Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3893|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 1 - Dẫn nhập Ê-xơ-tê

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 26-8-2011 20:40:09 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Kinh Thánh 1

Dẫn nhập Ê-xơ-tê

Các niên đại
Giê-ru-sa-lem bị phá hủy; dân Y-sơ-ra-ên bị đày sang Ba-by-lôn năm 586 TC
Những dân lưu đày trở về Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất, vào năm 538 TC
Đền thờ được hoàn thành năm 516 TC
Xét-xe lên ngôi vua Ba-tư năm 486 TC
Ê-xơ-tê lên ngôi hoàng hậu năm 479 TC
Chiếu chỉ của Ha-man nhằm tiêu diệt người Do-thái được ban hành năm 474 TC
Lễ Phu-rim đầu tiên năm 473 TC.
Lời giới thiệu
Khúc mắc, quyền lực,lãng mạn, âm mưu - là những yếu tố chính cấu thành các quyển tiểu thuyết bán chạy nhất. Nhưng khác xa với một tác phẩm do óc hư cấu hiện tại, những lời lẽ sau đây mô tả một câu chuyện có thật, sinh động, đã được viết lại nhiều thế kỷ trước đây. Vượt hẳn một tác phẩm chỉ đọc để tiêu khiển suông, đây là một câu chuyện sâu nhiệm về quyền tể trị của Đức Chúa Trời đan xen với ý chí của con người. Đức Chúa Trời chuẩn bị nơi chốn và cơ hội, còn những người của Ngài, Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê, thì chọn phần hành động.
Sách Ê-xơ-tê bắt đầu với hoàng hậu Vả-thi không chịu tuân lệnh của chồng là vua Xét-xe. Bà này đột ngột bị thất sủng và nhà vua khởi tìm một tân hoàng hậu. Nhà vua giáng chiếu triệu tập toàn thể các mỹ nhân trong vương quốc để đưa vào cung cấm. Ê-xơ-tê một thiếu nữ Do-thái, là một trong số người đã được chọn đó. Vua Xét-xe rất đẹp lòng về Ê-xơ-tê nên đã chọn nàng làm hoàng hậu.
Tiếp theo đó, Mạc-đô-chê, anh họ của Ê-xơ-tê vì là một quan chức của chính phủ và trong khi thi hành nhiệm vụ, đã phát giác được một âm mưu ám sát. Nhưng Ha-man một kẻ có nhiều tham vọng và ích kỷ lại được bổ nhiệm vào chức vị đứng hàng thứ hai trong chính phủ. Vì Mạc-đô-chê không chịu quỳ xuống để tỏ lòng tôn kính hắn, Ha-man vô cùng giận dữ và nhất định tiêu diệt Mạc-đô-chê cùng với toàn thể dân Do-thái.
Nhằm thực hiện hành vi báo thù của mình, Ha-man đã lừa dối nhà vua và thuyết phục nhà vua ban một chiếu chỉ kết án tử hình toàn thể người Do-thái. Mạc-đô-chê báo cho Ê-xơ-tê biết sắc chỉ này, và bà đã quyết định liều mạng để cứu dân tộc mình. Ê-xơ-tê mời vua Xét-xe và Ha-man đến dự một dạ tiệc của bà. Trong bữa tiệc, nhà vua hỏi Ê-xơ-tê bà thật sự thích gì, và hứa sẽ ban cho bà bất luận điều gì. Ê-xơ-tê chỉ đơn giản mời hai vị khách lại tham dự một dạ tiệc khác vào ngày hôm sau.
Đêm ấy, do bị mất ngủ, nhà vua tình cờ đọc được mấy bản báo cáo trong văn khố hoàng gia về vụ âm mưu ám sát mà Mạc-đô-chê đã phát giác. Nhà vua rất ngạc nhiên khi biết rằng Mạc-đô-chê đã chẳng hề được ban thưởng gì vì hành động đó, nên hỏi Ha-man phải làm thế nào để cám ơn vị anh hùng ấy cho xứng đáng. Ha-man tưởng chắc nhà vua muốn nói về chính hắn ta, nên đã đề nghị một phần thưởng hết sức rộng rãi. Nhà vua đồng ý, nhưng trước sự kinh ngạc và là một điều sỉ nhục đối với Ha-man, hắn được biết chính Mạc-đô-chê lại là người được cái vinh dự đó.
Trong bữa dạ tiệc thứ hai, nhà vua lại hỏi Ê-xơ-tê là bà thích điều gì. Bà tâu rằng có một kẻ đang âm mưu tiêu diệt bà và cả dân tộc bà nữa, và nêu tên Ha-man chính là thủ phạm. Nhà vua lập tức kết án xử tử Ha-man trên mộc hình mà hắn ta đã dựng lên cho Mạc-đô-chê. Trong màn chót của tấn kịch về cuộc đời thật này, Mạc-đô-chê đã được bổ nhiệm vào địa vị của Ha-man, còn dân Do-thái thì được bảo đảm sẽ được bảo vệ sinh mạng trong toàn xứ. Để ăn mừng cơ hội lịch sử này, lễ Phu-rim đã được thiết lập.
Nhờ hành động can đảm của Ê-xơ-tê, cả một dân tộc đã được cứu sống. Khi nhìn thấy cơ hội tốt Chúa ban, bà đã biết nắm ngay lấy! Và cuộc đời bà đã được thay đổi hẳn. Hãy đọc sách Ê-xơ-tê và trông mong cơ hội Đức Chúa Trời sẽ hành động ngay trong đời sống của bạn. Có lẽ Ngài đã chuẩn bị bạn để hành động “trong lúc này đây” (EtEt 4:14) .
Các đặc điểm quan trọng:
Chủ đích: Nhằm chứng minh quyền tể trị và tình yêu chăm sóc của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài, những người thuộc về Ngài.
Trước giả: Khuyết danh. Có thể là chính Mạc-đô-chê (EtEt 9:29) một số người gợi ý E-xơ-ra hoặc Nê-hê-mi vì bút pháp rất giống với bút pháp của hai ông.
Niên đại viết sách: Trước sau 483-471 TC (Ê-xơ-tê được phong hoàng hậu năm 479 TC)
Bối cảnh: Tuy sách Ê-xơ-tê được xếp sau sách Nê-hê-mi trong bộ Thánh Kinh, các biến cố trong đó đã xảy ra 30 năm trước các biến cố đã được chép lại trong sách Nê-hê-mi. Câu chuyện có bối cảnh là trong đế quốc Ba-tư, và phần lớn các hành động đều đã diễn ra trong cung vua tại Su-sơ, là thủ đô của Ba-tư.
Câu chìa khoá: “Các nàng hầu bà Ê-xơ-tê và những hoạn quan bà đều đến thuật lại sự ấy cho bà; hoàng hậu bèn buồn rầu lắm, gởi quần áo cho Mạc-đô-chê mặc, để lột bao khỏi mình người; nhưng người không khứng nhận” (EtEt 4:14)
Các nhân vật chính: Ê-xơ-tê, Mạc-đô-chê, Vua Xét-xe I, Ha-man.
Địa điển chính: Cung điện hoàng gia Su-sơ, Ba-tư.
Những nét đặc trưng: Ê-xơ-tê là một trong hai sách trong Thánh Kinh có nhan đề là tên của phụ nữ (sách kia là Ba-tư). Có một điểm bất thường, là trong nguyên bản, đã không thấy có tên, tước hiệu hay đại danh từ chỉ Đức Chúa Trời (xem chú thích ở EtEt 4:14) . Điều này đã khiến một số giáo phụ thắc mắc đối với việc đưa văn phẩm này vào toàn bộ Kinh điển. Nhưng sự hiện diện của Đức Chúa Trời thì quá rõ ràng từ đầu chí cuối quyển sách.
Bố cục:
Ê-xơ-tê được ngôi hoàng hậu (EtEt 1:1-2:23)
Dân Do-thái bị đe doạ (EtEt 3:1-4:17)
Ê-xơ-tê cầu thay cho dân Do-thái (EtEt 5:1-8:17)
Dân Do-thái được giải cứu (EtEt 9:1-10:3)
Sách Ê-xơ-tê là một thí dụ về sự hướng dẫn và chăm sóc của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta. Quyền tể trị và quyền năng của Đức Chúa Trời được thấy rõ từ đầu chí cuối quyển sách này. Tuy chúng ta có thể thắc mắc đặt vấn đề nhân một số hoàn cảnh xảy ra trong cuộc đời mình, chúng ta phải có đức tin rằng Đức Chúa Trời đang nắm quyền cai trị kiểm soát, vận hành qua cả các thời kỳ thuận tiện lẫn khó khăn để chúng ta đều có thể phục vụ Ngài có kết quả.
Các đại đề mục:
Luận đề: Quyền tể trị của Đức Chúa Trời
Lời giải thích: Sách Ê-xơ-tê kể lại các hoàn cảnh chủ yếu cho sự tồn tại của dân Chúa tại Ba-tư. Các “tình hình” đó vốn không phải là hậu quả của sự may rủi, nhưng là kế hoạch lớn của Đức Chúa Trời. Ngài đang cầm quyền tể trị trên mọi lãnh vực của đời sống chúng ta.
Tầm quan trọng: Với Đức Chúa Trời đảm trách mọi sự, chúng ta có thể cứ can đảm lên. Ngài có quyền hướng dẫn chúng ta vượt mọi hoàn cảnh phải đương đầu trong đời sống. Bạn có thể trông mong Đức Chúa Trời phô bày quyền năng Ngài để thực hiện ý chỉ Ngài. Một khi chúng ta đã thống nhất chủ đích của mình với chủ đích của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ sự chăm sóc tể trị của Ngài.
Luận đề: Oán thù chủng tộc
Lời giải thích: Dân Do-thái tại Ba-tư chỉ là một thiểu số vì họ đã đưa từ Giu-đa đến để chịu cảnh lưu đày từ 100 năm trước. Ha-man là một hậu duệ của vua A-ga, một kẻ thù của dân Do-thái. Thói tham quyền và kiêu ngạo đã đưa Ha-man đến chỗ thù ghét Mạc-đô-chê, anh họ của Ê-xơ-tê. Ha-man đã thuyết phục nhà vua tận diệt người Do-thái.
Tầm quan trọng: Oán thù chủng tộc bao giờ cũng là tội ác. Chúng ta không nên nhượng bộ nó bất kỳ dưới hình thức nào. Mỗi một con người trên thế gian này đều có giá trị nội tại, vì Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra nhân loại theo hình tượng Ngài. Do đó người thuộc về Đức Chúa Trời phải chống lại chủ nghĩa (kỳ thị) chủng tộc bất cứ lúc nào nơi nào nó xuất hiện.
Luận đề: Sự giải thoát
Lời giải thích: Đến ngày 28 tháng Hai dl., người Do-thái ăn mừng lẫ Phu-rim, biểu tượng của quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời. Phu-rim có nghĩa là “thăm”, những lá thăm mà Ha-man đã dùng để định ngày tiêu diệt toàn thể dân Do-thái khỏi xứ Ba-tư. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, sử dụng hoàng hậu Ê-xơ-tê cầu thay cho dân Do-thái.
Tầm quan trọng: Vì Đức Chúa Trời đang kiểm soát lịch sử, Ngài không hề bị một biến chuyển nào của các biến cố hay hành động nào của loài người đánh bại được. Ngài có quyền cứu chúng ta khỏi điều ác của thế gian này và giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Vì tin cậy Đức Chúa Trời, chúng ta chẳng sợ những gì thiên hạ nói hoặc làm cho chúng ta; trái lại, chúng ta phải tin quyết vào quyền cai trị kiểm soát của Đức Chúa Trời.
Luận đề: Hành động
Lời giải thích: Trực diện với cái chết, Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê đã gạt qua một bên nỗi sợ hãi của riêng họ để bắt tay hành động. Ê-xơ-tê đã liều mạng để yêu cầu vua Xét-xe cứu dân Do-thái. Họ không để cho nỗi sợ hãi khiến mình bị tê liệt.
Tầm quan trọng: Khi thuộc thiểu số và thiếu năng lực thì lẽ tự nhiên là chúng ta cảm thấy bất năng. Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê đã chống lại cám dỗ này bằng cách can đảm hành động. Biết Đức Chúa Trời nắm quyền kiểm soát thì chưa đủ, chúng ta còn phải hành động hi sinh và can đảm nữa theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.
Luận đề: Khôn ngoan
Lời giải thích: Dân Do-thái thuộc thiểu số trong một thế gian thù ghét họ. Mạc-đô-chê phải hết sức khôn ngoan mới tồn tại được. Phục vụ nhà vua như một quan chức trung tín, Mạc-đô-chê đã tìm cách hiểu rõ và hành động đúng luật pháp Ba-tư. Thế nhưng lòng trung thực của ông đã không bị “pha loãng” để thoả hiệp với thế gian.
Tầm quan trọng: Phải thật khôn ngoan mới tồn tại được trong một thế gian vô tín. Trong một môi trường sống phần lớn là thù ghét Cơ-đốc giáo, chúng ta có thể chứng minh sự khôn ngoan bằng cách tôn trọng những gì là đúng, là tốt, và bằng cách khiêm tốn giữ vững lập trường chống lại điều sai quấy.


Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 06:11 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách