Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 4511|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 3 - Dẫn nhập Xuất Ê-díp-tô ký

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 29-8-2011 14:18:31 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Knh Thánh 3

Dẫn nhập Xuất Ê-díp-tô ký

Nhan đề:
“Xuất Ê-díp-tô ký” là một từ ngữ La-tinh (Exodus) lấy từ tiếng Hy Lạp (Exodos) được những người dịch sách này ra tiếng Hy Lạp đặt cho cuốn sách. Từ này có nghĩa là “lối ra”, “xuất hành” (Xem LuLc 9:31; HeDt 11:22). Tên này được giữ lại bởi bản Vulgate, bởi Philo văn sĩ Do-thái (sống đồng thời với Chúa Cứu Thế), và bởi bản Syriac. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, sách được đặt tên theo hai chữ đầu, we’elleh shemonth, (“Đây là những tên của...”). Nhóm từ đó xuất hiện ở SaSt 46:8, tại đó giới thiệu cùng một danh sách những tên người Y-sơ-ra-ên “đi với Gia-cốp đến xứ Ai Cập” (XuXh 1:1). Như vậy, Xuất Ê-díp-tô ký không riêng rẽ như hiện có, nhưng được hiểu rằng đó là câu chuyện liên tục khởi sự từ Sáng thế ký và được hoàn tất trong Lê-vi ký, Dân-số ký và Phục-truyền-luật-lệ ký. Năm sách đầu tiên của Thánh Kinh hiệp nhau lại thành Ngũ Kinh (xem phần giới thiệu Sáng-thế-ký : Trước giả và Niên Đại Chép Sách).
Trước giả và niên đại chép sách:
Mấy lời phát biểu trong Xuất Ê-díp-tô ký tỏ ra rằng Môi-se đã viết mấy phần sách (17:14; 24:4; 34:27). Thêm nữa, Gios Gs 8:31 viện dẫn mạng lịnh của XuXh 20:25 như “có chép trong sách Luật pháp Môi-se”. Tân ước cũng xưng nhận Môi-se là trước giả của mấy phân đoạn trong Xuất Ê-díp-tô ký (xem thí dụ, Mac Mc 7:10; 12:26 cũng xem LuLc 2:22-23). Xét chung, những câu viện dẫn này rõ ràng gợi ý rằng Môi-se chịu phần lớn trách nhiệm viết sách Xuất Ê-díp-tô ký - có quan điểm theo truyền thuyết cho rằng Ngũ Kinh Môi-se toàn bộ chứa đựng 4 nguồn căn bản, nhưng không có gì chắc chắn (xem phần giới thiệu Sáng-thế-ký: Trước giả và Niên Đại Chép Sách).
Bảng niên đại:
Theo IVua 1V 6:1, cuộc Xuất Ê-díp-tô xảy ra 480 năm trước “năm thứ tư đời trị vì của Sa-lô-môn”. Vì năm đó là khoảng 966 TC, nên truyền thuyết cho rằng cuộc Xuất Ê-díp-tô xảy ra vào năm 1.446. “Ba trăm năm” của Cac Tl 11:26 thích hiệp thuận lợi cho khoảng thời gian này (xem phần dẫn nhập sách Các Quan-xét: Bối Cảnh). Thêm nữa, dầu lịch sử Ai Cập liên hệ đến Triều đại thứ 18 còn không chắc chắn, cuộc khảo sát mới đây có khuynh hướng ủng hộ quan điểm truyền thuyết cho rằng hai triều đại Pha-ra-ôn này, Thutmose III và con trai là Amunhotep II, là những Pha-ra-ôn hà hiếp Y-sơ-ra-ên và tương ứng cuộc xuất hành khỏi Ai Cập (xem chú thích ở XuXh 2:15,23; 3:10).
Mặt khác, sự xuất hiện tên Ram-se trong 1:11 đã đưa nhiều người đến kết luận rằng triều đại thứ 19 Pha-ra-ôn Seti I và con trai là Ram-se II chính là Pha-ra-ôn hà hiếp Y-sơ-ra-ên và nhơn đó tương ứng cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Hơn nữa, bằng chứng khảo cổ học về sự hủy diệt nhiều thành trong Ca-na-an vào thế kỷ thứ 13 TC đã được giải thích như bằng chứng đạo quân Giô-suê chiếm hữu đất hứa trong thế kỷ đó. Những điều này với các lý lẽ tương tự dẫn đến niên đại định cho cuộc xuất hành khỏi Ai Cập là 1.290 TC (xem phần giới thiệu sách Giô-suê: Sự Bố Trí Lịch Sử).
Tuy nhiên sự nhận diện những người tấn công các thành không được tích cực xác định. Những cuộc đột kích có thể khởi xướng sau này bởi quân Y-sơ-ra-ên, hoặc bởi người Phi-li-tin hoặc bởi người nước khác. Thêm nữa, chính bằng chứng khảo cổ học trở nên ngày càng mơ hồ, các lượng định mới đây có khuynh hướng ghi lại niên biểu vào triều đại thứ 18. Tên Ram-se xuất hiện trong XuXh 1:11 cũng có thể là kết quả của sự cập nhật hoá chủ biên của người sống các thế kỷ sau Môi-se, phương thức có lẽ giải thích cho sự xuất hiện cùng một từ Ram-se trong SaSt 47:11 (xem chú thích ở đây).
Tóm lại, chẳng có lý do nào để bắt buộc thay đổi niên đại truyền thuyết định cho cuộc xuất hành của người Y-sơ-ra-ên ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập là 1.446 TC.
Tuyến đường Xuất Ê-díp-tô:
Ít nhất cũng có ba đường đào thoát từ Phi-thom và Ram-se (XuXh 1:11) được đề ra : (1) Tuyến đường phía Bắc đi ngang qua đất Phi-li-tin (nhưng xem 13:17) (2) Tuyến đường giữa dẫn về hướng đồng bằng qua Si-nai đến Bê-e-sê-ba và (3) Tuyến đường hướng nam dọc theo duyên hải phía tây của Si-nai đến cực điểm đông nam của bán đảo. Tuyến đường hướng nam hợp lý hơn cả, vì nhiều vị trí trong hành trình Y-sơ-ra-ên vượt qua sa-mạc đã được nhận biết dọc theo đó. Tuy nhiên, chỗ chính xác mà dân Y-sơ-ra-ên vượt qua “Biển Đỏ” không rõ (hãy xem chú thích ở XuXh 13:18; 14:2).
Những chủ đề và thần học:
Xuất Ê-díp-tô ký đặt một nền tảng Thần học trong đó Đức Chúa Trời bày tỏ danh Ngài, các thuộc tánh Ngài, luật pháp Ngài và cách thờ phượng Ngài. Sách cũng thuật lại về sự chỉ định và công tác người trung bảo (Môi-se) của giao ước đầu tiên, mô tả những sự khởi đầu của chức Tế lễ, định nghĩa vai trò của tiên tri và mối liên hệ của giao ước cũ giữa Đức Chúa Trời và tuyển dân Ngài đạt được dưới nền quản trị mới như thế nào (giao ước Si-nai).
Nhưng sự hiểu biết sâu sắc về bản tánh của Đức Chúa Trời được thấy trong các chương 3,6,33 và 34. Tiêu điểm các bản văn này là nhắm vào sự kiện và tầm quan trọng sự hiện diện của Chúa (như ý nghĩa của danh Yahweh và vinh hiển của Ngài), nhưng cũng nhấn mạnh trên các thuộc tánh công bình, chân thật, thương xót, thành tín và thánh khiết của Ngài. Như thế, biết “danh Đức Chúa Trời tức là biết Ngài và biết đặc tính Ngài” (xem XuXh 3:13-15; 6:3).
Đức Chúa Trời cũng là Chúa của lịch sử, vì chẳng có ai giống như Ngài “trong sự thánh khiết, ai được vinh hiển như Ngài, đáng sợ, đáng khen, hay làm các phép lạ” (15:11). Chẳng hề có sự khốn khổ nào của dân Y-sơ-ra-ên, cũng không có tai vạ nào giáng trên Ai Cập ở ngoài tầm kiểm soát của Chúa. Pha-ra-ôn, người Ai Cập và dân Y-sơ-ra-ên đều thấy quyền năng của Đức Chúa Trời .
Thật vững lòng khi biết Đức Chúa Trời nhớ và quan tâm đến dân sự của Ngài (xem 2:24). Điều Ngài đã hứa hàng mấy thế kỷ trước với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp bây giờ Ngài khởi sự đem lại kết quả như Y-sơ-ra-ên được giải phóng khỏi sự nô lệ Ai Cập và lên đường vào đất hứa. Giao ước tại Si-nai là một bước khác trong sự ứng nghiệm lời Đức Chúa Trời hứa cùng các tổ phụ (3:15-17; 6:2-8; 19:3-8).
Cũng một lẽ ấy, thần học về sự cứu rỗi là điểm nhấn mạnh trong cả sách. Động từ “cứu chuộc” được dùng trong 6:6; 15:13. Nhưng trung tâm của thần học cứu chuộc được thấy rõ nhất trong chuyện lễ Vượt Qua ở 12:1-51 và sự niêm ấn giao ước trong 24:1-18. Sứ đồ Phao-lô nhìn thấy sự chết của chiên con lễ Vượt Qua được ứng nghiệm trong Chúa Cứu thế (ICo1Cr 5:7). Thật thế, Giăng Báp Tít đã gọi Chúa Giê-xu là “Chiên con của Đức Chúa Trời, Người tẩy sạch tội lỗi nhân loại” (GiGa 1:29).
Nền tảng luân lý và đạo đức Thánh Kinh được trình bày trước hết trong bản tính nhân từ của Đức Chúa Trời như đã bày tỏ trong chính cuộc xuất hành và kế đó trong Mười Điều Răn (XuXh 20:1-17) cũng như các sắc lệnh của sách Giao ước (XuXh 20:22-23:33), dạy dân Y-sơ-ra-ên cách áp dụng thực tiễn những nguyên tắc của các mạng lệnh.
Sách kết thúc với sự thảo luận kỹ lưỡng về thần học thờ phượng. Dầu tốn thì giờ, công sức và giá trị tiền bạc, Đền tạm, trong ý nghĩa và chức năng, chỉ rõ cứu cánh chủ yếu của con người là: “Làm sáng danh Đức Chúa Trời và vui hưởng trong Ngài mãi mãi” (Giáo lý Westminster tóm tắt). Nhờ Đền tạm, Đức Chúa Trời toàn năng, bất biến và siêu nghiệm của cả vũ trụ đã đến “ở” và “đóng trại tạm thời” giữa dân Ngài, do đó cũng bày tỏ rõ ràng sự thân cận đầy ân điển của Chúa. Đức Chúa Trời không chỉ toàn năng vì cớ dân Y-sơ-ra-ên, mà Ngài cũng hiện diện ở giữa họ nữa.
Tuy nhiên, những yếu tố thần học không phải chỉ ở cạnh nhau trong câu chuyện xuất hành. Những yếu tố đó còn nhận ý nghĩa phong phú và đầy đủ nhất từ sự kiện được gắn liền vào câu chuyện Đức Chúa Trời dấy lên tôi tớ Ngài là Môi-se (1) để giải phóng tuyển dân Ngài khỏi vòng nô lệ Ai Cập, (2) mở đầu vương quốc trên đất của Ngài giữa vòng họ bằng cách đem họ vào giao ước quốc gia đặc biệt với Ngài và (3) dựng Vương trại của Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên. Câu chuyện cứu chuộc khỏi vòng nô lệ này dẫn đến Vương trại của Đức Chúa Trời trên đất. Tất cả suốt qua chức vụ của vị Trung bảo được chọn, tiết lộ mục đích của Đức Chúa Trời trong lịch sử - mục đích mà Ngài sẽ làm ứng nghiệm qua dân Y-sơ-ra-ên, và cuối cùng qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng Trung bảo tối cao vậy.
Bố cục:
I. Sự Cứu chuộc Thiên thượng (XuXh 1:1-18:27)
A. Sự “sinh sôi thêm nhiều” được ứng nghiệm (1:1-22)
1. Sự tăng thêm như đã hứa (1:1-7)
2. Cuộc tàn sát thứ nhất (1:8-14)
3. Cuộc tàn sát thứ hai (1:15-21)
4. Cuộc tàn sát thứ ba (1:22)
B. Chuẩn bị cho sự giải phóng (2:1-4:26)
1. Chuẩn bị một nhà lãnh đạo (2:1-10)
2. Tăng thêm thời gian chuẩn bị (2:11-22)
3. Chuẩn bị dân chúng (2:23-25)
4. Kêu gọi “Người giải phóng” (3:1-10)
5. Trả lời những phản đối không thích đáng (3:11-4:17)
6. Chuẩn bị một gia đình Nhà lãnh đạo (4:18-26)
C. Những việc đầu tiên trong việc lãnh đạo (4:27-7:5)
1. Được tăng cường bởi anh em (4:27-31)
2. Cự tuyệt bởi các kẻ thù nghịch (5:1-14)
3. Cự tuyệt bởi những người đồng cảnh ngộ nô lệ (5:15-21)
4. Những phản đối cũ lại đến (5:22-23)
5. Được tăng cường bởi danh Đức Chúa Trời (6:1-8)
6. Được nhắc nhở về những căn nguyên hèn hạ (6:9-7:5)
D. Đoán phạt và cứu rỗi qua các tai vạ (7:6-11:10)
1. Giới thiệu các dấu chỉ thẩm quyền thiên thượng (7:6-13)
2. Tai vạ thứ nhất : nước biến thành máu (7:14-24)
3. Tai vạ thứ hai: Ếch nhái (7:25-8:15)
4. Tai vạ thứ ba: Muỗi (8:16-19)
5. Tai vạ thứ tư : Ruồi mòng (8:20-32)
6. Tai vạ thứ năm: Dịch súc vật (9:1-7)
7. Tai vạ thứ sáu: Ghẻ chốc (9:8-12)
8. Tai vạ thứ bảy: Mưa đá (9:13-35)
9. Tai vạ thứ tám: Châu chấu (10:1-20)
10. Tai vạ thứ chín: Tối tăm (10:21-29)
11.Báo trước tai vạ thứ mười: Sự chết của con đầu lòng (11:1-10)
E. Lễ Vượt Qua (12:1-28)
1. Chuẩn bị cho lễ Vượt Qua (12:1-13)
2. Chuẩn bị lễ Bánh không men (12:14-20)
3. Cử hành lễ Vượt-qua (12:21-28)
F. Sự xuất hành từ Ai Cập (12:29-51)
1. Sự chết lúc nửa đêm (12:29-32)
2. Trục xuất khỏi Ai Cập (12:33-42)
3. Những điều luật về lễ Vượt Qua (12:43-51)
G. Sự dâng hiến con đầu lòng (13:1-16)
H. Vượt qua Biển Đỏ (13:17-15:21)
1. Vào đồng vắng (13:17-22)
2. Tại Biển Đỏ (14:1-14)
3. Vượt qua Biển Đỏ (14:15-31)
4. Bài ca tại biển (15:1-21)
I. Hành trình tới Si-nai (15:22-18:27)
1. Nước tại Ma-ra (15:22-27)
2. Ma-na và chim cút (16:1-36)
3. Nước tại Mê-ri-ba (17:1-7)
4. Chiến trận với A-ma-léc (17:8-16)
5. Sự khôn ngoan của Giê-trô (18:1-27)
II. Giao ước tại Si-nai (19:1-24:18)
A. Giao ước được đề xuất (19:1-25)
B. Mười điều răn (20:1-17)
C. Phản ứng của dân chúng đối với sự hiện diện bằng lửa của Đức Chúa Trời (20:18-21)
D. Sách của Giao ước (20:22-23:33)
1. Lời mở đầu (20:22-26)
2. Luật về tôi mọi (21:1-11)
3. Luật về tội sát nhân (21:12-17)
4. Luật về gây thương tích thân xác (21:18-32)
5. Luật về thiệt hại của cải riêng (21:33-22:15)
6. Luật về xã hội (22:16-31)
7. Luật về sự công bình và láng giềng (23:1-9)
8. Luật về các mùa lễ thánh (23:10-19)
9. Lời kết thúc (23:20-33)
E. Sự phê chuẩn giao ước (24:1-18)
III. Sự thờ phượng Thiên thượng (25:1-40:38)
A. Những huấn thị về Đền tạm (25:1-31:18)
1. Sự quyên góp vật liệu (25:1-9)
2. Rương giao ước và nắp thi ân (25:10-22)
3. Bàn bánh Trần thiết (25:23-30)
4. Chân đèn (25:31-40)
5. Màn chắn và khung (26:1-37)
6. Bàn thờ Của lễ thiêu (27:1-8)
7. Hành lang (27:9-19)
8. Chức vụ tế lễ (27:20-28:5)
9. Áo thầy tế lễ (28:6-43)
10. Lễ tấn phong thầy tế lễ (29:1-46)
11. Bàn thờ xông hương (30:1-10)
12. Thuế đinh (30:11-16)
13. Thùng bằng đồng (30:17-21)
14. Dầu xức và hương liệu (30:22-38)
15. Chỉ định những thợ khéo (31:1-11)
16. Nghỉ ngày Sa-bát (31:12-18)
B. Sự thờ phượng sai lạc (32:1-34:35)
1. Bò con vàng (32:1-29)
2. Sự hòa giải của Môi-se (32:30-35)
3. Sự hăm dọa ly khai và lời cầu thay của Môi-se (33:1-23)
4. Sự tái lập giao ước (34:1-35)
C. Xây dựng Đền tạm (35:1-40:38)
1. Kêu gọi xây dựng (35:1-19)
2. Những của dâng tình nguyện (35:20-29)
3. Bết-sa-lê-ên và các công nhân của người (35:30-36:7)
4. Công tác tiến triển (36:8-39:31)
5. Lời chúc phước của Môi-se (39:32-43)
6. Dựng Đền tạm (40:1-33)
7. Lễ Khánh thành Đền Tạm (40:34-38)




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 11:48 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách