Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3381|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 1 - Dẫn nhập Truyền Đạo

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 26-8-2011 20:43:05 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Kinh Thánh 1

Dẫn nhập Truyền Đạo

Lời giới thiệu:
Chiếc bánh mẫu nằm trong hộp, với đám “cỏ” bằng giấy màu xanh lục bao quanh. Bằng đôi mắt mở to nhiều kỳ vọng của buổi sáng sớm lễ Phục sinh, cậu bé cẩn thận nâng chiếc bánh sô-cô-la lên và cắn một miếng. Những vị ngọt tan biến nhanh chóng, và cậu bé nhìn trân trối vào chiếc bánh ngọt trong tay mình. Chỉ là chiếc bánh giả!
Trống rỗng, phù du, giả dối, chẳng có gì cả... những từ ngữ nói lên nỗi thất vọng và ảo tưởng. Thế nhưng, đó lại là kinh nghiệm sống của rất nhiều người. Họ đang vơ vét được nhiều điều họ từng tưởng là tuyệt vời - tài sản, từng trải, quyền lực và lạc thú - để rồi nhận ra rằng bên trong đó chẳng có gì cả. Cuộc đời chỉ trống rỗng, vô nghĩa... và họ vô cùng thất vọng.
Gần 3.000 năm trước đây, vua Sa-lô-môn đã đề cập nan đề này của nhân loại, nhưng những cái nhìn xuyên suốt thông tuệ và việc ứng dụng bức thông điệp đó của ông vẫn còn thích hợp cho thời đại của chúng ta. Sách Truyền đạo - bài giảng được ghi chép lại của Sa-lô-môn là một bảng phân tích các kinh nghiệm sống và là một thiên tiểu luận nhằm mục đích phê bình ý nghĩa của nó. Trong quyển sách sâu nhiệm này. Sa-lô-môn đưa chúng ta vào một chuyến du hành tinh thần xuyên suốt đời sống của ông, và cố giải thích để mọi người cùng hiểu thế nào mọi việc mình từng thử nghiệm hoặc nếm thử đều “vô nghĩa” - vô dụng, vô lý, vô mục đích, dại dột và rỗng tuếch - một việc làm phù du. Điều nên nhớ là lời lẽ ở đây vốn là của một con người đã có được “tất cả mọi điều đó” - đã có trí tuệ, quyền thế và sự giàu có phi thường. Sau chuyến du hành và kể lại tiểu sử của mình này, Sa-lô-môn đã đưa ra một câu kết luận như một tiếng reo là chiến thắng của ông: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết này: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (TrGv 12:13,14)
Lúc mới lên ngôi, Sa-lô-môn đã cầu xin Đức Chúa Trời ban cho mình sự khôn ngoan (IISu 2Sb 1:7-12) và đã trở thành con người khôn ngoan nhất trên thế gian này (IVua 1V 4:29-34). Nhà vua đã học hỏi nghiên cứu, dạy dỗ, phán xét và viết sách. Nhiều nhà vua và lãnh tụ từ nhiều nước khác đã đến Giê-ru-sa-lem để học hỏi với Sa-lô-môn. Nhưng với toàn thể cách nhìn thông tuệ thực tế vào cuộc đời đó, Sa-lô-môn đã không thực hiện được chính lời khuyên bảo của mình, và nhà vua đã bắt đầu tuột dốc. Đến gần cuối đời mình, Sa-lô-môn đã nhìn lui bằng một thái độ khiêm hạ và ăn năn. Ông lập một bảng kiểm kê tất cả những gì đang có trên thế gian này mà mình đã từng trải, mong tránh được cho các độc giả của mình nỗi cay đắng mà ông đã học hỏi được qua kinh nghiệm bản thân rằng ngoài Đức Chúa Trời ra, thì mọi sự đều rỗng tuếch, giả dối và vô nghĩa.
Tuy giọng điệu của sách Truyền đạo vốn tiêu cực và bi quan, chúng ta không nên kết luận rằng chương sách duy nhất đáng đọc và ứng dụng là chương cuối cùng, trong đó ông đưa ra các kết luận của mình. Thật ra, cả quyển sách đều đầy dẫy sự khôn ngoan thực tiễn (cách thức để thành công và đứng ngoài mọi rắc rối trong đời này) và sự khôn ngoan thuộc linh (cách đi tìm và nhận biết các giá trị vĩnh cửu). Sa-lô-môn đã có một cách tiếp cận với cuộc đời hết sức chân thành. Sở dĩ ông đưa ra tất cả các nhận định của mình liên quan đến tính cách phù du của cuộc đời là chỉ nhằm một chủ đích - hướng dẫn để mọi người biết tìm kiếm hạnh phúc thật, vốn chỉ có nơi một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Ông đã không tìm cách triệt tiêu mọi hi vọng, mà hướng dẫn các kỳ vọng của chúng ta để chỉ nhìn chăm vào Đấng duy nhất có thể thật sự hoàn thành chúng. Sa-lô-môn khẳng định giá trị của kiến thức, các mối liên hệ, việc lao động và lạc thú, nhưng chỉ với điều kiện là chúng phải được đặt đúng chỗ. Tất cả những điều tạm thời đó trong đời này phải được nhìn dưới làn ánh sáng của cõi vĩnh hằng.
Hãy đọc sách Truyền đạo để học hỏi về cuộc đời. Hãy lắng nghe những lời cảnh cáo nghiêm trọng và những lời tiên báo khốc liệt này, để tận hiến cả cuộc đời mình tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá mình ngay bây giờ (TrGv 12:1).
Các đặc điểm quan trọng:
Chủ đích: Nhằm giúp các thế hệ tương lai tránh được nỗi cay đắng bằng cách học hỏi từ từng trải của chính học giả rằng cuộc đời này là vô nghĩa nếu người ta sống ngoài Đức Chúa Trời.
Trước giả: Vua Sa-lô-môn
Đọc giả: Riêng cho các thần dân của Sa-lô-môn và cho tất cả mọi người nói chung.
Niên đại trước tác: Có lẽ trước sau năm 935 TC, trong giai đoạn cuối đời của Sa-lô-môn.
Bối cảnh: Sa-lô-môn đang nhìn lại cuộc đời mình, phần lớn đã sống ngoài Đức Chúa Trời.
Câu chìa khoá: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết này: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi” (TrGv 12:13)
Bố cục:
1. Kinh nghiệm bản thân của Sa-lô-môn: (TrGv 1:1-2:26)
2. Các nhận định của Sa-lô-môn (TrGv 3:1-5:20)
3. Lời khuyên thực tiễn của Sa-lô-môn (TrGv 6:1-8:17)
4. Kết luận cuối cùng của Sa-lô-môn (TrGv 9:1-12-14)
Sách Truyền đạo chỉ ra một số các nẻo đường đời dẫn đến hư vô. Quyển sách sâu nhiệm này cũng giúp chúng ta khám phá ra chủ đích thật sự của cuộc đời. Một sự khôn ngoan như thế có thể giúp chúng ta tránh được cái cảm thức rỗng tuếch, hậu quả của một cuộc đời sống không có Đức Chúa Trời. Sa-lô-môn dạy rằng mọi người sẽ chẳng tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình trong kiến thức tiền bạc, lạc thú hoặc thanh danh. Người ta chỉ thật sự mãn nguyện khi được biết rằng những gì mình đang làm là một phần của chủ đích mà Đức Chúa Trời muốn cho đời sống mình phải thực hiện. Đây là một quyển sách có thể giúp giải phóng chúng ta khỏi các bon chen nhằm tranh giành, đoạt lợi, mưu tìm thế lực, và kéo chúng ta đến càng gần với Đức Chúa Trời hơn.
Các đại đề mục
Luận đề: Sự tìm kiếm
Phần giải thích: Sa-lô-môn đi tìm điều khiến ông mãn nguyện gần như người cầm đầu một công trình thí nghiệm khoa học vậy. Qua tiến trình này, ông khám phá ra rằng một cuộc đời không có Đức Chúa Trời là một cuộc tìm kiếm niềm vui, ý nghĩa và sự thành công dai dẳng và không có kết quả. Hạnh phúc thật không có trong năng lực tích luỹ hoặc sự thành đạt của chúng ta, vì chúng ta luôn luôn muốn có nhiều hơn điều chúng ta hiện có. Hơn nữa, có nhiều hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, có thể cướp đi các tài sản hoặc thành tựu của chúng ta.
Tầm quan trọng: Thiên hạ vẫn tìm kiếm. Thế nhưng càng được nhiều bao nhiêu họ càng nhận thấy rằng mình chỉ mới có được quá ít mà thôi. Nếu không có Đức Chúa Trời thì không thể có thú vui hay hạnh phúc gì cả. Nếu không có Ngài thì sự mãn nguyện chỉ là một cuộc tìm kiếm vô vọng. Trên hết mọi sự, chúng ta phải phấn đấu để nhận biết và yêu mến Đức Chúa Trời. Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan, kiến thức và niềm vui.
Luận đề: Sự trống rỗng
Phần giải thích: Sa-lô-môn chứng minh cái vô vọng, rỗng tuếch của việc theo đuổi lạc thú mà đời này có thể ban cho chúng ta, thay vì mối liên hệ với một Đức Chúa Trời đời đời. Việc tìm kiếm lạc thú, của cải, và thành công cuối cùng sẽ chỉ còn là tuyệt vọng. Chẳng có gì trong đời này lắp đầy được cái rỗng tuếch và thoả mãn được các hoài bão sâu xa của những tấm lòng không bao giờ chịu yên nghỉ của chúng ta
Tầm quan trọng: Cách chữa lành cho cảm thức rỗng tuếch là tập trung chú ý vào Đức Chúa Trời. Tình yêu của Ngài cũng có thể lắp đầy sự trống rỗng của từng trải làm người. Hãy kính sợ Đức Chúa Trời suốt cuộc đời bạn và đổ đầy nó bằng việc phục vụ Đức Chúa Trời và tha nhân thay vì bằng các lạc thú ích kỷ.
Luận đề: Lao động
Phần giải thích: Sa-lô-môn cố tìm cách cảnh tỉnh mọi người về niềm tin của họ vào các nỗ lực, tài năng và sự khôn ngoan riêng của mình, và hướng dẫn họ hãy đặt đức tin vào Đức Chúa Trời như phần nền tảng phải lẽ duy nhất cho đời sống. Nếu không có Đức Chúa Trời, sẽ chẳng có phần thưởng hoặc tồn tại mãi hoặc lợi ích cho lao động gian khổ của chúng ta.
Tầm quan trọng: Lao động với thái độ sai lầm sẽ bỏ mặc chúng ta cảm thấy rỗng tuếch. Nhưng lao động được tiếp nhận như một công tác được Đức Chúa Trời giao phó có thể được xem như một ân tứ. Hãy xét xem bạn đang nỗ lực để trông mong được gì. Đức Chúa Trời ban cho bạn tài năng và cơ hội làm việc để bạn sử dụng đúng thì giờ của mình.
Luận đề: Sự chết
Phần giải thích: Cái chết chắc chắn khiến mọi thành tựu vô mục đích của loài người thành vô ích. Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho số phận loài người vượt ra ngoài sự sống và cái chết. Thực tại của tuổi thọ và sự chết nhắc nhở mỗi người về một kết cuộc khi Đức Chúa Trời sẽ phán xét đời sống của từng người.
Tầm quan trọng: Vì đời sống ngắn ngủi, chúng ta có sự khôn ngoan lớn hơn sự khôn ngoan mà thế gian này có thể đem đến. Chúng ta cần có Lời của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta chịu nghe Ngài, sự khôn ngoan của Ngài sẽ giúp chúng ta tránh được nỗi cay đắng của từng trải phù du của loài người và ban cho chúng ta một hi vọng vượt xa hơn cõi chết.
Luận đề: Sự khôn ngoan
Phần giải thích: Sự khôn ngoan của loài người không trả lời được mọi câu hỏi. Kiến thức và giáo dục có giới hạn của nó. Muốn hiểu về cuộc đời, chúng ta cần đến sự khôn ngoan chỉ có trong Lời Đức Chúa Trời phán dạy chúng ta - là Kinh Thánh mà thôi.
Tầm quan trọng: Khi chúng ta nhận thức được rằng Đức Chúa Trời sẽ đánh giá mọi việc ta làm, chúng ta phải học tập để biết sống khôn ngoan, nhớ rằng Ngài hiện diện mỗi ngày để chúng ta học tập vâng theo các hướng dẫn của Ngài cho đời sống. Nhưng muốn có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, trước hết chúng ta phải nhận biết và tôn trọng Ngài.


Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 28-3-2024 04:40 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách