Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3486|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 1 - Dẫn nhập Rô-ma

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 28-8-2011 16:10:07 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Kinh Thánh 1
Dẫn nhập Rô-ma

Lời giới thiệu
Vốn là một người giàu kiến thức và kinh nghiệm, Uỷ viên công tố của toà án khu vực trình bày vụ án của mình. Gọi các nhân chứng chủ chốt ra trước vành móng ngựa, ông ta đưa ra phần chứng cứ hiển nhiên. Sau khi bài bác lời biện hộ của các chứng nhân bằng cách khéo léo duyệt xét qua tất cả, ông ta đưa ra một bản tóm tắt đã được đúc kết thật chặt chẽ và một lời thách thức đầy phấn khởi cho hội đồng xét xử. Bản án được tuyên rao chẳng làm cho ai phải ngạc nhiên cả. Viên chánh án tuyên bố: “Phạm nhân đã phạm tội...”; và thế là công lý đã được phục vụ.
Sứ đồ Phao-lô là một người thông minh, nói năng khúc chiết rõ ràng, và là người tận hiến đời mình cho tiếng gọi thiêng liêng. Như một luật gia tài giỏi, ông đã trình bày vụ án của Phúc âm thật rõ ràng và thẳng thắn trong bức thư ông gởi cho các tín hữu tại Rô-ma.
Phao-lô từng nghe nói về Hội thánh tại Rô-ma, nhưng ông chưa bao giờ ở đó, cũng như chưa từng có vị sứ đồ nào khác đã từng đến đó. Rõ ràng là Hội thánh đã được bắt đầu do số người Do-thái đã theo đạo trong ngày lễ Ngũ tuần (Cong Cv 2:1-47). Khi trở về Rô-ma, họ đã tuyên bố đạo mà họ đã tin, và Hội thánh đã tăng trưởng.
Tuy có nhiều chướng ngại vật phân cách họ, Phao-lô cảm thấy mình bị ràng buộc với những người Rô-ma này. Họ là các anh chị em của ông trong Chúa Cứu Thế, và ông ao ước được nhìn thấy họ mặt đối mặt. Ông chưa từng góp phần lớn các tín hữu tại đó, thế nhưng ông yêu mến họ. Ông đã gởi bức thư này để tự giới thiệu và đưa ra một bản tuyên ngôn rõ ràng của đạo.
Sau phần dẫn nhập ngắn gọn, Phao-lô trình bày các sự kiện về Phúc âm (RoRm 1:3) và tuyên bố về việc ông đầu phục Chúa Giê-xu (RoRm 1:16,17). Ông tiếp tục bằng cách xây dựng một hồ sơ chặt chẽ về vụ án nhân loại bị diệt vong và sự cần thiết của việc Đức Chúa Trời phải can thiệp vào (1:18-3:20).
Phao-lô trình bày Tin Lành - sự cứu rỗi dành cho tất cả mọi người, bất chấp lý lịch, tội lỗi hay quyền thừa kế của người ấy. Chúng ta được cứu là nhờ ân điển (đặc ân của Thượng Đế mà chúng ta chẳng thể chiếm đoạt, cũng không xứng đáng để được nhận lãnh) bởi đức tin (lòng tin cậy trọn vẹn) vào Chúa Cứu Thế và công lao đã được hoàn tất của Ngài. Nhờ Ngài, chúng ta có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời và được kể là công chính “không có tội” (3:21-5:21). Với phần nền tảng này, Phao-lô chuyển thẳng sang phần thảo luận về sự tự do nhận được vì đã được cứu - quyền tự do đối với quyền năng của tội lỗi (6:1-23), quyền tự do đối với ách thống trị của luật pháp (7:1-25) quyền tự do để trở thành người giống như Chúa Cứu Thế và phát giác được tình yêu vô hạn của Đức Chúa Trời (8:1-39).
Nói thẳng với các đồng bào Do-thái của ông, Phao-lô chia sẻ mối quan tâm của ông dành cho họ, và giải thích họ có thể thích nghi với kế hoạch của Đức Chúa Trời như thế nào (9:1-11:12).
Đức Chúa Trời đã mở đường cho người Do-thái và ngoại quốc cùng hợp nhất trong thân thể của Chúa Cứu Thế - cả hai nhóm người đó đều có thể ca ngợi tán tụng Đức Chúa Trời về sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài (11:13-36).
Phao-lô giải thích sống hoàn toàn đầu phục Chúa Cứu Thế có nghĩa gì - nó có nghĩa là tận dụng các ân tứ thuộc linh để phục vụ tha nhân (12:3-8), thế nào là thật lòng yêu tha nhân (12:9-21) và trở thành những công dân tốt (13:1-14). Tự do phải được tình yêu hướng dẫn khi chúng ta cùng xây dựng lẫn nhau trong đức tin, nhạy cảm và giúp đỡ những người yếu đuối (14:1-15:4). Phao-lô nhấn mạnh trên sự hợp nhất, nhất là giữa người ngoại quốc và người Do-thái (15:5-13). Ông kết luận bằng cách ôn lại các lý do khiến ông phải viết bức thư này, vạch ra sơ lược các kế hoạch của ông (15:22-33), chào thăm các bạn thân của ông, và đưa ra những ý nghĩ cuối cùng và những lời chào thăm của các bạn đồng hành của ông (16:2-27).
Trong khi bạn đọc thư Rô-ma hãy xét lại vấn đề đã tận hiến cho Chúa Cứu Thế và tái xác nhận các mối liên hệ giữa bạn với các tín hữu khác trong thân thể của Chúa Cứu Thế.
Các đặc điểm quan trọng:
Chủ đích: Giới thiệu Phao-lô với người Rô-ma và đưa ra một kiểu mẫu của bức thông điệp của ông trước khi ông đến Rô-ma.
Trước giả: Phao-lô
Đọc giả: Cho các Cơ-đốc nhân ở Rô-ma và các tín hữu khắp nơi.
Niên đại sách được viết ra: Khoảng năm 57 SC, từ Cô-rinh-tô, lúc Phao-lô chuẩn bị chuyến viếng thăm Giê-ru-sa-lem của ông.
Bối cảnh: Rõ ràng là Phao-lô vừa hoàn tất công tác ở phía Đông, nên ông định ghé thăm Rô-ma trên đường đi Tây-ban-nha sau lần đầu tiên ông đến Giê-ru-sa-lem đem số tiền quyên trợ cho các Cơ-đốc nhân ở đó (15:23-28). Hội thánh tại Rô-ma gồm phần đông là người Do-thái, nhưng cũng có một số lớn người ngoại quốc.
Câu chìa khoá: “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hoà thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta” (5:1)
Các nhân vật chính: Phao-lô, bà Phê-bê.
Địa điểm chính: Rô-ma
Những nét đặc trưng: Phao-lô viết sách Rô-ma như một bản tuyên ngôn được tổ chức và trình bày cẩn thận về đức tin (đạo) của ông - nó không có hình thức của một bức thư điển hình. Tuy nhiên, ông vẫn dành nhiều thì giờ để chào thăm nhiều người ở Rô-ma trong phần cuối của bức thư.
Bố cục:
A. Tin gì (1:1-11:31)
1. Loài người vốn đầy tội lỗi
2. Sự tha tội nhờ công lao của Chúa Cứu Thế
3. Được tự do đối với tội lỗi
4. Quá khứ, hiện tại và tương lai của dân Y-sơ-ra-ên
Rõ ràng là Phao-lô đang trình bày phần nền móng của Cơ-đốc giáo. Mọi người đều phạm tội; Chúa Cứu Thế đã chịu chết để tha tội; chúng ta được phục hoà với Đức Chúa Trời bởi đức tin; điều này bắt đầu một cuộc đời mới và một mối liên hệ mới với Đức Chúa Trời. Cũng như một đội thể thao luôn luôn tập dượt các động tác cơ bản, chúng ta sẽ được ích lợi rất nhiều trong đức tin (đạo) nhờ bám sát vào các nền móng đó. Nếu chúng ta học tập nghiên cứu thư Rô-ma thật cẩn thận, chúng ta sẽ không bị thiếu kiến thức trong vấn đề phải tin gì.
B. Ăn ở cư xử như thế nào (12:1-16:27)
1. Trách nhiệm cá nhân
2. Những dặn dò riêng tư
Phao-lô đưa ra cho các tín hữu người Rô-ma các chỉ dẫn rõ ràng và thực tiễn. Cuộc đời làm Cơ-đốc nhân không phải là thần học trừu tượng chẳng liên quan gì với sinh hoạt hằng ngày, nhưng có nhiều hàm ý thực tiễn, ảnh hưởng đến việc chọn cách ăn ở cư xử mỗi ngày của chúng ta. Chỉ biết Phúc âm mà thôi thì chưa đủ; chúng ta còn phải để cho nó biến đổi cuộc đời của chúng ta, và để Đức Chúa Trời thâm nhập từng phương diện của đời sống chúng ta.
Các đại đề mục
Luận đề: Tội
Phần giải thích: Không vâng theo ý chỉ Đức Chúa Trời và không làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn là phạm tội. Vì A-đam đã phản loạn chống lại Đức Chúa Trời, nên bản tính của chúng ta là không vâng lời Ngài. Tội lỗi chúng ta khiến chúng ta bị phân rẽ, cách biệt với Đức Chúa Trời. Tội lỗi khiến chúng ta muốn sống theo ý riêng thay vì noi theo đường lối của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời vốn trọn vẹn, công chính và công bằng về phương diện luân lý đạo đức, nên Ngài kết án tội lỗi là đúng.
Tầm quan trọng: Mỗi người đều đã phạm tội, hoặc vì phản loạn chống lại Đức Chúa Trời, hoặc vì không biết ý chỉ Ngài. Cho dù bối cảnh của chúng ta là gì, hay chúng ta đã khổ công cố tìm cách sống thánh thiện và đạo đức như thế nào, chúng ta không thể nào chiếm đoạt hay được trả bằng sự cứu rỗi hay tự cất tội lỗi của mình đi. Chỉ một mình Chúa Cứu Thế mới cứu được chúng ta mà thôi.
Luận đề: Sự cứu rỗi
Phần giải thích: Tội lỗi của chúng ta cần phải được tha thứ và thanh tẩy. Tuy chúng ta không xứng đáng để được như thế, bởi lòng nhân từ Ngài, Đức Chúa Trời đã lấy tình thương và sự tha thứ để đến với chúng ta. Ngài cung cấp cho chúng ta một phương pháp (con đường, đạo) để có thể được cứu rỗi. Sự chết của Chúa Cứu Thế đã trả xong phần trừng phạt dành cho tội lỗi chúng ta.
Tầm quan trọng: Đức Chúa Trời cứu chúng ta khỏi tội lỗi, là Tin Lành, Tin Mừng, là Phúc âm. Chúng ta phải tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, và tin rằng Ngài đã tha tội cho chúng ta để chúng ta bước vào một mối liên hệ mới mẻ và kỳ diệu với Đức Chúa Trời.
Luận đề: Sự tăng trưởng
Phần giải thích: Nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, các tín hữu được thánh hoá - nghĩa là được khiến nên thánh. Điều này có nghĩa là chúng ta được biệt riêng ra để không còn vương vấn với tội lỗi nữa, và có thể vâng lời để trở thành ngày càng giống với Chúa Cứu Thế hơn. Lúc chúng ta tăng trưởng trong mối liên hệ với Chúa Cứu Thế, thì Đức Thánh Linh giải thoát chúng ta khỏi các đòi hỏi của luật pháp và sự sợ hãi bị phán xét.
Tầm quan trọng: Vì chúng ta đã được tự do không còn bị tội lỗi các đòi hỏi của luật pháp và sự sợ hãi bị Đức Chúa Trời đoán phạt cai trị kiểm soát nữa, chúng ta có thể tăng trưởng trong mối liên hệ với Chúa Cứu Thế. Nhờ tin cậy vào Đức Thánh Linh và để cho Ngài giúp mình, chúng ta có thể thắng hơn tội lỗi và sự cám dỗ.
Luận đề: Quyền tể trị
Phần giải thích: Đức Chúa Trời giám sát và chăm sóc cho người thuộc về Ngài - cả trong quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai. Đức Chúa Trời luôn luôn đối xử tốt với mọi người. Vì Đức Chúa Trời cầm quyền trên toàn cõi thọ tạo, Ngài có thể cứu bất cứ ai tuỳ ý.
Tầm quan trọng: Do lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời, cả người Do-thái lẫn ngoại quốc đều có thể được cứu. Mọi người chúng ta đều phải đáp lại lòng nhân từ thương xót của Ngài và tin nhận để được tha tội vô điều kiện (miễn phí cho không) đó. Vì Ngài là Đấng cầm quyền tể trị tối cao, hãy để cho Ngài ngự trị trong lòng bạn.
Luận đề: Sự phục vụ
Phần giải thích: Khi chủ đích của chúng ta là tin cậy Đức Chúa Trời vì tình yêu, quyền năng Ngài, và Ngài có thể giúp chúng ta làm mọi sự đều đạt mức trọn vẹn, chúng ta có thể phục vụ Ngài thật phải lẽ. Phục vụ Ngài khiến toàn thể các tín hữu hợp nhất và giúp họ chứng tỏ tình yêu thương và sự nhạy cảm của mình đối với tha nhân.
Tầm quan trọng: Chẳng một ai trong chúng ta có thể tự làm cho mình trở thành giống như Chúa Cứu Thế được - điều này đòi hỏi cả thân thể của Chúa Cứu Thế (Hội thánh) phải biểu hiện Chúa Cứu Thế thật trọn vẹn. Nhờ tích cực và cật lực gây dựng nhiều tín hữu khác, các Cơ-đốc nhân có thể hoà hợp với nhau trong việc phục vụ Đức Chúa Trời.




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 03:30 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách