Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3063|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 1 - Dẫn nhập Mi-chê

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 27-8-2011 08:35:11 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Kinh Thánh 1

Dẫn nhập Mi-chê

Các niên đại
Ô-sê trở thành nhà tiên tri, năm 753 TC.
Giô-tham làm vua Giu-đa năm 750 TC.
Tiếc-la Phi-lê-se III xâm lăng Y-sơ-ra-ên năm 743 TC.
Mi-chê trở thành nhà tiên tri; Phê-ca-lia lên ngôi, năm 742 TC.
Ê-sai trở thành nhà tiên tri, năm 740 TC.
A-cha lên ngôi vua Giu-đa năm 735 TC.
Y-sơ-ra-ên (vương quốc miền Bắc) sụp đổ, năm 722 TC.
Chức vụ của Ô-sê chấm dứt, Ê-xê-chia làm vua Giu-đa 715 TC.
San-chê-ríp vây Giê-ru-sa-lem năm 701 TC.
Chức vụ của Ô-sê kết thúc, năm 687 TC.
Lời giới thiệu
“Tao ghét mày” cô bé gào lên, và chạy ra khỏi phòng. Đó là lời lẽ của một đứa bé, thốt ra do bị xúc động mạnh. Có lẽ em đã học nó từ cha hay mẹ em, hoặc có lẽ nó chỉ vọt ra từ phần nội tâm vẫn được gọi là “bản tính tội lỗi”. Cho dù là trường hợp nào thì yêu và ghét cũng đã trở thành những lời lẽ phổ cập trong xã hội, hầu như là những sáo ngữ đã cũ mòn, được tung ra một cách vô tâm hướng về hoàn cảnh, và cả con người nữa.
Cách dùng ngẫu nhiên những từ ngữ như “yêu” và “ghét” đã làm mất hết ý nghĩa đích thực của chúng. Chúng ta không còn hiểu đúng những câu mô tả một Đức Chúa Trời yêu thương nhưng lại ghen ghét tội lỗi. Cho nên chúng ta đã hình dung ra Đức Chúa Trời là một Đấng hiền lành và tử tế - một nhân vật “dễ dãi” thuộc cấp bậc vũ trụ; và ý niệm của chúng ta về những gì bị Ngài ghét chịu ảnh hưởng của các quan niệm và tư tưởng đầy thiện ý của chúng ta.
Lời lẽ của các nhà tiên tri đều tương phản rõ rệt với những quan niệm như thế. Lòng thù ghét của Đức Chúa Trời vốn có thật; nó cháy bỏng, thiêu hủy và tiêu diệt. Ngài ghét tội lỗi, và Ngài đứng lên như một vị thẩm phán công minh, sẵn sàng dành những hình phạt thật công bằng cho tất cả những ai dám thách thức quyền cai trị của Ngài. Nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời cũng thực hữu nữa. Nó có thật đến độ Ngài đã sai Con Ngài, là Đấng Mê-si-a tức Chúa Cứu Thế đến để cứu rỗi và nhận lấy sự đoán phạt thay cho tội nhân. Yêu và ghét vốn đi đôi với nhau - cả hai đều bất diệt, bất khả kháng và vô bờ bến.
Trong bảy chương sách ngắn ngủi, Mi-chê trình bày bức tranh trung thực này về Đức Chúa Trời - Đấng Chúa Tể toàn năng, ghét tội lỗi nhưng yêu tội nhân. Phần lớn quyển sách được dành để mô tả sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên (vương quốc miền Bắc), đối với dân Giu-đa (vương quốc miền nam), và đối với cả thế gian. Sự phán xét này sẽ đến “vì cớ sự phạm pháp của Gia-cốp, và vì cớ tội lỗi của nhà Y-sơ-ra-ên” (1:5) . Rồi nhà tiên tri liệt kê các tội đáng khinh bỉ của họ, kể cả gian lận (2:2) , trộm cướp (2:8) , tham lam (2:9) , gian dối (2:11) , áp bức (3:3) , đạo đức giả (3:4) , bội đạo (3:5) , bất công bất chính (3:9), bóc lột và nói dối (6:12) , sát nhân (7:2) và nhiều tội phạm khác nữa. Cho nên sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ đến.
Giữa lời tiên báo hủy diệt tràn ngập đó, Mi-chê đưa ra một tia hi vọng và an ủi vì ông cũng mô tả cả tình yêu của Đức Chúa Trời nữa. Sự thật là sự phán xét chỉ đến sau vô số cơ hội có thể ăn năn, để quay trở lại với sự thờ phượng và vâng lời thật - “làm sự công bình, ưa sự nhơn từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi” (6:8) . Nhưng ngay giữa sự phán xét, Đức Chúa Trời vẫn hứa giải cứu cho một thiểu số đã tiếp tục bước theo Ngài. Ngài vạch rõ: “Vua chúng nó đi qua trước mặt chúng nó, và Đức Giê-hô-va đi đầu chúng nó” (2:13) . Lẽ dĩ nhiên, nhà vua ở đây chính là Chúa Giê-xu; và chúng ta đọc thấy trong 5:2) là Ngài sẽ ra đời như một hài nhi tại Bết-lê-hem, một ngôi làng xa xôi hẻo lánh của xứ Giu-đê.
Trong khi bạn đọc sách Mi-chê, hãy nhìn vào cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời được biến thành hành động khi Ngài phán xét và trừng phạt tội lỗi. Cũng hãy nhìn vào tình yêu của Đức Chúa Trời biến thành hành động khi Ngài đề nghị ban sự sống vĩnh hằng cho toàn thể những ai chịu ăn năn và tin Ngài. Rồi hãy quyết định gia nhập đám người tận trung còn sót lại của dân sự Đức Chúa Trời đang sống theo đúng ý chỉ của Ngài.
Các đặc điểm quan trọng:
Chủ đích: Để cảnh cáo dân sự của Đức Chúa Trời rằng sự phán xét đã gần đến, và Ngài đang đề nghị tha thứ cho tất cả những người chịu ăn năn.
Trước giả: Mi-chê, một nhân vật quê quán ở Mô-rê-sết, gần Gát, khoảng 20 dặm về phía Tây Nam Giê-ru-sa-lem.
Đọc giả: Cho dân Y-sơ-ra-ên (vương quốc miền Bắc) và dân Giu-đa (vương quốc miền Nam).
Niên đại viết sách: Có lẽ dưới thời trị vì của các vua Giô-tham, A-cha, và Ê-xê-chia ( 742 - 687 TC).
Bối cảnh: Tình hình chính trị được mô tả trong IIVua 2V 15:1-20:11 và IISu 2Sb 26:1-30:27.Mi-chê sống đồng thời với Ê-sai và Ô-sê.
Câu chìa khoá: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhơn từ và bước đi cách khiêm nhường vói Đức Chúa Trời ngươi sao?” (6:8)
Các nhân vật chính: Dân chúng hai thành phố Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem
Các điạ danh chính: Sa-ma-ri, Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem.
Những nét đặc trưng: Đây là một thí dụ đẹp đẽ của thi ca cổ điển Hy-bá-lai. Sách gồm ba phần, mỗi phần đều bắt đầu bằng “Hãy nghe” (1:2;3:1; 6:1) và kết thúc bằng một lời hứa.
Bố cục:
1. Sự thử thách đối với hai thủ đô (1:1-2:13)
2. Sự thử thách đối với các cấp lãnh đạo (3:1-5:15)
3. Sự thử thách đối với dân sự (6:1-7:20) .
Mi-chê nhấn mạnh trên sự cần thiết của công lý và hoà bình. Như một luật gia, ông trình bày vụ kiện của Đức Chúa Trời chống lại Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, các cấp lãnh đạo và dân của hai nước ấy. Xuyên suốt quyển sách là nhiều lời tiên tri về Chúa Giê-xu, tức là Đấng Mê-si-a, sẽ tập họp dân sự lại thành một quốc gia thống nhất. Ngài sẽ làm vua và là người cai trị họ, hành động nhân từ khoan dung đối với họ. Mi-chê vạch rõ rằng Đức Chúa Trời ghét thói bất nhân, việc thờ thần tượng, và các lễ nghi rỗng tuếch - và ngày nay, Ngài cũng ghét những điều đó. Nhưng Đức Chúa Trời rất sẵn lòng tha tội cho bất cứ ai ăn năn.
Các đại đề mục
Luận đề: Đức tin lệch lạc
Lời giải thích: Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt các tiên tri giả, các cấp lãnh đạo bất lương và các thầy tế lễ ích kỷ trong xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Trong khi họ vẫn công khai thực hiện các nghi lễ tôn giáo, họ lại tìm cách thu thập tiền bạc và thế lực riêng tư. Pha lẫn các động cơ thúc đẩy vị kỷ với một cách phô trương tôn giáo rỗng tuếch, là làm lệch lạc đức tin.
Tầm quan trọng: Đừng tìm cách pha lẫn các ham muốn ích kỷ của bạn với đức tin thật đặt vào Đức Chúa Trời. Có ngày Đức Chúa Trời sẽ phanh phui cho thấy thay thế bất cứ điều gì cho lòng trung thành với Ngài là dại dột như thế nào. Pha lẫn tư lợi với tôn giáo sẽ khiến cho đức tin của bạn bị lệch lạc.
Luận đề: Ap bức
Lời giải thích: Mi-chê tiên báo sự tàn hại cho tất cả các dân tộc và các cấp lãnh đạo nào đang áp bức kẻ khác. Giai cấp thượng lưu áp bức và bóc lột người nghèo. Thế nhưng đã chẳng có ai nói gì chống lại họ cả để ngăn chận họ lại. Đức Chúa Trời sẽ không bỏ qua sự bất công đó.
Tầm quan trọng: Chúng ta không thể cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ mình trong khi chúng ta lại chẳng đếm xỉa gì đến những người đang thiếu thốn và bị áp bức, hoặc trong khi chúng ta bỏ qua hành động của những kẻ áp bức họ.
Luận đề: Đấng Mê-si-a - Nhà Vua hoà bình
Lời giải thích: Đức Chúa Trời hứa ban một nhà vua mới để đem sự hùng cường và hoà bình đến cho dân Ngài. Từ nhiều trăm năm trước ngày Chúa Cứu Thế ra đời, Đức Chúa Trời đã hứa rằng nhà vua đời đời đó sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem. Đó chính là kế hoạch lớn của Đức Chúa Trời để nhờ Đấng Mê-si-a phục hồi địa vị cho dân Ngài.
Tầm quan trọng: Chúa Cứu Thế là vua của chúng ta đang dẫn dắt chúng ta đúng y như Đức Chúa Trời đã hứa. Nhưng trước ngày phán xét cuối cùng, sự lãnh đạo của Ngài chỉ được những người tán thành uy quyền của Ngài thấy được mà thôi. Chúng ta có thể được sự bình an của Đức Chúa Trời ngay bây giờ nhờ từ bỏ tội lỗi mình và hoan nghênh Ngài làm vua.
Luận đề: Làm đẹp lòng Đức Chúa Trời
Lời giải thích: Mi-chê truyền giảng rằng ước muốn quan trọng nhất của Đức Chúa Trời không phải là việc người ta dâng nhiều của lễ tại đền thờ. Đức Chúa Trời thích những người có đức tin để làm điều công bằng, yêu thương tha nhân và vâng lời Ngài.
Tầm quan trọng: Đức tin thật vào Đức Chúa Trời làm nảy sinh lòng nhân ái, thương xót, sự công bằng và thái độ khiêm hạ. Chúng ta có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách tìm cầu những điều đó trong công tác, gia đình Hội thánh và hàng xóm của chúng ta.



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 12:44 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách