Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2869|Trả lời: 0

Đem Thiên Đàng - SỰ THA THỨ BA CHIỀU

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 2-10-2011 18:17:57 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Đem Thiên Đàng vào Địa Ngục

SỰ THA THỨ BA CHIỀU

Cha của Steve chết trong một tai nạn xe hơi. Chứng kiến tận mắt tai nạn nầy, một cảnh sát nói người tài xế xe kia hoàn toàn có lỗi mà lại không hề hấn gì. Lòng căm giận cùng sự buồn rầu ăn sâu vào Steve.
Một năm sau Steve trở thành một Cơ Đốc nhân, nhưng lòng anh không có được sự bình an. Nỗi buồn mất cha và niềm cay đắng với người đã giết cha mình ngày đêm cứ giày vò tâm trí anh ta. Anh xin Chúa cất những điều nầy đi, nhưng dường như sự việc ngày lại càng tệ hơn.
Một người nào đó đưa cho Steve xem cuốn Từ Ngục Tù Đến Ca Ngợi và anh đã thử cố gắng ca ngợi Chúa về tai nạn đã cướp mất mạng sống của cha anh. Rồi bất ngờ anh nhận ra rằng nỗi buồn và sự thù hận đã ăn sâu làm anh không muốn tha thứ cho người kia. Được mở mắt để nhận ra tội lỗi mình, Steve xin Chúa tha thứ cho mình vì đã hận thù và giúp đỡ anh để anh tha thứ người kia. Anh viết cho tôi, “Việc xảy ra đã mấy tháng rồi và hiện giờ càng lúc tôi càng yêu mến người tài xế kia. Chúa yêu ông ta, và tôi cũng cần phải làm vậy. Tôi đã tìm được sự bình an tuyệt vời”.
Sự ca ngợi mở đường cho sự tha thứ bước vào lòng Steve, nhưng nếu anh từ chối không chịu tha thứ thì sự ca ngợi của anh ta sẽ chỉ là máy móc và chẳng đem lại kết quả nào. Một tấm lòng không chịu tha thứ không thể là một tấm lòng ca ngợi. Tha thứ không những là then chốt trong quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời mà còn là then chốt trong quan hệ giữa chúng ta với những người khác. Thật ra Đức Chúa Trời đã khiến hai mối quan hệ nầy tùy thuộc lẫn nhau. Tha thứ là một mệnh đề ba chiều.
Chúa Giê-xu nói “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi”.
Khi chúng ta thú tội với Đức Chúa Trời, tức khắc Ngài tha cho chúng ta, đó là bản chất của Ngài. Nhưng nếu chúng ta không tha thứ cho người khác, chúng ta sẽ đau khổ. Sự không tha thứ sẽ làm mất đi bình an, vui mừng và sức khoẻ của chúng ta. Chúa dựng nên chúng ta như vậy, Ngài đã đặt điều đó vào lòng chúng ta và chúng ta không kiểm soát được nó.
Một thiếu phụ trẻ đến gặp tôi vì có một vấn đề đang đe dọa hủy hoại hạnh phúc của cô ta. Cô thấy mình không thể nào đáp ứng được tình yêu của chồng, thay vào đó, cô lại khó chịu và sợ hãi khi chồng chạm vào người cô. Cô rất yêu chồng nhưng không hiểu nổi thái độ của mình, và dù cố gắng đến đâu, cô cũng không thể thay đổi được thái độ của mình.
Khi cô kể chuyện, tôi bắt đầu hình dung thời thơ ấu bất hạnh của cô. Cha cô thường xuyên mắng chửi và đánh đập cô. Khi cô trốn dưới gầm giường, ông ta túm tóc cô kéo ra và đánh tiếp. Sợ hãi và cay đắng nung nấu lòng cô trong nhiều năm đến nỗi cô thấy ghê tởm đàn ông nói chung và chồng cô nói riêng. Ngoài ra cô còn cảm thấy mình tội lỗi vì đã ghét bỏ cha mình mặc dầu cô đã cố đè nén cả sự thù hận lẫn tội lỗi của cô để đừng nghĩ đến chúng nữa.
Thiếu phụ nầy đã nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời về thái độ không tha thứ của cô, và cũng hiểu được Đức Chúa Trời đã tha thứ cho cha cô nữa. Khi cô có thể tha thứ cho cha cô thì sự sợ hãi và khó chịu đối với chồng cô cũng biến đi và cô được tự do đáp lại tình yêu của anh ấy.
Nguồn gốc những vấn đề trong gia đình chúng ta hiện tại thường bắt nguồn từ những kinh nghiệm đau thương của thời thơ ấu. Có thể là một kinh nghiệm không vui với cha hoặc mẹ, anh, chị hoặc em vẫn còn ám ảnh chúng ta. Những vết thương cũ chỉ huy thái độ của chúng ta và chúng ta cứ tiếp tục làm khổ những người chúng ta muốn yêu thương nhất cho đến khi những vết thương đó được chữa lành.
Một người đã kể lại rằng sự nghi ngờ và ghen tuông của anh đã suýt làm vợ anh phải bỏ đi. Khi còn bé, anh đã phẫn uất và hổ thẹn vì tính tình thiếu đứng đắn của mẹ mình và anh đã không thể tha thứ cho bà được. Thái độ không tha thứ cho mẹ đã khiến anh theo dõi từng cử chỉ của vợ, chờ đợi để mong khám phá rằng cô ấy không chung thủy. Ngay khi anh tha thứ cho mẹ anh thì sự nghi ngờ với vợ anh cũng tan biến.
Từ vô thức, chúng ta có thể chuyển những tình cảm của mình trong quá khứ đến những mối liên hệ trong hiện tại. Với những trở ngại như vậy thì nếu nhiều người trong chúng ta đang gặp khó khăn cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Không phải chỉ có chúng ta bị giam hãm trong những vấn đề chưa được giải quyết của quá khứ mà những người quanh ta cũng vậy. Họ có thể phản ứng với chúng ta vì cách cư xử của chúng ta đụng đến những vết thương cũ của họ. Chúng ta cần phải hỏi Đức Chúa Trời, “Chúa ơi, có sự không tha thứ nào trong con khiến con đau ốm, khổ sở hay khiến gia đình con buồn phiền?”.
Là người, chúng ta có thể lâm vào những tình thế mà chúng ta cho là không thể nào tha thứ được, nhưng điều đó hoàn toàn không thật. Không cần phải đè nén những kỷ niệm xưa hay che giấu những vết thương cũ vì Kinh Thánh tuyên bố: “Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do” (GiGa 8:36). Chúa Giê-xu đến để đảm bảo chúng ta được tha thứ về mọi hành động hay tư tưởng sai phạm của chúng ta và ban cho chúng ta khả năng có thể tha thứ mọi hành động và toan tính của một người nào khác chống lại chúng ta. Tội lỗi của chúng ta hay tội lỗi của những người khác không có quyền lực trói buộc chúng ta khi chúng ta được tha thứ và khi chúng ta đang tha thứ.
Chúng ta có thể nghĩ ra nhiều lý do khiến chúng ta không thể tha thứ cho người khác. “Làm sao tôi tha thứ được khi những người làm tổn thương tôi không đáng để tôi tha thứ?” Điều nầy có lẽ cũng đúng - họ không đáng để được tha thứ - nhưng phải chăng chúng ta cũng chẳng đáng được tha thứ mà Đức Chúa Trời vẫn tha thứ cho chúng ta?
Phao-lô viết “Chớ lấy ác trả ác cho ai...”, “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy ấy điều thiện thắng điều ác” (RoRm 12:17, 21). Cứ giữ thái độ không tha thứ là một cách ấy ác trả ác, và bởi thái độ đó chúng ta đã để điều ác thắng mình. Cách duy nhất để thắng hơn điều ác là tha thứ. Đó là cách mà Đức Chúa Trời đã thắng hơn điều ác trong chúng ta. Đức Chúa Trời thắng điều ác trong chúng ta bằng cách tha thứ cho chúng ta. Khi chúng ta tha thứ và yêu thương những người làm hại mình, quyền lực điều ác không còn trên chúng ta nữa.
Thể xác bạn có thể đau đớn khi họ tra tấn hay đánh bạn - Chúa Giê-xu không hứa rằng chúng ta sẽ không phải chịu đau đớn về thể xác - nhưng họ không thể làm mất đi sự bình an, vui mừng ở nội tâm bạn. Thật vậy, tôi đảm bảo rằng nếu bạn đáp lại điều ác bằng sự tha thứ và tình yêu thương thật, bạn sẽ kinh nghiệm được niềm vui mừng lớn lao.
“Phước cho các ngươi khi vì cớ Con người, thiên hạ sẽ ghét, đuổi, mắng nhiếc các ngươi, bỏ tên các ngươi như đồ ô uế! Ngày đó, hãy vui vẻ, nhảy nhót và mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm” (LuLc 6:22, 23). Bạn chỉ có thể nhảy nhót và mừng rỡ khi bạn đã tha thứ cho những người làm hại bạn.
Để có thể yêu được kẻ thù, việc đầu tiên là bạn phải tha thứ cho họ. Nếu bạn thấy khó, hãy thử suy nghĩ thế nầy: Đức Chúa Trời tha thứ cho cả những người nặng tội nhất và tội lỗi chúng ta càng lớn, chúng ta lại càng có lý do để biết ơn Ngài về sự tha thứ đó. Nếu ai đó làm hại tôi nhiều bao nhiêu, người ấy cần được tha thứ nhiều bấy nhiêu và tôi lại càng có nhiều cơ hội để trở nên giống Đấng Christ khi tha thứ cho người đó.
Có lẽ bạn không muốn bỏ qua cơ hội để thực tập tình yêu Cơ Đốc, nhưng hãy suy nghĩ điều nầy: Nếu không có ai làm tổn thương bạn thì sẽ không bao giờ bạn biết đến niềm vui của sự tha thứ.
Đôi lúc chúng ta né tránh vấn đề và nói: “Tôi sẽ tha thứ nếu người ấy xin lỗi tôi”. Sự tha thứ của Chúa đến với chúng ta ngay cả trước khi chúng ta xin Ngài. Bị treo trên thập tự giá, Chúa Giê-xu nói: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết điều mình làm”. Những người chế nhạo Ngài, đánh Ngài và đóng đinh Ngài không hề xin Ngài tha thứ hay quan tâm gì đến sự tha thứ đó. Nhưng Ngài vẫn tha thứ cho họ vì Con Đức Chúa Trời không thể hành động khác hơn. Cũng vậy, chúng ta không thể làm gì khác hơn nếu thật lòng muốn làm theo ý chỉ của Chúa. Chúa muốn chúng ta tha thứ cho những người đã làm hại chúng ta trong suốt cuộc đời dù họ có biết hay không biết điều họ làm, hoặc họ có muốn hay không muốn chúng ta tha thứ cho họ.
Không những điều nầy giúp chúng ta tha thứ mà Đức Chúa Trời còn sắp xếp để điều nầy giúp cho những ai được chúng ta tha thứ - ngay cả khi họ không biết chúng ta đã tha thứ cho họ. Khi chúng ta thưa với Chúa, “Xin hãy tha cho họ về những điều họ làm hại con”, thì Chúa tha thứ ngay. Ngài dùng sự tha thứ của chúng ta để bắt đầu giải phóng họ khỏi quyền lực tội lỗi và kéo họ đến gần Ngài hơn.
Khi Phao-lô đứng trong đám đông để xem Ê-tiên bị ném đá đến chết, “Chúng đang ném đá thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Giê-xu, xin tiếp lấy linh hồn tôi Đoạn người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi thì ngủ. Sau-lơ vốn ưng thuận về sự Ê-tiên bị giết” (Cong Cv 7:59, 60; 8:1a). Tôi chắc rằng Chúa làm việc trong lòng Phao-lô ngay hôm đó và những lời nói tha thứ của Ê-tiên đã thôi thúc mạnh mẽ.
Trách nhiệm tha thứ người khác được giao cho chúng ta cách rõ ràng. Nếu chúng ta không tha thứ, chúng ta sẽ cầm buộc chính mình cùng những người chúng ta không chịu tha thứ và ngăn trở tình yêu của Đức Chúa Trời.
Bill là một tù nhân đã viết thư kể lại việc anh kinh nghiệm thế nào về sự tha thứ của Chúa. Ngay hôm sau tại phòng ăn tập thể, anh đối diện với kẻ thù không đội trời chung. Trong suốt mười năm, hai người nầy tìm cách giết nhau, và những giới chức của trại giam đã giam họ ở những chỗ khác nhau, hồ sơ của họ ghi đầy những lời cảnh cáo là đừng bao giờ để họ ở gần nhau. Nhưng có sự lầm lẫn nào đó mà giờ đây họ đang đối diện với nhau tại bàn ăn sáng. Phản ứng đầu tiên của Bill là sợ hãi, nhưng rồi ý nghĩ “Hãy cảm tạ Ta vì điều nầy” đến với Bill và anh đã đáp ứng gần như máy móc, “Cám ơn Chúa vì Ngài đã để con đối diện với Ron sáng nay”.
Ron rất bình tĩnh khi họ nói chuyện với nhau. Bill kể cho anh ta nghe về sự thay đổi Chúa Giê-xu đã làm trong đời sống mình, và hai người đã chia tay như hai người bạn. Giữa khuya Bill thức dậy, trong đầu vang lên tiếng nói “Hãy tha thứ cho Ron”, Bill liền nói: “Chúa ơi, hãy tha thứ cho Ron!” rồi anh cảm thấy lòng bình an và vui mừng khôn tả. Sáng hôm sau anh biết được tin Ron cũng muốn gặp Chúa Giê-xu.
Sự tha thứ mở cửa nhà tù của hận thù và những ác ý về người khác trong chúng ta. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta tha thứ cho mọi người về mọi điều họ làm tổn thương chúng ta không?
Hầu hết chúng ta đều đặt điều kiện cho sự tha thứ của mình. Chúng ta nói: “Được rồi, tôi sẽ tha thứ cho anh nếu anh thay đổi!”, đó không phải là sự tha thứ thật. Sự tha thứ thật không đòi hỏi bất cứ một sự đền trả nào từ phía người gây ra tội. Điều đó có nghĩa là người ấy không hề mắc nợ chúng ta ngay cả một lời xin lỗi và chúng ta không có quyền mong đợi người ấy thay đổi. Tha thứ có nghĩa là chấp nhận người ấy trong thực trạng ngay cả khi người đó tiếp tục làm chúng ta tổn thương.
Phi-e-rơ hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không? Ngài đáp rằng: Không, bảy mươi lần bảy” (Mat Mt 18:21, 22). Nếu bạn cộng lại và nói: “Được rồi, sau 490 lần tôi sẽ không phải tha thứ cho anh nữa, bạn đã hiểu sai sứ điệp rồi.
Một phụ nữ viết thư kể cho tôi một câu chuyện kỳ lạ về sự tha thứ. Bà đọc cuốn Từ Ngục Tù Đến Ca Ngợi vào buổi tối trước khi phải trải qua một cuộc giải phẫu và quyết định cám ơn Chúa về cơn đau bà phải gánh chịu sau đó. Trước sự ngạc nhiên của bà và của các bác sĩ, y tá, bà không bị đau gì cả và không cần ngay cả một viên aspirin để giảm đau. Giờ đây bà tin chắc là cảm tạ Chúa có kết quả và quyết định cảm tạ Ngài về bất cứ điều gì xảy đến cho bà.
Thử thách lớn đến liền sau đó. Chồng bà loan báo muốn làm một cuộc ly hôn thử. Ông nói ông đang nghĩ đến ly dị nhưng trước hết ông muốn xem liệu có thể sống xa con cái được không. “Ngay lúc đó tôi nhận biết Chúa cho phép tôi nhìn thấy quyền năng của sự cảm tạ Ngài như thế nào để bây giờ tôi có được năng lực để cảm tạ Chúa”.
Sau một tháng người chồng trở về. Ông không chịu được cảnh sống xa những đứa con. Tuy nhiên ông cũng thú nhận trong ba năm qua ông đã yêu một người đàn bà khác và hết lòng muốn chung sống với người ấy.
Bà viết “Nỗi đau thật cùng cực khi nhìn thấy chồng tôi khổ, ông ta khốn khổ vì thiếu người đàn bà ông yêu, nhưng ông lại không thể cách xa những đứa con. Ông bị giằng xé không biết chọn đàng nào”. Tuy nhiên bà quyết định vẫn cảm tạ Chúa về điều nầy, “Tôi bắt đầu cảm tạ Chúa về cuộc hôn nhân đổ vỡ nầy, vì người phụ nữ mà chồng tôi yêu, vì chồng tôi không còn yêu tôi nữa và muốn ly dị tôi”.
Bà tiếp tục làm như vậy trong một năm. Chồng bà ở nhà suốt thời gian nầy và một ngày kia họ khám phá ra họ đã có một tình yêu mới mẻ còn sâu xa hơn trước kia nhiều. “Điều vẫn còn làm chúng tôi ngạc nhiên là tình yêu chúng tôi cứ lớn hơn và thấy rằng với Chúa bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”. Ngài đã thật sự biến nỗi đau buồn của tôi thành niềm vui và đã biến ngay cả một tai họa như của chúng tôi thành một điều tốt lành và đẹp đẽ. Ngợi khen Chúa!”
Bí quyết thành công của người phụ nữ nầy không hề nằm trong quyết tâm ca ngợi Chúa, năng lực phát ra từ sự ca ngợi của bà vì bà sẵn sàng tha thứ cho chồng và chấp nhận thực trạng của ông.
Bạn có thể tưởng tượng điều nầy khó đến mức nào không? Người chồng không hề xin lỗi vợ mình hay hứa sẽ thay đổi gì cả. Mỗi ngày bà thấy ông chỉ mơ tưởng đến người phụ nữ khác cách công khai nhưng bà vẫn cảm thương cho sự đau khổ của ông thay vì thương hại chính mình. Hầu hết chúng ta có thể hiểu được dễ dàng nếu bà phản ứng cách giận dữ và cay đắng.
Tôi nhận được nhiều thư từ những phụ nữ khác kể lại những câu chuyện tương tự nhưng không có được một kết thúc tốt đẹp. Trong những lá thư ấy, tinh thần không tha thứ được bày tỏ qua giọng điệu cay đắng và than trách: “Tôi đã cảm tạ Chúa về hoàn cảnh của tôi, nhưng vẫn không thể nào chịu đựng nổi và chồng tôi vẫn nhỏ nhen như trước”.
Một đặc điểm chung của những người không chịu tha thứ là họ không muốn hay không thể nhìn thấy tội lỗi của chính họ. Một phụ nữ thuộc Hội Thánh chúng tôi kể rằng trải qua nhiều năm cuộc hôn nhân của bà giống như một cuộc trượt dốc, hết leo lên lại lao xuống. Hai ông bà đã ly dị nhau một lần và nhiều lần ly thân. Bà trở thành Cơ Đốc nhân và đi nhóm tại nhà thờ chúng tôi vì bà muốn học cảm tạ Chúa về chồng bà để Chúa thay đổi ông ta. Bà nghĩ rằng tính ích kỷ và thái độ đòi hỏi của chồng bà là nguyên nhân mọi vấn đề của họ.
Tuy nhiên sự cảm tạ của bà không đem lại kết quả nào. Trong thời gian ly thân, khi bà nghĩ là sẽ ly dị lần nữa, bà tự hứa và hứa với Chúa rằng bà sẽ thử lần cuối cùng, “Tôi quyết sẽ hết sức thành thật với chính mình và với Chúa, không giả bộ gì hết”, bà viết cho tôi như vậy.
Sáng hôm sau hai vợ chồng đi lễ và trong suốt bài giảng bà nhận thức đầy trọn mình cần được Đức Chúa Trời tha thứ. Quì trước tòa giảng bà khóc mãi và khi trở về chỗ ngồi, bà xin chồng bà tha thứ cho bà. Bà nói “Thình lình trong lòng tôi đầy tràn sự biết ơn đối với chồng tôi. Và điều kỳ lạ là suốt thời gian qua tôi cứ nghĩ rằng chồng tôi có lỗi, tôi giận dỗi vì ông ta chẳng khi nào xin lỗi tôi hay nhận rằng ông có lỗi về điều gì. Bây giờ cuối cùng tôi nhận ra rằng mình đã hiểu ngược vấn đề. Chính tôi mới là người ích kỷ, khó tính và cần được tha thứ”.
Giờ đây sự ca ngợi của bà tuôn tràn từ một tấm lòng tràn ngập tình yêu và sự bình an. Sự bồn chồn hay thay đổi ngày trước nay không còn nữa.
Chúa Giê-xu có kể một thí dụ về người đầy tớ nợ vua khoảng 10 triệu đô-la. Không trả nổi món nợ, anh ta xin vua tha cho. Vua tha nợ cho anh ta, nhưng ngay khi được thả ra, anh tìm đến người bạn nợ anh khoảng 200 đô-la, túm cổ người bạn và đòi phải trả ngay. Người bạn không có tiền nên quì xuống xin anh thư thả cho một thời gian, nhưng người đầy tớ nọ không chịu và để cho người bạn bị tống giam cho đến khi nào trả xong nợ. Được tin, vua gọi người đầy tớ đến và nói: ”...Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi cầu xin ta, ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc với ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?” Thế là vua nổi giận phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy”.
Không tha thứ là một chất độc giết người và nó đang tàn phá nhiều gia đình. Sự phật ý về những điều nhỏ nhặt dần dà lớn lên và nếu cứ tiếp tục thì chúng ta sẽ không nhận ra được là điếu đó đang che giấu một thái độ không tha thứ rất nguy hiểm.
Một thiếu niên nổi giận vì cha em không cho em mượn xe hơi của gia đình để đi chơi. Em nói “Tại sao em phải tha thứ cho cha? Cha không tin em mà”.
Em thiếu niên ơi, em có tin rằng Chúa có thể thay đổi ý kiến của cha em nếu Ngài muốn. Và nếu Ngài không muốn thì chắc hẳn ngay bây giờ Chúa không muốn em lái xe. Em có thể cảm tạ Chúa về cha em không? Và tha thứ cho cha em không? Nếu em làm như thế, tôi đảm bảo rằng không khí trong gia đình em sẽ tốt hơn 100%. Cha em còn có thể cho em mượn xe hơi đấy, nhưng đó không phải là điểm quan trọng. Điều em sẽ nhận ra rõ nhất là em loại bỏ được tình cảm xấu xa trong lòng cứ nổi lên mỗi khi nghĩ tại sao cha em lại xấu tính và bất công như vậy.
Đôi khi chúng ta dường như thích thú khi từ chối không tha thứ ngay cả khi chúng ta được xin lỗi. Cảnh tượng nầy có quá quen thuộc không?
Một ông chồng than phiền suốt ba ngày liền vì không thích những món ăn nấu theo cách hướng dẫn trên truyền hình. Người vợ cảm thấy mình có lỗi vì đã không sắp xếp thì giờ khéo léo hơn. Người chồng văng tục, không thèm ăn nữa, đóng sầm cửa lại và bỏ đi. Nhưng chẳng bao lâu ông trở về và nói “Cưng ơi, anh xin lỗi vì đã làm em buồn. Tha lỗi cho anh nhé”.
Đây chính là cơ hội để xóa bỏ khoảng cách giữa hai vợ chồng, nhưng người vợ che giấu tình cảm thật của mình sau nụ cười 'ngọt ngào' và thì thầm: “Anh không làm gì để em buồn cả, có gì đâu mà tha lỗi”. Nhưng đằng sau câu nói ấy là nỗi buồn phiền và sự không tha thứ ngấm ngầm, “Anh đã làm tôi xấu hổ. Bây giờ tôi sẽ để cho anh khốn khổ một thời gian chứ”.
Đã bao lần chúng ta lặp lại cảnh nầy với vài thay đổi nhỏ. Khi có ai đó chạm tự ái chúng ta, miệng chúng ta thì nói: “Không có gì, chắc chắn là tôi không giận gì anh”, nhưng hành động của chúng ta lại tỏ rõ rằng chúng ta đã không quên điều xấu xa anh ta đã làm và cũng không để cho anh ta quên điều đó được.
Nếu có ai xin bạn tha thứ, hãy tha thứ, ngay cả khi bạn nghĩ rằng người đó không hề làm bạn buồn. Sự tha thứ của bạn có ý nghĩa to lớn và rất quan trọng đối với người đó trong mối quan hệ giữa anh ta và Đức Chúa Trời.
Nếu chúng ta có thể bắt đầu bằng cách luôn luôn tha thứ cho những người trong gia đình chúng ta thì sẽ có một sự thay đổi hết sức lớn lao. Thay vì nổi giận với người khác, chúng ta có thể nói: “Cám ơn Chúa vì cha con vừa thất hứa với con lần thứ một triệu. Con tha thứ cho cha con và xin Ngài cũng tha thứ cho cha con”. Hay là “Cảm tạ Chúa vì đứa con của con đã quên không dọn giường lần thứ không biết bao nhiêu. Con tha thứ cho nó”. Hãy bắt đầu phản ứng như vậy đi để không khí trong gia đình bạn và tại bàn ăn nhà bạn sẽ khiến khách khứa muốn biết bí quyết nào để được như vậy. Khi đó bạn hã giới thiệu Chúa Giê-xu cho họ. Sẽ có một sự khác biệt nổi bật nếu chúng ta bắt đầu tha thứ cho những người khó tính mà chúng ta làm việc chung và cảm tạ Chúa vì tính tình họ như vậy.
Roy Wyman trở thành Cơ Đốc nhân và đã đọc những sách của tôi về việc cảm tạ Chúa trong mọi sự. Công ty của ông đang gặp khó khăn về tài chánh và đã có những bất bình về phía những người cộng tác. Trong một buổi họp ban quản trị, người ta đã phát biểu bao lời lẽ chói tai Roy, rồi đến lượt ông lên tiếng. Ray vốn là người phản ứng nhanh và hay nổi nóng. Trong suốt buổi họp ông thầm nguyện với Chúa: “Chúa ơi, con cám ơn Ngài vì những người nầy và tất cả những gì đang xảy ra tại đây”. Khi Roy mở miệng, ông cũng ngạc nhiên về chính những lời ông nói: “Tôi chỉ còn biết nói với các bạn là tôi yêu các bạn!”
Công ty được tổ chức lại khi người hùn vốn khó tính nhất quyết định bán phần hùn của ông ta. Chẳng bao lâu tiền lời bắt đầu tăng lên và có những sự thay đổi đáng kể trong nhân sự, từng người bắt đầu tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của họ. Sau đó vài tháng, tại một đại hội Cơ Đốc giáo trong thành phố, người đã hùn vốn và đã rời bỏ công ty vì giận dữ cũng tiếp nhận Chúa. Roy nói: “Tôi mất đi một người hùn hạp, nhưng cảm tạ Chúa, chẳng bao lâu tôi lại được một anh em trong Chúa”.
Thỉnh thoảng các Cơ Đốc nhân thấy khó hòa hợp với anh em trong Hội thánh. Nhưng Chúa Giê-xu đã nói: “Vì các ngươi yêu thương nhau mà mọi người nhận biết các ngươi là môn đồ của ta!”
Khi Hội Thánh có vẻ nguội lạnh và các Cơ Đốc nhân khó chịu, chỉ trích lẫn nhau, tinh thần không chịu tha thứ có thể bóp nghẹt tất cả sự vui mừng và tình yêu thương. Nếu bạn ở trong một Hội Thánh như vậy, hãy bắt đầu cảm tạ Chúa vì Ngài đặt để bạn tại đó và hãy để ý đến thái độ của bạn.
Phao-lô viết: “Hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau, như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành. Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn” (CoCl 3:13, 15).
Nếu tất cả các Cơ Đốc nhân sống đúng với trách nhiệm và đặc ân yêu thương cũng như tha thứ cho nhau thì ngày nay chúng ta có rất ít giáo phái. Đặc ân tuyệt vời của chúng ta là tha thứ và yêu thương, để cho lòng chúng ta tràn đầy sự bình an và luôn uôn cảm tạ Chúa.
Nếu bạn cảm thấy đời sống tâm linh mình bế tắc, hãy hỏi Chúa: “Con đã không tha thứ điều gì?” Có bao giờ bạn nghĩ rằng Chúa đã xử không đẹp với bạn không? Nếu có, bạn cần giải quyết vấn đề với Ngài. Hãy thưa với Ngài “Chúa ơi, con không hiểu tại sao Ngài lại để những người nầy làm hại con và những nan đề cứ chồng chất trên đời sống con. Ngài chẳng làm điều gì tốt đẹp cho đời sống con, con nghĩ rằng Ngài không quan tâm đến con. Hãy tha thứ cho con vì con đã suy nghĩ như vậy. Con muốn tin là Ngài yêu con và đang giải quyết những nan đề trong đời sống con vì ích lợi cho con”.
Gene Neill, bạn của tôi thuật lại chuyện của Roy Roach, người đã bị bắt và bị kết án vì lời chứng dối của người khác. Roy bị giam chung với Gene tại nhù tù Eglin Air Force Base Federal tại Fort Walton Beach, Florida. Một ngày kia anh nghe tin người vu cáo anh đã bị bắt về một tội gì đó và bị giam chung trại. Lòng căm thù và cay đắng nổi ên, Roy âm mưu ám sát người kia, anh kể cho Gene nghe và Gene khuyên anh ta nên từ bỏ kế hoạch và thay vào đó bằng sự cảm tạ Chúa về mọi điều. Ý kiến nầy không tác động gì đến Roy và anh ta tiếp tục âm mưu giết người.
Một ngày kia anh nhận được tin vợ và con gái đều bị ung thư không thể chữa được. Trong nỗi đau khổ cùng cực, anh cầu xin Chúa giúp đỡ mình và yêu cầu Gene cầu nguyện với anh. Gene nhắc lại lời khuyên, rằng Roy nên cảm tạ Chúa về mọi điều. Sự tuyệt vọng đưa Roy đến đường cùng, quì gối xuống, từ bỏ lòng thù hận với người kia, anh xin Chúa tha thứ cho mình và cảm tạ Chúa vì bị ở tù và vì bệnh tình của vợ con. Anh đã có thể tin được là Chúa đã dùng những tai họa ấy để làm vinh hiển danh Ngài và để ích lợi cho gia đình anh.
Sau đó hai tuần, một điều vô cùng kỳ lạ xảy ra. Vợ và con gái của Roy đến thăm anh, cho biết mọi triệu chứng ung thư đã biến mất, quang tuyến X không tìm ra dấu hiệu bệnh tật nào cả. Sự tha thứ của Roy đã khiến quyền năng chữa lành của Chúa được thể hiện.
Bạn có đang bị đối xử cách bất công không? Có đang chịu khổ vô cớ không? Bạn có tin rằng Chúa sắp đặt như vậy để ích lợi cho bạn không? Giô-sép bị các anh mình bán làm nô lệ ở Ai-cập, sau đó ông lại phải vô tù hai năm vì một điều mình không hề làm, sau khi được trả tự do và giữ địa vị cao nhất nước chỉ sau Pha-ra-ôn, các anh của ông đến mua lúa. Và họ thật sự kinh hoàng khi nhận ra Giô-sép bởi nghĩ chắc rằng ông sẽ trả thù, nhưng Giô-sép nói: “Các anh toan hại tôi nhưng Đức Chúa Trời lại toan điều ích cho tôi”.
Không có sự khác biệt gì nếu những người hại bạn toan làm điều dữ. Đức Chúa Trời sẽ không để bạn bị hề hấn gì nếu qua đó Ngài không toan làm điều ích cho bạn. Nếu bạn tin như vậy, bạn có thể cảm tạ Ngài về điều đó không? Bạn có thể tha thứ đến độ thật sự vui về những gì bạn đang phải chịu không? Vui, vui và rất vui? Nếu bạn vui như vậy, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho bạn. Ngài sẽ khiến Thánh Linh ngự vào lòng bạn, loại bỏ đi điều lâu nay từng làm hại bạn - cái khối u nhỏ xấu xí của sự không tha thứ đã lan ra như bệnh ung thư tước đoạt niềm vui và sức khỏe của bạn.
Đức Chúa Trời biết rõ chúng ta vì Ngài tạo ra chúng ta. Ngài biết rằng chỉ một chút không tha thứ nuôi dưỡng trong lòng cũng sẽ làm hại bạn rất nhiều về thể xác, tình cảm và tâm linh. Khi chúng ta chịu khổ như vậy, Ngài chỉ rõ cho chúng ta: “Nỗi đau khổ của con là do không chịu tha thứ. Nếu con không tha thứ thì ta cũng không thể tha thứ cho con. Nhưng nếu con tha thứ cho người khác, ta sẽ tha cho con, chữa lành cho con và cho con hoàn toàn được tự do”.




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 01:30 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách