nhằm chủ đích đặt ra những câu hỏi thích hợp cho nên không tuyệt đối cần thiết phải dò tìm sâu hơn vào lịch sử các ý niệm của phương Tây và các mối liên hệ giao thoa giữa chúng. Xin giới hạn vào các vấn đề sau đây. Chúng tôi đã rút thăm và chọn...
*Sau khi thời Trung cổ đã trông cậy vào nền triết học ngoại giáo như một phương tiện để có được sự định hướng trí thức;
*Sau khi nhân bản chủ nghĩa tuyên bố con người là thước đo vạn vật;
*Sau khi Phong trào soi sáng quyết định chỉ thừa nhận là chân lý những gì đã đến bằng con đường qui nạp;
*Sau khi tiền đề làm khởi điểm của Descartes đã được chấp nhận, theo đó khả năng duy nhất để kiểm chứng là đánh giá cao sự nghi ngờ;
*Sau khi Lessing, đồng ý với Reimarus đã tuyên bố có “rãnh nước xấu xí” giữa “các sự kiện ngẫu nhiên của lịch sử” với “chân lý vĩnh hằng của lý trí” và được Nathan the Wise phổ biến cái ý niệm rằng chẳng hề có ai nói được đức tin chân thật là gì;
*Sau khi Kant viết tác phẩm phê bình lý trí thuần túy của ông và ý niệm của ông về “Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý trí” bắt đầu được thừa nhận;
*Sau khi tác phẩm Faust của Goethe gieo vào lòng của tất cả những người có học vấn cái ý niệm rằng “tầm nhìn của chúng ta đã bị ngăn chặn...để không thể nào nhìn thấy được thực tại thuộc linh” và những gì người ta phải nghĩ về tôn giáo - theo cuộc trao đổi giữa Faust và Gretchen';
*Sau khi Schleiermarcher đã rút từ những phê bình lý trí của Kant ra các hệ quả, và nỗ lực đặt đức tin trên cơ sở là kinh nghiệm tôn giáo của con người, chứ không phải là Lời mặc khải của Thượng Đế.
*Sau khi luận điểm của Semler tạo khởi điểm cho phái phê bình Thánh Kinh, một hệ quả của nền triết học soi sáng, bắt đầu được chấp nhận trong việc chú giải Thánh Kinh, và
*Khi một sử quan vô thần đã tự tạo cho mình một địa vị vững chắc.
Các yếu tố được liệt kê trên đây được qui chế của một khởi điểm trí thức giữa những người có học vấn và trở thành yếu tố quyết định cho cấp đại học. Thoạt đầu, nó đã được chào mừng như là “sự giải phóng con người khỏi tình trạng ấu trĩ do chính lầm lỗi của mình” (21) và được tồn tại nhờ một lạc quan chủ nghĩa ngoan cố. Sau Thế chiến thứ I, khởi điểm trí thức nầy ngày càng được mọi người hiểu là định mệnh thiết yếu của diễn trình tư duy của loài người. Dù bằng một cách nầy hay một cách khác, khởi điểm nầy đã và vẫn tiếp tục được xem là thiết yếu và không thể tránh né vào đâu được, mà hậu quả là nó đã được hăng say binh vực - với sự trợ giúp của ảnh hưởng các nguồn lợi tài chánh, và thế lực chính trị.
Trong giới đại học, điều ngay từ đầu vốn là một tổ chức chống lại Cơ Đốc giáo, chẳng bao lâu đã không còn chỗ cho tư tưởng tự đặt cơ sở trước sau như một trên sự mặc khải của Thượng Đế trong Lời Ngài nữa (22).
THỜI ĐẠI KỸ THUẬT
Lẽ tất nhiên, nền giáo dục kỹ thuật nhận thấy mình có rất nhiều điều chống lại phần giáo dục lý tưởng của các trường đại học của Humboldt (23), đến độ cần phải tìm vài trung tâm giáo dục nào đó khác hơn để thay thế cho nó. Tuy nhiên, khởi điểm trí thức của ngành kỹ thuật vốn có cơ sở đặt nhiều trên Phong trào soi sáng, cũng như trên ý niệm nhân bản, duy tâm về giáo dục. Trong cả hai trường hợp, Thượng Đế đều bị loại ra một cách có phương pháp ngay từ đầu, thậm chí do chính các nhà sưu tầm nghiên cứu mà bản thân họ lại là những người tin kính không hề có chút thắc mắc nào. Như thế, cuối cùng, kỹ thuật và giáo dục đã nhất trí được với nhau, một khi sự thành công của kỹ thuật không còn có thể bị xem thường và bỏ qua nữa. Sự thành công của khởi điểm của trí thức vô thần trong kỹ thuật dường như đã giúp nó được sự xác nhận tối hậu. Và dường như chính việc được xác nhận ấy đã bóp chẹt mọi phản bác, xem như ngông cuồng.
Người ta có thể nào chống lại cái tư tưởng rằng sản xuất ra những máy móc mà chúng ta sử dụng hằng ngày, rằng tổ chức các hệ thống vận chuyển, rằng cung cấp những trung tâm năng lượng và dòng điện cho sinh hoạt hiện đại, có vẻ như điều không thể nào làm được hay không?
Ngày nay, trẻ con đến trường học thuộc đủ hạng tuổi đều được khẳng định người ta không thể nào chống lại được tư tưởng hiện đại, rằng “ngày nay nhờ trời, chúng ta không còn sống như vào thời Trung cổ nữa” và rằng người ta chỉ có thể sống khác đi trong bóng tối của sự phát triển kỹ thuật mà thôi.
Tất cả các sinh viên tự phó mình vào đại học phải tiếp nhận chiếc ách của khởi điểm trí thức vô thần như một điều cần thiết không thể tránh né. Đây là chiếc ách tàn bạo đè nặng trên kẻ mang nó, và được áp đặt trên người sinh viên mà không được tự do chọn lựa, bằng việc hoàn tất một tiến trình học hỏi nghiên cứu trong một khu vực chủ yếu - một khu vực bị cái khởi điểm vô thần ấy thống trị. Các Cơ Đốc nhân vào đại học, thậm chí cũng phải gánh chịu chiếc ách đó. Tất nhiên là họ được phép cứ có đức tin (đạo) trong đời sống riêng tư, bên cạnh những người chung quanh họ vốn có thể có thiện cảm với đạo ấy, cũng có thể nhạo báng nó, hoặc có lẽ cũng cùng chia xẻ các niềm tin ấy nữa. Nhưng họ bị cấm duy trì Thượng Đế hằng sống và Con Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus trong tư tưởng bác học của mình, hoặc dành cho Ngài một chức năng vật chất nào trong đó (24). Cho nên họ chỉ còn giữ được Chúa Jesus trong cảm thức, nhưng lại chối bỏ Ngài hằng ngày trong tư tưởng, vì tư tưởng ấy noi theo các nguyên tắc vô thần chống lại Cơ Đốc giáo (25).
Tính cách độc quyền của các trung tâm giáo dục có cơ sở vô thần gây hậu quả trên toàn thể các công trình kỹ thuật đã bán mình cho tư tưởng “khoa học” vô thần. Thiên hạ đã hành động như dân Y-sơ-ra-ên, khi họ tưởng rằng nhờ Ba-anh mà họ nhận được nhiều lông chiên và vải gai, ngũ cốc và rượu, thay vì tạ ơn Đấng Tạo Hóa của mọi vật ấy (OsHs 2:1-13). Nhưng thiên hạ lại chưa thấy rõ chính các hậu quả đích thực của khoa học vốn bám sát theo các phát kiến tích cực, không tránh né vào đâu được. Họ vẫn chưa trực diện với các hậu quả của luật về tội lỗi, vẫn còn hiệu lực khi người ta tham dự cuộc trao đổi khoa học.
Bất cứ nơi nào mà tư tưởng bắt nguồn từ sự vô đạo bất kỉnh nầy tạo ra kết quả hiện nay, chúng ta đều thấy là trái của nó cứ ngày càng cay đắng hơn. Trong mọi lãnh vực của đời sống, con người đang nỗ lực nắm quyền lèo lái chính con tàu của mình. Trong khi đó thì chiếc tàu lại vượt thoát mọi kiểm soát, nên nhiều người đang phải sống trong tình trạng hoang mang, tuyệt vọng.
Bất chấp mọi tiến bộ về phương diện thuốc men, bệnh tật vẫn không thể bị thanh toán. Quả thật là đã có một số ít bệnh tật đã bị chinh phục đấy, nhưng nhiều chứng bệnh khác lại đang lộng hành và gieo kinh hoàng như chúng vẫn làm xưa kia. Rồi nhiều chứng bệnh khác nữa lại len lỏi và lan tràn khắp nơi. Nhìn chung thì nhân loại đã không khỏe mạnh hơn, mà chỉ ngày càng bị lệ thuộc nhiều hơn vào các bác sĩ và thuốc men mà thôi. Hễ nơi nào mà tử suất của trẻ con giành được chiến thắng, thì giờ đây nạn phá thai và vô sinh lại thay vào hàng loạt. Rất ít có một đơn thuốc cai nghiện hữu ích nào lại không gây ra một số hậu quả tiêu cực bên cạnh nó.
Các tiến bộ kỹ thuật cũng mang theo với nó cảnh tiêu diệt môi sinh đến mức độ chưa từng được biết trong lịch sữ loài người. Người ta đang tập trung nỗ lực nhằm phát minh các phương tiện để tiêu diệt (các vũ khí hạch tâm, sinh học và hóa học) nhằm mục đích triệt tiêu những con người và cả những dân tộc nữa. Nếu không có sự tiến bộ kỹ thuật nhằm mục đích khoa trương khoác lác của chúng ta, chắc không ai, có thể tưởng tượng ra được điều đó. Một số lớn các vũ khí hóa học mới đang nằm sẵn trong các xưởng chế tạo để cuối cùng sẽ được đem ra sử dụng. Đó là chỉ kể một số ít, để căn cứ vào đó chúng ta phải biết là còn một số khác nữa.
Bất chấp mọi phát triển trong các khoa học về sinh học và nông học, người ta vẫn không bảo đảm nổi việc nuôi sống nhân loại. Hiện nay, do sống chen chúc vào nhau mà nhân loại đã phá hủy thế cân bằng sinh học; chúng ta phải cố gắng phản ứng lại với các hậu quả, nên thường sử dụng các chất độc để tự đầu độc chính mình. Khả năng khai sinh ngành cơ khí di truyền (genetic engineering), một trong những kết quả của sự tiến bộ trong việc sưu tầm nghiên cứu, đã có được những lợi điểm rõ ràng trong lãnh vực thụ tinh cho súc vật, nhưng cũng quay sang tạo tiềm năng làm băng hoại cả nhân loại. Xã hội học, là khoa học non trẻ nhất trong các khoa học, trong khi được cao rao là một phương tiện để lên tiếng và giải quyết các căn bệnh xã hội, lại đã và đang bị lạm dụng rộng rãi nhằm tiêu diệt các mối dây liên hệ tự nhiên trong xã hội.
Thay vào dự kiến khiến cho người biết suy nghĩ “trưởng thành”, chúng ta lại thấy xã hội hiện đại bị những chuyên gia độc tài làm bá chủ. Thậm chí trong các lãnh vực cơ bản nhất của đời sống, con người “được giải phóng” hiện đại cũng bị các chuyên gia độc tài độc đoán cai trị căn cứ vào “chuyên môn” của họ (những kẻ vẫn thường chứng tỏ là chẳng ra gì ngay trong chính đời tư của họ). Thay vào bộ sách độc nhất vô nhị là sự khôn ngoan của Thượng Đế mà con người hiện đại không chịu cho người ta dùng để dạy mình, chúng ta có nhiều sách tự mâu thuẫn nhau để rêu rao là rất có giá trị cho mình trên cơ sở đó là những sách “khoa học”.
Chương trình giáo dục giới tính công cộng “có cơ sở khoa học” quản lý và phá hoại sinh hoạt tình dục bằng cách tiêu diệt ý thức e thẹn tự nhiên.
Các chuyên gia bị đầu độc để giải thích thế nào nhiều đứa trẻ là con một rất có khả năng ("hai đứa là quá dư thừa!") và các chuyên gia đòi hỏi cái quyền được quyết định phương pháp để trưởng dưỡng các đứa trẻ đó. Những bậc làm cha mẹ và xã hội bất hạnh đã phải gặt lấy các kết quả cay đắng của việc trưởng dưỡng ấy, trong khi đó, các chuyên gia từ lâu lại đưa ra những lý thuyết mới tiến bộ hơn về phương pháp trưởng dưỡng con cái.
Các bảng thống kê “được bảo đảm về phương diện khoa học” và những cuộc trưng cầu ý kiến quần chúng mà các chuyên gia đưa ra quá nhiều xác định nếp sống hiện đại, một nếp sống thường chỉ có những lời lẽ đầu độc cách ăn ở ứng xử do nguyên tắc khoái lạc lèo lái.
Nhập chung lại, tất cả những điều đó chỉ đưa đến việc đồng nhất hóa tư tưởng và hành động rộng khắp thế giới chưa từng thấy trước đây. Cách ăn ở ứng xử khác nhau không được khuyến khích; đã có áp lực để mọi người đều phải rập khuôn theo các chuẩn mực xã hội nổi bật, Còn dự kiến được rêu rao khoác lác về sự “trưởng thành” của con người, thì chẳng ai tìm thấy dấu vết gì cả!
“Sapere aude! Hãy can đảm trông cậy vào chính trí hiểu của bạn!” là câu khẩu hiệu của Phong trào soi sáng. Đó chính là điều mà Kant đã tuyên bố trong tác phẩm “Phong trào soi sáng là gì?” xuất bản năm 1784. Sapere aude! đã được nhân bản chủ nghĩa tuyên truyền một cách mặc nhiên. Sapere aude! đó là quyết định không thèm chấp nhận Lời mặc khải nữa, nhưng thay thế nó bằng uy quyền độc đoán của lý trí. Sapere aude! đó là quyết định do “những người vô đạo, bất công, bất nghĩa, xuyên tạc sự thật” (RoRm 1:18) đưa ra.
Thượng Đế đã trả lời cho quyết định nầy bằng sự phán xét:
“Những người vô đạo, bất công, bất nghĩa, xuyên tạc sự thật, sẽ bị Thượng Đế hình phạt. Vì sự thật về Thượng Đế đã được giải bày cho họ, chính Thượng Đế đã tỏ cho họ biết. Từ khi sáng tạo trời đất, những đặc tính vô hình của Thượng Đế - tức là quyền năng vô tận và bản tính thần linh - đã hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu hình, nên họ không còn lý do chữa tội. Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng tin hay tri ân Ngài. Họ suy tư trong vòng lẩn quẩn, tâm hồn bị sa lầy trong bóng tối. Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội...” (1:18-22).
Điều được áp dụng cho kẻ ngoại đạo chỉ có thể nhìn thấy sự mặc khải của Thượng Đế trong công trình sáng tạo mà thôi, có thể đem ứng dụng đến một mức độ càng cao hơn cho kẻ đã biết rõ sự mặc khải của Thượng Đế trong Con Ngài! “Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội!” Lịch sử của năm trăm năm vừa qua, trong mọi phương diện của nó - lịch sử chính trị cũng như trí thức, lịch sử của ngành kỹ thuật cũng như của thần học - đều đưa ra một lời chứng rõ ràng về cơn thạnh nộ mà Thượng Đế đã ném chúng ta vào đó.
Do sự gian ác khủng khiếp mà chúng ta đã vi phạm, lịch sử nầy còn là một chứng nhân cho ân phúc vô cùng sung mãn và lòng kiên trì nhẫn nhục của Thượng Đế. Sở dĩ như thế là vì “Thượng Đế ban ân, rộng lòng tha thứ” (3:24).
Tình hình hiện tại thật ra, rất dễ nhận thấy. Chúng ta đã tự để cho mình sa vào một tình trạng bất kỉnh vô đạo khủng khiếp (nhưng lại có vẻ khả kính). Từ hơn năm trăm năm nay, chúng ta đã cúi mình trước một nền văn hóa và khoa học chống lại Cơ Đốc giáo ngay từ đầu. Chúng ta đã tự thuyết phục mình rằng tư tưởng và sáng tạo chỉ có thể có được bên trong phần khung sườn nầy (26). Như thế là chúng ta đã giày đạp dưới chân quà tặng của Cha mình trên thiên đàng, là Con Yêu dấu Ngài, trong đó Ngài đã ban cho chúng ta kho báu tiềm tàng mọi khôn ngoan và tri thức (Xem CoCl 2:3).
Từ thập kỷ nầy sang thập kỷ khác, thế kỷ nầy tiếp theo thế kỷ khác, Cơ Đốc giáo đã chấp nhận sự phạm thượng đó và ngày càng dấn thân sâu hơn vào đấy. Thượng Đế đã tỏ ra nhân từ, nhẫn nhục và kiên trì chịu đựng đối với chúng ta biết bao nhiêu: Đồng thời với việc ánh sáng rạng rỡ của Phúc âm bắt đầu chiếu ra một lần nữa, nền văn minh được nhìn thấy những tia sáng của nó lại quay lưng đi để hướng về sự bất kỉnh vô đạo, thế nhưng Thượng Đế vẫn bỏ qua cho loài người và vẫn nâng đỡ họ bằng tình yêu thương qua nhiều thế kỷ tiếp sau đó! Công lao đã hoàn tất của Ngài tại Gô-gô-tha, mà các dòng suối phước hạnh của nó vẫn tuôn trào cả đến những thế kỷ gần đây nữa, thật là vĩ đại biết bao!
Tuy nhiên, “ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, chớ cứng lòng...” (Thi Tv 95:7-8). Cuối cùng, xin chúng ta hãy quay trở về với Đấng đã tạo nên chúng ta. Ngoài công lao cứu chuộc Thượng Đế đã thực hiện khi ban Con Ngài nhận lãnh tội lỗi chúng ta trên thập tự giá tại Gô-gô-tha, Ngài sẽ bắt buộc phải trừng phạt chúng ta bằng sự cách biệt vĩnh viễn với Ngài và cảnh hấp hối trong biển lửa, chỉ căn cứ vào việc chúng ta đã dự phần vào sự phạm thượng do bất kỉnh vô đạo như thế mà thôi. Mà đó chính là việc Ngài sẽ làm, nếu chúng ta không chịu tìm nơi ẩn náu trong Chúa Jesus, với tư cách là Cứu Chúa chúng ta.
-(1)R.Kottje and B.Moeller, eds, Okumenische Kirchengeschichte, vol 1,157 (2)W.P.Fuchs, “Universitat” trong Neues Padagogisches Lexikon, do Hans-Hermann Groothoft and Martin Stallmann xb, 1198f (3)Sđd (4)Sđd (5)Kurt Dietrich Schmidt, Kirchengeschichte (4th ed,1963) 264 (6)Sđd (7)Sđd (8)Sđd (9)Xem phụ lục 2 (10)Trong vấn đề kỹ nghệ văn hóa, thì các trào lưu văn hóa nắm quyền kiểm duyệt. Điều nầy đã trở thành rõ ràng trong cuộc tranh luận liên hệ đến các cuộc triển lãm về “Dokumenta” của Kasseler (một cuộc triển lãm nghệ thuật được tổ chức vài năm một lần tại thành phố Kassel bên Đức). Nhiều điều đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất nhưng không bám sát được các trào lưu, đã bị loại trừ. Mặt khác các nhà tổ chức triển lãm lại dán lên cái nhãn hiệu “nghệ thuật” cho những điều phi lý vô nghĩa nhất (bà Linnemann kể ra các thí dụ về “những điều phi lý vô nghĩa” trong đó có một cái lỗ sâu 1km khoan xuống đất tại trung tâm triển lãm, dưới quyền giám sát của cố nghệ sĩ Joseph Beuys, người Đức. Các quan chức của cuộc triển lãm nhìn nhận việc làm ấy được đăng ký để triển lãm, trong khi lại loại ra nhiều công trình có phẩm chất cao nhưng lại “kém xu hướng theo trào lưu” khác. Bà Linnemann kể rằng trong một cuộc triển lãm khác, cũng một nhà nghệ sĩ ấy trưng bày một vật đựng chín cân Anh bơ, mỗi lần ném được một quả cầu lên góc cao của một căn phòng trong viện nghệ thuật Dusseldorf, Rõ ràng là công trình ấy đã được một số người cho là một nghệ thuật, vì một môn đệ của Beuys được ông ta tặng vật ấy cho đã được bồi thường thiệt hại đến 20.000 Mỹ kim khi đám người giữ trật tự quá hăng say đã dọn sạch vật ấy đi vì cho rằng đó là một thứ rác). Về vấn đề kỹ nghệ khoa học, xin xem các chương 6,7. (11)Xem chương 9 (12)Sẽ được thảo luận kỹ hơn trong chương 7 (13)Dường như đã đến lúc phải xem xét các ân tứ và tài năng thiên phú; những đóng góp để xây dựng, tiền vốn và nhân sự; các công trình liên bang để viện trợ và cứu trợ; như là việc củng cố trực tiếp hoặc gián tiếp các trào lưu văn hóa và khoa học mong muốn. Ai quyết định điều gì là xứng đáng và cần được ủng hộ thêm, và các quyết định ấy được đưa ra căn cứ vào định chuẩn nào? (14)N.L.Geisler, “Das philosophische Vorverstandis der Bibelkritik” trong Bibel und Gemeinde (1984), 390 (15)Sđd 391 (16)Sđd 393 (17)Sđd 392 (18)Xem Gottfried Meskemper, Falsche Propheten unter Dichtern und Denkern (2d ed, Berneck, 1983 (19)Tất cả các nhân vật vừa kể đều rêu rao rằng họ được một thần linh (spirit) bên ngoài họ tạo cảm hứng (inspiration: linh cảm), Goethe công nhiên kết hợp thần linh ấy với các quỉ (xem Meskemper, Falsche Propheten, 29-33) còn về trường hợp những người khác, chúng ta có thể phán xét căn cứ vào tác phẩm của họ, và rất khó tránh được việc nghi ngờ rằng chúng đều vốn có cùng một nguồn gốc. Điều chắc chắn, đó không phải là Đức Thánh Linh! (20)Gần đây, tôi đã được khuyên nên tham khảo công trình nghiên cứu của N.C.VanVelzen, vốn có một phần trình bày chi tiết và hợp thời hơn nhiều về các góc cạnh của lịch sử về các ý niệm ấy: “Ooroprong ontwikkeling van het humanisme” Bijbel en Wetenschap, 10:79, 4-14. (21)Immanuel Kant, Was ist Anfklarung? (1784) (22)Lời tố cáo rằng phái tin kính đã từ bỏ lãnh vực truyền dạy đại học là không đúng, vì nó làm nẩy sinh cảm tưởng sai lầm rằng phái tin kính có thể có liên hệ với nền thần học đại học cho dù nó có muốn như thế, và phải chê trách nó vì kết quả của con đường mà nó đã noi theo. Lập trường nầy đã bỏ qua sự kiện đã không hề có chỗ nào trong giới đại học cho nền thần học trung thành với Thưởng Đế khi các viễn tượng vô thần của nhân bản chủ nghĩa và Phong trào soi sáng đã trở thành khởi điểm qui phạm cho những con người có học vấn và là phần khung sườn trong đó nền thần học ở cấp đại học bị bắt buộc phải khai triển. (23)Wilhelm von Humboldt (1767-1835) ghi nhận rằng các chính khách, nhà nhân bản, và ngữ học, là kiến trúc sư trưởng về phương diện trí thức của đại học đường Berlin, mà chính ông ta đã hỗ trợ để sáng lập khoảng 1810. Ông nhấn mạnh rằng sứ mạng của cấp đại học chỉ là như sau đây mà thôi: “Tìm cách tự học lấy cho bản thân, chẳng quan tâm đến bất cứ một điều gì khác cả”. Các đại học đường bên Đức đều được sáng lập rập khuôn với Berlin, đã trở thành một nguyên mẫu, do đó hoàn toàn không có thiện cảm với ý niệm về nền giáo dục đại học phải là việc sưu tầm nghiên cứu kỹ thuật, dẫn tới nền giáo dục chuyên nghiệp. Xin xem Wilhelm Humboldt “Higher Learning in Berlin” trong Great Ideas Today, do R.M.Hutchins & M.J.Adler xb (Chicago Encyclopedia Britannica, 1969) 350-55 (24)Xem Lutz von Padberg, “Gegen die Aufsspaltung von Glauben und Denken” Ideas Dokumentation 33 (1985), Ranald Macauley, “Das Chrisliche Denken”, factum (May 1985) cũng xem phụ lục 2 (25)Vì lý do ấy, chúng ta cần có những trường học trong đó tư tưởng về mọi ngành học đều có thể được hòa giải để làm việc trên nền móng là Lời Thượng Đế, tốt hơn là thay vào đó, lại tự vét cạn vắt kiệt mình bằng cách cố gắng bài bác các sai lầm rõ rệt. Điều thiết yếu là chúng ta phải dứt khoát với các mối liên hệ truyền thống về các kỷ luật cá nhân, nhờ đó chúng ta có thể khai thác hết sức cẩn thận để cứu vãn số tài liệu khả dĩ có thể sử dụng được. Tóm lại là chúng ta cần những trường cao đẳng sẽ dành cho Thánh Kinh địa vị phải lẽ của nó! (26)Xem chú thích 25


CÁC CÂU HỎI THÍCH HỢP LIÊN HỆ VỚI CẤP ĐẠI HỌC
Thời gian dài đằng đẵng mà nền văn hóa và khoa học vô thần, chống Cơ Đốc giáo, đã tràn lan và gây ảnh hưởng trên toàn thế giới của “Cơ Đốc giáo Tây phương” đã khiến chúng ta trở nên dửng dưng với tình trạng quái đản ấy. Chúng ta rất khó có được một viễn tượng phê bình đối với điều đã được thiết lập vững chắc từ nhiều thế kỷ, và có vẻ như đã là hiển nhiên rồi. Thật là khó thừa nhận rằng lịch sử các ý niệm Tây phương bao trùm hơn năm trăm năm, lại là một điều tội lỗi. Chúng ta nhìn nó, đồng thời với sức xâm nhập quốc tế của nó, chỉ như một sự việc đã rồi, phù hợp với phần giáo điều hiện đại, bảo rằng những gì chúng ta đã nhận diện như những sự kiện vốn tự nó đã có sẵn phần năng lực qui phạm nội tại cho tư tưởng chúng ta. Điều hiện có vốn phức tạp nhưng phải được đồng nhất hóa với điều đáng lẽ phải có. Cái hiện có như một sự kiện vốn có trọng lượng hơn cái qui phạm, cho nên thật ra, đã trở thành qui phạm.
Thêm vào đó các lực lượng văn hóa và giáo dục đó đã in sâu vết hằn trên chúng ta, đến nỗi chúng ta chỉ có thể được giải thoát là nhờ hồng ân của Cha chúng ta trên trời, huyết của Chúa Cứu Thế Jesus, và nước tẩy của Lời Thượng Đế mà thôi. Chúng ta xem những gì mà nền giáo dục hiện đại đã đạt được là một lợi điểm, vì nó giúp chúng ta đạt tới điểm mà chúng ta đang đứng. Chúng ta phải chấp nhận sự khôn ngoan ước lệ rằng tư tưởng và óc sáng tạo chỉ có thể có được bên trong cái khung sườn, cái cấu trúc nầy.
Cả khi một người sẵn sàng lắng nghe, vẫn còn nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề thắc mắc được đặt ra về những câu phát biểu trong chương trước. Các câu hỏi ấy rất khó đánh tan.
BỐ CỤC VỀ LỊCH SỬ NẦY CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG?
Phải chăng phần bố cục ngắn gọn về lịch sử các ý niệm hiện đại nầy chỉ là một phác thảo vạch rõ hai phần đen trắng, chứ không xét lẽ công bằng được cho thực tại?
Quả thật rằng cả nhân bản chủ nghĩa lẫn Phong trào soi sáng nguyên thủy đều không cố ý muốn đoạn tuyệt với đức tin Cơ Đốc giáo. Nhiều lắm thì người ta cũng chỉ biết là có một ý thức muốn chống lại lời truyền dạy của giáo hội mà thôi. Ngay cả duy tâm chủ nghĩa (idealism) cũng không hoàn toàn chối bỏ Cơ Đốc giáo. Như thế, chúng ta có thể nói rằng nhiều người không phải là Cơ Đốc nhân (un-Christian) chứ không cố ý chống lại Cơ Đốc giáo (anti-Christian)(1). Người ta có thể đọc danh mục các Cơ Đốc nhân làm triết học, từ Pico della Mirandola, Bacon, Hobbes, Descartes cho đến Kant, Goethe và Hegel. Bầu không khí bao trùm lên toàn xã hội vẫn còn là bầu không khí Cơ Đốc giáo. Điều chắc chắn là vô thần chủ nghĩa sống sượng vẫn chưa được cho phép cất cái đầu xấu xí của nó lên. Thậm chí cả Lessing cũng từng cúi đầu trước áp lực xã hội, tuy các văn phẩm của ông có nói bóng gió rằng ông vốn thích hành động khác hẳn. Semler thì trực tiếp nhấn mạnh rằng các ý niệm của ông không dành cho dân chúng mà chỉ dành riêng cho giới trí thức, hồi ấy, dĩ nhiên, chỉ là một nhóm người rất ít ỏi mà thôi.
Ở đây, chúng ta đang đề cập một tiến trình rò-rĩ tiệm tiến. Bản tính chống-Cơ Đốc giáo của quan điểm nầy được phát giác trước hết là trong việc nó vốn mâu thuẫn với Lời Thượng Đế. Nó chống Cơ Đốc giáo và vô thần ở chỗ nó bỏ qua, chẳng đếm xỉa gì đến Thượng Đế vốn là Cha của Chúa Cứu Thế Jesus chúng ta, cả khi miệng nó vẫn thành kính nói ra tiếng Thượng Đế. Vị thần của nó không phải là Đấng đã tự mặc khải trong Lời Ngài (Thánh Kinh) mà trái lại, là vị thần của các triết gia, mà nó gán cho điều mà tâm linh con người mơ tưởng tới. Mãi đến tận thế kỷ thứ 19, cái tư tưởng ấy nói chung vẫn còn rất ngoan đạo, tin kính, trong sự ngoan đạo tin kính ấy cứ ngày càng xuất hiện thưa dần. Bản tính phản loạn của con người mà Thánh Phao-lô gọi là “xác thịt” (Hi văn: sarx, xem RoRm 8:5-8) đã cướp lấy chính quyền, và thoạt đầu, đã tự giới thiệu mình là “xác thịt”.
NGOAN ĐẠO, TIN KÍNH
Thứ hai, bản tính chống-Cơ Đốc giáo của quan điểm nầy trở thành hiển nhiên ở chỗ việc nghiên cứu Thánh Kinh và cõi thiên nhiên một cách có phương pháp lại bỏ qua, chẳng đếm xỉa gì đến Thượng Đế cả. Lời Thượng Đế với tư cách nguồn gốc mọi tri thức rõ ràng là đã bị gạt qua một bên.
Tư tưởng bên phương Tây đã bị lột bỏ chất Cơ Đốc giáo đi, có phần nào giống như một con sâu đã bị cấu xé từ bên trong sau khi con ruồi ichnenmon đẻ trứng của nó vào đấy; các trứng ruồi tiêm vào con sâu nở thành ấu trùng, đến lượt chúng lại phát triển để tự nuôi mình bằng chính chủ nhà đã cho chúng ở trọ. Ngoại hình của con sâu vẫn chẳng thấy bị tổn hại gì qua một thời gian, cho đến khi cuối cùng, nó bị tiêu diệt.
Người ta cũng có thể ví sánh tiến trình ấy với khung sườn của một ngôi nhà bị lũ mối phá hủy. Những cây cột cây kèo đều bị tấn công âm thầm, kín đáo, và đến khi chúng đã hoàn toàn suy yếu đi rồi, thì ngôi nhà mới sập xuống.
Chúng ta cũng thấy các hậu quả tương tự trong tư tưởng hiện đại của những gì vẫn bị che giấu từ rất lâu rồi. Người ta đã tạo ra ấn tượng sai lầm rằng đức tin Cơ Đốc giáo không còn nữa. Điều đã xảy ra, ấy là một dòng ý thức hệ (ideology) có tính cách chống lại Cơ Đốc giáo ngay từ đầu, cuối cùng đang tiếp tục con đường của nó. Thoạt đầu, cái ý thức hệ ấy được pha lẫn với đức tin Cơ Đốc giáo, nhưng với thời gian tự tinh luyện, nó đã chối bỏ đức tin Cơ Đốc giáo, xem như bất thích hợp về phương diện yếu tính.
Cái ảo tưởng rằng đức tin Cơ Đốc giáo là lỗi thời chỉ nẩy sinh vì có quá nhiều Cơ Đốc nhân đồng nhất hóa đức tin của mình với cái ý (thức) hệ đã hạ thủ nó. Họ đã không nhận thấy đặc tính chống Cơ Đốc giáo của nó ngay từ đầu. Trong khi đó, thì Cơ Đốc giáo vẫn được hồng ân của Thượng Đế bảo vệ để duy trì - bao giờ cũng còn có “bảy ngàn người” không chịu quì gối trước Ba-anh (11:4-5). Tuy nhiên, số đó thường là những người mà Thánh Phao-lô đã mô tả là ”...không có nhiều người thông thái, chức trọng quyền cao hay danh gia vọng tộc” (ICo1Cr 1:16). Thêm vào đó, đức tin Cơ Đốc giáo còn bị ngăn chặn không cho phát triển trong các trung tâm học hỏi ở cấp bậc đại học, nơi mà khái niệm khoa học được quan niệm theo vô thần chủ nghĩa đang chiếm độc quyền. Ngõ vào cái thế giới ấy đã bị hạn chế cho số ít người có thể vào đó mà khỏi hi sinh đức tin (đạo) của mình.
Tình hình đương đại đang rất hỗn tạp do việc pha lẫn Cơ Đốc giáo với các khái niệm xa lạ đối với nó, nhưng giờ đây, nhờ ân phúc Thượng Đế, chúng ta đã có thể nhìn thấy điều đó rất rõ ràng. Xin chúng ta hãy lợi dụng thì giờ của ân phúc nầy để chối bỏ sự tổng hợp tội lỗi đó nhân danh Chúa Jesus để tạo ra một khởi điểm mới “Hãy cày mở ruộng mới các ngươi, chớ gieo trong gai gốc” (Gie Gr 4:3).
PHẢI CHĂNG CHÚNG TA CHỚ NÊN Ở LẠI TRONG THẾ GIAN?
Phải chăng kết quả của chương 1 là bất thích hợp, vì rõ ràng là cấp đại học cũng là “thế gian”? Dù sao, Chúa Jesus đã không hề đòi hỏi chúng ta phải lìa khỏi thế gian, mà trái lại, chúng ta được giữ lại, được bảo tồn trong đó (GiGa 17:15).
Thoạt nhìn thì luận cứ nầy có vẻ hữu lý, thế nhưng ta cần phải biết một điều phân biệt tối quan trọng. Nếu tôi mua hàng tạp hóa trong thế gian, vật mà tôi mua và ăn đó chỉ được ăn vào và tiêu hóa; nó chẳng có liên hệ tiếp xúc gì với tư tưởng của tôi cả. Nếu tôi mua giày của một người vô thần hay ngoại đạo, đôi giày chỉ chạm được vào chân tôi chứ không chạm đến con người bên trong của tôi. Nếu tôi làm việc trong một dây chuyền lắp ráp của một xưởng máy, tôi bị bắt buộc phải nghe những câu chuyện thô tục và phạm thượng của những người chung quanh mình, nhưng tôi không bị bắt buộc phải thu những lời lẽ xấu xa ấy vào tâm trí mình. Nếu tôi ngồi trên một chiếc ghế quản trị xí nghiệp, chắc tôi sẽ phải chú ý đến các luật lệ và qui tắc, nhưng những gò bó ấy không thể làm thay đổi chính con người tôi. Trái lại, trường đại học là nơi làm đổi thay tư tưởng của tôi và đưa tôi đến chỗ phải đứng ngang hàng với người thế gian.
Kể từ khi xã hội của Phong trào soi sáng chối bỏ thực tại của sự sa ngã (Sáng 3) đồng thời với hậu quả của nó là sự băng hoại của con người và nhu cầu của sự cứu chuộc nhân loại đã cố gắng phác họa tư tưởng là một khả năng trung tính, khách quan và có hiệu quả. Tất cả những gì có vẻ phù hợp với các qui luật của luận lý học để tự nhiên tự động trở thành đúng đắn và đáng tin, trong phạm vi nó chịu tự hạn chế, đều tự giam chặt mình trong cái gì hữu hình và nội tại. Niềm tin vào tính cách trung tính, khách quan và phổ quát của tư tưởng khoa học đó đã được đề cao thành nhà vô địch trong trường đại học, nơi với người ta cho rằng “tư tưởng” đúng phải có “cơ sở khoa học” và do đó, đã tự giới hạn mình vào các hạn chế tự bó hẹp mình đó. Nói khác đi, các khoa học có thể được học hỏi nghiên cứu trong trường đại học, mỗi ngành trong khu vực tương ứng của nó, đều tự xưng là mình có giá trị độc quyền đối với tư tưởng con người.
Qua lời tự xưng chát tai nhằm bênh vực cho giá trị độc quyền của mình đó, các sinh viên muốn học tập suy tư bị lôi vào một tiến trình phàm tục hóa rộng khắp thế giới. Như chúng tôi từng gợi ý, họ bị đưa đến chỗ phải đứng ngang hàng với người thế gian. Thế nhưng Lời Thượng Đế từng răn bảo chúng ta: “Đừng đồng hóa với người đời, nhưng hãy để Chúa đổi mới tâm trí mình, nhờ đó anh em có thể tìm biết ý muốn của Thượng Đế, và hiểu rõ điều gì tốt đẹp, trọn vẹn, hài lòng Ngài” (RoRm 12:2). Điều chúng ta hấp thu qua tư tưởng chúng ta sẽ hình thành loại con người mà chúng ta sẽ trở thành. Câu nói: “Hãy nói cho tôi biết anh giao du với ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là hạng người như thế nào” đã thừa nhận lời khẳng định nầy. Có lý nào nếu tôi dành đến tám chín giờ mỗi ngày để tư duy theo các thể thức đặt trên cơ sở vô thần chủ nghĩa, trên các tiền đề chống Cơ Đốc giáo, mà khỏi bị sai lạc thật sâu xa? Lẽ tất nhiên là tư tưởng khoa học vốn có vẻ như trung lập. Nó loại trừ Thượng Đế một cách có phương pháp, do đó, tự bảo đảm với mình rằng Ngài vốn chẳng có liên hệ gì với việc chế tạo máy móc, phát triển các hóa chất nhằm phòng ngừa bệnh tật cho cây cỏ, việc lý giải thi ca, hay quyết định các niên đại lịch sử. Thế nhưng chính lời rêu rao là trung lập đó, chính việc loại trừ Thượng Đế một cách có phương pháp đó, đã ra mặt chống lại Lời Thượng Đế. Chính cái phương pháp tiếp cận đó là vô thần và chống lại Cơ Đốc giáo.
Nếu tôi sử dụng phương pháp tiếp cận ấy, là tôi đã bó hẹp Thượng Đế thành một hiện tượng nằm ngoài lề, cho dù tôi có ý định như thế hay không. Hằng ngày, tôi chối bỏ nhiều thành phần trong Lời của Ngài, mà không hề ý thức được, và chẳng bao lâu, sẽ bỏ nhà để ra đi với một vị thần hết sức nhỏ bé, một vị thần chỉ phù hợp với cuộc đời tư của tôi mà thôi, một vị thần sẽ chẳng phù hộ gì được cho tôi khi các đòi hỏi nghiệt ngã của đời sống đè tôi xuống. Nhưng việc bó hẹp, thu nhỏ nầy, vốn không phải là vì dù sao thì Thượng Đế cũng có giới hạn, cũng bị hạn chế; trái lại, ấy là vì cách thức tôi qui định phạm vi trị vì cho Thượng Đế. Chúng ta chỉ gặt điều mình đã gieo (GaGl 6:7) và chân lý nầy cũng được áp dụng cho sinh hoạt trí thức của chúng ta nữa.
Ngược lại, công trình nghiên cứu của Cơ Đốc nhân phải phấn đấu để lệ thuộc vào Thượng Đế trong việc lựa chọn đối tượng để nghiên cứu, trong các phương pháp áp dụng để nghiên cứu, và trong các động lực thúc đẩy việc sưu tầm nghiên cứu. Nó cố gắng nương nhờ trông cậy vào Thượng Đế trong từng bước một. Một công trình nghiên cứu như thế không phải là “tự ý tự động và khách quan, không bị cấm đoán chi cả; mà trái lại, nó phải tìm một điểm để đối chiếu và được sự xác nhận trực tiếp hoặc gián tiếp của Kinh điển (2). Thế gian không thể nhất trí với sự trông cậy, lệ thuộc nầy, nhưng có thể chia xẻ các kết quả của một công tác lao khổ như thế.
VỀ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CƠ-ĐỐC GIÁO THÌ THẾ NÀO?
Một số người đã thắc mắc đặt một câu hỏi khác cho chương sách trước đây: Đâu phải hễ ai sáng lập, giảng dạy hay học hỏi, nghiên cứu trong các nhà trường như đã được mô tả đó, đều là vô đạo bất kính cả? Trong đám họ, vẫn còn rất nhiều người “khôn ngoan và cao thượng” lắm. Thật vậy, nhiều người vốn và đang là các con cái Thượng Đế, là những chứng nhân sáng chói cho Chúa Jesus. Phải chăng những gì bà đã nói về cấp đại học có nghĩa là bà phê phán những người từng lao khổ ở đó tùy theo sức hiểu biết cao nhất của họ và với một lương tâm trong trắng và sự tận tâm tận lực của họ? Phải chăng công kích họ như thế cũng là tự phụ tự cao một phần nào?
Tôi xin trả lời là tôi chẳng hề có ý muốn công kích ai cả. Lời Thượng Đế từng răn bảo chúng ta “Vậy, đừng xét đoán quá sớm, hãy đợi Chúa đến. Ngài sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày các ý định trong lòng người. Lúc ấy mỗi người sẽ được Chúa khen ngợi đúng mức” (ICo1Cr 4:5).
Bản thân tôi cũng chẳng cố ý muốn ép uổng các con cái Chúa, cũng không dám trách cứ họ, về địa vị hiện hữu của họ. Hễ bao lâu cấp đại học còn duy trì độc quyền của mình, thì rất có thể rằng nhiều cá nhân là con cái Thượng Đế sẽ tìm thấy vai trò của mình dưới quyền lãnh đạo của nó. Mỗi người đều được kêu gọi phải tự xét mình thật nghiêm túc trước mặt Chúa, vì “Anh em là ai mà phê phán các tôi tớ của Chúa? Họ làm đúng hay sai, thành công hay thất bại, đều thuộc thẩm quyền của Chúa” (RoRm 14:4a). Phần phê bình của tôi nhằm vào tổ chức đại học và việc thể chế hóa các kỹ nghệ khoa học và văn hóa. Lời phê bình không nhằm vào cá nhân những con người, mà nhằm vào một hệ thống. Chúng ta phải làm sáng tỏ lập trường của mình đối với hệ thống ấy: chúng ta cần tự xét mình. Phải chăng chúng ta muốn cứ tiếp tục hòa mình vào đó, tự phơi mình ra trước thế lực của nó như từng làm trong quá khứ? Lời Thượng Đế đã phán dạy thật rõ ràng về vấn đề nầy: “Đừng mang ách chung với người vô tín, vì đức công chính không thể kết hợp với tội ác, cũng như ánh sáng không thể hòa đồng với bóng tối. Có điểm hòa hợp nào giữa Chúa Cứu Thế với Ác quỉ? Người tin Chúa dự phần gì với kẻ vô tín?” (ICo1Cr 6:14-15).
Hoặc tôi xin trích dẫn một tác giả gần đây:
“Các cơ cấu ý niệm sai lầm của loài người, nền triết lý và mưu mẹo cạn cợt theo thói tục của người đời” (CoCl 2:8) và “mọi tư tưởng tự cao cản trở sự hiểu biết Thượng Đế” (IICo 2Cr 10:5) đều nguy hiểm như nước bẩn được cung cấp cho việc tiêu dùng trong các tư gia của chúng ta vậy. Chúng lừa dối và tiêu diệt mọi nơi, nhất là trong chính nền văn hóa của chúng ta, vốn đã bán đi phần nền móng xưa kia của mình để đổi lấy nền móng của nhân bản chủ nghĩa và duy vật chủ nghĩa. Thế giới thông tin và đại học đều, bằng một hình thức nầy hoặc hình thức khác, đã kết hợp lại với tư tưởng nhân bản, để tự biện minh cho việc gắn danh hiệu “nhân bản” lên mọi ngành khoa học. Các thành viên của những ngành ấy tự biết mình bị ràng buộc với Thánh Kinh, có lý nào lại chỉ ngồi đó và từ bỏ bãi chiến trường mà chẳng chịu chiến đấu chi cả, hay sao?
PHẢI CHĂNG ĐÃ CÓ RẤT NHIỀU CÔNG TÁC KHOA HỌC RẤT HỮU ÍCH?
Một nhóm các câu trả lời thứ tư cho chương trước có lẽ là theo dòng nầy: Tất nhiên, không phải mọi kết quả từ công tác khoa học của các thế kỷ gần đây đều xấu cả. Thế bà có công nhận rằng phần lớn công tác ấy đã được thấy là hữu ích không?
Tôi hoàn toàn đồng ý. Trước đây, chúng ta từng đề cập hai phương diện hay hai mặt của khoa học. Do lòng thành tín, nhẫn nhục và nhân từ của Thượng Đế, Ngài vẫn tiếp tục ban nhiều phước hạnh, bởi ân phúc, Ngài đã ban nhiều điều có lợi và giúp ích suốt các thế kỷ đầy tội lỗi và sai lầm ấy. Nhưng do sự sai lầm đầy tội lỗi như thế mà điều tốt lành cũng bị băng hoại để trở thành điều tàn hại và phá hoại. Có lẽ cần phải bỏ công ra để nêu rõ diễn tiến của tội lỗi, ân phúc Thượng Đế và sự trừng phạt trong từng ngành khoa học riêng biệt, nhưng đó không phải là công việc của tôi. Tôi sẽ chỉ xin nêu ra vài nhận xét để giải thích về đề mục nầy trong phần phụ lục 2.
Thế giờ đây chúng ta phải làm gì? Phải chăng chúng ta chẳng có thể làm gì cả, hay chỉ phải khóc than cho các thế kỷ sai lầm và tự tẩy sạch mình về phương diện thuộc linh? Chúng ta có nên lập thêm nhiều trung tâm học hỏi mới nữa hay không? Chúng sẽ có vóc dáng như thế nào? Đó là những câu hỏi sẽ được chúng tôi quan tâm trong chương 4.
“Nhưng phải chăng điều có thể quan niệm được, là Thượng Đế, Chúa chúng ta, là Đấng Toàn Năng đang nắm quyền cai trị, đã nhìn thấy và cho phép cả nhiều thế kỷ dài diễn tiến trong sự sai lầm để phát triển theo cách ấy? Chúng ta có thể nào chấp nhận một cách nghiêm túc cái khái niệm rằng Ngài đã chọn việc không chịu can thiệp vào từ thế hệ nầy sang thế hệ khác như thế, là nhằm để cho những lãnh tụ sai lạc bị lầm lạc? Phải chăng đúng hơn là chúng ta phải xem điều đã xảy ra và hiện có như những gì đã được giả thiết là phải có? Lời Thượng Đế sẽ trả lời cho chúng ta các câu hỏi ấy, mà chúng tôi sẽ thám sát trong chương 3.
-(1)Về nhân bản chủ nghĩa, xin xem Van Velzen “Oorsprung en Ontwikkeling van het humanisme”. Về phong trào soi sáng, xin xem N.L.Geisler “Philosophical Presuppositions of Biblical Inerrancy” trong N.L.Geisler, ed, Inerrancy (Grand Rapids Zondervan, 1983) esp 312-24 (2)"Das Christliche Denken” 8 (3)Sđd 19

DÂN Y-SƠ-RA-ÊN ĐỜI XƯA VỚI PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI
Lời Thượng Đế vốn được viết ra để giáo huấn chúng ta, đã không để mặc cho chúng ta tự đoán lấy lời đáp cho câu hỏi đã được đặt ra ở cuối chương 2. Bộ sách ấy cung cấp cho chúng ta phần tri thức và cái nhìn thông tuệ vào các sự việc như chúng vốn có thật vậy.
MỘT ĐIỂM GIỐNG NHAU TRONG LỊCH SỬ DÂN Y-SƠ-RA-ÊN
Những phát triển quái quỉ chúng tôi đã vạch ra trong tiến trình lịch sử các ý niệm của cái gọi là Cơ Đốc giáo Tây phương đã có chỗ giống nhau đáng sợ với lịch sử dân Y-sơ-ra-ên trong việc dựng lên các bò con vàng tại Bê-tên và Đan. Dân Y-sơ-ra-ên vừa chia đôi thành hai vương quốc, ở phía Nam là hai chi phái Giu-đa với Bên-gia-min, còn ở phía Bắc là mười chi phái khác. Sự qua phân nầy là câu trả lời của Thượng Đế cho tội lỗi của Sa-lô-môn. Vua Sa-lô-môn đã chọc giận Thượng Đế bằng việc cho phép dựng lên các đền thờ cho các tà thần của các hoàng hậu người ngoại quốc của vua. Việc làm nầy cộng thêm vào sự sai lầm vua ấy đã phạm do việc kết hôn nhằm các chủ đích chính trị để thách thức các ý muốn của Thượng Đế. Chính Thượng Đế đã đích thân báo trước việc Ngài sẽ trừng phạt Sa-lô-môn, nó sẽ xảy ra sau khi nhà vua thăng hà. Trong lúc Sa-lô-môn còn sống, nhà tiên tri A-hi-gia đã báo tin cho Giê-rô-bô-am rằng ông ta sẽ làm vua của mười chi phái.
Nhờ ân phúc Thượng Đế và theo ý chỉ Ngài, Giê-rô-bô-am đã lên ngôi để làm vua cai trị vương quốc miền Bắc, và cùng một Giê-rô-bô-am ấy đã đi lệch khỏi con đường của Thượng Đế và cũng đưa cả dân sự mà Ngài đã phó thác cho vua ấy cùng đi xuống dốc với mình:
“Bấy giờ, Giê-rô-bô-am nói thầm rằng: Hoặc nước sẽ trở về nhà Đa-vít chăng. Nếu dân sự nầy đi lên đặng tế lễ tại trong đền của Đức Giê-hô-va, thì lòng họ chắc sẽ trở về chúa của họ, là Rô-bô-am, vua Giu-đa; người ta sẽ giết ta đi và trở về với Rô-bô-am, vua Giu-đa. Vua bàn định, rồi truyền làm hai con bò bằng vàng, và nói với dân sự rằng: Các ngươi đi lên Giê-ru-sa-lem thật khó thay! Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần ngươi, đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Người đặt con nầy tại Bê-tên, và con kia tại Đan. Việc đó thành nên tội lỗi, vì dân chúng đi đến Đan đặng thờ lạy con bò ấy. Giê-rô-bô-am cũng cất chùa miễu trên các nơi cao, chọn lấy người trong vòng dân chúng lập làm thầy tế lễ, không thuộc về chi phái Lê-vi... Ngày rằm tháng tám, tức là tháng người tự chọn lấy, Giê-rô-bô-am đi lên bàn thờ mình đã cất tại Bê-tên. Người lập một lễ cho dân Y-sơ-ra-ên, rồi đi lên bàn thờ đặng xông hương” (IVua 1V 12:26-31, 33).
Tuy một nhà tiên tri từ xứ Giu-đa đến nói cho vua biết ngay tại chiếc bàn thờ ở Bê-tên, và báo cho vua biết về sự phán xét của Thượng Đế bằng nhiều dấu lạ, “Giê-rô-bô-am không thay đổi (theo bản Anh văn) con đường ác mình, nhưng người lại lập cho các nơi cao những thầy tế lễ chọn trong dân sự; phàm ai tình nguyện thì được người biệt riêng ra làm thầy tế lễ tại các nơi cao” (13:33).
Đồng thời với việc dựng tượng “các bò con vàng” trong xứ Y-sơ-ra-ên, vì các lý do chính trị, tội thờ tà giáo cũng được định chế hóa. Nguồn cảm hứng để làm việc nầy vốn được rút tỉa từ bên ngoài xứ Y-sơ-ra-ên, nơi con bò đực được xem là biểu tượng của thần quyền. Tội nầy vốn đã có trong truyền thống rồi: Trước đó, A-rôn từng cho đúc một tượng bò con, tội nầy vốn đã có tiền lệ và đã đưa người ta đến chỗ bắt chước (điều sai lầm). Tội của A-rôn đã bị trừng phạt, và tội của các con cái Y-sơ-ra-ên cũng bị trừng phạt đồng thời với ông dưới chân núi Si-na-i, xảy ra chưa được mấy thế kỷ. Giá như Môi-se không can thiệp vào, chắc toàn dân đã bị tận diệt rồi! Dẫu vậy, Môi-se cũng thi hành biện pháp trừng phạt tội ấy, trong đó dã có 3.000 người bị vong mạng.
Tội nầy đã được nhấn mạnh là tội. Mãi đến thời Giê-rô-bô-am, nó vốn là điều mà ai ai cũng biết, là một thứ kiến thức phổ thông, thế nhưng người ta đã mau quên nó biết bao! Mấy thế kỷ trước thời Giê-rô-bô-am, người Lê-vi đã đứng về phía Môi-se, khi A-rôn muốn thiết lập việc thờ thần tượng. Đến thời của Giê-rô-bô-am, nhà tiên tri từ Giu-đa đến đã trực diện với ông trước bàn thờ tại Bê-tên, nơi tà giáo vừa được thể chế hóa, đã không được một ai công khai đứng về phía mình cả. Phải chăng dân Y-sơ-ra-ên vốn bị bại hoại, đã để mặc cho Sa-lô-môn phạm tội mà không hề phản đối? Phải chăng dân sự đã để cho ánh hào quang mà Sa-lô-môn đã đem đến cho xứ Y-sơ-ra-ên làm mù mắt họ rồi? Phải chăng dân sự rất hài lòng thụ hưởng sự thịnh vượng mà đời trị vì của Sa-lô-môn đã đem đến cho họ? “Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đang như cát trên bờ biển, ăn uống và vui chơi. Sa-lô-môn cai trị trên các nước, từ Sông cái cho đến xứ Phi-li-tin, cho đến ranh Ê-díp-tô. Các nước đều tiến cống và phục Sa-lô-môn trọn đời người” (4:20, 21).
Giê-rô-bô-am đã dùng một lời nói dối: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần ngươi, đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô”. Vua ấy nhồi nhét các thần lạ vào xứ Y-sơ-ra-ên, vua ấy đã lãnh đạo để dẫn dân sự đi lạc đường. Người dân chân chất rất khó phát giác được việc ấy, họ tiếp nhận những lời dối trá của nhà vua như là có giá trị hiển nhiên. Họ đã không nhận thấy được là nhà vua đã lừa dối họ. Nhiều người Y-sơ-ra-ên dũng cảm và có lòng chân thật đã đi lên dâng tế lễ tại Bê-tên và Đan mà không hề nhận thức được rằng việc dâng tế lễ tại những địa điểm ấy là điều gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va!
Những người có thể hiểu biết khá hơn - mà chắc trong dân Y-sơ-ra-ên phải có một số người như thế - thì lại cầu an. Đã chẳng có ai chịu mở miệng mà đứng lên vì vinh dự của Thượng Đế. Phải chăng tất cả mọi người đều đồng ý, là vì sợ? hay vì lười nhác? hay vì dửng dưng? Đã chẳng hề có một người biết tìm kiếm Thượng Đế, dẫu một người cũng không (xem RoRm 3:11-18). Thậm chí, nhà tiên tri già cũng có cá tính ác độc dễ sợ biết bao! (IVua 1V 13:1-34). Bất chấp sinh mạng của nhà tiên tri trẻ, mà ông ta phải chịu phần lớn trách nhiệm, ông ta đã xác nhận rằng bức thông điệp của nhà tiên tri trẻ là thật. Nhưng tiếng gọi phải ăn năn đã không thể đi xa hơn. Điều ông ta biết chỉ còn là một thứ kiến thức kín giấu vô dụng cho ông ta và các con trai ông ta, và không kết quả được thành một tiếng kêu gào hãy ăn năn có thể nhen nhúm phần thiện chí vốn lan tràn để biến nó thành một sự quay đầu triệt để.
Giê-rô-bô-am đảm trách vai trò của một nhà vua đáng tin cậy. Nhà vua làm ra vẻ rất quan tâm đến dân sự, trong khi thật ra, vua ấy chỉ lo cho chính vương quyền của mình mà thôi ("các ngươi đi lên Giê-ru-sa-lem thật khó thay!"). Vua ấy đã lợi dụng khuynh hướng lười biếng của xác thịt để thu lợi cho riêng mình, Vua ấy sẵn sàng về đủ mọi mặt để hậu thuẫn cho các xu hướng của xác thịt, trong các nơi thánh (đền miễu), tất cả những ai có khuynh hướng sẵn sàng phạm tội về phương diện tôn giáo đều được dung dưỡng, và bất cứ ai muốn giữ vai trò ấy đều được phong chức thầy tế lễ, xác thịt tội lỗi và “ngoan đạo” được khuyến khích phát triển mà không gặp trở ngại gì.
NHỮNG PHÁT TRIỂN BÊN PHƯƠNG TÂY SAU THỜI TRUNG CỔ
Khuôn mẫu của Thánh Kinh bao giờ cũng có tiếng nói của mình, nhưng tôi muốn lưu ý đặc biệt đến nhiều nhận xét vốn là các đặc điểm của những phát triển từ sau thời Trung cổ (xin xem chương 11) và song hành với những phần ký thuật trong Cựu Ước mà chúng ta vừa khảo xét ở phần trên:
“Thứ nhất, đã chỉ có một số ít người - có lẽ thoạt tiên chỉ có một người duy nhất mà thôi - vốn có quyết định một cách có ý thức rằng mình không còn xem Lời Thượng Đế như một mẫu mực nữa. Địa vị của họ đem trọng lượng đến cho quyết định ấy; điều nầy hàm ý rằng dân chúng vốn đã bị phàm tục hóa đến một mức độ nào đó rồi, nếu vì lý do ấy, mới nhìn xem người ấy thay vì nhìn xem Thượng Đế. Chỉ một người duy nhất, hoặc một đa số nho nhỏ, đã sách động cho cả một xu hướng nẩy sinh.
Thứ hai, khuynh hướng xác thịt luôn luôn hiện diện và khuynh hướng muốn phạm tội được tăng cường và biến thành hợp lý, hợp pháp do cách lãnh đạo tiếp theo đó. Nó được khích lệ phát triển mà không gặp sức cản trở nào cả. Cái định chuẩn đưa ra có vẻ là phải, là đúng với đời sống theo các khuynh hướng của xác thịt, chứ không phải là cho đời sống sẵn sàng để cho Thánh Linh ngự trị. Xác thịt vốn thù địch với Thượng Đế, được củng cố, và thể chế hóa.
Thứ ba, vì đời sống theo xác thịt đã được công bố là “bình thường”, cho nên một lượn sóng ngầm đầy quyến rủ đã được khởi động. Mỗi một cá nhân đều được cho phép tự tung tự tác tùy thích. Điều thoạt đầu được chính thức cho phép và trợ giúp chẳng bao lâu sẽ trở thành điều đúng, điều phải, được mọi người trông đợi, như theo với thời gian những con người thiếu phẩm cách đều được Giê-rô-bô-am phong chức thầy tế lễ cho. Mỗi người hễ ai thích gì thì cứ làm, tùy theo các khả năng và phương tiện sẵn có của mình. Vấn đề Thượng Đế nghĩ gì không còn thích hợp nữa. Loài người tự quyền quyết định lấy các mục tiêu cho đời sống mình, chẳng cần phải cầu vấn Thượng Đế nữa. Mỗi người đều sống theo chính mẫu mực ấy, và nó cứ ngày càng trở thành một áp lực.
Thứ tư, khuynh hướng ấy được mối bận tâm của những người cầm quyền hướng dẫn. Thoạt đầu là các vua chúa đói khát uy tín mà một Trường đại học nằm trong lãnh thổ của họ sẽ đem đến, và có cao vọng được lợi lộc nhờ một Trường đại học như thế. Ngày nay, uy tín quốc gia vẫn tiếp tục thủ một vai trò, trong các quyền lợi kinh tế lại được càng nhiều thế lực hơn; chúng có một phần trong việc xác định nội dung của chương trình học hỏi nghiên cứu. Điều nầy được thấy rõ trong loại giáo dục toán học đã được đưa ngay vào cấp tiểu học. Theo cùng một tinh thần ấy, mọi sự đều được tính toán để đưa vào một thế giới quan nhân bản, và một sự “khoan dung” cho phép mỗi người đều có được ước muốn riêng và để cho mỗi người đều được hưởng điều mà mình thấy là phù hợp.
Điều gì không bị cấm, thì được phép, chẳng ai ở đây, lại đi tìm hiểu điều mà bất cứ ai khác tin tưởng (1).
Đây là một sự khoan dung chống lại bất cứ ai không chịu đặt mình vào cái khuôn đúc mà người ta muốn đối với người công dân tương lai của một đế quốc gồm toàn thể thế giới.
Thứ năm, khuynh hướng nầy tự tạo cho mình một độc quyền về tổ chức, và trở thành một yếu tố đặt điều kiện. Điều gì mà độc quyền ấy cho là “sự kiện hiển nhiên” thì phải có năng lực qui phạm (2). Cứ theo chiếc vòng lẩn quẩn ấy, cùng một độc quyền ấy cho phép khuynh hướng bất kỉnh vô đạo do sự tham dự của nhiều người đề cao nó, do đó, tạo ra vòng hào quang cho một ngôi trường hợp pháp. Họ làm như thế với những ý hướng tốt nhất, vì họ chẳng biết có gì tốt hơn thế, và rõ ràng là vì họ không còn có cách chọn lựa nào khác hơn.
Thứ sáu, người nào tự dấn thân vào ngôi trường nầy sẽ không còn nhìn thấy nó theo quan điểm của Thượng Đế nữa. Cách nhìn Thượng Đế của người ấy khoác lấy một phẩm chất khúc xạ nghiêm trọng.
Thứ bảy, quan điểm của Thượng Đế về một ngôi trường như thế, là nó đã tham gia phạm tội.
-(1)Trích “Wallensteins Lager” của Schiller, các dòng 318-19 (2)Giáo điều hiện đại đã được đề cập trên đây (tr 37) là: Điều gì được chúng ta nhận là sự kiện, thì trong nó và tự nó, có năng lực qui phạm trong tư tưởng chúng ta. Điều gì không hiện hữu bị lẫn lộn - và dĩ nhiên là được đồng nhất hóa - với điều đáng lẽ phải hiện hữu. Điều vốn là “sự kiện hiển nhiên” có trọng lượng hơn cái"qui phạm” nên thật ra, sẽ trở thành qui phạm.

CƠ-ĐỐC GIÁO DỤC Ở CẤP ĐẠI HỌC
Một nền giáo dục bác học theo ý đồ Cơ Đốc giáo - không những chỉ trên danh nghĩa, nhưng cả trong sự vâng lời thật sự Chúa và Cứu Chúa Jesus chúng ta - chỉ có thể được thành lập với ý thức phân biệt rõ ràng với các Trường đại học Âu châu hiện đại và lịch sử của nó, gồm cả những thoát thai lịch sử, như những gì nó đã được hình thành tại Mỹ, Phi, hoặc Á châu. Điều nầy cũng có nghĩa là phải phân biệt nó với tập tục của các trường học trong đó khởi điểm trí thức chống Cơ Đốc giáo chỉ được duyệt xét phần nào bởi một viễn tượng căn bản có khuynh hướng Tin Lành.
Các giáo sư và sinh viên là Cơ Đốc nhân, và bắt đầu các hoạt động của họ bằng sự cầu nguyện thì vẫn chưa đủ. Phần nội dung của các hoạt động còn phải được thay đổi tận gốc, từ nền móng trở lên. Toàn thể các khu vực sưu tầm nghiên cứu trí thức phải có cơ sở trong Lời Thượng Đế. “Thánh Kinh cung cấp phần cốt lỏi thiết yếu cho việc sưu tầm nghiên cứu. Nếu không có phần cốt lỏi ấy, mọi khoa học đều là một công trình điên rồ"(1).
Công trình tạo lập những trung tâm giáo dục có trình độ đại học trung thành với Thánh Kinh, dĩ nhiên sẽ bị nhiều phản đối, chỉ trích. Ngay đến những quan sát viên có thiện cảm cũng sẽ đưa ra những nghi ngờ, như: “Đó có thật sự là một mục tiêu có thể đạt được hay không?” hoặc “Nếu quả thật là cần thiết, thì điều đó sẽ như thế nào?” Bây giờ, chúng tôi xin xét đến các vấn nạn ấy và nhiều phản bác cũng như chất vấn khác nữa.
NHỮNG PHẢN BÁC CHỐNG MỘT NỀN GIÁO DỤC CƠ-ĐỐC GIÁO
Phản bác đầu tiên chắc chắn sẽ được đưa ra liên hệ với việc không thể nào tránh được vốn là hậu quả của những phát triển trong quá khứ. Chắc chắn chúng ta sẽ bị tố cáo là đang nỗ lực vô ích để trở về với thời Trung cổ. Tuy nhiên, chỉ cố gắng muốn trở về với thời Trung cổ mà thôi thì vẫn chưa đủ đối với chúng ta, bởi vì, như chúng ta đã thấy, nền thần học Trung cổ đã đặt triết học ngoại giáo của Aristotle làm nguồn tri thức thứ hai, ngang hàng với Kinh điển. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của thuyết Tân-Plato, đã cho người ta cảm thấy sự hiện diện của nó ngay từ giai đoạn đầu của thời Trung cổ.
Cần nhấn mạnh cho mọi người chúng ta rằng chẳng ai có thể quay ngược được bánh xe lịch sữ, rằng do đó, chúng ta phải chấp nhận các điều kiện mà chúng ta đang gặp hôm nay. Có thể nói hai điều về vấn đề nầy:
Một là, loại chuyện như thế vốn bắt nguồn từ nỗi thất vọng hoàn toàn vì nó nhân cách hóa và gán quyền năng cho lịch sử. Phần quyền năng ấy vốn gắn liền với Thượng Đế - vì chính Ngài trị vì và lèo lái vận mệnh các dân tộc - đã bị tước đoạt khỏi Ngài để gán cho lịch sử, được cho là đang cầm quyền cai trị như một đại danh từ “NÓ” phi ngôi vị. Câu thiên hạ thường nói là bánh xe lịch sử có vẻ như một cách sửa đổi của bánh xe luân hồi, vốn là ý niệm quen thuộc trong Ấn giáo và Phật giáo.
Hai là, ý hướng của chúng tôi không hề muốn trở về, hay tự đặt mình chống lại sự phát triển của lịch sử. Trái lại, chúng tôi chỉ muốn quay về với Thượng Đế hằng sống, là Đấng Tạo Hóa và là Cha của Chúa Cứu Thế Jesus của chúng ta mà thôi. Chúng tôi muốn bước vào ánh sáng của Ngài trong toàn thể lãnh vực tư tưởng, bao gồm cả giáo dục, văn hóa và khoa học, để chính Ngài sẽ tha thứ và dạy dỗ chúng ta. Ngài đã hứa chắc chắn là sẽ ban sự khôn ngoan cho người nào cầu xin Ngài (Gia Gc 1:5). Chắc chắn Ngài sẽ chẳng từ chối ban ân phúc để tạo một khởi điểm mới cho chúng ta.
Phản bác thứ hai là do giá cả phải trả quá cao, cho nên điều hết sức đơn giản là người ta chẳng có cách gì để trả phí tổn cho việc thiết lập các trung tâm giáo dục có trình độ đại học trung thành với Thánh Kinh, là những trung tâm sẽ chia xẻ việc giáo dục cho tất cả các ngành đại học và sẽ thực hiện phần sưu tầm nghiên cứu thiết yếu trên cấp bậc ấy. Dự án nầy đã bị chối bỏ vì không thực tế, do việc cho rằng người ta sẽ không thể nào tìm được ngân quĩ cần thiết cho việc xây cất và trang bị cho những trung tâm như thế. Người ta cũng không thể tìm đâu cho ra những khoản tiền lớn cần thiết cho việc sưu tầm nghiên cứu. Về vấn đề nầy, ta có thể nói rằng: Một trường đại học Cơ Đốc giáo xứng danh với nó phải tự đặt mình dưới quyền lãnh đạo của Thượng Đế liên hệ với vấn đề nó phải điều nghiên những gì. Điều nầy có thể giúp tránh được việc lựa chọn nhiều lãnh vực thí nghiệm, được bắt đầu trái với ý chỉ Thượng Đế và chỉ góp phần tôn vinh con người ta mà thôi. Trong lịch sữ của nó, phần năng động lực ẩn tàng của Trường đại học là sự cạnh tranh. Điều nầy từng làm nẩy sinh một số các ngôi trường và tổ chức đại học tương tự. Các trường cao đẳng trung thành với Thánh Kinh sẽ chẳng cần gì phải đưa ra những công tác phục vụ trùng lắp. Công trình sưu tầm nghiên cứu về công cuộc sáng tạo vũ trụ theo Cơ Đốc giáo sẽ lấy khởi điểm căn bản là Lời Thượng Đế. Điều nầy tránh được nhiều công việc quờ quạng trong bóng tối mà hậu quả có thể là hàng loạt những công trình thí nghiệm tốn kém. Trong phạm vi các học giả thật sự muốn tìm cách đề cao Thượng Đế - thì công trình học hỏi nghiên cứu sẽ do Linh của Thượng Đế hướng dẫn. Ngài có thể trực tiếp đưa người ta đến với một công trình nghiên cứu kiến hiệu bằng các phương pháp thật tiết kiệm. Nói thật ngắn gọn, thì phản bác đưa ra chỉ căn cứ vào các điều kiện thông thường của các trường đại học ngày nay, mà không kể đến các yếu tố đặc biệt có thể có của một trường cao đẳng trung thành với Thánh Kinh.
Thêm vào đó, ta còn phán xét đến các nguồn tài nguyện từ bàn tay Đấng Tạo Hóa ban cho. Ngài chắc chắn sẽ chẳng từ chối ban phước cho một công trình bắt đầu với những con người biết hướng về Ngài với quyết tâm là họ sẽ không còn tham dự vào các tội lỗi quá khứ của mình nữa. Mọi sự ở đây quả thật là vấn đề được Thượng Đế ban phước. Người ta đã được thấy khá đầy đủ từ những trường học Cơ Đốc giáo đã có trước đây (các trường tiểu học, trung học, các trung tâm nghiên cứu và các trường cao đẳng Cơ Đốc giáo), thế nào Cha chúng ta trên trời đã hậu thuẫn thật diệu kỳ cho những người biết tìm cầu các đường lối Ngài. Quả thật Ngài vốn không hề thiếu phương tiện.
Chắc chắn là một phản bác khác nữa cũng sẽ được đưa ra: Rõ ràng là hoàn toàn có sự khan hiếm số nhân viên đòi hỏi phải có cho việc thành lập những trường cao đẳng thực hiện công tác có trình độ đại học trung thành với Thánh Kinh, và có thể đảm trách thỏa đáng toàn thể các ngành học. Trái lại, tôi nhận thấy thật là điều lạ lùng để tri ân Thượng Đế là Cha chúng ta trên trời đã chuẩn bị sẵn nhiều người trong nhiều ngành khác nhau. Ngài đã tập họp được rất đông người cho chỉ một công cuộc phiêu lưu mạo hiểm, đã tự trả lời thật rõ ràng cho nhóm câu hỏi tôi vừa nêu ra. Quả thật là Thượng Đế đã dành sẵn trong toàn thể các ngành khoa học một số, hoặc còn nhiều hơn nữa “bảy ngàn người không có quì gối xuống trước mặt Ba-anh” (IVua 1V 19:18).
Thậm chí nếu ngay từ đầu, ta không thể tập họp đủ số giáo sư cho chỉ một trường cao đẳng trung thành với Thánh Kinh mà thôi, tiến trình nhân bội các nhà tư tưởng đồng tâm đồng chí ít ra cũng đã được khởi động. Các giáo sư có các điều kiện đại học thích hợp sẽ được trang bị cho các trường cao đẳng trung thành với Thánh Kinh tiếp theo đó. Thêm vào, ta còn có thể lợi dụng nhiều phương tiện thông tin đa phương (2) trợ giúp mình ngay từ lúc mới bắt đầu.
Trung tâm giáo dục trung thành với Thánh Kinh không cần phải nhảy vào hiện hữu chỉ bằng một cứ vồ chụp thình lình. Ta có thể hình dung ra các chương trình giáo dục qua nhiều biện pháp sơ khởi, như một năm nhập môn để học hỏi nghiên cứu trước khi vào một trường đại học ở một nơi khác. Điều nầy sẽ tạo động lực thúc đẩy các giáo sư và cho họ cơ hội để suy nghĩ xuyên suốt các lãnh vực chuyên môn đặt cơ sở trên Lời Thượng Đế.
THỰC HIỆN CƠ-ĐỐC GIÁO DỤC
PHỤC VỤ CHO THÂN THỂ CHÚA CỨU THẾ
Trung tâm giáo dục trung thành với Thánh Kinh phải tự mình đảm trách việc phục vụ bên trong thân thể Chúa Cứu Thế. Công tác và đời sống của cả những người học hỏi nghiên cứu lẫn giảng dạy đều phải được xác định bởi nguyên tắc căn bản về người làm môn đệ của Chúa. Điều nầy bao gồm:
. hiến thân lắng nghe Lời Chúa (trung thành với Thánh Kinh và dành thì giờ
sống tĩnh tâm với Thánh Kinh).
. làm người làm theo Lời Chúa (bắt chước Chúa Cứu Thế, bước đi trong ánh sáng
và sự thánh hóa).
. làm một chứng nhân cho Chúa Jesus.
. sẵn sàng ăn năn tội lỗi
. sẵn sàng phục vụ
. tham gia sinh hoạt cộng đồng Cơ Đốc giáo (cũng khai trình, tính sổ với những
người khác trong sự giao hảo, sửa trị và chịu sửa trị, khích lệ và khuyên
bảo nhau trong tình huynh đệ, cùng nhau cầu thay và trình bày các vấn đề để
cầu thay lẫn cho nhau).
. sẵn sàng phục vụ dưới quyền chỉ huy của một người khác
. sống một cuộc đời do Thượng Đế hướng dẫn;
. chờ đợi hiện diện của Thượng Đế.
Các giáo sư được yêu cầu phải chứng tỏ các đức tính kể trên theo các cấp bậc cá nhân và trưởng thành thuộc linh. Về phần sinh viên, trung tâm giáo dục trung thành với Thánh Kinh tham gia sự ủy thác của Chúa Jesus: “Hãy đi dìu dắt tất cả các dân tộc làm môn đệ ta... dạy họ vâng giữ mọi mệnh lệnh ta...( Mat Mt 28:19-20).
Trở thành một môn đệ của Chúa trong môi trường đại học không phải chỉ có thể học tập trước khi từng trải việc giáo dục, mà phải học tập như một phần trong công tác giáo dục. Vì lý do ấy, một ngôi trường như thế không thể chỉ phục vụ cho các lợi ích của chức trách nghề nghiệp (nghiệp vụ) mà thôi. Nó còn phải đặt trước mặt mình mục tiêu là giúp các sinh viên tăng trưởng trong việc đua tranh noi gương Chúa Jesus. Cũng vậy, mối giao hảo giữa các Cơ Đốc nhân, trong đó có việc khai trình, tính sổ với nhau trong sinh hoạt hằng ngày là một nhu cầu vô điều kiện, ít ra là suốt hai năm, hay tốt hơn nữa, là ba năm. Một năm thì thật ra là quá ngắn để có được sự thông cảm cần thiết.
ĐẶT LỜI THƯỢNG ĐẾ LÀM TRUNG TÂM
Vì Lời Thượng Đế là nền móng của toàn thể nền giáo dục, cho nên tất cả các sinh viên, bất chấp ngành nghề chuyên môn, đều phải nhận được một phần nền móng vững chắc trong Thánh Kinh. Điều nầy gồm có sự hiểu biết về Thánh Kinh cũng như một sự quán triệt có phương pháp những gì Thánh Kinh dạy. Cách trình bày có hệ thống những gì Thánh Kinh dạy phải bao gồm các lãnh vực như kế hoạch cứu rỗi toàn diện của Thượng Đế, sự lãnh hội xuyên suốt các ý niệm căn bản của Thánh Kinh và một tuyên đạo pháp căn bản theo Thánh Kinh.
Đồng thời với sự hiểu biết về Thánh Kinh cũng như sự quán triệt có phương pháp về những gì Thánh Kinh dạy, các sinh viên còn phải được truyền dạy về các cơ sở theo Kinh Thánh cho mọi lãnh vực học hỏi nghiên cứu. Điều nầy phải được đòi hỏi đối với toàn thể các sinh viên, đồng thời với các công trình học hỏi nghiên cứ về chuyên môn trong các ngành riêng biệt của họ.
KHÔNG DẠY CẢ THẦN HỌC LẪN TRIẾT HỌC NHƯ NHỮNG NGÀNH CĂN BẢN
Tôi xin nhắn nhủ là đừng đưa môn thần học làm đề tài nền tảng. Theo thiển ý, thì chính ý niệm về thần học đã nói lên quá nhiều về những hệ thống do con người quan niệm. Làm như thế thì rất dễ chỉ cho các sinh viên một hướng đi sai. Ta không nên dạy họ các cấu trúc thần học lý thuyết, mà trái lại, họ cần phải có được phần nền tảng là Lời Thượng Đế để cắm rễ sâu vào đó, là điều sẽ cung cấp chọ họ cái khung sườn nhận thức để làm việc trong các ngành riêng biệt.
Theo tôi thì dường như triết học đem dùng như một chủ đề căn bản, cũng tạo ra vấn đề đễ thắc mắc y như vậy, cả khi ta cố gắng đem đến cho nó một nội dung mới bằng cách biến nó thành một lý thuyết khoa học Cơ Đốc giáo. Về lâu về dài, phần khuynh hướng căn bản của ngành nầy sẽ phơi bày ra các màu sắc đích thực của quan niệm nguyên thủy của nó.
Có thể có một vai trò hợp lý nào cho triết học trong trung tâm giáo dục trung thành với Thánh Kinh hay không? Triết học như được giảng dạy ở cấp đại học vốn có một số góc cạnh khác nhau. Điểm nhấn mạnh cốt tại phần lịch sử triết học - là cách xếp loại, đánh giá và cách di chuyển thật chính xác giữa nhiều hệ thống triết học khác nhau. Cần ít nhấn mạnh hơn trên các hệ thống triết học mới nẩy sinh từ phần lịch sử đó, cả bằng cách ứng dụng chúng vào khải tượng toàn diện của ngành ấy, lẫn (rất ít khi) xem chúng như là hậu quả của một khởi điểm mới thật sự độc sáng nào đó. Nhiều góc cạnh khác nữa của ngành, bao gồm phần nền móng triết lý của đạo đức học cũng như phần nền tảng triết lý cho nhiều khu vực riêng biệt, như triết học của nghệ thuật hay triết học về lịch sử.
Một nền triết học Cơ Đốc giáo là một mâu thuẫn về từ ngữ. Chúng ta là Cơ Đốc nhân không nên dấn thân truy tỉm sự khôn ngoan hay chân lý vì yêu mến sự khôn ngoan trần gian. Thượng Đế đã tự mặc khải cho chúng ta trong Con Ngài và trong Lời Ngài. Đi tìm chân lý ngoài Lời Thượng Đế là tội. Lục lọi các nền triết học xưa nay nhằm sưu tập các mảnh vụn chân lý và kiến thức hữu ích, hữu dụng là một công trình đáng nghi ngờ, nó có nghĩa là lìa bỏ nguồn nước sống để tự xây cho mình những hồ nước riêng không giữ được nước (Gie Gr 2:13).
Lịch sử triết học là phần lịch sữ về sự khôn ngoan của loài người, bởi đó loài người hủy bỏ chân lý của Thượng Đế để sống trong sự bất chính, bất nghĩa (RoRm 1:18). Điều nầy cần phải được đánh giá về mặt thuộc linh dưới ánh sáng của Lời Thượng Đế. Cách phân tích lịch sử triết học như thế chắc chắn là một lãnh vực nghiên cứu thiết yếu trong một trường đại học Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, đó không phải là điều được thiết lập như một kỷ luật rõ ràng, mà đúng hơn, là như một phần của một lãnh vực phê bình (xem dưới đây) rộng lớn hơn. Nếu trường hợp không phải là như thế, sẽ có nguy cơ là một sự thay đổi điểm nhấn mạnh gây tai hại. Rồi thì triết học lại trở thành cứu cánh của chính nó, và các triết gia “Cơ Đốc nhân” lại ra đời. Nhờ sự dấn thân có thể hiểu được vào chủ đề mà họ trình bày, sau đó các giáo sư chịu khó hợp lý hóa một nền triết học “Cơ Đốc giáo”. Tấm gương và lòng nhiệt thành của họ kéo nhiều người khác ra khỏi tính cách giản đơn của Lời Thượng Đế để đi vào cơ cấu cao siêu của tư tưởng loài người. Đem lịch sử triết học giấu vào trong các lãnh vực phê bình sẽ bảo vệ được cả cho các giáo sư lẫn sinh viên.
Điều chắc chắn, là quả thật nhiều giáo phụ như Augustine từng lợi dụng tư tưởng triết học. Tuy nhiên, chúng ta không nên xem tư tưởng của họ như một gương tốt để khích lệ chúng ta noi theo, mà trái lại, là như một lời cảnh cáo phải cẩn thận đừng rời bỏ nguồn nước sống. Tôi cho là điều bất hạnh khi Augustine phát biểu trong quyển De doctrina Christiana rằng các Cơ Đốc nhân có thể lợi dụng bóng ma của các khoa học ngoại giáo như dân Y-sơ-ra-ên từng lợi dụng các tài vật của người Ai Cập vậy. Thiết tưởng cần lưu ý thoáng qua rằng chính những của cải của người Ai Cập đó, có thể đã là phần chất liệu để từ đó, các bò con vàng đã được đúc nên tại Si-na-i. Tai hại thay, trong Cơ Đốc giáo, nhiều bò con vàng cũng đã được đúc nên từ các của báu của triết học ngoại đạo.
BIẾN VIỆC PHÊ BÌNH THÀNH CĂN BẢN
“Người có Thánh Linh hiểu giá trị mọi điều nhưng người khác không hiểu họ” (ICo1Cr 2:15), “Anh em không biết Hội Thánh sẽ xét xử thế gian sao? Đã có quyền xét xử thế gian, lẽ nào anh em không xét xử những việc nhỏ nhặt? Anh em không biết chúng ta sẽ xét xử các thiên sứ sao? Huống hồ việc đời nầy?” (IICo 2Cr 6:2-3).
Khi trực diện với sự tấn công của thế gian, chúng ta là Cơ Đốc nhân đành giữ thế thủ trong lãnh vực về niềm tin Cơ Đốc giáo; chúng ta theo đuổi biện giải học. Tuy nhiên, có lẽ trong hoàn cảnh như thế, chúng ta phải có vị thế phê bình đặt cơ sở trên Lời Thượng Đế đối phó với thế gian, thì thích hợp hơn. Do sự dấy lên của nhân bản chủ nghĩa, chúng ta đã được tập quen để chịu để cho đạo của mình bị chỉ trích chê bai từ mọi phía của nền học vấn đại học. Cuối cùng, chúng ta đã phải xét xem Lời Thượng Đế đã nói gì với các khu vực đại học ấy. Dù sao thì trong một số hoàn cảnh, cách phòng thủ hay nhất là một cuộc tấn công thật mạnh mẽ. Hơn nữa, khi làm như thế chúng ta sẽ tránh được việc tự thấy mình thật sự đứng ngang hàng với thế gian. Chúng ta sẽ không phạm lỗi là giấu kín đối với thế gian Lời thật rõ ràng mà chúng ta từng được ủy thác phải rao truyền ra cho họ.
Nhờ ân phúc Thượng Đế, ngày nay, chúng ta thấy có dấu hiệu ngày càng tăng về việc rõ ràng là có việc truyền bá như vậy trên cơ sở là Lời Thượng Đế. Những tác giả như Francis Schaeffer và Arthur Ernest Wilder có thể được nêu ra như những thí dụ nổi tiếng và các sách được xuất bản trong các Tủ sách Wort und Wissen, Wissen und Leben và Tagesfragen đang noi theo cùng một dòng ấy (3).
Trái lại, biện giải học đảm trách và nêu ra các vấn đề công kích trực tiếp Lời Thượng Đế. Nó vốn có chức năng chủ yếu là phòng ngự. Chúng ta có thể xem nó là một ngành nằm trong một tiểu mục lớn hơn là phê bình học, tuy nó thường được thảo luận liên hệ với từng lãnh vực nghiên cứu riêng biệt đang bị công kích.
Tôi đề nghị tổ chức khu vực trí thức cho phê bình học theo lược đồ 4:1 (4) được phác họa dưới đây:
1.Phê bình triết học
2.Phê bình các khuynh hướng trí thức cận đại
3.Phê bình nghệ thuật
4.Phê bình các khoa học
a/phê bình tổng quát và phê bình các triết lý khoa học
b/các nguyên tắc, các đề án cá nhân, hay các kết quả có tính cách đặc biệt
hợp thời.
c/phê bình các ngành khoa học riêng rẽ (được đưa vào các lãnh vực nghiên
cứu cá nhân) 5.Biện giải học 6.Phê bình các tội đặc biệt hiển nhiên trong sinh hoạt đương đại (thí dụ:loạn hôn, phá thai, đồng tính luyến ái, khoa học huyền bí) 7.Phê bình các tà giáo, tà thuyết.
CÁC GIÁO TRÌNH CÓ Ý ĐỊNH NÂNG CAO CÁC CHỨC VỤ CHO SINH VIÊN.
Vì trường cao đẳng tự biết mình là một tổ chức nhằm phục vụ, các giáo trình đưa ra nghiên cứu phải phù hợp với mục tiêu của chức vụ tương lai của các sinh viên. Phần nghiên cứu theo hình thức không dừng lại ở sự phục vụ để tự hoàn thiện và sự phát triển hài hòa nhân cách mà thôi; mục tiêu của nó là giúp cho việc chuẩn bị để lựa chọn chức vụ hãy còn ở phía trước được dễ dàng.
Các sinh viên được trông đợi sẽ tập trung nỗ lực riêng thật phải lẽ, và bày tỏ một thái độ hướng về công tác của mình, sẽ tự chứng tỏ được là mình đang học hỏi nghiên cứu có kỷ luật và kiến hiệu.
PHA LẪN LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH, NGHIÊN CỨU VÀ THỰC HIỆN CHỨC VỤ
Thảo hoạch giáo trình học hỏi nghiên cứu nhằm vào chức vụ tương lai, không thể tránh được việc phải thường xuyên pha lẫn lý thuyết và thực hành. Sở dĩ như thế, không phải chỉ vì ngành phục vụ nào mà người sinh viên đang chuẩn bị để hoàn tất trong tương lai, mà còn vì người sinh viên vốn đã được kêu gọi để phục vụ Chúa rồi. Các hoạt động truyền giáo và những cơ hội thường xuyên nhằm thực hiện chức vụ phục vụ của Cơ Đốc giáo phải được thiết đặt vững chắc trong tiến trình học hỏi nghiên cứu.
ĐÁNH GIÁ CAO HƠN LÀ CHỈ CÓ PHẦN ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC MÀ THÔI
Chúng tôi muốn đưa vào nhiều nơi khác điều chúng tôi vẫn thỉnh thoảng hay làm tại Viện Thánh Kinh Batu, ở Indonesia, là nơi tôi thường dạy. Các sinh viên được đánh giá không phải trên học lực đại học của họ mà thôi, nhưng còn căn cứ vào sự trưởng thành thuộc linh và phẩm chất phục vụ thuộc linh của họ nữa.
TỔ CHỨC MỘT NGÔI TRƯỜNG CƠ-ĐỐC GIÁO
Cũng không nên trông đợi một ngôi trường trọn vẹn, trung thành với Thánh Kinh, có thể được thiết lập chỉ trong một bước ngằn thôi. Kế hoạch ấy phải hoàn tất được mục tiêu qua nhiều giai đoạn. Để nhằm vào cứu cánh nầy, nhiều vấn đề căn bản đã được thảo luận và thu xếp, và nhiều phương pháp đã được kể ra rồi.
Hiện đã có nhiều trung tâm giáo dục thần học cô lập (5). Cũng đã có nhiều ngôi trường trong đó các sinh viên có thể theo đuổi một năm nghiên cứu học hỏi, tập trung vào một quan điểm của Cơ Đốc giáo, trước khi vào một Đại học đường ngoài đời (6). Nhiều kế hoạch đang được thực hiện tại Hòa Lan, để cuối cùng sẽ mở một trường đại học hoàn chỉnh. Cần phải quan tâm trước nhất đến các ngành học đã bị thế giới quan chống Cơ Đốc giáo hiện đại bao vây, và sẽ phát triển các chương trình trước nhất là về thần học, ký giả, và giáo sư ngành giáo dục. Cũng từ Hòa Lan, đã có một nhận xét hữu ích liên quan với giá sinh hoạt tăng cao và nhiều ngành học khác nữa. Trong phần phát triển sơ khởi, những ngành nào được thực hiện ít tốn kém hơn, sẽ được ưa chuộng hơn (7).
Dưới ánh sáng của những nhận xét vừa kể trên, có lẽ chiến lược để hành động liên tiếp nhau sau đây sẽ có thể thực hiện được:
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐẦU TIÊN: một năm học hỏi nghiên cứu cho các sinh viên thuộc mọi ngành học. Một phần nội dung học hỏi nghiên cứu sẽ là tổng quát, một phần chuyên biệt liên quan với cách ngành học riêng rẽ.
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỨ HAI: giáo dục thần học. Thêm vào phần học hỏi nghiên cứu căn bản, phần giáo dục thần học được đưa vào để chuẩn bị cho các sinh viên trở thành mục sư, nhà truyền đạo, giáo sĩ và giáo sư dạy về tôn giáo ở cấp tiểu học và trung học (8). Cũng cần có giáo sư dạy cấp tiểu học, cũng như về lý thuyết giáo dục xã hội, ký giả, và có lẽ là về môn dạy âm nhạc cơ bản trong nhà thờ.
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỨ BA: Đào tạo giáo sư. Ở cấp trung học, ngành đào tạo nầy bao gồm tất cả các môn học: ngôn ngữ, tôn giáo (bao gồm các tôn giáo của đời và hiện tượng luận về tôn giao), luật học và kinh tế học.
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỨ TƯ: mở rộng thêm. Các chương trình sẽ bao gồm các khoa học tự nhiên, y khoa và dược khoa.
(1)Nhận xét của Lutz von Padberg trong bài diễn văn “Gegen die Anfspaltung von Glauben und Denken” đọc tại Hội nghị Thần học các Hội Thánh xưng nhận (the Theological Meeting of the Conference for Confessing Churches) 24.10.1985 tại Hemer, Tây Đức. Xem Idea-Dokumentation 33 (1985). Von Padberg giải nghĩa câu nầy một cách có hệ thống hơn trong quyển sách của ông có nhan đề Die Bibel-Grundlage fur Glauben, Denken und Erkennen:Prolegomena zu einer biblischen Erkenntnislchre (Thánh Kinh nền tảng cho tin tưởng, suy tư và nhận thức; dẫn nhập cho một nhận thức luận theo Thánh Kinh) Neuhausen-Stuttgart: Hanssler,1986). (2)N.C.van Velzen “Christelijk Hoger Onderwijs Nienwe Stijl. Nota ter Voornereiding van een Internationale Christelijke Universiteit, ICU, 1982. (3)Những tác phẩm đã được xuất bản gần đây tại Đức, bàn về các vấn đề của tư tưởng Cơ Đốc giáo theo quan điểm tổng quát mà bà Linnemann nhận thấy là hữu ích và có tinh thần xây dựng. (4)Điều bà Linnemann nghĩ đến ở đây và trong lược đồ 4:1 không phải chỉ là việc thực hiện “phê bình” tiêu cực, mà đúng hơn là một công trình đánh giá tích cực, một công tác biện biệt và chọn lựa có trình độ đại học. Trong bối cảnh nầy, phê bình học có thể được hiểu là đánh giá và tái xây dựng có tính cách phê bình. (5)Các trung tâm nầy gồm có: Freie Evangelische-Theologische Akademie, Basel, Thụy sĩ, Freie Theologische Akademie, Gieben, Tây Đức, Internationales Theologisches Institut, Urk, Hòa Lan; Evangelische, Theologische Facluteit, Heverlee, Leuven, Bỉ. (6)Thí dụ: Geistliches Rustzentrum Krelingen (nghiên cứu cơ bản về thần học và ngôn ngữ), Theologische Vorstudium Breklum. Cũng có: Studiengemeinschaft Wort und Wissen (lục cá nguyệt nhập môn trước khi học lên cấp cao đẳng). Gut Holmeke, Evangelische Hogeschule Amersfort, Hòa Lan (lớp học một năm làm căn bản cho việc học hỏi nghiên cứu cao hơn). (7)Quan điểm nầy đã được thảo luận trong Van Velzen “Christelijk Hoger Onderwijs Nienmw Stijl”. (8)Bên Đức, tôn giáo được dạy tại các trường công. Hai cấp “tiểu học” và “trung học” hầu như tương đương với các cấp “tiểu học” (grade school) và “trung học” (hight school) tại Hoa Kỳ.

THÁNH KINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI
Thánh Kinh là một quyển sách rất cỗ, mà ngày nay, cái gì đã xưa, đã cũ thì không còn được coi trọng nữa. Vâng, người ta vẫn nghe nói rằng nền văn học cổ điển cổ đại là quan trọng như thế nào; tinh thần hoài cổ đang dâng cao, và các cổ vật là những tiết mục nóng bỏng. Thế nhưng các cổ vật ấy chỉ được trưng bày trong các ngăn tủ cho người ta nhìn ngắm, để tăng thêm niềm tự hào của chủ nhân, và thêm uy tín cho một ai đó. Phần lớn chúng đều bị xem là chẳng có công dụng thực tiễn nào cả. Ngày nay, vật gì đã cũ xưa, nói chung, đều bị xem là lỗi thời. Điều đáng kể là cái hiện đại, là các tiện nghi kỹ thuật được xuất xưởng sau cùng, những phát kiến khoa học mới nhất, các tin tức giờ chót, các mẫu thời trang mới nhất và nhiều lưới bẫy khác nữa của nếp sinh hoạt hiện đại. Bị cho là lỗi thời, là đã bị chê trách nặng nề. Mọi người đều muốn cho “thiên hạ biết mình là một người tân thời”.
Ý NGHĨA CỦA TỪ HIỆN ĐẠI (MODERN)
Nhưng con người tân thời, hiện đại như thế nào? Có lần tôi dọn nhà, và trong lúc sắp xếp lại các quyển sách của mình, tôi cầm lên một quyển sách có nhan đề là “Tuyên đạo pháp hiện đại”. Quyển sách ấy đã được xuất bản từ đầu những năm 1920. Ngày nay, chẳng ai chịu xem một sản phẩm của những năm 1920 là hiện đại nữa, mà trái lại, nó chỉ là một vật đã lỗi thời; con người tân thời, hiện đại của năm 1920 giờ đây, đối với nhiều người, đã giống như một tàn tích từ năm xửa năm xưa nào đó. Và con người hiện đại của cuộc Cách mạng Pháp, từng tôn nữ thần Lý Trí lên ngôi và thờ lạy vị nữ thần ấy trong các ngôi thánh đường, quả thật chỉ còn là tàn tích của một kỷ nguyên đã qua rồi.
Cũng vậy, con người hiện đại cũng có vẻ chỉ là một thực thể hết sức tương đối. Chúng ta vẫn không muốn bỏ qua việc tra cứu xem đâu là các đặc điểm phân biệt con người của các kỷ nguyên xa xưa, với con người ngày nay.
Các giáo sư thần học của tôi vốn có thói quen xem con người của Tân Ước (và lẽ dĩ nhiên là con người Cựu Ước lại càng có phần nhiều hơn) là con người của huyền thoại, để phân biệt với “con người hiện đại, con ngưởi của lý trí”. Tuy nhiên, nếu nhìn thật kỹ, con người gôi là của huyền thoại đó thiết yếu cũng chẳng có gì khác với con người hiện đại. Chắc chắn rằng những người đã sống vào các thời đại của Kinh Thánh ấy chấp nhận có các phép lạ; thế nhưng phép lạ vốn không phải là chuyện bình thường hằng ngày, cho nên phản ứng của họ đối với chúng là kinh ngạc và thậm chí, là kinh hoàng nữa. Bình thường, họ vẫn trông mong cho mọi việc xảy ra đúng theo các qui luật tự nhiên.
Các tôi tớ của Giai-ru đã bảo rằng: “Con gái ông chết rồi! Đừng làm phiền thầy nữa!”
Chúa Jesus đã bị các phụ nữ đang than khóc cười nhạo khi Ngài nói tại giường bệnh của em bé gái: “Tại sao khóc lóc ồn ào thế? Em bé chỉ ngủ chứ không chết đâu!” (Mac Mc 5:39). Sở dĩ các phụ nữ ấy cười, vì vốn là những tay khóc mướn chuyên nghiệp, họ biết rất rõ thế nào là một thi thể ngay khi vừa được nhìn thấy.
Hoặc hãy xét đến câu trả lời lúc Chúa Jesus truyền lệnh lăn tảng đá chận cửa mộ của La-xa-rơ ra: “Nhưng Ma-thê, em gái La-xa-rơ ngăn: Thưa Chúa, bây giờ đã có mùi, vì chôn cất bốn ngày rồi!” (GiGa 11:39).
Các phép lạ khiến người chết sống lại mà Chúa Jesus đã làm, xảy ra trước hiện diện của những con người hoàn toàn quen thuộc với cái chết bình thường. Lẽ dĩ nhiên là họ vẫn chưa biết chắc được cái chết đã gần kề nhờ các dụng cụ cho thấy các chức năng thiết yếu của phần thân thể. Tuy nhiên nếu đó chính là điều đòi hỏi để trở thành một con người hiện đại, thì chỉ có các kỹ thuật viên y tế đương đại, là những người chế tạo ra các dụng cụ ấy, cũng như các bác sĩ và nữ y tá đang sử dụng chúng, mới là những con người hiện đại mà thôi. Rất ít người trong chúng ta có thể có được cái phẩm cách ấy.
Người vào thời của Chúa Jesus cũng có thể dự báo thời tiết căn cứ vào các quan sát của họ. Chúa Jesus từng khẳng định việc ấy khi Ngài phán: “Khi thấy mây tụ lại phương Tây, anh em nói trời sắp mưa, và trời mưa thật. Khi gió Nam thổi, anh em tiên đoán trời oi bức, quả đúng như thế” (LuLc 14:54-55). Rõ ràng là vào thời đó, họ vẫn chưa có cái vệ tinh thăm dò và các dụng cụ tối tăn để do đạc và dự báo thời tiết. Tuy nhiên, nếu số máy móc đó là những đòi hỏi để trở thành một con người hiện đại, thì chỉ có các chuyên viên về thời tiết mới có đủ tư cách ấy, còn chỉ biết đọc phong vũ biểu gắn trên vách nhà như phần đông chúng ta, thì vẫn chưa được cấp chứng chỉ làm những nhà khí tượng học.
Người sống vào các thời đại của Thánh Kinh vốn cũng ý thức về điều mà chúng ta gọi là kinh tế học. Vì để khắc phục bảy năm đói kém đang treo trước mặt tiếp sau bảy năm được mùa, Giô-sép đã đưa ra lời khuyên nầy:
Bây giờ, bệ hạ khá chọn một người thông minh trí huệ, lập người lên làm đầu trong xứ Ê-díp-tô, cùng lập các ủy viên trong xứ, để góp một phần năm của số thâu vào trong bảy năm được mùa dư dật đó. Họ hãy thâu góp hết thảy mùa màng trong bảy năm được mùa dư dật sẽ đến sau nầy, cùng thâu nhập lúa mì sẵn dành cho Pha-ra-ôn dùng làm lương để dành trong các thành, và họ hãy gìn giữ lấy. Các lương thực nầy phải để dành cho bảy năm đói kém sẽ đến trong xứ Ê-díp-tô, hầu cho xứ nầy khỏi bị diệt bởi sự đói kém đó (SaSt 41:33-36).
Thời bấy giờ, người ta đã chẳng nghe nói gì đến máy kéo hay máy gặt đập liên hợp, điều đó là thật. Những tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong các bạn có thể chế tạo được một trong những cỗ máy như thế, hoặc thậm chí có thể điều khiển được chúng? Thế thì phải chăng thật ra kỹ thuật là phần định nghĩa cho điều mà người ta muốn nói là hiện đại?
Ngay đến một người ở xứ Papua, Tân Guinee, có lẽ vẫn còn sống trong tình trạng mà chúng ta vẫn gọi là của các thời đại đồ đá, vẫn có thể nhanh chóng nhận ra mối liên hệ giữa chiếc công-tắc để bật đèn, với nguồn ánh sáng chiếu ra từ một chiếc bóng đèn. Vô số người chung quanh chúng ta là những người “hiện đại” mà chẳng ai có thể thắc mắc nghi ngờ gì được, vốn chẳng hiểu biết gì về kỹ thuật hơn là việc bật chiếc công-tắc đèn. Người thị dân Tân Guinee sinh sống tại Djakerta, ngồi trong văn phòng của mình để vẽ các bản đồ xây dựng cả một đồn điền trồng lúa. Thế nhưng trong ngôi nhà mới của anh ta tại một khu vực hiện đại của thành phố, anh ta vẫn dùng những lá bùa buộc chặt anh ta vào với ma quỉ, thì có phải là một con người “hiện đại” hay không?
Đó là nói tại Indonesia, thế nhưng tại Âu châu và Bắc Mỹ thì sao? Mỗi một ngôi nhà đều được trang bị bằng các vật dụng chạy bằng điện và điện tử. Các văn phòng và nhà máy đều sử dụng các máy móc hiện đại nhất. Chỉ sau vài năm, các máy móc ấy đều lỗi thời và cần được thay thế. Nếu giỏi thu xếp, thì người ta có thể lái một chiếc xe hơi đời mới nhất. Cả khi thay vì làm như thế, người ta mua lại một chiếc xe cũ, thí dụ kiểu Ford, người ta vẫn chạy theo “thời trang” hiện hành - những chiếc xe cổ lổ là “thời thượng”.
Theo tiêu chuẩn đó, chúng ta thật sự là con người hiện đại. Văn học hiện đại và nghệ thuật hiện đại đã được phân biệt ngay từ cấp sơ học. Người ta muốn cho hôn lễ của mình được tổ chức cho hiện đại, và suy nghĩ về hiện đại trong mọi lãnh vực của đời sống. Tuy nhiên, đồng thời những điều mê tín cổ xưa nhất vẫn còn sống và mạnh giỏi. Người ta sợ con số 13, ngày thứ sau 13 Tây, và một số ngày theo lịch. Vào ngày đầu năm, bên Tây cũng như bên Tàu, người ta đốt pháo bông để xua đuổi mà quỉ. Nhiều người vẫn nghĩ mình gặp ngày xui khi có con mèo mun chạy ngay trước mặt, ngược với hướng đi của họ.
Nhưng không phải chỉ có điều mê tín cổ xưa là đang thịnh hành mà thôi. Nhiều điều mê tín dị đoan đang chiếm thế thượng phong và lan tràn do việc ngày nay, người ta chối bỏ đức tin đặt vào Chúa và Cứu Chúa Jesus.
*Nhiều người tự xưng là “hiện đại” vẫn bận tâm với lá số tử vi của mình, (Người ta kể lại là ngay trong Tòa Bạch Ốc cũng thế) và thường tìm đến các thầy bói. Những tờ quảng cáo rẻ tiền được gởi đến tận nhà chúng ta, đề nghị sự phục vụ của các Chiêm tinh gia và thầy bói.
*Bên Đức, nhiều tạp chí bằng tranh bình dân ấn hành rộng rãi, từ nhiều năm nay có thêm phụ trang in những lá bùa hứa hẹn sự may mắn và sức khỏe.
*Các tập tục gọi là khoa học huyến bí, việc cầu cơ và những việc tương tự đã trở thành các trò chơi phổ biến.
*Thập tự giá huyền bí của Nero, một đồ vật của ma quỉ, tương phản với thập tự giá trên đó Chúa Cứu Thế Jesus của chúng ta đã gánh cả tội lỗi của người thế gian, được dùng làm một biểu tượng chống lại việc vũ trang bằng khí giới hạch tâm và vẽ nguệch ngoạc lên vách tường như một biểu tượng hòa bình.
*Trong khi ngồi thiền, người ta đọc những câu thần chú, cho dù họ có biết hay không, vốn là những câu đã được viết ra nhằm tôn vinh các thần linh Ấn giáo.
*Việc làm phù phép đang lan tràn, thậm chí còn có kế hoạch để tuyên truyền trong nền văn hóa đương đại của chúng ta.
*Các đạo thờ Sa-tan đang ngày càng gia tăng và được công khai phổ biến.
Một ông chủ, có một xưởng kỹ nghệ tinh vi, toàn mày móc điện tử nhưng lại thư dãn bằng cách ngồi thiền, thì có phải là một con người hiện đại hay không? Anh chàng lái xe đua bạt mạng đeo quanh cổ một lá bùa và đeo trên cổ tay một lá bùa của Thánh Christopher, thì có phải là một người “hiện đại” hay không? Một chính trị gia thủ cựu với lon sơn và khẩu súng phun sơn, có phải là một “con người hiện đại” hay không, khi ông ta vẽ bừa bãi lên vách tường những biểu tượng huyền bí?
Thế thì chúng ta phải có thái độ như thế nào đối với những câu phát biểu rất thường được nghe trong thần học kể từ Phong trào soi sáng: “Một con người hiện đại không thể hiểu được giáo lý về sự chịu chết thay để chuộc tội của Chúa Cứu Thế Jesus”. Không thể trông mong một con người hiện đại sử dụng chiếc công tắc đèn, tin vào các thiên sứ và ma quỉ”. (Có một điểm cần làm sáng tỏ ở đây: các Cơ Đốc nhân không hề tin vào các thiên sứ hay ma quỉ, mà trái lại, là tin Thượng Đế là Cha, tin Đức Chúa Con và tin Đức Thánh Linh. Tuy nhiên họ biết, căn cứ theo Lời Thượng Đế, rằng các thiên sứ và ma quỉ đều thực hữu). Chúng ta nghĩ thế nào về lời rêu rao: “Các tiêu chuẩn được Thánh Kinh qui định không còn áp dụng cho người hiện đại nữa?”
Chúng ta phải đối phó thế nào với cách nói phổ biến được bắt đầu bằng câu: “Những con người hiện đại không thể nào...?” Người ta cho rằng một người còn sống mà chẳng chịu tham gia một hành động hay hoạt động nào cả, thì không phải là một “con người hiện đại”, trái lại, đó là kẻ phản tiến bộ - tuy nhờ được tư tưởng của phong trào soi sáng chiếu sáng cho, và do áp lực của những người đồng thời, người ấy có thể đi đây đi đó, để cuối cùng, nhìn thấy được ánh sáng.
Do tính cách tương đối của các ý niệm hiện đại và con người hiện đại, có thể nói rất đúng rằng những cách nói như trên, bằng cách pha lẫn cả hai lối tư tưởng vừa tương đối vừa tuyệt đối, đứng về phương diện thần học mà nói, đều chỉ là những câu khẩu hiệu tuyên truyền vô căn cứ, có đặc tính mị dân mà thôi.
TRONG NHỮNG NGÀY SAU RỐT
Con người hiện đại muốn chủ trương chẳng cần biết gì đến Thánh Kinh cả. Thế Thánh Kinh có biết gì về con người hiện đại không?
Cách nhìn một vật là hiện đại ngày hôm nay, đến mai vẫn còn đó, nhưng đến hôm sau nữa thì đã lỗi thời rồi, đã được Kinh Thánh đánh giá thật đúng thực chất của nó, là “hư không, theo luồng gió thổi” (TrGv 1:14). Cách phán đoán của Thượng Đế trong vấn đề nầy, thật là rõ ràng: “Chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” (1:9).
Tuy nhiên, Lời Thượng Đế cũng nói về con người hiện đại đang chiếm đoạt và thay thế cho con người hiện đại của những năm 1525, 1789, 1848, 1918, 1945, 1984, và vv... Nghĩa là Thánh Kinh nói về con người trong những ngày sau rốt trước khi Thượng Đế dùng quyền năng Ngài để thực hiện cuộc phán xét cuối cùng, để chôn vùi trái đất nầy, và sau đó, Chúa Jesus chúng ta, là Con Người, sẽ xuất hiện với tư cách thẩm phán. Lời Thượng Đế có nói hai điều về con người trong những ngày cuối cùng:
Về cơ bản, con người ấy sống cũng chẳng khác cho con người đã sống trước mình. Những gì bao gồm trong đời sống vẫn bất biến, như Chúa Jesus từng vạch rõ: “Thế gian vẫn an nhiên hưởng thụ - cưới gả, tiệc tùng - y như thời Nô-ê trước nạn hồng thủy. Chẳng ai tin nước lụt sẽ tràn ngập, cuốn sạch mọi người. Ngày ta trở lại cũng thế” (Mat Mt 24:37-39). Hoặc như ở một chỗ khác, Chúa Jesus giải thích: “Ngày ta trở lại, thế gian vẫn ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất y như thời Lót. Đến khi Lót ra khỏi thành Sô-đôm, lửa và diêm sinh từ trời trút xuống hủy diệt tất cả” (LuLc 17:28-30).
Con người của những ngày sau rốt, con người chẳng hề bị một thế hệ nào khác thay thế, vẫn sống y như nhiều thế hệ đi trước đã sống, nghĩa là ăn uống, cưới gả, mua bán, trồng tỉa và xây cất. Lối sinh hoạt “bình thường” của con người đó, tự nó vốn chẳng có gì là sai trái cả, lại trở thành tai hại vì nó hoàn toàn đui mù đối với các thời triệu. Người ta hài lòng với các chiều kích hoàn toàn thuộc thể của cuộc đời, và hoàn toàn dửng dưng với điều thuộc linh - với Thượng Đế và những gì Ngài trông đợi. Cách sống nầy sẽ bị Thượng Đế phán xét:
Những người vô đạo, bất công, bất nghĩa, xuyên tạc sự thật sẽ bị Thượng Đế hình phạt. Vì sự thật về Thượng Đế đã được giải bày cho họ, chính Thượng Đế đã tỏ cho họ biết. Từ khi sáng tạo trời đất, những đặc tính vô hình của Thượng Đế - tức là quyền năng vô tận và bản tính thần linh - đã hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu hình, nên họ không còn lý do chữa tội. Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng tôn vinh hay tri ân Ngài. Họ suy tư trong vòng lẩn quẩn, tâm hồn bị sa lầy trong bóng tối.
Vì thế, Thượng Đế để mặc họ theo dục vọng, sa đắm vào sắc dục, làm ô nhục thân thể của nhau. Họ tráo đổi chân lý của Thượng Đế bằng chuyện giả dối và thờ phượng tạo vật thay cho Tạo Hóa, là Đấng đáng được tôn thờ muôn đời...
Vì họ từ chối, không chịu nhìn nhận Thượng Đế, nên Ngài để mặc họ làm những việc hư đốn theo đầu óc sa đọa (RoRm 1:18-21, 24-25, 28).
Lời Thượng Đế đã phác họa một bức chân dung rõ ràng của con người trong những ngày sau rốt, con người chẳng hề có một ai đến sau mình thay thế cho. Trong bức chân dung nầy, những nét nổi bật phân biệt thế hệ nầy với các thế hệ đi trước đã được nêu cao:
Con nên biết trong thời kỳ cuối cùng sẽ có những giai đoạn khó khăn. Vì người ta đều vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, hợm hĩnh, phỉ báng, nghịch cha mẹ, phụ bạc, vô đạo, không tình nghĩa, thù hằn, gièm pha, trụy lạc, hung dữ, ghét đều lành, phản trắc, liều lĩnh, kiêu ngạo, ưa lạc thú hơn yêu mến Chúa, giữ hình thức đạo đức, nhưng trong lòng chối bỏ quyền năng đạo đức. Con nên tránh xa họ.
Trong số ấy, có những kẻ lẻn vào nhà người khác để chinh phục các phụ nữ khờ dại, cưu mang tội lỗi, buông thả theo tình dục, học mãi nhưng chẳng bao giờ hiểu biết chân lý. Như Gian-ne và Giam-bết chống nghịch Môi-se ngày xưa, họ cứ chống đối chân lý - tâm trí họ hư hỏng, đức tin bị chìm đắm. (IITi 2Tm 3:1-8).
Phải chăng phần mô tả con người ngày nay đã phù hợp một cách đáng kinh ngạc? Nếu đặt nó bên cạnh một tờ nhật báo để đối chiếu, thì thật là có nhiều điều dạy dỗ bổ ích.
Tinh thần của AntiChrist đã chiếm được ưu thế trong con người hiện đại. Lời Thượng Đế phán về nó rằng: “Ai là kẻ nói dối? Đó là kẻ nói Jesus không phải là Chúa Cứu Thế. Nó phản Chúa vì nó không tin Chúa Cha và Chúa Con” (IGi1Ga 2:22). Sách ấy cũng viết: “Anh em thân yêu, đừng vội tin những người tự cho mình được thần linh cảm ứng; trước hết, phải thử xem có thật không. Vì hiện nay, nhiều nơi đã có các giáo sư giả xuất hiện. Muốn biết điều họ dạy có thật do Thánh Linh cảm ứng không, chỉ cần xem nó có phù hợp giáo lý “Chúa Cứu Thế Jesus, Con Thượng Đế đã trở thành người, mang thân thể phàm nhân” hay không. Nếu có, đó là do Thượng Đế. Nếu không, lời giảng dạy họ không do Thượng Đế, nhưng do thần linh. Kẻ Phản Chúa (AntiChrist) như anh em đã nghe nó sẽ xuất hiện. Hiện nay, tinh thần phản Chúa đã biểu lộ trên thế giới” (4:1-3).
“Hơn nữa, chính mắt chúng tôi đã chứng kiến và bây giờ chúng tôi loan báo cho cả thế giới biết, Thượng Đế đã sai Con Ngài xuống đời làm Đấng Cứu Tinh giải thoát nhân loại” (4:14). Đó là lời xưng nhận đức tin. Thế nhưng, nó đã trở nên hiếm hoi trong Hội Thánh và trong thần học. Nơi nó vẫn còn được nhắc đi nhắc lại vào những Chúa nhật, thì phần lớn chỉ có việc hành lễ bằng đầu môi chót lưỡi thôi, mỗi một người cần phải tự phân biệt lấy đâu là điều mình thật sự tin tưởng, với những gì mình chỉ nói mà thôi.
Lời Thượng Đế đã tiên báo thần học của con người hiện đại, con người của những ngày sau rốt, sẽ như thế nào:
Nếu xưa kia, đã có nhiều tiên tri giả, thì ngày nay trong vòng anh em cũng sẽ có những giáo sư giả xuất hiện. Họ khéo léo dạy những giáo lý giả trá về Thượng Đế, chối bỏ cả Đấng Chủ tể đã chuộc họ, nhưng họ sẽ sớm rước lấy kết cuộc thảm khốc. Nhiều kẻ sẽ theo tà thuyết ấy, sống bừa bãi phóng túng, làm cho Chúa Cứu Thế và Đạo Ngài bị chê cười. Các giáo sư giả sẽ bịa đặt nhiều chuyện để trục lợi anh em hầu thỏa mãn lòng tham. Nhưng Thượng Đế đã lên án họ từ lâu và họ đang đi đến chỗ tiêu diệt (IIPhi 2Pr 2:1-3).
Một khúc sách khác cũng gióng lên cùng một hồi chuông báo động:
Có vài phần tử vô đạo trà trộn vào hàng ngũ anh em tuyên bố rằng sau khi tin Chúa, chúng ta muốn làm gì cũng được, không còn sợ Thượng Đế hình phạt nữa. Số phận bọn người đó đã bị định đoạt từ lâu rồi, vì họ từ bỏ Đấng Chủ tể duy nhất là Chúa Cứu Thế Jesus, Chúa chúng ta.
Lúc nào họ cũng ta thán, oán trách, theo đuổi dục vọng xấu xa, kiêu căng lớn lối, phỉnh nịnh người ta để lợi dụng.
Anh em thân yêu, chắc anh em còn nhớ, các sứ đồ của Chúa Cứu Thế Jesus đã từng nói cho anh em biết rằng đến thời kỳ cuối cùng sẽ có những kẻ khinh bạc giễu cợt hết mọi thứ, chỉ biết sống theo dục vọng xấu xa. Họ hay gây chia rẽ xáo trộn, ưa nếp sống trần tục, vì không có Thánh Linh (Giu Gd 1:4, 16-19).
Lời Thượng Đế đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng: “Trước hết, anh em nên nhớ vào thời cuối cùng sẽ có nhiều kẻ sống thác loạn theo dục vọng, cười nhạo chân lý. Họ mỉa mai: Chúa Jesus hứa Ngài sẽ tái lâm phải không? Vậy Ngài ở đâu chưa thấy đến? Ngài chẳng bao giờ trở lại, vì từ khi có trời đất, mọi sự đều y nguyên, chẳng có gì thay đổi” (IIPhi 2Pr 3:3-4).
Thượng Đế biết rõ con người hiện đại; Ngài đã nhìn thấu suốt tâm can họ từ lâu rồi. Bộ Thánh Kinh bị cho là cổ lổ, từ lâu đã vạch rõ với phần đông những con người hiện đại thuộc mọi thế hệ hiện đại, con người của những ngày sau rốt, sẽ sống như thế nào. Con người ấy đã hiện nguyên hình trước mặt Thượng Đế, và có thể đọc trong Kinh Thánh để biết tất cả những gì Thượng Đế đang nghĩ về mình!
Chúng ta có thấy tình hình như thế là đáng run sợ không? Có lẽ các tình cảm của chúng ta đã được phản ảnh trong phần suy gẫm của Thi Tv 139:1-7
Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi và biết tôi Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy, Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi, Quen biết các đường lối tôi Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi Kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn cả rồi Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước, Đặt tay Chúa trên mình tôi... Sự tri thức dường ấy, thật diệu kỳ quá cho tôi, Cao đến nỗi tôi không với kịp! Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?
Có một nơi ẩn náu để chúng ta có thể giấu mình khỏi cơn thạnh nộ của Thượng Đế đang chờ đợi tội lỗi của chúng ta theo lẽ công bằng: Đó là Chúa Cứu Thế Jesus và công lao của Ngài tại Gô-gô-tha. Xin chúng ta hãy đáp ngay với Ngài “Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, chớ cứng lòng..." (95:7-8)
Chúa Cứu Thế Jesus đã lên thập tự giá vì cớ tội lỗi và sự vô đạo của chúng ta, và vì cớ vô số tội lỗi vốn là hậu quả của tình trạng vô đạo của chúng ta. Ngài đã chịu treo lên thay cho chúng ta. Ngài đã thay chúng ta chịu đựng cơn thạnh nộ của Thượng Đế “sự sửa phạt Ngài chịu ban cho chúng ta sự bình an” (EsIs 53:5). Chính Thượng Đế đã ban Con yêu dấu Ngài làm chiên con sinh tế thay cho chúng ta”. Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hi sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (GiGa 3:16).
Sự sống vĩnh cửu không phải chỉ là “sống sau khi đã chết” mà thôi. Nó là sự sống quí báu, kỳ diệu, có ý nghĩa và sung mãn mà Thượng Đế ban cho những ai bước theo nẻo đường bắt chước Chúa Jesus. Nó là sự sống trong cõi vĩnh hằng, tuôn trào ra thành một đời sống quang vinh, vui vẻ ngay trước hiện diện của Thượng Đế.
Người nào nhận Chúa Jesus vào đời sống mình sẽ được đặc ân đến với Thượng Đế để trở thành con cái Ngài (1:12). Chúng ta có thể nào lãnh hội được đầy đủ, trở thành con cái của Đấng đã sáng tạo trời và đất, thật ra có nghĩa gì hay không? Vinh quang của nó vẫn còn bị giấu kín. Nhưng rồi sẽ có ngày nó được đưa ra ánh sáng.
Hãy giải hòa với Thượng Đế, là Đấng đã dành sẵn tất cả mọi sự cho bạn. Hãy tiếp nhận quà tặng vĩ đại của Ngài, là Con yêu dấu Ngài, đã chịu hi sinh vì cớ tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chứng nhận (kể) chúng ta là người công chính (RoRm 4:25). Khi ban Ngài cho chúng ta, là Thượng Đế đã ban cho chúng ta mọi sự (8:32).
Nhưng bạn còn phải biết điều nầy nữa: Khi Chúa Jesus trở thành Cứu Chúa chúng ta, thì Ngài cũng làm chủ chúng ta nữa. Ngài muốn cai trị trên đời sống bạn. Đó là phương pháp duy nhất để Ngài có thể biến cuộc đời chúng ta trở thành tốt, đẹp - để ca ngợi tán tụng vinh quang Ngài. Bạn sẽ không còn bị thói xấu, tội lõi và các dục vọng xác thịt cai trị nữa. Bạn không cần phải làm một nạn nhân sợ hãi sự chết suốt đời nữa. Bạn sẽ được Đấng Chăn Chiên Nhân Ái rất yêu thương bạn, hướng dẫn và lãnh đạo mình.

LỜI THƯỢNG ĐẾ VÀ NỀN THẦN HỌC PHÊ BÌNH SỬ TÍNH
NGHIÊN CỨU NỀN THẦN HỌC PHÊ BÌNH SỬ TÍNH
Có người đã thắc mắc về cách dùng tự ngữ làm tiêu đề cho chương sách nầy. Họ bảo: “Đáng lẽ bà phải viết là “Nghiên cứu phương pháp phê bình sử tính”. Có thể nói rất nhiều điều để trả lời cho thắc mắc ấy; tôi chỉ giới hạn trong hai nhận xét mà thôi:
Một là mấy chữ “nền thần học phê bình sử tính” (historical-critical theology) rõ ràng là hợp lý trong cơ cấu của cách nói tổng quát. Chẳng hạn như, nếu có ai tại Đức quốc bảo rằng mình sắp vào một Kneippkur, thì mọi người đều biết người ấy ngụ ý muốn nói gì. Người ấy sắp vào một trung tâm chữa bệnh, sử dụng nhiều thủy-liệu-pháp (hydrotherapies) khác nhau. Lẽ dĩ nhiên muốn nói thật chính xác, đáng lẽ người ấy phải bảo rằng mình sắp đến một trung tâm điều trị, trong đó mình sẽ được chữa bệnh theo các phương pháp nguyên là của Mục sư Kneipp. Nhưng tất cả người Đức đều biết rằng Kneippkur bao gồm các phương pháp ấy, và các phương pháp ấy phân biệt nó với các trung tâm điều trị khác.
Với thần học cũng thế. Khoa thần học được giảng dạy trong các trường đại học khắp thế giới hiện nay, cả bên Đông, bên Tây, lẫn phía Nam, phía Bắc, đều đặt cơ sở trên phương pháp phê bình sử tính. Điều nầy đặc biệt nghiệm đúng cho nền thần học đang được giảng dạy tại Đức quốc, đang nắm độc quyền trên các trường đại học quốc gia và tự xưng là phát ngôn nhân hợp pháp duy nhất về chủ đề nầy. Và phương pháp phê bình sử tính không phải chỉ là nền móng cho các kỷ luật giải kinh mà thôi, mà nó còn quyết định cho việc một nhà hệ thống hóa có thể nói gì mà người ta có thể chấp nhận những gì ông ta nói hay không. Nó quyết định các phương thức trong các ngành giáo dục, truyền giảng và đạo đức học Cơ Đốc giáo. Rất có thể rằng nhiều người vốn chịu ảnh hưởng của nó nhiều nhất vẫn không ý thức được thật rõ ràng về việc ấy. Thế nhưng phương pháp phê bình sử tính đã thật sự thâm nhập khoa thần học đang được giảng dạy tại các trường đại học như men đã thâm nhập vào cả một đống bột để làm bánh mì vậy. Tuy nhiên, nếu người ta phải làm việc mãi với chất bột ấy, thì rất có thể là sau một thời gian, người ta sẽ không còn chú ý gì đến mùi ấy nữa, tuy một người khác sẽ nhận thấy nó ngay.
Thiết tưởng cũng cần nhận xét rằng các bạn đồng liêu trước kia của tôi mà tôi từng tiếp xúc tại các buổi họp mặt của Hiệp hội Nghiên cứu Tân Ước sẽ phản đối kịch liệt nếu họ bị liệt vào số những người theo phương pháp phê bình sử tính chứ không phải là các thần học gia. Vì họ đều tự nhận là thần học gia, và muốn được mọi người thừa nhận như thế một cách nghiêm túc. Vậy, nếu quả thế thì sẽ chẳng có ai phản đối trong việc thừa nhận công tác họ đang làm, là làm thần học phê bình sử tính, chứ không phải chỉ là nói suông về phương pháp luận phê bình sử tính mà thôi.
Hãy còn rất nhiều điều có thể nói, nhưng bây giờ xin chúng ta tạm gác lại để đi vào vấn đề đích thực.
THẦN HỌC NHƯ LÀ KHOA HỌC
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
Công cuộc sưu tầm nghiên cứu (khoa học) được tiến hành dường như là không có Thượng Đế (ut si Deus non daretur). Nói như thế có nghĩa là Thượng Đế bị loại trừ, chẳng được xét đến ngay từ đầu, cả khi con người nghiên cứu thừa nhận rằng Thượng Đế có thể tự làm chứng về mình trong Lời Ngài. Định chuẩn mà tất cả mọi sự được đánh giá không phải là Lời Thượng Đế, nhưng là nguyên lý khoa học. Những lời phát biểu trong Kinh điển liên quan đến nơi chốn, thời gian, các diễn tiến của các biến cố và các nhân vật, đều chỉ được công nhận theo phạm vi, chừng mực chúng phù hợp với các định đề (assumptions) và lý thuyết đã được qui định. Nguyên lý khoa học đã có được địa vị của một thần tượng.
TƯƠNG ĐỐI TÍNH CỦA THÁNH KINH
Theo giả thiết tiền định (presupposition) của ngành thần học khoa học nầy, thì Thánh Kinh và đức tin của Cơ Đốc nhân chỉ được đưa vào đó đúng ra là ngang hàng so với các tôn giáo khác và các thánh điển của chúng. Cả khi những gì là phân biệt về Cơ Đốc giáo được nhấn mạnh, giả thiết tiền định cơ bản vẫn là cách tiếp cận nói chung là ngang nhau giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, mức độ để so sánh mà Cơ Đốc giáo đã bị bó hẹp vào đó, tự nó không phải là một sự kiện, hay một dữ kiện nhất định cần thiết nào đó, mà đúng hơn, thì nó chỉ là một cái gì trừu tượng, một kết cấu nhân tạo để người ta tìm đến bằng cách xây khỏi Thượng Đế Hằng sống. Người học hỏi nghiên cứu thần học khoa học nhất định bị đẩy về hướng phải chấp nhận cái định đề được giả thiết trước đó, không tránh né vào đâu được.
Ý niệm Thánh điển bị tương đối hóa, sao cho Thánh Kinh chỉ còn chẳng gì khác hơn là một văn phẩm tôn giáo giống hệt các văn phẩm tôn giáo khác. Vì các tôn giáo khác cũng có các thánh điển của họ, người ta không thể cho rằng dù sao thì Thánh Kinh cũng là độc nhất vô nhị và có giá trị cao hơn hết. Chính vì thế mà nó bị đối xử y như bất kỳ một quyển sách nào khác. Do đó mà chẳng còn có gì để phân biệt tại sao lại phải tôn trọng Thánh Kinh hay phải đọc tác phẩm Odyssey như thế nào, cả khi điều đã trở thành hết sức rõ ràng sau khi nghiên cứu kỹ, là giữa chúng vốn có nhiều điểm khác nhau.
Muốn cho công bằng, thì nhiều người nghĩ rằng khi họ xác lập những điểm dị biệt đó, là họ đang phục vụ cho việc truyền giảng Phúc âm. Nhưng họ lại bỏ qua sự kiện khi so sánh đối chiếu như thế, là họ đã giảm thiểu, bó hẹp Lời Thượng Đế vào một bộ sưu tập các ý niệm tôn giáo và thần học. Việc làm nầy biến Lời hằng sống thành một loại chữ nghĩa chết, như sự việc đã trở thành hết sức rõ ràng trên nhiều tòa giảng khi các vị mục sư đang phí công vô ích để cố gắng đem sự sống đến cho các văn bản bây giờ đã không còn sức sống nữa, để cuối cùng, phải nhờ đến tâm lý học, xã hội học, xã hội chủ nghĩa và nhiều chủ nghĩa chủ thuyết khác nữa, nhằm tiêm vào cho các văn bản ấy một sinh lực mới.
Thánh Kinh không còn được ưa thích như là Lời Thượng Đế theo như cách nó vốn được xem như thế nữa. Người ta đã đinh ninh rằng lời lẽ trong Thánh Kinh và Lời Thượng Đế không còn là một nữa. Người ta bảo rằng phần chữ được in nằm giữa hai bìa của quyển Kinh Thánh, tự nó không phải là Lời Thượng Đế. Nó chỉ trở thành Lời Thượng Đế khi nào từng hồi từng lúc nó được cho là có chức năng ấy khi người ta đọc và truyền giảng nó ra. Hơn nữa, Tân Ước còn bị “gài độ để cho đá nhau với Cựu Ước”, vì người ta cho rằng Thượng Đế của Tân Ước khác hẳn với Thượng Đế của Cựu Ước, vì họ bảo rằng Chúa Jesus đã đưa vào một ý niệm mới về Thượng Đế. Thánh Phao-lô bị “gài độ để cho đá nhau” với Thánh Gia-cơ. Người ta còn chủ trương rằng sách Sứ Đồ giới thiệu một Thánh Phao-lô khác hẳn với người đã viết các thư La-mã, Ga-la-ti, I&II Côrinhtô và các thư tín khác nữa. Người ta thường xem sách Sứ Đồ như chỉ có giá trị văn chương suông mà thôi; tính cách xác thực lịch sử của những gì Thánh Lu-ca tường trình trong đó cũng bị họ xem nhẹ như nền thần học mà ông đề cao. Lẽ dĩ nhiên là mỗi câu đều bị nghi ngờ là hàm chứa nền thần học của Thánh Lu-ca, chứ không phải là một bản tường trình đáng tin về những gì đã thật sự xảy ra, mà nền thần học ấy lại được trình bày trong thực tế là trái ngược với nền thần học thuần chánh. Người ta đã dùng những phương pháp bình văn thô tục, sống sượng mà nếu đem áp dụng cho tác phẩm của một thi sĩ hay một thần học gia - như Goethe hay Barth chẳng hạn - sẽ dẫn đến nhiều hậu quả phi lý, để rêu rao tính cách không xác thực gán cho các Giáo mục thư (I&IITim và Tít), thư Ê-phê-sô và Cô-lô-se. Sau đó, những lời rêu rao ấy lại không được khảo xét cẩn thận, mà truyền từ thế hệ các thần học gia nầy sang cho thế hệ tiếp theo đó. Những điểm dị biệt giữa các sách riêng rẽ, cá nhân trong Thánh điển lại bị chê bai là thiếu cân đối và chế nhạo là tiên hậu bất nhất.
Vì người ta không chịu chấp nhận sự linh cảm của Kinh điển, cho nên chẳng hề có ai khẳng định được rằng các quyển sách riêng lẽ trong Kinh điển có tính cách bổ sung, bổ túc cho nhau. Lạm dụng phương thức ấy, người ta chỉ thấy trong Kinh Thánh một nhúm các tài liệu văn học chẳng ăn nhập gì với nhau về công trình sáng tạo vũ trụ mà thôi. Quả thật là người ta phải thừa nhận rằng trong những sáng tác phẩm như thế, đức tin của các tác giả đã được nhìn thấy rõ ràng. Nhưng người ta đã chẳng có thiện chí để nhận thấy trong đó có Đấng mà các tác giả đã hướng đức tin của họ vào. Nói khác đi, là người ta không chịu xem đó là mặc khải, họ chỉ xem đó như những sáng tác phẩm văn chương và thần học suông mà thôi. Như thế, đối với các văn phẩm tồn tại từ hai, ba ngàn năm về trước, được các nhà văn thượng cổ viết cho các độc giả đời xưa phản ảnh các điều kiện vốn được công trình điều tra nghiên cứu về phê bình sử tính cho là khác hẳn với các điều kiện của thời đại chúng ta, lại bị họ chứng nhận là chẳng có gì hợp thời cho ngày nay cả.
Để xét lẽ công bằng cho lời tuyên bố về thẩm quyển mà công tác điển chế (canon) Thánh Kinh có đối với Hội Thánh, và cũng dành cho sự định hướng cá nhân nữa, người ta lại tìm cách “làm một công tác điển chế bên trong một công tác điển chế” (a canon within a canon). Vài người chẳng xét đến điều gì khác hơn La Mã chương 7, người Sa-ma-ri nhân từ trong Lu-ca chương 10, và ẩn dụ và cuộc phán xét cuối cùng trong Math 25. Với một số người khác, thì “công tác điển chế bên trong một công tác điển chế” có được mở rộng hơn. Trong cả hai trường hợp, định chuẩn nầy được dùng để đánh giá phần còn lại của Thánh Kinh và phương pháp Sachkritik (1) nầy đều được sử dụng, dù là công nhiên hay mặc nhiên. Nếu dùng thư La-mã, thì sách Gia-cơ bị đánh giá thấp. ICo1Cr 5:5-8 bị phê bình căn cứ vào những lời truyền dạy của Thánh Phao-lô về đức tin được tìm thấy ở nhiều chỗ khác; người ta bảo rằng Thánh Phao-lô đã không bám sát các tiêu chuẩn cao của chính cách nhìn thông tuệ thần học của ông trong những khúc sách khác, vì ông đề cập sự sống lại của Chúa Jesus dường như đó là một sự kiện lịch sử.
Vì nội dung các văn phẩm trong Thánh Kinh chỉ được xem như các sáng tác phẩm của những nhà văn viết về thần học, bất kỳ một câu nào đó đều chẳng có chi khác với một lời phát biểu thần học của con người mà thôi, nên chẳng hề có tính cách bó buộc gì. Thí dụ, GiGa 3:16 chỉ là tình cảm thần học của một thần học gia Cơ Đốc giáo nguyên thủy, viết về Phúc âm của mình hồi gần cuối thế kỷ thứ nhất. Hơn nữa, ông ta hoặc là một người trí huệ phái (nghĩa là theo tà giáo) hoặc là một người đã sử dụng ngôn ngữ trí huệ phái để chống lại trí huệ phái hoặc có lẽ chỉ là một người chịu ít nhiều ảnh hưởng của trí huệ phái để binh vực cho lời truyền dạy về sự cứu rỗi chống Cơ Đốc giáo hoặc tương tự như là của Cơ Đốc giáo vậy. Nói khác đi, theo thần học phê bình sử tính (của Thánh Kinh) thì 3:16 không phải là một lời hứa có giá trị bắt buộc của Thượng Đế. Đúng hơn thì nó vốn là một ý kiến của con người, chẳng có tính cách bắt buộc chi cả. Tất cả các lời hứa trong Thánh Kinh đều bị xem y theo cách đó, tuy theo Lời Thượng Đế, chúng đều là những câu mà người ta có thể nói là “Phải” và “A-men” trong Chúa Cứu Thế Jesus (IICo 2Cr 1:20).
VIỆC LÝ GIẢI KINH ĐIỂN
Thánh Điển được xem là một “văn bản” đòi hỏi được lý giải. Theo quan điểm nầy, thì chẳng có gì để tranh cãi trong vấn đề chúng ta có quyền đến thẳng với Kinh điển. Nhưng điều mà chúng ta nhận được từ đó bị đặt thành vấn đề, vì cho là có tính cách chủ quan, là cách lý giải “hiện sinh” chỉ có tính cách bó buộc đối với bản thân người lý giải mà thôi. Nếu không sử dụng cách lý giải phê bình sử tính để đi xuyên suốt của khúc sách, thì kết quả mà nó cho ta được tuyên bố là chỉ cho phép để sử dụng một cách riêng tư, cá nhân mà thôi.
Trách nhiệm để lý giải cho người khác, như trong việc truyền giảng và dạy dỗ, phải được thực hiện “một cách có phương pháp” theo đúng các qui luật, sao cho người khác có thể kiểm soát được. Đức Thánh Linh, Đấng hành động tùy ý tùy thích (xem GiGa 3:8), bị gạt qua một bên “vì chẳng hề có ai, sống vào bất kỳ một thời đại nào đó, lại có thể bảo đảm rằng mình có Ngài”, như Rudolf Bultmann từng viết. Đức Thánh Linh bị thay thế bằng phương pháp lý giải, được cho là bảo đảm được khách quan tính của việc lý giải và phù hợp với văn bản Thánh Kinh liên hệ.
Tuy nhiên, Đấng đang ngự trên thiên đàng thách đố kẻ đề cao phương pháp tiếp cận nầy. Ngoại trừ vài giả thiết tiền định ít ỏi và vài điểm nhất trí về phương pháp luận, người ta có thể chắc chắn rằng khi hai thần học gia đem các kết quả của mình để đối chiếu với nhau, thì hai kết luận khác nhau sẽ nổi bật hẳn lên ngay trên bề mặt, dường như đó là một qui luật vậy. Trái lại, ở nơi nào mà hai vị giáo sư dạy Thánh Kinh tin Lời Thượng Đế theo đúng nguyên văn và chịu đầu phục Đức Thánh Linh để chia xẻ những gì họ thấy được, thì tinh thần hợp nhất và sự nhất trí trong lời truyền dạy đều luôn luôn là điều hiển nhiên - bất chấp tổ chức giáo hội, lục địa và thời kỳ nào.
Nguyên tắc căn bản không được công bố nhưng đang vận hành của khoa học về Cựu Ước và Tân Ước là: Những gì văn bản vạch rõ thì có thể - chứ chưa chắc - là đúng. Nhiệm vụ của nhà giải kinh là khám phá, phát giác và giải quyết, giải đáp “những điều khó hiểu” trong văn bản Thánh Kinh. Nhà giải kinh càng kỹ lưỡng, tỉ mỉ bao nhiêu, sẽ là nhà giải kinh tài giỏi bấy nhiêu. Vì muốn trở nên người có giá trị, một giáo sư phải “tự tạo tiếng tăm cho mình”. Điều nầy là bắt buộc, trừ phi ông ta hài lòng với việc lãnh lương mà chẳng làm được điều mà người ta vẫn trông đợi nơi một giáo sư. Có nguy cơ là phải phấn đấu để được loài người thừa nhận cả khi chính vị giáo sư ấy đặc biệt vốn chẳng quan tâm chú ý gì đến những lời khen tặng như thế. Tôi rất vui mà xác nhận rằng phần đông các bạn đồng liêu trước kia của tôi bản thân vốn khiêm tốn và tự hạ mình. Tuy nhiên, qua hệ thống của nền thần học ở cấp đại học, họ đã bị thúc đẩy để tự cho mình một tên tuổi và phấn đầu để được sự tôn vinh của loài người. Thế nhưng Chúa Jesus của chúng ta từng phán dạy: “Các ông tin tôi sao được, khi các ông vẫn thích đề cao người khác, để rồi họ đáp lễ ca tụng các ông, chứ không lưu ý đến lời khen chê của Thượng Đế!” (GiGa 5:44).
Một sinh viên thần học chưa “chết” về nhu cầu muốn được loài người khen tặng, cũng đang bị cùng một áp lực giống như thế. Cho nên chẳng có gì để ngạc nhiên khi có nhiều sinh viên tin tưởng vào môn thần học, chẳng bao lâu đã phải gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng trong vấn đề đức tin của mình. Họ thường bị trôi lạc khỏi đức tin mà không hề nhận biết. Có một số các vấn đề họ đang học hỏi nghiên cứu đã chống lại họ; nhưng làm thế nào để có thể khác hơn thế cho được? Dù sao thì cũng chính là vì thế, họ mới phải học hỏi nghiên cứu chứ! Nhiều lằn ranh đang được vạch ra chung quanh nhiều phần của Lời Thượng Đế. Một số những gì Lời ấy nói không còn được ai tin tưởng nữa, và theo đó, quyền năng của Lời ấy cũng không còn được từng trải như trước kia nữa. Người ta học được rằng: “Thánh Phao-lô không phải là nguồn gốc của các giáo mục thư”. Lẽ tất nhiên “Thánh Giăng, con trai Xê-bê-đê, môn đệ của Chúa Jesus không phải là trước giả của sách Phúc âm Giăng”. “Ngũ Kinh không phải do Môi-se viết, mà được đúc kết lại từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau”. Bất cứ ai chưa học biết được mọi điều đó vào lục cá nguyệt thứ sáu đều bị nhìn bằng cặp mắt thương hại nếu chưa bị chế nhạo, do đó, mà vườn nho đã bị những con chồn nhỏ phá hại, như trong Nhã ca của Sa-lô-môn Nha Dc 2:15. Tất cả những điều đó thoạt nhìn đều có vẻ như vô hại, chúng chỉ là những chuyện nhỏ mọn, điều liên quan đến chúng vốn chẳng có tính cách gì là quyết định đối với đức tin cả. Nhưng bởi đó, uy quyền của Lời Thượng Đế đã bị thắc mắc đặt thành vấn đề. Nó bị mất đi tính chất bó buộc như việc sẽ nhanh chóng trở thành hiển nhiên liên quan đến những khúc sách khiến cho chúng ta bồn chồn bất an. Xin chúng ta chớ nên nhầm lẫn: chỉ một hang cuột cũng đủ gây nguy hiểm cho cả một con đê. Điều nầy sẽ trở thành rõ ràng khi một cơn dông khiến cho mực nước dâng cao.
LÝ TRÍ PHÊ BÌNH VÀ THỰC TẠI
Với niềm thần học phê bình sử tính, thì lý trí phê bình quyết định điều gì trong Kinh Thánh là có thật, và điều gì không thể có thật được; và quyết định nầy được đưa ra căn cứ trên từng trải hằng ngày mà tất cả mọi người đều có thể đạt được. Chẳng có gì được chấp nhận là sự kiện trừ phi khi nó được mọi người nhìn nhận là điều có thể có, có thể xảy ra được. Điều vốn là thuộc linh cũng bị phê phán bằng cách sử dụng các định chuẩn theo xác thịt. Các từng trải của con cái Thượng Đế hoàn toàn bị xem khinh.
Do các giả thiết tiền định đã được áp dụng, lý trí phê bình bỏ qua sự kiện rằng Chúa, là Thượng Đế chúng ta, là Đấng Toàn Năng, đang trị vì. Rõ ràng là người ta thậm chí không thể đứng được vào cái vị trí để có thể quan tâm chú ý đến các phép lạ hiện đại, cả khi chúng được chứng minh về mặt ý học và được chứng thực là hợp lý. Một lý do quan trọng cho việc nầy, ấy là các quyển sách tôn vinh Chúa bằng cách tường thuật lại các biến cố như thế đều chỉ được một số nhà xuất bản chịu cho in mà thôi. Đó là các nhà xuất bản mà các ấn phẩm của họ bị các thần học gia phê bình sử tính gièm pha phỉ báng. Các thần học gia ấy viết ra mấy câu bảo rằng đó là chuyện tôn giáo nhảm nhí như là một việc làm theo nguyên tắc mà chẳng cần gì phải đích thân tra xét quan sát.
Dưới con mắt riêng của mình, ngành thần học phê bình sử tính muốn hỗ trợ việc truyền bá Phúc âm bằng việc lý giải Thánh Kinh một cách đáng tin về mặt khoa học và khách quan. Tuy nhiên, đã có một sự mâu thuẫn quái quỉ, một mặt là giữa điều nền thần học ấy nói và muốn làm, một mặt khác là những gì nền thần học ấy thật sự làm. Trong làn ánh sáng của tất cả những gì tôi vừa nói, điều đã trở thành hết sức rõ ràng, là cách thức mà nền thần học phê bình sử tính chủ trương về Kinh Thánh không hề đẩy mạnh được việc truyền bá Phúc âm, mà trái lại, còn gây trở ngại cho nó - và thật ra là còn ngăn chặn việc ấy nữa. Nhưng điều còn tệ hại hơn, là rõ ràng điều chúng ta đang đề cập ở đây không phải là một phương pháp tiếp cận có thể đưa đến một cách lý giải khách quan và khoa học đáng tin cậy về Kinh điển như nó vẫn rêu rao. Điều không đúng, không thật, chỉ đơn giản là vì nền thần học phê bình sử tính đã thay thế các ấn tượng chủ quan bằng sự phát giác có cơ sở về chân lý qua các luận cứ đã được cân nhắc cẩn thận.
Sự mâu thuẫn giữa lý thuyết với thực hành, giữa lý tưởng với thực tại, tự nó đã lộ mặt khi ta trở thành quen thuộc với nền văn chương liên hệ. Về lý thuyết thì tất cả các tài liệu phê bình sử tính được xuất bản liên hệ với một luận đề nhất định nào đó, đều cần phải được ghi nhận, chú ý. Trong thực tế, việc ấy đã trở thành không thể nào làm nổi do các tài liệu được xuất bản cứ ngày càng tăng nhiều như nước lụt tràn ngập vậy.
Phải lùi lại bao xa để định một dứt điểm độc đoán nào đó cho một công trình điều tra nghiên cứu? Giới hạn thường là 1900 hoặc có lẽ là 1945. Trong giai đoạn 1900-1945, chỉ có các quyển sách giáo khoa chọn lọc của ngành thần học phê bình sử tính mới được lưu ý mà thôi. Đã có rất ít, thật ít các tác phẩm viết trước 1900 được xét đến. Tuy ngày nay, ngành thần học phê bình sử tính đã được đem ra thực hành hầu hết trên toàn thể các nước và lục địa, toàn thể số tài liệu được xuất bản vẫn còn bị bỏ qua, vì có nhiều văn phẩm đã được viết bằng những ngôn ngữ mà không phải tất cả mọi người đều có thể đọc. Đối với nhiều nhà sưu tầm nghiên cứu nói tiếng Anh và tiếng Đức, thì chỉ những tài liệu xuất bản bằng Pháp văn cũng đã họp thành một hàng rào mà nhiều người chỉ chịu khó vượt qua nếu tác phẩm ấy là một sách giáo khoa tuyết đối cần thiết. Và ai là người đảm trách việc chuẩn bị về ngôn ngữ bị đòi hỏi phải có để nghiên cứu các quyển sách do các bạn đồng liêu của mình viết bằng các ngôn ngữ Hi Lạp hiện đại, Tây Ban Nha hoặc Nhật Bản - ấy là chỉ kể một vài thí dụ mà thôi! Việc đi truy tầm chân lý của ngành thần học phê bình sử tính đã bị vấp ngay tại điểm có quá nhiều tài liệu văn học bằng nhiều ngôn ngữ không thể đạt tới được mà nó phải bỏ qua.
Thêm vào đó, sự việc cũng thường rất khó khăn ngay trong vấn đề cung cấp các tài liệu văn học được biết và có thể với tới được. Phải mất đến nhiều tháng để một tài liệu nào đó đến được các hệ thống thư viện cho mượn lẫn nhau. Dù công nhiên hay mặc nhiên, phạm vi sưu tầm tra cứu đều bị hạn chế trong số “các tài liệu văn học mà tôi có thể với tới được”. Nhiều người còn nhờ đến một phương pháp mới để đối phó với nạn lụt sách báo, tài liệu văn học. Nhát là nhà ngữ học rất chuộng phương pháp nầy, theo đó số tài liệu văn học không sử dụng cùng những phương pháp đặc biệt giống nhau dành riêng cho giới học giả, đều bị loại trừ như một vấn đề nguyên tắc.
Người ta ngày càng thấy nhiều hơn công dụng của một chiến thuật đáng nghi ngờ khác nữa, là đi đây đi đó để giải quyết số tài liệu văn học mà chỉ cần nêu chủ đề mà thôi, cũng đã thấy rõ là cần phải cùng làm việc đến nơi đến chốn thật cật lực với nó rồi: chỉ cần một cuốn sách liên hệ được nêu tên, và sau một bảng tóm tắt bị xuyên tạc chỉ dài có mấy dòng, thì nó đã bị đánh giá hết sức tiêu cực để dường như người ta chẳng cần gì phải chú ý đến nó thêm nữa. Như thế, một học giả có thể tự ngăn trở mình làm việc lao khổ, có thể làm trì hoãn việc xuất bản một tác phẩm của chính ông ta có khi đến nhiều năm. Trước các điều kiện chiếm ưu thắng đó, ta có thể biện minh cho chiến thuật ấy như là một cách tự vệ bác học. Tuy nhiên, phương thức nầy loại bỏ được việc “thảo luận không xứng đáng” những quyển sách đã được thừa nhận là những sách nghị luận, do đó, được nhiều phân khoa thần học nổi tiếng nhìn nhận - một tình trạng công việc dường như chưa được lưu ý thật đầy đủ.
Chúng tôi xin kết luận là chúng ta chẳng cần gì để mắt tới nhiều hơn là vấn đề phải sử dụng số tài liệu văn học như thế nào để nghiêm túc đặt vấn đề về khách quan tính rất được khoa trương của ngành thần học phê bình sử tính.
Lời rêu rao rằng chân lý được khám phá trên cơ sở luận cứ phê bình là một trường hợp tự lừa dối mình khác nữa. Những giả thiết đối lập nhau thường được hậu thuẫn bằng những luận cứ có phần nào ngang nhau về trọng lượng, lắm khi thậm chí còn do cùng một nhà sưu tầm nghiên cứu đưa ra nữa. Dựa theo cách một người quan tâm đến các thẩm quyền đã được thiết lập trên các cơ sở nào, hay các chứng cứ hiển nhiên trong một lãnh vực nhất định nào đó, người ta sẽ chỉ quan tâm chủ yếu vào điều gì đã xác nhận cho các định đề của chính mình. Nếu các luận cứ đối lập được xem xét kỹ trong khi điều tra nghiên cứu, đều không tránh né vào đâu được là chúng sẽ bị mất tính cách thuyết phục. Do đó, việc xem xét tỉ mỉ ấy chỉ có khuynh hướng chứng thực và ổn định đề án của mình mà thôi.
Thiện chí căn bản của việc lý giải Thánh Kinh bằng phương pháp phê bình sử tính, xem các đề án của mình chỉ là tạm thời và có thể tranh cãi, không hề hàm ý rằng ý hướng đích thực là nhằm xác lập chân lý. Gặp trường hợp riêng lẽ, khi một quan điểm được thay đổi - là việc rất ít khi xảy ra với các học giả có hạng - thì các luận cứ, tuy cũng đầy thuyết phục như các luận cứ cũ nhưng lại hậu thuẫn cho một lập trường mới, lại được viện ra. Ta có thể kết luận rằng nơi các nhà bác học, lý trí rất dễ bị đem đi đánh đĩ (2).
Ngoài các sách đem xuất bản ra, khi các học giả có chuyện để giải quyết, trao đổi với nhau, thì xu hướng áp đảo là duy trì các lập trường mình đã chọn rồi. Khi có người gởi một quyển sách mới xuất bản đến cho một học giả đã có địa vị vững chắc để duyệt xét, thì câu trả lời bình thường là: “Các nhận xét của bạn rất lý thú nhưng tôi không thể đồng ý với chúng”. Không có một lý do nào được đưa ra cho việc ấy cả. Đây không phải là vết rạn nứt của cá tính, mà là một phản ứng nẩy sinh thật tự nhiên từ cách thế hiện hữu của mọi sự mọi vật. Trong lời dạy của mình, vị giáo sư phải bao quát một khu vực tương đối rộng rãi. Ông ta phải đứng tại vị trí nhằm thâu hóa mọi phát kiến từ toàn thể chiều dài của công trình nghiên cứu cả Cựu lẫn Tân Ước. Tuy nhiên, chỉ thỉnh thoảng ông ta mới có được ít thì giờ để theo đuổi, để đi sâu vào những câu hỏi liên hệ với khu vực nhỏ bé của ngành chuyên môn đặc thù mà tình cờ ông ta đang làm việc ngay cả tại đó, các đóng góp tự nguyện của ông một phần lớn vốn được xác định bằng những công trình nghiên cứu về trước, sao cho bất kỳ việc chấp nhận những ý niệm mới mẻ nào cũng đòi hỏi một số duyệt xét rất lớn các quan điểm từng được chủ trương trước kia. Không nên trông chờ một sự duyệt xét như thế khi có quá nhiều nhiệm vụ chuyên nghiệp đòi hỏi, như thuyết giảng, công tác quản trị, chấm thi và chấm các bài khảo luận, quản trị các bài văn nghị luận, bổ sung cho các quyển sách đã được xuất bản của mình và viết bài đóng góp cho các nhật báo.
Vì các lý do ấy, việc tiếp thu các kết quả từ công cuộc sưu tầm nghiên cứu gần đây của các học giả từng tạo thành một ý kiến trong một khu vực rộng lớn, vốn là điều độc đoán, không tránh né vào đâu được. Tên tác giả của một cuốn sách (bài báo) vừa xuất bản, và trường phái của ông ta, thường quyết định cho việc một quyển sách hay một bài báo được tiếp nhận như thế nào. Dưới các định đề ấy, khách quan tính được phô trương của việc lý giải bằng phương pháp phê bình sử tính của Thánh Kinh đã bị dành cho số phận thất bại ngay từ đầu.
CHÂN LÝ VÀ KHÁCH QUAN TÍNH
Trong thế hệ của các học giả đang lên, một sự từ khước liên quan đến chân lý thường chiếm ưu thắng. Sự từ khước ấy tự bộc lộ trong các lý thuyết về khách quan tính. Thật ra, hệ luận hợp lý của điều nầy đáng lẽ phải là cứu cách của công tác khoa học trong thần học, nhưng kết luận ấy đã không được quan tâm đúng mức. Mà vấn đề được đặt ra lại là phải chăng khoa học chỉ được dùng làm phương tiện để phục vụ cho việc tự hoàn thiện. Tuy nhiên, ta không nên bỏ qua việc lương tâm tốt vốn là các năng khiếu thần học có thể duy trì được công việc của chúng trước mối liên hệ cung và cầu, vốn hiện hữu bao lâu các Hội Thánh nói chung còn thực hiện phần nghiên cứu có tính cách hình thức trên các năng khiếu ấy thành một đòi hỏi có tính cách bó buộc.
Thế hệ các thần học gia trẻ hơn cứ ngày càng bị xã hội chủ nghĩa thâm nhập. Chủ đích cứu chuộc của Thượng Đế và sự cứu chuộc đời đời trong Chúa Cứu Thế Jesus đã bị thay thế bằng các mục tiêu cải thiện thế gian của loài người. Các mục tiêu ấy, được che đậy bằng một tấm màn là những từ ngữ chọn lọc độc đoán của điều được gọi là “Chúa Jesus của lịch sử”, được lý giải là nhà cải cách xã hội hay nhà cách mạng, tùy ý của người lý giải. Các văn bản được ưa thích gồm có Người Sa-ma-ri nhân từ (LuLc 10:25-37), Bài thuyết giảng về cuộc phán xét thế gian (Mat Mt 25:31-46), cũng như các lời phán của Chúa Jesus liên hệ đến ngày Sa-bát (Mac Mc Mac2:27-28). Trong khúc sách sau cùng, từ ngữ Con người trong câu 28 (bản dịch cũ) chỉ được hiểu đơn giản là người, là điều có thể có, đứng về mặt ngữ học. Việc Chúa Jesus cùng ngồi chung bàn để giao hảo với những nhân viên thu thuế và tội nhân (thí dụ 2:15-17) được xem là bằng chứng cho việc Ngài đã biến đổi các cơ cấu bất công của xã hội, và chúng ta phải bắt chước Ngài trong việc nầy.
Đặc điểm của phương pháp tiếp cận nầy là thuyết ảnh chiếu (projection). Phần lớn Cựu Ước bị gạt qua một bên vì không còn thích hợp cho chúng ta nữa, bởi vì về toàn bộ hay từng phần, bộ sách ấy chỉ là một cấu trúc trí thức, một ảnh chiếu mà thôi. Nó là hậu quả của các cơ cấu xã hội bộ tộc phổ biến thời bấy giờ, và phản ảnh các điều kiện sản xuất nông nghiệp đời xưa. Cựu Ước có chức năng biện minh và tạo thế ổn định cho các cơ cấu và điều kiện đó. Theo thuyết nầy, thì cả đến mười điều răn cũng không còn là qui phạm cho chúng ta nữa. Người ta bảo rằng Chúa Jesus đã hủy bỏ chúng bằng điều răn yêu thương. Nhưng yêu thương có nghĩa gì thì không do Lời Thượng Đế mà ra, nhưng đúng hơn là được xác định căn cứ vào các phương tiện của giác quan.
Các nhà tiên tri được liệt vào hàng các nhà cải cách xã hội, A-mốt được dùng làm thí dụ điển hình cho trường hợp nầy.
CÁCH TIẾN HÀNH CỦA THẦN HỌC PHÊ BÌNH SỬ TÍNH
Cũng như tất cả các khoa học thần học tùy thuộc các giả thiết. Giả thiết là một định đề (assumption: một câu phát biểu, một khẳng định được giả định trước) về một điều gì đó là như thế, hay có cung cách ứng xử thế nào đó. Trong các khoa học tự nhiên, các quan sát do kinh nghiệm được dùng làm nền móng cho các định đề về những việc xảy ra đều đặn, thường xuyên trong lãnh vực tự nhiên. Các nhận định căn cứ vào sự quan sát ấy được kiểm chứng bằng thí nghiệm. Trái lại, trong các khoa học nhân văn, các giả thiết không hề có cùng một chức năng như thế, cũng không thể được kiểm chứng theo cùng một cách thức như thế. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều được nghiên cứu bằng phương pháp khoa học, được đem riêng ra để nghiên cứu phân tích cùng với nhiều phương pháp khác nữa, là các phương pháp tiếp cận tổng quát được sử dụng vào ngành học phê bình sử tính (critical historigraphy) và phê bình văn học.
NGÀNH HỌC PHÊ BÌNH SỬ TÍNH
Trong ngành phê-bình-sử-tính-học, các tàn tích cổ xưa và chứng tích ngữ học được dùng làm các nguồn thông tin về một kỷ nguyên đã qua rồi, trong đó người ta định niên đại cho các tàn tích và chứng tích. Đây là một thành tố quan trọng trong việc hình thành các giả thiết. Hai thí dụ sẽ minh họa cho việc nầy:
Một là, nếu ta cho rằng ẩn dụ về mười trinh nữ (Mat Mt 25:1-13) vốn không phải do chính Chúa Jesus phán dạy, mà trái lại, thoạt tiên nó vốn phát sinh trong Hội Thánh nguyên thủy, sau đó, được người ta đặt vào nhiều văn mạch khác nhau. Nó cho chúng ta các thông tin không phải về Chúa Jesus, mà là về Hội Thánh nguyên thủy. Muốn phân tích nó, ta phải đối chiếu nó với những gì đã được biết về Hội Thánh nguyên thủy, chứ không phải với những gì đã được biết về Chúa Jesus.
Hai là, nếu căn cứ vào những điểm đi biệt giữa sách Phúc âm Giăng và ba sách Phúc âm khác, ta cho rằng trước giả sách Giăng không phải là Thánh Giăng, môn đệ của Chúa Jesus, thì cả một loạt suy diễn sau đây sẽ tự nhiên nẩy sinh: Trong trường hợp nầy thì chính trước giả đã không hề đích thân từng trải những gì ông khẳng định về Chúa Jesus. Chắc ông phải căn cứ vào những nguồn tài liệu sớm hơn để làm mẫu hầu nhào nặn nên phần trình bày của mình. Việc nầy làm nẩy sinh các vấn đề về bản tính của số tài liệu sớm hơn đó. Rồi đến lượt nó, điều nầy lại làm nẩy sinh vấn đề làm thế nào sách Phúc âm Giăng lại được viết khác với các nguồn tài liệu mà nó đã dựa vào đó.
Rồi nhiều định đề khác lại phải nhập cuộc, liên hệ với nền thần học và thiên kiến về sách Phúc âm ấy, cũng như về bản tính của cộng đồng mà nó phản ảnh. Đồng thời với việc nầy, nhiều vấn đề bất ngờ khác lại nẩy sinh liên hệ đến bối cảnh lịch sử theo quan điểm đối chiếu các tôn giáo. Ở đây, nhiệm vụ là phải phân biệt giữa viễn tượng của chính Thánh Giăng, với cách nhìn của các nguồn tài liệu của ông. Đâu là các nguồn ảnh hưởng chủ yếu trên trước giả của sách Phúc âm Giăng? Trí huệ phái chăng? Cộng đồng Qumran chăng? Do Thái giáo theo khuynh hướng Trí huệ phái chăng? Hay trước giả chủ yếu chịu ảnh hưởng của Cựu Ước? Nếu các nguồn tài liệu của ông là của Trí huệ phái, làm thế nào ông có thể kết hợp được chúng lại với nhau: Về mặt tranh luận? Về mặt tích cực? Về mặt phê bình?
PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Trong phê bình văn học, việc hình thành giả thuyết có nhiều chức năng. Người ta tìm lời đáp cho nhiều câu hỏi liên hệ đến lịch sử cấu trúc và truyền thống của văn bản. Ngoài nhiều câu hỏi khác ra, những câu như thế nầy thủ một vai trò quan trọng: Ngay từ đầu, văn bản có hình thức của những yếu tố truyền miệng, hay đã có hình thức thành văn cố định rồi? Nó đã được chuyển từ người nầy sang người khác bằng cách truyền miệng hay bằng văn phẩm? Nó có phải là đơn vị văn học thống nhất hay không? Nó có phản ảnh các tài liệu thành văn, hay một mớ truyền khẩu hỗn tạp gồm nhiều truyền thống riêng rẽ được kết hợp lại, hay chỉ là những truyền khẩu riêng rẽ, cá biệt từ một nguồn duy nhất mà thôi? Nó có cho thấy những dấu hiệu là bị lệ thuộc về mặt văn chương chữ nghĩa hay không. Nó có bị gọt dũa do được sao chép lại nhiều lần hay không? Có những khuôn mẫu nào có thể nhận ra được rằng chúng vốn là những đơn vị văn chương riêng rẽ, đã được kết hợp lại, hay không?
Trên đây chỉ là những vấn đề được nêu lên do tình cờ, chứ không phải là một bảng liệt kê đầy đủ. Tất cả những câu hỏi như thế đều được trả lời căn cứ vào các định đề đã có sẵn. Đã chẳng hề có định đề nào được kiểm chứng dứt khoát cả. Chúng chỉ được cho thấy là khả dĩ chấp nhận được nhờ tính cách hữu lý của chúng và tài nghệ xây nền móng cho các định đề trong khi lý luận của nhà sưu tầm nghiên cứu mà thôi. Chúng được các nhà sưu tầm nghiên cứu khác cho là khả dĩ chấp nhận được nhờ khớp đúng với nhiều khối các định đề phức tạp khác, đã được chấp nhận hoặc ít hoặc nhiều. Việc chúng được chấp nhận, nẩy sinh từ việc chúng được kết hợp cẩn thận, vững chắc với một công trình sưu tầm nghiên cứu về trước. Tắt một lời: Việc hình thánh các giả thiết trong khoa học nghiên cứu của Cựu và Tân Ước là một hệ thống tự-ổn-định-hóa.
Điều nầy dẫn tới một trò chơi vô bổ với Lời Thượng Đế mà không phải là để tìm cầu Thượng Đế, cả khi cá nhân nhà sưu tầm nghiên cứu tin quyết rằng mình đang phục vụ Thượng Đế. Nhiều công sức và mất mát thua thiệt đã được đầu tư vào đấy - một tuần lễ làm việc đến sáu mươi giờ là thường đối với một nhà nghiên cứu như thế - và mức nỗ lực nầy tiêu hao cả sinh lực của một con người, cho đến khi sức lực cả về mặt trí tuệ lẫn về mặt thuộc thể đều không còn nữa. Để khiến cho công tác của cả một đời người nầy không bị bỏ phí, các giả thuyết của học giả Cựu Ước và Tân Ước nầy phải được tưởng thưởng, công nhận. Ông ta phải phấn đấu để được tôn vinh. Điều duy nhất khiến cho công tác đòi hỏi quá nhiều nỗ lực và hi sinh đến thế có được cái dáng vẻ của thực tại - của một công việc có thật - chính là tiến trình ban cho và nhận lãnh vinh dự từ tha nhân nầy.
CÁC KẾT QUẢ CỦA CÔNG VIỆC SƯU TẦM NGHIÊN CỨU
Căn cứ trên việc làm của mình, nhà giáo sư thần học không tài nào tránh được việc tự tạo cho mình một niềm tin vững chắc rằng, Lời Thượng Đế sẽ không thể nào hiểu được nếu không chịu sử dụng thận trọng các kết cấu được giả thiết của khoa học về Cựu và Tân Ước. Về vấn đề nầy thì quả thật là ông ta tin quyết, do đó, có thể truyền lòng tin đó sang cho những người nghe mình.
Vì các sinh viên không thể nào đạt tới cùng một cấp bậc để truyền lệnh về “các kết quả nghiên cứu” mà vị giáo sư đã nắm vững qua nhiều năm nghiên cứu, họ cảm thấy bất an và lao ngay vào việc chịu lệ thuộc bất cứ điều gì vị giáo sư nói. Thay vì cầu hỏi Đức Thánh Linh để xin Ngài mở Lời Thượng Đế ra cho mình - một việc làm không phải chỉ có tính cách nghi lễ mà thôi, nhưng quả thật là điều được trông đợi - họ lại chộp lấy một quyển sách chú giải, một tác phẩm “giải thích” từng câu một trong Thánh Kinh dưới ánh sáng của khoa phê bình sử tính. Việc học hỏi nghiên cứu của họ đã bị đặt trong những điều kiện khiến họ nhận thấy có nhiều chỗ khó hiểu trong văn bản mà họ không còn ghĩ rằng mình có thể tìm được ý nghĩa của một văn bản mà khỏi cần đến sự trợ giúp của một sách chú giải.
Tất cả những điều đó tạo ra nhu cầu phải tìm xem các chuyên gia đã nói gì đối với người sinh viên đọc một khúc Kinh Thánh chỉ để nhớ lại một giá thuyết của khoa phê bình mà thôi. Vì các định đề của khoa phê bình đều được đan kết chặt chẽ lại với nhau, và “có việc” với một trong số đó, tức là cần phải nhờ đến tất cả vậy.
Nói chung, thì người sinh viên (nghiên cứu) thần học không thể nào khám phá ra được Thượng Đế muốn nói gì trong Lời Ngài, cho nên chỉ truyền lại cho hội chúng niềm tin mà mình đã được dạy bảo: Người ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của Thánh điển nhờ sử dụng phương pháp phê bình sử tính mà thôi. Các tín hữu trong giáo khu chỉ tiếp thu một bản sao cô đặc của những gì mà (vị mục sư) đã học hỏi được trong trường cao đẳng.
Càng có nhiều nỗ lực để đạt được phần tri thức nầy, nó lại càng trở thành quí báu. Thêm vào đó, kiến thức của mình sẽ đem đến cho mình cái vinh dự được đứng trước mặt những người mà mình dạy dỗ hay trước mặt các vị mục sư với tư cách là một “chuyên gia”. Chỉ dùng Lời Thượng Đế nhằm mục đích trở thành người làm theo Lời Chúa dạy, thì không hề đem đến được nhiều vinh dự đến thế. Vì khi điều đó mà lại là tiêu chuẩn để được đề cao, thì Đức Thánh Linh sẽ ban nó cho ai tùy ý Ngài. Và không nhất thiết đó phải là người được cung kính chào đón với cương vị “mục sư”.
Bị chinh phục bởi tính cách “chuyên gia” của các nhà thần học, người sinh viên hay người đã được xác nhận là thành viên của Hội Thánh bị mất hết mọi niềm tin rằng mình có thể tự tìm hiểu lấy Lời Thượng Đế. Một mất mát điển hình khác nữa, là niềm vui của Cơ Đốc nhân khi có được quyển Kinh Thánh.
ĐỊNH ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
Chẳng hề có ở đâu khác, người ta bị “cất mất đức tin” cho bằng trong việc nghiên cứu thần học. Lẽ dĩ nhiên là có nhiều luận cứ hậu thuẫn cho các giả thuyết cá biệt. Nhưng trung bình mà nói, thì lẽ tất nhiên, ngay đến người sinh viên thận trọng cũng tiếp thu 80-90% của các giả thuyết mà không hề đứng được trên một lập trường nào để thẩm định các luận cứ. Anh ta tiếp thu 40-50% trong số đó, có lẽ còn hơn thế nữa mà thậm chí không hề biết rằng các luận cứ ấy là gì. Theo một qui luật, trong các trường dạy học, các luận cứ ủng hộ đó chỉ được đưa ra khi các đề án được trình bày tương đối hãy còn mới mẻ và chưa được chấp nhận một cách phổ quát, hay khi người giáo sư gặp những phản bác đối với các nhận định của ông ta, bắt buộc ông ta phải nêu các lý do cho cách nhìn của mình. Chắc chắn rằng việc định hướng thận trọng trong một lãnh vực kiến thức nhất định nào đó đều phải xảy ra trong những trường hợp cá biệt, nhưng đó không phải là qui luật, cũng không thể trở thành qui luật được. Vì tòa lâu đài khoa học gồm cả một số giả thuyết vô cùng sung mãn, trong đó mỗi một giả thuyết đều lệ thuộc vào vô số các luận cứ để hậu thuẫn cho mình.
Một loạt các định đề căn bản vốn có đặc điểm của một sự nhất trí chung ở chỗ chúng đều được liên đoàn các nhà khoa học chấp nhận, tạo thành một màn lưới sắt mà nếu không có nó thì đơn giản người ta sẽ không tài nào lãnh hội được hay tiến hành việc thông tin được trình bày trong những bài thuyết giảng hay các buổi hội thảo.
Các định đề căn bản nầy được đặt ngang hàng với sự kiện, lẽ dĩ nhiên không phải là trên lý thuyết nhưng chắc chắn là trong áp dụng thực tế. Nghĩa là người ta sử dụng chúng dường như chúng là các sự kiện vậy. Người nào đưa các định đề căn bản nầy vào trong tư tưởng của mình sẽ bị ảnh hưởng và cuối cùng sẽ bị chúng làm biến đối đi.
Nguy cơ do việc nghiên cứu thần học phê bình đem đến là quan trọng như thế, bởi vì một sự thay đổi như vậy xảy ra một cách chắc chắn mà người ta không hề cảm thấy, nhận thấy. Người ta hít thở một bầu không khí gây chết chóc nhưng bị chất thán khí làm ô nhiễm, một chất khí không màu sắc, không mùi vị, rất khó khám phá ra. Điều cũng khó phát giác không kém là các hậu quả tai hại của việc học hỏi nghiên cứu thần học phê bình. Hi vọng duy nhất là nhờ ân phúc Thượng Đế can thiệp thật rõ ràng.
Khách quan tính của công tác khoa học chỉ là ảo tưởng đến một chừng mực rộng lớn. Trong thực tế, các yếu tố ngoài khoa học thủ một vai trò hết sức quan trọng. Xin kể vào thí dụ: sự hình thành các nhóm (3); nhân cách và tài năng bắt liên lạc với công chúng của người biện hộ cho một ý niệm nhất định nào đó; “tên tuổi” của nhà khoa học (vốn có nhiều ý nghĩa khác nhau trong các lập trường thần học khác nhau); người ấy có chiếm được một địa vị chủ chốt như ghế giáo sư hay làm viện trưởng một học viện hay không; và quan trọng nhất, là chẳng hay người ấy có phải là chủ bút một nhật báo hay một cố vấn cho các nhà xuất bản nào liên quan đến việc cho xuất bản các tài liệu ấy trong một chuyên mục hay một tủ sách đặc khảo hay không.
Trên lý thuyết, thì người sinh viên vốn đứng ở vị trí có thể hình thành một ý kiến khách quan. Trong thực tế, việc thu nhận thông tin đã bị che chắn trước rồi. Tấm lá chắn hay cái lọc ấy, được tạo thành...
QUA TRUNG GIAN CÁC GIÁO SƯ. Việc người sinh viên chọn một trường cao đẳng thường hoàn toàn được căn cứ vào nhiều chuẩn điểm khác hẳn các chuẩn điểm mà trường cao đẳng được chọn đã đề cao, và có thể trở thành quyết định cho phần định hướng thần học mà người ấy tiếp thu.
DO CÁC KHẢ NĂNG HẠN CHẾ TRONG VIỆC HỌC HỎI NGHIÊN CỨU TOÀN BỘ CÁC TÁC PHẨM THÍCH HỢP. Người sinh viên chỉ làm việc sau khi đã lựa chọn, do đó chỉ chú trọng trước nhất vào những gì mà các bài thuyết giảng và những cuộc hội thảo giới thiệu, dặn dò. Ngay đến người sinh viên được tự do lựa chọn, cũng chỉ nhìn lướt qua một phần nhỏ của những gì đang có sẵn để cung cấp cho mình. Sách báo, tài liệu văn học trong các thư viện của tiểu bang và của trường đại học đều bị che chắn, gạn lọc trước rồi. Sách báo, tài liệu văn học Cơ Đốc giáo của các tác giả tin Thánh Kinh trên thực tế đều bị xem là điều cấm kỵ. Nhiều sách báo của một số các nhà xuất bản không được coi trọng và không thể được liệt kê trong thư mục của một bài thi chính thức theo học kỳ, trừ phi khi người sinh viên đã chuẩn bị sẵn sàng để nhận điểm số thấp vì làm như thế. Chính vị giáo sư cũng không thật sự quen biết các tác phẩm ấy nữa, và cảm thấy mình bị áp lực khi người sinh viên trích dẫn chúng trong bài viết của mình. Đáng lý ra vị giáo sư đã phải có chúng, được chúng và trao đổi ý kiến với chúng. Do vốn bị thì giờ thôi thúc, và tin chắc ngay từ đầu rằng những quyển sách, bài báo đã được xuất bản ấy rất đáng nghi ngờ, vị giáo sư ấy thường khước từ, chối bỏ chung.
DO SỰ DẤN THÂN CÓ TÍNH CÁCH BÁC HỌC CỦA BẢN THÂN NGƯỜI SINH VIÊN. Các sinh viên được dành cơ hội để “tham gia công việc điều tra nghiên cứu khoa học”. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, người ta sẽ thấy rằng việc làm ấy hoặc sẽ đòi hỏi phải lấy đi một phần thì giờ mà các công việc nhàm chán theo thói quen đã chiếm mất mà vị giáo sư muốn dùng để soạn thảo một dự án mà ông ta đang nghĩ đến, hoặc là phải nghiên cứu số tài liệu đã được “đóng gói” sẵn rồi. Thế thì người sinh viên sẽ làm y như cách trẻ con lắp ráp một ngôi nhà hay một chiếc xe bằng các thành phần theo kiểu của Lego. Lẽ dĩ nhiên là người ta có thể lắp ráp theo nhiều cách khác nhau, nhưng cuối cùng, chúng đều kém tinh thần tự ý chọn lựa so với kiểu mẫu đã được thiết kế trước, như vị giáo sư hoặc thậm chí một sinh viên ở cấp cao hơn vẫn có thể chứng tỏ hết sức dễ dàng. Qua số tài liệu sẵn có, kết quả trông mong đã được bảo đảm, cho nên dù sao rõ ràng là người sinh viên đã “tự thuyết phục được mình”. Như thế, những kẻ muốn nổi loạn cũng bị thuần hóa, nên tự xếp mình vào trong hệ thống. Cái vinh dự được cho là một nhà sưu tầm nghiên cứu nghiêm túc còn thêm trọng lượng của nó cho tính cách hấp dẫn của tất cả mọi việc nầy.
XÃ HỘI HÓA VÀ SỰ RẬP KHUÔN
Diễn trình học tập nghiên cứu có đặc tính của một sự xã hội hóa thứ yếu. Người sinh viên bị ảnh hưởng rất sâu đậm. Anh ta lao vào việc học hỏi nghiên cứu như một người mới tập sự thật an phận, một người chẳng biết gì cả, chẳng làm được gì cả và dốt nát về các tập tục và qui luật của trò chơi. Muốn được thu nhận, anh ta phải làm chủ, phải chiếm đoạt các tập tục, qui luật ấy để đạt được phần chuyên môn và kiến thức đáng kể!
Người sinh viên bị tràn ngập bởi một cơn lụt đích thực về thông tin, mà không hề có ý đồ sư phạm nào lại có thể rút lại được. Trong những bài giảng và những cuộc hội thảo, vị giáo sư truyền bá các kết quả của một công trình làm việc suốt đời mình, đặt trên cơ sở của công việc của các thế hệ những nhà sưu tầm nghiên cứu trước đó. Riêng phần mình, các sinh viên chỉ bận tâm lãnh hội các phương pháp nhờ đó vị giáo sư đã thu đoạt được các kết quả. Do nạn lụt thông tin kia, cho nên thật là khó duy trì được những cái nhìn xuyên suốt vào trong Lời Thượng Đế mà một người đã có ngay từ khi bắt đầu việc học tập nghiên cứu theo hình thức, nhất là khi những cái nhìn xuyên suốt ấy lại bị đánh giá là “phi khoa học”. Người sinh viên là tín hữu thường bị các giáo sư của mình chống đối bằng những hình thức sau đây:
.Đánh giá thấp: “Tôi tin chắc là cuối cùng rồi cậu cũng sẽ nắm được vấn đề!”.
.Cám dỗ: “Muốn nói được to tiếng, ít ra cũng phải chấp nhận quan điểm nầy về phương diện lý thuyết, để xem nó có tác dụng gì!”
.Mê hoặc: “Đức tin của cậu lại quá yếu, và cậu lại tin cậy quá ít vào Thượng Đế, đến nỗi từ chối không chịu chấp nhận ý kiến nầy hay sao?”
Thế là bản thân người sinh viên bị dẫn đến chỗ chịu chấp nhận các ý niệm trái ngược với những gì người ấy đã được học hỏi trước đây trong Lời Thượng Đế.
Đồng thời người sinh viên còn phải đương đầu với áp lực của các bạn cùng trang lứa. Các sinh viên bạn là những “khuôn đúc” quyết định cho hướng đi trong tiến trình xã hội hóa. Điều nầy đặc biệt nghiệm đúng cho những con người thuộc giai cấp thượng lưu, hay những người đã được nổi tiếng nhờ khả năng hoặc tài năng của chính mình. Một sinh viên là tín hữu, vì thái độ của mình đối với Lời Thượng Đế mà không chịu chấp nhận một vài phương pháp hay kết quả nào đó của ngành phê bình sử tính, nói chung đều bị kỳ thị. Một sinh viên như thế bị cười nhạo, chế giễu ra mặt, tuy thỉnh thoảng cũng được kính trong thầm kín, bị đối xử như một người ngoại cuộc. Nếu anh ta khôn khéo trình bày thật rành mạch một viễn tượng riêng tư, rất có thể là thỉnh thoảng anh ta sẽ bị càu nhàu nhưng kính trọng. Nhưng có giỏi lắm thì anh ta cũng chỉ có thể trông mong được chấp nhận hoàn toàn về quan điểm ở vài điểm cá biệt mà thôi, mà đó sẽ là những điểm chưa bị cắt đi lâu lắm khỏi cấu trúc truyền thống của ngành khoa học liên hệ.
Trong chừng mực mà người sinh viên cứ ngày càng bị “xỏ mũi” để dẫn vào thể thức tư tưởng phê bình sử tính, anh ta sẽ trở thành xa lạ đối với những người mà anh ta từng chia xẻ sự giao hảo thiết thân trong đức tin. Họ không còn “cùng nói chung một ngôn ngữ” với nhau nữa về người sinh viên sẽ phải trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn để lắng nghe họ nói. Anh ta không còn hiểu được họ nữa, và ngược lại. Bị cô lập hóa, anh ta sa vào nguy cơ là tự nghĩ rằng mình cao hơn họ, và như thế thì ngày sẽ càng trở thành dễ chịu ảnh hưởng của áp lực của các bạn đồng môn và các giáo sư phụ đạo của mình hơn.
Người sinh viên cũng phải nộp những bài viết chứng minh rằng mình đã dung nạp đầy đủ phương pháp tiếp cận của ngành thần học phê bình sử tính. Anh ta bị thúc đẩy phải suy nghĩ, nói năng và hành văn theo khoa phê bình sử tính. Nếu không được sự can thiệp rõ ràng của ân phúc Thượng Đế, điều nầy sẽ dẫn tới một sự thay đổi quan trọng trong tư tưởng và trong đức tin. Người ấy sẽ không còn giống như trước nữa, vì cách nắm giữ Lời Thượng Đế nầy đã bị biến đổi tận gốc rễ, thậm chí cả trong việc đọc sách để tự gây dựng nữa. Những điều đã được học hỏi nghiên cứu tự chen vào để nằm giữa người Cơ Đốc với Lời Chúa và chặn mất lối đi.
CHỮ VÀ NGHĨA
Trong cách đối phó thực tế của truyền thống Cơ Đốc giáo phổ biến với nền thần học phê bình sử tính, có một điều gì đó xảy ra, mà trong công trình nghiên cứu Trí-huệ phái, người ta đã gọi là pseudomorphosis. Tình trạng pseudomorphosis xảy ra khi các ý niệm bị trút bỏ ý nghĩa nguyên thủy của chúng đi, rồi được đổ đầy một nội dung mới chẳng còn có gì giống với ý nghĩa nguyên thủy nữa, ngoại trừ chính cái tên của nó mà thôi. Việc đánh tráo ý nghĩa nầy thường gặp ở từng mỗi khúc quanh trong thần học “khoa học”. Các ý niệm của Thánh Kinh như việc nhờ đức tin được kể là công chính, sự đứng ra để thay thế, ân phúc Thượng Đế, sự cứu chuộc, sự tự do, nguyên tội, đức tin, cầu nguyện, và vai trò Con Thượng Đế của Chúa Jesus vẫn tiếp tục được sử dụng, nhưng theo cách là chúng được gán cho những ý nghĩa mới và khác hẳn.
Thí dụ như về Chúa Jesus là Con Thượng Đế thì thường được cho là có nghĩa rằng Ngài là “Thượng Đế của Thượng Đế, Ánh sáng của Ánh sáng, tối cao Thượng Đế của tối cao Thượng Đế”. Nó được hiểu y như một mật hiệu diễn tả rằng nơi con người “Jesus của lịch sử” vốn có một điều gì đó rất đặc biệt phân biệt Ngài với các nhân vật vĩ đại khác của lịch sử và rằng dù sao thì trong Ngài chúng ta cũng bắt liên lạc, cũng tiếp xúc được với Thượng Đế. Trong cách kết hợp nầy người ta nghe nói rằng mỗi thời đại đều có số phận riêng, và phải tự tạo lấy một ngành học về Chúa Cứu Thế (Christology) cho chính mình. Tôi đã được nghe công thức nầy suốt ba mươi năm qua. Bản thân tôi cũng từng truyền bá nó và dốc nhiều nhiệt tâm để kỳ vọng vào một ngành học về Chúa Cứu Thế như vậy - và đã phí công vô ích. Sự việc xảy ra, ấy là công thức ấy vốn chỉ là một bản hiến chương cho phép những gì Lời Thượng Đế nói cho chúng ta về Chúa và Chúa Cứu Thế Jesus của chúng ta phải bị gạt qua một bên, xem như chẳng có gì bắt buộc cả, như ngành học về Chúa Cứu Thế của quá khứ vậy.
Người ta vẫn thường nghe các học giả khẳng định rằng Đấng Mết-si-a chỉ là một tước vị để tỏ lòng tôn kính mà thôi, cũng như Con Thượng Đế và Chúa Cứu Thế vậy. Những tước vị như thế từng được nhiều chi nhánh Cơ Đốc giáo nguyên thủy phong tặng cho (con người tên) Jesus. Sở dĩ họ làm như thế, là để diễn tả tính cách “hợp thời” của Ngài đối với những người muốn kết hợp các hoài bão tôn giáo của họ với những tước vị như thế. Ngày nay, nhiều người không hề ngần ngại bảo rằng qua các tước vị ấy Chúa Jesus “đã bị các môn đệ của mình nịnh hót, tâng bốc” - Ngài được rêu rao như một cái gì vốn chẳng hề có thật bao giờ. Bất cứ ai chấp nhận lối tư tưởng như thế đều đã quên mất phần đức tin chân thành đặt vào trong Lời Thượng Đế và kết quả là gây tàn hại lớn lao cho từng trải của chính mình với Thượng Đế. Luther từng nhấn mạnh rất đúng rằng: “Nếu bạn tin, bạn sẽ được tiếp nhận”. Còn nếu tôi không tin hay chỉ tin có một phần những gì Lời Thượng Đế phán dạy về Chúa Jesus, thì Ngài sẽ trở thành kém đi đối với bản thân tôi, theo cùng một mức độ tương ứng. Tôi sẽ chỉ từng trải được về Chúa Jesus theo mức độ mà đức tin của tôi cho phép, và do thái độ của mình, tôi sẽ bị mất đi nhiều phước hạnh và sự giao hảo với Ngài. Xin chúng ta đừng để cho ai thuyết phục để từ bỏ lập trường rằng Chúa Jesus là Đấng Mết-si-a, Con Thượng Đế, Chúa Cứu Thế, thậm chí nếu chúng ta có bị tố cáo là theo một triết lý cổ lổ và không thỏa đáng, vì theo quan điểm của một số người, chúng ta đã nhận những chữ những lời nói suông, mà lại cho đó là những sự kiện.
Chỉ có một ý niệm duy nhất đề cập sự cứu rỗi rút ra từ Thánh điển mà chưa bị đưa vào trò đánh tráo từ ngữ vừa được đề cập trên đây, đó là huyết của Chúa Jesus. Chữ nầy đã không bị tái định nghĩa, nhưng chỉ bị chối bỏ mà thôi. Nó bị gạt qua một bên, với lời tuyên bố rằng huyết chỉ là một câu chuyện trà dư tửu hậu mơ hồ từ một thời xa xưa trong đó, đối với cả dân Do Thái lẫn những người không phải là Do Thái, huyết của sinh tế chỉ là câu chuyện bình thường hằng ngày. Chỉ một mình Đức Thánh Linh mới có thể ban ánh sáng cần thiết cho chúng ta để thấy xuyên suốt trò đánh tráo chữ nghĩa nầy. Chúng ta có thể cầu xin Thượng Đế ban cho mình sự khôn ngoan để làm công việc nầy. Ở đây, chúng ta đang phải đối phó với cả một màn lưới lường gạt vô cùng đã được kéo chỉ và đan dệt vô cùng tinh vì, mà chúng ta chỉ có thể thoát được nhờ sự trợ giúp của Đức Thánh Linh mà thôi. Xin chúng ta chớ tự dối mình - các giáo sư thần học đều tin những gì họ nói. Bản thân họ đã bị mắc vào màn lưới ấy, cho đến khi nào Thượng Đế đem ân phúc Ngài đến để gở họ ra khỏi lãnh vực cửa bóng tối hầu đưa họ vào nước của Con yêu dấu Ngài (CoCl 1:13-14).
Người ta bảo rằng các ý niệm cổ xưa như vốn được sử dụng hồi nguyên thủy, thì không còn hiệu lực cho con người hiện đại nữa, do đó, ta phải chuyển các ý niệm ấy sang cảnh hiện đại. Người ta đòi hỏi phải phân biệt giữa những gì đã được nói ra với ý nghĩa của nó trong Lời của Thượng Đế. Nhưng để chống lại những đòi hỏi ấy, Kinh điển khẳng định: “Cả Thánh Kinh đều được cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công chính. Nhờ đó, người của Thượng Đế được thành thục, cả khả năng làm mọi việc lành” (IITi 2Tm 3:16-17).
Theo sự xưng nhận của Hội Thánh, ta cũng có thể nói y như thế rằng Thánh điển vừa là Lời Thượng Đế mà cũng là lời lẽ, chữ nghĩa của loài người, cũng như Chúa Jesus chúng ta là Thượng Đế mà cũng là người. Tuy nhiên, lời xưng nhận ấy cũng khẳng định rằng các bản tính đó của Chúa Cứu Thế là “không thể lẫn lộn, không thể phân rẽ” (4). Do đó, chúng ta không được phép, mà cũng không thể nào lọc được lời lẽ chữ nghĩa chịu ảnh hưởng thời gian của loài người ra khỏi Lời vốn có giá trị vĩnh hằng của Thượng Đế. Trong một hỗn hợp quặng sắt với bụi đất, ta có thể dùng nam châm để hút sắt ra. Tuy nhiên, Lời Thượng Đế không phải là một hỗn hợp của Lời có giá trị của Thượng Đế với lời lẽ chủ nghĩa chịu ảnh hưởng thời gian của loài người, để có thể được tách rời nhau ra.
HỆ QUẢ CỦA NGÀNH THẦN HỌC PHÊ BÌNH SỬ TÍNH
Những dòng nầy đã không được viết ra nhằm mục đích kết án ai cả, vì dù sao, Chúa Jesus chúng ta cũng đã vì họ mà lên thập tự giá. Đúng hơn, thì mục đích của chúng tôi là muốn nêu ra đặc điểm của nguy cơ mà hệ thống thần học phê bình sử tính đã đem đến. Điều tôi cố gắng để làm có thể ví sánh với việc dán một nhãn cảnh cáo lên một chai đựng chất lỏng độc hại, để khỏi có ai vì vô ý mà uống nó do lầm tưởng rằng nó bổ dưỡng và là một thức ăn thơm ngon.
Nếu một người đã nhận chân được việc học hỏi nghiên cứu thần học phê bình có thể dẫn mình đến đâu, chắc chắn người ấy sẽ không còn dám tự động khẳng định rằng lẽ tất nhiên một ai đó cần phải học hỏi nghiên cứu thần học, nếu người ấy đã được Thượng Đế kêu gọi để trở thành một sứ đồ, một giáo sĩ, một nhà truyền giảng Phúc âm, một mục sư hay một giáo sư (xem Eph Ep 4:11). Sống trên đời, nếu có thể được, thì một người cần phải học tập nghiên cứu trọn một khóa học nào đó hầu có được một số lợi tức kha khá để “làm một cái gì đó cho đời”. Thế gian nầy không phải là quê hương của chúng ta, vì chúng ta là công dân của thiên đàng (Phi Pl 3:20). Chúng ta từng được răn bảo là đừng đồng hóa với người đời (RoRm 12:2). Xin đừng quên rằng thế gian rất thù ghét chúng ta (GiGa 15:19; IGi1Ga 3:13). Chúng ta là chiến sĩ của Chúa Cứu Thế Jesus, mà chẳng hề có người chiến sĩ nào lại bắt đầu cuộc đời lính mà khỏi phải tập đi theo hàng ngũ chỉnh tề, nhất là đừng đi vào đất địch. Nếu bất tuân lệnh nầy, anh ta sẽ phải gặp rất nhiều rắc rối.
Một thanh niên trực diện với vấn đề có nên dấn thân học hỏi nghiên cứu thần học phê bình hay không, cần phải lấy lòng trong trắng và sẵn sàng từ bỏ các kế hoạch cá nhân đi, rồi cầu hỏi Thượng Đế xem đó có phải là ý chỉ của Ngài hay không. Cá nhân ấy cần phải được hướng dẫn rõ ràng liên hệ đến một tiếng gọi của Chúa, không phải chỉ vì muốn trở thành một thành tố nằm trong chiến lược của thân thể Chúa Cứu Thế mà thôi (Eph Ep 4:16), mà còn phải là một tiếng gọi rõ ràng để học hỏi nghiên cứu chính thức môn thần học nữa.
Người được Chúa kêu gọi để chịu thụ huấn chính thức môn thần học cần phải biết rằng Cha chúng ta trên trời có rất nhiều phương pháp khả dĩ chuẩn bị cho một người phục vụ Ngài:
Giô-sép vốn không được đào tạo trong một trường đại học về hành chánh của hoàng gia để trở thành người cầm quyền thứ hai trên cả xứ Ai-cập dưới quyền Pha-ra-ôn, mà trái lại, ông đã được huấn luyện trong nhà tù của hoàng gia.
Mai-sen - vì được xem là con trai của công chúa Pha-ra-ôn - được đào tạo trong mọi ngành khoa học và nghệ thuật của người Ai-cập. Nhưng điều đã chuẩn bị ông để lãnh đạo dân mình ra khỏi Ai-cập để vào Đất Hứa, lại là bốn mươi năm học tập nghề chăn chiên trong sa mạc cho ông gia mình, là Giê-trô.
Giô-suê được chuẩn bị để phục vụ Mai-sen với tư cách người phụ tá cho ông qua nhiều thập niên.
Thượng Đế phán: “Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha, và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha” (ChCn 23:26).
------------------------(1)Sachkritik là một phương pháp trong đó điều đã được cho là có tầm quan trọng chủ yếu được dùng làm định chuẩn mà các phần khác của Thánh Kinh được đem ra đối chiếu để đo đạc, đánh giá. Thí dụ, xem trang 149 phía sau. (2)Có gì sai trái khi viện ra những luận cứ mới để làm hậu thuẫn cho một lập trường mới? Có thể là chẳng có gì cả, nhưng bà Linnemann muốn đề cập vấn đề bênh vực cho các lập trường thần học có thể là độc đoán như thế nào. Một thần học gia “khách quan” và “khoa học” có thể lý luận đầy tự tín, thậm chí nhiệt tình nữa, cho một lập trường trong tuần lễ nầy, để rồi qua tuần lễ sau, lại lý luận cũng đầy tự tín và nhiệt tình y như thế cho một lập trường đối lập. Khi chủ đề là chân lý vĩnh cửu của Lời Thượng Đế, và khi lý tính của thần học gia ấy “phục vụ như một gái điếm” (câu của bà Linnemann viết ist nun einmal eine Hure) để hợp lý hóa mỗi lần ông ta có một lập trường mới, thì người ta có thể biện minh được cho một hoài nghi chủ nghĩa đối với các luận cứ và lập trường “mới. (3)Trong các thư từ trao đổi có tính cách riêng tư, bà Linnemann có đưa ra ở đây một thí dụ của W.Pannenberg, T.Rendtorff và U.Wilckeno, một “nhóm” đã dấy lên trong những thập niên 1960. Với các bằng tiến sĩ mới nắm được trên tay, họ bước lên sân khấu đang được hình thành chặt chẽ với tư cách những nhà sáng lập của một chiều hướng thần học mới (xem quyển Offenbarung als Geschichte (Gottingen, 1961) ET Revelation as History, London 1969, của Pannenberg. Bằng cách đó, họ đã có được phần ảnh hưởng mà chắc họ đã không thể nào giành được với tư cách những cá nhân. Trong một thời gian ngắn, mỗi người trong số họ đều chiếm được một ghế giáo sư đại học mà trong điều kiện bình thường, chắc phải đòi hỏi một thời gian dài hơn nhiều. Đây là một thí dụ về việc “họp thành nhóm” trong đó mỗi cá nhân đều hưởng được lợi thế nhờ trọng lượng của cả nhóm khi nó chuyển sang một hướng mới. Ngay sau khi ba nhân vật ấy đã có địa vị vững chắc rồi, thì nhóm ấy đã bị quên đi; mỗi người đã quay sang những chủ đề khác. Giá mà mỗi người trong số họ đều bước lên sân khấu với tư cách cá nhân, chắc họ đã được chào đón với sự mong đợi rằng các ý kiến của họ sẽ sớm tự tham gia cuộc chơi và sẽ chẳng bao giờ được chú trọng. Đây là gợi ý của bà Linnemann. (4)Bà Linnemann muốn ám chỉ câu Định nghĩa của Giáo hội nghị Chalcedon (451SC) trong đó các thần học gia thừa nhận Chúa Cứu Thế có hai bản tính, cả hai đều hiện hữu “không lẫn lộn vào nhau, bất biến, vô hình và bất khả phân ly”. Xem “Chalcedon, Definition of (451)” trong J.D.Douglas ed, The New International Dictionary of the Christian Church (Grand Rapids: Zondervan, 1981) 209.


ĐỨC TIN CỦA THẦN HỌC VÀ THẦN HỌC CỦA ĐỨC TIN
HỌC HỎI NGHIÊN CỨU MỘT CÁCH KHOA HỌC
. HỌC HỎI NGHIÊN CỨU THEO PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC, TRƯỚC HẾT LÀ MỘT TIẾN TRÌNH THEO ĐÓ TÂM TRÍ MỘT NGƯỜI PHẢI BIẾT TUÂN HÀNH KỶ LUẬT. Thứ nhất, hành động suy nghĩ phải được tách rời khỏi cách thức mà bản thân nó tạo ảnh hưởng trên con người suy nghĩ. Nhiều câu hỏi làm động lòng và xâm chiếm tâm trí, gây thắc mắc cho một người và đòi hỏi lời giải đáp, thường bị từ chối để nhường chỗ cho “các vấn đề khoa học”. Người sinh viên có thể tạm thời tưởng rằng các lời đáp cho những câu hỏi mà một người nêu lên khi tìm tòi nghiên cứu, sẽ từ khoa học mà ra. Với thời gian, người ta sẽ nhận chân được rằng chẳng hề có lời giải đáp khoa học nào cho các câu hỏi “tiền khoa học” cả. Trong thế giới của khoa học các thắc mắc ấy đều bất thích hợp về đủ mọi mặt. Thứ hai, các năng khiếu trí tuệ của một người được mài dũa, đánh bóng để sẵn sàng đem ra sử dụng. Người sinh viên tự rèn luyện bằng quan sát, nhận diện, đối chiếu, phân biệt, tổ chức và phân loại. Anh ta làm phát triển các kỹ năng bằng cách dùng các định đề, bằng cách rút ra những kết luận, và bằng nhiều phương pháp khác nữa. Kết quả của những việc làm như thế - thoạt đầu thường rất khó khăn gian khổ - là điều lợi riêng. Người sinh viên học tập để phát triển khả năng và được biệt riêng ra khỏi số người thiếu khả năng ấy. Thứ ba, người sinh viên học tập để thu thập các sự kiện thuộc một lãnh vực rộng lớn, rồi sắp xếp chúng lại trong một cơ cấu ý niệm đã được ngành học của mình cung cấp cho, sao cho các kết cấu rộng lớn hơn sẽ lần lần trở thành quen thuộc. Nhờ nỗ lực cần thiết bỏ ra đó, kết quả của nó tự nhiên được xem là một thứ tài sản, của cải quan trọng. Người sinh viên có cảm tưởng rằng giờ đây mình đã có thể nhìn xa hơn, trong khi hồi ở các lục cá nguyệt đầu tiên, mình chỉ lần mò, quờ quạng trong một đám sa mù dày đặc mà thôi. Một cảm thức tự cao sẽ tự động phát triển hướng về những người chưa có được cái viễn tượng đó như mình. Những gì đã thu thập được đánh giá và cho là có giá trị, vì tình hình tự cảm thấy là mình thấp hơn trước kia do nghĩ rằng mình đang bị lạ trong một khu rừng của các ý niệm mới, mà chẳng biết làm cách nào để tìm lối ra. Thứ tư, trong các lục cá nguyệt thuộc cấp học cao hơn, người sinh viên học tập diễn tả viễn tượng nầy giữa số rất nhiều các quan điểm theo nhiều chiều hướng khác nhau, và để thiết lập một lập trường được hậu thuẫn bằng nhiều luận cứ khôn khéo. Việc làm nầy thuyết phục được một người về tính cách đầy đủ và độc lập về phương diện trí thức của mình. Đây là một cảm giác thích thú cao độ, sẽ bù trừ cho một vài bối rối và nỗ lực của những tháng năm vừa qua.
Thứ năm, một số phần trăm nào đó của các sinh viên có tâm trí được rèn luyện cẩn thận đạt được trình độ sáng tạo trong ngành sẽ dẫn đến phần kiến thức khoa học mới mẻ (1). Điều nầy được cảm thấy không phải chỉ bởi một số ít người, để nó sẽ trở thành một mục đích có ý nghĩa cho đời sống và để được hoàn thành thật sâu sắc, đến nỗi họ sẵn sàng sống một cuộc đời thật sự khắc khổ sáu mươi giờ mỗi tuần và kéo dài nhiều năm, nhiều thập kỷ để đổ một phần lớn nhất của các tài sản họ có vào các công cụ để sưu tầm nghiên cứu trong tiến trình nầy của họ.
HỌC HỎI NGHIÊN CỨU THEO PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ MỘT TIẾN TRÌNH ĐÀO TẠO TINH THẦN, MÀ CÒN LÀ MỘT TIẾN TRÌNH ĐỘI NGŨ HÓA (regimentation) TINH THẦN NỮA. Mỗi ngành khoa học đều có một khối truyền thống phức tạp được hình thành qua những vấn đề đã được nhìn nhận trong một ngành cá biệt qua thời gian, nhờ các giải pháp đã được đưa ra, và nhờ việc hoặc chấp nhận hay chối bỏ các giải pháp ấy do ảnh hưởng của các quan điểm khoa học cũng như do các yếu tố bên ngoài chẳng liên quan gì với khoa học cả. Ngay khi những người thực thi một ngành mà lại không biết lịch sử chủ đề của họ, hay chỉ chẳng màng quan tâm gì đến nó mà thôi, thì khối truyền thống phức tạp ấy vẫn điều chỉnh toàn thể phạm vi của công tác khoa học bên trong ngành ấy. Kiến thức khoa học mới chỉ có thể nổi lên bề mặt nếu nó được liên kết chặt chẽ với khối các truyền thống phức tạp ấy.
Sự đội ngũ hóa tư tưởng xảy ra trong từng lãnh vực khoa học là một tiến trình học hỏi đưa một người từ chỗ chịu để người khác đặt ra các giới hạn cho mình, đến chỗ tự giới hạn bên trong các ranh giới do chính mình đặt ra. Trong chính nó, việc đội ngũ hóa tư tưởng nầy không thể bị nhìn vào một cách tiêu cực. Vì đây là một điều cần thiết, nếu muốn cho tư tưởng có thể được truyền thông. Tôi có thể có nhiều sáng kiến vĩ đại, nhưng đó sẽ chỉ là một tài năng vô dụng nếu nó không xảy ra trên một cấp bậc khiến cho nhiều người khác cùng tham gia và tham chiếu các sáng kiến của tôi.
Trên lý thuyết, thì tư tưởng khoa học vốn tự phát tự lập (autonomons) và không chấp nhận một giới hạn nào cả. “Quyền độc lập của khoa học” và “quyền tự do đại học” đều được mọi người nhìn nhận là những đòi hỏi chính đáng. Trong thực tế, quyền tự do nầy chỉ có bên trong khối truyền thống phức tạp nằm ngay trong nhiều chủ đề và chuyên ngành khác nhau. Hơn nữa, còn có nhiều điều hiển nhiên liên hệ với tình trạng nầy, ngay khi cá nhân nhà khoa học từng chịu kinh nghiệm đau thương vì nó. Trong những lần giới thiệu, những cuộc triển lãm khoa học, thỉnh thoảng tình hình nầy được nhìn thấy khi người ta nhìn lại để lưu ý rằng vẫn chưa đến lúc thích hợp cho một phát kiến nào đó. Điều mà người ta thật sự muốn nói, ấy là một phát kiến vẫn chưa có thể được chấp nhận để đưa vào khối truyền thống phức tạp. Những viễn tượng lạc lõng hay quan điểm của thiểu số đó bị chết yểu ngay tử ngoại vi, bị dòng phún thạch của truyền thống đang cuồn cuộn chảy nhận chìm. Hoặc quan điểm ấy có thể được thu nhận từ từ trong một cuộc vận động bắc cầu cố ý, khi một lập trường ngoài lề được một số cá nhân lớn đủ cùng chia xẻ.
Việc hình thành các câu hỏi khoa học thường không phát sinh từ một đối tượng bị tra vấn, ít ra là ngay từ đầu, mà trái lại, là do những vấn đề đã được đặt ra (givens) tương ứng của khối truyền thống phức tạp. Một khoa học tự lập tự quản (autonomous), nghĩa là một ngành khoa học chỉ chịu cho tư tưởng của ngành ấy điều chỉnh và chỉ bị bó buộc đối với chính đối tượng được sưu tầm nghiên cứu mà thôi, là việc chẳng hề có, ít ra cũng là không có theo nghĩa rằng cá nhân nhà sưu tầm ấy có quyền tự trị tự quản. Việc một khối phức tạp riêng rẽ nẩy sinh là điều có thể có được, và theo như điều tôi thấy, thì đã được thực hiện một phần rồi. Trong trường hợp nầy, người ta phải đồng ý với óc kỳ thị phổ biến và việc phủ nhận sự hình thành mới đó. Tuy nhiên, nếu sự hình thành mới đó được chứng minh là khả dĩ sống nổi, thì chắc chắn là phải có nhiều khuynh hướng của nhiều lập trường vững chắc hoan nghênh nó để cho vào khối truyền thống phức tạp.
Căn cứ vào những điều trên đây, thì rõ ràng việc học hỏi nghiên cứu khoa học không phải chỉ là công tác sưu tập các phát kiến hữu ích, hay tìm lời giải cho các câu hỏi quan trọng mà thôi. Nó không phải chỉ là một công tác giáo dục trong đó các tài năng được phát triển và người ta đều trở thành sáng suốt. Trái lại, việc học hỏi nghiên cứu khoa học đem đến một sự thay đổi sâu xa trong con người của người dấn thân vào đó. Việc đào luyện tâm trí để lại một vết hằn không tẩy xóa được mà người sinh viên, bất luận có thể nhận được nhiều tác dụng phụ nào khác, nhất thiết phải tiếp thu, xem như điều lợi lộc. Cũng vậy, người sinh viên không thể nào tránh được tư tưởng đội ngũ hóa, nếu muốn cho việc học hỏi nghiên cứu của mình được hoàn tất tốt đẹp. Chịu phục tùng, đầu hàng, không phải chỉ là một bài tập trí thức, trong một phạm vi rộng lớn, người sinh viên bị đòi hỏi phải tiếp nhận truyền thống để nó trở thành chính con người mình, là điều nhất định phải xảy ra. Vấn đề không phải là những lời giải đáp đều đã có sẵn và đọc lên cho người ta phải ghi chép lấy, mà là việc hình thành các câu hỏi đã được quyết định trước rồi, tác dụng của nó là hoạch định trước những lời giải đáp sẽ phải đạt đến, thậm chí nếu người sinh viên tìm được chúng bằng một cung cách tương đối độc lập.
Chúng ta phải đặt những cái nhìn xuyên suốt nầy trước mặt mình, khi giờ đây, chúng ta sẽ chuyển sang ngành thần học khoa học đang được giảng dạy trong các đại học đường của chúng ta.
ĐỨC TIN CỦA THẦN HỌC
Người bắt đầu việc học hỏi nghiên cứu bị đòi hỏi phải tiếp cận việc học hỏi nghiên cứu thần học mà “không có định kiến” (presuppositions) là để đi tìm chân lý “tận gốc rễ và không hề lùi bước”. Tất cả những gì đã được học hỏi trước từ Lời Thượng Đế và từng trải được trong đức tin (đạo) đều phải gạt qua một bên, nhường chỗ cho những gì phải học hỏi được trong việc nghiên cứu.
Dù sao thì người sinh viên sở dĩ vào trường cao đẳng là để học hỏi và thực hiện hoài bão là trong quá trình học tập nghiên cứu, mình sẽ thâm nhập được sâu hơn vào kiến thức về chân lý. Đòi hỏi chính xác phải từ bỏ mọi niềm tin trước kia như thế xem ra có thể chấp nhận được tuy có lẽ nó cũng gây đau đớn đấy. Nhưng người sinh viên chấp nhận nó, vì anh ta đang phấn đấu vì chân lý, và chân lý cũng được hứa hẹn với anh ta.
Điều đã bị che giấu đối với người sinh viên là sự kiện bản thân khoa học, gồm cả khoa học thần học, không phải là không có thiên kiến và định đề. Các định đề quyết định cho phương pháp làm việc được đưa vào trong tất cả các ngành học đều ẩn mặt ở hậu trường các sân khấu và không được công khai phơi bày ra.
Định đề căn bản của ngành thần học cấp đại học trong nội dung trọn vẹn của nó, như nó hiện được “gả” cho các trường đại học của chúng ta, là niềm tin rằng uy quyền cuối cùng liên hệ đến điều gì là đúng, là thật (chân lý) là phần trí tuệ được đào tạo, được cung cấp đầy đủ thông tin để trở thành một nhà chuyên nghiệp, được đội ngũ hóa về phương pháp phê bình. Nghĩa là Thánh điển phải đầu phục lý trí, lý trí quyết định điều gì trong Kinh điển là đúng và có thật. Lý trí quyết định điều gì là chắc chắn, điều gì là có thể có, điều gì là không thể nào có được trong Kinh Thánh, và điều gì là không có, không thể có và sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Trí tuệ phê bình quyết định có nên xem Thượng Đế như một ai đó biết hành động và cất tiếng nói, hay “Thượng Đế” thật ra chỉ là các ý niệm và quan niệm của loài người về một hữu thể thần thánh được giả thiết mà thôi.
Ở đây, lý trí sử dụng các khả năng để hiểu biết những gì nằm ngay trong đó. Trí tuệ phê bình không thể quan niệm về một biến cố độc nhất vô nhị đích thực; do đó, nó phải khẳng định phần đồng nhất tính căn bản (basic uniformity) của mọi việc xảy ra và đã xảy ra rồi, để làm định đề nền tảng (fundamental presupposition). Trí tuệ phê bình chỉ thu thập được kiến thức nhờ đối chiếu và phân biệt. Do đó, hễ nó đi tìm kiến thức ở đâu, thì trước hết, nó phải đặt ra các cấp bậc, các trình độ của việc so sánh, đối chiếu. Trí tuệ phê bình không thể quan niệm được (là có) sự mặc khải; chuẩn mực của nó là những gì được nhìn thấy như là kinh nghiệm chung cho tất cả mọi người và mọi thời đại. Nó căn cứ vào các định chuẩn của xác thịt để phê phán. Bản thân nó hoàn toàn không phù hợp để đánh giá cái thuộc linh - là điều phải được thẩm định cách thuộc linh. Với nó, cái thuộc linh chẳng gì khác hơn là một quan niệm, một ý niệm chẳng có liên hệ gì với thực tại cả.
Xin chúng ta minh họa điểm nầy bằng một thí dụ rút ra từ Thánh Kinh. Với người tín hữu thì GiGa 3:16 là một thực tại: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu”. Vì thế mà Cơ Đốc nhân dâng lên lời cảm tạ Thượng Đế.
Khi một sinh viên dấn thân vào công tác thần học, người ấy phải tự đặt mình cách xa thực tại nầy một quãng đường. Thay vì tin ngay, người ấy phải tìm xem một câu như thế đã bị gài vào chiếc giường của Procrustes của ngành đối chiếu các tôn giáo như một cạm bẫy như thế nào. Ngày nay, một cách phân tích như thế hoàn toàn bất chấp thực tại và chân lý. Các tư tưởng, ý niệm và quan niệm từ nhiều tôn giáo được đem ra để đối chiếu, so sánh lẫn nhau. Vấn đề về mối liên hệ được liên tục đặt ra là: Cái nầy có từ cái kia mà ra hay không, hay chúng vốn có ảnh hưởng hỗ tương?
Với 3:16 thì kết quả của một phương pháp làm việc được đơn giản hóa quá mức như thế có thể trở thành điều đại khái như sau: Con Thượng Đế chỉ được hiểu theo nghĩa con thừa nhận trong Do Thái giáo, chứ không theo nghĩa là một người vốn có sự hợp nhất thiết yếu (về yếu tính) với Thượng Đế là Chân Thần duy nhất. Hơn nữa “các con trai của Thượng Đế” trong các ngoại giáo không phải là những vị thần mang trong mình sự mặc khải đến từ Thượng Đế. Như thế 3:16 chỉ còn được đem ra để đối chiếu với nguồn tài liệu của Trí-huệ phái, hay nói rõ hơn là với các văn phẩm của Mandean. Để bênh vực cho luận điểm nầy, người ta có thể bảo rằng những người mang trong người sự mặc khải trong các văn phẩm ấy đã dùng các ý niệm của Chúa Jesus của sách Phúc Âm Giăng cũng có dùng (như ánh sáng-bóng tối và sự sống-sự chết). Nếu không làm như thế, thì người ta sẽ không thể tìm ra những điểm giống nhau nào với Thánh Giăng trong các văn phẩm ấy. Ngôi Lời (logos-đạo) của sách Phúc Âm Giăng là Đấng Tạo Hóa thế gian nầy, những người mang sự mặc khải trong các văn phẩm của Mandean thì không phải như thế. Họ cũng chẳng hề nói gì về sự cứu chuộc nhờ có thập tự giá. Cơ sở tạm thời cũng chưa được kiện toàn: Các văn phẩm của Mandean được định niên đại vào nhiều thế kỷ về sau khiến một số người đưa ra việc có một thuyết Mandean trước đó. Nhưng sau khi đã nhìn thấy tất cả những điểm trái nhau đó, họ vẫn chưa được xem đó là cơ sở đầy đủ để đặt vấn đề thắc mắc đối với phương pháp đối chiếu các tôn giáo. Những chỗ trái nhau đó chỉ cung cấp một đấu trường được mở rộng thêm ra để hình thành các giả thuyết, nghĩa là cho những điều mơ hồ không có thực chất, được tạo ra bằng những định đề giả tạo (assumptions) chỉ đứng vững được là nhờ sức hậu thuẫn nhận được từ những định đề giả tạo khác mà thôi.
Nếu điểm để cho bộ môn đối chiếu các tôn giáo tham khảo không thấy có trong các văn phẩm của Mandean, mà lại là trong các văn phẩm của Qumran, thì nhiều điểm khác nhau và một số điểm nhấn mạnh khác hẳn lại xuất hiện. Tuy nhiên, quan niệm cơ bản vẫn y như cũ: 3:16 sở dĩ có là nhờ các mối liên hệ với các ngoại giáo thượng cổ hoặc là bằng cách thu dụng các quan điểm của chúng, hoặc bằng cách chối bỏ chúng trọn vẹn hay một phần. Những gì vốn có trong Cơ Đốc giáo nguyên thủy bị xem chỉ như một tàn dư của những khuôn mẫu đã được thiết lập từ trước rồi. Cho dù bộ môn đối chiếu các tôn giáo có sử dụng các mối liên hệ do các định đề giả tạo nào để nhào nặm nên một điều đặc thù nào đi chăng nữa, có một góc cạnh của phương pháp ấy vẫn tồn tại bất biến. Người ta phải dựng lên một điều mơ hồ không có thực chất bằng cách sử dụng các định đề giả tạo. Toàn thể kết quả của nó sẽ chẳng có gì khác hơn là sự phỏng đoán, được biến thành hợp lý hoặc nhiều hoặc ít là nhờ lý luận.
Lẽ dĩ nhiên là lợi lộc bên lề của mọi việc ấy là một thái độ hài lòng tinh thần lớn lao do việc tự mình đánh giá trí tuệ của mình là có giá trị. Cần phải lao động gian khổ, để sàng lọc nhiều điều phỏng đoán chống đối lẫn nhau để đề nghị các giải pháp và cân nhắc bằng cách đem chúng ra để so sánh với nhau. Nhà nghiên cứu tự cảm thấy là mình cao hơn người khác, vì mình đã thành công trong việc xóa bỏ được những cách giải thích sự kiện trước đây mà theo quan điểm của ông ta là rất thiếu sót, nhờ một cách tính toán mới mẻ và bao quát hơn. Ông ta tin quyết sâu sắc rằng mình đã phục vụ được cho chân lý và đóng góp vào việc truyền bá Phúc Âm.
Điều chẳng ai có thể chối cãi gì được, là một niềm tin như thế vốn chân thành. Nhưng một công trình táo bạo như thế vốn chẳng có liên hệ gì với đường đi, chân lý, và sự sống cả. Loại vận động trí thuệ như thế đã thu hẹp một câu Kinh Thánh như GiGa 3:16 để chỉ còn là một bó các ý niệm tôn giáo và quan niệm thần học mà thôi. Nó không còn là Lời Thượng Đế dẫn đến sự cứu rỗi nữa. Định đề mà công cuộc sưu tầm nghiên cứu ấy được bắt đầu - nhằm thực hiện một công trình sưu tầm nghiên cứu dường như là chẳng hề có Thượng Đế - đã xác lập trước các kết quả ngay từ trước khi việc quan sát được bắt đầu.
Khẳng định rằng tất cả những gì từng xảy ra đều có thể xảy ra cho tất cả mọi người vào bất cứ lúc nào y như nhau, là có thành kiến. Thí dụ về vấn đề nầy là bảo rằng Mac Mc 13:2 là một “lời tiên tri” sau khi biến cố đã thật sự xảy ra rồi. Sở dĩ theo phán đoán của nhà sưu tầm phê bình, đó không thể là một lời tiên tri đích thực vì điều báo trước đã xảy ra. Dường như nền thần học phê bình sử tính thừa nhần rằng con người ta vốn có linh cảm (presentiment) và khả năng tiên kiến (foresight), cho nên họ nhượng bộ và nhận rằng rất có thể Chúa Jesus đã thấy trước việc Ngài sẽ bị hành quyết. Tuy nhiên, Thượng Đế vốn chẳng bao giờ cho ai một kiến thức về những chuyện tương lai như thế.
Người ta cũng có thể nhận thấy loại định đề mơ hồ không có thực chất mà nhà nghiên cứu theo phương pháp phê bình sử tính dựng lên bằng cách nhận xét rằng cùng một khúc sách 13:2 ấy, vốn đã bị cho là “một lời tiên tri sau khi biến cố đã thật sự xảy ra rồi” một cách độc đoán, là một chứng cớ có trọng lượng để khẳng định rằng sách Phúc âm Mác chỉ ra đời sau 70 SC. Như thế, tiền đề ấy đã được thiết đặt làm đá đầu góc nhà để định niên đại cho các sách Phúc Âm còn lại và sách Công Vụ. Quả thật phương pháp phê bình sử tính chỉ là một pho tượng khổng lồ đứng trên đôi chân mong manh bằng đất sét!
Nó chỉ là một thành kiến - chứ không phải là kết quả của một công trình sưu tầm nghiên cứu khoa học - khi theo phương pháp phê bình sử tính, người ta không thể đọc những phần ký thuật về các phép lạ trong Tân Ước như những bản tường trình về các phép lạ đã thật sự xảy ra. Cũng như người ta từng dạy tới mấy thập kỷ trước đây, bản thân tôi cũng từng truyền dạy rất thường rằng rõ ràng là người ta không thể chấp nhận đã có những phép lạ xảy ra như thế. Sau khi nhờ ân phúc Thượng Đế, Ngài đã thuyết phục tôi rằng Ngài vẫn còn làm những điều diệu kỳ như thế ngay hôm nay nữa, tôi mới bắt đầu suy gẫm xem có những luận cứ nào hậu thuẫn được cho lời tuyên bố rằng các phép lạ không thể nào xảy ra được hay không. Tôi phải xấu hổ mà thú nhận là không, vì hiện diện của những điều tương tự như thế trong bộ môn đối chiếu các tôn giáo thỉnh thoảng vẫn được dùng để bài bác các phép lạ đã được Kinh Thánh đề cập thật ra đều không hề có bằng cớ.
Đã chẳng hề có luận cứ nào rút ra từ Cựu Ước tường trình các phép lạ hóa bánh cho người ta ăn và khiến kẻ chết sống lại, lại có thể được dùng để bài bác các phần ký thuật của Tân Ước, trừ phi người ta giả định trước rằng điều mà người ta muốn tìm cách chứng minh, ấy là các phần ký thuật của Tân Ước phải được xem là hoàn toàn lệ thuộc vào Cựu Ước.
Một phần rất lớn các phép lạ chữa bệnh đời xưa do Weinreich sưu tập, kể về nhiều người đã sống sau khi các sách Phúc Âm được viết ra rất lâu (2). Điều đó vẫn còn là thật, thậm chí nếu tôi chấp nhận các niên đại rất muộn của các sách Phúc Âm do phương pháp phê bình sử tính đề nghị. Công bằng mà nói, thì dường như điều đó chứng minh rằng Tân Ước đã chịu ảnh hưởng của những gì đã xảy ra về sau, chứ không phải là ngược hẳn lại. Quả thật là các phép lạ đã được tường trình là từng xảy ra tại các thành phố cổ như Epidaurus, vốn được bảo là những trung tâm để chữa bệnh. Nhưng cũng chẳng hề có bằng chứng nào cho thấy những phần ký thuật về phép lạ trong Tân Ước chỉ là những bài văn cóp nhặt. Một mặt, nhiều phát giác (khảo cổ học) đã cho thấy không thể nào có sự sao chép cóp nhặt như thế. Thêm vào đó, ta phải nhận rằng góc cạnh rùng rợn của phần thế giới vô hình chắc đã lộng hành tại những địa điểm như thế.
Trên đây mới chỉ là một vài gợi ý. Một công trình tìm tòi tra cứu sâu rộng hơn sẽ có thể chứng minh rằng ẩn bên dưới phương pháp phê bình sử tính là một loạt những thành kiến mà bản thân chúng không phải là kết quả của công trình điều tra nghiên cứu khoa học. Đúng hơn thì chúng là những tiền đề độc đoán, những câu phát biểu của đức tin, mà nền móng là việc tuyệt đối hóa lý trí con người để biến nó trở thành một dụng cụ để kiểm soát.
Trong phạm vi Thượng Đế và Chúa Cứu Thế Jesus được đề cập trên cơ sở nầy, thì rõ ràng là chúng ta đang phải đối phó với hòa đồng chủ nghĩa (syncretism) - một câu phát biểu cần phải được một bằng chứng cụ thể hơn, do một công trình nghiên cứu càng dài hơi hơn cung cấp.
THẦN HỌC CỦA ĐỨC TIN
Việc chối bỏ một nền thần học mà nền móng của nó là đức tin đặt vào lý trí không phải là hoàn toàn chối bỏ mọi nền thần học. Nó cũng không phải là việc chối bỏ trí tuệ trong lãnh vực thần học. Đức Thánh Linh giống như gió, muốn đi đâu là tùy ý Ngài, và không bị lệ thuộc vào các định đề của một trí tuệ chịu khép mình dưới kỷ luật của một trường đại học. Ngài có thể biến các đầu bếp, thợ làm bánh mì, thợ vá giày và công nhân các nhà máy trở thành những nhà truyền giảng Phúc Âm đầy quyền năng. Giáo dục đại học không bảo đảm để người ta có được quyền năng của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, trí tuệ chịu khép mình vào kỷ luật có thể được Đức Thánh Linh đại dụng để trở thành một công cụ chính xác trong tay Đức Thánh Linh, ở nơi nào và lúc nào mà Thượng Đế thấy là phù hợp.
Trong thần học của đức tin, sự điều chỉnh cần thiết dành cho tư tưởng phải xảy ra qua trung gian Thánh điển. Nó kiểm soát tiến trình tư tưởng. Tư tưởng phải tự nguyện đầu phục Lời Thượng Đế, nếu khó khăn nẩy sinh, nó không nghi ngờ Lời Thượng Đế, mà nghi ngờ chính sự khôn ngoan của mình. Nó cầu xin Thượng Đế ban cho mình sự khôn ngoan, và trông mong mình sẽ nhận được điều mình đã cầu xin, bằng cách kiên trì chờ đợi cách phân định thì giờ của Thượng Đế. Tôi giả thiết là có chân lý và có sự hợp nhất trong Lời Thượng Đế, và vì lý do ấy mà có lập trường sẵn sàng nhìn nhận và từng trải chân lý ấy với sự hợp nhất ấy một cách thực tế. Tôi tin vào Thánh điển, là bộ sách tự bảo rằng mình chính là điều mà Thượng Đế đã ban tặng cho loài người. Cần lưu ý rằng Chúa Cứu Thế Jesus đã trở thành sự khôn ngoan của chúng ta (ICo1Cr 1:30) và do đó mà chúng ta phân biệt sự khôn ngoan của Thượng Đế với sự khôn ngoan “thế gian trần tục, khôn ngoan của ác quỉ” (GiGa 3:15).
Tư tưởng chịu để cho Thánh điển điều chỉnh tránh được những cuộc tranh luận vô bổ và những đòi hỏi cách tân của lý trí. Nó chịu đặt các tư tưởng của mình làm tù binh cho Lời Thượng Đế (xem IICo 2Cr 10:5). Nó chẳng quan tâm bày ra những trò chơi như: “Nhưng sự việc sẽ ra sao, nếu...?”. “nhưng phải chăng chúng ta cũng có thể khẳng định rằng...?” Rốt cuộc, Thánh điển là Lời của Đức Chúa Cha phán dạy chúng ta. Cách chúng ta đối xử với nó chính là cách chúng ta đối xử với Cha mình trên trời vậy.
Các câu hỏi được giải đáp nhờ hai đầu gối của chúng ta, chứ không phải là bằng cách lục lọi các bộ sách chú giải. Quả thật rằng Thượng Đế có thể lợi dụng các anh em chúng ta đã viết ra các sách chú giải để dạy dỗ chúng ta, và chúng ta rất biết ơn các lời khuyên răn của họ. Nhưng họ chỉ hữu ích dưới quyền điều khiển của Thượng Đế mà thôi, và chúng ta sẽ chỉ trông cậy vào xác thịt, nếu chúng ta chỉ trông nhờ vào họ mà thôi để củng cố cho đôi bàn tay mình.
Kết quả của việc học hỏi nghiên cứu thần học của đức tin phải bao hàm việc nắm vững văn phạm và ngữ học, là khả năng để đọc các nguyên văn và duyệt xét các bản dịch sao cho có lợi.
Muốn nghiên cứu cho có kết quả, cần phải tra xét và thu thập, lưu trữ các thông tin sẵn có trong bối cảnh có liên hệ với những dân tộc và nhà vua được đề cập trong Cựu và Tân Ước, địa lý và khí hậu, các bộ luật dân sự đã có và đã gây ảnh hưởng sâu đậm, và nhiều yếu tố khác nữa. Nó phải được rút ra từ sự hiểu biết thật rộng rãi kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế và phải có lập trường là sẵn sàng chấp nhận toàn thể mưu định của Thượng Đế - có khả năng ngay thẳng công bố chân lý (IITi 2Tm 2:15), đề cao Lời Thượng Đế phù hợp với giáo lý thuần chánh, biết dùng lời truyền dạy thuần chánh để răn bảo và thuyết phục những ai muốn nói ngược lại, hầu bảo vệ cho đức tin được thánh khiết nhất (Tit Tt 1:9).
Các mối liên hệ và kết hợp trong Lời Thượng Đế cần phải được nghiên cứu và phân biệt thí dụ như các luật lệ về sinh tế làm hình bóng về công lao cứu chuộc của Chúa Jesus như thế nào, hay lời tiên tri trong sách Khải thị đã từng được tiết lộ một phần vào thời của các nhà tiên tri Cựu Ước như thế nào. Phải biết khám phá việc Thượng Đế từng tiết lộ các khi tàng được giấu kín cho người nghiên cứu biết hạ mình, như những câu đề cập có nghĩa hình bóng chỉ về Chúa Jesus trong Đền Tạm, hay các bảng gia phả đã góp phần riêng biệt của chúng để tôn vinh Thượng Đế như thế nào.
Tuy nhiên, cũng cần phải có khả năng để phân biệt giữa các kho tàng chân chính với những điều vô nghĩa ngoài lệ. Thú vui trí thức là một...của đời sống. Thượng Đế có thể lợi dụng nó, nhưng khi nó bị xác thịt chiếm đoạt - mà xác thịt thì bao giờ cũng sẵn sàng để đầu độc nó - thì điểm nhấn mạnh sẽ không còn dành cho số kho tàng giấu kín của Lời Thượng Đế, do chính tác giả của nó là Thượng Đế nữa. Trái lại, Lời Chúa trở thành một hầm đá ở đó người ta có thể phát giác ra nhiều điều sai lầm, và tất cả các nền thần học đều được xây dựng trên một mệnh đề lệ thuộc nào đó trong Thánh Kinh mà thôi (3). Điều thật sự đáng phàn nàn, là một tác giả có thể chân thành cho rằng những cái nhìn xuyên suốt (insights) vốn được ban cho qua trung gian Đức Thánh Linh. Đó chính là tình trạng hiện tại của chúng ta, và vì lý do ấy, là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần phải biết sửa sai lẫn cho nhau. Bất cứ ai nghĩ rằng thà mình chỉ trông cậy vào chính trí khôn của mình mà thôi, sẽ không thể tránh được sai lầm do chiến lược đó “Chúng ta ai cũng lầm lỗi cả” (Gia Gc 3:2).
Kiến thức vững chắc về Lời Thượng Đế như vừa mô tả trên đây có thể được Thượng Đế lợi dụng để lột mặt nạ những nền thần học đặt cơ sở trên những khám phá ngoài lề, lệch lạc và những nền thần học sai lầm (4). Nhưng xin cẩn thận chú ý: Tôi nói “được Thượng Đế lợi dụng”, nhà thần học không thể vin vào công trình học hỏi nghiên cứu bác học của mình để tiếm đoạt chiếc ghế thẩm phán, mà chỉ một mình Thượng Đế mới có quyền ngồi vào mà thôi.
Khi chúng ta tưởng là mình đúng, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng như đã được mô tả trong Cac Tl 20:12-28. Vì cớ một tội ác đáng gớm ghiếc mà một người đã phạm tại Ghi-bê-a, có đến mười một chi phái trong dân Y-sơ-ra-ên đã ra đi để chống lại chi phái thứ mười hai, là chi phái Bên-gia-min vì chi phái ấy không chịu giao nộp kẻ đã phạm tội ác kia. Lý do để họ cầm vũ khí là hợp pháp và họ cũng đã cầu hỏi Đức Giê-hô-va, xem họ có nên ra trận hay không. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-vq đã hai lần để cho mười một chi phái bị chỉ một chi phái đánh bại - có thể vì tự thâm tâm họ xem đó là một vấn đề riêng để bày tỏ cơn “phẫn nộ” của họ, chứ không phải là họ đã ra trận vì Đức Giê-hô-va. Khi cuối cùng, đến trận đánh thứ ba, Đức Giê-hô-va đã phó người Bên-gia-min vào tay họ, họ đã tận tình chiến đấu đến độ quên rằng mình đang đánh lại một số người trong số dân sự của chính Thượng Đế. Chi phái Bên-gia-min gần như bị tận diệt, và vì dân Y-sơ-ra-ên chỉ có thể ra mắt Đức Giê-hô-va với sự hiện diện của toàn thể các chi phái mà thôi, vấn đề phải giải quyết là làm thế nào để cứu cho chi phái kia khỏi bị tuyệt diệt, vì trong họ, chỉ còn có sáu trăm thanh niên sống sót mà không còn một phụ nữ nào cả.
Chúng ta không có quyền lao vào hành động theo ý riêng, trái lại, chính Thượng Đế phải sử dụng chúng ta như công cụ của Ngài, nếu Ngài muốn. Rồi nhiệm vụ của chúng ta chỉ là vâng lời.
(1)Óc sáng tạo nầy, thật ra, có phần cao hơn trong những lục cá nguyệt đầi tiên. Ở đây, tôi đề cập óc sáng tạo sẵn sàng đạt tới những cái nhìn xuyên suốt có tính cách cách tân nhờ được tác tạo thường xuyên bên trong số ý niệm phức tạp đã được chấp nhận của một ngành khoa học nào đó. Chừng đó cái nhìn xuyên suốt ấy sẽ trở thành các thành tố bên trong cái khối phức tạp kia. (2)Otto Weinreich, Antike Heilungswunder, GieBen: Topelmann,1909. (3)Trong các thư từ trao đổi riêng tư, bà Linnemann vạch rõ rằng ở đây, bà không hề bảo rằng một vài đoạn nào đó trong Kinh điển, thí dụ các mệnh đề lệ thuộc, là kém quan trọng hơn những đoạn khác. Bà nêu thí dụ về sự sai lầm bà còn nhớ là cách một số người sử dụng IIIGi 3Ga 1:2. Ở đây, Thánh Giăng viết: “Thưa anh, tôi cầu nguyện cho anh được mọi việc tốt đẹp, cho thể xác anh được khỏe mạnh như tâm linh anh”. Khi có người căn cứ vào đó để suy diễn ra rằng một Cơ Đốc nhân chẳng bao giờ bị bệnh hoạn và Thượng Đế luôn luôn muốn cho một Cơ Đốc nhân phải có sức khỏe toàn hảo luôn, thì một nền thần học như thế đã được xây dựng sai lầm trên các nền móng không đầy đủ - theo bà Linnemann. (4)Như số người đã bị ám chỉ ở chú thích trước.


TINH THẦN CỦA NỀN THẦN HỌC PHÊ BÌNH SỬ TÍNH
Một thí dụ sẽ cho thấy đặc điểm của cách thức mà nền thần học phê bình sử tính đang suy nghĩ và hành động. Tôi chỉ có ý muốn trình bày việc đang xảy ra thật bình thường và phổ biến mà thôi. Do đó, tôi chọn một đoạn, rút ra từ một quyển sách đã được viết cho một giới độc giả rộng lớn, gồm cả những người không phải là thần học gia. Tác giả của quyển sách ấy là một thần học gia lừng danh và là một học giả đã viết rất nhiều, có khuynh hướng bảo thủ hơn là phê bình. Việc chọn người nầy đã được thực hiện cẩn thận để biện minh hữu hiệu hơn cho việc tổng quát hóa mà chúng ta sẽ dùng làm cơ sở cho các nhận định của mình.
Trong quyển The Theology of the New Testament của mình, Werner Georg Kummel vạch rõ ràng “vào hậu bán thế kỷ thứ 18, kết hợp với Phong trào soi sáng về trí thức trong ngành thần học Kháng cách, một cái nhìn xuyên suốt đã bắt đầu chiếm ưu thế, chủ trương rằng Thánh Kinh là một bộ sách do loài người viết ra, mà cũng như bất kỳ một sản phẩm nào khác của tâm trí con người, đều chỉ có thể khiến được cho người ta hiểu đúng, khi đặt mình vào các thời đại chúng xuất hiện mà thôi, do đó, là chỉ nhờ vào các phương pháp của khoa học về lịch sử mà thôi!” (1).
Câu phát biểu nầy dã hướng dẫn sai người độc giả vô tư, khi quyết đoán rằng người ấy phải thừa nhận Thánh Kinh chỉ là một sản phẩm của tâm trí loài người mà thôi. Tiền đề căn bãn của ngành thần học phê bình sử tính - rằng Thánh Kinh cần phải được xem như một công trình sáng tác của tâm trí con người và không thể được đối xử khác hơn bất cứ một sản phẩm nào khác của hoạt động tinh thần của loài người - đã được Kummel trình bày cho độc giả như một sự kiện đã được xác lập (hay “cái nhìn xuyên suốt” - insight). Nghĩa là câu phát biểu ấy đã xuất hiện như một cái nhìn xuyên suốt căn cứ trên việc người ta vốn quen biết, thân thuộc với một số các sự kiện nhất định nào đó. Điều không thể tránh được, là độc giả sẽ xem cái gọi là kiến thức đó như một kết quả của một công trình sưu tầm nghiên cứu đã được mọi người công nhận và đang có giá trị nổi bật, áp đảo. Một tín đồ thường không biết hết mọi sự kiện, sẽ chấp nhận tiền đề nầy, nhờ trọn vẹn thẩm quyền của các lập trường khoa học đứng đàng sau lưng nó. Cái nhìn xuyên suốt, cái sự kiện đã được xác lập nầy dường như đã được khoa học công nhận từ nhiều thế kỷ nay rồi.
Thế là người ta đã bị mắc vào cái màng lưới lừa đảo ấy. Cái gọi là kiến thức đó, thật ra, chỉ là một quyết định. Một thiểu số nhỏ bé trong vòng các thành viên của các nhà trí thức ưu tú phương Tây đã quyết định xem con người là cây thước để đo vạn vật (nhân bản chủ nghĩa). Hệ quả là họ chỉ thừa nhận là chân lý điều gì mà họ có thể sử dụng phương pháp qui nạp để đạt đến một kết luận như thế (Phong trào soi sáng, Francis Bacon). Đó là quyết định nhằm xóa bỏ, phủ nhận chân lý một cách bất công, bất chính. Thế là người ta đã chối bỏ Lời Thượng Đế là chân lý, và chọn lấy sự khôn ngoan của đời nầy, chủ yếu là vô thần, cả khi nó chỉ tự xưng là tận tụy với danh Thượng Đế bằng đầu môi chót lưỡi mà thôi. Quyết định xóa bỏ chân lý một cách bất công bất chính như thế, thoạt tiên chỉ do một số người ít ỏi tự cho mình là khôn ngoan dựng lên mà thôi, với thời gian, đã chiếm được ưu thế đến nỗi hiện nay, ở bên Đức, cả đến trẻ con, xuống đến tận lớp một của học sinh tiểu học, đều bị tiêm nhiễm giáo thuyết nầy.
Một cái nhìn thoáng qua khác nữa vào tác phẩm của Kummel sẽ giúp chúng ta hiểu được làm thế nào những quan điểm như thế lại lan truyền ra như đã có. Người ta cho - như đã được vạch rõ - rằng mình đã có nền móng cho một kiến thức vững chắc, bằng cách đề cao quá đáng các sự kiện và cái chân lý trên đó họ đang đứng. Căn cứ vào đó, người ta lý luận rằng các hậu quả sau đây là điều không thể tránh né vào đâu được: Vì Thánh Kinh là “sản phẩm của tâm trí loài người”, nó “chỉ có thể khiến được cho người ta hiểu đúng...bằng các phương pháp của khoa học về lịch sử mà thôi”.
Loại xảo ngôn nhằm mị dân nầy có thể là phần cấu trúc nền tảng, không những chỉ cho ngành thần học phê bình sử tính mà thôi, mà còn cho cả một loạt những ngành khác của các khoa học nhân văn nữa. Ngôn ngữ của lối mị dân nầy bắt đầu bằng:
“Như mọi người có thể thấy...” “Như mọi người đều phải công nhận...” “Kết luận không thể chối cãi được là...” “Định đề (assumption: điều khẳng định đã được giả thiết trước) đầy động lực thúc đẩy là...” “Ta không nên quên (bỏ qua sự kiện) rằng...” “Ta phải...” “Ta không nên...” “Ta không thể dừng lại ở nửa đường...”
Bất cứ khi nào bạn gặp các loại công thức trên đây thì thường thường bạn đều đang có trước mặt mình phần bệ chân bằng đất sét của pho tượng Khoa Học khổng lồ.
Bất cứ ai chủ trương rằng người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh nhờ các phương pháp phê bình sử tính, là người ấy đang sử dụng một khoa học hoàn toàn được quan niệm theo vô thần chủ nghĩa để tìm hiểu, khám phá các kho tàng của Lời Mặc khải của Thượng Đế. Lời Thượng Đế dạy chúng ta rằng Thượng Đế nắm quyền kiểm soát vận mệnh các quốc gia dân tộc, ngay từ đầu, khoa phê bình sử tính đã từ chối, thậm chí không chịu xét đến cả việc Thượng Đế có thể đã, tác động trên lịch sữ đích thực nữa. Thế mà sau đó, khoa học vô thần chống Cơ Đốc giáo nầy lại được ngành thần học phê bình sử tính công nhận lả khoa học duy nhất có thể cung cấp cho người ta một con đường thích đáng, đứng đắn, để đến với Lời Thượng Đế, do đó, tất cả những ai muốn được xem là đã được giáo dục, đào tạo về thần học, đều phải chấp nhận quan điềm, cách nhìn của nó.
Do đó, muốn được một cấp bằng đại học để trở thành một nhà chuyên môn trong các vấn đề có liên hệ đến Thượng Đế, tôi phải quyết định dành chỗ cho vô thần chủ nghĩa trong tư tưởng tôi. Tôi sẽ được cho phép rất tử tế là cứ giữ lại các cảm thức tin kính, mộ đạo của mình, nhưng tư tưởng của tôi phải noi theo khuôn mẫu của phần nguyên tắc chỉ đạo vô thần: dường như là chẳng hề có Thượng Đế vậy (ut si Dues non daretur). Đó là điểm sai lệch!
Cả ngành thần học phê bình sử tính, lẫn ngành sử học nghiên cứu lịch sử bằng phương pháp phê bình (britical historiography), đều có nền móng là sự lừa dối. Theo đúng nghĩa của nó, thì khoa học không phải là chữ đồng nghĩa với chân lý, mà trái lại, là kẻ chống trả Thượng Đế, muốn xóa bỏ chân lý một cách bất công, bất chính. Các dữ kiện riêng lẻ với những gì nó đào bới khai quật lên được đều bị bóp méo, làm cho biến dạng đi, như hình dạng cái muỗng (thìa) bị biến dạng theo luật quang học trong một ly nước vậy.
Kummel viết tiếp: “Nghĩa là theo cái nhìn xuyên suốt này, kết luận không tránh né vào đâu được là cả cách giới thiệu phần nội dung tư tưởng của Thánh Kinh, tức là một 'nền thần học của Thánh Kinh', cũng chỉ có thể thực hiện thậ đứng đắn nhờ công trình nghiên cứu của khoa sử học theo phương pháp phê bình, nếu muốn cho nội dung của nó không còn bị ảnh hưởng của các giáo điều độc đán và thật sự được công nhận một cách độc lập” (Sđd, 14 và tt).
Do câu trên đây, Kummel cho rằng tôi chỉ có thể đọc Kinh Thánh “mà không bị ảnh hưởng của các gáo điều độc đoán” là khi nào tôi biết nhờ vào khoa sử học theo phương phá phê bình. Nói khác đi, tôi sẽ bị ảnh hưởng của các giáo điều độc đoán nếu tôi từ chối không chịu để cho cây kim của chiếc cân khoa học phê bình lịch sử điều khiển tư tưởng mình, mà chỉ đọc Thánh Kinh như chính nó vốn có mà thôi. Hoặc là tôi đọc Thánh Kinh để bị ảnh hưởng của các giáo điều độc đoán - mà làm như thế là không phải lẽ, không thích hợp, vì như thế thì Thánh Kinh không được tiếp th một cách thật sự độc lập - hoặc là tôi phai đọc Thánh Kinh bằng cách nêu ra nhiều câu hỏi của ngành sử học theo phương pháp phê bình. Làm như thế là thích đáng, phải lẽ và các kết quả là nội dung tư tưởng của Thánh Kinh được “tiếp thu một cách thật sự độc lập” (Do bà Linnemann nhấn mạnh).
Thế thì mục tiêu là “sự tiếp thu thật sự độc lập”, trong đó cây thước để đo gọi sự vạn vật là con người. Nhà sử học theo phương pháp phê bình vô thần cung cấp “điểm tựa của Archimedes” (Trong nguyên tác, bà Linnemann viết ra chính câu của Archimedes, pon stoo hay “đứng ở đâu”, một câu ám chỉ nhận định của ông rằng nếu ông được cung cấp một điểm vững chắc để đứng bên ngoài địa cầu, ông sẽ có thể “bẫy” nó lên) cần thiết để sử dụng Lời Thượng Đế mà chẳng cần gì phải đi sâu vào để thấu triệt Lời Thượng Đế. Cách bắt lấy Thánh Kinh từ bên ngoài như thế thu hẹp nó thành một nội dung tư tưởng, và kết quả ấy được gọi là “thần học” mà theo truyền khẩu đã được định nghĩa là “nói chuyện về Thượng Đế”! Sự xuyên tạc này quả thật là quái quỉ! Mặc khải của Thượng Đế chỉ được tiếp thu “phải lẽ, thích hợp” và “thật sự độc lập” bằng phương pháp chẳng nói gì đến Thượng Đế cả, để cho Thượng Đế không còn được cảm tạ và tôn vinh nữa. Chúng ta đã đưa thế hệ này sang thế hệ khác những thanh niên là Cơ Đốc nhân đầy lòng tin, đầy nhiệt tâm muốn phục vụ Thượng Đế, đi qua lửa, hiến dâng họ làm sinh tế cho thần Mo-lóc của thần học vô thần. Hậu quả là thế hệ này tiếp sau thế hệ khác đã bi dẫn đi sai đường. Đến chừng nào, chúng ta mới chịu đổi ngược hướng đi và từ bỏ sự thờ lạy thần tượng này?
Kummel tiếp tục phần trình bày của ông, nhận xét rằng ngành thần học phê bình sử tính cảm thấy bị thúc ép chấp nhận sau khi đã “tra cứu Thánh Kinh về phương diện lịch sử như là sản phẩm của các tác giả và loài người": “Nhưng ngay sau khi mọi người đã thật sự trở thành nghiêm túc với một công trình nghiên cứu lịch sử liên hệ đến các ý niệm trong Kinh Thánh như thế rồi, và điều đã xảy ra lần đầu tiên trước sau năm 1800, họ tự cảm thấy bị thúc ép, chẳng những chỉ phân rẽ cách giới thiệu Cựu và Tân ước hoàn toàn riêng biệt đối với nhau, mà trong việc phác hoạ chân dung của các ý niệm trong Tân ước lại còn để cho Chúa Giê-xu và các trước giả là các sứ đồ khác nhau, mỗi người đều tự nói cho rêng mình nữa (Theology of New Testament của Kumel 15).
Câu nói của ông đã phản lại chính ông hay đúng hơn là phản lại ngành thần học phê bình sử tính, mà Kummel là đại diện: “họ tự cảm thấy bị thúc ép, chẳng những.. mà lại còn...”. Bất cứ ai dá mạo hiểm đi vào kiểu lý luận) vô đạo bất kỉnh này, từ đây trở đi, sẽ không còn đưa ra được những quyết định độc lập nữa; có một điều gì đó hoặc một ai đó đang có mặt ở đấy để thúc ép. Câu này đã được nhấn mạnh rất chân thành. Sự thúc ép này không do các định luật luận lý học hay các phương pháp thử xem điều gì là thật là đúng tạo ra; các định luật và phương pháp ấy sẽ không khớp đúng một cách mạch lạc với nhau. Chúng ta đang phải đối phó với các lực lượng của ma quỉ, mà một khi có ai đó lỡ bắt đầu đi xuống theo đường lối của chúng, thì kẻ ấy sẽ bị chúng dẫn đi lạc đường người ấy sẽ không còn được tự do nữa mà phải chịu ảnh hưởng của một lời mê hoặc. Trên cơ sở những gì chúng tôi đã trích dẫn, Kummel rút ra câu kết luận này.
Người ta không thể đơn giản dừng lại nửa đường; nếu Thánh Kinh phải bị thẩm vấn tra gạn về mặt lịch sử như một tác phẩm của các tác giả là những con người để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của nó, thì người ta không nên và không thể thiên về cái giả thiết cho rằng Cựu ước và Tân ước mỗi phần đều tụ họp thành một đơn vị ý niệm thống nhất, mà sau đó, người ta còn phải lưu ý đến những điểm di dị biệt bên trong hai bộ sách ấy, lại cũng phải xét đến một sự phát triển và pha trộn, giả mạo các ý niệm có thể có nữa. Hệ quả là mối bận tâm về nền thần học của Tân ước còn tự cảm thấy ngay từ đầu là mình phải trực diện với vấn đề về đa dạng tính và nhất quán tính trong Tân ước nữa (Sđd. Những điểm nhấn mạnh trong đoạn trích dẫn này và những đoạn trích dẫn tiếp theo, là của Kummel), một tác phẩm của các tác giả loài người để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của nó”. Điều này đã không được chứng minh ngay từ đầu; và trái lại, nó vốn bị giả định trước khi bắt đầu. Và đó không phải ý kiến riêng của Kummel, trái lại nó là giả thiết phổ biến được nêu ra trước của ngành thần học phê bình sử tính, mà tôi xin ghi lại một lần nữa ra đây để vạch ra các hệ quả của việc chấp nhận nó. Kết quả là Thánh Kinh đã bị phân tích ra thành từng nguyên tử một: Cuối cùng, người ta chỉ tách rời ra từng mảnh nhỏ một, mà không nhận thấy phần văn mạch sống động trong đó. Với niềm tuyệt vọng do chính lầm lỗi của mình gây ra, cuối cùng người ta đã đi xa đến độ chỉ còn xem các câu Thánh Kinh đều có thể là những ý niệm hoàn toàn bị pha trộn, giả mạo”.
Đó là cách người ta đã đối xử với bộ Kinh điển của Thượng Đế của Thượng Đế thánh khiết! Lời của Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã bị giày đạp dưới chân như thế đấy! Rồi tại các khu vực tryền iáo, người Hồi giáo chìa cho các giáo sĩ xem các trích đoạn được tuyển chọn từ tác phẩm của các thần học gia phê bình sử tính và tuyên bố: “Chính người của các ông bảo rằng bộ Thánh Kinh của các ông không chân xác!” Thợng Đế quả thật là Đấng nhẫn nhục và kiên trì chịu đựng. Nhưng xin đừng có nhầm lẫn: Ngài sẽ chẳng chịu để cho ai khinh dễ Ngài đâu. Cơn phán xét đang đến. Phước cho người nào biết ẩn mình trong máu Chúa Giê-xu!
Kummel tiếp tục:
Do đó, ngay từ đầu, mối bận tâm về nội dung thần học của Tân ước như một thực thể lịch sử độc lập đã tạo căng thẳng với mọi hình thức thần học giáo điều. Vì việc trình bày giáo lý Cơ Đốc nhằm trả lời cho câu hỏi về yếu tính của sự mặc khải của Thượng Đế trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, cho dù theo các định đề nào từ đó nó nảy sinh và theo bất kỳ các mối liên kết nào được gán trên nó, đều rõ ràng là phải nhằm mục tiêu là đưa ra một lời truyền dạy nhất quán. Do đó các giáo điều độc đoán sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm hậu thuẫn trong Tân ước để làm nền móng cho những gì mình nói, và nhận thấy rằng nền thần học của Kinh Thánh không thể trưng ra một lời truyền dạy nhất quán nào trong Tân ước cho cứu cánh ấy cả. Đây mới thật sự là vấn đề của một nền “thần học của Tân ước” đang trực diện với chúng ta (Sđd).
Khúc sách này đặc biệt cung cấp cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt rõ ràng vào cách tiếp cận vấn đề của Kummel:
Qua việc đưa vào ý niệm “căng thẳng” (tạo căng thẳng), ngay từ đầu công việc thẩm vấn tra gạn đã bị đẩy ra khỏi lãnh vực của hai điều có liên quan, là sự thật (chân lý) và lời dối trá.
Thần học giáo điều đã được đưa vào để làm định chuẩn đi chiếu. Nghĩa là những lời phản bác đặt cơ sở trên việc đọc Kinh điển một cách trung thực được đưa ra Kummel đề nghị, đã bị miệt thị. Chúng đã không được cho phép đem ra khảo sát tỉ mỉ một cách có ý nghĩa các định đề của ngành thần học phê bình sử tính. Trái lại, chúng đã bị đẩy sang một bên, xem như vốn bắt nguồn từ quan điểm của một chủ đề khác, mà cũng như chính nó, đều hoàn toàn chỉ do ý niệm của loài người mà thôi. Hình thức lý luận này vốn không phải là mới nhưng cũng chẳng làm được gì để khiến nó trở thành tốt hơn được.
Các giáo điều được nhìn thấy như một đối thủ, ngay từ đầu đã bị cho là thiếu phẩm cách để làm một quan điểm hợp pháp cho khoa học. Các giáo điều vốn nảy sinh từ một số các định đề nào đó, nó đã tự giới hạn mình; và bất chấp mọi thừa nhận rằng chúng vốn có thể có nhiều điểm dị biệt nội tại - cuối cùng đã bị nhìn lệch theo chiều hướng là nhằm chứng minh cho nhất quán tính của các định đề và giới hạn của mình. Trong phạm vi nó nổi bật lên tương phản với nền thần học lệch hướng. Như thế, ngành thần học phê bình sử tính đã tự rút lui khỏi các câu hỏi rắc rối ngay từ đầu.
Khó khăn trên đây của Kummel chỉ mới là một trong số nhiều khó khăn khác. Ông đã không ngần ngại tuyên bố: “Vì cho dù bản thân nhà giải kinh trước hết có quan tâm đến ý nghĩa của từng văn phẩm cá biệt của Tân ước,...thì theo nguyên tắc, ông ta đã trực diện với một nhiệm vụ không tài nào giải quyết nổi (Sđd). Rồi Kummel chủ trương rõ ràng chẳng chút hàm hồ rằng ý nghĩa của Lời Thượng Đế, đã được ban cho vì sự cứu rỗi chúng ta, là theo một quan điểm vượt ra ngoài sức lãnh hội của chúng ta. Thật ra thì một sự phán sản như thế trong việc lý giải Thánh Kinh đã phải thắc mắc đặt vấn đề về căn nguyên tắc ẩn bên dưới một cách lý giải như thế. Trái lại Kummel lại tiến hành như sau: “Theo đặc tính lịch sử của chúng, các văn phẩm được sưu tập trong Tân ước là các tài liệu của một lịch sử tôn giáo cổ xưa, được viết bằng một từ ngữ và một loạt ý niệm về một thế giới do người ta quan niệm ra, không còn được chúng ta thông hiểu trực tiếp nữa. Do đó, chúng chỉ có thể được “làm cho mới” nhờ việc sưu tầm nghiên cứu lịch sử và chỉ bằng cách đó mà thôi người ta mới có thể hiểu được gần gần với những gì mà tác giả ngụ ý muốn nói (Sđd).
Thật là quá quắt! Quyển sách của giao ước mới đề cập sự cứu chuộc chúng ta lại chỉ là một bộ sưu tập “các tài liệu củ amột lịch sử tôn giáo cổ xưa”! “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu...” - mà lại là một câu rút ra từ lịch sử củ aột tôn giáo cổ xưa! Lời phán của chính Chúa và Cứu Chúa chúng ta rằng: “Ta là Con đường, Chân lý và Nguồn sống” - mà lại chỉ là một câu cách ngôn từ lịch sử tôn giáo cổ xưa! “Ngoài Chúa Giê-xu, không ai có quyền cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời này, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi - mà cũng như trên, lại chỉ là một trích đoạn của một tài liệu của lịch sử tôn giáo cổ xưa!
Theo Kummel các tài liệu cổ lỗ như thế đều được “viết bằng một từ ngữ và một loạt ý niệm về một thế giới do người ta quan niệm không còn được chúng ta trực tiếp thông hiểu nữa”. Đây thật chẳng phải gì kém hơn là một cố gắng ép uổng nhằm liệt Lời Thượng Đế vào một loại “đời xưa đời đưa” trong lịch sử, để loại nó ra mà không dùng đến nữa, và để đưa nó vào một bảo tàng viện, để thỉnh thoảng, dẫn các đoàn du khách đến xem.
Ngày nay, triệu triệu con cái Thượng Đế đang từng trải hằng ngày những điều đã được chép trong Tân ước, thật ra là trong toàn bộ Thánh Kinh nữa, như là Lời của Thợng Đế hằng sống, qua đó, Thượng Đế đang phán dạy họ. Để quên đi các từng trải đang xảy ra trên toàn thể thế giới đó Kummel chủ trương: “Các văn phẩm đã được sưu tập trong Cựu ước... chỉ có thể được làm cho nơi nhờ việc sưu tầm nghiên cứu lịch sử mà thôi”. Do đó Đức Thánh Linh đã bị phủ nhận và Chúa Giê-xu đã bị cho là nói ngược lại với cùng một Chúa Giê-xu từng nhấn mạnh rằng: “Thưa Cha, là Chúa tể vũ trụ, Con tạ ân Cha, vì đối với người tự cho là khôn ngoan, Cha đã giấu kín chân lý để tiết lộ cho con trẻ biết. Thưa Cha, việc ấy đã làm Cha hài lòng” (Mat Mt 11:25-26). Chúa Giê-xu há chẳng từng công bố một lời nguyền rủa (23:13) áp dụng cho một nền thần học như thế hay sao? “Khốn cho giới dạy luật và Biệt lập, hạng đạo đức giả! Các ông đóng sập cửa Nước Trời trước mặt người ta. Các ông đã không chịu bước vào mà ai muốn vào lại ngăn cản”.
Chúng ta cần nhớ luôn rằng chúng ta không phải là những thám tử có nhiệm vụ truy lùng các tội phạm làm việc trong “vụ Kummel”. Những nhận xét về Werna Georg Kummel chỉ được dùng làm một thí dụ, và tôi xin nhắc lại với bạn rằng ông vốn là người bênh vực ôn hoà cho nền thần học đã lan tràn khắp thế giới này. Kummel từ giã chúng ta mà tuyệt đối không chút nghi ngờ đối với bản tính đáng thắc mắc đặt vấn đề, về các kết quả của những nỗ lực phê bình, cho phép các văn phẩm Tân ước được lên tiếng nhờ phương pháp nghiên cứu lịch sử “Một mối bận tâm nhằm lý giải một cách khoa học như thế, theo bản tính của chính nó, bao giờ cũng chỉ có thể dẫn đến các kết quả khả dĩ có thể có được (probable) và thường thì chỉ có giá trị giả thiết mà thôi, và nó đòi hỏi một sự phê phán có phần phiêu lưu mạo hiểm, là chẳng hay người ta sẽ noi theo như một kết quả đã hoàn thiện hay sẽ thay thế nó bằng một nỗ lực giải thích khác” (Sđd, 15 và tt).
Vì người ta đã quyết định rằng nội dung tư tưởng của Thánh Kinh đúng ra phải đựơc tiếp thu một cách độc lập, nhất quá tính của Thánh Kinh bị đánh tan, và Lời Thượng Đế không còn có thể được dùng để tự lý giải nữa. Hệ quả là cần phải có sự khoan dung đối với các định đề thay vì chấp nhận các sự kiện để liên kết các giải thuyết này với các giả thuyết khác cho đến khi toàn thể ngôi nhà do nhiều mảnh rời ghép lại, được xây dựng xong xuôi bằng cách sử dụng các giả thuyết.
Yếu tố quyết định để đánh giá và sắp xếp theo thứ tự các giả thuyết ấy là cái “Tôi” tự trị tự quản, sẽ phê phán Lời Thượng Đế tuỳ theo sở thích cá nhân. Nhà giải kinh được quyền chọn lựa tuỳ ý; cái “Tôi” ngự chễm chệ trên ngai. Trong một câu chuyện ngụ ngôn xưa, vua Midas chỉ có thể suy nghĩ về vàng mà thôi, và kết quả là vua ấy phải chết đói, vì theo đúng ước nguyện tham lam của nhà vua, mọi vật vua ấy chạm đến đều biến thành vàng. Cũng vậy, người chống lại Lời Thượng Đế, dùng quyền tự trị tự quản triệt để của mình để quyết định, đã bị phản nộp cho chính mình và một kết quả thật sự có thể nhìn thấy được chỉ là các dự phóng (projections: phóng ảnh) của chính mình. Với người ấy, Lời Thượng Đế thật sự trở thành một bức thư chết. Đó là sự phán xét của Thượng Đế!
Nhưng giờ đây, những văn phẩm ấy của Tân ước đã được Hội thánh nguyên thuỷ sưu tập lại thành một bộ Thánh điển, mà phạm vi (extent: độ lớn, phần nội dung dày mỏng, nhiều ít) của nó không còn được tranh luận nghiêm túc nữa sau cuối thế kỷ thứ tư. Do đó, chúng đã có được đặc tính của những văn phẩm quy phạm, làm nền tảng cho đức tin của các Cơ Đốc nhân, mà Cơ Đốc nhân phải đáp lại bằng sự vâng lời vì tin tưởng vào đó. Nhưng thật là dễ thấy rằng về phương diện cơ bản mà nói, thì người ta không thể nào trực diện với các văn phẩm Tân ước với tư cách một người vừa đưa ra những phê phán trong khi sưu tầm tra cứu, mà đồng thời cũng là người đang lắng nghe bằng đức tin (Sđd 16).
Đó là chân lý! Tôi không được biết một thần học gia phê bình sử tính nào khác đã thấy các sự kiện rõ ràng bằng như vậy. Người ta sẽ nghĩ rằng chắc chắn là ở đấy, Kummel cũng thắc mắc đặt vấn đề đối với cả lập trường phê bình sử tính của chính ông nữa. Nếu sự việc dẫn đến những hậu quả như thế, thì thật là một thái độ ngoan cố khư khư bám lấy lập trường sai lầm của mình. Nhưng đó không phải là trường hợp của ông. Trái lại, ông đã có một cú nhảy lộn nhào cuối cùng vô cùng nguy hiểm:
Kể từ sau khi các nỗ lực khả dĩ hiểu được cứ được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần như thế theo nhiều cách khác nhau nhằm tránh khỏi nan đề này, mọi nỗ lực như thế đều đã và đang nhận lấy số phận thất bại, vì chúng không phù hợp với thực trạng của sự việc. Mối quan tâm khoa học nhằm thấu triệt Tân ước, ngay khi nó được theo đuổi trong bối cảnh là Hội thánh và căn cứ vào các định đề của đức tin cũng phải tôn trọng sự kiện là chúng ta cũng chỉ có thể đạt được việc lắng nghe đầy tin tưởng bức thông điệp của Tân ước bằng một phương pháp duy nhất mà thôi, tức là bằng phương pháp tìm cách nào để khiến cho các câu nói của các tác giả đời xưa của Tân ước trở thành khả dĩ hiểu được, y như cách các độc giả và thính giả đương đại có thể và cần phải hiểu chúng vậy (Sđd).
Chúng tôi có thể đồng ý với Kummel rằng các giải pháp thoả hiệp sẽ chẳng có mấy trọng lượng. Nhưng nói như thế không có nghĩa là biện minh cho lý luận vô căn cứ của ông ta rằng tin nhận bức thông điệp của Tân ứơc chỉ có thể xảy ra là nhờ các công cụ hỗ trợ cho thính giác của thần học phê bình sử tính, là một sự kiện. Một con cái nhỏ bé nhất, non trẻ nhất của Thượng Đế cũng có thể buộc ông ta phải thừa nhận sự sai lầm của ông ta trong lời tuyên bố không biết xấu hổ ấy.
Nhưng tiếp sau đó, Kummel lại trình bày đề án ấy một lần nữa: “Từ nay trở đi, sẽ không còn một con đường nào để đạt được sự thông hiểu các văn phẩm Tân ước khác hơn là phương pháp trung tâm tra vấn lịch sử, vốn có giá trị cho tất cả các văn phẩm của thời thượng cổ (Sđd).
Cái “Tôi” tự trị tự quản triệt để nói lên các kết quả giả thiết của công trình nghiên cứu lịch sử nào sẽ được dùng để giải nghĩa một khúc sách nhất định nào đó. Tiến trình này là con đường duy nhất để đạt được việc “lắng nghe đầy tin tưởng (Zum Glaubigen Horen) bức thông điệp của Tân ước”. Xin cẩn thận chú ý là Kummel viết là “lắng nghe đầy tin tưởng” (glaubigen Horen) chứ không phải là “trung tín lắng nghe” (galbendes Horen) Glaubig (tin tưởng nói lên một đặc tính chủ quan (a subjective attibute), trong khi Glaube “đức tin” sẽ tạo ra việc trung tín lắng nghe) lấy lòng tin cậy bám chặt lấy lời hứa khách quan đã được đưa ra.
Rồi Kummel cố gắng tuy thật là khó thấy được tại sao sau khi đã đưa ra những lời phát biểu trước đó) chống đỡ cho tầm quan trọng của đức tin trong cách đối xử với Thánh Kinh: “Lẽ dĩ nhiên người ta sẽ tùy thuộc một phần lớn vào việc chẳng hay mình theo đuổi một công trình sưu tầm nghiên cứu như thế bằng thái độ xa rời, không gắn bó và cố ý, hay như một người dấn thân tự thâm tâm, và do đó, như một người biết lắng nghe bằng thái độ cởi mở triệt để” (Sđd).
Tuy nhiên, bằng cách tranh luận của mình lập trường của ông là “không còn một con đường nào khác để đạt được sự thông hiểu các văn phẩm Tân ước”. Ông tiếp tục: “Như thế, trong khi người thẩm vấn tra gạn nội dung tư tưởng và địa chỉ mà một văn phẩm Tân ước được gởi đến thấy mình phải trực diện với nhu cầu thực hiện một sự lắng nghe cá nhân về nó bằng con đường giải thích một cách khoa học một văn bản cổ xưa mà mình đã dấn thân vào điểm khó khăn này được chứng minh là cứ ngày càng gia tăng theo mức độ của mối quan tâm đến ngành thần học về Tân ước (Sđd).
“Không còn một con đường nào khác” ư? - đáng nguyền rủa thay cho bất cứ kẻ nào đứng trước toà án phát xét do Thượng Đế ngồi ghế thẩm phán, với một câu tuyên bố như thế! Tôi vô cùng tri ân vì máu của Chúa Giê-xu đã tẩy sạch mọi sai lầm của tôi! Thật ra thì tôi vốn chẳng tốt lành gì hơn mà còn tồi tệ hơn thế nữa kia; tôi cũng từng đưa ra những câu phát biểu vô trách nhiệm giống như thế. Và bất cứ ai dấn thân vào ngành thần học phê bình sử tính cũng sẽ kết thúc trong một hoàn cảnh tương tự. Người ta không thể là một người có chút ít tinh thần phê bình sử tính, cũng như không thể chỉ mang thai chút ít mà thôi.

THẦN HỌC PHÊ BÌNH SỬ TÍNH VÀ THẦN HỌC PHÚC ÂM
Khoa học mà như thế, là một hệ thống bảo lưu về tự hoàn thiện và xác nhận lẫn nhau. Tình trạng này đã được Samuel R.Kulling chứng minh rõ ràng trong tác phẩm bằng Đức văn của ông, có thể được dịch là “Về vấn đề địh niên đại cho Nguồn “P” trong Sáng thế ký” (Samuel R.Kulling Zar Datierung der “Genesis. P.Stucke” rd ed., Riehen, 1985).
Niên đại cuối cùng được định cho văn phẩm gọi là của giới thầy tế lễ này, theo lời của ông tổ tinh thần của lý thuyết ấy là E.Reuss (1804-91), là sản phẩm của “trực giác” (Sđd.,5).
Ngay trước khi cố gắng cung cấp một chứng cứ, một sinh viên của Reuss tên K.H.Giang (1815-69) đã thu nạp công thức này, để từ đó trở đi minh định cho quan điểm của ông ta về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Việc này xảy ra không phải do kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học chi tiết bí mật nào cả, mà nhờ việc làm một cuộc cách mạng để lật đổ một quan điểm đã được chủ trương về trước. Vấn đề ở đây, theo lời lẽ của chính Reuss, là “chẳng hay chúng ta phải nhìn vào lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên bằng cách đứng dưới chân hay trên đầu của nó” (Sđd.5). Vốn được thay mình báo trước về tính cách vĩ đại của “phát kiến” này chàng sinh viên Giăng ngay từ đầu đã đặt nó lên trên chiếc lò nung(?) của mình). Tuy nhiên, tuy chẳng cần phải cố ý tuyên truyền các tác dụng của nó vẫn có thể nhận thấy như một định đề làm nền cho những quyển sách mà ông ta là tác giả (Sđd.7).
Tuy vẫn chưa có cả một nỗ lực nào nhằm cung cấp một chứng cứ khoa học - và ngay cả Reuss là người thầy, chỉ hài lòng với việc đưa ra những gợi ý mơ hồ nhằm tránh gặp khó khăn - chàng sinh viên Giang đã viết cho Reuss: “Tôi hoàn toàn tin chắc toàn thể phần giữa của Ngũ kinh thuộc giai đoạn hậu lưu đày...” (Sđd).
“Hoàn toàn tin chắc” vốn rất thông thường trong lãnh vực công tác “khoa học và chẳng đòi hỏi một chứng cứ nào cả. Nó được rút ra từ nhiều nguồn (tài liệu) khác hẳn nhau.
Điều này đựơc thấy rõ ràng trong trường hợp của Giang: một lần hiệu đính và một bài baó thử thắc mắc đặt vấn đề đối với lập trường của ông ta chỉ có công dụng càng xác nhận thêm quan điểm của ông ta mà thôi. Sự xác nhận này đã không đến qua việc thảo luận khách quan trong đó ông cân nhắc các luận cứ đối lập, mà là do một quyết định (Sđd.11).
Rồi phát kiến đã được truyền từ vị giáo sư sang cho sinh viên đó được đan dệt với các quan điểm của các bạn đồng sự, và nhờ đó mà có được một nền móng rộng lớn hơn (Th.ch. Sđd, 10 và tt liên hệ đến Giang và Kuenen; 11 và tt và 21-42 liên hệ đến Giang và Hupfeld). Nhiều khởi điểm có tính cách phương pháp đã được sử dụng và ý niệm cơ bản thành hình trong nhiều nhóm các câu hỏi khác nhau.Một tiến trình chứng minh lẫn cho nhau đựơc thiết lập, và các hình thức liên minh gồm nhiều người hậu thuẫn cho ý niệm căn bản mà chính họ đã nghĩ ra. Thậm chí phái phê bình cũng không còn thành công trong việc ngăn chận cái tiến trình nay đang chuyển động này nữa (Sđd, 36 và tt).
Điều đáng kinh ngạc trong tiến trình này là sự vắng mặt của chứng cứ. Kulling vạch rõ: “Trong lịch sử, chúng tôi đã phác họa ra niên đại lưu đày / hậu lưu đày của nguồn (tài liệu) 'P' của Sáng thế ký, chúng tôi đã phí công vô ích để tìm các luận cứ hậu thuẫn cho cách định niên đại này. Vào năm 1869, các phần 'P' đã được gán cho giai đoạn lưu đày/ hậu lưu đày mà người ta cảm thấy là bỗng dưng được đặt trên các cơ sở là việc phân tích văn chương” (Sđd, 43).
Phải mãi đến sau này, các luận cứ mới được đưa ra để củng cố cho đề án ấy, rồi chúng không còn xứng đáng để được gọi là “luận cứ” nữa, vì chúng gồm toàn những câu khẳng định không được chứng minh và những phán đoán đặt cơ sở trên thị hiếu cá nhân mà thôi. (Sđd, 44-57).
Chuyển động đã được “trực giác” của Reuss làm cho lay động liên hệ đến việc định niên đại cho các quyển sách trong Cựu ước, cuối cùng đã tìm đựơc chỗ yên nghĩ khi cái “trực giác” ấy trở thành một phần của quan niệm của Wellhausen về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên trong tác phẩm bây giờ đã trở nên nổi tiếng của ông, là quyển Prolegomena to the History of Ancient Israel (1878). Về tác phẩm này, Kulling viết:
“Sức hấp dẫn của một bức tranh toàn diện hoàn toàn mới mẻ vẻ lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên mà tác phẩm này hàm chứa đã cho cái giả thuyết này vay mược một tầm quan trọng hầu như chiếm được thế áp đảo ngay tức khắc”. Cách tái xây dựng lịch sử của Wellhausen tạo ra chiếc vương miện của việc gán một nguồn góc hậu lưu đày cho 'P'. Ở đây Wellhausen trình bày các hệ quả của việc định niên đại là hậu lưu đày này của 'P' để lý giải toàn bộ Cựu ước Kinh.
Cho dù ở đây, chúng ta chẳng tìm thấy có những luận cứ nào thiết yếu là mới mẻ cho việc định niên đại hậu lưu đày của 'P', điều vẫn còn đúng, ấy là Wellhausen đã có thêm được một số đông người theo, mà từ nay trở đi, sẽ xem 'P' như nguồn (tài liệu) muộn màng nhất trong số các nguồn (tài liệu). Ông làm việc này nhờ kết hợp được thật vững chắc nhiều công trình nghiên cứu bước đầu để tạo nên một bức tranh toàn diện xuất sắc và độc đáo' (Sđd 57).
Ngay từ đầu, đã có trực giác, đến cuối cùng là quan niệm, và tiếp theo đó là truyền thống, người sinh viên phải học thuộc lòng phần quan niệm như một 'kết quả khoa học'. Anh ta phải xây dựng trên đó, và phải làm việc với nó. Trong tiến trình dẫn từ trực giác đến quan niệm lý luận cũng có một vai trò. Tuy nhiên, nó chẳng bao giờ được sử dụng để cung cấp chứng cứ theo nghĩa hẹp, nhiều quyết định quan trọng được đưa vào mà chẳng cần phần lý luận gì.
Khi truyền thống được đẩy mạnh tới, thì còn một vai trò hạn chế để đưa ra phần lý luận mới. Trong một số trường hợp, luận cứ này thậm chí có thể là kết quả của một số sửa sai nữa. Tuy nhiên những điểm sửa sai ấy không thể còn có thể đòi hỏi phải thắc mắc đặt quan niệm trong phạm vi nó đã được chấp nhận, thì được đưa vào cấu trúc toàn diện của ngành khoa học. Luận cứ chỉ có đặc tính là đưa ra vài điều chính nho nhỏ trong tiến trình dẫn tới đích đến cuối cùng của sự 'tiến bộ khoa học'. Đích đến này tự nó dẫn tới việc củng cố thêm cho quan niệm. (Tiến trình đưa trực giác hướng về truyền thống và đưa nó vào ngành khoa học được minh hoạ trong hai hình 9.1 và 9.2). (Chú thích hình 9.1 và 9.2 trang 133).
Hình 9.1 Từ trực giác đến quan niệm và truyền thống.
1. trực giác.
2. Quan niệm.
3. Truyền thống.
4. Những cái nhìn xuyên suốt từ các khu vực khác dường như chứng thực cho trực giác.
Hình 9.2 Sự phát sinh của một ngành khoa học: một phác hoạ thô sơ.
Các khu vực được đánh số trình bày các quan niệm theo thứ tự phát triển của chúng. Một miêu tả chính xác còn phải trình bày là chúng khớp đúng vào nhau như thế nào. Các khu vực tô màu sậm chỉ các quan niệm nảy sinh trong tiến trình sửa sai các ý niệm trước đó.
Một số ít quan niệm nảy sinh một cách độc lập. Tuy nhiên, phần lớn đều được xây dựng bên trên các quan niệm khác và được hậu thuẫn trọn vẹn hoặc một phần bởi các quan niệm trước đó. Một số lớn được xây dựng để ổn định các quan niệm mong manh. Một số khác nữa được dùng để lấp các khoảng trống. Nhiều quan niệm khác nữa dẫn tới hay thực hiện việc sửa sai cho một lập trường về trước. Phần xây dựng hãy còn lỏng lẻo trong các giai đoạn về trước, cứ ngày càng trở thành vững chắc và khép kín hơn. Những quan điểm từ bên ngoài (trong hình 9.2 được biểu tượng bằng 35) không được các quan niệm chấp nhận lồng vào, sẽ bị quên lãng mà triệt tiêu.
Cùng những năng động lực giống y như Kulling mô tả cũng được W.J.Ouweneel trình bày liên quan với một lãnh vực hoàn toàn khác của việc sưu tầm tra gọn khoa học, trong quyển sách của ông nhan đề The all of the Christian West mà tôi xin trích dẫn có phần hơi dài:
Năm 1830 nhà địa chất học người Anh Charles Lyell cho xuất bản quyền đầu tiên trong ba quyển sách về địa chất học của ông, đến nay hãy còn họp thành phần nền tảng của ngành khoa học ấy. Về cơ bản, Lyell đã loại bỏ mà chẳng cần bàn cãi gì việc khả dĩ có thể có những cơn đại hoạ như thế (được Kinh Thánh kể lại là cơn Nước Lụt (Sáng 6-8) hàm ý có sự tham gia siêu nhiên của Thượng Đế, và là điều không thể nào chấp nhận được vào cái thời mà khoa học chủ nghĩa vừa manh nha. Ông...nhằm giải thích sự xuất hiện của các lớp trầm tích địa chất khác nhau bằng các tiến trình vẫn còn có thể quan sát được ngày nay...
Bây giờ, có một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng ấy là những cái nhìn xuyên suốt mới mẻ đó đã không thiết yếu được đặt trên nền tảng là các phát kiến mới mẻ của khoa học. Các phát kiến này chỉ đến về sau, vì khi có người cố công muốn đi tìm một điều gì đó vô điều kiện, thì thường có một điều gì đó bị cắt xén bớt đi lại xuất hiện, có vẻ như chính là điều mình đang trông tìm...
Thế thì động lực để làm phát triển quan niệm tiến hoá của địa chất học, là những thảo luận triết học. Điều đó có ý nghĩa rất cao. Khởi điểm của cái nhìn mới mẻ này không phải là những thay đổi trong các sự kiện, mà đúng hơn là những thay đổi trong các định đề mà các sự kiện vốn được cho là như thế.
Sự việc cũng xảy ra giống như thế với Charles Darwin, hồi còn là thanh niên, đã đọc các sách của Lyell và tìm thấy một câu trả lời gián tiếp đã tạo ảnh hưởng lớn lao trên ông. Vì ông từ chối chấp nhận cái giả thuyết cho rằng mọi sinh vật đều do hành động sáng tạo của Thượng Đế mà có; thế nhưng ông cũng không thể nào quan niệm được một khả năng nào khác để thay vào. Bấy giờ, ông trở nên quen thuộc với các ý niệm của Lyell. Ông thấy trong đó có cái khái niệm rằng thế giới của chúng ta chắc đã phải rất xưa cũ rồi, vì việc hình thành lần lần các địa tầng rõ ràng là phải đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Và chính những giai đoạn thời gian dài ấy mà sau này Darwin đã đòi hỏi cho quan điểm của ông về nguồn gốc của muôn loài. Vì sự phát triển ngẫu nhiên của các hình thức sự sống phải cần nhiều tỷ năm; nếu không ý niệm của Darwin sẽ là phi lý ngay từ đầu.
Các khái niệm đó đã tạo ảnh hưởng lẫn trên nhau. Về sau, Darwin cho công bố thuyết tiến hoá của ông - cũng tương tự như thế, tức là không phải căn cứ trên các phát kiến khoa học mới, mà đúng hơn là trên các nhận xét triết học...” (W.J.Ouweneel, Der Untergang des Christlichen Abendlandes (rd ed., Haykoop, The Netherlands, 1978) 25-27).
Bấy giờ, ông đang tìm một giải pháp khác cho vấn đề “nguồn gốc sự sống”, vì ông không muốn tin vào công trình sáng tạo nữa. Ông đã có một giai đoạn dài nghi ngờ đức tin của mình giữa những năm từ hai mươi hai đến hai mươi chín tuổi, và trong thời gian ấy, ông đọc một bài khảo luận của một giáo phẩm người Anh là Thomas Robert Malthus về nạn nhân mãn.
Malthus dạy rằng chiến tranh, đói kém, và dịch bệnh là cần thiết, vì đó là phương pháp duy nhất để đối phó với nạn nhân mãn. Malthus bảo rằng có một cuộc cạnh tranh để sinh tồn, mà kẻ mạnh nhất, giỏi thích ứng hoá nhất, mới tồn tại...
Về sau, Darwin đã kể lại: “Và bấy giờ, sự việc đã bừng sáng lên trong tôi”. Ông nhận ra được tức khắc đâu là câu trả lời đúng cho vấn đề của mình. Suốt hai mươi năm tiếp theo đó, mãi đến tận 1859, ông đã dành ra để th thuập các luận cứ cho lý thuyết mới của mình.
Bạn có thấy quan điểm của Darwin đã nảy sinh như thế nào không? Đúng ra, nó đã nảy sinh theo cùng một cách thức mà khoa học nói chung đã hành động. Khoa học bắt đầu không phải là bằng cách quan sát thật nhiều, rồi sau đó, xây dựng một giả thuyết. Đúng hơn là nó bắt đầu bằng một quan niệm, một ý niệm.
Ý niệm của Darwin vốn từ Malthus mà ra, và Darwin đã phải cần đến hai mươi năm để thu thập các luận cứ, cũng như để gạt qua một bên các luận cứ không phù hợp với thuyết của ông, cho đến khi cuối cùng, ông công bố các quan điểm của mình.
Có lẽ ông còn phải bỏ ra hai mươi năm nữa cho cùng một dự án ấy, nếu như Alfred Wallace đã không khai triển cùng một ý niệm ấy, đã khiến Darwin công bố quyển On the Origin of Species của mình hầu đưa ra các quan điểm của mình trước tiên.
Có lẽ bạn đã có khái niệm sai lầm rằng các nhà khoa học đều là những con người hoàn toàn duy lý, hành động hoàn toàn khách quan vẫn thu thập và tổ chức các sự kiện mà không hề có thiên kiến. Vâng, Darwin không phải là nguy duy nhất đã hành động như cách ông ta đã làm: tất cả các khoa học gia đều sử dụng các phương pháp đó (Sđd., 28-30).
Bị thắc mắc đặt vấn đề không kém tiến trình chủ động đi bước trước mệnh danh là “kiến thức khoa học” đó, là hình thức và cách thức theo đó một kiến thức như thế thường mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó. Một chứng nhân lừng danh và đáng tin cho sự kiện này, là nhân vật từng đoạt giải Nobel về vật lý học, Max Planck: “Thường thường, một chân lý khoa học không thằng thế, nhờ thuyết phục được những người chống lại nó, để họ tuyên bố rằng giờ đây, họ đã được thông tin đúng về nó. Traí lại, các đối thủ đều lần lần chết đi, và thế hệ tiếp theo đó đã được làm quen ngay từ đầu với cái chân lý ấy rồi” (Được trích dẫn trong W.Gitt, “Das Fundament” trong Wissen und Leben Vol.7 (Neuhausen Stuttgart, 1985), 48).
Điều Planck mô tả đó được đặt cơ sở trên hai hiện tượng: các “trường phái” bác học bao gồm nhiều cố vấn đầy kinh nghiệm với đám người theo họ, và một nhóm những người năng động. Nếu không tôn trọng hai yếu tố đó, bất kỳ một sự phát triển nào trong số các phát triển trong lịch sử, như tiến trình tranh cãi của Arius hồi thế kỷ thứ tư, hay việc Bultmann đã đẩy mạnh đến chỗ chiến thắng của nền thần học của ông trong thế kỷ thứ hai mươi này, đều bất chấp một lời giải thích cặn kẽ (Có thể sẽ rất có lợi nếu ta điều tra nghiên cứu xem tại sao trong những thập niên 1960 phần lớn các ghế giáo sư đại học Tây Đức dạy Tân ước đều do các sinh viên và bạn thân của Rudolf Bultmann chiếm giữ).
Tóm lại là giờ đây chúng ta có thể nhấn mạnh rằng mỗi hiệp đấu mới trong một trận đấu võ khoa học đều bắt đầu bằng một trực giác chứ không phải là bằng quan sát, và các kết quả của công trình điều tra nghiên cứu là điều mà người ta có thể trông chờ trước rồi. Chỉ sau đó, người ta mới thực hiện những quan sát có vẻ như sẽ xác nhận cho bố cục toàn diện của nó. Cac mối liên hệ giữa nhiều người với nhau - giữa các “trường phái” bác học, giữa các bạn đồng sự và các nhóm năng động - sẽ đưa ý niệm mới ấy tiến đến chỗ chiếm ưu thế áp đảo. Sau việc ấy, sẽ là một tiến trình thừa nhận và phủ nhận sửa sai, xác nhận và bổ sung thiên vị. Hệ quả là việc ổn định hoá một công trình hoàn toàn chỉ được xây dựng bằng các giả thuyết mà thôi. Nguyên tắc ổn định hoá bằng cách “đánh lận con đen” (corrugation) mà ngành kỹ nghệ đóng gói bao bì vẫn lạm dụng rất thành công, đang tác oai tác quái ở đây. (Ở đây bà Linnmann dùng hình ảnh cách dùng giấy bồi dọn sóng để tạo nhiều “ấn tượng mạnh” hơn mà loại giấ trơn tru bằng phẳng từ cùng một loại nguyên liệu giống nhau không thể nào tạo ra được. Cách “uốn gọn sóng” (corrugating) một ý niệm mới bằng tiến trình như bà mô tả, đã có tác dụng giống như thế: một ý niệm tự nó thoạt đầu đáng lẽ phải xé vụng đi, cuối cùng, lại có được một sức mạnh lớn lao.
Tại điểm tận cùng của quá trình ấy, là một ý niệm. Nó tóm tắt thật tinh vi một số những ý niệm mới như thế, và gián cho chúng một dáng vẻ bề ngoài thật vững chắc. Quan niệm mà người ta tiếp thu (conception) không phải vốn có cơ sở là sức mạnh của luận cứ, cho bằng là cách thức mà nó khéo léo tự tạo ra để gán cho toàn thể công trình sáng tạo tổng hợp ấy. Quan niệm ấy rất được hoan nghênh, tán thưởng. Từ đó trở đi, những ý niệm mới đấy được buộc chặt vào với cả cơ cấu, và mọi cái chuyển động bên ngoài cái quan niệm đó, đều có vẻ như đã lỗi thời, cổ lỗ, hay sai lạc (eccentic).
Trò chơi lại tếp tục bằng những ý niệm mới, giả định trước một quan niệm nào đó. Thế là cả một màn lưới các tiền đề được chấp nhận của một ngành khoa học lại được dựng lên. Nếu một số các định đề hậu thuẫn cho nó bị đánh đổ, thì tính cách ổn định của quan niệm ấy vẫn chẳng bị tổn hại gì. Các giả thiết tiền định ấy chỉ lui trở vào hậu trường của ý thức và vẫn được duy trì - người ta có thể bảo rằng chúng đã bị nhốt chặt và niêm phong lại.
Vì mỗi một quan niệm đều chỉ là một giả thiết tiền định của những ý niệm mới - và đến lượt chúng, các ý niệm mới lại được biến thành các quan niệm mới - điều không phải không thể xảy ra được, là người ta sẽ thực hiện những điều chính căn bản bằng cách nêu chứng cứ rằng một giả thiết tiền định nào đó là vô giá trị. Cả đến việc phân tích nhằm phê bình những ý niệm như thế cũng chỉ trở thành một thành phần trong tiến trình ổn định hoá mà thôi: Ý niệm đã đến dưới áp lực của các luận cứ, và các luận cứ chống lại, cho dù có do một người nắm vững được cái ý niệm ấy, hay một người nào khác bênh vực cho nó nêu ra, cũng đều có tác dụng ổn định hoá.
Tất cả các luận cứ hữu lý đều có thể bị một luận cứ chống lại nó bài bác, viện lẽ người ta hãy còn đầy đủ thì giờ để suy nghĩ lại. Đó là cách thức mà trí tuệ (bị sa bại) của chúng ta hoạt động khi nó không đặt trên cơ sở là chân lý của Lời Thượng Đế. Cả khi nó thành công trong việc cung cấp chứng cứ, căn cứ trên một thông tin và các kết quả mới mẻ và vững chắc nào đó, người ta rất ít khi đứng được tại một vị trí có thể ngăn chận được ảnh hưởng của các quan niệm đã được xác lập trong lãnh vực được gọi là khoa học. Điều này có thể được chứng minh trong các khoa học tự nhiên liên quan với huyền thoại về sự tiến hoá. Huyền thoại này, ít nhất là trong lãnh vực các khoa học tự nhiên, vẫn gồm có một cơ cấu (framework) tư tưởng. Thế nhưng khởi điểm của thuyết tiến hoá vẫn còn bị thắc mắc đặt vấn đề trong mọi lãnh vực sưu tầm nghiên cứu. Theo sự thừa nhận của chính cái khoa học thuyết tiến hoá đã được chứng minh là không thể đứng vững được tại cấp bậc các giả thiết đầu tiên hậu thuẫn cho nó, để đến lượt chúng, lại khiến người ta không thể tin được chính cái giả thiết đứng bên trên để làm phần khung sườn che đỡ (the overarching hypothesis) cho nó. Nếu khoa học quả đúng như điều nó vẫn tự xưng - nghĩa là khách quan, trung lập, chỉ bị bó buộc đối với chân lý mà thôi, vô tư - thì các hậu quả hợp lý đã phải được rút ra từ lâu rồi.
Khoa học và công trình sưu tầm nghiên cứu trong thần học phúc âm.
Thông hiểu cách thức các giả thiết tiền định (định đề) và quan niệm thật sự tác động như thế nào vào khoa học là cần thiết để trả lời câu hỏi mà chương sách này đặt ra: Khoa học và sưu tầm nghiên cứu có thiết yếu trong thần học Phúc âm hay không, hay đó là điều không thể nào có được?
Đứng trong cơ cấu của ngành thần học, một học giả Phúc âm có thể hoặc là lấp bằng một chiếc hố sâu ngăn cách, hoặc chiếm một vị trí hết sức bấp bênh ngoài rìa. Trong việc san bằng chiếc hố sâu, ông ta góp phần ổn định hoá hệ thống ấy, do đó, được công nhận trọn vẹn. Còn nếu chiếm một vị trí ngoài rìa, thì hoặc là ông ta sẽ sa vào chỗ bị lãng quên dành cho những người không chịu hậu thuẫn cho hệ thống ấy, hoặc ông ta phải bảo vệ cộng tác của mình bằng cách thu nhận vào đó một số các quan niệm gần gũi, sắp xếp lại khởi điểm nguyên thuỷ của mình. Vài thí dụ sẽ minh hoạ cho điều này:
Adolf Schlatter đã lắp đầy một khoảng trống trong các công trình nghiên cứu Tân ước với cương vị một học giả Do-thái giáo (ra-bi) được nhiều người biết tiếng. Do đó, về căn bản, ông đã được công nhận. Nhưng đã phải lên tiếng bằng ngôn ngữ của cái nhìn xuyên suốt (insight) thuộc linh, thí dụ như trong bộ sách chú giải toàn bộ Tân ước (Adolf Schlatter, Erlauterungenzum New Testament) ông đã không được coi trọng, mà bị cho là “không khoa học”.
J.T.Beck vẫn là kẻ ngoại cuộc đối với quan điểm phê bình, và công tác của ông đã không được tếp tục đẩy mạnh. Cũng vậy, sự đóng góp của Bornhausen đã bị gạt qua một bên, cho là không xứng đáng.
Martin Kahler, mặt khác đã biết cách chiều theo các cơ cấu đang chiếm ưu thế. Nhưng cái giá ông đã phải trả là quá đắt. ông đã không còn trung thành với Kinh điển nữa. Tác phẩm của ông nhan đề The So-called Historical (historische) Jesus and the Historical (geschichtlice) Biblical Christ rõ ràng đã được thực hiện bên trong các ranh giới của lý trí thuần tuý (Kant) và tôn trọng “rãnh nước xấu xí” của Lessing giữa các chân lý cần thiết của lý trí với các sự kiện ngẫu nhiên của lịch sử. Do đó, tác phẩm ấy đã tiếp tục gây ảnh hưởng và dọn đường cho chương trình giải trừ huyền thoại của Bultmann.
Người Tin Lành (evangelical) hiến thân cho công tác khoa học bị đẩy sang một số chiều hướng. Thứ nhất, nhà học giả phải hợp thức hoá công tác của mình bằng cách liên kết nó vớic ác truyền thống phức tạp cấu thành ngành trong đó mình đang làm việc. Ông ta chỉ có thể trông mong được công nhận trong phạm vi sự liên kết ấy được thực hiện thoả đáng mà thôi. Thậm chí nếu chỉ quan tâm duy trì một khoảng cách với các quan điểm đáng chiếm ưu thế mà thôi, ông ta không thể khiến được người ta tôn trọng mình hơn một trong những quan niệm đang chiếm ưu thế bằng cách giới thiệu một bố cục khác với một phạm vi hạn chế hơn. Nhiều quan niệm khác phải tồn tại. Rồi công cuộc sưu tầm còn phải chờ xem, chẳng hay phần bố cục kia có tự ổn định đựơc mình hay không trong tiến trình tiến bộ của khoa học hay chẳng hay nó bị cho là vô giá trị vì bị cho là lệch lạc, là xa lạ đối với quan điểm của quan niệm đang chiếm ưu thế. Tuỳ theo mức độ bố cục ấy được tiếp nhận là tích cực, rất có thể nó sẽ được biến thành phù hợp với các quan niệm chiếm ưu thế trng tiến trình “ổn định hoá bằng phương pháp đánh lận con đen” đã ám chỉ ở phần trên.
Thứ hai, người ấy chịu sự thôi thúc để hiểu khoa học là một tiến trình tiến bộ cứ liên tục đi lên. Trong khi ý niệm về sự tiến bộ đó hiện nay nói chung là đã phai mờ vào hậu trường như một nét đặc trưng quan trọng trong thế giới quan hiện đại nó vẫn còn ngự trị trong việc sưu tầm nghiên cứu khoa học hiện đại với một sức mạnh hầu như chẳng có gì kiểm soát nổi với tư cách một sự bó buộc nội tại nhằm chứng minh rằng hiện đang có sự tiến bộ ấy. Bất cứ ai nói “Vâng” với khoa học bằng cách thực hiện việc sưu tầm nghiên cứu, đều rất khó có thể vượt thoát được con đường tiến bộ vô tận theo hình tròn ốc, nhân danh sự tiến bộ đó. Tuy nhiên, sức thôi thúc để chứng minh là đã có tiến bộ ấy và lòng trung thành với những gì Thánh Kinh phán dạy, lại không thể dung hoà được với nhau. Tiến bộ nhân danh sự tiến bộ sẽ dẫn tới hậu quả không tránh né vào đâu được là xúc phạm đến tính cách thiêng liêng của Lời Thượng Đế.
Thứ ba, nhà sưu tầm bị thôi thúc phải vội vàng tự tạo cho mình một tên tuổi, do đó, là đi tìm vinh dự.
Thứ tư, tự xưng một công tác là khoa học, là tự đặt mình chịu phục tùng tiêu chuẩn thẩm định giá trị của thần học phê bình sử tính. Điều gì có tính cách “khoa học” đều được quyết định, dù đúng dù sai, bởi cái đã tự xác lập chính mình là khoa học trong ý thức nói chung.
Trong cuộc tranh luận suốt những năm 1960, vấn đề đã được đặt ra là chẳng hay thần học có thể được gọi là khoa học hay không vì dù sao, nó vốn không phải là không có giả thiết được giả định trước. Câu hỏi đã được trả lời bằng cách vạch ra rằng khoa học thần học có sử dụng các phương pháp của khoa học sử học và văn học, do đó phải được công nhận là khoa học y như chúng vậy.
Nếu khoa thần học Phúc âm tự xưng mình là khoa học, thì nó phải tự vấn chẳng hay nó có muốn sử dụng các phương pháp đẹp để giải quyết với Lời Thượng Đế hay không. Nếu nó làm như thế mà không có sự hạn chế nào, thì nó sẽ không còn có tính cách Phúc âm nữa. Nếu nó chỉ sử dụng có giới hạn các phương pháp ấy mà thôi, thì nó phải chấp nhận là mình chỉ được công nhận là khoa học trong phạm vi giới hạn đó mà thôi. Những người xác định điều gì là khoa học vốn không phải là những người Tin Lành chúng ta, nhưng là các thần học gia phê bình sử tính.
Người Tin Lành nào tự xưng là khoa học là tự nộp mình cho định chuẩn tuyển chọn của ngành thần học phê bình sử tính và phải chịu cho nó đóng lên mình vết hằn (con dấu bằng sắt nung đỏ) là thiếu phẩm chất. Vì ý niệm thần học khoa học thông thường vốn do ngành thần học phê bình sử tính định nghĩa. Muốn tự xưng là một thần học gia “khoa học” có nghĩa là biết rõ và tự nhận mình là có một chỗ ngồi trong số các truyền thống phức tạp của ngành thần học.
Người Tin Lành và các trường đại học.
Căn cứ trên các nhận xét này, dường như rõ ràng là thà nên rời bỏ các phân khoa thần học của các đại học đường đi, vì ở đó ngành thần học phê bình sử tính đã trở thành một định chế rồi, y như Áp-ra-ham đã từ bỏ môi trường ngoại giáo tại U-rơ trong xứ Canh-đê vì nghe được tiếng gọi của Thượng Đế vậy. Phải nhìn nhận rằng chúng ta chẳng biết gì cả về cái xứ mà mình sắp đi vào, nhưng cả Áp-ra-ham vốn cũng chẳng hề biết được chi cả lúc ông vâng lời Thượng Đế để ra đi.
“Lìa bỏ” không những chỉ có nghĩa là đi tìm việc làm bên ngoài các phân khoa thần học của các đại học đường quốc gia. Về phương diện này thì phần lớn người Tin lành vẫn chưa trực diện với một quyết định, vì họ chưa cần gì phải vào, cũng chẳng hề được thuê mướn vào các vị trí hàng đầu trong các đại học đường. “Lìa bỏ” có nghĩa là từ bỏ lời tự xưng mình cũng là khoa học nữa. Tự xưng mình là khoa học có nghĩa là xem các nguyên lý khoa học cũng có tính cách căn bản bên cạnh và đồng thời với Lời Thượng Đế. Nhưng các nguyên lý ấy - khi được nhìn dưới làn ánh sáng của Lời Thượng Đế - sẽ trở thành thù địch với Thượng Đế nếu chúng được sử dụng như thế. Tự xưng là khoa học là vi phạm điều răn thứ nhất mà hậu quả là đứng vào vị trí mà tổ tiên chúng ta đã có một lập trường thật can đảm để chống lại bằng đề án của Bản Tuyên Ngôn Barmen (The Barmen Declaration là một biểu quyết được các lãnh tụ Hội thánh Đức quốc ban hành hồi tháng 5/ 1934. Nó chối bỏ việc Cơ Đốc giáo thông đồng và cộng tác với Đệ tam đế chế. “Đề án thứ nhất” mà bà Linnemann kể ra đây gồm có những lời lẽ như sau: “Chúa Cứu Thế Giê-xu, như chính Ngài đã chứng thực với chúng tôi trong Thánh điển, là Ngôi Lời độc nhất của Thượng Đế, lời trong khi còn sống và sau khi đã chết. Chúng tôi từ chối lời truyền dạy sai lầm rằng Hội thánh có thể và cần phải thừa nhận nhiều sự việc xảy ra và nhiều quyền năng khác nữa, nhìn nhận các hình ảnh và chân lý (khác) xem đó là mặc khải của Thượng Đế đồng thời với Ngôi Lời duy nhất của Thượng Đế này, xem đó là một nguồn để (Hội thánh) phải truyền giảng “ET, John tt. Leith, Tín điều của Hội thánh (3d,ed., Atlanta; John Knox, 1982) 520).
Nhưng từ bỏ lời tự xưng là khoa học không có nghĩa là từ bỏ luôn công tác trí thức đầy chức trách trong thần học. Tôi tin rằng có thể và cần phải cười và những người thuộc về Thượng Đế nhận thấy là bổ ích. Việc sưu tầm nghiên cứu ấy không phải là sự dung dưỡng thả lỏng óc hiếu kỳ trí thức để lao đầu vào tất cả những gì có thể truy tầm tra vấn. Nó không thể tự xem mình là phương tiện để tự hoàn thiện một cách vị kỷ, mà trái lại, phải là một chức vụ, một công tác phục vụ. Một khoa sưu tầm nghiên cứu như thế không hề bị sa vào trong áp lực mà công tác khoa học phải phục tùng:
Thứ nhất, một ngành sưu tầm nghiên cứu như thế không thể bị thôi thúc để liên kết một cách hữu cơ với các truyền thống phức tạp trong một ngành khoa học. Nó chỉ cần thiết để duy trì mối liên hệ mật thiết nhất có thể có được với Lời Thượng Đế mà thôi. Thứ hai, một ngành sưu tầm nghiên cứu như thế không do một sự bó buộc chỉ định phải chứng minh rằng đã có sự tiến bộ khoa học. Trái lại, nó phải được xác định bằng thiện chí muốn trở thành một “thầy dạy luật đã được huấn luyện về Nước Trời” và là người “có hai thứ châu báu: châu báu Cựu ước và châu báu Tân ước” (13:52).
Thứ ba, một ngành sưu tầm nghiên cứu như thấ không bị thúc đẩy tự tạo ra một tên tuổi cho riêng mình. Trái lại nỗi đam mê của nó phải là sẵn sàng tự hạ mình xuống để phục vụ cho thân thể Chúa Cứu Thế, lợi dụng các ân tứ Chúa ban bất cứ lúc nào người thấy là phải lẽ, thích hợp
Thứ tư cùng với sự cần thiết phải nhất trí với Lời Thượng Đế, còn có định chuẩn để phê phán gồm toàn là phẩm chất phục vụ bằng tình huynh đệ để chỉ hoạt động cho thân thể của Chúa Cứu thế mà thôi. Công tác phục vụ này, ngoài nhiều việc khác ra, phải góp phần dạy dỗ, sửa trị, gây dựng, trao đổi các thông tin hữu ích, và bênh vực cho đạo thánh khiết nhất của chúng ta.

LỜI THƯỢNG ĐẾ
Lời Thượng Đế được linh cảm
Thánh điển công nhiên chứng thực nguồn gốc từ Thượng Đế của mình trong hai khúc sách. Khúc thứ nhất là IITi 2Tm 3:16-17 “Cả Kinh Thánh đều được Thượng Đế cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công chính. Nhờ đó, người của Thượng Đế được thành thục, có khả năng làm mọi việc lành”. Lời chứng thứ hai là IIPhi 2Pr 1:19-21: “Những điều chúng tôi thấy càng chứng tỏ các lời tiên tri trong Thánh Kinh là xác thực. vì thế, anh em phải lưu ý những lời tiên tri ấy, xem như ngọn hải đăng giữa biển đời mù mịt, giúp chúng ta hiểu được nhiều huyền nhiệm, khúc mắc của Thánh Kinh. Khi anh em suy nghiệm chân lý của lời tiên tri, ánh rạng đông sẽ bừng lên giữa cảnh tối tăm, và Chúa Cứu Thế, Ngôi sao mai, sẽ soi sáng tâm hồn anh em. Vì không có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh do các tiên tri tự nghĩ ra, nhưng chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Thượng Đế”.
Hai lời chứng này không những chỉ khẳng định “rằng Thánh Linh của Thượng Đế sự khôn ngoan của Thượng Đế đã đi vào trong các văn phẩm” (Joachim Cochlovius “Leben aus dem Wort. Wege zu einem geistchen Schriftverstauduis” trong J. Cochlovius and P. Zimmerling, eds., Arbeitsbuch Hermeneutik (Kaelingen, 1983), 403-430 (ở đây là 411f.). Tôi cần vạch rõ là tôi chỉ phản đối một số các góc cạnh của lập trường được đề cập trong quyển sách khải luận này, chứ không hề có ý phản đối toàn thể quyển sách khảo luận ấy. Tôi lại càng không hề hướng phần phê bình này vào chính tác giả) ấy mà thôi. Chúng cũng còn có thể không bị hạn chế để chỉ có nghĩa rằng các trước giả viết Kinh điển đề từng trải RoRm 8:14 (”...vì những người được Thánh Linh Thượng Đế hướng dẫn đầu là con cái Thượng Đế") và rằng Thánh Linh của Thượng Đế đã đứng bên cạnh và giúp đỡ chu đáo cho việc soạn thảo các tài liệu cho Tân ước y như cách Ngài sẽ ở cùng với toàn thể các tín hữu trong cả đời sống của họ mà thôi (Cochlovius, “Leben ans dem Wort”,H11). Từ nghĩa Hi văn Theopneustos trong IITi 2Tm 3:16 không có nghĩa là “thở linh của Thường Đế” mà đúng hơn là (thở vào bởi Thượng Đế”. Hai câu này khác nhau rất xa. Điều câu này nhấn mạnh là Thượng Đế là nguồn gốc phát sinh của Kinh điển.
Các trước giả viết Thánh Kinh không trở thành “những người không sai lầm và vô ngộ” (Sđd, 412), thậm chí cũng không phải “suốt giai đoạn họ soạn thảo các văn phẩm của mình” (Sđd) mà đúng hơn là “họ nói ra lời từ Thượng Đế khi họ được Đức Thánh Linh cảm ứng”.
Chính Lời Thượng Đế tuyên bố rõ ràng rằng Đức Thánh Linh của Thượng Đế là nguồn gốc phát sinh của Kinh điển. Việc cảm ứng (linh cảm, tạo cảm hứng) Kinh điển đã được chính Kinh điển khẳng định. Do đó, giáo lý về sự cảm ứng không phải là “bức tường không cần thiết bảo vệ chung quanh quyển Thánh Kinh” (Sđd) mà đúng hơn là câu khẳng định tóm tắt chuẩn mực của những gì mà Lời Thượng Đế nói về chính mình. Nó vốn không “từ La-mã 8:14; và những khúc sách liên hệ mà ra” (Sđd) nhưng đúng hơn thì nó nguyên từ 3:16-17 và IIPhi 2Pr 1:19-21 mà có. Đã có “một sự hướng dẫn (lãnh đạo) đặc biệt của Đức Thánh Linh nhằm chủ đích viết ra các quyển sách trong bộ Thánh Kinh” (Sđd) là điều đã được công bố minh nhiên là đã xảy ra, đã được thực hiện. Do đó, chúng ta sẽ nói trái lại với Thánh điển nếu tuyên bố rằng lời khẳng định này là “không cần thiết và đáng nghi ngờ theo quan điểm của Kinh Thánh và của thần học” (Sđd).
Sự cảm ứng từng lời từng tiếng và riêng tây.
Khi chứng thực cho quy chế cảm ứng này, Thánh điển mở rộng quy chế này đồng thời cho cả lời lẽ chủ nghĩa (veral inspiration) lẫn cho các trước giả (personal inspiration). Chứng cứ hiển nhiên cho việc cảm ứng từng lời từng tiếng là IITi 2Tm 3:16, 17. Khúc sách này đề cập kết quả của sự cảm ứng. “Cả Thánh Kinh điều được Thượng Đế cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công chính”. Đã không có gì bị loại trừ, đã chẳng hề có một lời nào chữ nào (not one word) trong cả Kinh điển mà lại không được cảm ứng.
Chứng cứ hiển nhiên chờ sự cảm ứng riêng tây đưộc tìm thấy trong IIPhi 2Pr 1:19-21. Khúc sách này nói lên cách thức cảm ứng “chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra Lời của Thượng Đế”. Sự cảm ứng xảy ra khi họ được Đức Thánh Linh hướng dẫn ngay từ bên trong, chứ không phải bằng cách đọc để viết lại một cách máy móc.
Do đó, cảm ứng từng lời từng tiếng không phải là một ý niệm chỉ mới nảy sinh hồi thế kỷ thứ mười sáu mà thôi. Nó đã được Thánh điển chứng thực, và vì lý do ấy, đã được các giáo phụ nguyên thuỷ bênh vực. Cảm ứng từng lời từng tiếng và cảm ứng riêng tây không phải là những lý thuyết liên hệ đến các giáo lý đang được tranh luận để chúng ta có thể chọn tin thuyết này hoặc thuyết kia; trái lại, chúng là hai phương diện của cùng một sự kiện mà Lời Thượng Đế đưa đến, nói lên cho chúng ta.
Ta cần phân biệt sự cảm ứng từng lời từng tiếng với thuyết đọc cho viết, chỉ mới nảy sinh từ thế kỷ thứ mười sáu mà thôi. Đây là một cố gắng không thành công của loài người nhằm giải thích giáo lý về sự linh cảm từng lời từng tiếng. Giáo lý đúng về sự cảm ứng riêng tây đối lập với thuyết đọc cho viết một cách máy móc nhưng không đối lập với sự cảm ứng từng lời từng tiếng. Khi một quan niệm về cảm ứng riêng tây được đặt đối lập với sự cảm ứng từng lời từng tiếng, thì giáo lý về cảm ứng đã bị hiểu sai và không đúng theo Kinh điển.
Các quan điểm phủ nhận sự cảm ứng.
Lòng trung thành với Lời Thượng Đế càng chống lại quan điểm cho rằng Kinh điển “không phải chính là lời thật của Thượng Đế, vì lời Thượng Đế vốn vĩnh hằng, trong khi Kinh điển chỉ tạm thời mà thôi". Nhờ sự cảm ứng, Thượng Đế đã đưa Lời được người ta nói và viết ra, ra khỏi tính cách tạm thời của nó.
Thêm vào hai lời chứng chính yếu (IITi 2Tm 3:16, 17 và IIPhi 2Pr 1:19-21), chúng ta còn tìm thấy hầu như trong từng trang Tháh Kinh lời khẳng định rằng đây chính là Lời Thượng Đế, hay Thánh điển. Khi nào chúng ta không chịu mở rộng đức tin cho những gì chính Thánh Kinh tự nói về nó, thì không những chúng ta chỉ chống lại Lời Thượng Đế, mà còn tuyên bố rằng chính Thượng Đế, Đấng vốn là nguồn gốc từ đó Kinh điển nảy sinh, là một kẻ nói dối nữa. Chúng ta cũng đang chống lại Đấng vốn là chính Ngôi Lời (GiGa 1:1-14) và được gọi là “Đấng Thành tín và Chơn thật” (KhKh 19:11). Ngài chính là “con đường, chân lý và sự sống” (GiGa 14:6). Ngài cũng chính là chuẩn mực của chân lý: “Mọi người yêu chuộng chân lý đều theo tôi” (18:37).
Tôi có phải là một giáo sư, một mục sư hay một chứng sắc cao cấp của Hội thánh hay không, nếu tôi không có đức tin vào thượng Đế? Làm sao tôi có thể phục vụ Ngài được nếu tôi không tin những gì Ngài phán? Làm như thế là tội đối xử với Ngài chẳng khác chi với một người cha mà tôi luôn luôn nghĩ rằng: “Ông đã già rồi, tôi không còn kính trọng ông nữa; tôi không còn bị bắt buộc phải nghe những gì ông nói nữa”. Thựơng Đế là Đấng Tạo Hoá chúng ta, và chúng ta sống được đây là nhờ ân phúc bởi đó Ngài đã ban Chúa Giê-xu cho chúng ta bất cứ ai cho rằng mình được tự do không kính trọng Lời Thượng Đế, cần phải coi chừng lời cảnh cáo “Đừng tự lừa dối, tưởng mình có thể qua mặt Chúa” (GaGl 6:7).
Có lẽ có một số độc giả mà đôi mắt vẫn chưa được mở ra. Các bạn vẫn chưa nhận ra việc mình đang làm. Các bạn chỉ mới tiếp nhận Lời Thượng Đế như những gì các bạn vừa được truyền dạy. Hôm nay là một ngày tối quan trọng cho bạn đây! Bạn có thể xây khỏi các đường lối sai lạc của mình. Thượng Đế vốn nhân từ và đầy ân huệ. Ngài đang chờ đợi với vòng tay mở rộng đối với tất cả những ai chịu quay trở về với Ngài. Ngài sẵn sàng tha thứ vì danh Chúa Giê-xu.
Thần học phê bình sử tính nói: “Chúng ta không thể xem Thánh Kinh là Thánh điển. Trái lại, nhiều lắm thì chúng ta chỉ có thể xem đó là một bộ sách tự xưng là Thánh điển. Còn nhiều bộ sách khác cũng rêu rao y như thế, trong số đó có kinh Koran và Kinh Vệ đà. Thế thì, chúng ta hãy bất chấp những lời rêu rao ấy, và tiếp cận Kinh Thánh như bất kỳ một bộ sách nào khác”.
Quả thật là có nhiều bộ sách khác cũng rêu rao như thế. Phải chăng điều đó bắt buộc chúng ta phải xem Thánh Kinh như một trong số rất nhiều bộ Kinh điển hiện có? Phải chăng chúng ta cần đem Thánh Kinh ra để đối chiếu với Kinh Vệ đà hay Kinh Koran rồi mới quyết định được rằng có lẽ ở chỗ naỳ, chỗ nọ, Thánh Kinh có phần nào cao hơn một chút? Đó là một phương thức sai lầm. Cũng như các “thần” của tất cả các dân các nước vốn chẳng phải là thần thánh chi cả (ISu1Sb 16:26; Thi Tv 96:5 và 97:7; Gie Gr 2:11; 5:7), các Kinh điển thiêng liêng của các tôn giáo khác tự nêu cao là có tính cách mặc khải, đều chẳng phải là Kinh điển gì cả. Tôi biết việc chúng ta được trửơng dưỡng trong thành phố, vốn đề cao việc phải khoan dung đối với tất cả mọi việc khác, nhưng vẫn chống lại một lập trường như thế. Chúng ta tôn tọng, yêu thương, và đánh giá cao những người chung quanh mình, và chúng ta cố gắng tôn trọng cả những gì mà họ xem là thiêng liêng thánh khiết nữa. Nhưng tôi vẫn giữ lập trường đối với câu khẳng định của mình vì đó là sự thật (chân lý). Nếu theo lời Thượng Đế, các thần của các dân các nước khác vốn chẳng phải là thần thánh chi cả, thì câu kết luận không thể tránh né vào đâu được, là cả các Kinh điển thiêng liêng của họ vốn vẫn rêu rao là có tính chất mặc khải, đều không phải là Thánh điển. Vì chúng đã không mặc khải Thượng Đế duy nhất, Đấng vốn chẳng những là Đấng Tạo Hoá duy nhất của trời và đất mà còn là cha của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta và còn hơn thế nữa, là đang cùng với Đức Chúa Con và Thánh Linh họp thành Thượng Đế Ba Ngôi. Các Kinh điển khác đã không chỉ ra được con đường dẫn đến sự cứu rỗi.
Khi chúng ta tự để cho mình bị kéo xuống ngang tầm để đem tất cả các “Thánh điển” ra mà so sánh, đối chiếu với nhau hầu có thể cho rằng Thánh Kinh có phần nào vượt trội hơn, là chúng ta đã phạm tội thờ lạy các ta thần. Xin chúng ta hãy học trong Lời Thượng Đế để biết Thượng Đế của mình vốn quyền năng như thế nào và loại thờ lạy sai lầm kia là đáng bài bác và là dại dột như thế nào.
EsIs 40:12-17 cho chúng ta một bức chân dung thật đầy đủ về Thượng Đế của chúng ta: “Ai đã lấy lòng bàn tay mà lường biển, lấy gang tay mà đo các từng trời? Ai đã lấy dấu mà đong bụi đất? Ai đã dùng cân mà cân núi, và dùng thăng bằng mà cân gò? Ai lường được Thần của Đức Chúa Trời, và làm mưu sĩ Ngài, đặng dạy Ngài điều gì? Nào Ngài đã bàn luận với ai? Ai đã dạy khôn cho Ngài và dạy Ngài đường công nghĩa? Nào ai đã đem sự thông biết dạy Ngài và chỉ cho Ngài lối khôn ngoan? Kìa các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rơi trên cân; này Ngài giở các cù lao lên như đồi vật nhỏ. Rừng Li-ban chẳng đủ đốt lửa, những thú vật ở đó chẳng đủ làm của lễ thiêu. Mọi dân tộc ở trước mặt Đức Giê-hô-va thảy đều như không, Ngài xem như trống không và hư vô vậy”.
Cùng khúc sách này, cũng đặt việc dại dột thờ lạy các tà thần trước mắt chúng ta. Trong văn mạch, các “thần” được thờ lạy vốn do chính loài người tạo ra. “Vậy thì các ngươi có thể ví Đức Chúa Trời với a, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được? Khi người thợ đúc tượng, thì thợ bạc lấy vàng mà bọc, và đúc cho những cái dây chuyền bằng bạc. Kẻ nghèo không dâng nổi vật đó, thì chọn gỗ không mục được, và tìm thợ khéo đặng trổ một tượng không lay đổ” (EsIs 40:18-20).
Làm thế nào lại có người đem Thượng Đế hằng sống ra để so sánh, đối chiếu với những vật mà loài người bắt chước một cách vụng về để làm ra? Ngài chẳng những là Đấng Tạo Hoá mà còn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn Năng đang trị vì nữa. Ngài đang nâng đỡ toàn cõi vũ trụ và hướng dẫn tất cả những gì đang xảy ra trong đó. “Các ngươi không biết sao? Vậy thì các ngươi không nghe sao? Người ta há chưa dạy cho các ngươi từ lúc ban đầu? Các ngươi há chẳng hiểu từ khi dựng nền đất? Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất này, các dân cư trên đất như cào cào vậy. Chính Ngài là Đấng giương các từng trời ra như cái màn, và giương ra như trại để ở. Chính Ngài là Đấng làm tiêu diệt các quan trưởng và làm cho các quan xét trên đất ra hư không. Họ mới trồn, mới gieo, cây mới châm rễ trên đất, hơi Đức Giê-hô-va thổi qua, thì khô héo; này, gió lốc đùa hết đi như rơm rác. Đấng Thánh phán rằng: Vậy thì các ngươi sánh ta cùng ai? Ai sẽ bằng ta? Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền năng Ngài rất cao” (EsIs 40:21-26).
Hơn nữa, chỉ một mình Thượng Đế của chúng ta mới điều khiển diễn tiến của tương lai, mà cũng chính Ngài là Đấng duy nhất có quyền tuyên bố về những gì hãy còn nằm trong tương lai. Cả về phương diện này nữa, các thần của các dân các nước đều bị vạch mặt là chẳng phải thần thánh chi cả: “Đức Giê-hô-va phán: Hãy trình đơn các ngươi; Vua của Gia-cốp phán: Hãy bày tỏ lẽ mạnh các ngươi. Phải hãy thuật lại đi! Hãy rao cho chúng ta đều sẽ xảy đến! Hãy tỏ ra những đều đã có lúc trước, cho chúng ta để ý nghiệm sự cuối cùng nó là thế nào, hay là bảo cho chúng ta biết những sự hầu đến. Hãy rao những việc sẽ xảy đến sau này, cho chúng ta biết các ngươi là thần, cũng hãy xuống phước hoặc xuống hoạ đi, hầu cho chúng ta cùng nhau xem thấy và lấy làm lạ... Này các ngươi chẳng ra gì, sự các ngươi làm cũng là vô ích; kẻ lựa chọn các ngươi là đáng gớm ghiếc! (41:21-24).
Bất cứ ai chủ trương rằng Lời Thượng Đế - Lời của Đấng Tạo Hoá trời và đất, là Chúa tể, là Thượng Đế chúng ta, là Đấng Toàn Năng đang cai trị, là Cha của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta - ai chủ trương rằng Lời Thượng Đế về cơ bản có thể ví sánh với các “thánh điển” của các tôn giáo khác, đều phạm tội thờ lạy các tà thần. Người ấy đã xô Thượng Đế xuống ngang hàng với các tà thần.
Thế thì, chúng ta đã thấy đem Lời Thượng Đế để so sánh đối chiếu với các “Kinh điển” khác, cũng dùng cùng một loại phương pháp so sánh đối chiếu - vốn là căn bản trong thần học phê bình sử tính - tương đương với việc thờ lạy các tà thần đáng ghê tởm. Việc đối chiếu như thế đã khoan dung đối với các thần khác, đem chúng thêm vào với Thượng Đế, và dành cho chúng cùng một sự tôn kính, trọng vọng y như chính Ngài vậy.
Không có sai lầm.
Vì Lời được cảm ứng của Thựơng Đế, là Thánh điển, vốn không có sai lầm, chẳng những chỉ trong lãnh vực của đức tin và đời sống, mà cả trong tất cả các lãnh vực khác nữa. Hễ đến bất kỳ một điểm nào có một vấn đề nào đó nảy sinh, thì Lời Thượng Đế vốn có giá trị, chứ không phải là điều mà chúng ta cho là cái nhìn xuyên suốt, thông tuệ của chúng ta.
Chính Thượng Đế từng nhấn mạnh: “Ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn” (Gie Gr 1:12). Há Ngài cũng chẳng tỉnh thức trên Lời Ngài đang khi nó được viết ra và trong việc sưu tập các văn phẩm hay sao? Lời Thượng Đế cũng vạch rõ: “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy. Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tuỳ ý Ngài muốn” (ChCn 20:1). Thế Ngài há chẳng bảo vệ tấm lòng của những người đã được cảm ứng để khỏi đưa điều sai lầm nhầm lẫn vào trong Thánh điển, vốn là hậu quả của kiến thức và sự khôn ngoan bị giới hạn của loài người hay sao? Ai dám bảo rằng Thượng Đế bất năng hay chểnh mãng trong vấn đề này?
IITi 2Tm 3:16-17 khẳng định rõ ràng rằng trong Thánh điển chẳng có gì sai lầm hay giả dối cả. Nếu không, thật là khó có thể nói được rằng “Cả Thánh Kinh đều được Thượng Đế cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công chính. Sai lầm và giả dối chẳng hề phục vụ được cho một chủ đích như thế bao giờ. Làm sao chúng ta dám nói rằng trong Lời Thượng Đế có nhiều sai lầm trong một lãnh vực nào đó liên hệ đến khoa học tự nhiên - khi mà các phát kiến khoa học của chúng ta ngày hôm qua, hôm kia đến hôm nay lại đã là lỗi thời rồi? Thật khốn nạn cho chúng ta thay, nếu chúng ta dám cả gan liều lĩnh như thế! Chùng ta há chẳng cảm thấy vô cùng xấu hổ khi nói rằng: “Đây là một chỗ sai lầm trong Lời Thượng Đế” hay sao? Làm thế nào để chúng ta có thể chịu nổi đôi mắt rực lửa của Chúa Giê-xu vào một ngày gần đây. Khi chúng ta biết được rằng những quyển sách truyền bá những điều như thế đều bị thiêu huỷ như rơm rác? Xin chúng ta hãy quay lưng lại đối với con đường tai hại đó, và tìm chỗ trú ẩn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu!
Lời Thượng Đế đã thấu rõ cả ngành thần học hiện đại từ rất lâu rồi. EsIs 32:5 đã ám chỉ một tình hình trong đó con người bình dân (nguyên văn; kẻ dại dột) - không phải ám chỉ một người kém thông minh mà đúng hơn là kẻ chối bỏ uy quyền của Thượng Đế - sẽ được xưng là cao trọng, còn kẻ vô lại lường gạt được tôn trọng đề cao. Bản thân chúng ta há chẳng phải là những kẻ vô đạo dại dột khi chủ trương về Lời Thượng Đế dường như chẳng hề có Thượng Đế, hay sao? Thế nhưng đó lại đúng là việc mà ngành thần học phê bình sử tính đang làm! Chúng ta há chẳng phải là những kẻ lừa đảo ranh ma hay sao, khi bằng cách tiếp cận Kinh điển, chúng ta lại bảo rằng Lời Thượng Đế là giả dối, khiến cả hội chúng đều không còn tin nhận rằng bộ sách ấy là thuần khiết, không tì vết nữa? Tuy nhiên, các thần học gia đều gian lận trong việc thay đổi Lời Thượng Đế khiến các thành viên của Hội thánh nhận được đá thay cho bánh, thuốc độc thay cho nước, hiện đang được chào mừng như những nhà quý tộc; họ được xem là những nhà khoa học khả kính, họ được Hội thánh và thế gian trọng vọng đề cao. Họ được dành cho những địa vị cao trọng. Họ nhận được tước hiệu. Họ trở thành tiến sĩ, giáo sư và thường được gọi là giám mục nữa.
Nhưng Lời Thượng Đế đề cập các cá nhân ấy như sau: “Vì kẻ dại dột sẽ nói những lời dại dột, lòng họ xiêu về sự gian dối, đặng phạm các tội ác, đặng nói những sự sai lầm nghịch cùng Đức Giê-hô-va, đặng làm cho kẻ đói trống bụng và kẻ khát hết đồ uống. Kẻ rít róng dùng những khí giới gian tà, toan những mưu gian, lấy sự nói dối đặng làm hại người nu mì, và làm hại kẻ nghèo dầu nói lẽ công chính” (EsIs 32:6, 7). Tình hình hiện tại cho thấy đúng như thế: Lời Thượng Đế đã bị phong trào phê bình sử tính kết án là phạm tội ngoại tình, bỏ mặc cho linh hồn kẻ đói khát lâm vào tình trạng rỗng tuếch. Kẻ khát nước sự sống là Lời hằng sống của Thượng Đế bị ngăn chận không cho uống. Khi có một người nhu mì biết hạ mình xuống tiếp nhận sự dạy dỗ của Lời Thượng Đế muốn tiếp nhận điều mà mình được quyền tiếp nhận, thì người ấy bị phản đối kịch liệt - nhân danh khoa học. Căn cứ vào các giấy tờ chứng minh thành tích, thì người ấy chỉ là một kẻ cùng đinh: Anh ta chưa hoàn tất phần học vấn theo hình thức, chẳng có chức tước gì, và không nêu ra được chứng cứ gì để qua nổi một kỳ thi trước một con người có uy quyền.
Nhưng sự việc sẽ không thể tồn tại mãi như thế, vì thế Chúa Cứu thế Giê-xu cần phải hiện ra: “Này, sẽ có một vua lấy nghĩa trị vì, các quan trưởng lấy lẽ công bình mà cai trị. Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi. Bấy giờ mắt của kẻ xem sẽ không mờ, tai của kẻ nghe sẽ chăm chỉ. Lòng của người hớp tớp sẽ hiểu sự khôn ngoan; lưỡi của người cà lăm sẽ nói dễ và rõ. Kẻ dại dột sẽ chẳng được xưng là cao sang, người rít róng chẳng được xưng là rộng rãi” (EsIs 32:1-5).
Nguyện nhờ ân phúc Thượng Đế, chúng ta sẽ có được kiến thức để trở thành những con người quý tộc chân chính, có những kế hoạch cao sang và những việc làm cao sang (32:8). Chừng đó, linh hồn những người đói khát sẽ không cứ bị trống rỗng mãi. Nước sẽ không còn bị giữ lại đối với kẻ đang khao khát nữa. Kẻ nhu mì sẽ không còn bị lời dối trá huỷ diệt nữa.
Lời Thượng Đế vốn đồng nhất.
Lời Thượng Đế vốn đồng nhất và nhất quán; nó hoàn toàn và trọn vẹn là Lời Thượng Đế. Phân loại, sắp xếp lại các thành phần khác nhau trong đó căn cứ vào chính hệ thống thẩm định giá trị của chúng ta là hỗn xược. Thế nhưng phương thức chuẩn mực trong ngành thần học phê bình sử tính, là gán cho nhiều thành phần khác nhau trong Lời Thượng Đế cấp bậc giá trị khác nhau. Một vài đoạn trong Kinh điển được biến thành một cây thước đo để thẩm định giá trị và hạ giá phần còn lại. Làm như thế là người ta đang tìm cách “thực hiện một công tác điển chế bên trong một uỷ ban điển chế” (a canon within a canon) và sử dụng phương pháp phê bình đã được đề cập làm một Sachkritik.
Chúng tôi xin kể ra hai thí dụ về việc này. Trong thí dụ tứ nhất cái được gọi là thế mạt luận đã được biết trước (realized eschatology) trong sách Phúc âm Giăng đã được đem ra để đối chọi với thế mạt luận vị lai (futuristix eschatology) trong ba sách phúc âm kia vốn được gọi là cọng quan. Nhưng muốn làm việc ấy người ta phải chú trọng vào những câu trong sách Phúc âm Giăng không phù hợp với điều đã được cho là thế mạt luận đã được biết trước. Điều này đòi hỏi phải giả thiết có một “biên tập viên là nhà truyền đạo bị cho là đã “nhét” nhiều câu xung khắc, đối chọi nhau, xen kẽ với cách nhìn của chính Giăng.
Trong thí dụ thứ hai, những câu đề cập Chúa Cứu Thế trong thư La-mã được đưa ra để đối chọi với cái gọi là khoa học về Chúa Cứu Thế trên cấp bậc vũ trụ (cosmic Christology) của hai thư Ê-phê-sô và Cơ-lô-se. Điều này cho phép đặt hai thư Ê-phê-sô và Cơ-lô-se riêng ra, xem như không phải là của Phao-lô và do đó, là có giá trị thấp kém hơn, vì các văn phẩm của chính Phao-lô thì được xếp hạng cao hơn những gì bị cho là các văn phẩm bị giả mạo, cho là của Phao-lô.
Khi kẻ thù không khiến được hoà toàn xây khỏi Lời Thượng Đế, nó cố tìm cách lừa phỉnh chúng ta bằng cách lợi dụng thói kiêu căng trong cách đánh giá của chính chúng ta. Nó đã thành công trong việc ấy ngay cả với Martin Luther, người từng hạ thấp giá trị của thư Gia-cơ bằng việc gọi thư tín ấy là “một thư tín rơm rác” và ông đã được ngành thần học phê bình sử tính suy tôn thành nhân chứng ngôi sao. Xin chúng ta hãy đề cao cảnh giác, vì “tên đại thù của anh em... (đang)... lảng vảng chung quanh anh em như sư tử gầm thét tìm mồi, chực vơ được người nào là xé xác ngay” (IPhi 1Pr 5:8).
Người nào sử dụng phương pháp Sachkritik để chọn từ trong Lời Thượng Đế ra điều gì mình cho là có tính cách quy phạm, chuẩn mực (normative) thì cũng giống một kẻ tác tạo ra một thần tượng. Thật dại dột biết bao khi kẻ vốn chỉ là một con người đòi hỏi phải ăn uống để tồn tại, lại tự nhận lấy cái công việc là tạo ra một vị thần. Hắn tạo ra vị thần ấy theo chính hình tượng của hắn, phản ảnh các giới hạn của loài người, lẽ tất nhiên là phải sử dụng phần nguyên liệu thô của Thượng Đế là Đấng đã tạo nên trời đất, và cả đến chính kẻ ấy nữa. Cùng một thứ nguyên liệu cần thiết để thoả mãn các nhu cầu của thân xác, lại được dùng để tạo ra một vị thần để thờ lạy:
“Những thợ chạm tượng đều là hư vô, việc họ rất ưa thích chẳng có ích gì. Những kẻ làm chứng của họ không thấy và không biết, để họ mang xấu hổ. Ai là kẻ tạo một vì thần, đúc một tượng, mà không có ích chi? Này mọi kẻ làm bạn về việc đó sẽ bị nhục, những thợ đó chẳng qua là loài người! Họ hãy nhóm lại hết thảy và đứng lên! Chắc sẽ cùng nhau bị kinh hãi và xấu hổ. Thợ rèn lấy một thỏi sắt nướng trên than lửa; dùng búa mà đập, dùng cánh tay mạnh mà làm; mặc dầu đói và kém sức; không uống nước và kiệt cả người. Thợ mộc giăng dây; dùng phấn mà gạch; đẽo bằng cái chàng, đo bằng cái nhíp; làm nên tượng người, giống hình người tốt đẹp, để ở trong một cái nhà. Lại đi đốn cây bách; lấy cây lật, cây dẽ, mà mình đã chọn trong các thứ cây trên rừng; trồng cây thông, mưa xuống làm cho lớn lên. Gỗ ấy người ta sẽ dùng mà chụm, lấy về mà sưởi. Cũng dùng để đun lửa hấp bánh; lại cũng lấy mà làm một vì thần, rồi thờ lạy nó, làm nó nên một tượng chạm mà quỳ lạy trước mặt nó họ chụm đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng mà nướng thịt, ăn cho no; hoặc sưởi cho ấm, và nói rằng: Hà! này ta sưởi đây, ta thấy ngọn lửa! Đoạn, gỗ còn thừa lại, làm một vì thần, tức là tượng chạm mình; cúi mình trước mặt nó mà thờ lạy, cầu nguyện nó mà rằng: Xin giải cứu tôi, vì ngài là thần của tôi!..” (EsIs 44:9-17).
Tôi há đã không phải là một kẻ thờ thần tượng rồi, nếu tôi lấy đất, đá hay gỗ để làm ra Thượng Đế của mình. Tôi há đã không phải là một kẻ thờ thần tượng rồi, nếu tôi sử dụng Lời Thượng Đế làm một bức tượng bằng kim khí, một con thú bằng đá, hay một hình chạm bằng gỗ, hay sao? Khi tôi lấy Lời Thượng Đế mà tôi tuỳ tiện dùng lý trí con người của tôi để ráp nối lại thành một vị thần theo cách nhìn giới hạn mà tôi cho là thông tuệ của mình, thì há không phải là thờ thần tượng hay sao?
Cùng một sự hiểu biết để một người chọn mua một chiếc ô tô, đài thọ một ngôi nhà quyết định xem nên đặt chiếc bếp ga hay lò sưởi hiện tại đâu, và để mưu sinh đã đủ để người ấy tạo ra một Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế phán: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển ta cho một đấng nào khác cũng không nhường sự tôn trọng ta cho những tượng chạm” (42:8). Hoặc hơn nữa: “Song những kẻ cậy các tượng chạm, xưng các tượng đúc rằng: Các ngài là thần chúng tôi, thì đều sẽ giựt lùi và mang xấu hổ” (42:17). Làm như thế phải chăng là chẳng khác gì người ta có thể nhờ cậy vào một vị thần do chính mình tự tạo ra trong nhà, trong khi thật ra thì điều cần thiết là sự giải cứu của Thượng Đế? Chắc chắn là không phải vậy! Có thể nào có người chủ trương về Lời Thượng Đế như thế mà lại suy gẫm xem chẳng hay mình đang thật sự tin cậy Thượng Đế, hay đúng ra là mình chỉ tìm an toàn nơi các đồ vật của đời này?
Nguyện chúng ta biết kinh ngạc và run sợ khi một sự thờ lạy thần tượng như thế lại đang rất phổ biến giữa vòng dân sự của Thượng Đế ngày nay. Xin chúng ta hãy lắng nghe lời ta thán của Thượng Đế: “Có nước nào thay đổi thần của mình, mặc dầu ấy chẳng phải là thần không? Nhưng dân ta đã đổi vinh hiển mình lấy vật vô ích! Hỡi các từng trời, hãy lấy làm lạ về sự đó; hãy kinh hãi gớm ghê hãy rất tiêu điều, Đức Giê-hô-va phán: Dân ta đã làm hai điều ác: chúng nó đã lìa bỏ ta, là nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được” (Gie Gr 2:11-13).
Nếu chúng ta đã quay đầu về hướng sai lầm xin chúng ta hãy đổi ngược hướng đi. Xin chúng ta hãy cầu xin Thượng Đế chỉ cho chúng ta sự sai lầm của mình. Thường thường thì chỉ do những bắt đầu thật nhỏ mà chúng ta đã đi sai đường. Sự sai lầm thoạt tiên có thể là rất nhỏ nhặt, nhưng lần lần chúng ta sẽ thấy rõ là mình đang dấn thân trên hướng đi sai lầm - ở đây là đôi câu tình cờ tìm thấy trong Lời Thựơng Đế ở kia là một cái nhún vai, có khi là một sự dè dặt, là việc chấp nhận một vài tư tưởng phê bình tự chúng gợi về những vấn đề mà hoặc chúng ta đã nói, hoặc chưa nói là đang có. Bỗng nhiên, đối với chúng ta, Kinh Thánh không còn trọn vẹn là Lời thiêng liêng của Thượng Đế hằng sống nữa.
Nếu chúng ta đã đi sai lạc, xin hãy đến với thập tự giá. Chúa Giê-xu của chúng ta cũng đã từng đổ huyết Ngài ra cho chính tội này nữa.
Lời linh cảm của Thượng Đế, vốn có nhiều trước giả, nhưng cuối cùng chỉ có một nguồn gốc phát sinh là từ Thượng Đế, phơi bày một nhất quán tính kỳ diệu. Ngay khi tôi lấy đức tin chấp nhận lời tự làm chứng của Lời Thượng Đế về sự cảm ứng của Kinh điển, tôi bắt đầu nhận thức được nhất quán tính kỳ diệu ấy. Cả cấu trúc của những lời hứa liên hệ đến Chúa và Cứu Chúa Giê-xu của chúng ta và sự ứng nghiệm của những lời hứa ấy thật quang vinh biết bao. Sự nhất trí giữa Exe Ed 16:1-63 và LuLc 15:1-32, giữa GiGa 10:1-18 với Exe Ed 34:11-16 thật quý báu biết bao. Tất cả những gì đã được nhập chung lại trong Khải thị mà phần lớn đã được các nhà tiên tri Cựu ước bảo trước cả rồi, thật kỳ diệu biết bao. Có một bức màn che mờ tầm nhìn của một vài người đối với mọi điều đó, khiến họ không thể thấy được (xem IICo 2Cr 3:14, 15) nhưng Thánh Linh mở Lời Thượng Đế ra cho người nào không còn bất tuân Lời ấy nữa.
Người nào không chịu thấy Lời Chúa như một khối nhất quán chỉ do một nguồn gốc phát sinh mà thôi, trong đó mỗi pha8n đều bổ sung cho một phần khác, nhưng trái lại,x em đó như một tuyển tập của nhiều nhà văn rời rạc mà người ta cần phải chịu khó tách bạch ra các vóc dáng trắc diện của họ - thì người ấy sẽ không thể lãnh hội được nhất quán tính của Lời Thượng Đế. Người ấy đang cố tình đem Tân ước ra để chống lại Cựu ước đưa Phao-lô ra để chống lại Gia-cơ, lấy SaSt 1:1-31 chống lại 2:1-25; ICo1Cr 15:1-58 chống lại GiGa 5:1-47. người ấy cho rằng 2:1-25 có một quan niệm về Thượng Đế khác hơn IVua 1V 18:1-46, và Thượng Đế của Chúa Giê-xu đề cập không phải chính là Thượng Đế của Cựu ước.
Như đã vạch rõ, lý do của những phê phán sai lầm như thế, là vì người ta đã bắt đau quan niệm về Thượng Đế như là một sản phẩm của trí tưởng tượng của loài người, vốn quá nhỏ bé để có thể chứa đựng trọn vẹn sự đầy đủ và tự mặc khải của Thượng Đế trong Lời Ngài. Thêm vào đó, thường cũng có một sự thiếu ý thức xuyên suốt về tính cách toàn diện của Lời Thượng Đế do việc chuyên môn hoá đến mức cực đoan, vốn là một nét đặc trưng cứng nhắc của khoa phê bình thần học và Thánh Kinh. Với bất cứ ai thật sự biết rõ Cựu ước, chứ không phải chỉ có một quan niệm ngẫu nhiên nào đó về bộ sách ấy mà thôi, thì hoàn toàn không thể nào đưa nó ra để chống lại Tân ước, và ngược lại.
Lời Thượng Đế vốn thuỷ chung như nhất.
Bức thông điệp trong Lời Thượng Đế vẫn trứơc sau như một qua các thời đại của kẻ thù, điều mà nó lợi dụng để lôi kéo người ta xa lìa Lời Thượng Đế, là giáo thuyết chủ trương rằng về phương diện lịch sử thì nhân loại vốn đã bị định đoạt trước rồi. Nó bảo rằng số phận con người bị gói ghém trong bất cứ giai đoạn nào mà nó đang sống. Các quan niệm về đức tin cho một thế hệ này vốn khác hẳn các quan niệm của những thế hệ đi trước vì các hoàn cảnh ngoại tại đã thay đổi và đã có tiến bộ về phương diện kỹ thuật. Theo quan điểm này, thì vấn đề tiến bộ từ việc dùng con dao thô sơ để gặt lúa, đến chỗ sử dụng máy gặt đập liên hợp vốn chẳng quan trọng bao nhiêu. Chủ trương ấy chỉ đơn giản là vì mỗi một thế hệ đều phải tự khám phá ra bước tiến của mình để đến với Thượng Đế, những cách lý giải Kinh điển của riêng mình và giáo lý của riêng mình về Chúa Cứu thế. Nó chủ trương rằng Lời Thượng Đế đòi hỏi cứ phải được lý giải lại luôn dưới ánh sáng của mọi sự việc xảy ra. Điều vốn có lần có giá trị sẽ bị xem là lỗi thời, và điều này gồm luôn cả Lời Thượng Đế nữa. Các phương tiện sản xuất và điều kiện xã hội khác đều vẫn thay đổi luôn, do đó, chúng ta không nên hiểu Lời Thượng Đế theo nghĩa đen như nó xuất hiện dưới mắt chúng ta trên một trang sách. Trái lại, chúng ta chỉ có thể chấp nhận nó bằng một tiến trình lý giải với những đỉnh cao (vẫn) còn được cho là thích hợp với chúng ta mà thôi.
Tuy nhiên, Lời Thượng Đế vẫn nói cùng một điều giống nhau cho những con ngời của thế kỷ hai mươi, như đã phán dạy những con người đầu tiên. Con ngời ngày nay vẫn ứng hầu trước mặt Thượng Đế chẳng khác gì hơn hồi hai ngàn năm về trước. Các phương tiện sản xuất của thời đại kỹ thuật không hề thay đổi được phần thể chất thiết yếu cấu tạo nên con người. Vào thời của Lót và Nô-ê thể nào, thì hiện nay cũng thế: thiên hạ vẫn ăn uống, mua bán, trồng trọt, cưới gả (xem LuLc 17:27-30). Người ta bảo rằng đừng trông mong con người hiện đại tin vào sự sống lại từ kẻ chết và các phép lạ, vào các thiên sứ và ma quỉ, vì thời hiện đại là thời đại của kỹ thuật, của vô tuyến điện và tủ lạnh, của đèn điện và ô tô. Thế nhưng, cũng chính những con người hiện đại ấy hiện đang ngã qụy trước những mê tín dị đoan giống như thế của những gì chúng ta chưa hề thấy trong các thế kỷ đã qua. Nhiều người đang tin cậy vào bùa cú và lá số tử vi, và tìm cầu sự chỉ dẫn của các thầy bói. Dấn thân vào việc thờ cúng Sa-tan dứt khoát là phong trào đang lên.
Vâng, Lời Thượng Đế vốn biết rõ con người, thậm chí con người đương đại nữa. Và Thượng Đế từng nói tiên tri trong Lời Ngài về ý nghĩa của việc con người đương đại khác với con người của những thời đại đã qua.
“Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hoà thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó. những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi. Trong bọn họ có kẻ lẻn vào các nhà, quyến dụ lòng những người đờn bà mang tội lỗi, bị bao nhiêu tình dục xui khiến; vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được. Xưa kia Gian-nét với Giam-be chống trả Môi-se thể nào, thì những kẻ này cũng chống trả lẽ thật thể ấy: lòng họ hoại bại, đức tin họ không thể chịu thử thách được” (IITi 2Tm 3:1-8).
Luận án chủ trương rằng Lời Thượng Đế lệ thuộc cách lý giải của từng thế hệ một, và mỗi một thế hệ đều cần có cách lý giải riêng của mình là trái ngược với chân lý. Sự cần thiết phải lý giải Lời Thượng Đế là một ngón lừa đảo của nền thần học phê bình sử tính, không chịu chấp nhận Lời y như nó vốn có, và do đó, cần phải cố gắng thêm nữa. Vì nền thần học này cũng không chịu xem Lời Thượng Đế như một toàn khối nhất quán, nó không thể lợi dụng cái nguyên tắc rằng Kinh điển chính là người lý giải mình. Và vì nó không xem Đức Thánh Linh là nguồn từ đó Kinh điển xuất phát, nó không thể từng trải được việc Ngài làm người lý giải cho mình. Thêm vào đó, thần học phê bình sử tính đã bị sự ngu dốt gây trở ngại, vì nhà thần học nói chung chỉ ý thức được những phần nhỏ bé của quyển Thánh Kinh mà ông ta nghiên cứu thường xuyên phù hợp với khuynh hướng phổ biến là trở thành một nhà chuyên môn. Quy luật là ông ta biết rõ nhiều sách liên quan đến khu vực mà ông ta quan tâm, nhưng ông ta không hề biết rõ quyển Thánh Kinh của mình.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể bỏ qua phần ghi nhận rằng những vị giáo sư trung thực với quyển Thánh Kinh của mình, đang dạy dỗ chúng ta bằng Lời Thượng Đế, vốn được ân tứ do Thượng Đế ban cho (Eph Ep 4:11). Chúng ta chẳng cần gì phải gièm pha phần phục vụ của họ và phần mà các sách vở đã giúp đỡ cho họ.
Lời Thượng Đế vốn được mặc khải.
Lời Thượng Đế là sản phẩm của sự mặc khải tiệm tiến. Áp-ra-ham và Nô-ê đều chưa có luật pháp, còn Chúa Giê-xy của chúng ta từng nói về các nhà tiên tri và người công chính của Cựu ước rằng: “Quả thật ta nói cùng các người, có nhiều đấng tiên tri, nhiều người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng được thấy; ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng được nghe” (Mat Mt 13:17). “Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được” (HeDt 10:1). Cần phải phân biệt thành Giê-ru-sa-lem ở dưới đất và trên trời (GaGl 4:25-27) và về một mặt ta cần lưu ý những gì đã được viết cho hậu duệ của Áp-ra-ham theo phần xác, với mặt khác là gì đã được viết cho các con cái của lời hứa (RoRm 4:16; GaGl 4:28). Lời Thượng Đế cần phải được hiểu thật chính xác (ITi1Tm 2:15). Chúng ta phải luôn luôn đặt trước mặt mình kế hoạch cứu rỗi tối cao của Thượng Đế.
Chính Lời Thượng Đế chỉ dạy để chúng ta biết đọc nó thật đúng. Cả Thánh Kinh đều được Thượng Đế cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện người theo sự công chính...” (IITi 2Tm 3:16). Nó dạy ta cách phải hiểu những phần ký thuật chứa đựng trong Cựu ước:
“Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, chịu Môi-se làm phép báp-tem trong đám mây và dưới biển, ăn một thứ ăn thiêng liêng; và uống một thứ uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ. Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng. Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình dục xấu, như chính tổ phụ chúng ta đã buông mình. Cũng đừng thờ hình tượng nữa, như mấy người trong họ, theo lời chép rằng: Dân sự ngồi mà ăn uống, rồi đứng dậy mà chơi dỡn. Chúng ta chớ dâm dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng. Cũng chớ thử thách Chúa như mấy người trong họ đã thử thách mà bị loài rắn huỷ diệt. Lại cũng chớ lằm bằm như mấy người trong họ đã lằm bằm mà bị chết bởi kẻ huỷ diệt. Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời”. (ICo1Cr 10:1-11).
Chúng ta cũng được truyền dạy phải tìm kiếm Chúa Cứu Thế trong Kinh điển. 10:4 chép: Vầng đá ấy là Chúa Cứu thế”. “Các ông nghiên cứu Thánh Kinh, vì tưởng nhờ cố gắng học hỏi mà được sự sống vĩnh cửu. Chính Thánh Kinh cũng làm chứng về tội” (GiGa 5:39).
Lời Thượng Đế đã dạy rõ đủ rằng những gì được ghi chép trong đó dành cho việc gì, và làm thế nào để chúng ta có thể sử dụng chúng thật thích đáng: “Tất cả những lời ghi chép trong Thánh Kinh cốt để dạy dỗ an ủi chúng ta, rèn luyện tính kiên nhẫn và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng tràn đầy” (RoRm 15:4). Nếu chúng ta noi theo những lời giáo huấn ấy, chúng ta sẽ sử dụng đúng Lời Thượng Đế, và việc chuyên cần học hỏi nghiên cứu Kinh điển sẽ có kết quả tốt đẹp.
Lời Thượng Đế vốn đầy đủ.
Lời Thượng Đế là vừa đủ: nó hoàn toàn đầy đủ cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại và mọi hoàn cảnh: “Suối Đức Chúa Trời đầy nước” (Thi Tv 65:9). Chúng ta chẳng bao giờ vét cạn vắt kiệt được Lời Thượng Đế. Những hoàn cảnh mà rất có thể là các trước giả viết Lời Thượg Đế chẳng biết chi cả đều được Thánh Linh của Thượng Đế suy xét. Những việc mà chỉ mới mấy năm trước đây chưa hề được ai biết đến đã được viết ra từ hai hoặc ba ngàn năm trước rồi. Như điều đã được viết trong DaDn 12:8-9 “Ta, Đa-ni-ên, nghe những điều đó, nhưng ta không hiểu. Và ta nói rằng: Lạy Chúa, cuối cùng những sự này sẽ ra thể nào? Người trả lời rằng: Hỡi Đa-ni-ên, hãy đi, bởi vì những lời ày đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối cùng”.
Lời Thượng Đế đòi hỏi không được thêm vào dù là bằng tâm lý học hay tâm lý học chiều sâu, hoặc bằng lý thuyết giáo dục hiện đại. Lời Thượng Đế vốn biết rõ con người hơn cả điều mà tâm lý học hay tâm lý học chiều sâu có thể biết. Điều gì các ngành học ấy khám phá ra được mà đúng với chân lý, thì Lời Thượng Đế đã đạt được từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, một phần lớn những gì mà tâm lý học và tâm lý học theo chiều sâu nắm được, đều có đặc tính chống lại Cơ Đốc giáo và đối lập với Lời Thượng Đế.
Trong những trường hợp có một ai đó cảm thấy mình bị thúc đẩy nói ngược lại với Lời Thượng Đế do đó được cái nhìn thông tuệ hơn hoặc được ơn thương xót lớn hơn - thí dụ trong vấn đề liên hệ đến tình dục tiền hơn nhân, hay về hôn nhân và ly dị - tất cả cuối cùng rồi sẽ dẫn đến hậu quả thê thảm khôn lường. Cùng một sự việc nư thế cũng xảy ra đối với lý thuyết giáo dục hiện đại. Nhiều người đã tưởng rằng họ có thể sinh con cái bằng cách từ bỏ các nguyên tắc về sinh con đẻ cái mà Lời Thượng Đế đã dạy bảo chúng ta. Trong khi chờ đợi, các sản phẩm của lối giáo dục như thế đã rõ ràng đủ để cho thấy rằng Thượng Đế vốn biết rõ hơn những gì có thể làm ích lợi cho xã hội. Chẳng hạn như Thượng Đế từng dạy: “Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ; Song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó" (ChCn 22:15). “Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt. Ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ” (23:13, 14). “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó” (13:24).
Lý thuyết giáo dục hiện đại rêu rao là mình biết rõ hơn thế. Nó dạy rằng không nên trừng phạt thân xác trẻ con, nhất là bằng “roi vọt”. Ngày nay có người thậm chí còn đi xa hơn nữa để chủ trương rằng tốt hơn hết là không nên trừng phạt trẻ con chi cả, mà trái lại, hãy để cho chúng tự phát triển lấy tuỳ thích. Nhưng hãy nhìn vào một thế hệ thanh thiếu niên mà chúng ta đã sản sinh, những thanh thiếu niên không thể đảm nhận một trách nhiệm nào cả để tự sống một nếp sống của một con người bình thường. Chúng không thể chống lại việc lao vào bất kỳ một cảm giác khoái lạc xác thịt nào, cũng không thể chịu đựng được việc gì mà chúng không thích. Nhiều thanh thiếu niên đang sa vào nạn nghiện ma tuý và rượu chè, một số thậm chí đang chế dần chết mòn vì sử dụng quá liều lượng, và một số đông khác nữa, cuối cùng đã phải bị đưa vào các nhà an dưỡng.
Lời Thượng Đế cũng chẳng cần được xã hội bổ sung. Thượng Đế vốn biết nhiều về con người và các mối liên hệ khác nhau giữa họ, hơn cả điều mà các suy luận duy lý của chúng ta có thể dò thấu. Lời Thượng Đế cũng chẳng cần được các khoa học tự nhiên sửa sai. Việc đã xảy ra là nhiều quan điểm của khoa học tự nhiên trước đây từng được dùng để đánh đổ Thánh kinh, nay lại được chứng nghiệm là vô giá trị bởi các phát kiến khoa học gần đây.
Vậy, xin chúng ta hãy như chàng thanh niên Đa-ni-ên mà từ chối khẩu phần do thế gian cung cấp như những thức ăn bên cạnh Lời Thượng Đế. Điều chắc chắn là chúng ta không hề bị suy dinh dưỡng, so với những người dùng các khẩu phần của nhà vua về sự khôn ngoan của đời này (DaDn 1:10). Trái lại, chúng ta còn vượt trội hơn trong các vấn đề về học thức để trở nên sáng suốt và khôn ngoan (1:20). “Các lời của Đức Giê-hô-va đều đã thét luyện: Ngài là cái thuẫn đỡ cho người nương cậy nơi Ngài” (ChCn 30:5).
Lời Thượng Đế cũng chẳng cần đến kinh nghiệm của chúng ta để được tăng thêm. Các từng trải vô tiền khoáng hậu trong trong Lời Thượng Đế chẳng cần chi phải tự hợp lý hoá căn cứ vào Lời ấy. Ngay đến việc vận dụng các ân tứ của Đức Thánh Linh cũng phải bị chối bỏ nếu nó có thêm chút chi vào Lời Thượng Đế bằng cách rêu rao là đưa ra những lời tiên tri có giá trị mặc khải, có uy quyền ngang hàng với Lời ấy.
Lời Thượng Đế rất linh nghiệm.
“Vì gài phán thì việc liền có; Ngài biểu thì vật liền đứng vững” (Thi Tv 33:9). Nhưng sự linh nghiệm đó chỉ tự biểu hiện nơi nào Lời ấy được tiếp nhận bằng đức tin đơn sơ. Chính vì thế mà đã có quá nhiều phép lạ xảy ra tại những nơi mà xưa kia có người đã cay cú đặt câu hỏi: “Mà chi, Đức Chúa Trời há có phán dặn...?” (SaSt 3:1), khi việc tổng quát hoá của hoài nghi chủ nghĩa trong các lãnh vực thần học tâm lý học,xã hội học và khoa phê bình sử tính vẫn chưa len lỏi vào. Chính vì thế mà nhiều người chỉ đặt đức tin một cách đơn sơ vào Lời Thượng Đế, lại từng trải được nhiều phép lạ cả tại Tây phương nữa.
Có hai sai lầm cần phải tránh. Cả hai đều được Gia Gc 4:2-3 đề cập: “Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình”.
Điều kiện tiên quyết cho việc ầu xin là đã được truyền dạy và quen thuộc với Lời Thượng Đế. Tôi phải biết Thượng Đế muốn ban cho điều gì để có thể cầu xin. Tất cả những gì không đi đôi với Lời Thượng Đế qua các lý thuyết thần học (thí dụ như Thượng Đế không muốn làm việc theo một cách thức nào đó ngày nay nữa; như những việc ấy chỉ được thực hiện vào thời của các sứ đồ mà thôi) hay qua cách đánh giá bằng phương pháp phê bình căn cứ trên kinh nghiệm hằng ngày, vốn có nhiều hàm ý hết sức rộng rãi: “Sở dĩ bạn không có được, vì bạn không cầu xin Thượng Đế”. Thậm chí dành chỗ cho sự hoài nghi chẳng hay Thượng Đế có muốn ban cho một điều gì đó hay không, cũng tạo ra nhiều hậu quả tai hại. Lời Thượng Đế dạy: “Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa; ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định” (1:6-8). Do thiếu lòng trông mong, chúng ta ngăn trở Thượng Đế ban cho mình những gì Ngài rất muốn ban cho và những gì Ngài đã có hứa trong Lời Ngài. Chúng ta ngăn trở Lời Ngài đến nỗi nó không thể linh nghiệm theo như ý Ngài muốn. Sự sai lầm kia, là cầu xin “do các động cơ thúc đẩy sai lầm”. Việc này xảy ra khi chúng ta cầu xin Thượng Đế dường như chúng ta sẽ truy đuổi Ngài để có được điều mình muốn, chỉ nghĩ đến trước hết việc hoàn thành các ước muốn tự phục vụ bản thân của chúng ta, chứ không phải là vì nước Ngài. Như thế là chúng ta bắt buộc Thượng Đế phải từ chối ban cho chúng ta điều Ngài đã hứa trong Lời Ngài. Một lần nữa, chúng ta đã ngăn trở Lời Thượng Đế để nó không thể linh nghiệm như ý Ngài mong muốn.
Lời Thượng Đế phản ảnh Thượng Đế.
Đọc trong Lời Thượng Đế, chúng ta có thể nhận thấy tấm lòng Ngài và các nguyên tắc hướng dẫn hành động của Ngài. Sau đây là hai thí dụ về điều đó:
Chúng ta có thể nhận thấy lòng nhân từ thương xót của Thượng Đế là vĩ đại như thế nào, cũng như tình yêu thương sẵn sàng cứu rỗi của Ngài khi chú ý cách Ngài đã đối xử với A-háp. Kinh Thánh đã chép về A-háp rằng: “Quả thật, chẳng ai giống như A-háp, buông mình làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, vì bị hoàng hậu Giê-sa-bên xu giục người” (IVua 1V 21:25). Lúc A-háp đi thanh sát vườn nho vua ấy đã có được nhờ giết Na-bốt, nhà tiên tri Ê-li đã đến gặp vua ấy để tuyên bố án phạt của Thượng Đế đối với vua ấy và nhà người: “A-háp nghe lời của Ê-li nói, bèn xé quần áo mình; lấy bao mặc cho mình và nhịn đói; nằm vấn bao và ở khiêm nhượng. Bấy giờ, có lời của Đức Giê-hô-va phán dạy Ê-li, người Thi-sê-be, mà rằng: Ngươi có thấy thế nào A-háp hạ mình xuống trước mặt ta chăng? Bởi vì người hạ mình xuống trước mặt ta, ta không giáng hoạ trong đời nó; nhưng trong đời con trai nó ta sẽ giáng hoạ trên nhà nó” (21:27-29).
Quả thật, khi Thượng Đế kêu gọi chúng ta “Hãy chậm giận” (Gia Gc 1:19) thì trước nhất chính Ngài đã có thái độ như thế.
Bức tranh nổi bật hơn hết về cá tính của Thượng Đế đã được thấy phản ảnh trong ICo1Cr 13:4-7 “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự”.
Xin chúng ta hãy tra xét Kinh điển, và nguyền xin chúng ta hãy có phản ứng theo như cách phản ứng chúng ta thấy của tấm lòng Thượng Đế. Kiến thức chân chính về Kinh điển đưa chúng ta đến chỗ biết thờ lạy chân thành, và do Thánh Linh hướng dẫn.

PHẦN HỌC TẬP NGHIÊN CỨU TỔNG QUÁT CHO CÁC SINH VIÊN CƠ-ĐỐC NHÂN
Vì cấp đại học hiện đại vốn nẩy sinh từ tinh thần chống Cơ Đốc giáo, chúng ta đang có nhu cầu cấp bách phải mở những trung tâm giáo dục Cơ Đốc giáo có trình độ đại học.
Những nét đặc trưng then chốt của nền giáo dục mà chúng ta muốn thấy được tung ra không phải chỉ gồm các giáo sư và sinh viên vốn là những Cơ Đốc nhân nghiêm túc, tự nép mình dưới Lời Thượng Đế và cầu nguyện khi bắt đầu và kết thúc các hoạt động học tập của họ. Nó còn đòi hỏi tất cả những gì được giảng dạy và nghiên cứu đều phải được suy tư thấu đáo trên cơ sở là tính cách thực hữu của Chúa Cứu Thế Jesus, Đấng mà trong Ngài, mọi kho báu về khôn ngoan và tri thức đã được giấu kín (CoCl 2:3). Mọi ngành học riêng biệt đều phải được rút ra từ Lời Thượng Đế. Chúng ta cần một trung tâm giáo dục bị chân lý buộc chặt và được đặt trên nền tảng là chân lý.
Một sự tái định hướng các ngành học như trên là một nhiệm vụ mà việc thực hiện nó vẫn hãy còn đang đặt ở phía trước, ta sẽ cần phải có thời gian. Nhưng các giáo sư cần có động lực thúc đẩy từ bên trong hướng về đó, và những người đang hướng vào nền giáo dục cao hơn đang cần được định hướng cấp bách, trước khi họ phải phơi mình ra trước một môi trường chống Cơ Đốc giáo của các trường đại học mà họ sẽ vào để học tập nghiên cứu. Cả hai nhu cầu vừa kể đều có thể được đáp ứng đầy đủ bằng lớp học một năm dưới hình thức một trường cao đẳng Cơ Đốc giáo.
Lục cá nguyệt nhập môn do Wort und Wissen (1) đưa ra không thể được thay thế do cạnh tranh bởi phần học hỏi nghiên cứu tổng quát mà chúng tôi đã phác họa, mà chỉ được đưa vào và thu xếp trên một cơ sở nhằm mở rộng thêm ra mà thôi.
Phần “học hỏi nghiên cứu tổng quát” sẽ dễ được nhà nước thừa nhận bằng cách nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ đề nghị một phần giáo dục có trình độ nhập môn, không phải chỉ có liên hệ với ngành học mà thôi. Những nhà trường trong lãnh vực giáo dục thần học có thể đem ra để so sánh với nó, là các chương trình một niên học tại Breklum và Kraleingen.
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Có nhiều lý do để tìm cách lợi dụng các nguồn tài nguyên của một trường học do một hiệp hội Tin Lành bảo trợ, chứ không phải là của Nhà nước (2). Thứ nhất, đằng sau các trường học như thế là nhiều hội chúng có thể gánh lấy gánh nặng, họ vốn đứng vào vị trí có thể đảm trách công tác phụ trội là cầu nguyện và làm việc gian khổ. Thứ hai, cả bản thân các trường học ấy lẫn các Cơ Đốc nhân tại địa phương đã liên kết với các trường học họp lại, là một hội tụ vững chắc những nhà chuyên nghiệp đủ phẩm cách và chức trách (nghiệp vụ) chuyên môn, có thể được dùng cho trình độ nhập môn của nền giáo dục cao hơn. Điều quan trọng là các giáo sư phải là người địa phương để việc giáo dục có thể xảy ra liên tục, khỏi nguy cơ khi việc dạy dỗ chủ yếu lại do các giảng viên được mờitừ nhiều nơi khác đến thực hiện. Thứ ba, các tiện nghi và tài nguyên kỹ thuật của những trường học như thế nhiều khi lại cao hơn các tiện nghi và tài nguyên kỹ thuật có được nơi các giáo sư cao đẳng được chính thức thừa nhận. Dù sao, dường như họ cũng có thể đáp ứng đầy đủ cho các hoạt động của các sinh viên trong hai lục cá nguyệt đầu tiên. Thứ tư, theo thông lệ các phòng học là của những trường học không được dùng đến vào buổi chiều, và một số vẫn để trống cả buổi sáng nữa.
SINH HOẠT ĐỘNG ĐỒNG
Vì trường cao đẳng theo nguyên tắc căn bản vốn được định nghĩa là nhằm mục đích đào tạo môn đệ, và vì các sinh viên phải thực tập trong cấp học nầy bằng cách tự ràng buộc mình vào sinh hoạt cộng đồng, trường cao đẳng cần có nhiều hơn là chỉ có một ngôi trường làm trung tâm giáo dục mà thôi: nó còn cần đến tính cách phức tạp của chính cộng đồng của mình để dùng làm một trung tâm sinh hoạt. Về lâu về dài, điều dường như rất phải lẽ, là nên lập kế hoạch cho các tiện nghi sẽ có thể phục vụ cho từ 200-300 sinh viên, tuy thoạt đầu, chỉ cần có từ 50-70 sinh viên là đã có thể bắt đầu rồi. Các sinh viên phải biết tự buộc mình sống ngay tại trung tâm, để có được một ấn tượng bao quát.
Bên trong các nhóm sinh viên nhỏ hơn ngay tại trung tâm, mỗi một sinh viên phải được sống chung phòng với nhiều sinh viên thuộc nhiều ngành khác nhau, để việc trao đổi tự chọn giữa nhiều ngành học khác nhau có thể diễn ra. Việc làm nầy cũng đẩy mạnh thêm các mối liên hệ liên ngành. Các nhóm nhỏ nầy cùng nuôi dưỡng sinh hoạt thuộc linh của sinh hoạt rộng lớn hơn của trung tâm.
DIỄN TIẾN CỦA VIỆC HỌC TẬP NGHIÊN CỨU
Điều đã được chứng minh là có hiệu quả, đó là việc kết hợp các giáo trình đã được qui định cho chương trình học tập, với những khoảng còn chừa trống, sẽ được các giảng viên thỉnh giảng lấp đầy. Làm như thế, tính cách liên tục sẽ được duy trì, và nhiều sáng kiến, tài nguyên của các nhà khoa học Tin Lành thuộc đủ mọi ngành học cũng sẽ được tận dụng trọn vẹn. Các bài thuyết giảng của các giáo sư thỉnh giảng sẽ có tính cách bắt buộc đối với toàn thể sinh viên, bất chấp lãnh vực học tập nghiên cứu riêng biệt của họ. Cần bàn bạc với giảng viên để cung cấp số vật liệu để giới thiệu hay các học cụ để định hướng. Những buổi thuyết giảng đặc biệt phải được mở rộng cho số thính giả đông đảo nhất có thể có được bên ngoài trường học. Trái lại, các khóa hội thảo sẽ được dành riêng cho các sinh viên về các đề tài riêng biệt, tức là những sinh viên mà ngành học họ chọn xếp họ vào bên trong một nhóm rõ rệt.
Mục tiêu là giới thiệu cả chiều rộng được tìm thấy là có tính cách bao trùm của cấp đại học. Phải bao quát mọi lãnh vữc thiết yếu cần phải học hỏi nghiên cứu. Y khoa vốn nằm trong các lãnh vực khoa học tự nhiên cần phải trực diện ngay từ lúc mới bắt đầu học tập nghiên cứu. Chương trình học có thể được miễn trừ các chủ đề ngoại lai.
Một số các bài thuyết giảng có thể được toàn thể các sinh viên nói chung tham dự. Nhiều bài thuyết giảng khác được dành cho những nhóm đặc thù hơn của có lẽ là từ 15-20 sinh viên, liên quan đến các ngành học của họ. Nhiều bài khác chỉ dành cho các nhóm từ 5-10 sinh viên thuộc cùng một ngành học. Các nhóm nhỏ nầy cũng tổ chức những lớp học Kinh Thánh liên hệ với ngành học của họ.
Do đó, tất cả các sinh viên đều phải hội nhập theo nghĩa song phương, là hội nhập liên ngành vào sinh hoạt của trung tâm, và hội nhập theo từng ngành học bên trong từng nhóm học tập nghiên cứu.
Kế hoạch học tập nghiên cứu phải được duy trì thật mềm dẻo. Thỉnh thoảng giáo trình giảng dạy phải được sắp xếp lại, để dành chỗ có các giảng viên thỉnh giảng, nhưng công việc nầy phải không chen vào trình độ giảng dạy toàn diện.
CÁC MỤC TIÊU GIÁO DỤC
Trong niên học nầy, các sinh viên phải đâm rễ vững nền trong Lời Thượng Đế, và phải có tiến bộ trong việc làm môn đệ Chúa. Tất cả các sinh viên, bất kể ngành học, đều phãi tiếp nhận được một nền móng tốt về Kinh Thánh. Họ phải thu thập được một phần kiến thức rộng rãi về chính Kinh Thánh, cũng như lãnh hội được một cách có hệ thống những gì Kinh Thánh truyền dạy.
Các sinh viên cũng phải dễ dàng đánh giá được phần huấn luyện đào tạo họ đã nhận được trong các trường học không phải là Cơ Đốc giáo trên quan điểm đức tin Cơ Đốc giáo. Các tiền đề sai lầm và thiệt hại thuộc linh mà điều đó đã gây ra, cần phải được điều chỉnh. Phải lãnh hội được các khởi điểm căn bản của tinh thần chống Cơ Đốc giáo trong văn hóa và khoa học. Thái độ của người sinh viên cần phải được lèo lái bằng một tiến trình học hỏi nghiên cứu có ý nghĩa, Nó phải xảy ra sao cho người ấy không còn cảm thấy xa lạ với Lời Thượng Đế nữa, mà thay vào đó, còn biết đi sâu vào đó để phát giác được sự khôn ngoan của Thượng Đế cho mọi lãnh vực của đời sống.
Kết quả nơi các sinh viên đã thu thập được các công cụ cơ bản để thành công trong việc học tập nghiên cứu cao xa hơn, là phần định hướng tổng quát và chuyên biệt của cấp đại học. Các điều kiện học tập nghiên cứu phải dẫn tới một thái độ thích hợp đối với công tác bác học và tinh thần trách nhiệm trong các ngành học đặc thù. Điều nầy đòi hỏi phải làm việc gian khổ! Nhưng công việc ấy phải có niềm vui kèm theo và càng thành công hơn nhờ sự hướng dẫn có ý nghĩa, hơn việc có thể xảy ra trong một bối cảnh thuần túy phàm tục.
Cơ cấu chống Cơ Đốc giáo của cấp đại học cần phải bị phê bình, và các sinh viên phải nhận thức được tầm hạn mà các tiền đề mệnh danh là khoa học trong nhiều ngành học khác nhau có thể dẫn đến, thật ra chỉ là những suy diễn căn cứ trên các định đề có tính cách chống lại Cơ Đốc giáo mà thôi. Căn cứ Cơ Đốc giáo của nhiều ngành học khác nhau cần phải được thấu triệt thật đúng đắn, được lãnh hội; nhiều quan điểm cần phải được quan tâm hầu cung cấp những khởi điểm mới để thấu hiểu Cơ Đốc giáo trong nhiều ngành học khác nhau. Từ các quan điểm ấy, nhiều quan niệm mới đối với các ngành học có thể phát triển trên cơ sở là Lời Thượng Đế.
Cấp đại học phải được xem là một khu vực truyền giáo riêng biệt.
KẾ HOẠCH HỌC HỎI NGHIÊN CỨU TỔNG QUÁT
Chương trình và kinh nghiệm cấp đại học cần được thiết kế chung quanh 10 yếu tố: 1.Giao hảo năng động trong Lời Thượng Đế. 2.Thông tin chiều sâu về Thánh Kinh. 3.Trình bày có hệ thống những gì Thánh Kinh dạy. 4.Phân tích quan niệm chống Cơ Đốc giáo của cấp đại học (đánh tan lời dối trá
về “khoa học được tự do đối với mọi giá trị” và các hàm ý về ý thức hệ lộ
liễu của các triết lý khoa học cũng như các nền móng và cơ cấu chống Cơ Đốc
giáo của nhiều ngành học khác nhau, các thí dụ tổng quát và đặc thù). 5.Thấu hiểu thật đúng đắn các nền tảng Cơ Đốc giáo của nhiều ngành học khác
nhau. 6.Định hướng tổng quát các phương pháp học tập nghiên cứu, bao quát nhưng
không giới hạn cho việc sử dụng các thư viện: xếp loại sách, cách sử dụng
các bảng mục lục khác nhau; những trợ cụ thư mục nào có sẵn cho các ngành
học khác nhau nào, và làm thế nào để tra cứu và lợi dụng số tài liệu dự trữ
có thể đem đọc kết hợp với các bài thuyết giảng; chỉ dẫn sưu tầm nghiên cứu
để đạt mức thấu đáo thích hợp; cách sử dụng sách cho có kết quả, những sách
của riêng mình trong đó có thể gạch dưới để dễ dàng tra cứu và những sách
không phải là của riêng; lập các thẻ hồ sơ; đọc nhanh và lợi dụng có kết quả
những bài thuyết giảng. 7.Định hướng trong việc học tập nghiên cứu các ngành đặc thù (để hiểu rõ thêm
hai điểm 5&6). Nó gồm có: cách tra cứu đặc thù cho từng ngành học; nhìn xuyên
suốt cấu trúc của một ngành học và các phân ngành của nó; ôn tập phần văn
học căn bản (sách, báo, tài liệu) của một ngành học; một kế hoạch nhạy bén
để học tập nghiên cứu, và chiến lược để tồn tại hầu đối phó với môi trường
chống Cơ Đốc giáo của ngành học. 8.Thu thập thông tin và các kỹ năng liên hệ với các ngành học đặc thù nhờ các
giáo trình căn bản đòi hỏi phải có trước khi nghiên cứu sâu hơn. 9.Giới thiệu thật rộng rãi nhưng đặc thù các cơ hội để phục vụ truyền giáo và
các hoạt động hiện hành trong khu vực truyền giáo cho các trường đại học,
kết hợp với các hoạt động truyền giảng Phúc âm thực tiễn. 10.Các môn thể thao và thì giờ vui chơi giải trí có ý nghĩa, được theo đuổi
để giữ thế quân bình.
(1)Một trung tâm nghiên cứu Cơ Đốc giáo độc lập bên Đức. (2)Bên Đức cũng như tại Hoa Kỳ, nhiều người vốn không hoàn toàn hài lòng với
hệ thống giáo dục công cộng. Do đó, vài nhóm Cơ Đốc nhân cùng liên kết lại
để bảo trợ cho các trường học “không do nhà nước” nhưng là trường tư, cho
con cái họ. Các nhóm ấy là những “hiệp hội Tin Lành, không phải của nhà
nước” mà bà Linnemann đề cập.


TÍNH CÁCH ĐÁNG TIN CẬY CỦA TƯ TƯỞNG
Chúng ta vẫn quen xem phần tư tưởng đã được các nguyên tắc khoa học qui tập và chấn chỉnh là đáng tin. Hơn nữa, chúng ta cũng có thói quen không những chỉ để phân biệt giữa đức tin và tư tưởng, mà còn để tách rời chúng với nhau nữa, khiến cho đức tin bị vứt bỏ khỏi lãnh vực tư tưởng, còn tư tưởng thì tự xem mình là bị loại trừ khỏi lãnh vực của đức tin. Cả hai quan điểm theo thói quen mà chúng ta đã chấp nhận trọn vẹn đó, đều có mức lừa dối cao độ.
Tư tưởng được qui tập, chấn chỉnh một cách khoa học (1) lẽ dĩ nhiên là có thể truyền thông, do đó khiến có thể có được phần hoạt động giữa nhiều con người với nhau. Tuy nhiên, nó đã bị tội lỗi hạn chế và tự mình bị cắt đứt đối với chân lý vì đã tự dấn thân vào các kiểu tư tưởng chỉ tập trung vào con người (anthropocentric) và tự bó hẹp (reductionistic)- cho dù là nhị nguyên hay nhất nguyên. Bằng một quyết định chống Cơ Đốc giáo, tư tưởng đã được định nghĩa để loại bỏ Thượng Đế. Trong cách nhìn thực tại, Thượng Đế của thực tại đã không được kể đến. Do đó, tư tưởng theo cách mô tả nầy đã đi lạc xa ranh giới của chân lý, bất chấp trật tự luận lý học của nó (2).
Không phải là tư tưởng đã tự cắt đứt khỏi đức tin đã được trông cậy vào, mà đúng hơn chỉ vì tư tưởng đã được đức tin hướng dẫn và có cơ sở là Lời Thượng Đế. Chỉ có người từng trải sự tái sinh và sống trong sự kính sợ Thượng Đế đó mới là khởi điểm của sự khôn ngoan, có thể đạt được chân tri thức - tức là không phủ nhận rằng khoa học càng đạt được tri thức đúng trong một số trường hợp riêng biệt.
Tuy nhiên, người sinh viên có được cái cảm tưởng rằng tư tưởng của mình, vốn được đào tạo qua việc học tập nghiên cứu và ngày càng được chấn chỉnh bởi các tiền đề đã được truyền thống thừa nhận của các ngành khoa học mà mình đã bước vào, là đáng tin cậy. Thật ra, người sinh viên chỉ kinh nghiệm được cách hoạt đông đúng đắn của hệ thống luật lệ đã được sử dụng. Hệ thống ấy chỉ có mục đích tạo dễ dãi cho sự tiếp xúc cảm thông nhau, ít ra cũng là đối với những người đã được “làm quen” với ngôn ngữ của nó.
Đối với những ai chưa từng làm quen, thì việc sử dụng bộ luật ấy chỉ phá hại việc tiếp xúc cảm thông mà thôi. Người sinh viên không hề nhìn nhận bộ luật như chính nó vốn có, trái lại, nó đã bị đồng nhất hóa với chân lý một cách sai lầm. Nhưng người sinh viên tin rằng cái chân lý mới mẻ, vĩ đại nầy có thể phục hồi sự cảm thông cho những người không được “làm quen”. Họ có thể được chứng minh cho thấy là làm thế nào họ cũng có thể “biết được” nữa. Người sinh viên trở thành một giáo sĩ của nền thần học phê bình sử tính hay của khoa học tự nhiên về sự tiến hóa.
Cho nên người ta rất dễ hiểu điều được nhiều người khác quả quyết rằng người sinh viên đã được học hỏi nghiên cứu chính thức, thì biết nhiều hơn là người ngoại cuộc, chẳng hề được học hỏi. Do đó, “hoạt động truyền giáo” sẽ có hiệu quả rất cao và dọn đường cho sự không biết chắc và nghi ngờ trong số người chịu ảnh hưởng.
Tóm lại, người sinh viên đã kinh qua hay hoàn tất việc học tập nghiên cứu phê bình thường tin quyết sâu sắc tính cách đáng tin cậy của tư tưởng khoa học. Điều chắc chắn là ngày nay, các triết gia khoa học đều ngày càng ý thức được nhiều hơn cơn khủng hoảng căn bản trong khoa học (3), nhưng cơn khủng hoảng ấy vẫn chưa được biết đến hay chấp nhận thật rộng rãi. Cái cảm tưởng chiếm ưu thế vẫn còn là tư tưởng khoa học rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, cái cảm tưởng ấy lại không phù hợp với thực tại. Ngay tại phần gốc rễ của nó vẫn còn có sự lẫn lộn giữa cái hệ thống luật lệ để hoạt động, nhờ đó chúng ta đồng ý với nhau để nói về thực tại, với chính cái thực tại đó. Mà thực tại là Thượng Đế Ba Ngôi, công cuộc sáng tạo của Ngài và Lời mặc khải của Ngài.
Thế nhưng, có người sẽ bảo tính cách đáng tin cậy của tư tưởng là điều có thể chứng minh được nhờ sự thắng lợi của nó trong y học và kỹ thuật. Chúng ta từng đề cập “hai mặt” của tiến bộ trong y khoa và kỹ thuật. Tuy nhiên, cần vạch rõ một lần nữa rằng mọi phát minh có giá trị đều là những bắt chước hay ứng dụng công trình sáng tạo mà chính Thượng Đế đã làm. Các nguyên lý của Thượng Đế áp dụng vào công trình sáng tạo của Ngài đã được nhận ra và ứng dụng. Thế thì, có tài giỏi lắm thì các khoa học tự nhiên cũng chỉ suy nghĩ lại các tư tưởng của Thượng Đế mà thôi. Việc dùng vỏ cây để sản xuất giấy là nhờ học được các nguyên lý đập cánh để làm chuyển động không khí của loài chim, nguyên lý bay của phi cơ trực thăng là học theo cách bay của con chuồn chuồn, ấy là chỉ kể vài thí dụ đáng kinh ngạc nhất mà thôi.
Các nhà sưu tầm có được các sáng kiến là nhờ rút chúng ra từ công trình sáng tạo, và điều họ phát minh chỉ hoạt động đúng theo mức độ họ đã áp dụng đúng các nguyên lý đã có sẵn trong công trình sáng tạo. Phạm vi “khách quan” trong đó các nhà khoa học tự nhiên làm việc, chính là công trình sáng tạo. Nhờ đó, họ có thể sửa lại tư tưởng của mình, cho dù họ có nhận thức được hay không. Tư tưởng của họ đã được đặt nền trên một cái gì đó khác hơn chính tư tưởng của họ.
Tuy nhiên, cũng có nguy cơ làm sai lệch những cái nhìn xuyên suốt (insights) nhờ nhìn vào công trình sáng tạo của Thượng Đế mà có, do ảnh hưởng của các khuynh hướng không muốn bắt chước Thượng Đế, con người, và công trình sáng tạo. Con la được lai giống căn cứ vào các nguyên lý được khám phá ra trong công trình sáng tạo đã bị lạm dụng để vượt quá các giới hạn trước đó của công trình sáng tạo. Các phi cơ phản lực, được thiết kế căn cứ trên các phát kiến nhờ công trình sáng tạo mà có, đã vượt quá tất cả những gì đã được tìm thấy trong công trình sáng tạo, với các hệ quả tai hại cho môi trường sống.
Tương tự như thế, đã có khuynh hướng xem mọi sự có thể khám phá được như điều cần phải khám phá. Khuynh hướng nầy không những đã được chấp nhận rộng rãi, mà nó còn được đúc kết để trở thành yếu tính của công trình khoa học. Chính khoa học đã thừa nhận là các công trình sưu tầm nghiên cứu của nó là vô biên giới. Người ta chỉ có thể đặt các ranh giới ấy từ bên ngoài. Nhưng người ta đã thành công rất ít trong việc thiết đặt các ranh giới ấy, và về lâu về dài, dường như đã có rất ít triển vọng để thiết đặt được các ranh giới đó. Bao lâu xã hội chúng ta tiếp tục còn chấp nhận cho khoa học thụ hưởng những gì nó hiện được thừa hưởng, nó sẽ đẩy mạnh cái quyền được sưu tầm nghiên cứu những gì nó muốn, và nó sẽ thành công, vì sự phán xét của Thượng Đế đã mưu định như thế đối với nhân loại sa bại (xem SaSt 11:6 ”...bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được"). Chỉ trên nền tảng là sự cứu chuộc trong Chúa Cứu Thế Jesus, mới có viễn ảnh cho một nền bác học mực thước, có thể tránh được các mối bận tâm thôi thúc sự “tiến bộ”. Điểm nầy có giá trị sinh tử, vì căn cứ vào các sự việc đả xảy ra, các hậu quả của việc sưu tầm nghiên cứu như thế đã được ứng dụng chẳng biết phân biệt lợi hại chi cả - như những quả bom nguyên tử, các vũ khí sinh học và hóa học - và việc can thiệp vào hệ thống di truyền.
Phát minh “hữu ích hữu dụng” (như máy thay cho tim, phổi) không thể tách rời khỏi bối cảnh rộng lớn hơn nầy. Thật ra thì một phát minh hữu ích hữu dụng chỉ được dùng làm lý do để biện minh cho phần nhiều việc khác cứ được tiếp tục.
Nhà khoa học tự nhiên là Cơ Đốc nhân cũng mặc nhiên nằm trong cơ cấu nầy. Ông ta có thể chịu khó vâng lời Thượng Đế trong phạm vi mà khoa học qui định, nhưng chẳng có ảnh hưởng gì trên các chu vi ấy, thậm chí nếu các kết quả của công trình nghiên cứu của ông ta được công nhận. Chúng được ghi công là “các công trình khoa học” và được cho là thuộc về khoa học. Theo thiển ý, thì dường như nhà khoa học tự nhiên là Cơ Đốc nhân chỉ có thể gây ảnh hưởng trên chiều hướng sưu tầm nghiên cứu trong phạm vi khoa học tự nhiên, nhiều lắm thì cũng chỉ bằng một người bơi lội lái được một chiếc tàu lộng lẫy vượt đại dương bằng cách nhảy xuống chỗ đường chiếc tàu ấy đang chạy và bơi ngược lại với hướng đi của nó mà thôi.
Nếu Thượng Đế muốn một nhà khoa học tự nhiên đã được tái sinh làm việc gian khổ tại nơi mình đang làm việc trong một trường đại học hay viện nghiên cứu nào đó, chắc chắn Ngài sẽ khiến người ấy trở thành một nguồn phước hạnh tại đó, và ban phước cho công việc làm của ông ta. Công trình nghiên cứu của ông ta chủ yếu sẽ có tính cách tích cực, trong khi việc làm của một người khác có cùng một vai trò có thể dẫn đến các hậu quả tàn hại. Tuy nhiên, vị ấy phải nhìn nhận khả năng là mình cũng có thể là đang làm việc như người ngoại phạm (an alibi) và như một dấu hiệu cảnh báo.
Điều tai hại là nhiều thí dụ rút ra từ các khoa học tự nhiên đã được dùng để cố tình đẩy mạnh các công trình nghiên cứu của các khoa học nhân văn. Các thí dụ rút ra từ những phát minh khoa học hữu ích đã được dùng làm mồi móc vào các lưỡi câu để thu hút các sinh viên đến với triết học hoặc thần học phê bình sử tính. Các khoa học nhân vân đã theo cách đó để chinh phục các khoa học tự nhiên như một người nghèo mạt có thể mạo danh một người bà con tỉ phú để làm tiền cho chính mình.
Tuy nhiên, ta không nên đánh đồng khoa học tự nhiên và khoa học trong các khoa học nhân văn, tuy cả hai đều được kết hợp vào nhau bằng ý niệm khoa học. Về mặt tư tưởng thì các khoa học nhân văn hoạt động trên cơ sở các thí dụ rút ra từ các khoa học tự nhiên, là thiếu thành thật trí thức. Điều nầy là đúng cả trong thói quen chiếm dụng các định nghĩa. Thí dụ ý niệm giả thiết trong các khoa học tự nhiên được dùng với chức năng khác hẳn trong các khoa học nhân văn, nơi mà các giả thiết không thể được kiểm chứng hay giả mạo bằng thí nghiệm. Các khoa học nhân văn thiếu sự hướng dẫn được bảo đảm của một trật tự thọ tạo ngoại tại, nếu không phải là luôn luôn hoàn toàn bị kém sút về phương diện thực chất. Cái “bản ngã” hay “psyche” mà tâm lý học cố gắng phân tích, là một thí dụ vì nó có thể được vận dụng. Nó không giống như một hợp chất hóa học hay một tiến trình sinh lý. Nếu không được đặt trên cơ sở là Lời Thượng Đế, các khoa học nhân văn hoàn toàn bị mất chân đứng khách quan, trong khi các khoa học tự nhiên vốn có cái để sửa sai, ít ra cũng là trong công trình sáng tạo.
Các kết quả tiêu biểu của những phát kiến trong các khoa học tự nhiên được các khoa học nhân văn viện dẫn thường hữu ích và được hạn chế thích hợp trong phạm vi của chúng. Trái lại, những công cuộc theo đuổi hữu ích và hạn chế trong các khoa học nhân văn đều vui vẻ chịu bị đẩy lùi vào hậu đài. Việc đúc kết các sách phù dẫn, ngữ vựng, các biểu nhất lãm diễn biến các biến cố lịch sử, và nhiều việc làm khác nữa, đều bị xem là “việc làm ngu xuẩn” có ít giá trị khoa học. Người ta vui vẻ sử dụng chúng, nhưng chúng không được công nhận là “công trình khoa học” vì bị xem là thiếu tính cách độc sáng (originality).
Nếu muốn thấy thật rõ ràng vấn đề được đặt ra ở đây, người ta phải tự hỏi điều gì bảo đảm cho tên tuổi của một nhà khoa học. Thí dụ như Bultmann đã không nổi tiếng vì ông chỉ đưa ra mấy câu phát biểu có giá trị liên quan đến cách sử dụng một số ý niệm mà Thánh Phao-lô đã dùng. Điều khiến ông nổi tiếng là nền thần học của ông và việc ông giải trừ các huyền thoại vốn là một phần và là một phần nhỏ của nền thần học ấy.
Dù sao, người ta chỉ có thể được nổi tiếng trong khoa học trong bối cảnh của “truyền thống”, việc chấp nhận các tiền đề và phát kiến của quá khứ và hiện tại. Trong khoa học tự nhiên phải chấp nhận và sẵn sàng đề cao sự xuất hiện của một người ngoài biết cách tân và phát minh. Tuy nhiên, trong các khoa học nhân văn, cơ may duy nhất của một người là hoạt động bên trong các tiền đề đã được truyền thống thừa nhận - trừ phi khi một ai đó có thể thu xếp để cỡi lên đầu của một xu hướng thông thường - như trong thần học về cách mạng vốn được tư tưởng của Marx hậu thuẫn cho. Những xu hướng như thế bao giờ cũng thuộc về xác thịt, trần gian và ma quỉ (như Gia Gc 3:15 đã nhận xét) - trừ phi chúng ta được Lời của Thượng Đế bồi dưỡng qua các thời kỳ phục hưng thuộc linh.
Vấn đề có thể đặt ra là: Trong các khoa học mệnh danh là gai góc (toán học, vật lý học, hóa học và trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn là sinh học, địa chất học, dược và y học), phải chăng các kết quả nghiên cứu đạt được sẽ chẳng có gì là bất thích hợp, cho dù nhà nghiên cứu có là một Cơ Đốc nhân đã được tái sinh hay một kẻ vô thần hiếu chiến? Phải chăng điều đã gây nhiều tranh cãi từ nhiều thế kỷ trước rồi trên nền giáo dục tiểu học, là chẳng hề có gì có thể gọi được là toán học Công giáo hay vật lý học Kháng Cách).
Quả thật rằng các động lực khách quan có thể xem là rất ít có trong một dự án sưu tầm nghiên cứu nhất định nào đó. Sự phát minh ra bộ máy tim phổi nẩy sinh từ ý định khiến cho một người có thể tồn tại trong một hoàn cảnh có giới hạn chính xác nào đó; với tư cách một kết quả của khoa học, phát minh nầy đứng độc lập đối với mọi động cơ thúc đẩy chủ quan Cuối cùng, thì vấn đề không phải là điều đã thúc đẩy công tác dẫn đến sự phát minh nầy là ước muốn được ghi công, hay tham vọng, hay lòng ghen tị, hay chỉ là ý hướng duy nhất muốn giúp ích cho nhân loại và phục vụ Thượng Đế. Trong một trường hợp như thế, khi một dự án nghiên cứu nào đó được kết hợp với thiện ý của con người, thì các động cơ thúc đẩy chủ quan chỉ đóng vai trò thứ yếu. Thêm vào đó, người ta có thể đoan quyết rằng phước hạnh của Thượng Đế cũng có thể đã tác động vào đấy.
Tuy nhiên, mọi công trình nghiên cứu đặc thù đều xảy ra bên trong một cơ cấu ý niệm, sẽ quyết định cho chiều hướng toàn diện của việc nghiên cứu. Thí dụ cơ cấu ý niệm ấy quyết định việc người ta phải điều tra nghiên cứu những gì và bỏ qua những gì. Ta có thể kể công trình nghiên cứu ráo riết về các vấn đề ngừa thai, và việc nghiên cứu tương đối hiếm hoi vấn đề các thai nhi bị đau đớn như thế nào khi bị sát hại ngay trong lòng mẹ, hầu có được các sự kiện đích thực xảy ra khi một cái thai bị “kết thúc” theo cách ấy.
Chiều hướng nghiên cứu toàn diện, việc phân phối các dự án và phương tiện, việc đề ra nhiều phương pháp khác nhau thật phong phú - tất cả những điều đó đều do các điều kiện chiếm ưu thế trong một bối cảnh nhất định nào đó định đoạt. Mà các điều kiện ấy thì khác nhau rất nhiều, phần lớn lại tùy thuộc việc chẳng hay chúng đã được quyết định do một khoa học tự cho là vô tư, trung tính nhưng thật ra lại theo quan niệm vô thần, hay chúng được hình thành từ một quan điểm đặt đức tin vào Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa, và là Cha của Chúa Cứu Thế Jesus của chúng ta.
Chúng ta phải phân biệt giữa các động cơ thúc đẩy có ý thức, chủ quan, với các quyết định có tính cách dứt khoát (4) sẽ quyết định (dù các nhà nghiên cứu có nhận thức được hay không) cho toàn thể công trình ấy theo mức độ chúng nhận được sự chuẩn nhận của tổ chức. Cái trước vốn có ít ảnh hưởng hơn; cái sau thì có ảnh hưởng còn lại lâu dài - trừ phi khi hậu quả ấy được kéo chậm lại hay bị che giấu bằng các hoàn cảnh ngoại tại như bối cảnh của tổ chức.
Bây giờ, chúng tôi xin tóm tắt lại: Tư tưởng có đáng tin cậy không? Tư tưởng vốn không thể tự trị tự quản, nhưng phải chịu lệ thuộc - không phải là vào giai đoạn thực thi cho bằng ngay tại điểm xuất phát. Nó chẳng bao giờ là tuyệt đối: nó chẳng bao giờ hoàn toàn tự mình và vì mình mà có, nhưng luôn luôn bị các mối liên hệ chi phối, quyết định. Tư tưởng chịu lệ thuộc một điểm nằm ngoài chính nó. Lý thuyết về tư tưởng tự trị tự quản (antonomy) bất chấp sự kiện con người là loài thọ tạo, được dựng nên là vì Thượng Đế, do đó, lệ thuộc vào Ngài. Nó có thể xây bỏ Thượng Đế nhưng chỉ là để trở thành nô lệ cho tội lỗi và xác thịt, chỉ là để trở nên giống y như người thế gian về đủ mọi mặt.
Nếu tư tưởng chỉ có thể có được trong các điều kiện “nhất định đã cho” thì vấn đề đặt ra là tôi sắp quyết định ủng hộ cho điều “nhất định đã cho” nào. Hoặc là tôi sẽ quyết định đứng về phía Lời Thượng Đế, xem đó là chân lý đã được mặc khải, hoặc là tôi sẽ quyết định đứng về phía triết học tự tuyên bố mình là vô thần, chủ trương rằng chân lý chỉ có thể tìm thấy bằng qui nạp pháp và chỉ được thiết lập vững chắc trong các khoa học mà thôi.
Tôi không hề có thể đặt nhiều lòng tin vào loại tư tưởng trần gian là các khoa học nhân văn. Một khi tư tưởng trong các lãnh vực ấy không được đặt trên cơ sở là Lời Thượng Đế, thì nó thoái hóa để trở thành phù phiếm. Một tư tưởng như thế cần đến Lời Thượng Đế để sửa sai mình vô điều kiện. Nó chỉ đáng tin khi nào được đặt trên nền tảng là Thượng Đế. Các khoa học tự nhiên có công trình sáng tạo để sửa sai cho, và chỉ khi nào chúng căn cứ vào đó để làm điểm đối chiếu, tham khảo, thì mới có thể khẳng định các chân lý giới hạn. Tuy nhiên, chỉ khi nào được liên kết với Lời Thượng Đế, thì tư tưởng của loài người mới có thể tin cậy được; mà điều nầy thì nghiệm đúng cho các khoa học tự nhiên chẳng kém chi đối với các khoa học nhân văn.
Liên hệ với vấn đề nầy, một lần nữa, tôi xin mọi người lưu ý đến quyển Prolegomenato a Biblical Epistemology của Lutz von Padberg đã được đề cập trong chương 1, chú thích 1 trên đây (5). Ở đó, vấn đề nầy cũng đã được giải đáp là chẳng hay tư tưởng có cần đến sự cứu chuộc hay không.
Tôi xin bổ sung một chút cho một trong những luận điểm nhỏ của ông: “Kiến thức được Thánh Linh hướng dẫn xảy ra từ từ”. Trước hết von Padberg đề cập khả năng nhận biết. Cùng với vấn đề nầy, theo thiển ý, dường như ta phải xét đến các động cơ thúc đẩy, các thói quen và các cơ cấu của tư tưởng. Khả năng tư tưởng bị biến đổi (nhưng được phục hồi) qua sự tái sinh thuộc linh. Tuy nhiên việc thay đổi các động cơ thúc đẩy của tư tưởng, các thói quen tư tưởng và các cơ cấu của tư tưởng là một phần của sự thánh hóa, tuy nó là một thành phần thường bị bỏ qua.
Liên hệ đến vấn đề thay đổi các động cơ thúc đẩy, Lời Thượng Đế dạy chúng ta: “Hãy bỏ hết mọi hận thù, gian trá, giả nhân, giả nghĩa, ganh tị, nói hành. Anh em đã nếm biết lòng nhân từ của Chúa, vậy hãy khát khao Lời Chúa như trẻ em khát sữa, nhờ đó anh em ngày càng tăng trưởng trong sự cứu rỗi” (IPhi 1Pr 2:1-3). Lời Thượng Đế cũng vạch rõ: “Nhưng bây giờ, anh em phải lột bỏ những chiếc áo dơ bẩn như: giận dữ, căm hờn, gian ác, nguyền rủa, và nói tục. Đừng nói dối nhau, vì con người cũ của anh em đã chết, các hành động xấu xa đã bị khai trừ. Anh em đã được đổi mới, ngày càng hiểu biết và càng giống Chúa Cứu Thế là Đấng đã tạo ra sự sống mới trong anh em” (CoCl 3:8-10). Chúng ta thấy lời răn bảo là phải lột bỏ, xếp qua một bên, các động cơ thúc đẩy trước kia. Liên hệ đến việc đổi thay các thói quen tư tưởng, chúng ta được răn bảo trong RoRm 12:2 “Đừng đồng hóa với người đời, nhưng hãy để Chúa đổi mới tâm trí mình, nhờ đó anh em có thể tìm biết ý muốn của Thượng Đế, và hiểu rõ điều gì tốt đẹp, trọn vẹn, hài lòng Ngài”. Lời răn bảo ở đây là chúng ta phải thay đổi nhờ đổi mới tâm trí.
Việc đổi thay các cơ cấu tư tưởng chỉ có thể xảy ra nhờ chối bỏ và xa lìa những nơi mà các cơ cấu tư tưởng tàn hại đang ngự trị. Các cơ cấu ấy vốn không phải là bẩm sinh, trái lại là chính tôi đã dấn thân vào đó, cho nên tôi phải tự giải thoát bản thân khỏi chúng. Vậy, chúng ta được răn bảo là “hãy ra khỏi, hãy lìa bỏ, đoạn tuyệt với chúng nó” (IICo 2Cr 6:17).
(1)Về điểm nầy xin xem chương 7 (2)Lutz von Padberg, “Gegen die Aufopaltung” 4-6 (3)Sđd, 1, 7-10 (4)Tòa nhà đồ sộ của các ngành khoa học bao gồm các quyết định vô thần, được cấu kết (tổ chức) vững chắc lại với nhau. Gộp chung lại, có thể ví sánh chúng với một khung sườn, được cấu thành bằng săt được gia cố thật cụ thể, để đúc thành một bức tường. Người nào muốn đặt một viên đá vào bên trong cái khung sườn đó đều có thể làm như thế - nhưng chỉ đặt vào bên trong cái khung sườn ấy mà thôi. Hình dáng và chiều hướng cơ bản của bức tường thì đã được quyết định rồi. “Tự do tìm tòi nghiên cứu” chỉ có bên trong cơ cấu ấy,
vốn đã được quyết định và thừa nhận đâu là công việc nghiên cứu hợp lý và đâu là hợp lý. Ai muốn trở thành khoa học gia và được đụng chạm đến các phương tiện nghiên cứu, các máy vi tính và các phòng thí nghiệm đều phải hoạt động bên trong cơ cấu ấy; người nào yêu cầu một nhà xuất bản sách khoa học in các quyển sách của mình, cũng phải làm y như thế - nếu không,
sẽ phải hài lòng với việc gặt lấy kết quả là bị từ chối. (5)Ít ra vài nguồn tài liệu hữu ích khác tôi đã tìm được khi suy nghĩ lại mọi việc, gồm có Werner Gift, “Das Fundament” trong Wissen und Leben, Vol 7, 1985, Meskemper, Falsche Propheten; Otto Riecker, Universitatstheologie und Gemeindefrontmigkeit (Neuhausen Stuttgart, 1974); Helge Stadelmann, Gruudlinien eines bibeltrenen Schriftverstandnisses (TVG 1985), Bodo Volkmann, Das MaB aller Dinge (Neuhausen Stuttgart, 1985).


LỜI KHUYÊN ĐÚNG VÀ SAI
Phải chăng đức tin của bạn quá bị hạn chế?
Lắm khi, sở dĩ các con cái Thượng Đế lùi bước trước việc học hỏi nghiên cứu thần học phê bình trong trường đại học, là vì họ biết trong lòng rằng không phải là tiếng của Đấng Chăn Chiên nhân từ mà họ sẽ được nghe trong môn thần học phê bình. Những tín hữu như thế thường phải trực diện với lời phản đối: “Phải chăng đức tin của bạn vốn rất hạn chế, đến nỗi bạn không dám tiếp thu môn thần học phê bình sử tính?” Đây là một câu hỏi sai lầm.
Thượng Đế không đòi hỏi chúng ta phải đặt đức tin của mình để chịu thử nghiệm. Chúng ta đã sai lầm khi dung dưỡng cái ý niệm rằng đức tin của chúng ta là thuộc quyền sử dụng của chúng ta theo cách ấy. Chúa Giê-xu là tác giả và là Đấng hoàn thiện đức tin của chúng ta (HeDt 12:2) và số lượng đức tin mà chúng ta có là do Thượng Đế ban cho chúng ta (RoRm 12:3).
Chẳng hề có kẻ dụ dỗ nào khích lệ các con cái Thượng Đế dấn thân đi học hỏi nghiên cứu tại một nơi mà lòng họ sẽ bị ô uế qua một thời gian mà trí tuệ họ bị đầu độc dài hạn, lại chịu để cho chính thân thể họ phải phơi ra trước những liều lượng tuy nhỏ nhưng về lâu về sài sẽ thành tai hại của chất thạch tím. Họ chẳng bao giờ dám thử nghiệm chính đức tin của họ và sự bảo vệ của Thượng Đế theo như cách đã được đề cập trong Mac Mc 16:18. Nguyện Thượng Đế ban ân phúc cho họ để họ biết ăn năn, để họ thôi hướng dẫn sai lầm những linh hồn đã được phó thác cho họ bằng cách đòi hỏi chính người ấy phải tự đặt mình vào một lập trường bị lệ thuộc, bên trong một hệ thống giáo dục vô thần, chống Cơ Đốc giáo, tiến hành từ định đề là chẳng có Thượng Đế.
Thần học phê bình sử tính là tà giáo. Đã có sự nhất trí rộng khắp như thế đối với Rudolf Bultmann, ít nhất cũng là trong các giới Tin Làh. Tuy nhiên, đã không có những dị biệt căn bản giữa Bultmann và nh4ưng người khác bênh vực cho phương pháp này; chẳng hề có những điểm dị biệt nào mà người ta có thể biện biệt được, dù là tối thiểu (độc giả nào còn nghi ngờ về điểm này, xin tham khảo chứng cứ chi tiết được Ernot Bartels nêu ra trong quyển Beitrag zur Auseinamdersetzung mit der Theologie von Landesbischof D.Eduard Lohse 1984, do tác giả ở Brelauer Stralze 10, 3429 Bilshausen cung cấp. Vì Lohse là một trong số những đại diện tương đối ôn hoà của phương pháp này chứng cứ mà Bartels đưa ra có thể được áp dụng rất rộng rãi) Lời Thượng Đế đã cho chúng ta hiểu chỉ dẫn rõ ràng về cách thức chúng ta phải đối phó với các tà giáo (IIGi 2Ga 1:10 và tt, LuLc 16:17; Giu Gd 1:23; CoCl 2:8; IIPhi 2Pr 3:17 ấy là chỉ kể tên một vài chỗ mà thôi). Tôn trọng những lời chỉ giáo này rất có thể là chẳng dính dáng gì đến việc học hỏi nghiên cứu thần học phê bình sử tính.
Khi tôi không được sự hướng dẫn của Thượng Đế và chẳng bị bắt buộc gì, mà lâm vào một hoàn cảnh đòi hỏi tôi phải bất tuân những chỉ dẫn rõ ràng trong Lời của Thượng Đế, thì tôi không thể trông mong được Thượng Đế bảo vệ như lúc bình thường nữa. Trái lại, tôi còn phải biết rằng ít nhất Ngài cũng sẽ rút lại một phần sự bảo vệ ấy. Vì lý do đó, ta phải chống lại việc có thể bị dẫn đi sai trong vấn đề này:
Phải chẳng Thượng Đế từng cứu rỗi người ta nhờ nền thần học phê bình sử tính?
Một sự lừa dối thứ nhất nhiều khi lại được bổ sung bằng một sự lường gạt thứ hai. Nhiều thí dụ đã được kể lại để chứng minh rằng Thượng Đế từng cứu rỗi các cá nhân nhờ ngành thần học phê bình sử tính. Người ta đã cho là như thế để chứng minh rằng dù sao thì nguy cơ thật ra chẳng quan trọng gì lắm khi người ta học hỏi nghiên cứu ngành thần học này.
Quả thật là Thượng Đế có nhờ môn thần học phê bình sử tính để cứu một số người. Chúng ta tạ ơn Ngài về việc này. Thượng Đế có thể làm như thế. Nhưng phải chăng vì lý do ấy mà chúng ta tự phơi mình ra cho một nguy cơ như vậy? Ma quỉ đã bảo Chúa Giê-xu sau khi đặt Ngài trên nóc đền thờ: “Muốn chứng tỏ Thầy là Con Thượng Đế, Thầy cứ lao mình xuống đi! Vì Thánh Kinh chép: Thượng Đế sẽ sai thiên sứ đưa tay nâng đỡ con, cho chân con khỏi vấp vào đá”. Nhưng Chúa Giê-xu vốn biết chắc chắn rằng Thượng Đế có thể bảo vệ mình, đã không phiêu lưu lao vào nguy hiểm mà đã trả lời với kẻ cám dỗ: “Thánh Kinh cũng dạy: Ngươi đừng dại dột thử thách Chúa là Thượng Đế ngươi” (Mat Mt 4:6, 7). Dấn thân học hỏi nghiên cứu thần học phê bình sử tính mà không có sự hướng dẫn rõ ràng của Thượng Đế, vì tưởng rằng Thượng Đế có thể bảo vệ mình khỏi bị tổn hại, là thử thách Thượng Đế vậy.
Bạn có muốn phục vụ trong một Hội thánh theo tổ chức của loài người không?
Có người lý luận rằng một thanh niên muốn học thần học để phục vụ Thượng Đế thì tất nhiên là ít nhất cũng bị bắt buộc phải vào đại học, nếu người ấy muốn phục vụ trong một Hội thánh của loài người. Ở đây, các sự kiện đã được tin cậy chứ không phải là Thượng Đế, là Đấng biết rõ các sự kiện là gì, và có thể thay đổi các hoàn cảnh. Bao lâu đa số các sinh viên vào đại học mà từ chối không dám liều lĩnh nhận thấy mình chẳng tìm được một chỗ làm nào để phục vụ cho Hội thánh của loài người cả, thì có lẽ chính người ấy sẽ để cho tình hình này cứ tồn tại. Tuy nhiên, nếu như con cái họ nhận thấy được rằng một công trình học hỏi nghiên cứu như thế, trong khi có bảo đảm một chỗ làm để phục vụ, nhưng lại khiến họ trở thành những người không xứng đáng để phục vụ Chúa, và nếu chúng đồng thanh kêu cầu với Thượng Đế, xin Ngài đập tan cái độc quyền giáo dục bằng nền thần học phê bình sử tính ấy đi, thì Cha chúng ta trên trời chắc chắn sẽ nhậm những lời cầu xin đó của con cái ông ta. Bởi ân phúc Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta một vài trung tâm giáo dục trung thành với Thánh Kinh, và những ai từng học tại các ngôi trường ấy sẽ không cứ bị thất nghiệp mãi trong Nước Ngài đâu.
Bạn há không chịu noi gương Phao-lô sao?
Một lối lường gạt khác nữa - có khuynh hướng lạm dụng Lời Thượng Đế - sẽ nói như thế này: “Phao-lô đã trở thành người Do-thái đối với người Do-thái, và một người Hy-lạp đối với người Hi-lạp, vậy chúng ta cũng hãy trở thành người của ngành thần học phê bình sử tính đối với những người theo môn thần học phê bình sử tính”. Ở đây Lời Thượng Đế chỉ được trích dẫn có một phần mà thôi, vì đó là phương pháp duy nhất để nó có thể bị lợi dụng để hậu thuẫn cho sự lừa dối này. Xin chú ý đến trọn vẹn đoạn sách trong ICo1Cr 9:20-21 “Giữa người Do-thái tôi sống như người Do-thái để giúp họ tin Chúa. Giữa người theo luật pháp Do-thái, dù không bị luật pháp chi phối, tôi sống như người theo luật pháp để đưa họ đến với Chúa. Giữa người không theo luật pháp, tôi sống như người không theo luật pháp (dù tôi vẫn theo luật pháp của Chúa Cứu Thế để giúp họ được ơn cứu rỗi”.
Phao-lô sống giống như người sống dưới luật pháp, tuy bản thân ông không bị luật pháp chi phố. GaGl 2:1-9 và Phi Pl 3:2 cũng như RoRm 1:1-4:25 cho thấy trong số rất nhiều việc khác, sống như một người Do-thái đối với người Do-thái là như thế nào trong các điều kiện thực tế. Tuy nhiên, như một quy luật, người sinh viên tuyệt đối không bị đặt vào địa vị phải sống như thế vì người ấy phải chịu lệ thuộc cả bên trong lẫn bên ngoài với tư cách là người đang được đào tạo huấn luyện. Ngay đến Phao-lô cũng phải có một thời gian dài chuẩn bị cho vai trò mà cuối cùng ông đã đóng trọn. Thêm vào đó, đây không hề là một nhiệm vụ mà tất cả mọi người phải chuẩn bị cho công tác phục vụ của mình trong tương lai, với tư cách người chăn, nhà truyền đạo, hay giáo sư.
Theo ICo1Cr 19:20 nếu không được Thượng Đế ban cho mình một lời hứa qua một lời phán đặc biệt là sẽ ban khả năng ân tứ đặc biệt cho, người sinh viên sẽ không thể trở thành mộ thần học gia phê bình sử tính như Phao-lô đã trở thành người Do-thái đối với dân Do-thái. Trái lại, người sinh viên ấy sẽ chỉ trở thành một thần học gia phê bình sử tính mà thôi - có thể với một vài điểm dị biệt thẩm mỹ ít oi nào đó. Tuy nhiên, hậu quả của những điểm dị biệt ấy không phải là quyền năng để làm giào sĩ; các thần học gia phê bình sử tính sẽ chỉ nhận thấy chúng là những điểm bất nhất mà thôi. Họ sẽ bị cười chê là đã tự hạ mình hay như trường hợp có thể xảy ra, là chỉ phải chịu đựng khi phương pháp phê bình sử tính đựơc áp dụng vào tất cả mọi góc cạnh.
Phao-lô đã không “trở thành một người Do-thái” trong việc học tập nghiên cứu để trở thành một ra-bi, một thành viên của Hội đồng quốc gia, hay một ra-bi được tấn phong hay một công tác viên trong hội trường. Ông cũng không hề làm như thế trong giai đoạn thụ giáo. Ông chỉ thực hiện việc ấy với tư cách một Cơ Đốc nhân đã chịu thử thách và trui rèn trong khi làm việc một cách độc lập, đã tự mình chủ động, đi từ nơi này đến nơi khác để tiếp xúc với người Do-thái trong các hội trường của họ, nhưng sẵn sàng rời khỏi hội trường Do-thái bất cứ lúc nào. Trong những điều kiện như thế, ông có thể dựa vào chính các định đề của người Do-thái để chỉ cho họ thấy sự cần thiết phải có một sự chuyển hướng triệt để. Ông đã có thể chỉ cho họ thấy nhu cầu phải tin nhận sự cứu chuộc mà tại Gô-gô-tha, Chúa Giê-xu đã đem đến cho họ.
Mọi sự há không phải đều thuộc về bạn sao?
Một giòng chữ khác trong Kinh điển cũng bị xé ra khỏi văn mạch của nó, là “Tất cả đều thuộc về anh em” (3:21) được dùng để chứng minh cho câu khẳng địh: “Trong sự tự do của đức tin trong Chúa Cứu Thế, việc tranh luận về bất kỳ một giả thuyết nào cũng có thể được cả, kể cả về giả thuyết phê bình sử tính. Phải thắng vượt thái độ lo âu” (Tôi không nói rõ nguồn gốc của câu trích dẫn này vì tôn trọng một anh em Cơ Đốc nhân đã viết ra nó).
Quả thật rằng đứng về phương diện kỹ thuật thì các giả thuyết phê bình sử tính có thể được tập họp lại dưới các tiêu đề “thế gian hay sự sống” và “hiện tại” trong phần trích dẫn dưới đây, nhưng ta không thể bỏ qua văn mạch của câu ấy:
Đừng ai tự lừa dối! Ai trong anh em tưởng mình khôn ngoan theo đời này, hãy nhìn nhận mình khờ dại để được khôn ngoan thật. Khôn ngoan của thế gian bị Chúa xem là khờ dại, như Thánh Kinh viết: 'Chúa khiến người khôn ngoan tự sa vào bẫy của họ' và 'Chúa biết ý tưởng người khôn ngoan chỉ là hư ảo! Vậy đừng tự hào về tài năng con người. Tất cả đều thuộc về anh em. Cả Phao-lô, A-bô-lô, Phê-rơ, thế gian, sự sống, sự chết, việc hiện tại, việc tương lai, tất cả đều thuộc về anh em. Anh em thuộc về Chúa Cứu Thế và Chúa Cứu Thế thuộc về Thượng Đế (3:18-23).
Thần học phê bình sử tính là “khôn ngoan theo đời này”, và danh tiếng của các nhà khoa học được thiết lập nhờ các giả thuyết để các nhà khoa học ấy được ca ngợi và sẽ được nhiều người theo “trường phái” của mình. Tuy nhiên, chúng ta được răn bảo thà trở thành “khờ dại” để “được khôn ngoan”, còn hơn là lợi dụng sự khôn ngoan của thế gian trong quyền tự do của Chúa Cứu Thế.
Tôi xin lưu ý thoáng qua: Tranh luận về các giả thuyết - trong chừng mực mục tiêu không phải là dùng Lời Thượng Đế để chối bỏ chúng - vốn chẳng khác gì chơi trò quay bánh xe về các giả thuyết. Một cuộc tranh luận như thế đã tự đặt mình, ngay từ đầu tiên, cái nền tảng là trên đó tất cả các giả thuyết đều được hình thành, mà nó thì đã đào ngũ khỏi các nền móng vững chắc của Lời Thượng Đế rồi. Thêm vào đó, nó không hề loại bỏ ảnh hưởng của những giả thuyết như thế; trái lại, cuối cùng nó còn đóng góp vào việc ổn định chúng nữa.
Vâng, quả thật Kinh điển có chép như thế nhưng...
Thật là nguy hại khi một số người nêu Kinh điển ra với lời khẳng định rằng những gì đã được chép rõ ràng trong đó phải bị gác qua một bên những chỗ cho một giả thuyết mới mẻ nào đó, đưa ra một ý nghĩa mới và khác hẳn cho các từ ngữ ay. Khi tôi tiếp cận Lời Thượng Đế với thái độ đó, là tôi đã bị lạc đường rồi, thậm chí nếu kết quả có là tích cực đi chăng nữa. Tôi đã đặt lòng tin của mình vào trí tuệ của mình, và tự tin rằng mình có thể biện biệt được điều gì là phải là đúng.
Thái độ phải lẽ sẽ phải là: “Lạy Cha, con tạ ơn Cha về Lời Ngài. Nó là chân lý từ đầu chí cuối. Thế nhưng, con vẫn còn nhiều thắc mắc. Con rất bối rối, lúng túng. Khi bị đẩy vào chỗ không có lối thoát, con đã không tin cậy vào Lời Ngài. Xin Ngài giải đáp vấn đề của con, nhờ Thánh Linh Ngài dùng Lời Ngài chỉ cho con biết sự thật của mọi việc”.
Sự cám dỗ là muốn đứng ra làm nhà chinh phục, nhờ năng lực của trí tuệ mình và sức mạnh của các lý luận của mình. Nhưng Thượng Đế phán: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta” (XaDr 4:6).
Bạn có giỏi hơn các thần học gia ấy không?
Đòn thật nặng trong số tất cả những lời dối gạt kia, là câu hỏi: “Hay là bạn tưởng rằng mình giỏi hơn...?” Lời Thượng Đế dạy chúng ta: “Phải kể mình thật chết về tội lỗi” (RoRm 6:11). Câu này không đòi hỏi chúng ta phải hoà mình vào với tha nhân đến độ tự hoà mình vào với các tội lỗi họ. Tôi chẳng hơn gì một tên ăn trộm, một cô gái điếm, một kẻ ngoại tình, hay một nhà thần học phê bình sử tính. Nhưng cũng như tôi phải nhân danh Chúa Giê-xu để chống lại tội tà dâm thế nào, thì tôi cũng phải nhân danh Ngài để chống lại thần học phê bình sử tính y như thế và khi có cần, thì kêu cầu với Cứu Chúa mình.
Quý độc giả đã theo dõi các luận cứ trong chương sách này, sẽ thấy các khúc sách sau đây cung cấp cho mình một phần tóm tắt hợp thời.
“Các lời miệng ta đều xứng hợp sự công bình. Trong nó chẳng có điều chi cong vạy hoặc gian tà. Thảy đều rõ ràng cho người nào hiểu biết, và ngay thẳng cho ngời nào tìm được sự tri thức” (ChCn 8:8-9).
“Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan. Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (9:10).
“Miệng người công bình sanh sự khôn ngoan; duy lưỡi của kẻ gian tà sẽ bị truất” (10:31).
“Hỡi con, hãy thôi nghe sự khuyên dạy lầm lạc cách xa các lời tri thức” (19:27) (Theo bản dịch từ nguyên bản Hy-bá-lai văn của bà Linnemann).
“Kẻ nào làm cho người ngay thẳng lầm lạc trong đường xấu xa, chánh kẻ đó sẽ sa vào hố của mình đã đào; nhưng người trọn vẹn được hưởng phần phước lành” (28:10).
“Khốn thay cho kẻ chính mắt mình coi mình là khôn ngoan; tự mình xét đoán là thông sáng” (EsIs 5:21).
“Đức Giê-hô-va phán như vầy: Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va” (Gie Gr 17:5).
“Các ông tin tôi sao được, khi các ông vẫn thích đề cao người khác, để rồi họ đáp lễ ca tụng các ông, chứ không lưu ý đến lời khen chê của Thượng Đế” (GiGa 5:44).
“Do lòng thương xót của Thượng Đế tôi nài khuyên anh em dâng thân thể mình cho Thượng Đế như một sinh tế sống và thánh, đẹp lòng Ngài. Đó là cách thờ phượng đích thực của người theo Chúa. Đừng đồng hoá với người đời, nhưng hãy để Chúa đổi mới tâm trí mình; nhờ đó anh em có thể tìm biết ý muốn của Thượng Đế, và hiểu rõ điều gì tốt đẹp, trọn vẹn, hài lòng Ngài” (RoRm 12:1, 2)


Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 28-3-2024 04:52 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách