Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 4928|Trả lời: 0

NGÀY 9: ĐIỀU GÌ KHIẾN ĐỨC CHÚA TRỜI MỈM CƯỜI? - Sống Theo

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 23-9-2011 08:56:47 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Sống Theo Đúng Mục Đích
Tác giả: Rick Warren

NGÀY 9: ĐIỀU GÌ KHIẾN ĐỨC CHÚA TRỜI MỈM CƯỜI?

Cầu xin Chúa mỉm cười vì ngươi…
Dan Ds 6:25 (bản NLT-ND)
Xin hãy mỉm cười với con, tôi tớ của Ngài; xin dạy con cách sống đúng đắn.
Thi Tv 119:135 (bản Msg-ND)

Nụ cười của Đức Chúa Trời chính là mục đích của cuộc sống.
Vì làm vừa lòng Đức Chúa Trời là mục đích đầu tiên của cuộc đời bạn, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là khám phá cách làm việc đó. Kinh Thánh chép, “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Eph Ep 5:10). Thật may mắn là Kinh Thánh có nêu cho chúng ta một ví dụ về đời sống đem lại sự vui thỏa cho Đức Chúa Trời. Tên người đó là Nô-ê.
Trong thời của Nô-ê, cả thế gian đã trở nên suy đồi về đạo đức. Mọi người sống theo khoái lạc của riêng họ, chứ không phải của Đức Chúa Trời. Chúa không thể tìm được bất cứ ai trên trần gian này muốn làm vui lòng Ngài, nên Ngài đau buồn và hối hận vì đã tạo nên con người. Đức Chúa Trời thất vọng vì loài người đến độ Ngài đã nghĩ đến việc sẽ tiêu diệt hết thảy. Nhưng có một người đàn ông đã làm cho Chúa mỉm cười. Kinh Thánh chép, “Nô-ê khiến Đức Giê-hô-va vui thỏa” (SaSt 6:8 bản NLT-ND).
Chúa phán, “Người này đã đem đến cho ta sự vui thỏa. Người đã khiến ta mỉm cười. Ta sẽ bắt đầu lại với gia đình của người.” Vì Nô-ê đem lại sự vui thỏa cho Đức Chúa Trời, nên bạn và tôi mới được sống đến ngày nay. Từ đời sống của ông, chúng ta học được năm hành đông thờ phượng có thể khiến Đức Chúa Trời mỉm cười.
Đức Chúa Trời mỉm cười khi chúng ta yêu Ngài hơn hết. Nô-ê đã yêu mến Đức Chúa Trời hơn bất cứ điều gì khác trên thế gian này, thậm chí là khi chẳng có ai yêu như thế cả! Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, “Nô-ê trong đời mình là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (6:9).
Đây là điều lớn nhất Đức Chúa Trời muốn nơi bạn: một mối tương giao! Đó là lẽ thật bền vững nhất trong vũ trụ-Đấng Tạo Hóa chúng ta muốn thông công với chúng ta. Đức Chúa Trời tạo dựng bạn để yêu thương bạn, và Ngài khao khát bạn yêu Ngài. Ngài phán, “Ta không muốn các của lễ của ngươi -ta muốn tình yêu của ngươi; ta không muốn các của dâng của ngươi -ta muốn ngươi biết ta” (OsHs 6:6 bản LB-ND).
Bạn có cảm nhận được tình cảm của Đức Chúa Trời cho bạn trong câu Kinh Thánh này không? Đức Chúa Trời yêu thương bạn cách sâu sắc và khao khát bạn yêu Ngài. Ngài khao khát bạn hiểu biết Ngài và dành thời gian cho Ngài. Đây là lý do tại sao học biết yêu mến Đức Chúa Trời và để được Ngài yêu thương là mục đích lớn nhất của cuộc đời bạn. Không có điều gì khác quan trọng hơn thế. Chúa Giê-su gọi đó là điều răn lớn hơn hết. Ngài phán, “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết” (Mat Mt 22:37-38).
Đức Chúa Trời mỉm cười khi chúng ta tin cậy Ngài hoàn toàn. Lý do thứ hai Nô-ê khiến Đức Chúa Trời thỏa lòng là vì ông tin cậy Ngài hoàn toàn, ngay cả khi điều đó tỏ ra không có ý nghĩa gì. Kinh Thánh chép, “Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế gian, và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy” (HeDt 11:7).
Hãy tưởng tượng cảnh này: Một ngày nọ, Đức Chúa Trời đến và phán với Nô-ê như vầy, “Ta rất thất vọng vì con người. Trên cả thế gian này, không một ai thèm nghĩ đến ta. Nhưng Nô-ê, khi ta nhìn ngươi, ta lại mỉm cười. Ta thỏa lòng về cuộc đời ngươi, cho nên ta sẽ khiến có một cơn lũ bao trùm cả thế gian này và bắt đầu lại mọi sự từ gia đình ngươi. Ta muốn ngươi đóng một chiếc tàu thật lớn để cứu ngươi và các loài động vật.”
Có ba vấn đề có thể khiến Nô-ê nghi ngờ. Trước hết, Nô-ê chưa hề thấy mưa, vì trước cơn Đại Hồng Thủy, Đức Chúa Trời đã làm ẩm ướt cả địa cầu từ dưới đất lên. Con người chưa hề nhìn thấy một cầu vồng. Thứ hai, nơi Nô-ê sống cách bờ biển gần nhất cũng khoảng vài trăm dặm. Nếu ông có thể đóng được một chiếc tàu thì làm sao có thể hạ thủy? Thứ ba, tập hợp các loài động vật lại và mang chúng theo là cả một vấn đề lớn. Nhưng Nô-ê không phàn nàn hay lý luận gì. Ông tin cậy Đức Chúa Trời hoàn toàn, và điều đó khiến Ngài mỉm cười.
Tin cậy Chúa hoàn toàn có nghĩa là tin rằng Đức Chúa Trời biết điều gì tốt nhất cho cuộc đời bạn. Bạn mong muốn Ngài thực hiện những lời hứa, giúp bạn vượt qua khó khăn và làm những việc bất khả khi cần thiết. Kinh Thánh chép rằng, “(Chúa ) đẹp lòng người kính sợ Ngài, và kẻ trông đợi sự nhân từ của Ngài” (Thi Tv 147:11).
Nô-ê mất 120 năm mới đóng xong chiếc tàu. Tôi tin rằng ông đã phải trải qua nhiều ngày tháng đầy thất vọng. Suốt năm này sang năm khác không hề có dấu hiệu nào của cơn mưa, ông bị chỉ trích, cười nhạo như là “một người điên nghĩ rằng Chúa phán với mình.” Tôi nghĩ các con của ông cũng thường cảm thấy ngượng ngùng vì chiếc tàu khổng lồ đang nằm trong sân nhà họ. Nhưng Nô-ê vẫn tin cậy Đức Chúa Trời.
Trong những lĩnh vực nào của cuộc sống, bạn cần phải tin cậy Đức Chúa Trời cách hoàn toàn? Tin cậy là một hành động thờ phượng. Cũng như cha mẹ vui lòng khi con cái tin cậy họ, đức tin của bạn khiến Đức Chúa Trời vui lòng. Kinh Thánh chép, “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (HeDt 11:6).
Đức Chúa Trời mỉm cười khi bạn hết lòng vâng phục Ngài. Cứu các loài động vật khỏi cơn lụt toàn cầu đòi hỏi phải chú ý rất nhiều đến vấn đề ăn uống và các chi tiết khác. Mọi thứ phải được thực hiện đúng như điều Đức Chúa Trời đã phán bảo. Đức Chúa Trời không phán, “Hãy đóng bất cứ chiếc tàu nào mà ngươi thích, Nô-ê.” Ngài hướng dẫn rất chi tiết về kích thước, hình dáng, và những vật liệu đóng tàu cũng như số động vật khác nhau cần được lên tàu. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, “Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” (SaSt 6:22 cũng hãy xem HeDt 11:7b).
Hãy lưu ý rằng Nô-ê đã phục vụ trọn vẹn (không có một chi tiết nào bị bỏ sót), và ông phục vụ chính xác đến từng chi tiết (theo cách và thời gian mà Đức Chúa Trời muốn nó hoàn thành). Đó là sự hết lòng. Điều đó có nghĩa là làm bất cứ điều gì Đức Chúa Trời muốn mà không chần chừ, lưỡng lự. Bạn không trì hoãn và nói, “Tôi sẽ cầu nguyện đã.” Bạn làm ngay tức khắc. Mọi người cha người mẹ đều biết rằng vâng lời mà trễ nải thực sự là không vâng lời gì hết.
Đức Chúa Trời không hề nợ bạn một lời giải thích hay một lý do nào về mọi điều mà Ngài bảo bạn làm. Sự hiểu biết thì có thể chờ, nhưng sự vâng phục thì không. Sự vâng phục ngay lập tức sẽ dạy bạn nhiều về Đức Chúa Trời hơn là những buổi học Kinh Thánh suốt cả cuộc đời. Trên thực tế, bạn sẽ không bao giờ hiểu được một số mạng lệnh nào đó cho tới khi bạn vâng phục trước. Sự vâng phục dẫn đến sự hiểu biết.
Thường thì chúng ta hay dâng cho Chúa sự vâng phục một phần. Chúng ta muốn lựa chọn những mạng lệnh để vâng phục. Chúng ta làm một danh sách những mạng lệnh mình thích và vâng theo trong khi đó lại bỏ qua những mạng lệnh mà chúng ta cho là vô lý, khó khăn, đắt đỏ, hoặc khác thường. Tôi sẽ đi nhà thờ nhưng không dâng phần mười. Tôi sẽ đọc Kinh Thánh nhưng không tha thứ cho người làm tôi đau lòng. Nhưng sự vâng phục một phần lại chính là sự không vâng phục.
Vâng phục hết lòng luôn diễn ra trong niềm vui và lòng nhiệt huyết. Kinh Thánh nói, “Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng” (Thi Tv 100:2). Đây là thái độ của Đa-vít, “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ dạy tôi con đường luật lệ Chúa, Thì tôi sẽ giữ lấy cho đến cuối cùng” (119:33).
Gia-cơ, khi nói với Cơ-đốc nhân, đã khẳng định, “Chúa vui lòng vì những gì chúng ta làm chứ không phải chỉ vì những gì chúng ta tin” (Gia Gc 2:24 bản CEV-ND). Lời của Đức Chúa Trời nói rõ rằng bạn không thể tự cứu rỗi mình được. Sự cứu rỗi chỉ đến bởi ân điển, chứ không bởi nỗ lực của bạn. Nhưng là con cái của Đức Chúa Trời, bạn có thể đem lại sự vui thỏa cho Cha thiên thượng của mình bằng cách vâng phục. Bất cứ hành động vâng phục nào cũng là một hành động của sự thờ phượng. Tại sao sự vâng phục lại làm vui lòng Chúa như thế? Vì nó chứng minh rằng bạn thực sự yêu Ngài. Chúa Giê-su phán, “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (GiGa 14:15).
Đức Chúa Trời mỉm cười khi chúng ta ngợi khen và tạ ơn Ngài không thôi. Có rất ít điều đem đến niềm vui nhiều hơn lời khen ngợi và tán thưởng của một người khác. Đức Chúa Trời cũng thích nữa. Ngài mỉm cười khi chúng ta bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn Ngài.
Cuộc đời Nô-ê đã khiến Đức Chúa Trời vui thỏa vì ông sống với một tấm lòng ngợi khen và tạ ơn. Việc làm đầu tiên của Nô-ê sau Cơn Lụt là bày tỏ lời tạ ơn Đức Chúa Trời bằng một của lễ thiêu. Kinh Thánh chép, “Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ” (SaSt 8:20).
Nhờ sự hy sinh của Đức Chúa Giê-su, ngày nay chúng ta không dâng sinh tế như Nô-ê đã làm. Thay vào đó chúng ta dâng cho Đức Chúa Trời “tế lễ bằng lời ngợi khen” (HeDt 13:15) và “của lễ thù ân” (Thi Tv 116:17). Chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời vì chính Ngài, và chúng ta tạ ơn Đức Chúa Trời vì những gì Ngài đã làm. Đa-vít đã nói, “Tôi sẽ dùng bài hát mà ngợi khen danh Đức Chúa Trời, và lấy sự cảm tạ mà tôn cao Ngài. Điều ấy sẽ đẹp lòng Đức Giê-hô-va” (69:30-31). Một điều kỳ lạ xảy ra khi chúng ta dâng lời ngợi khen và cảm tạ Đức Chúa Trời. Khi chúng ta làm cho Đức Chúa Trời vui lòng, lòng chúng ta cũng đầy tràn niềm vui!
Mẹ tôi rất thích nấu cho tôi ăn. Thậm chí sau khi tôi đã cưới Kay, lúc chúng tôi ghé thăm ba mẹ tôi, mẹ thường chuẩn bị những bữa ăn rất ngon miệng. Một trong những điều khiến bà vui thích đó là nhìn xem chúng tôi ăn và thích thú với điều bà đã chuẩn bị. Chúng tôi càng thích thú khi ăn bao nhiêu thì bà càng vui lòng bấy nhiêu. Nhưng chúng tôi cũng vui mừng khi bày tỏ cho mẹ tôi thấy rằng chúng tôi rất thích các món ăn bà nấu. Tôi không chỉ thích các món ăn mà cũng muốn làm vui lòng mẹ mình nữa. Mọi người đều vui vẻ.
Sự thờ phượng cũng có hai chiều. Chúng ta vui hưởng điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, và chúng ta bày tỏ niềm vui đó cho Đức Chúa Trời, điều đó khiến Ngài vui-nhưng nó cũng làm tăng niềm vui của chúng ta. Sách Thi Thiên đã chép như vầy, “Nhưng người công bình sẽ vui vẻ, hớn hở trước mặt Đức Chúa Trời; Phải, họ sẽ nức lòng mừng rỡ” (68:3).
Đức Chúa Trời mỉm cười khi chúng ta sử dụng những khả năng của mình. Sau cơn Đại Hồng Thủy, Đức Chúa Trời phán với Nô-ê những lời hướng dẫn đơn sơ sau đây: “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất … Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh” (SaSt 9:1, 3).
Chúa phán, “Đã đến lúc ngươi phải tiếp tục cuộc sống của mình! Hãy làm những điều mà ta chỉ định cho con người làm. Hãy ăn ở với vợ ngươi. Hãy sinh nhiều con. Hãy chăm lo cho các gia đình. Hãy gieo hạt và ăn uống. Hãy làm người! Đây là lý do mà ta đã tạo dựng ngươi!”
Bạn có thể nghĩ rằng thời điểm duy nhất Chúa vui lòng vì bạn là khi bạn làm một điều gì đó “thuộc linh” chẳng hạn như đọc Kinh Thánh, đi nhóm, cầu nguyện, hoặc chia sẻ niềm tin. Và bạn có thể nghĩ rằng Đức Chúa Trời chẳng quan tâm đến những lĩnh vực khác trong cuộc đời bạn. Thực ra, Đức Chúa Trời rất vui thích nhìn ngắm từng chi tiết trong cuộc đời bạn, dù là bạn đang làm việc, chơi đùa, nghỉ ngơi, hay ăn uống. Ngài không hề rời mắt khỏi một hành động đơn sơ nào đó của bạn. Kinh Thánh nói với chúng ta, “Đức Giê-hô-va định liệu các bước của người, và Ngài thích đường lối người” (Thi Tv 37:23).
Mọi hoạt động của con người, ngoại trừ tội lỗi, có thể được thực hiện vì sự vui thỏa của Đức Chúa Trời nếu bạn làm với thái độ ngợi khen. Bạn có thể rửa chén dĩa, sửa máy, bán một món hàng, viết một chương trình máy tính, trồng trọt và nuôi sống một gia đình vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Giống như một người cha tự hào, Đức Chúa Trời đặc biệt thích thú nhìn ngắm bạn dùng những tài năng và khả năng mà Ngài ban cho bạn. Đức Chúa Trời đã cố ý ban cho chúng ta các ân tứ khác nhau vì sự vui thỏa của Ngài. Ngài khiến cho một số người có thân hình khỏe mạnh, lực lưỡng, lại khiến cho một số người có đầu óc phân tích. Bạn có thể giỏi về máy móc hay toán học, âm nhạc hay hàng ngàn kỹ năng khác. Tất cả những hoạt động đó có thể mang đến một nụ cười trên gương mặt của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép, “Ngài nắn lòng của mọi người, xem xét mọi việc của chúng nó” (33:15).
Bạn không thể dâng vinh hiển hay vui thỏa cho Đức Chúa Trời khi che giấu những khả năng của mình hoặc cố gắng trở thành một người nào khác. Bạn chỉ có thể mang đến cho Ngài niềm vui khi là chính bạn. Bất cứ khi nào bạn phủ nhận một điều gì đó trong con người của bạn, tức là bạn đang phủ nhận sự khôn ngoan và sự tể trị của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng bạn. Chúa phán, “Khốn thay cho kẻ cãi lại với Đấng tạo nên mình! Một bình trong các bình bằng đất! Đất sét há dễ nói cùng thợ gốm là người nhồi mình rằng: ‘Ngươi làm chi? ’” (EsIs 45:9).
Trong bộ phim Những Cổ Xe Bằng Lửa (Chariots of Fire ), vận động viên Olympic Eric Liddell nói rằng, “Tôi tin Đức Chúa Trời tạo dựng tôi với một mục đích, nhưng Ngài cũng khiến cho tôi nhanh nhẹn, và khi tôi chạy, tôi cảm nhận sự vui thỏa của Ngài.” Sau đó ông nói, “Bỏ chạy tức là coi khinh Ngài.” Không hề có những hoạt động không thuộc linh, chỉ có những hoạt động bị lạm dụng mà thôi. Hãy bắt đầu sử dụng những gì Chúa ban cho bạn vì sự khoái lạc của Ngài.
Đức Chúa Trời cũng vui thỏa khi thấy bạn tận hưởng sự sáng tạo của Ngài. Ngài ban cho bạn đôi mắt để thấy vẻ đẹp, đôi tai để nghe âm thanh và âm nhạc, lỗ mũi và những nút vị giác để ngửi và nếm, và những sợi dây thần kinh dưới da để cảm nhận sự đụng chạm. Mỗi hành động tận hưởng trở thành một hành động thờ phượng khi bạn tạ ơn Đức Chúa Trời vì điều đó. Quả thật, Kinh Thánh có chép rằng, “Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng” (ITi1Tm 6:17).
Đức Chúa Trời cũng thích thú nhìn bạn ngủ! Khi các con tôi còn nhỏ, tôi nhớ lại sự vui thỏa sâu sắc khi nhìn chúng ngủ. Đôi khi cả ngày đó chúng ngổ nghịch và không vâng lời, nhưng khi ngủ, chúng có vẻ thỏa lòng, được bình an, và tôi cảm thấy mình yêu chúng biết bao. Các con tôi không cần phải làm bất cứ điều gì để tôi vui thỏa về chúng. Tôi rất hạnh phúc khi nhìn chúng hít thở, vì tôi yêu chúng vô cùng. Khi nhìn ngực chúng nâng lên và hạ xuống, tôi thường mỉm cười, và đôi lúc những giọt nước mắt của niềm vui đong đầy trong mắt tôi. Khi bạn ngủ, Đức Chúa Trời cũng nhìn bạn với tình yêu thương dạt dào, vì bạn chính là ý tưởng của Ngài. Ngài yêu mỗi người trong chúng ta như thể chỉ có mình chúng ta mà thôi.
Những người cha người mẹ không đòi hỏi các con mình phải hoàn hảo, hay thậm chí trưởng thành, để họ mới thỏa lòng. Họ vui thích trong từng giai đoạn phát triển của chúng. Cũng như vậy, Đức Chúa Trời không đợi cho tới lúc bạn thực sự trưởng thành mới bắt đầu yêu thích bạn. Ngài yêu thương bạn và vui thỏa trong từng giai đoạn phát triển tâm linh của bạn.
Có thể bạn gặp phải những người thầy giáo hoặc người cha người mẹ không bao giờ có thể làm vừa lòng được trong lúc bạn lớn lên. Xin đừng cho rằng đó cũng là cách Đức Chúa Trời nghĩ về bạn. Ngài biết bạn không thể nào hoàn hảo được, và cũng không thể nào không phạm tội được. Kinh Thánh chép rằng, “Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi Tv 103:14).
Điều Đức Chúa Trời nhìn vào chính là thái độ của tấm lòng bạn: Làm Ngài vui lòng có phải là khao khát sâu thẳm nhất của bạn không? Đây là mục đích cuộc đời Phao-lô: “Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa” (IICo 2Cr 5:9). Khi bạn sống trong ánh sáng của cõi đời đời, trọng tâm của bạn thay đổi từ chỗ “Tôi vui thỏa bao nhiêu trong cuộc đời này?” sang “Đức Chúa Trời vui thỏa bao nhiêu về cuộc đời tôi?”
Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người như Nô-ê trong thế kỷ hai mươi mốt này-những người sẵn sàng sống để làm vừa lòng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép, “Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người, đặng xem thử có ai khôn ngoan, tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng” (Thi Tv 14:2). Bạn sẽ nhắm mục đích của cuộc đời mình là làm thỏa lòng Đức Chúa Trời chứ? Sẽ không có điều gì mà Đức Chúa Trời không làm cho người nào trọn tâm theo đuổi mục đích này.
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 9
Vấn Đề Suy Nghĩ: Đức Chúa Trời mỉm cười khi tôi tin cậy Ngài.
Câu Gốc: “Đức Chúa Trời đẹp lòng người kính sợ Ngài, và kẻ trông đợi sự nhân từ của Ngài.” 147:11
Câu Hỏi Suy Gẫm: Vì Đức Chúa Trời biết điều gì là tốt nhất, nên tôi cần phải tin cậy Ngài nhiều hơn trong những lĩnh vực nào của cuộc đời tôi?

Mục lục:

1 MỌI SỰ BẮT ĐẦU VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI 21 BẢO VỆ HỘI THÁNH CỦA BẠN
2 BẠN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT SỰ TÌNH CỜ 22 ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ TRỞ NÊN GIỐNG NHƯ
3 ĐIỀU GÌ LÈO LÁI CUỘC ĐỜI BẠN?23 CHÚNG TA TĂNG TRƯỞNG NHƯ THẾ NÀO
4 ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO CÕI ĐỜI ĐỜI 24 ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI LẼ THẬT
5 NHÌN CUỘC ĐỜI TỪ CÁI NHÌN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI 25 ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI NAN ĐỀ
6 CUỘC SỐNG CHỈ LÀ TẠM BỢ26 TĂNG TRƯỞNG QUA SỰ CÁM DỖ
7 NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI SỰ 27 ĐÁNH BẠI CÁM DỖ
8 ĐƯỢC TẠO DỰNG 28 CẦN PHẢI CÓ THỜI GIAN
9 ĐIỀU GÌ KHIẾN ĐỨC CHÚA TRỜI MỈM CƯỜI? 29 CHẤP NHẬN PHẦN VIỆC CỦA BẠN
10 TRỌNG TÂM CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG 30 ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ PHỤC VỤ
11 LÀM NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA CHÚA 31 HIỂU BIẾT ĐỊNH DẠNG CỦA BẠN
12 PHÁT TRIỂN TÌNH BẠN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI 32 SỬ DỤNG ĐIỀU CHÚA BAN CHO BẠN
13 SỰ THỜ PHƯỢNG LÀM ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI 33 NGƯỜI ĐẦY TỚ THẬT HÀNH ĐỘNG THẾ NÀO
14 KHI CHÚA DƯỜNG NHƯ Ở XA 34 SUY NGHĨ NHƯ MỘT TÔI TỚ
15 ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO GIA ĐÌNH 35 QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
16 ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT 36 ĐƯỢC TẠO DỰNG VỚI MỘT SỨ MỆNH
17 MỘT NƠI ĐỂ THUỘC VỀ37 CHIA SẺ SỨ ĐIỆP CUỘC ĐỜI BẠN
18 SỐNG VỚI NHAU 38 TRỞ THÀNH MỘT CƠ-ĐỐC NHÂN ĐẲNG CẤP
19 VUN ĐẮP CỘNG ĐỒNG 39 QUÂN BÌNH ĐỜI SỐNG CỦA BẠN
20 PHỤC HỒI MỐI THÔNG CÔNG BỊ GÃY ĐỔ 40 SỐNG THEO ĐÚNG MỤC ĐÍCH




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 01:38 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách