Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2875|Trả lời: 0

Đem Thiên Đàng - SỨC MẠNH CỦA BẠN LÀ GÌ?

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 2-10-2011 18:24:47 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Đem Thiên Đàng vào Địa Ngục

SỨC MẠNH CỦA BẠN LÀ GÌ?

Những điều tốt đẹp có thể xen vào giữa chúng ta và Đức Chúa Trời, khiến cho sự ngợi khen thật không thực hiện được. Điều tốt trong đời sống tôi có thể không giống những điều trong đời sống bạn, nhưng chúng ta có thể nhận ra chúng trong vài câu trắc nghiệm:
Bạn nghĩ cần có những gì để sống hạnh phúc và thành công? Hầu hết người Cơ Đốc sẽ trả lời ngay: “Tất nhiên là Chúa Giê-xu”. Nhưng có thật Chúa Giê-xu là tất cả những gì bạn đang cần không? Bạn có thể trả lời “Đúng vậy”, nhưng phải chăng nơi sâu thẳm bạn đang hành động như thể bạn cần có Chúa cộng thêm một điều gì nữa? Thế còn những người bạn thương yêu thì sao? Có bao giờ bạn lo lắng sẽ mất họ không? Còn công việc của bạn? Bạn có quan tâm đến việc kiếm đủ tiền để thanh toán nợ nần không? Còn sức khỏe, năng lực hay tài trí của bạn? Mất những điều đó có làm bạn lo lắng không?
Chúng ta thường không ý thức được chúng ta lệ thuộc vào một điều gì khác hơn là vào Đức Chúa Trời cho đến khi điều đó bị cất đi. Một trong những Cơ Đốc nhân vui vẻ nhất mà tôi gặp là bà Miriam Peterson. Bà là con một, được cha mẹ yêu thương, lập gia đình với một người rất mực tận tâm. Họ có ba đứa con khôn sáng, có tài chánh ổn định và một số đông bạn bè. Hai ông bà đều không nghĩ đến Đức Chúa Trời. Tôn giáo không quan trọng cho đến khi Steve, cậu con cưng của họ bất ngờ nổi loạn. Miriam không hiểu nổi tại sao và nghĩ rằng có lẽ mình đã không làm trọn bổn phận làm mẹ. Lần đầu tiên trong đời, bà cầu nguyện với Chúa, nếu Ngài thật hiện hữu, bằng cách nào đó xin hãy bày tỏ cho bà.
Điều đáng ngạc nhiên là chồng bà rủ bà cùng đi nhà thờ. Miriam khởi sự đọc Kinh Thánh và bắt đầu đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu. Không lâu sau đó, dường như toàn bộ cuộc sống ổn định của họ tan nát hết. John, con trai lớn nhất của họ bắt đầu dùng ma túy và trong khi say thuốc đã đánh chết con của bạn gái mình. John bị bắt, Steve cũng bắt đầu dùng ma túy và theo hết tôn giáo phương Đông nầy đến tôn giáo khác. Miriam kinh khiếp và bị dằn vặt bởi ý nghĩ “Tôi đã không dạy cho các con tôi yêu Chúa”. Cảm nhận tội lỗi, bà xin Chúa tha thứ và siêng năng học Kinh Thánh để hiểu rõ Lời Ngài hơn.
Trong khi John ở tù, chồng Miriam qua đời. Steve bị bắt vì sử dụng ma túy rồi đào tẩu sang Âu châu. Các bạn cũ của Miriam xúc động trước những thảm kịch dồn dập xảy đến trên “gia đình hạnh phúc” nầy, đã họp lại quanh bà, nhưng bà thấy mình không còn chịu đựng nổi cơn ác mộng nầy nữa. Lòng bà quặn thắt: “Tại sao, Chúa ơi, tại sao?”
Có người đưa cho bà cuốn Từ Ngục Tù Đến Ca Ngợi, gần như chết điếng vì sợ hãi và đau khổ, bà nghĩ: “Tôi còn có thể mất gì nữa?”. Ở vào đường cùng, bà bắt đầu cảm tạ Chúa về mọi điều xảy ra. John được thả ra khỏi tù nhưng lại bị những cơn nóng giận áp chế dữ dội. Tâm lý trị liệu không giúp gì được. Một buổi sáng, anh đánh thức mẹ anh dậy để nói rằng anh có ý định giết bạn gái của mình rồi sau đó tự tử. Để chứng tỏ mình mạnh như thế nào, anh đi tới đi lui trong nhà đập phá đồ đạc. Miriam đưa cho anh cuốn Từ Ngục Tù Đến Ca Ngợi và nói “Quyển sách nầy có điều gì đó có thể cứu hai mẹ con chúng ta”.
Đi làm về, Miriam thấy John hoàn toàn thay đổi. Anh đã dâng đời mình cho Chúa, nhận được sự tha thứ và lòng bình an. Không lâu sau đó, Steve gọi điện thoại từ Thụy Sĩ về kể lại câu chuyện hết sức lạ lùng. Vào một buổi tối tuyết rơi lạnh lẽo, anh hết nhẵn tiền và được đầu bếp của một quán ăn cho ít thức ăn và chỗ ngủ. Đến khuya khi chủ quán khám phá ra, ông tống anh ta ra ngoài trời rét buốt. Steve với ít quần áo không biết đi đâu, nghĩ rằng đến sáng anh sẽ chết, anh thấy cả cuộc đời mình chẳng ra sao cả. Anh gục đầu xuống tuyết và lần đầu tiên trong đời, anh cầu nguyện: “Chúa ơi, nếu thật có Ngài, xin giúp con”.
Lúc đó Steve thình lình biết rằng Chúa có thật và Ngài đã đến để cứu anh. Với những giọt nước mắt ăn năn và vui mừng, anh xin Chúa nhận lấy đời sống của mình Rồi anh đứng dậy và bắt đầu đi bộ trên tuyết. Chẳng bao lâu anh tìm thấy một chiếc xe hơi người ta bỏ không. Anh leo vào đó và suốt đêm cảm tạ Chúa vì đã cứu anh. Sau khi gọi điện cho mẹ, anh bắt đầu lên đường trở về, làm những việc linh tinh, anh kiếm đủ tiền mua vé trở về. Anh chấp hành bản án và không lâu sau đó được trả tự do.
Miriam rạng rỡ khi thuật lại điều Đức Chúa Trời hành động trong đời sống các con trai bà, họ hiện đang hầu việc Chúa với những người trẻ trong Hội Thánh. Niềm vui của bà không hề giảm sút khi kể lại những lúc bi đát mà Chúa cho bà trải qua. Đa-vít viết: “Xin Chúa làm cho chúng tôi được vui mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng tôi bị hoạn nạn, và tùy theo những năm mà chúng tôi đã thấy sự tai họa” (90:15).
Qua những ngày hoạn nạn, Miriam khám phá ra niềm vui chỉ tùy thuộc vào một mình Chúa. Bà nói: “Trước đây tôi dựa vào gia đình và những bạn bè lúc nào cũng vây quanh tôi. Khi Chúa cất đi tất cả, tôi học được rằng tôi chỉ cần một mình Ngài để vui thỏa”.
Trước khi những thử thách chồng chất trên cuộc đời, bà tự cho mình là một người hạnh phúc, vui vẻ, “nhưng đó chỉ là bề ngoài”, bà nói, “Nếu bất cứ điều gì trục trặc, ngày hôm đó của tôi coi như hỏng, và tôi tràn ngập sự chán nản, lo âu”. Với nụ cười sung sướng bà nói tiếp: “Bổn phận của tôi không phải là lo lắng nhưng là cảm tạ Chúa trong mọi sự”.
Gần đây bà đánh rơi gần 10kg thực phẩm lên tấm thảm mới tinh. Bà cười: “Tôi không buồn chút nào, tất cả những gì tôi có thể nói là “ngợi khen Chúa”. Nếu chưa được thay đổi con người cũ tôi đã lên cơn rồi”.
Miriam vẫn còn những vấn đề với đứa con gái thứ ba, và trong một cơn khủng hoảng đặc biệt, bà lo lắng suốt gần một ngày. “Nhưng tôi biết mỗi giây phút tôi lo lắng chỉ làm buồn Chúa là Đấng đang lo liệu mọi sự”. Ngày nay Miriam được gia đình và bạn bè rất mực yêu thương, nhưng bà không còn dựa vào họ nữa. Chúa Giê-xu là tất cả những gì bà cần. Khi chúng ta nhận biết điều nầy thì tất cả những điều khác có thể là của chúng ta trong chừng mực Chúa biết chúng ta cần có để thật sự được hạnh phúc trong Ngài.
Ngay bây giờ đất nước chúng ta và toàn thể thế giới đang trải qua những giai đoạn kinh tế hiểm nghèo. Cả những quan sát viên kinh nghiệm nhất cũng không dám quả quyết điều gì sẽ xảy đến. Tôi tin là Chúa cho phép tình thế nầy xảy ra để chúng ta có cơ hội nương cậy vào Ngài về sự an toàn kinh tế. Nếu không thì làm sao chúng ta học được?
Thời đại nầy có làm bạn bối rối không? Bạn có quan tâm đến giá trị tài sản của mình hay tương lai của gia đình mình không? Nếu có thì điều nầy chứng tỏ bạn cần tiền để thấy được an toàn hơn là cần Chúa.
Một người kể cho tôi nghe là ông đã làm việc cực nhọc cả đời để đủ chi dùng hàng ngày, nhưng những hóa đơn luôn vượt hơn tiền lương của ông. Làm thêm giờ cũng không ích gì và ông sống với nỗi sợ hãi ngày càng tăng là mình sẽ không đủ sức để trả nợ.
Có người tặng ông cuốn sách về sự ngợi khen và ông thấy mình đã sai lầm trong cách đối phó với tình thế. Ông quyết tâm ngợi khen Chúa về mỗi hóa đơn và bắt đầu chi trả cho hóa đơn cần nhất. “Tôi nhìn tờ giấy nhỏ trước mặt và nói: Cám ơn Chúa vì hóa đơn nầy. Xin Chúa ban phước cho tờ chi phiếu và người sẽ nhận nó”. Ông chợt nghĩ là tem và bì thư cũng tốn tiền và vì vậy ông xin Chúa ban phước cho người đã bán những thứ đó cho mình. Rồi ông thấy cái đèn trên bàn viết và nói: “Xin Chúa chúc phước cho người gởi cho con hóa đơn tiền điện”. Sau đó ông xin Chúa ban phước cho người chủ căn nhà ông đang ở và người chủ của những vật dụng ông đang thuê.
Ông nói: “Người thu thuế cũng cần được chúc phước. Tôi cứ tiếp tục như vậy và bất ngờ tôi nhận ra rằng tôi thường nguyền rủa những người thu tiền của tôi. Bây giờ tôi thật sự biết ơn vì tấm chi phiếu đầu tiên đã sẵn sàng được gửi đi. Xin Chúa chúc phước cho vì đã làm nhẹ bớt nỗi buồn rầu lo lắng của tôi”.
Trong vòng một tuần, ông nhận được thư trả lời, chủ nợ đầu tiên cho biết họ đã tính nhầm, ông không nợ họ mà trái lại họ nợ ông. Trong thư là chi phiếu ông đã gửi và một chi phiếu khác ghi cùng số tiền tương tự. Từ trước đến giờ chưa hề có chuyện như vậy xảy ra. Ông xin Chúa sự khôn ngoan để sử dụng món tiền và nhận thấy rằng hai tấm chi phiếu nầy đủ để trả một món nợ cũ. Ông đã nhiều lần nhận thư nhắc nhở của công ty vì vậy ông biết lần nầy tiền gửi đi sẽ không trở lại. Thế là ông gửi chi phiếu trả nợ với lời chúc “Xin Chúa chúc phước cho”.
Ông nhận được thư của công ty yêu cầu ông đến cửa hàng để nhận giải thưởng đặc biệt vì là người đầu tiên hưởng ứng thư của họ. Bẵng đi một thời gian ông không nhận được thêm thư nào từ công ty nầy và nghĩ rằng lời mời chỉ là một mánh lới để ông mua thêm hàng vì ông đã thanh toán xong hóa đơn cũ.
Rồi ông nhớ lại đã nhận tiền để thanh toán hóa đơn nầy như thế nào và quyết định đi đến cửa hàng. Một viên thư ký lễ độ giải thích rằng họ tặng giải thưởng đặc biệt cho bất cứ ai chịu trả món nợ lâu một năm hoặc hơn nữa. Ông là người đầu tiên, và họ xin phép chụp hình ông để đăng trên báo địa phương, khuyến khích những người khác trả nợ.
Phần thưởng là gì? Ông sững sờ khi được biết: gấp mười lần số tiền ông bỏ ra để thanh toán hóa đơn!
“Bây giờ tôi có gấp 20 lần số tiền tôi viết trên chi phiếu đầu tiên. Tôi cầm tấm chi phiếu mới và trở về nhà xin Chúa ban phước. Có nhiều hóa đơn khác cần được thanh toán và tôi xin Chúa cho có sự khôn ngoan để biết cách sử dụng món tiền nầy. Nhưng câu trả lời làm tôi rúng động, tôi cảm thấy Chúa muốn tôi dâng số tiền đó, điều nầy không giúp cho hoàn cảnh tôi chút nào. Tôi vẫn còn nợ ngập đầu, nhưng dù có cầu nguyện thế nào thì tất cả những gì tôi nghĩ đến chỉ là: “Hãy dâng món tiền đó đi”.
Cuối cùng ông đến gặp mục sư để dâng số tiền đó cho Hội Thánh, vị mục sư cám ơn ông vì đã đáp ứng quá nhanh nhu cầu của Hội Thánh.
“Nhu cầu nào?”
“Nhu cầu mà tôi đã thông báo cho Hội Thánh vào Chúa nhật trước. Đúng số tiền ấy”.
Tuần trước ông không đến nhà thờ và không biết gì về lời yêu cầu của mục sư. Bây giờ ông hoàn toàn tin tưởng Chúa đang chịu trách nhiệm về tiền bạc của mình. Ông tiếp tục xin Ngài chúc phước trên mỗi hóa đơn và chi phiếu, ông viết thư cho tôi kèm một số tiền dâng lớn cho sự hầu việc Chúa trong các trại giam và kết luận rằng bây giờ Chúa cho ông thịnh vượng về mọi mặt. Vì vậy ông đang tìm cách đầu tư những gì Chúa ban cho mình.
Nếu bạn bắt đầu cảm tạ Chúa về những hóa đơn phải trả, Ngài có làm cho bạn giống như vậy không? Điều nầy hoàn toàn có thể nếu bạn thực hiện một điều kiện quan trọng. Ngợi khen Chúa trở thành một bước ngoặc với người đàn ông nầy vì điều đó chứng minh lòng đầu phục bên trong của ông về vấn đề tiền bạc. Ông đã sẵn sàng vâng lời Chúa dạy về việc sử dụng tiền bạc.
Chúa có thể không làm cho bạn giàu có nhưng không bao giờ bạn phải lo lắng về tiền bạc miễn là bạn nhận biết mỗi đồng tiền đều đến từ Chúa và thuộc về Ngài. Hãy sử dụng chúng theo ý Ngài muốn, rồi những nhu cầu của bạn sẽ luôn được đáp ứng dù tình trạng kinh tế thế giới có thế nào đi nữa. Phao-lô đã viết: “Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết sự dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi Pl 4:12, 13).
Bí quyết Phao-lô khám phá ra sức mạnh thật của ông đến từ đâu. Không phải từ tiền bạc, bạn bè hay từ những nỗ lực riêng tư, nhưng từ Đấng Christ, Ngài là năng lực của chúng ta.
Một tù nhân đã phấn đầu để làm Cơ Đốc nhân trong một thời gian đã viết cho tôi. Mặc dù rất nhiều cố gắng, anh vẫn rơi vào “tình trạng thụt lùi khủng khiếp”, anh ngưng cầu nguyện và đọc Kinh Thánh để học pháp thuật, cuối cùng anh thấy đời mình vô nghĩa. Anh viết: “Tôi không thích phải thừa nhận là mình không thể tự cứu, nhưng chính tại điểm ấy mà Chúa Giê-xu đến để nhấc tôi lên. Lòng kiêu ngạo đã khiến tôi trước đây không nhận Ngài nhưng khi đã xuống tận đáy tôi chẳng còn điều gì để có thể tự hào nữa. Tôi sung sướng vì Chúa đã đem tôi xuống thấp để tôi có thể nhận biết lẽ thật và ân điển kỳ diệu của Ngài”.
Trong vai trò mục sư, hằng ngày tôi được nghe những lời tương tự như thế: “Tôi đã cố gắng trọn đời để làm điều lành nhưng thất bại. Khi tôi bỏ cuộc thôi không phấn đấu nữa và chấp nhận bất cứ điều gì Chúa muốn làm cho tôi thì điều tuyệt diệu xảy ra. Tôi thôi không cố gắng trong sức riêng của mình nữa và kinh nghiệm năng lực của Chúa”.
Sức riêng của chúng ta dù mạnh đến đâu cũng không đủ và sẽ không bao giờ đúng. Và khi chúng ta học được rằng mình chẳng bao giờ đúng và mạnh mẽ đủ, dù có cố gắng đến đâu, cuối cùng chúng ta cũng hiểu rằng cần phải tùy thuộc vào Chúa Giê-xu, để Ngài thực hiện những điều đó cho chúng ta. Khám phá tuyệt diệu nầy giải thoát chúng ta khỏi những nỗ lực riêng tư và tự do đón nhận tất cả những gì Chúa muốn ban cho mình.
Chúng ta càng mạnh và càng có khả năng bao nhiêu thì càng khó thấy mình cần đến Chúa. Ngài có thể đưa đến những hoàn cảnh làm tan chảy tính tự mãn của chúng ta.
Tom Silsby là một học sinh trung học cao ráo và đẹp trai. Với đôi vai rộng khác thường và vóc dáng tuyệt vời, Tom làm tất cả cậu trai nào biết anh đều mong được như anh. Bất cứ cuộc tranh tài nào Tom tham dự anh đều đoạt giải. Cha mẹ anh đều là Cơ Đốc nhân, nhưng từ năm thứ hai đại học, Tom dần dần xa rời niềm tin của mình. Anh nghĩ rằng mình không cần đến Chúa. Sức mạnh và tài năng của anh được giới sinh viên thán phục và sợ hãi. Đến năm cuối của đại học thì anh trở thành một tay bợm nhậu và một kẻ hay bắt nạt người khác, anh kiếm tiền bằng cách sửa chữa xe cũ bán để kiếm lời và mục đích đời sống của anh là trở thành một nhân vật quan trọng. Hình ảnh của anh xuất hiện đều đặn trên những trang thể thao; Tom là một cầu thủ bóng bầu dục sáng chói, vô địch môn đánh vật và bơi lội.
Một buổi sáng, trên đường về nhà sau một bữa tiệc thâu đêm, xe lao đi vun vút thì anh ngủ gục và chiếc xe lao thẳng qua một vách đá cao hơn 300 bộ. Tại bệnh viện những vết thương trên mặt Tom được may lại, anh còn bị một vết thương dài và sâu trong sọ. Không cái xương nào bị gãy nhưng anh mê man và những thử nghiệm cho thấy não bộ tổn thương nghiêm trọng. Một nhóm bác sĩ đã giải phẫu nhưng họ không hy vọng anh hoàn toàn bình phục được.
Trong khi đó, cha mẹ và anh em của Tom, các mục sư và anh em trong Chúa xa gần hiệp ý cầu nguyện giao phó Tom và tương lai anh vào tay Chúa. Cha me anh rất vững tin là Chúa sẽ chữa lành cho Tom, Tom thì cứ nửa tỉnh nửa mê trong nhiều tuần lễ. Khi tỉnh hẳn, anh nhận ra cha mẹ mình nhưng không còn nhớ gì nữa, và chỉ có thể nói được vài tiếng ngập ngừng. Các bác sĩ cho rằng thần kinh và nửa người bên trái của anh khó có thể hoạt động bình thường được.
Tại bệnh viện phục hồi trong năm tuần, Tom học ngồi, học ăn, học đứng lên trong vài phút, nhưng trí óc của anh chỉ là trí óc của một em bé. Thỉnh thoảng Tom nhớ lại vài điều nhưng quên hết những gì anh đã học được. Những lời cầu nguyện cứ tiếp tục, cha mẹ anh vẫn tin chắc Chúa đang chữa lành cho anh và họ rất vui mừng đem anh về nhà.
Bây giờ Tom bắt đầu một cuộc đấu tranh kiên trì để học lại những gì anh đã biết. Được cha mẹ khuyến khích, anh bắt đầu tập thể dục, nhấc tạ, chạy rồi tiếp đến là tập bơi. Thoạt đầu anh vấp té mỗi khi cố gắng chạy vì một chân của anh yếu hơn chân kia. Trong hồ bơi anh đập nước và cười khúc khích như một đứa trẻ. Khi thử bơi, anh chìm xuống đáy hồ và cha anh phải kéo anh lên.
Lần hồi Tom bắt đầu có lại được một số khả năng của cơ thể nhưng trí óc của anh vẫn hoạt động ở trình độ lớp năm, anh nhớ rất ít về quá khứ. Cha mẹ anh bảo rằng anh có thể phục hồi lại được nếu anh học nương dựa vào sức mạnh của Đấng Christ thay vì dựa vào sức riêng của anh, và Tom đồng ý.
Bây giờ bắt đầu những kinh nghiệm nhục nhã cho một cựu kiện tướng. Tom được phép trở lại đội bơi nhưng anh phải hết sức nhọc nhằn mới hoàn tất cuộc đua thay vì thắng trận. Trong môn đấu vật anh bị những người nhỏ con hơn vật xuống sàn. Đội bóng cũ cũng nhận anh lại nhưng những hiểu biết về bóng bầu dục anh lại quên hết. Những người bạn thô lỗ nhạo cười sự vụng về của anh. Khi được nhận vào trường trung học anh luôn đội sổ.
Nhưng qua chính những kinh nghiệm nhục nhã đó mà sự hiện diện của Chúa Giê-xu trở nên thiết thực với Tom. Trong sự bất lực của mình, anh khám phá ra sức mạnh của Chúa Giê-xu là điều đáng tin cậy. Anh nói: “Tôi đã học để đặt Chúa Giê-xu lên trên tất cả. Tôi nhận biết mình cần một mục sư và sự thông công với anh em để lớn lên trong Chúa như một vận động viên cần người huấn luyện và đồng đội vậy. Mỗi môn thể thao có những luật lệ và thường thì tôi phải được huấn luyện nhiều lần trước khi có thể áp dụng các luật chơi đó. Là Cơ Đốc nhân chúng ta có một Huấn Luyện Viên Lớn và một Quyển Luật Lớn. Có một số điều tôi chưa hiểu phải áp dụng thế nào vào cuộc sống, nhưng Huấn Luyện Viên Lớn kiên nhẫn giải thích cho và tôi biết rằng một ngày kia tôi sẽ áp dụng được”.
Ngày nay trong trường Tom học khá hơn và có thể diễn tả rõ ràng. Anh để nhiều thì giờ làm việc với thanh niên trong Hội Thánh và do tính tình tử tế, kín đáo, anh được nhiều người yêu mến và ái mộ. Anh khác hẳn con người hay bắt nạt kẻ khác trước đây.
Anh nói: “Tôi suýt chết, nhưng Chúa ban cho tôi đời sống thật. Trước đây tôi có mọi thứ tôi nghĩ là mình cần. Tôi cao lớn, khỏe mạnh và thành công. Tôi có mọi sự mình muốn và mỗi sáng khi thức dậy tôi tự hỏi điều gì có thể làm mình vui thích trong ngày hôm nay.
Tôi đã thắng trong cái nhìn của người đời, nhưng chính nhờ thua tôi mới thực sự trở thành kẻ thắng. Chúa cất đi tất cả mọi sự để tôi thấy chỉ có Ngài mới thật sự là quan trọng. Tôi đã học được bí quyết của cuộc sống là tiếp nhận từ Chúa hơn là cố gắng đoạt lấy những gì mình có thể chiếm được”.
Tom đã có thể đồng ý với Đa-vít: “Hãy cho tôi nghe sự vui vẻ mừng rỡ, để các xương cốt mà Chúa đã bẻ gãy được khoái lạc” (Thi Tv 51:8).
Khi Chúa làm gãy xương cốt chúng ta, Ngài muốn chúng ta khám phá niềm vui mừng khoái lạc chúng ta tìm được khi nương cậy vào sức mạnh của Ngài.
Từ sức riêng chuyển sang sức của Chúa không phải là điều dễ dàng cho bất cứ ai. Có thể chúng ta nương cậy vào Ngài trong lãnh vực nầy nhưng trong lãnh vực khác thì không - hoặc trong những điều nầy chúng ta tin cậy Ngài hơn trong những điều kia. Hoàn toàn tin cậy vào Ngài là quá trình của cả đời sống. Chúng ta nghĩ mình đã đạt đến điểm nầy nhưng con người cũ của chúng ta bất ngờ nổi lên và hướng mọi sự theo đường xưa lối cũ.
Nói “Đức Giê-hô-va là sức lực của tôi” dễ hơn là sống đúng như vậy. Những năm qua Hội Thánh chúng tôi tại Escondido và Hội Ca Ngợi đã phát triển rất nhanh. Cứ mỗi lần có thêm một cuốn sách mới thì chồng thư độc giả lại cao lên và những cú điện thoại, những cuộc viếng thăm và những lời mời tôi đến một nơi nào đó lại tràn ngập văn phòng. Tôi tin tất cả những lời yêu cầu giúp đỡ đều đến từ Chúa. Không giải quyết nổi thư từ và các lời yêu cầu tôi cảm thấy mình có tội vì đã không thể giúp đỡ mọi người.
Trong nhiều tháng tôi chiến đấu với áp lực ngày càng tăng. Mặc cảm phạm tội càng tăng khi tại nhà chúng tôi có điện thoại không ghi trong sổ niên giám mà vẫn có những cú điện thoại làm tôi phải thức suốt đêm. Tôi kêu xin Chúa ban thêm sức lực nhưng thay vào đó, tôi càng mỏi mệt thêm; vợ tôi và những người cộng tác bắt đầu lo ngại cho sức khoẻ của tôi. Tôi cứ cảm tạ Chúa về mỗi cú điện thoại, mỗi lá thư và xin Ngài tha lỗi vì không thể trả lời hết được. Thế nhưng, tôi không sao vứt bỏ được những mặc cảm phạm tội. Cuối cùng, không còn gì để làm ngoài việc thôi không cố giải quyết vấn đề nữa. Tôi nói: “Chúa ơi, con rất tiếc vì không thể lo cho tất cả những người Chúa đã gởi đến cho con. Chúa phải đáp ứng nhu cầu của họ bằng cách nầy hay cách khác thôi...”
Sau khi im lặng khá lâu tôi cảm thấy Chúa nói: “Merlin ơi, ta rất vui vì cuối cùng con nhận ra rằng ta có thể làm được một số điều mà không cần con”.
“Thưa Chúa, dĩ nhiên con biết là Ngài có thể làm nhiều điều không cần đến con...”
“Vậy thì tại sao con lại hành động như chính cá nhân con có trách nhiệm giúp đỡ những người nầy? Con không biết là họ cần ta nhiều hơn là cần Merlin Carothers sao?”
Tội lỗi thình lình hiện rõ ra trước mặt. Trong nhiều năm tôi cứ nói chính Chúa Giê-xu chứ không phải Merlin Carothers đã giúp đỡ những người “tôi” chăn dắt. Tôi từng cầu nguyện: “Chúa ơi, xin dùng con làm vinh hiển danh Ngài chứ không phải của con”. Thế nhưng trong nơi sâu kín, tôi đã giành cho mình một ít vinh hiển. Tôi đã làm việc một phần với sức riêng của mình. Vấn đề là sự kiêu ngạo, và mặc cảm tội lỗi cùng sự mệt mỏi là những dấu hiệu rõ ràng.
Có thể Chúa đang chiếu rọi vào bạn những dấu hiệu cảnh báo tương tự. Nếu bạn đang làm điều gì mà nghĩ rằng Chúa muốn bạn làm nhưng vẫn cảm thấy phạm tội vì làm chưa đủ và thấy mệt mỏi vì gánh nặng công việc, xin hãy tự hỏi: “Chúa có thể dùng một người nào khác thay chỗ tôi và người đó cũng làm tốt như vậy không?” Nếu điều nầy đụng đến tự ái bạn và bạn không dám chắc là Chúa có thể làm rất tốt mà không cần đến bạn thì hãy coi chừng!
Thú nhận tội lỗi của mình, cuối cùng tôi có thể nói: “Chúa ơi, Ngài là sức mạnh của con, Chúa ơi. Xin hãy dùng con ở nơi nào Ngài muốn, con cảm tạ Ngài vì tất cả công việc Ngài sẽ làm qua những người khác”.
Mặc cảm tội lỗi và sự căng thẳng tiêu tan, nhu cầu được những người khác bắt đầu đáp ứng. Ngày nay chúng tôi có đường dây điện thoại suốt 24 tiếng do một số người tình nguyện đảm trách. Hơn 150 chấp sự cùng các truyền đạo phụ tá lo khích lệ Hội Thánh và những người cần giúp đỡ. Tôi có 7 mục sư phụ tá và một ban trị sự. Có 6 thư ký làm việc trọn thời giờ và 700 người tình nguyện trả lời thư của các tù nhân khắp nước Mỹ và những quốc gia khác.
Giờ đây hàng triệu người đã đọc sách của tôi, có nhiều người thường xuyên gọi đến tôi và nói: “Chỉ cần ông cầu nguyện cho tôi, tôi biết Chúa sẽ làm thành điều gì đó”. Đây là những câu nói đáng sợ vì họ tin rằng tôi có thể làm một điều gì đó mà chỉ Đức Chúa Trời mới làm được. Chúa không cần đến Merin Carothers để rao giảng về sự ngợi khen hay sự cầu nguyện cho mọi người. Nếu tôi nghĩ là Ngài cần, sẽ có nguy cơ tôi hướng dẫn hàng ngàn người tùy thuộc vào mình thay vì vào Chúa Giê-xu.
Một vị mục sư đến làm việc tại một Hội Thánh nhỏ, chỉ trong một thời gian ngắn thuộc viên Hội Thánh đó tăng lên nhiều lần. Vị mục sư được mọi người ưa thích và Hội Thánh phát triển mạnh, sau hai năm mục sư ấy được chuyển đi nơi khác, Hội Thánh phát triển nhanh thế nào thì cũng sa sút chóng như vậy và nhà thờ phải đóng cửa. Người ta giải thích: “Mục sư đó có cá tính tuyệt vời, chúng tôi không tìm được ai để thay ông ta”.
Trong Hội Thánh đó ai là người được nhiều người theo? Mục sư hay Chúa Giê-xu? Khi bạn có mặt ở nơi nào đó, mọi người hưởng ứng ai? Đấng Christ trong bạn hay chỉ mình bạn thôi?
Tôi cố gắng để có thể đi chia xẻ ở những nơi mời tôi đến. Thời khóa biểu của tôi rất căng và Chúa để cho sức khỏe tôi chịu ảnh hưởng lây. Tôi tiếp nhận ý Chúa cách từ từ, cám ơn Chúa vì Ngài không để tôi hoạt động bằng sức riêng - một chút cũng không - vì điều đó che đậy lòng kiêu ngạo giấu kín trong tôi. Khóc lóc xin thêm sức khỏe cũng không ăn thua gì. Ngài kiên trì chờ đợi đến khi tôi sẵn sàng đầu phục và nói: “Chúa ơi, con từ bỏ sức riêng. Con không còn sức nữa. Ngài là sức lực của con và con cảm tạ Ngài vì Ngài sẽ dùng những diễn giả khác chứ không dùng Merlin Carothers”.
Nói điều nầy không dễ vì tôi thích giảng dạy. Tôi rất muốn được dự phần vào sự hầu việc Chúa. Nhưng tôi biết đây là công việc của Ngài, không phải là việc của tôi và công việc nầy sẽ tiếp tục sau khi tôi qua đời cũng như đã khởi đầu trước khi tôi đến.
Làm sao đạt đến chỗ Chúa là tất cả sức lực của chúng ta? Khi còn sử dụng sức riêng, Chúa không thể dùng sức của Ngài qua tôi. Chỉ khi nào tôi dâng sức riêng cho Ngài tôi mới khám phá ra ý nghĩa lời Đa-vít nói: “Phước cho người nào được sức lực trong Chúa” (Thi Tv 84:5).
Benjamin Franklin tuyên bố: “Đức Chúa Trời giúp những người tự giúp mình”. Nhưng thật ra Đức Chúa Trời giúp những kẻ bất lực. Bất lực không chưa đủ, chúng ta phải thôi không cố tự giúp mình nữa và đầu phục Ngài.
Sức riêng chỉ là một ảo tưởng, nhưng chúng ta vẫn bám lấy và không muốn từ bỏ. Muốn Đức Chúa Trời là sức mạnh của chúng ta thì phải thưa với Ngài: “Con dâng hết sức riêng cho Ngài. Kể từ giờ phút nầy Ngài là sức lực duy nhất của con”.
Nếu bạn nói điều đó và thấy mình càng lúc càng mệt mỏi hơn - hãy ngợi khen Chúa! Ngài đang để cho bạn dùng hết sức riêng và dẫn bạn đến chỗ nương cậy Chúa trong mọi sự. Cuối cùng bạn có thể nói như Đa-vít: “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và là cái khiên của tôi; lòng tôi đã nhờ cậy nơi Ngài, và tôi được cứu tiếp; vì vậy, lòng tôi rất mừng rỡ, tôi sẽ lấy bài ca mà ngợi khen Ngài” (28:7).




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 11:55 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách