Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3380|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 1 - Dẫn nhập I Giăng

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 28-8-2011 16:31:05 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Kinh Thánh 1

Dẫn nhập I Giăng

Lời giới thiệu
Có nhiều người nói: “Một con người thánh thiện...vâng... có lẽ là một trong những nhân vật tốt nhất từng sống trên đời... nhưng dù sao thì cũng chỉ là một con người mà thôi”. Nhiều người khác lại không đồng ý, cho rằng sở dĩ Ngài phải chịu khổ là vì có những ảo tưởng về tính cách vĩ đại - một “mặc cảm về một vị cứu tinh”. Và cứ thế, các lý luận tuôn trào không dứt liên quan đến lý lịch của nhân vật tên Giê-xu. Những gợi ý đã được xếp từ “một giáo sư khờ khạo” đến “một kẻ hoang tưởng về cái ta” và “một thằng điên bị lạc đường”. Cho dù Ngài có là ai, cả thế giới phải nhất trí rằng Chúa Giê-xu đã lưu lại dấu vết của mình trên lịch sử.
Được nghe những cuộc tranh luận này, cả đến các Cơ Đốc nhân cũng bắt đầu ngạc nhiên và nghi ngờ. Chúa Giê-xu có quả thật là Đức Chúa Trời không? Phải chăng Ngài đã đến là để cứu vớt các tội nhân như chúng ta ? Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm đến tôi không?
Thư Giăng thứ nhất đã được viết ra để đánh tan những nghi ngờ và xác lập lời bảo đảm bằng cách trình bày một bức tranh rõ ràng của Chúa Cứu Thế. Lúc đi vào lịch sử, Chúa Giê-xu vốn là và đang là Đức Chúa Trời mặc lấy hình hài thân xác con người, và là chính Đức Chúa Trời được mọi người tập trung theo dõi - bản thân sứ đồ Giăng, trước giả bức thư này, đã từng nhìn thấy, lắng nghe, và chạm vào Ngài. Giăng từng sóng bước và trò chuyện với Chúa Giê-xu, thấy Ngài chữa bệnh, nghe Ngài giảng dạy, theo dõi Ngài hấp hối rồi chết đi, gặp Ngài sống lại và nhìn Ngài lúc Ngài thăng thiên. Giăng từng biết rõ Đức Chúa Trời - ông đã cùng sống với Ngài và thấy Ngài làm việc và Giăng đã được giao hảo (thông công) với cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con suốt cả cuộc đời mình.
Vị trưởng lão chính khách trong Hội thánh là Giăng đã viết thư này cho các “con cái thân yêu” của mình. Trong đó, ông trình bày Đức Chúa Trời là ánh sáng, là tình yêu, và là sự sống. Ông giải thích thế nào là được kết bạn (fellowship: giao hảo, thông công) với Đức Chúa Trời
bằng các lời lẽ đơn giản và thực tiễn. Đồng thời nhiều giáo sư giả cũng đã gia nhập Hội thánh, phủ nhận sự nhập thể của Chúa Cứu Thế. Giăng viết thư này để sửa lại những điểm sai lầm nghiêm trọng của họ. Như thế bức thư này của Giăng là một mẫu mực cho chúng ta noi theo khi chiến đấu chống lại các tà giáo hiện đại.
Giăng mở đầu bức thư của ông bằng việc trình ra các ủy nhiệm thư của ông với tư cách một người chứng kiến tận mắt sự nhập thể và bằng cách nêu rõ các lý do khiến ông phải viết bức thư này (IGi1Ga 1:1-4). Rồi ông trình bày Đức Chúa Trời là “ánh sáng” tượng trưng cho sự thuần khiết và thánh khiết tuyệt đối (1:5-7), và ông giải tích làm thế nào để các tín hữu có thể bước đi trong ánh sáng của Đức Chúa Trời và được kết bạn hữu hảo với Ngài (1:8-10) và với Chúa Cứu Thế ở cương vị người bào chữa, bênh vực cho họ (2:1,2). Giăng khuyến giục họ hãy hoàn toàn vâng lời Chúa Cứu Thế và yêu thương tất cả các thành viên của gia đình Đức Chúa Trời (2:3-17). Ông cảnh cáo các độc giả của mình về “các christ giả“ (antichrists) và antichrist sẽ cố tìm cách dẫn họ lạc xa chân lý (2:18-29).
Trong đoạn tiếp theo, Giăng trình bày Đức Chúa Trời là “tình yêu” - Đấng ban cho, chịu chết, tha tội và chúc phước (3:1-4:21). Đức Chúa Trời là tình yêu, và vì Ngài yêu chúng ta, nên đã gọi chúng ta làm con cái Ngài và khiến chúng trở nên giống như Chúa Cứu Thế (3:1,2). Chân lý này phải là động cơ thúc đẩy chúng ta biết sống gần Ngài (3:3-6). Chúng ta có thể chắc chắn về mối liên hệ thân tộc của mình với Đức Chúa Trời khi đời sống chúng ta có đầy việc lành và tình thương yêu tha nhân (3:7-24). Rồi một lần nữa, Giăng cảnh cáo các giáo sư giả là những kẻ xuyên tạc chân lý. Chúng ta phải chối bỏ các giáo sư giả này (4:1-6) khi tiếp tục sống trong tình yêu của Đức Chúa Trời (4:7-21).
Trong đoạn cuối, Giăng trình bày Đức Chúa Trời là “sự sống” (5:1-21). Sự sống của Đức Chúa Trời ở trong Con Ngài. Có Con Ngài, tức là được sự sống vĩnh hằng.
Bạn có nhận biết Đức Chúa Trời chưa? Bạn có biết là mình đã được sự sống vĩnh hằng rồi hay không? Thư Giăng thứ nhất đã được viết ra để giúp bạn biết sự thật về Đức Chúa Trời đang sống trong cuộc đời bạn nhờ đức tin đặt nơi Chúa Cứu Thế, để bảo đảm rằng bạn đã được sự sống vĩnh hằng, và để khích lệ bạn cứ ở trong sự giao hảo với Đức Chúa Trời, Đấng vốn là chính ánh sáng và tình yêu. Hãy đọc bức thư này, do một người được tình yêu của Đức Chúa Trời tràn ngập, viết ra để rồi sau khi có được niềm tin quyết là mình đã được tái tạo, bạn sẽ chuyển tình yêu của Ngài cho nhiều người khác nữa.
Các đặc điểm quan trọng:
Chủ đích: Để trấn an các Cơ Đốc nhân trong đức tin của họ và chống lại các tà giáo.
Trước giả: Sứ đồ Giăng
Đọc giả: Bức thư này không có nhan đề và không được viết cho một Hội thánh riêng tư nào cả. Nó được gởi đi như một bức thư có tính cách mục vụ cho nhiều hội chúng ngoại quốc. Nó cũng được viết cho toàn thể các tín hữu khắp nơi.
Niên đại viết thư: Có lẽ giữa các năm 85 và 90 SC, từ Ê-phê-sô.
Bối cảnh: Giăng là một người đã cao tuổi và có lẽ là vị sứ đồ duy nhất còn sống sót lúc ấy. Ông vẫn chưa bị đưa sang đảo Bát-mô, nơi ông sẽ sống kiếp lưu đày. Là một người được nhìn thấy Chúa Cứu Thế tận mắt, ông đã viết với đầy đủ thẩm quyền để bảo đảm với các tín hữu thuộc thế hệ mới này rằng họ có thể tin quyết vào Đức Chúa Trời và vào đức tin (đạo) của họ.
Câu chìa khoá: “Ta đã viết những điều này cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời” (5:3)
Các nhân vật chính: Giăng, Chúa Giê-xu.
Những nét đặc trưng: Giăng là vị sứ đồ của tình yêu, nên tình yêu được đề cập xuyên suốt bức thư này. Có một số điểm tương đồng giữa bức thư này với sách Phúc âm Giăng - về ngữ vựng, về cú pháp và các ý niệm chính. Giăng dùng những câu ngắn gọn, những từ đơn giản, và ông đưa ra những nét tương phản rõ rệt - ánh sáng và bóng tối, chân lý với ngụy lý, Đức Chúa Trời và Sa-tan, sống và chết, yêu và ghét.
Bố cục:
1. Đức Chúa Trời là ánh sáng (1:1-2:27)
2. Đức Chúa Trời là tình yêu (2:28-4:21)
3. Đức Chúa Trời là sự sống (5:1-21)
Giăng viết về các phương diện quan trọng nhất của đức tin, để các độc giả biết phân biệt chân lý với ngụy lý. Ông nhấn mạnh trên các nguyên tắc căn bản (những điều sơ đẳng, sơ học) để chúng ta có thể tin chắc vào đạo của mình. Trong thế giới tối tăm này của chúng ta, thì Đức Chúa Trời là ánh sáng. Trong thế giới lạnh lẽo này của chúng ta, thì Đức Chúa Trời đem đến tình yêu nồng ấm. Trong cái thế giới đang hấp hối này của chúng ta, thì Đức Chúa Trời đem sự sống đến. Khi nào chúng ta thiếu lòng tin, các chân lý này sẽ giúp chúng ta tin chắc.
Các đại đề mục
[td Luận đề: Tội lỗi
Phần giải thích: Ngay đến các Cơ Đốc nhân cũng phạm tội. Có tội thì phải được Đức Chúa Trời tha tội, và sự chết của Chúa Cứu Thế cung ứng điều đó cho chúng ta. Quyết định sống theo các chuẩn mực trong Thánh Kinh chứng tỏ đời sống chúng ta đã được biến đổi.
Tầm quan trọng: Chúng ta không thể phủ nhận bản tính tội lỗi của mình, cho rằng mình sống “trên” tội lỗi , hay thu hẹp hậu quả của tội lỗi trong mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta phải chống lại sức hấp dẫn của tội lỗi, nhưng một khi đã phạm tội, chúng ta phải xưng ra.
Luận đề: Tình yêu
Phần giải thích: Chúa Cứu Thế truyền dạy chúng ta phải yêu tha nhân như bản thân. Tình yêu ấy là chứng cứ hiển nhiên cho việc chúng ta quả thật đã được cứu. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá của tình yêu; Ngài quan tâm đến việc các con cái Ngài phải yêu
thương nhau.
Tầm quan trọng: Chúa Cứu Thế truyền dạy chúng ta phải không vị kỷ. Yêu là hành động - chứng tỏ cho người khác thấy là chúng ta quan tâm chăm sóc họ, chứ không phải chỉ nói suông mà thôi. Muốn chứng minh tình yêu, chúng ta phải hi sinh dùng thì giờ và tiền bạc để đáp ứng các nhu cầu của tha nhân.
Luận đề: Gia đình của Đức Chúa Trời
Phần giải thích: Khi tin Chúa Cứu Thế, chúng ta trở thành con cái Ngài. Sự sống của Đức Chúa Trời trong chúng ta khiến chúng ta yêu mến các thành viên trong gia đình.
Tầm quan trọng: Cách chúng ta đối xử với người khác cho thấy Cha chúng ta là ai. Hãy sống như một thành viên trung tín, đầy tình yêu thương của gia đình.
Luận đề: Chân lý và nguỵ lý
Phần giải thích: Các giáo sư giả dạy rằng thân thể không quan trọng là khuyến khích các tín hữu sống phóng túng, thiếu kìm chế về mặt đạo đức. Họ cũng dạy rằng Chúa Cứu Thế không phải là một con người thật sự, nên muốn được cứu, chúng ta phải có một vài kiến thức thần bí đặc biệt nào đó. Hệ quả là người ta dửng dưng đối với tội lỗi.
Tầm quan trọng: Chân lý của Đức Chúa Trời là ánh sáng, cho nên càng biết rõ Ngài hơn, chúng ta sẽ càng chuyên tâm chú ý càng nhiều hơn vào chân lý. Đừng để cho bất kỳ một lời truyền dạy nào phủ nhận thần tánh hoặc nhơn tánh của Chúa Cứu Thế dẫn mình đi sai lạc. Phải kiểm điểm từng bức thông điệp; thử nghiệm từng lời rêu rao.
Luận đề: Biết chắc
Phần giải thích: Đức Chúa Trời đang cai trị kiểm soát cả trời và đất. Vì lời Ngài là chân lý, chúng ta có thể tin chắc mình đã được sống vĩnh hằng và thắng hơn tội lỗi. Bởi đức tin, chúng ta biết chắc số phận của mình là được sống đời đời với Ngài.
Tầm quan trọng: Biết chắc mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời là một lời hứa đồng thời cũng là cách sống. Chúng ta xây dựng lòng tin quyết của mình nhờ tin Lời Đức Chúa Trời và vào việc Chúa Cứu Thế đã giải quyết xong vấn đề tội lỗi của chúng ta.




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 01:42 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách