Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 4588|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 3 - Dẫn nhập Giô-suê

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 29-8-2011 14:21:44 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Knh Thánh 3

Dẫn nhập Giô-suê

Nhan đề và chủ đề:
Sách Giô-suê là truyện chinh phục và ứng nghiệm đối với con dân Đức Chúa Trời. Sau nhiều năm làm nô lệ tại Ai-cập và 40 năm trong đồng hoang, cuối cùng dân Y-sơ-ra-ên được vào đất đã hứa với tổ phụ họ. Áp-ra-ham, luôn luôn là người di trú, chẳng bao giờ sở hữu xứ mình đã được sai đến, nhưng người để lại cho con cháu di sản giao ước của Đức Chúa Trời khiến họ thành những người cuối cùng thừa-thọ cả xứ Ca-na-an (xem SaSt 15:13,16,18; 17:8). Giô-suê được vinh dự biến lời hứa thành sự thật.
Sách Giô-suê bắt đầu chỗ Phục truyền luật lệ ký kết thúc: Các chi phái Y-sơ-ra-ên còn đóng trại bên phía đông sông Giô-đanh. Câu chuyện mở đầu với những mạng lịnh của Đức Chúa Trời truyền tiến tới và vượt qua sông như trên đất khô. Kế đó, sách thuật lại chuỗi chiến thắng ở miền Trung, Nam và Bắc Ca-na-an, khiến Y-sơ-ra-ên kiểm soát cả miền núi và vùng Negev. Sách tiếp tục với sự chia xứ cho các chi phái và kết thúc với lời cuối cùng của Giô-suê tỏ cùng dân sự. Do đó, chủ đề của sách là sự thiết lập Y-sơ-ra-ên trong Đất Hứa.
Những năm thiếu thời của đời mình, Giô-suê được gọi là Hô-sê (Dan Ds 13:8,16), có nghĩa “sự cứu rỗi”. Nhưng sau này Môi-se đổi tên người là Giô-suê, nghĩa là “Đức Giê-hô-va cứu” (hoặc “Đức Giê-hô-va ban chiến thắng”). Cũng tên này (theo tiếng Hy Lạp là “Giê-xu”, xem chú thích ở Mat Mt 1:21) được đặt cho con trai đầu lòng của Ma-ri, đã trở thành Danh yêu quí hơn hết.
Trong Thánh Kinh Hê-bơ-rơ, sách Giô-suê tiên khởi một phần gọi là các Tiền-tiên tri, gồm cả các Quan Xét, Sa-mu-ên và Các Vua - có toàn bộ nội dung lịch sử nhưng viết theo lập trường tiên tri. Những sách đó chép nhiều điều hơn là chỉ ghi lại sự phát triển quốc gia từ Môi-se cho đến nước Giu-đa sụp đổ năm 586 TC. Hết thảy đều giải thích cách tiên tri về đường lối giao ước của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên trong lịch sử - cách nào Chúa đã ứng nghiệm và giữ vững lời hứa của Ngài (đặc biệt qua các tôi tớ Ngài là Giô-suê, các Quan Xét, Sa-mu-ên và Đa-vít) và cách nào Chúa xử trí với sự lầm lạc của Y-sơ-ra-ên. Trong sách Giô-suê chính Chúa đã chiến thắng và “ban cho Y-sơ-ra-ên cả xứ Ngài thề hứa ban cho tổ phụ của họ” (Gios Gs 21:43).
Trước giả và niên đại:
Theo sự phán đoán của nhiều học giả, sách Giô-suê không được chép cho đến cuối thời kỳ Các Vua, chừng 800 năm sau khi các sự việc thật đã xảy ra. Nhưng có nhiều lý do để thắc mắc có ý nghĩa đối với kết luận này, và định thời gian chép sách sớm hơn nhiều. Các truyền thuyết Do Thái sớm nhất (Talmud) xưng nhận rằng chính Giô-suê viết sách của mình trừ phần cuối sách về đám tang người được qui cho Ê-lê-a-sa, con trai A-rôn chép (câu cuối cùng được thêm vào bởi một vị chủ biên sau này).
Ít nhất cũng có hai trường hợp các bản văn báo cáo sự ghi chép theo lịnh của Giô-suê hoặc chính Giô-suê viết. Khi các chi phái nhận phần đất họ, Giô-suê truyền cho đoàn tùy tùng của mình “đi đặng lấy địa đồ của xứ” (Gios Gs 18:8). Kế đó, trong cảnh cuối của sách, khi Giô-suê lãnh đạo Y-sơ-ra-ên tái lập giao ước với Chúa, người “truyền cho họ một luật pháp và điều răn” (24:25). Nhưng còn trường hợp khác, người thuật câu chuyện dường như cũng có dự phần vào sự việc xảy ra, người dùng đại danh từ “chúng tôi” và “chúng ta” (5:1,6).
Hơn nữa, những nhận xét của trước giả đều chính xác và đúng, người hoàn toàn thông thạo những tên cổ của các thị trấn, như “thành Giê-bu” thay vì Giê-ru-sa-lem (15:8; 18:16,28), Ki-ri-át A-ra-ba (14:15; 15:54; 20:7; 21:11) thay vì Hếp-rôn, và Si-đôn lớn (11:8; 19:28) thay vì về sau này chỉ gọi đơn giản là Si-đôn. Ty-rơ chẳng bao giờ được nêu lên vì trong đời Giô-suê nơi đó chưa phát triển thành một hải cảng thật quan trọng.
Nhưng nếu có những nét đặc trưng gợi ý chính thời Giô-suê, có những điểm khác đưa ra vài điều thời sau đó một chút. Câu chuyện về ngày kéo dài khi mặt trời dừng lại tại A-gia-lôn được chứng minh bởi sự dẫn chứng từ một nguồn khác, sách Gia-sa (Gios Gs 10:13). Điều này sẽ khó tự nhiên cho người tận mắt chứng kiến phép lạ, lại viết sau khi việc xảy ra ít lâu. Lại nữa, cũng có 12 chỗ trước giả dùng từ “cho đến ngày nay”.
Dường như có thể yên tâm kết luận rằng sách, ít ra trong hình thức sớm nhất, có niên hiệu khi khởi đầu nền quân chủ. Có người nghĩ rằng Sa-mu-ên có góp phần vào việc san định và soạn tài liệu cho sách, nhưng thật sự là chúng ta không chắc chắn ai là trước giả và người biên soạn cuối cùng.
Đời sống Giô-suê:
Đời sống đáng chú ý của Giô-suê đầy dẫy sự khích động, thay đổi, thành công và vinh dự. Người được nổi danh vì niềm tin cậy sâu nhiệm nơi Chúa, và như “người có thần cảm động” (Dan Ds 27:18). Thời thanh niên, người sống qua những thực tại cay đắng trong cảnh nô lệ tại Ê-díp-tô, nhưng cũng chứng kiến những tai vạ siêu nhiên và phép lạ Y-sơ-ra-ên thoát hiểm khỏi đạo quân Ê-díp-tô khi nước của biển mở ra trước mặt họ. Trong bán đảo Si-nai chính Giô-suê đã lãnh đạo quân đội Y-sơ-ra-ên chiến thắng dân A-ma-léc (XuXh 17:8-13). Chỉ mình người được phép tháp tùng Môi-se lên Núi Thánh, nơi hai bảng luật pháp được tiếp nhận (XuXh 24:13-14). Cũng chính Giô-suê đứng canh giữ tại Hội mạc tạm mà Môi-se cất trước khi Đền Tạm được dựng lên (XuXh 33:11).
Giô-suê được chọn làm đại biểu cho chính chi phái của mình là Ép-ra-im khi 12 thám tử được sai đi do thám xứ Ca-na-an. Chỉ Giô-suê và bạn của người là Ca-lép sẵn sàng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời và trực tiếp chiếm xứ (xem Dan Ds 14:26-34). Những người còn lại bị kết tội chết trong đồng vắng. Thậm chí Môi-se cũng qua đời trước khi đạt mục tiêu, và được truyền bảo phải chuyển mọi sự qua cho Giô-suê. Chúa hứa hướng dẫn và thêm sức cho Giô-suê y như Ngài đã làm cho Môi-se (PhuDnl 31:23).
Giô-suê chứng tỏ không những chỉ là chiến lược gia quân sự trong các cuộc chiến tiếp theo sau, nhưng còn là chính khách trong đường lối quản trị các chi phái. Trên hết mọi sự, người là tôi tớ được chọn của Đức Chúa Trời (xem Gios Gs 24:29 và chú thích ở PhuDnl 34:5) để đem công tác của Môi-se đến thành tựu và thiết lập Y-sơ-ra-ên trong Đất Hứa. Trong vai trò đó, người là một mẫu nổi bật trong Cựu Ước (hình bóng) về Chúa Cứu Thế (xem HeDt 4:1,6-8).
Khung cảnh lịch sử:
Nhằm thời dân Y-sơ-ra-ên di trú vào Ca-na-an các cường quốc Cận Đông xưa tương đối yếu. Dân Hê-tít đã suy tàn khỏi cảnh trí. Cả Ba-by-lôn lẫn Ai-cập cũng không thể duy trì sự hiện diện quân sự tại Ca-na-an, còn người A-si-ri mãi hàng mấy thế kỷ sau mới gửi quân đội đi.
Khi các chi phái vòng theo hướng đông Biển Chết, chỉ có đồn lũy Ê-đôm là dám chống trả. Mô-áp buộc phải để Y-sơ-ra-ên đi ngang qua lãnh thổ và đóng trại nơi đồng bằng của họ. Khi Óc và Si-hôn, hai vua A-mô-rít ở vùng bên kia sông Giô-đanh cố gắng ngăn chặn Y-sơ-ra-ên, họ đã bị đánh bại dễ dàng và đất đai bị chiếm đóng.
Các nhà khảo cổ Thánh Kinh gọi thời kỳ này là thời đại Đồ Đồng Muộn (1550-1200 TC). Ngày nay hàng ngàn đồ tạo tác làm chứng sự phong phú của văn hóa vật chất Ca-na-an, trội hơn hẳn văn hóa của dân Y-sơ-ra-ên. Khi những nơi đổ nát của vương quốc cổ Ugarit được khám phá tại Ras Shamra hiện đại trên bờ biển phía bắc Sy-ri, cả kho tàng tin tức mới lộ ra ánh sáng về đời sống tôn giáo, thương mại và nội bộ của dân Ca-na-an. Từ một ngôn ngữ gần với tiếng Hê-bơ-rơ đến chuyện các vua và các thần xưa chứng tỏ sự độc ác và hành vi vô luân của họ. Hơn nữa, người ta đào được Đền Thờ ngoại giáo, bàn thờ, mồ mả, những khí mạnh nghi lễ, rọi thêm ánh sáng trên văn hóa và phong tục của các dân tộc xung quanh Y-sơ-ra-ên.
Những cuộc đào bới ở vị trí Mê-ghi-đô xưa, Bết-san và Ghê-xe chứng tỏ các thành này được củng cố vững chắc và lý do tại sao chúng không bị Y-sơ-ra-ên hạ và chiếm đóng trong đời Giô-suê. Tuy nhiên, nhiều thành khác xây công sự mà vẫn bị chiếm, đến nỗi Y-sơ-ra-ên trở thành vững lập như một cường quốc thống trị. Ngoài hai thành Giê-ri-cô và A-hi, Giô-suê chỉ đốt thành Hát-so (Gios Gs 11:13). Vậy những cố gắng để định niên hiệu cho các biến cố này căn cứ vào những tầng hủy diệt trên các gò đống thuộc các cổ thành xứ Ca-na-an thật là công tác đáng nghi ngại. Cũng nên nhớ rằng có các nhóm khác thường bị dính líu vào các chiến dịch trong khu vực vào thời này, giữa vòng họ là những người cai trị Ai-cập và các dân ở vùng biển (kể cả dân Phi-li-tin). Cũng có những cuộc nội chiến giữa các thành thuộc dân Ca-na-an, và về sau này thời kỳ Các Quan Xét cũng được đánh dấu bằng sự hỗn loạn chung.
Phần nhiều dữ kiện khảo cổ dường như ủng hộ niên hiệu cho cuộc xâm lăng của Giô-suê chừng năm 1.250 TC. Điều này rất thích hợp với cuộc xuất hành khỏi Ê-díp-tô xảy ra vào 40 năm trước, dưới triều đại nổi tiếng Ram-se II, người thống trị vùng châu thổ sông Ni-lơ tại một thành cùng tên (XuXh 1:11). Nó cũng đặt Giô-sép tại Ai-cập trong tình huống thuận lợi. Bốn trăm năm trước Ram-se II, các Pha-ra-ôn là người Hyksos Sêmit, cũng quản trị từ miền châu thổ gần xứ Gô-sen.
Mặt khác trường hợp tốt có thể thiết lập cho quan điểm truyền thuyết là cuộc xâm lăng xảy ra chừng 1.406 TC. Sự hà hiếp xảy ra dưới triều Amunhotep II sau sự chết của cha người là Thutmose III, người được biết đã dùng nô lệ lao động trong các dự án kiến thiết mình. Niên hiệu sớm hơn cũng thích hiệp hơn với hai con số tìm được trong Cac Tl 11:26 và IVua 1V 6:1, vì chúng cho thêm 150 năm giữa Môi-se và thời kỳ quân chủ. Cũng xem Phần Dẫn Nhập Sáng-thế-ký: trước giả và niên Hiệu. Sách Xuất Ai-cập ký: niên đại học và xem Các Quan Xét: bối cảnh.
Bố cục:
I. Tiến vào xứ (Gios Gs 1:1-5:12)
A. Lời khuyên chinh phục (1:1-18)
B. Sự thám sát thành Giê-ri-cô (2:1-24)
C. Sự vượt qua sông Giô-đanh (3:1-4:24)
D. Sự phụng hiến tại Ghinh-ganh (5:1-12)
II. Sự chinh phục xứ (5:13-12:24)
A. Những chiến trận tiên khởi (5:13-8:35)
1. Chiến thắng thành Giê-ri-cô (5:13-6:27)
2. Thất bại tại A-hi vì tội A-can (7:1-26)
3. Chiến thắng thành A-hi (8:1-29)
4. Tái lập giao ước tại Si-chem (8:30-35)
B. Chiến trận miền nam (9:1-10:43)
1. Hòa ước lập với dân Ga-ba-ôn (9:1-27)
2. Ngày dài của Giô-suê (10:1-15)
3. Các thành miền nam bị chinh phục (10:16-43)
C. Chiến trận miền bắc (11:1-23)
D. Những vua bại trận của Ca-na-an (12:1-24)
III. Sự phân chia xứ (13:1-21:45)
A. Những khu vực còn phải chinh phục (13:1-7)
B. Xứ phía đông sông Giô-đanh ban cho Ru-bên, Gát và nửa chi phái Ma-na-se (13:8-33).
C. Các vùng đất ban cho Giu-đa và “Giô-sép” tại Ghinh-ganh (14:1-17:18)
D. Các vùng đất ban cho các chi phái còn lại ở Si-lô (18:1-19:51)
1. Đền Tạm tại Si-lô (18:1-10)
2. Những phần đất chia cho Bên-gia-min, Si-mê-ôn, Y-sa-ca, A-se, Nép-ta-li và Đan (18:11-19:48)
3. Thành ban cho Giô-suê (19:49-51)
E. Những thành cấp cho người Lê-vi (20:1-21:45)
1. Sáu thành ẩn náu (20:1-9)
2. Bốn mươi tám thành của các Thầy tế lễ (21:1-45).
IV. Phần kết: Sự thống nhất các chi phái về lòng trung kiên với Chúa (22:1-24:33)
A. Bàn thờ làm chứng bên sông Giô-đanh (22:1-34).
B. Những lời chào khuyên từ giã của Giô-suê (23:1:16).
C. Sự tái lập giao ước tại Si-chem (24:1-28)
D. Sự qua đời và chôn Giô-suê và Ê-lê-a-sa (24:29-33).




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 20-4-2024 02:36 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách