Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3044|Trả lời: 0

Hồi Phục - Ồ, Tôi Không Ngờ Chuyện Đó Lại Xảy Ra!

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 2-10-2011 08:45:13 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Hồi Phục Trên Đường Chạy
Tác giả: Jill Briscoe

Ồ, Tôi Không Ngờ Chuyện Đó Lại Xảy Ra!

CHÚNG TA PHẢI TRẢI QUA NHIỀU KINH NGHIỆM
HẦU NHẬN ĐƯỢC KHẢI TƯỢNG THUỘC LINH
CẦN YẾU CHO KẾ HOẠCH THUỘC LINH.
PHIM ĐƯỢC TRÁNG TRONG PHÒNG TỐI.
- ANONYMOUS

Lúc mới kết hôn, Stuart và tôi có những lựa chọn rất khó quyết định. Hai hội truyền giáo muốn chúng tôi rời bỏ thế giới kinh doanh và gắn bó trọn thời gian với chức vụ. Chúng tôi cần phải chọn một trong số những điều đó - một tiến trình dài và khó khăn. Chúng tôi nói “không” với từng cái một bởi vì họ muốn Stuart đi đó đây. Chúng tôi muốn ở bên nhau và không muốn gia nhập vào một tổ chức buộc Stuart luôn phải đi công tác xa. Vì thế chúng tôi chọn một chỗ mà tại đó Stuart sẽ làm phụ tá Hội Thánh và có thể ở nhà. Như vậy chúng tôi có thể cùng làm với nhau công việc mà Đức Chúa Trời giao phó cho hai vợ chồng.
Trong vòng một thời gian ngắn Stuart đi công tác, và tôi ngồi nhà nói rằng: “Ồ, Tôi không ngờ chuyện đó lại xảy ra!”
Những mong đợi thất vọng
Nếu thường nghe một điều gì từ vợ người hầu việc Chúa thì đó chính là câu nói: “Tôi không ngờ chuyện đó lại xảy ra!” Tôi không thể đếm được vô số lần tôi nghe những chuyện như là: “Khi tôi quyết định hầu việc Chúa, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện này”. Nhiều vợ người hầu việc Chúa đến nhiệm sở, và sau đó nhìn quanh và nói: “Chúng tôi đạt được vì cái này đây mà chúng tôi đã phải rời bỏ thế giới kinh doanh của mình ư?” Hay: “Đây là cái mà sau nhiều năm trường học ở chủng viện sao?”
Lúc người nam bước vào chức vụ sau khi đã có nghề nghiệp ngoài đời, họ đem vào nhiều điều tích cực cho công việc của mình. Họ có thể đem theo sự tinh thạo hay kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Nhưng tôi thường phải đối mặt với những người vợ của những người nam này và nghe họ nói thế này: “Nè, tôi đã kết hôn với một Công Chức kế toán cộng đồng. Tôi không kết hôn với một Giám Đốc của một cơ quan Cơ Đốc giáo dục”. Gần đây một vợ mục sư nói với tôi: “Tôi đã lấy một người tôi không muốn. Tôi đã không kết hôn với một mục sư, và nếu tôi biết rằng đây là điều Ngài sắp làm, tôi sẽ không kết hôn với anh ấy đâu”, và chị ấy đã nói thật lòng mình! Vì thế trong một số trường hợp, có những mâu thuẫn sâu sắc không dễ gì được giải tỏa, càng trầm trọng hơn bởi những mong muốn không thực hiện được, và phương diện khác của mâu thuẫn lại đi vào chức vụ.
Bên cạnh điều này còn có những thất vọng của người bạn đời đang đối diện với những phương sách mà mình không thể dùng được nữa. Tôi biết Stuart đã tranh đấu với việc phải thích ứng với một thế giới rất khác biệt từ thế giới của một uỷ viên quản trị cao nhất khi anh cố gắng tổ chức lại văn phòng và tài chính của Hội Truyền Giáo. Anh không muốn dùng kiến thức mình đã đạt được từ thế giới công việc, nhưng anh khám phá ra rằng nhiều tổ chức truyền giáo không tìm được những phương sách cần thiết. Tiền không có sẵn để thuê thêm nhân viên và trang bị thiết bị tối tân - hay thậm chí không có tiền để mua thiết bị cần cho công việc! Ở mức độ nào đó chúng ta có thể bước vào thế giới “chức vụ” với lăng kính màu hồng - không bao giờ mong đợi tiêu chuẩn của công việc lại thấp kém như thực tế chúng ta đang đối diện. Vậy thì cánh đàn ông chúng ta phải làm việc ở cấp độ dưới mức đào tạo hay thấp hơn năng suất của mình.
Chúng ta cần phải nâng đỡ nhau ở điểm này, lắng nghe với thái độ đồng cảm nhưng khích lệ nhau bằng tình yêu thương, bằng Kinh Thánh và trên hết là sự vui mừng hớn hở. Điều mà Stuart và tôi học biết qua giai đoạn đó là con người là nguồn tài nguyên quí giá nhất của Đức Chúa Trời. Giữa những mong đợi thất vọng của mình, tôi cần nhiều người để khỏa lấp những giờ khắc cô đơn khi chồng tôi đi vắng, trong khi Stuart phải nhắc nhở chính mình rằng chúng tôi đang ở đúng chỗ, mặc dù đang thiếu trang thiết bị. Đức Chúa Trời không bao giờ bị giới hạn bởi sự vắng mặt của máy vi tính!
Tài nguyên của Đức Chúa Trời
Chúng ta cần phải cẩn thận rằng ý thức giá trị của chúng ta không được quyết định bởi tiềm năng của mình, số lượng tín hữu đi nhóm thờ phượng (như chúng ta đã thảo luận trong chương trước), hay số lượng tiền chúng ta dâng trong Chúa Nhật. Thật khó học bài học ấy. Nhiều người trong chúng ta làm việc rất chăm chỉ mà chẳng được gì cả, chúng ta làm việc hết năng suất nhưng chỉ làm cho vấn đề trở nên phức tạp thêm mà thôi, người chúng ta gặp đi nhóm ở một Hội Thánh khác kể cho chúng ta nghe về những chương trình mới, những người dẫn chương trình đặc biệt, những sự kiện thành công vĩ đại, và ngân sách đã được cung ứng mà không đề cập đến tiền bạc! Thật thất vọng khi Hội Thánh ở bên kia đường đang ngày càng trở nên rộng lớn hơn trong khi chúng ta đang ngày càng trở nên nhỏ bé hơn, và máy chiếu cứ hư hoài trong khi ti-vi trên khuôn nhà lớn ở giữa đường lại dùng phương tiện truyền thông đại chúng chiếu trên ba màn hình hàng tuần. Thật khó để không rơi vào cái bẫy “so sánh” hay đơn giản là đầu hàng. “Giá như chúng ta có nhiều tiền hơn, máy chiếu, và micro không dây”, chúng ta than thở. Nhưng thiết bị hiện đại không phải là tất cả.
Trong khi đi đến Châu Phi và thăm một số nhà truyền giáo, tôi vui vẻ ghi trên một áp phích mấy lời sau:
Chúng ta là những người không sẵn lòng
Được dẫn dắt bởi những người không hiểu biết
Đang làm những việc bất khả thi
Cho những người vô ơn .
Chúng ta đã làm quá nhiều
Quá lâu mà kết quả quá ít ,
Giờ đây chúng ta đạt tiêu chuẩn
Để làm bất cứ việc gì
Mà không cần gì cả !
Tôi tự hỏi liệu bạn có thể liên hệ với bài thơ trên không? Tuy nhiên tiềm năng vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời có là con người, và con người có Chúa Thánh Linh. Những sự giúp đỡ vô giá khác cho chúng ta, những con người, là sự cầu nguyện, mối thông công, những lời hứa của Đức Chúa Trời từ Lời của Ngài và đức tin. Thêm tất cả những điều đó vào một người, và bạn có một số tiềm năng thuộc linh thuần túy để khiến điều đó ban cho bạn sức mạnh để làm bất cứ việc gì cần phải làm. Làm sao chúng ta biết? Chúa Giê-xu phán như vậy. Ngài phán rằng nếu có đức tin chúng ta có thể dời núi (không phải dời trái đất) được. Phao-lô cũng đã nói như vậy. Ông còn giải thích rõ hơn khi nói rằng: “Khi tôi yếu đuối ấy là lúc tôi mạnh mẽ!”. Còn gì hơn nữa, sự tầm thường của chúng ta cho Đức Chúa Trời cơ hội để ban cho chúng ta sự cao trọng và đuổi ma quỉ cao chạy xa bay! Ít trở nên nhiều khi có Đức Chúa Trời ở trong.
Rất nhiều việc có thể được làm cho nước Đức Chúa Trời bởi những “đầy tớ nhỏ” với “những kỹ năng thấp” và với “những huấn luyện tầm thường” nếu họ có tấm lòng rộng mở đối với Đức Chúa Trời. Châm Ngôn 30: 24-28 cho chúng ta biết về bốn con vật nhỏ bé mà Ngài đã tạo dựng có vóc dáng nhỏ bé để phù hợp với trí thông minh của chúng. Con kiến dầu là loại “yếu hèn”, tuy nhiên chúng dùng cái chúng có được để cung ứng cho gia đình. Con thỏ rừng là loài không có sức lực, nhưng chúng dùng sức mọn của mình để bảo vệ nhà chúng. Loài cào cào dầu không có vua Chúa, nhưng chúng rất đoàn kết với nhau và nhận biết rằng có sức mạnh trong số đông. Và con thằn lằn đủ nhỏ để bị người ta bắt, nhưng nó lại có ý tưởng bò rất cao. Nói cách khác, nhỏ là to nếu Đức Chúa Trời ngự trị ở trong! Bạn, cũng như tôi, có thể đôi khi cảm thấy mình như một con kiến, con thỏ rừng, con cào cào hay con thằn lằn hay bất kỳ loài vật nhỏ bé nào. Nhưng mỗi chúng ta có, như những loài thọ tạo khác của Đức Chúa Trời, năng lực trổi xa hơn những phương tiện hay vật chất tầm cỡ nào. “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia Gc 1:5). Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và tôi là tôi, nhưng Đức Chúa Trời và tôi cùng nhau có nghĩa là Ngài có thể làm những phép lạ qua tôi.
Điều này không có nghĩa tiềm năng không phải là ân tứ, công cụ, và cuối cùng là phương tiện, và nên được sử dụng triệt để, nếu sẵn sàng cho công việc của nước trời. Tuy nhiên, tôi phải xưng nhận rằng tôi thấy chính mình lo lắng khi phải phụ thuộc vào những chiếc máy vi tính phức tạp kia cho phần giới thiệu âm thanh và ánh sáng, micro tốt, và những tiết mục phức tạp khó hiểu khi trình bày màn âm nhạc cho hàng ngàn người (như kinh nghiệm của tôi vậy), trong quá khứ khi tôi phải đứng trước vô số những trẻ em đường phố mà không có phương tiện truyền thông gì cả. Tôi còn nhớ rất rõ, trong khi tham gia truyền giáo trên đường phố, nhận biết rõ ràng nhu cầu cần sự tiếp trợ, sự che chở, và năng quyền của Đức Chúa Trời. Tôi không được giúp đỡ nào khác ngoài Thánh Linh, Lời của Đức Chúa Trời, và mối thông công với một nhóm bạn đồng công, những người mà việc giữ đức tin là khao khát cháy bỏng đạt đến tột đỉnh và nói với những người ấy về Đấng đã tạo dựng họ. Đôi khi tôi mong nhớ cảm giác rung động của kinh nghiệm truyền giáo trên đường phố trong khi thụ hưởng và tận dụng kinh nghiệm tổ chức biểu diễn âm nhạc cho hàng ngàn người.
Chúng ta hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì bất cứ điều gì Ngài đã giúp đỡ, trong sự sắp xếp của Ngài, đã không cho phép chúng ta thiếu thốn nguồn nguyên vật liệu để làm chúng ta thất vọng hay nản chí, và hãy nhớ rằng “con người” là nguồn tài nguyên quí giá nhất của Đức Chúa Trời. Vì thế dù gặt với một máy gặt liên hợp hay bằng phương cách lỗi thời với cái cào hay cái chĩa, chúng ta hãy tham gia vào vụ gặt!
Chính tình yêu đã hỏi , tìm , gõ cửa , nhận biết
và một mực trung thành với điều mà mình tìm được . - St. Augustine
Theo ý Chúa
Thành thật mà nói, tôi đã thất vọng cảm thấy không xứng đáng để làm hầu hết những công việc trong chức vụ mà Đức Chúa Trời đã dự định cho tôi. Phải làm một cha mẹ đơn thân khi chồng liên tục đi công tác xa là một trong những điều đó.
Khi tôi muốn chúng tôi tìm kiếm một chỗ dễ dàng hơn để hầu việc Chúa, Stuart nói với tôi: “Jill à, chúng ta biết rằng chúng ta phải chờ đợi cho đến khi Đức Chúa Trời dẫn dắt chúng ta đi ra cũng như đi vào”. Và anh ấy đã nói đúng. Chúng tôi nhìn lại sự dẫn dắt của mình và không thể nhìn thấy thể nào chúng tôi đã lựa chọn khác nhau, đưa thông tin chúng tôi có lúc đó. Đức Chúa Trời biết trước điều gì sắp phải xảy đến và Ngài vẫn đang dẫn dắt chúng tôi theo hướng đó. Điều đó xuất phát từ tình yêu thương của Đức Chúa Trời và quyền tể trị tối thượng của Ngài. Hoặc Ngài đang dẫn dắt chúng tôi trong tình yêu thương hoặc không. Đôi khi biết rằng bạn thật sự tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời là điều an ủi duy nhất có thể có khi bạn thấy chính mình trong một tình huống khó xử không mong muốn.
Vì thế hãy nhìn lại nếu bạn có sự nghi ngờ. Hãy kiểm tra sự dẫn dắt của bạn. Bạn có đang ở điểm hẹn với Ngài không? Đôi khi điều đó chỉ là cái nền bạn đang đứng ở trên - sự bảo đảm đó. Ngài chỉ cho chúng ta quá khứ. Hãy nhớ rằng: chúng ta có thể nhìn lại và xem công việc của Ngài.
Tôi đã nghiên cứu việc theo ý Chúa bằng cách này. Một lần tôi cảm thấy rằng Đức Chúa Trời đang dẫn dắt, tôi cần phải có một Ghết-sê-ma-nê, một Gô-gô-tha và một Lễ Ngũ Tuần của riêng mình.
Ghết-sê-ma-nê - kéo mình theo ý Chúa khi tôi không muốn làm theo điều đó. Lời cầu nguyện của tôi sau đó trở thành - giống như lời cầu nguyện của Ngài - “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” và “Ta phải lo việc Cha ta”.
Gô-gô-tha - chết với điều tôi thật sự muốn làm. Đây là chỗ “tôi” đóng đinh với Đấng Christ. Hãy nhớ có phải tất cả những quyền lợi cá nhân đó chúng ta nghĩ chúng ta có ư? Tính sẵn sàng cần có ở chúng ta phải không? Có phải những cái chết nho nhỏ chúng ta phải chịu đựng khi nhà chúng ta trở thành Trung Tâm Sinh Hoạt? Đó là những cơ hội để “chết mỗi ngày”, như Phao-lô đã nói. Nếu không ai nói với bạn rằng đức tin bước đi trong chức vụ sẽ như thế nào, tôi thông cảm với bạn. Một số người nghĩ rằng mục đích duy nhất của Đức Chúa Trời là ban cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh, giàu có, và không có vấn đề - ngay cả trong chức vụ. Thật sốc khi nhớ lại ý nghĩa thật sự của địa vị môn đồ. Nếu bạn đang quay cuồng bởi cú sốc ấy, có lẽ bạn cần một cái gì đó để nhắc nhở bạn về thực tế. Một khi những mong đợi trong cuộc sống chức vụ của bạn được đem vào thực tế, lúc đó những kinh ngạc từ Đức Chúa Trời sẽ không còn là sốc nữa, nhưng trở nên những kinh nghiệm thú vị. Thật dễ thấm nhuần những chân giá trị và những ưu tiên của thế gian; nhưng thật ra, chúng ta quá ích kỷ và vị kỷ trung tâm. Những điều này phải được lột bỏ trước khi cuộc sống chúng ta trong Christ đem đến ý nghĩa hay đem lại bất cứ thành tựu nào.
Lễ Ngũ Tuần - nhận năng quyền để làm điều mà tận đáy lòng tôi biết cần phải làm.
Trong Thi Thiên 23 Đa-vít công nhận mình là con chiên và Đức Chúa Trời là Đấng Chăn Giữ ông. Ông khẳng định rằng mình được dẫn dắt, được cho ăn, và được dẫn đi trên “những con đường công bình” vì cớ Người Chăn - không phải vì ông. Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo đuổi ông suốt cả cuộc đời, và khi ông bị phá huỷ bởi những mong đợi thất vọng của mình, ông nhìn lại và nhìn thấy Đấng Cứu Chuộc mình mỉm cười với mình và phán: “Đây là đường đi - Hãy bước vào đó đi!” Người Chăn xức dầu cho đầu ông - hình ảnh dầu dùng để chữa vết sưng và thâm tím do đi trên những địa hình lởm chởm và ban cho quyền phép để làm công việc của một con chiên thuận phục. Trách nhiệm của ông - như của chúng ta - là phải theo Ngài bén gót. Nếu chúng ta có thể làm được điều này, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những thất vọng thường là những cuộc hẹn gặp của Ngài! Vì thế, mục tiêu sẽ là sống trong quyền năng của Lễ Ngũ Tuần của chính mình. Chúng ta cần phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con quyền năng để sống đẹp lòng Ngài trong tình huống khó khăn này”.
Những ngạc nhiên của Đức Chúa Trời
Vậy là bạn đang ở phần này, và bạn không thể tin rằng cuộc sống của mình đã trở nên như thế nào. Có lẽ bạn đã thật sự đi qua một quá trình hình thành quyết định rất kỹ lưỡng, và có lẽ bạn nghĩ mình biết cái mình đang bước vào, nhưng khi đi qua bên kia của từ “vâng”, bạn lại nhận thấy mình đang nói rằng: “Tôi không ngờ chuyện đó lại xảy ra”.
Nhưng làm sao bạn sống với điều đó khi bạn biết mình đang ở chỗ nên ở nhưng lại ghét ở đó? Có lẽ bạn không mong muốn tình huống đặc biệt này - hay thậm chí chất lượng cuộc sống bạn nói chung.
Chức vụ là một ngạc nhiên lớn. Vì thế đừng nên ngạc nhiên để phải kinh ngạc! Tôi thích cách Đức Chúa Trời giấu chúng ta tương lai. Tôi tự hỏi liệu đó có phải một trong những điều nhân loại đã đánh mất trong vườn Địa Đàng khi loài người phạm tội chăng - khả năng nhìn thấy tương lai. Có lẽ Ngài biết rằng chúng ta sẽ không thể chịu được điều đó nếu chúng ta thấy những điều đang ở phía trước. Ví dụ như hãy tưởng tượng bạn biết mình sẽ chết như thế nào. Hằng ngày bạn sẽ tập đối diện với điều đó trước khi việc đó xảy đến. Và vì thế Đức Chúa Trời bởi sự thương xót của Ngài đã giấu tương lai khỏi chúng ta. Chúng ta không biết liệu A-đam và Ê-va có từng biết tương lai hay không, nhưng chúng ta cần phải tạ ơn Đức Chúa Trời vì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong ngày mai. Có lẽ nếu chúng ta biết được tương lai chúng ta sẽ không bao giờ bước vào đó cả. Stuart và tôi đã chọn lựa cách cẩn thận, và chúng tôi cảm thấy mình đã lựa chọn đúng, nhưng chúng tôi không nghĩ mình đủ mạnh để nói “vâng” nếu chúng ta biết một số việc đang ở trước chúng ta.
Khi chúng ta bước mỗi lúc một bước trong sự thuận phục Đức Chúa Trời, chúng ta nhận thấy rằng ở mỗi bước chúng ta đều được ban năng quyền. Nếu đó là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, thế thì Ngài có trách nhiệm ban cho chúng ta nguồn năng lực Ngài biết chúng ta cần có để vượt qua. Hãy chờ đợi Chúa làm việc đó. Mặc dù cuộc sống ít khi như chúng ta mong muốn, nhưng rồi mọi việc sẽ đâu vào đó, và đó là cầu nối để kinh nghiệm và làm chứng cùng nhau.
Hôn nhân hạnh phúc không phải là nơi
sự hoàn hảo ngự trị ; đó là một mối quan hệ
trong đó một quan điểm lành mạnh xem xét
vô số những “điều không thể giải quyết được ”.
- James Dobson
Khi xung đột trở nên sâu sắc
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn kết hôn với một Kế Toán Cộng Đồng và làm anh ấy thất vọng nếu bạn biết rằng anh ấy sẽ bước vào chức vụ trong năm năm sau đó? Và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy mình bị sập bẫy bởi người đàn ông bạn cảm thấy mình không còn biết đến nữa? Lúc đó sẽ như thế nào đây?
Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ nhắm vào một số vấn đề xảy ra giữa vợ chồng có liên quan đến vai trò của người vợ trong chức vụ. Nhưng bây giờ, có một câu hỏi tổng quát cần được trả lời: có phải sự chuyển đổi mà bạn lựa chọn để hầu việc Chúa trọn thời gian là một lỗi lầm lớn và gây đau khổ không?
Lỗi lầm xuất hiện khi chúng ta thực hiện những quyết định này. Đôi khi chúng ta quá nóng lòng và lựa chọn trước thời điểm của nó. Sách Truyền Đạo nói rằng mọi việc dưới trời đều có kỳ định. Đồng hồ của Đức Chúa Trời cho thời gian toàn hảo, nhưng mọi người đều đã biết rằng mình đã nóng nảy xê dịch kim đồng hồ của Đức Chúa Trời chạy lên trước!
Quá trình đưa ra quyết định .
Nhiều sách đã được viết về sự nhận biết “ý muốn của Đức Chúa Trời”. Nhưng khi bạn đọc, hãy nhớ rằng hành trình của mỗi người, mỗi cặp vợ chồng đều khác nhau, vì thế chúng ta bước đi trên đường băng rất hẹp khi chúng ta bắt đầu ra lệnh cho người khác quá tỉ mỉ cách nhận biết điều Đức Chúa Trời mong muốn ở họ. Tuy nhiên, tôi sẽ trình bày hai nguyên tắc tổng quát tôi mà vừa khám phá là đúng.
1. Bạn phải thường xuyên tương giao với Đức Chúa Trời và với nhau . Đức Chúa Trời không phải là một vị thần nào đó mà hầu như lúc nào bạn cũng có thể lơ là và rồi sau đó “chùi Kinh Thánh” và triệu tập cuộc họp mặt vì cớ những sự kiện lớn trong cuộc sống. Bạn không thể biết được ý muốn của Đức Chúa Trời nếu không liên hệ mật thiết với Ngài. Điều này đòi hỏi phải duy trì một đời sống suy gẫm lời Chúa mỗi ngày. Bạn phải học tập lắng nghe tiếng Ngài trong “những công việc bạn làm hằng ngày”.
Và bạn cùng với người bạn đời của mình cũng phải truyền thông tốt với nhau. Hãy nói về Ghết-sê-ma-nê, Gô-gô-tha và Lễ Ngũ Tuần của bạn. Các bạn phải thành thật với nhau. Các bạn phải tin vào sự xét đoán của nhau. Nếu các bạn có ý kiến khác nhau các bạn cần phải nói chuyện và cầu nguyện, cầu nguyện và nói chuyện cho đến khi cả hai hiệp thông cùng tiến đến nhất trí với nhau về cùng một vấn đề. Tất cả những phán đoán và đưa ra quyết định không thể chất trên người này hay người kia, bởi vì các bạn là một mà. Hỡi những người vợ, đừng tránh né trách nhiệm của mình bằng cách nói rằng: “Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt chồng tôi, và chồng sẽ dẫn dắt tôi”. Đó không phải là mối quan hệ vợ chồng. Cả hai vợ chồng bạn phải gánh những trách nhiệm này.
2. Đừng đánh giá thấp giá trị của những nhà tư vấn cho bạn . Có thể có những lúc bạn tin rằng điều Đức Chúa Trời đã phán sẽ không phổ biến đối với tất cả mọi người. Nhưng hầu như lúc nào Ngài cũng dùng các tư vấn gia để giúp đỡ các bạn trong những quyết định của mình. Đây là những người - không cần phải nhà chuyên nghiệp, nhưng là những người tin kính - khôn ngoan trong Lời Đức Chúa Trời, những người bạn tin cậy, những người có thể giúp bạn sở hữu thông tin. Có lẽ người khuyên nhủ bạn cần là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính hay những vấn đề pháp lý hay hành chính quản trị. Hay có thể những nhà tư vấn chân chính là những người bạn chịu trách nhiệm tại Hội Thánh - những mục sư hay những trưởng lão. Đừng nghĩ bạn có thể học hỏi ý muốn của Chúa ở một nơi xa cách mọi người. Chúng ta được đặt trong thân thể gồm các tín hữu vì một lý do. Không quyết định nào quan trọng như một cuộc đột phá mới trong chức vụ hay sự thay đổi nghề nghiệp hay sự di chuyển địa lý được thực hiện mà không xem xét những vấn đề với những người trong gia đình Đức Chúa Trời, là những người đủ tiêu chuẩn để qua họ kiểm tra bạn.
Khi Stuart và tôi cảm thấy sự chuyển đổi từ nghề nghiệp sang chức vụ, chúng tôi trở lại với nhóm bạn tin kính cũ mà vài năm trước đây đã từng khuyên chúng tôi không nên chuyển nghề như vậy. Lần này, sau khi cầu nguyện, họ cùng nhất trí khuyên chúng tôi (cách cá nhân) rằng họ nghĩ đây đúng là “thời điểm” để thực hiện bước quan trọng này. Sách Châm Ngôn nói rằng: “nếu có nhiều mưu sĩ, bèn được yên ổn” (ChCn 11:14).
Một phương cách không thích hợp cho việc đi theo Đức Chúa Trời .
Điều đôi khi tôi thấy giữa vợ người hầu việc Chúa là tính thụ động thường hay dẫn đến cay đắng và những mong đợi thất vọng. Điều tôi muốn nói là người chồng rất thường hay quyết định rằng Đức Chúa Trời đang dẫn dắt theo phương cách nào đó, và người vợ, theo “bổn phận” của mình, đi theo - tuy nhiên, không loại bỏ cay đắng, điều sẽ nổi cộm lên sau này. “Tại sao tôi không nói với anh ấy điều tôi thật sự cảm thấy về hoàn cảnh?”, một phụ nữ trẻ than thở sau cuộc di chuyển dại dột từ chức vụ này sang chức vụ khác.
Thật dễ bị vướng vào những vấn đề “quyền lực” ở đây, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó thật sự cần thiết. Sự thật là, nếu bạn đang làm việc trong mối quan hệ vợ chồng, là những người đồng kế tự, vấn đề sẽ không phải là liệu Đức Chúa Trời phán với người chồng hay với người vợ - hay hoặc với cả hai vợ chồng cùng một lúc. Vấn đề là mọi sự cần phải được giải quyết trong bối cảnh mối quan hệ hôn nhân và trước Chúa.
Có lẽ một trong hai bạn đang lắng nghe Chúa rõ hơn người kia, vì thế có thể người đó là người đầu tiên lĩnh hội được điều Đức Chúa Trời sắp trù định. Đôi lần tôi đã là người đầu tiên cảm nhận được “sự biến chuyển” hầu đến. Khi Stuart là Giám Đốc Ngân Hàng, một công việc cực kỳ thành công, chúng tôi đang sống tại Manchester, Anh Quốc. Cả hai chúng tôi hoàn toàn dấn thân vào những chức vụ “bán thời gian”. Tôi bắt đầu cảm thấy mình như một miếng bánh dẻo dính vào đĩa, ai đó đang thi hành công việc dưới cuộc đời tôi và thả lỏng tôi quanh bờ vực! Ở thời điểm đó Stuart không cảm biết sự thôi thúc liên tục bắt đầu “tách rời” quá trình. Lúc đó theo sự xui giục của tôi, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu sự thay đổi nghề nghiệp.
Một lần khác khi Stuart trở về từ một chuyến linh vụ và anh đã tâm sự rằng mình đã “đánh mất thách thức” của công việc đang làm và lấy làm lạ rằng sự thu hút anh tham gia vào giới mục sư đã được chỉ ra. Giờ đây, chúng tôi gọi đó là “nguyên tắc bánh dẻo”!
Một khi người phối ngẫu cảm biết sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, điều đó sẽ dẫn tới việc người kia cũng sẽ lắng nghe và thấu hiểu, đây là công việc của Thánh Linh, không phải là chuyện đe dọa người kia phải tuân theo.
Đây là một lĩnh vực khó giải thích. Bạn không thể vạch ra con đường cho người khác đi, nhưng điều tôi hy vọng sẽ vượt qua đó là Đức Chúa Trời liên hệ với chúng ta như là những người đồng kế tự, có nghĩa là chúng không thể vận hành đơn lẻ như những cá nhân nữa. Một người không thể đơn thuần quyết định rằng “đây là khải tượng Đức Chúa Trời dành cho tôi, và tốt thôi, nếu anh/em cũng muốn thi hành”. Và tôi e rằng chính điều này đã xảy ra dưới hình thức nào đó hay trong những tình huống hôn nhân chức vụ. Những lúc khác người nam thậm chí không nói gì về quyết định của mình với vợ, cảm thấy rằng nhiệm vụ của mình là “dẫn dắt”, và vì thế ý kiến của người vợ là không cần thiết. Phụ nữ và nam giới xuất thân từ nền tảng của một gia đình nhấn mạnh đến vai trò rất nghiêm nhặt, đặc biệt rất dễ mắc phải lỗi lầm này. Họ được giáo dục rằng người nam phải toàn quyền quyết định mọi sự, thấy rằng người nam là người chủ gia đình đã được Đức Chúa Trời xức dầu. Vì thế, công việc của người vợ phải ân cần lắng nghe, phải thuận phục và hưởng ứng, và tuân theo, bất kể như thế nào. Nếu cương vị làm đầu có bất kỳ ý nghĩa nào - và tôi thật sự tin điều đó - thế thì nó chắc chắn có nghĩa là chính người nam phải có trách nhiệm đảm bảo rằng vợ mình được bình đẳng - và rằng sự cống hiến và ý kiến của cô ấy cũng có giá trị như của anh vậy.
Những bạn đời trong chức vụ vận hành như những người đồng kế tự trong Christ, học biết chương trình của Đức Chúa Trời - cùng với nhau. Cuối cùng thì, không ai không phạm sai lầm cả. Rất có thể người chồng hay người vợ đã hiểu Chúa không đúng, đã không giải thích những dấu hiệu từ Chúa cách rõ ràng.
Người còn lại sẽ chỉ ra sai lầm đó và từ đó dẫn đến sự cân bằng. Điều đó giống như những Cơ Quan Hành Pháp, Lập Pháp và Tòa Án trong Chính Phủ, phải kiểm tra lẫn nhau. Ngay cả người đứng đầu một tổ chức cũng cần ai đó có thẩm quyền chất vấn ông về những quyết định ông đã đưa ra.
Đôi khi người chồng hay người vợ có một khải tượng mà sau đó bị biến đổi đôi chút, trở nên vững chắc và toàn hảo khi họ bước đi theo khải tượng ấy. Vì Đức Chúa Trời không bao giờ chỉ cho chúng ta thấy tương lai, và chúng ta không bao giờ có thể hiểu thấu cái đang ở phía trước, nên những khải tượng có tính dễ uốn nắn - có khi được thay đổi theo thời gian và khi chúng ta thấy rõ những phương hướng mới.
Một số những xung đột sâu sắc mà người vợ thường hay gặp phải trong vấn đề mong đợi và những thay đổi trong vai trò của mình thực sự có liên quan với việc thiếu tham gia vào quá trình đưa ra quyết định trong hôn nhân của mình. Và nếu bạn với chồng đang cùng trong chức vụ, bạn phải giải quyết vấn đề đưa ra quyết định này. Điều đó không có nghĩa là bạn lúc nào cũng phải đồng tình, với tư cách là người bạn đời, nhưng có nghĩa là bạn sẽ cân nhắc rất nhiều để tiến đến sự đồng tình, rằng hai bạn sẽ cùng nhau tháo gỡ vấn đề trong chức vụ được thực sự kêu gọi này. Như Ruth Graham đã từng nói: “Nếu Billy và tôi cùng đồng ý với nhau về tất cả mọi sự, thì một trong hai người chúng tôi sẽ không còn cần thiết nữa!”
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không đang ở chỗ Đức Chúa Trời muốn?
Giả sử bạn khám phá ra rằng bạn thật sự đã phạm một lỗi lầm. Bạn không làm chủ được tình hình, bạn quyết định quá hấp tấp, hay một trong hai vợ chồng bạn nhanh chóng thông qua điều bạn muốn, và bây giờ bạn đang ở đây. Bây giờ bạn sẽ làm gì?
Trước hết, Đức Chúa Trời rất thường hay giải quyết những sai phạm của chúng ta. Ngài đã từng tiếp xúc với những người mù, người điếc, người câm, người nóng nảy, và những người nổi loạn trong một thời gian dài - trong đó một số là các bậc lãnh đạo, các câu chuyện về những thất bại của họ được ghi chép lại cho chúng ta trong Kinh Thánh. Vì thế nếu bạn phạm sai lầm, bạn phải trả giá cái gì đó, nhưng Đức Chúa Trời sẽ có cách giải cứu bạn. Ngài là Đấng rất có kinh nghiệm trong việc giải cứu! Ngài thậm chí còn có thể “đền bù cho các ngươi về mấy năm đã bị cắn phá bởi cào cào” (Gio Ge 2:25).
Có thể bạn phải ở lại trong tình huống một lát nếu bạn đã có sự hứa nguyện nào đó. Hay có thể bạn cần phải ra ngoài nếu bây giờ Đức Thánh Linh thật sự đang bật chuông đồng hồ báo hiệu cho bạn phải di chuyển. Mỗi tình huống luôn khác nhau. Nhưng điều quan trọng là phải tuân theo hai nguyên tắc tổng quát kia: thường xuyên tương giao với Đức Chúa Trời và với nhau , và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nhà tư vấn tin kính .
Với Đức Chúa Trời, mọi sự đều có tiềm năng. Ngay cả trong những sai lầm của bạn cũng có tiềm năng để học hỏi, tăng trưởng và tiến tới. Đừng thất vọng, và đặc biệt đừng trách mắng nhau. Khi người nam trở nên nhận biết rằng Đức Chúa Trời không dự định anh phải ở trong tình huống nào đó, chẳng hạn như anh đã “ăn cơm trước kẻng” hay biết rõ những khao khát của mình, điều cuối cùng anh cần là một người vợ không khoan dung khiến anh trở nên khốn khổ hơn bao giờ hết. Hãy yêu thương lẫn nhau, và vượt qua những giai đoạn khó khăn để bước qua phần kế tiếp của cuộc hành trình. Bất cứ điều gì bạn làm, hãy cho chính mình thời gian để chữa lành và phục hồi. Chúng tôi không muốn bạn từ bỏ chức vụ!
Vượt qua những ngạc nhiên
Khi những mong đợi của bạn trở nên thất vọng, điều đó có thể lấy gió khỏi những cánh buồm của bạn trong chốc lát. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể khoe khoang tự đắc hát rằng: “Ngợi khen Chúa!” Nếu bạn vẫn đang cố nín thở và điều chỉnh để thích nghi với nơi này, nơi mà Đức Chúa Trời đã đặt để bạn, có thể bạn sẽ thử làm những điều sau.
1. Hãy nhìn lại cách Đức Chúa Trời liên hệ với bạn trong quá khứ . Điều này thường giúp bạn có được một viễn cảnh lạc quan hơn. Hãy nghĩ đến tất cả những lời cầu nguyện mà Ngài đã đáp lời cho bạn tính đến thời điểm này. Điều này sẽ nhắc bạn về sự thành tín của Đức Chúa Trời và sẽ xua tan sợ hãi. Sa-tan muốn bạn e ngại ý muốn của Đức Chúa Trời, vì thế hãy vui mừng kỷ niệm chặng đường bạn đã đi qua trong quá khứ và đừng sợ hãi. Hãy dành ít thời gian để ăn cơm chung với nhau, đếm lại những phước lành của bạn.
2. Chọn lọc những yêu cầu thật sự cho “vị trí ” mới của bạn . Nếu bạn đang thay thế một Siêu Cơ Đốc Nhân và có những mong đợi rất lớn đang chồng chất trên bạn, hãy dành thời gian nào đó để nhìn vào nhân cách, những ân tứ của mình và quyết định điều Đức Chúa Trời muốn nơi bạn trong tình huống cụ thể của bạn. Hãy sẵn sàng nếu phải làm thất vọng những mong đợi của người khác. Hãy học biết mình là ai và điều mình phải làm và phải trở nên thế nào. Nếu bạn đảm nhiệm tất cả các “yêu cầu” của họ, có thể gánh nặng sẽ quá lớn, cũng như sẽ không phù hợp với bạn. Những người khác (như những tín hữu của Hội Thánh bạn - các con cái Chúa trong Hội Thánh mới của chồng bạn), cũng phải vượt qua những ngạc nhiên của Đức Chúa Trời cách dễ dàng, và một trong những ngạc nhiên đó có thể là bạn! Đừng đánh giá quá thấp khả năng điều chỉnh của họ đối với bạn và cuối cùng để yêu bạn.
3. Hãy nói những gì bạn có thể thưa với Đức Chúa Trời . Đức Chúa Trời tiếp nhận chúng ta ở chỗ của chúng ta. Nếu tất cả bạn có thể nói là: Lạy Chúa , đừng để nỗi đau và cơn giận của con phá hủy điều con đang làm trong chồng con , thì hãy nói điều đó ra. Có thể bạn sẽ cầu xin Đức Chúa Trời khiến bạn sẵn sàng ở lại trong tình huống. Có thể bạn sẽ cần sự giúp đỡ trong việc nhìn mọi sự trong ánh sáng tích cực hơn. Hãy trao cho Đức Chúa Trời những gì bạn có thể. Ngài sẽ đón nhận và chúc phúc cho điều đó.
4. Hãy hỏi chính mình : “Tốt hơn tôi nên làm gì ?” Có thể bạn sẽ không có câu trả lời thật sự cho câu hỏi đó. Bây giờ là thời điểm tốt để cầu xin Chúa Thánh Linh tra xét bạn cả trong lẫn ngoài và giúp bạn chọn lọc ra một số điều đang níu giữ bạn. Hãy nhìn vào những giá trị của bạn, và đánh giá những mục tiêu của cuộc sống bạn. Với chồng mình, bạn hãy cùng thảo luận với nhau những điều mà cả hai vợ chồng bạn thấy là một hệ thống thực tiễn của những mục tiêu và ưu tiên. Hãy cầu nguyện cùng nhau mỗi ngày đối với những lĩnh vực thực sự là vấn đề của cá nhân bạn.
5. Hãy tiến đến những vấn đề sâu hơn . Vấn đề thật sự của bạn có thể là lòng tự trọng của bạn quá thấp. Hay thủ phạm có thể là một hệ thống không tương xứng mà bạn và chồng đã dùng để đưa ra những quyết định. Có thể bạn không quá nóng giận khi thấy chồng mình đang lảo đảo trong chức vu, nhưng giận vì trong quá trình đi đến quyết định hầu việc Chúa của chồng. Hay sự không sẵn sàng / hoặc nỗi sợ hãi của bạn khi phải phục vụ trong sự ngạc nhiên này có thể liên quan đến những dây thần kinh khác trong bối cảnh gia đình của bạn. Với một nhà tư vấn, với người phối ngẫu của bạn, với một người bạn thân, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân thật sự của nỗi bức xúc. Đôi khi điều đó không liên hệ với tình huống như xảy ra trong thực tế.
Thử làm một việc lớn lao mà không để
Đức Chúa Trời can thiệp vào
thì chắn chắn sẽ thất bại . --Vô Danh
Ai sẽ lăn hòn đá ra?
Ngay sáng Phục Sinh, một số phụ nữ hối hả đến mộ, đem thuốc thơm đến để xức xác Chúa. Họ hỏi nhau: “Ai sẽ lăn hòn đá ra khỏi mộ?”
Khi chúng ta đang trong một tình huống ngạc nhiên, đáng sợ, và mới mẻ, chúng ta đối diện với cùng vấn đề. Có lẽ chúng ta sẽ chăm sóc người chúng ta yêu, nhưng tảng đá vẫn nằm chỗ cũ. Một rào cản đã xuất hiện giữa chúng ta và người yêu dấu kia, rào cản đó quá lớn đến nỗi những mong ước nhỏ nhoi của chúng ta trở nên lố bịch bên cạnh nó. Tình yêu của chúng ta dường như yếu ớt và bất lực khi đối diện với một chướng ngại vật như thế.
Chúng ta phải ngụp lặn trong chức vụ này, sự ngạc nhiên này chúng ta không bao giờ mong muốn, nhưng tảng đá nằm trên đường, và chúng ta không thể tưởng tượng được cách dời hòn đá ấy và hoạt động trong chỗ này.
“Tình yêu không thể tìm ra giải pháp cho tôi; tôi biết, tôi đã thử rồi”, bạn nói. Có lẽ bạn đối diện với một thiếu niên đang tức giận vì phải làm “con của mục sư” và phải đi khắp đất nước sau mỗi ba năm hoặc ít hơn. Trong tay cầm những vật tốt - những món quà ngọt ngào và đặc biệt được chuẩn bị chu đáo - bạn đã hối hả chạy đến với cô ấy, chỉ để đối đầu với hòn đá lớn của sự giận dữ, cay đắng hay hiểu lầm.
Có lẽ bạn đối diện với với một Hội Thánh mới lạnh lùng và không hưởng ứng hay một sứ mạng truyền giáo, và với đôi tay đầy những điều tốt - những tài năng và những ước mơ của bạn - bạn đã tìm đến những người này, chỉ để đối đầu với hòn đá lớn của sự thờ ơ lạnh lùng và sự nghi ngờ. Vào lúc như vậy, bạn phải nhớ rằng bạn không thể có tất cả những sự kiện - tất cả những mẫu ghép hình nhỏ. Có lẽ họ đã có nhiều mục sư tiền nhiệm họ yêu thích và thấy khó chuyển lòng trung thành. Có lẽ đã có sự chia rẽ trong Hội Thánh hoặc trong tổ chức. Có lẽ họ cũng đang bị tổn thương.
Bạn của Chúa Giê-xu ắt đã phải kinh nghiệm một số những cảm xúc tương tự này. Khi những phụ nữ hối hả đến và gặp “ngọn núi” không thể vượt qua được đang nằm trước mặt họ, họ không thể nghĩ ra bất kỳ ai ngoại trừ chính Chúa Giê-xu có năng quyền để lăn hòn đá đó ra; và đó là tình huống tiến thoái lưỡng nan gay go nhất của họ, Chúa Giê-xu đã chết! Họ đã rất đúng khi tin rằng Ngài đang nằm đó, được bảo đảm là đã vô hiệu bởi chính hòn đá họ đối đầu.
Có lẽ bạn sợ hãi khi đối diện với một vật thể dường như không thể di dời được, một vật thể mà bạn không có sức để dịch chuyển. Có lẽ bạn tin rằng Đức Chúa Trời mà bạn đã tin cậy có thể giúp đỡ mình lần này. Có thể bạn bị ngăn trở bởi cảm giác thiếu thốn. Có thể bạn thậm chí bị cám dỗ muốn từ bỏ và chạy trốn! Nhưng tình yêu không bỏ cuộc, và tình yêu không chạy trốn. Tình yêu luôn tiến bước, ngay cả khi nó tin rằng đối tượng của tình yêu đã chết.
Việc phải làm khi đối diện với những vấn đề không thể giải quyết được là cứ cố gắng tiến tới để tiếp cận với chúng, ngay cả nếu chúng không có dấu hiệu khuất phục khi bạn tiếp cận. Nếu bạn không thể vượt qua bằng đường thẳng, hãy đi đường vòng - hãy tìm cách trở về với Chúa, Đấng có thể dịch chuyển hòn đá hay can thiệp thay cho bạn hoặc không làm điều đó. Ở mức độ nào đó chúng ta cần phải sống với thái độ: “Tôi yêu Chúa; tay tôi đầy những món quà dành cho Ngài; và cách này hay cách kia, tôi sẽ nhận thấy Ngài ở bên kia của vấn đề”. Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đến được bên kia của vấn đề bằng cách chạy trốn nó! Vì thế hãy đối diện với nó; hãy cùng với người phối ngẫu đối diện với điều đó và với các tín hữu khác bạn có thể tìm thấy với cùng nhịp đập của trái tim - cùng một khải tượng. Và đừng phí phạm sức lực để trách mắng. Nếu bạn làm điều đó, bạn sẽ làm kiệt quệ chính mình trước khi bạn đến đó!
Tôi đã dành quá nhiều năm để liệu trước sự bao vây và trong trí tưởng tượng của mình tôi đã thực hành lăn nó xa khỏi. Tôi đã gắng sức lo lắng nhìn chăm chú vào tương lai, tin chắc có những ngọn núi phải xê dịch xa khỏi tầm mắt. “Đừng mượn cái đã xảy ra”, một người bạn thân đã khuyên tôi khi thấy tôi vật lộn để dịch chuyển một chướng ngại vật mà tôi tin rằng sẽ đối đầu với tôi trong sáu tháng tới. “Tại sao bạn không đợi cho đến khi bạn đến đó?” Bạn tôi hỏi tiếp.”Ai đó biết về những điều nàyđã khám phá ra rằng 80% những chuyện chúng ta lo lắng sẽ không bao giờ xảy ra!” Tất nhiên chị ấy đã nói đúng. Có thể chúng ta cũng đang sử dụng năng lượng đó để lo lắng về những hòn đá đã được lăn khỏi chúng ta thay vì những hòn đá có thể hay có lẽ không bao giờ sẽ bị dời đi.
Những phụ nữ hối hả trong buổi sáng sớm hôm ấy trước tảng đá lớn ngăn cách họ khỏi thân thể của Đấng Christ yêu dấu của họ. Vâng, họ sợ hãi, nhưng họ vẫn tiếp tục đi. Dù thế nào chăng nữa họ vẫn đi. Đừng đợi cho đến lúc bạn không còn e ngại nữa rồi mới bước đến ngôi mộ. Nếu bạn không thể dạn dĩ bước đến ngôi mộ, hãy run rẩy bước đến đó. Và chỉ có thể, khi đến đó, bạn sẽ nhận thấy rằng hòn đá đã được lăn khỏi.
Đấng Christ không thể được giữ lại ở trong mộ của những rắc rối của chúng ta, bên trong ngôi mộ phiền muộn của chúng ta, hay đằng sau cánh cửa nghi ngờ của chúng ta. Không hòn đá nào có thể giữ Ngài lại hay đem Ngài đi xa khỏi các môn đồ. Hòn đá vẫn đứng đó, trong khu vườn ấy, sự nhắc nhở về thực tế của những vấn đề mà tất cả chúng ta phải sống cùng; nhưng Đấng Christ đã dời nó qua một bên rất dễ dàng, chứng minh năng quyền của sự phục sinh của Ngài thay cho chúng ta.
Bạn phải đối diện với Ghết-sê-ma-nê của chính mình và chết tại Gô-gô-tha của mình. Nhưng tất cả những điều này không phải là tổn thất. Hãy nhìn lại Lễ Ngũ Tuần của bạn, quyền năng sẽ đến. Hãy vui mừng, vì “HÒN ĐÁ ĐÃ ĐƯỢC LĂN RA RỒI!”

Lạy Chúa Giê-xu , xin hãy lăn hòn đá ra ,
Xin hãy lăn hòn đá ra !
Con hối hả chạy đến rắc rối
Từ lúc trời mờ sáng
Con thức giấc giữa canh đêm
Con cầu nguyện với thống khổ và nước mắt
Con úp mặt vào gối khóc
Con nhắc lại nghi ngờ và sợ hãi con
Nhưng nếu con dừng lại và lắng nghe
Và nếu con làm phần công việc mình
Một thiên sứ sẽ đến với con
Và đem đến sự bình an cho tấm lòng con
Ngài phán “Tại sao con không vui ?
Chúa thật đã phục sinh
Hòn đá đã được dời khỏi mộ
Và Đức Chúa Giê-xu Christ
sẽ đáp ứng nhu cầu của con !”
- Jill Briscoe




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 12:44 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách