Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3925|Trả lời: 0

Nếp Sống - Tương giao bên bàn ăn

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 21-9-2011 19:21:44 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Nếp Sống Cộng Đồng
Tác giả: Dietrich Bonhoeffer

Tương giao bên bàn ăn

Chúng ta đã bàn về phần tĩnh nguyện buổi sáng. Chúng ta bắt đầu một ngày mới với Lời của Đức Chúa Trời, với Bài ca của Hội Thánh và lời cầu nguyện của cộng đồng tín hữu. Sau khi đã được trang bị và bồi dưỡng bằng thức ăn vĩnh cữu, cộng đồng họp lại để nhận nơi Chúa thức ăn thuộc thể cho sự sống của thể xác. Mọi người cảm tạ nhận nơi Chúa thức ăn hằng ngày và cầu xin Ngài chúc phước. Kể từ khi Chúa Giê-xu Cứu Thế ăn chung với các môn đệ của Ngài, các tín hữu được phước hạnh qua sự hiện diện của Chúa mỗi khi ngồi lại tương giao bên bàn ăn . “Đang khi ngồi ăn với hai người, Ngài lấy bánh, chúc tạ, rồi bẻ ra cho họ. Mắt họ được mở ra và nhận biết Ngài” (LuLc 24:30). Kinh Thánh nhấn mạnh đến ba điểm về sự tương giao trong Chúa bên bàn ăn: sự tương giao trong mỗi bữa ăn hằng ngày, sự tương giao trong Lễ Tiệc Thánh và sự tương giao trong bữa Tiệc cuối cùng trong Nước Trời. Trong cả ba bữa ăn đều có một điểm chung: “Mắt họ được mở ra và nhận biết Ngài.” Nhận biết Chúa qua sự ban cho của Ngài. Điều này nghĩa là gì?
Thứ nhất : Nhận biết Chúa là Đấng ban cho tất cả mọi sự, là Chúa và là Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh sáng tạo thế giới của chúng ta. Trước khi dùng bữa chúng ta cầu nguyện: “Xin Chúa chúc phước trên thức ăn mà Chúa đã ban cho chúng con!”. Với lời cầu nguyện này chúng ta xưng nhận thần tính vĩnh hằng của Chúa Giê-xu Cứu Thế.
Thứ hai , cộng đồng tín hữu nhận thức được rằng Chúa ban cho mình tất cả mọi điều trong phần thuộc thể là vì cớ Chúa, cũng như toàn bộ thế giới này được bảo trì vì cớ Chúa Giê-xu Cứu Thế, Lời của Ngài và sứ điệp của Ngài. Chúa là thức ăn đích thực của sự sống. Chúa chẳng những là Đấng ban cho, nhưng cũng là điều được ban cho chúng ta. Tất cả những vật chất thuộc thể được ban cho chúng ta đều vì cớ sự ban cho này. Đức Chúa Trời thành tín ban cho chúng ta những báu vật của Ngài vì Lời của Chúa Giê-xu Cứu Thế phải được truyền bá ra cho mọi người. Vì thế, khi cộng đồng tín hữu dùng bữa chung với nhau có nghĩa là, như Luther cầu nguyện, “Lạy Đức Chúa Trời, Cha chúng con ở trên trời, xin chúc phước cho chúng con và thức ăn mà chúng con nhận được từ nơi sự nhân từ của Ngài qua Chúa Giê-xu Cứu Thế , Chúa của chúng con . A-men.”. Với lời cầu nguyện này chúng ta xưng nhận Chúa Giê-xu Cứu Thế là Đấng trung bảo và là Cứu Chúa.
Thứ ba , cộng đồng tín hữu của Chúa tin rằng Chúa hiện diện khi cộng đồng cầu xin. Vì thế trước bữa ăn chúng ta thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-xu, xin mời Chúa đến làm người khách của chúng con!”. Với lời cầu nguyện này cộng đồng tín hữu xưng nhận rằng Chúa hiện diện ở tất cả mọi nơi. Sự tương giao trong mỗi bữa ăn làm cho tâm hồn người tín hữu sung sướng cảm tạ Đấng đang hiện diện là Chúa Giê-xu Cứu Thế. Không phải vì thế mà người tín hữu thần linh hoá một cách bệnh hoạn những sự ban cho thuộc thể, nhưng qua sự ban cho thuộc thể này người tín hữu hân hoan nhận thức rằng chính Chúa của mình là Đấng ban cho tất cả mọi sự tốt đẹp, và hơn nữa, chính Chúa của mình là sự ban cho đích thực, là thức ăn của sự sống, và cuối cùng, Chúa của mình là Đấng mời gọi mình đến dự bữa Tiệc liên hoan trong Nước Trời. Như vậy, sự tương giao hằng ngày bên bàn ăn nối kết người tín hữu với Chúa của mình và với nhau một cách đặc biệt. Bên bàn ăn chúng ta nhận ra được Chúa là Đấng bẻ bánh cho chúng ta, rồi mắt đức tin chúng ta được mở ra.
Sự tương giao bên bàn ăn rất thiêng liêng. Giữa lúc chúng ta đang làm việc, Chúa ban cho chúng ta có cơ hội nhớ lại sự an nghỉ của Đức Chúa Trời sau khi Ngài tạo dựng vũ trụ, nhớ lại ngày Sa-bát là ý nghĩa và mục tiêu của một tuần lễ làm việc lao khổ. Cuộc đời của chúng ta không chỉ gồm có việc làm lao khổ, nhưng cũng có thời gian giải lao và hân hoan về đức nhân từ của Đức Chúa Trời. Chúng ta lao động, nhưng Đức Chúa Trời nuôi dưỡng và bảo tồn chúng ta. Đó là lý do chúng ta ăn mừng. Chúng ta không nên ăn với nỗi lo âu (Thi Tv 127:2), nhưng “ăn bánh cách vui mừng” (TrGv 9:7), “Ta khen sự vui mừng, bởi vì dưới mặt trời chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là ăn, uống, và vui sướng” (TrGv 8:15), nhưng “ai là người được ăn và hưởng sự vui sướng hơn ta?” (TrGv 2:25). Bảy mươi trưởng lão Y-sơ-ra-ên cùng với Môi-se và A-rôn lên núi Si-na-i, khi “họ ngó thấy Đức Chúa Trời, thì ăn uống” (XuXh 24:11). Đức Chúa Trời không chấp nhận những người vừa ăn vừa thở dài, vừa lăng xăng làm việc như thể rất quan trọng, hoặc vừa ăn vừa hổ thẹn. Qua mỗi bữa ăn, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta hân hoan, ăn mừng giữa lúc chúng ta đang làm việc lao khổ trong ngày.
Sự tương giao bên bàn ăn là một nhiệm vụ của tín hữu. Thức ăn hằng ngày mà chúng ta ăn là của chúng ta , không phải thức ăn của riêng tôi. Chúng ta chia sẻ với nhau thức ăn của chúng ta. Như thế chúng ta tương giao mật thiết với nhau không chỉ trong tinh thần nhưng với toàn bộ bản chất thể xác của chúng ta. Thức ăn duy nhất , do Chúa ban cho toàn thể cộng đồng chúng ta, hợp nhất chúng ta lại trong một giao ước vĩnh hằng. Không ai phải chịu đói khát trong khi người khác còn có thức ăn, và người nào phá hại mối tương giao về phần xác, người đó đồng thời cũng phá hại mối tương giao trong tinh thần. Hai mối tương giao này liên quan mật thiết với nhau. Hãy “chia bánh cho kẻ đói” (EsIs 58:7), “đừng khinh rẻ người đói” (Si-rách 4:2;), vì Chúa đến với chúng ta trong những người đói khát (Mat Mt 25:37)! “Nếu có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một người trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng” (Gia Gc 2:15)? Hễ khi nào chúng ta ăn chung thức ăn của chúng ta, thì dù thức ăn rất ít chúng ta cũng có đủ ăn. Chỉ khi nào một người muốn giữ thức ăn của mình cho riêng mình, lúc đó bắt đầu có nạn đói. Đó là một nguyên tắc kỳ lạ của Đức Chúa Trời. Phải chăng bên cạnh nhiều câu chuyện khác, câu chuyện Chúa dùng hai con cá và năm cái bánh nuôi năm ngàn người cũng có ý nghĩa này?
Sự tương giao bên bàn ăn dạy cho người tín hữu biết rằng hiện nay, trong cuộc hành trình trên trần thế này, chúng ta còn dùng thức ăn tạm thời. Nay nếu chúng ta chia sẻ cho nhau thức ăn tạm thời thì rồi đây trong Nhà Cha, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp nhận thức ăn vĩnh hằng. “Phước cho người sẽ được ăn bánh trong nước Đức Chúa Trời!” (LuLc 14:15).




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 18-4-2024 10:59 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách