Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2441|Trả lời: 0

Cây Gậy - THIẾT LẬP THÓI QUEN TĨNH NGUYỆN

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 2-8-2011 20:13:36 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Cây Gậy Của Người Chăn Bầy
Jack Hayford
HUẤN LUYỆN NGƯỜI LÃNH ĐẠO LÀM CHÍN ĐIỀU

MỤC LỤC
A4.1 - Phục Hồi Thói Quen Tĩnh Nguyện
A4.2 - Cảm Tạ Và Ca Ngợi (Dâng Hiến Chính Bạn)
A4.3 - Xưng Tội Và Tẩy Sạch (Dâng Hiến Lòng Bạn)
A4.4 - Mệnh Lệnh Và Sự Vâng Lời (Dâng Hiến Ngày Của Bạn)
A4.5 - Gia Đình Và Hội Thánh (Dâng Hiến Người Thân)
A4.6 - Cầu Thay Cho Thế Giới Nhận Biết Chúa
A4.7 - Đất Nước Và Các Quốc Gia (Dâng Hiến Cả Thế Giới)

Chương 1
THIẾT LẬP THÓI QUEN TĨNH NGUYỆN

Dẫn nhập
Những ngày gần đây Chúa đã cho tôi thấy một phần quan trọng nhất của việc chúng ta cùng bước đi hằng ngày với Chúa. Trong một tuần lễ Chúa đã đánh thức tôi ba lần giữa đêm khuya để phán với tôi về sự thất bại đắng cay của chính tôi. Ngài đã dùng sự thương xót, dịu dàng để chỉ dạy tôi cách rõ ràng như một người cha đối cùng con trai mình.
Tôi rất biết ơn sự sửa phạt và kỷ luật đầy tình thương yêu của Chúa. Tôi ước ao được nghe và vâng theo tiếng Ngài. Tôi cẩn thận ghi lại những gì Ngài đã phán dạy tôi, bởi vì tôi biết rằng nó không chỉ quan trọng cho tôi là một người lãnh đạo Hội Thánh mà nó còn quan trọng cho những người lãnh đạo Hội Thánh khác nữa.
Những người lãnh đạo thuộc linh mang một trách nhiệm vô cùng to lớn trước mặt Đức Chúa Trời về những người đương theo họ bởi vì những người đó nhìn họ để đi theo. Đời sống của chúng ta cũng quan trọng không kém những lời nói hay bài giảng của chúng ta, và bầy của Đức Chúa Trời sẽ nhìn, lắng nghe và đi theo bước chân của người chăn.
Là những người lãnh đạo Hội Thánh, chúng ta không thể hướng dẫn dân sự bước đi với Đức Chúa Trời xa hơn chúng ta bước đi với Ngài. Hơn nữa khi chúng ta sa ngã và thất bại, họ sẽ buồn rầu và thối lui hoặc bước những bước què quặc với Chúa. Thậm chí khi chúng ta không trù tính về sự thất bại của mình hoặc ngay cả khi những thất bại của chúng ta được dấu kín thì những ảnh hưởng này vẫn xảy ra.
Chắc chắn rằng nếu đời sống tôi thất bại thì sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Vì thế tôi không bao giờ làm bất cứ điều gì khi biết rằng nó sẽ làm cho những tín đồ lui đi trong đời sống tâm linh.
Vì vậy, tôi muốn chia xẻ với bạn những bài học mà tôi đã học được từ nơi Chúa qua những ngày tháng đặc biệt trong đời sống tôi.
A. SỰ CẦU NGUYỆN VÀ HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
Tôi muốn bắt đầu bằng cách xem lại những chương đầu của sách Công vụ. Ở đây chúng ta thấy Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus Christ ra sao khi Hội thánh ấy mới được hình thành. Hội thánh ấy đã được hình thành như thế này.
1. Sự Cầu Nguyện Sinh Ra Hội Thánh Đầu Tiên.
Sau khi sống lại, Chúa Jêsus đã để lại lời dạy dỗ đặc biệt cho các môn đồ. Đó là họ phải chờ đợi (cầu nguyện) trong thành Giêrusalem cho đến khi mặc lấy quyền phép từ trên cao như điều cha đã hứa (LuLc 24:49).
Luca, tác giả của sách Công vụ, đã cho chúng ta biết điều gì xảy ra sau đó: “Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc những người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa ”(Cong Cv 1:9).
Điều này xảy ra khi các môn đồ đang đứng trên núi Ôlive. Sau đó họ đi bộ khoảng một ki-lô-mét trở về Giêrusalem, và họp nhau trên phòng cao. Tại đây khoảng 120 người đã họp nhau cầu nguyện trong mười ngày.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần khi họ đang cầu nguyện, bỗng nhiên có tiếng từ trời như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp chỗ môn đồ ngồi...và tất cả họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Kế đến là bài giảng đầy quyền năng của Phierơ, hơn 3.000 người được cứu. Họ vui mừng cùng nhóm lại với các tín hữu khác. Hằng ngày họ được các sứ đồ dạy dỗ và nhóm lại trong các nhà để bẻ bánh và cầu nguyện cùng nhau như lời các sứ đồ (Cong Cv 1:1-2:42).
Hội Thánh được sinh ra từ tử cung của sự cầu nguyện. Mười ngày cầu nguyện đã đem lại ngày lễ Ngũ Tuần với sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh, và điều kỳ diệu nhất là hơn 3.000 người tin Chúa. Những con người của ngày Lễ Ngũ Tuần là những người cầu nguyện mỗi ngày!
2. Cầu Nguyện, Một Sức Mạnh Đầy Quyền Năng
Đời sống cầu nguyện hằng ngày của Hội Thánh đầu tiên không chỉ đem lại ngày Lễ Ngũ Tuần mà còn cứ tiếp tục như một sức mạnh đầy quyền năng trong những ngày đặc biệt sau đó nữa:“Buổi cầu nguyện giờ thứ chín (lối ba giờ chiều ),Phierơ và Giăng cùng lên đền thờ ”(3:11).
Như bạn đã biết câu chuyện này, một người què ngồi cạnh Cửa Đẹp được chữa lành! Qua phép lạ này, số người tin Chúa tăng đến 5.000 người.
Tuy nhiên, chính quyền không thích điều này nên đã bắt Phierơ và Giăng giam vào tù. Ngày hôm sau họ thả Phierơ và Giăng ra nhưng nghiêm cấm hai người không được giảng về Chúa Jêsus nữa.
Phierơ và Giăng đã đáp lại lời đe dọa này như thế nào? “Khi chúng đã tha ra, hai người đi đến cùng anh em mình, thuật lại mọi điều các thầy tế lễ cả, và các trưởng lão đã nói. Mọi người nghe đoạn thì đồng lòng cất tiếng lên cầu nguyện
“Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động, ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ ”(4:23, 24, 31).
Một lần nữa trong 5:12, chúng ta đọc được rằng: “Bấy giờ có nhiều dấu kỳ phép lạ được làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ, và các môn đồ đều hiệp một lòng nhóm nhau dưới hiên cửa Salômôn ”. Đây là thời gian họ cầu nguyện với nhau.
Một câu chuyện thú vị khác được chép trong 6:1-4. Những người lãnh đạo đang đối diện với một nan đề và họ cần phải giải quyết. Câu trả lời của họ thật là khôn ngoan và thực tế. Nó đã cho phép các sứ đồ thời gian mà họ cần có để tiếp tục trong 8:14-15 “Các sứ đồ vẫn ở tại thành Giêrusalem, nghe tin xứ Samari đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời, bèn sai Phierơ và Giăng đến đó. Hai người đến nơi cầu nguyện cho các môn đồ mới, để cho họ được nhận lấy Đức Thánh Linh ”.
Và trong 9:10, 11 chúng ta đọc thấy: “Vả, tại Đamách có một môn đồ tên là Anania. Chúa phán cùng người trong sự hiện thấy (chiêm bao) rằng: Hỡi Anania! Người thưa rằng: Lạy Chúa có tôi đây. Chúa phán rằng: Hãy chờ dậy đi trên đường gọi là đường ngay thẳng, tìm tên SauLơ, người Tạtsơ ở nhà GiuĐa; vì người đang cầu nguyện ”.
Bạn nhớ rằng SauLơ vừa chỉ mới gặp Chúa Jêsus trên đường đi đến ĐaMách. Ông bị ngã xuống đất và bị mù lòa bởi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên con mắt thuộc linh của ông được mở ra và ông được sanh lại cách kỳ diệu. Đời sống ông hoàn toàn thay đổi!
Có lẽ Anania cũng đang cầu nguyện khi ông nhận được khải tượng này. Cùng lúc đó, SauLơ cũng đang cầu nguyện, bởi vì ông không biết phải làm gì. Những lời cầu nguyện đó đã ảnh hưởng đến lịch sử của chính chúng ta ngày nay.
Vâng, những người của Lễ Ngũ Tuần là những người của sự cầu nguyện, Đức Thánh Linh hành động trong quyền năng. Sẽ có sự tha thứ, sự chữa lành, những phép lạ và những sự hướng dẫn! Họ cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi, và Đức Chúa Trời hiện diện ở những nơi đó để thực hiện ý định của Ngài.
Bạn có thể nói sách Công vụ các sứ đồ là một bản tường trình những buổi cầu nguyện đặc biệt. Nó bắt đầu từ ngày Lễ Ngũ Tuần, bởi quyền năng của Thánh Linh và không hề ngừng lại.
Đối với những tín hữu của Hội Thánh đầu tiên, cầu nguyện là hoạt động hằng ngày. Đó là một thói quen cũng tự nhiên và quan trọng như hơi thở. Đúng hơn đó là sự thở của những đời sống mới trong Đức Thánh Linh.
B. SỰ CẦU NGUYỆN TẬN HIẾN, MỘT THÓI QUEN HẰNG NGÀY
Đây chính là thói quen cầu nguyện tận hiến hàng ngày mà Chúa đã phán với tôi. Ngài đã phán trực tiếp với tôi rằng tôi đã bỏ qua kỷ luật (sự đều đặn) của sự cầu nguyện nhiệt thành hằng ngày. Tôi đã cho những điều khác chen vào thay thế những thì giờ tĩnh lặng của tôi với Chúa.
Tôi không có ý nói là tôi không cầu nguyện gì cả. Thật ra tôi cầu nguyện rất nhiều. Tôi đã được dạy về sự cầu nguyện từ khi còn nhỏ. Và lời cầu nguyện đầu tiên mà tôi đã học khi còn là một đứa trẻ như ai cũng biết là:“Lạy Chúa, bây giờ con đi ngủ. Con cầu nguyện cùng Ngài, xin gìn giữ linh hồn con ”.
Sau đó tôi sẽ cầu nguyện rằng xin Chúa ban phước cho ba má con, Cho Loann, cho Jimmie và cho con. Lạy Chúa xin Chúa giúp con chuẩn bị sẵn sàng khi Chúa trở lại. Nếu ngày nay con có làm điều gì xấu, xin Chúa tha thứ cho con. Xin ban phước cho hết thảy các bạn của con và giúp chúng con thương yêu nhau. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus, Amen.”
Đôi khi có vài điều nữa, nhưng hầu như đó là lời cầu nguyện của tôi cho đến khi trưởng thành.
Ngay cả bây giờ, lời cầu nguyện ấy vẫn còn là dàn ý của lời cầu nguyện của tôi trước khi đi ngủ. Tôi không nghĩ là mình đã qua khỏi sự ấu trĩ đó. Tôi vẫn cầu nguyện rằng:“Lạy Chúa bây giờ con sẽ đi ngủ. Con cảm tạ Ngài vì Ngài hứa rằng Ngài sẽ ban cho kẻ yêu mến Ngài giấc ngủ bình an. Xin ban phước cho vợ con là Anna và các con của con, Becky và Scott. Xin ban phước cho Jack và vợ của nó. Xin ban phước cho các cháu nội của con là Dele, Brian và Kyle ”. Sau đó có thể tôi sẽ kể tên thêm một vài người nữa rồi nhanh chóng nằm xuống ngủ thiếp đi.
Tôi nghĩ rằng mình là một người siêng năng cầu nguyện và thờ phượng, và tôi biết bạn cũng nghĩ như vậy.
Là một người lãnh đạo Hội Thánh tôi thường hướng dẫn buổi cầu nguyện. Tôi thường xuyên cầu nguyện với những nhóm ít người. Tôi cầu nguyện với những người đến với tôi để tìm sự giúp đỡ tâm linh. Có những khi tôi cầu nguyện cho thế giới và mọi người. Tôi thường đến với Đức Chúa Trời để xin sự hướng dẫn khi có nhu cầu.
Hơn nữa, tôi đã dạy về sự cầu nguyện. Tôi đã viết và giảng rất nhiều về đề tài này. Vì vậy, tôi không lạ gì sự cầu nguyện cũng như ý nghĩa và sự thực hành. Tuy nhiên, tôi mắc phải một nan đề là giờ tĩnh nguyện vào mỗi sáng của tôi không còn là một thói quen hàng ngày nữa.
Không phải bỗng nhiên tôi không cầu nguyện nữa. Những điều khác, ngay cả những điều tốt, dường như chiếm lấy thì giờ cầu nguyện riêng tư hằng ngày của tôi.
Ví dụ như đối với tôi đọc Kinh Thánh hằng ngày thì dễ hơn cầu nguyện mỗi ngày rất nhiều. Tôi biết nhiều người khác cũng nghĩ như vậy. Dĩ nhiên, học lời Chúa là điều rất quan trọng, nhưng điều mà tôi đã nhận được từ nơi Chúa liên quan đến đời sống cầu nguyện của tôi (Hễ ai cầu nguyện nhiều hơn, thì cũng đọc lời Chúa nhiều hơn).
Chúa đã phán rõ ràng rằng tôi cần phải bắt đầu lại thói quen cầu nguyện cá nhân hằng ngày. Tôi phải bắt đầu học lại những bài học đầu tiên và phần nào cảm thấy thì giờ này ít quan trọng hơn những giờ khác trong ngày của tôi với Chúa.
Bây giờ Chúa phán rằng tôi cần phải học lại tất cả một lần nữa, và tôi đã làm như vậy. Tôi trở lại trường với Chúa Jêsus. Tôi đã học lại những bài học đầu tiên và tôi muốn chia xẻ với bạn, từ lòng tôi đến lòng bạn.
Chúa đòi hỏi tôi trước nhất phải chia xẻ những thất bại của tôi cho Hội Thánh. Tôi nói với họ rằng có thể rất nhiều người, nếu không nói là hầu hết, trong số họ cũng không có thì giờ tương giao với Chúa hằng ngày. Có thể lỗi đó là do những người lãnh đạo Hội Thánh của họ, là những người đã không làm gương.
Rồi tôi bảo với họ rằng Đức Chúa Trời đã thương yêu và khôn ngoan hướng dẫn tôi làm thế nào để phục hồi thói quen cầu nguyện buổi sáng mỗi ngày, và tôi đã vui lòng lắng nghe và vâng theo tiếng Ngài. Bởi vì tôi đã phục hồi đời sống cầu nguyện của chính tôi, nên tôi đã sẵn sàng để chia xẻ cho họ lẽ thật tươi mới từ lòng Chúa đến lòng tôi. Và đó cũng là mục đích trong các buổi nhóm lại của Hội Thánh chúng tôi.
1. Tôi Phải Cầu Nguyện Trong Bao Lâu?
Câu hỏi đầu tiên trong tâm trí của mỗi người là cần phải dành bao nhiêu thì giờ cho sự tĩnh nguyện buổi sáng? Tôi sẽ nói cho bạn nguyên tắt này: Đừng đặt giới hạn cho thì giờ, nếu không bạn sẽ thất bại ngay khi mới bắt đầu. Cầu nguyện sẽ trở thành một nhiệm vụ hay một gánh nặng hơn là cánh cửa dẫn vào mối liên hệ thân mật với Cha trên trời của bạn.
a. Biệt Riêng Thì Giờ Để Cầu Nguyện. Chúng ta cần phải biệt riêng thì giờ để cầu nguyện, chúng ta phải bớt thì giờ làm những việc khác lại.
Vì vậy chúng ta phải quyết định việc gì phải bỏ đi để dành thì giờ cầu nguyện.
Hầu hết chúng ta đều phí thì giờ cho những việc không cần thiết vào buổi tối. Ví dụ như tôi đã hình thành thói quen nghe bản tin cuối ngày và bản tin dự báo thời tiết trên đài phát thanh trước khi đi ngủ. Tôi đã quyết định bỏ thói quen đó.
Nhiều người cũng đã bỏ đi những việc không cần thiết vào buổi tối để đi ngủ sớm hơn. Hai mươi lăm đến ba mươi phút đi ngủ sớm vào buổi tối làm chúng ta có thể dậy sớm hơn chừng đó thì giờ vào buổi sáng. Đó là thì giờ cần thiết để bắt đầu thói quen tương giao hằng ngày với Chúa.
2. Tĩnh Nguyện: Tình Bạn Với Chúa Jêsus.
Cần phải có năng lực của ý chí để bắt đầu thói quen nầy. Một khi kiểu mẫu được hình thành, nó sẽ trở thành một phần tự nhiên của đời sống chúng ta.
Chúng ta biết hoặc cảm thấy điều gì đó thiếu vắng khi nó bị bỏ đi. Chúng ta thật sự bỏ mất thì giờ ở riêng với Chúa, là một thì giờ ngọt ngào và thỏa mãn trong tình bạn thân mật.
Dĩ nhiên chúng ta biết rằng bỏ qua thì giờ tương giao hàng ngày với Chúa không có nghĩa là suốt ngày sau đó sẽ mang đầy những thất bại đen tối. Nền tảng của sự tin cậy của chúng ta là Đấng mà chúng ta cầu nguyện, chứ không phải là những gì chúng ta cầu nguyện. Đức Chúa Trời là thành tín sẽ giúp đỡ chúng ta bất cứ lúc nào chúng ta chạy đến với Ngài.
Tuy nhiên, sự thật là chúng ta dễ dàng chiến thắng hoặc vượt qua những khó khăn cám dỗ khi chúng ta đã được chuẩn bị qua sự cầu nguyện buổi sáng của chúng ta.
Chúng ta cũng phải biết rằng thì giờ tương giao cá nhân là một phước hạnh của chúng ta, nó cũng đem đến sự thỏa lòng cho Chúa. Ngài mong muốn chúng ta đến với Ngài, ở bên Ngài, để Ngài lo lắng cho chúng ta.
Thật là một đặc quyền cho chúng ta khi được ra mắt Chúa khi bắt đầu một ngày mới, và biết rằng Ngài ao ước trở thành một phần của cuộc đời chúng ta. Mỗi ngày chúng ta có thể tôn cao sự hiện diện của Ngài qua sự cầu nguyện của mình.
C. MỘT CHƯƠNG TRÌNH SÁU MẶT CHO SỰ CẦU NGUYỆN HẰNG NGÀY.
Có sáu lãnh vực quan trọng trong sự tương giao hằng ngày của chúng ta. Chúng là nền tảng cho sự cầu nguyện.
I. CẢM TẠ VÀ CA NGỢI - HIẾN DÂNG CHÍNH MÌNH ANH EM.
A. Mục đích của sự ca ngợi.
B. Dâng thân thể anh em.
C. Hát bài ca mới.
D. Thờ phượng trong Thánh Linh.
II. XƯNG TỘI VÀ TẨY SẠCH - DÂNG HIẾN LÒNG ANH EM.
A. Xin Ngài tra xét.
B. Đừng để bị lừa dối.
C. Hãy canh chừng.
D. Hãy nắm giữ mục tiêu.
III. MỆNH LỆNH VÀ SỰ VÂNG LỜI - DÂNG HIẾN NGÀY CỦA BẠN.
A. Dâng ngày của bạn cho Đức Chúa Trời.
B. Trình dâng những nhu cầu trẻ thơ.
C. Cầu xin sự hướng dẫn đặc biệt.
D. Vâng phục sự hướng dẫn.
IV. GIA ĐÌNH VÀ HỘI THÁNH - DÂNG NHỮNG NGƯỜI THÂN THIẾT VÀ GẦN GŨI.
A. Hãy nêu tên những người thân trong gia đình.
B. Mở rộng vòng tay cầu nguyện.
C. Nhớ đến gia đình của Đức Chúa Trời.
D. Cũng nhớ đến những người cô đơn.
V. CẦU THAY CHO THẾ GIỚI TIN NHẬN CHÚA JESUS.
A. Một Hội thánh kiểu mẫu của sự cầu nguyện và truyền giáo.
B. Những nan đề của sự cầu nguyện: những thái độ, động cơ và phương pháp sai lầm.
C. Định nghĩa sự cầu thay.
D. Ba thế lực trong cuộc chiến thuộc linh.
E. Ba quan niệm quan trọng trong sự cầu thay.
VI. CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI - DÂNG CẢ THẾ GIỚI.
A. Cầu thay cho các quốc gia.
B. Cầu thay cho những nhà truyền giáo.
C. Trận chiến thuộc linh trong việc truyền giáo.
D. Cầu thay cho những người lãnh đạo đất nước và sự hòa bình.
Trong những phần cuối của bài học Kinh Thánh nầy chúng ta sẽ theo dõi dàn ý trên mà cùng nhau nghiên cứu.


Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 18-4-2024 11:37 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách