Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2883|Trả lời: 0

Đem Thiên Đàng - HÃY NHÌN CHĂM MỘT HƯỚNG

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 2-10-2011 18:26:19 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Đem Thiên Đàng vào Địa Ngục

HÃY NHÌN CHĂM MỘT HƯỚNG

Khi đi khám mắt, bác sĩ giơ một tấm thẻ trước mặt bạn và nói: “Hãy nhìn vào đây nhưng nói cho tôi biết khi nào bạn nhìn thấy tay kia của tôi”. Rồi ông đưa tay ra phía sau đầu bạn và ngay sau đó qua khỏe mắt, bạn nhìn thấy tay của ông. Bạn vẫn còn nhìn thấy tấm thẻ nhưng cũng thấy cái tay.
Đây là một khả năng Đức Chúa Trời ban cho con mắt thuộc thể cũng như con mắt thuộc linh của chúng ta. Chúng ta nhìn vào Đấng Christ, nhưng đồng thời cũng có thể một điều gì khác đang cố lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Đây là điều tùy thuộc vào chúng ta. Hoặc chúng ta tập trung toàn bộ sự chú ý vào Đấng Christ không để tâm đến sự quấy rầy bên cạnh - hoặc chuyển sự chú ý đến điều khác - hoặc giống như hầu hết điều chúng ta làm, tức là lưỡng lự giữa hai điều, nhìn tới rồi lại nhìn lui và không thể quyết định chọn cái nào.
Nếu ở trong hạng người chót, bạn giống như Gia-cơ mô tả: “Người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định; người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa” (Gia Gc 1:7, 8). Không ai khổ hơn một người hai lòng hay phân tâm. Đôi khi bạn biết chắc mình có đức tin nơi Chúa và ngày hôm sau bạn lại không đoan chắc.
Chúa Giê-xu nói: “Mắt là đèn của thân thể; nếu mắt ngươi sõi sàng, cả thân thể ngươi được sáng láng; song nếu mắt ngươi xấu, thân thể ngươi phải tối tăm” (LuLc 11:34). Chúa Giê-xu nói rằng nghi ngờ và phân chia sự chú ý của mình giữa Chúa với một điều gì khác là tội lỗi. Điều nầy nghe có vẻ khắt khe nhưng hãy nhớ điều răn đầu tiên và lớn nhất mà Chúa Giê-xu đã ban: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Mat Mt 22:37).
Rơi vào tình trạng phân tâm, hai lòng là ở trong tình trạng khốn khổ của sự nghi ngại và tội lỗi. Đức Chúa Trời đã nói về dân Y-sơ-ra-ên: “Nhơn đó, ta giận dòng dõi nầy. Và phán rằng: Lòng chúng nó lầm lạc luôn, chẳng từng biết đường lối ta” (HeDt 3:10). Chúa đã hứa cho dân Y-sơ-ra-ên một xứ đượm sữa và mật nếu họ cứ chăm nhìn Ngài. Nhưng họ đã bỏ lỡ dịp may và đánh mất đất hứa vì nhìn về một chỗ khác.
Điều gì khiến chúng ta phân tâm? Bạn nhìn thấy gì qua khoé mắt khiến bạn phải quay đi không nhìn Đấng Christ? Một trong những điều chúng ta chú ý nhiều nhất là thân thể của mình. Từ khi sinh ra chúng ta đã quen thỏa mãn những nhu cầu của thân xác. Chúng ta thấy đói bụng, ấm áp, lạnh lẽo, yếu đuối, mạnh mẽ, đau đớn, buồn ngủ, đầy ham muốn - và trí óc chúng ta biến những cảm giác thành sự thật. Chúng ta đã tùy thuộc rất nhiều vào cảm xúc của mình.
Khi tin Chúa, Đức Thánh Linh ngự vào thân thể chúng ta và trong đời sống chúng ta có một tiếng nói mới. Đức Thánh Linh phán qua những tư tưởng chúng ta và thường thì ngược lại với những cảm giác của chúng ta. Bất ngờ một trận chiến đang diễn ra trong nội tâm chúng ta.
Đây là nguồn gốc của sự hai lòng. Mỗi Cơ Đốc nhân được tái sanh bắt đầu đời sống mới của mình với một tâm trí phân đôi. Tâm linh chúng ta là một chiến trường nơi Chúa Giê-xu thắng trận quyết định nhưng mỗi một chúng ta “hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành” (ITi1Tm 6:12) cho đến khi chúng ta tập trung sự chú ý vào Chúa với một tâm trí và tấm lòng không bị phân chia.
Có nhiều người không nhận biết mình phân tâm, họ cho rằng mọi suy nghĩ đều từ trí óc mà ra. Khi đã thấy rõ tình trạng thật của mình, chúng ta có thể bắt đầu chọn lựa những gì mình đang suy nghĩ. Chúng ta không có khả năng ngăn chặn những ý nghĩ nẩy sinh trong tâm trí mình nhưng Chúa đã ban cho chúng ta năng lực để đối phó khi chúng phát sinh. “Vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng mắc nợ xác thịt đâu, đặng sống theo xác thịt. Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống” (RoRm 8:12, 13).
Chúng ta cắt đứt mọi hành động theo bản năng bằng cách quyết định nghe theo tiếng Chúa và chống lại những cảm giác cùng suy nghĩ của mình. Chúng ta không có khả năng cưỡng lại sự lôi kéo của bản năng cũ nhưng khi chúng ta đầu phục Chúa và gắn chặt vào Đấng Christ thì quyền năng Ngài sẽ thắng hơn bản chất cũ trong chúng ta.
Khi gạn lọc những suy nghĩ của mình, chúng ta phải nhận thấy Sa-tan luôn lôi kéo bản chất cũ và làm sống lại những cảm giác của chúng ta. Trong khi đó Đức Thánh Linh bày tỏ cho chúng ta biết Lời Chúa nói gì. Lúc đó chúng ta gặp lại cảnh quen thuộc trong phòng khám của bác sĩ. Đức Thánh Linh phán: “Hãy nhìn hướng nầy, đây là những gì Đức Chúa Trời muốn. Hãy nhìn chăm vào Giê-xu”. Từ phía sau Sa-tan tiến tới và thì thầm: “Chúa không quan tâm đến tình trạng của bạn đâu. Bạn đâu có cảm thấy Ngài hiện diện phải không?”
Bạn sẽ làm gì? Bạn có giao động và nói: “Khô-ông, tôi không cảm thấy gì hết. Có lẽ Chúa đã bỏ tôi...?” Hay bạn sẽ thú nhận tình trạng phân tâm của mình và quyết định tin vào Lời Chúa dù bạn có cảm thấy hoặc không cảm thấy gì?
Đức Thánh Linh cho chúng ta biết trong Đấng Christ chúng ta có sự bình an trọn vẹn của Ngài (GiGa 14:27). Nhưng tình cảnh chúng ta khốn khổ đến nỗi chẳng cảm thấy bình an chút nào. Chúng ta có thể làm gì về điều nầy? Bản chất cũ của chúng ta sẽ đổ thừa cho hoàn cảnh làm mất bình an, nhưng Lời Chúa nói với chúng ta: “Trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời”, thì “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng chúng ta trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi Pl 4:6, 7). Lời hứa là chúng ta sẽ có lòng bình an trọn vẹn khi lòng và trí chúng ta tập trung vào Chúa Giê-xu chứ không vào hoàn cảnh của mình.
Chúng ta có sự tự do trong Đấng Christ để quyết định không để cho hoàn cảnh và tình cảm cai trị đời sống mình. Đó không phải là điều hết sức tuyệt vời sao? Đó không phải là lý do để lớn tiếng vui mừng cảm tạ Chúa sao?
Bạn có sự yếu đuối đặc biệt nào thì đó là nơi những cảm giác cũ sẽ hoạt động để nói rằng bạn vẫn là người còn con người cũ như trước. Lời Chúa nói bạn là người đã được dựng nên mới trong Christ (IICo 2Cr 5:17), bạn sẽ tin ai?
Cứ mỗi lần chúng ta cắt đứt hành động theo bản năng bằng cách vâng theo Đức Thánh Linh và dâng những cảm giác cũ cho Đức Chúa Trời thì sự hai lòng của chúng ta được thay thế bằng đức tin. Và đức tin là phẩm chất cho phép chúng ta thưa: “Chúa ơi, con tin Ngài cho dù cảm xúc và tình cảm có nói với con những điều ngược lại”.
Càng phân vân giữa hai ý kiến, đức tin chúng ta lại càng suy giảm. Chúng ta nói: “Chúa ơi, nếu Ngài chỉ cho con cảm thấy vui để thay đổi không khí một chút hoặc cho con thấy một phép lạ con sẽ dễ tin cậy hơn”. Chúng ta không cần đến đức tin khi nhìn thấy hay cảm thấy một phép lạ. Cơ hội sử dụng đức tin đến khi mọi sự không ổn thỏa và chúng ta cảm thấy buồn chán.
Đức Thánh Linh phán: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn...” (Phi Pl 4:4). Điều nầy thoạt nghe thấy vô lý vì vui mừng thuộc lãnh vực cảm xúc. Nhưng chúng ta được lệnh là hãy vui mừng, và Chúa không bao giờ bảo chúng ta điều không thể làm được. Vì vậy luôn vui mừng là điều có thể làm được dù hoàn cảnh có ra sao đi nữa.
Chúng ta quen nghĩ là những hoàn cảnh sung sướng đem đến sự vui mừng nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta khám phá ra nguồn gốc thật của sự vui mừng. Đa-vít viết: “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; trước mặt Chúa có sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng” (Thi Tv 16:11). Bạn nghĩ Đa-vít học được kinh nghiệm vui mừng thật và niềm khoái lạc sung sướng trong sự hiện diện của Chúa ở những hoàn cảnh nào? Phải chăng khi ông trốn trong hang đá vì bị Sau-lơ, người định giết ông, săn đuổi?
Phao-lô và Si-la đã hành động như thể họ đang kinh nghiệm những niềm vui mừng khi ở trong ngục, lưng thì chảy máu và chân thì bị cùm. Họ đã hát ngợi khen Chúa (Cong Cv 16:22-25). Richard Wurmbrandt, người đã trải qua nhiều năm trong một nhà tù ở Đông Âu, đã kể rằng ông khám phá ra được niềm vui mừng trong sự hiện diện của Chúa khi ông đang bị tra tấn trong xà-lim. Những tù nhân Cơ Đốc tại Á châu cũng kể lại kinh nghiệm trên, chính ở trong ngục tù tăm tối nhất họ khám phá sự vui mừng thật trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hằng ngày chúng tôi nhận được thư của các tù nhân nói là chính trong những lúc đen tối nhất mà sự sáng của Chúa đã chiếu đến trên họ.
Con người chúng ta thích tiện nghi, và bạn nghĩ là ai sẽ khuyến khích chúng ta tin có thể kinh nghiệm tốt nhất về sự hiện diện của Chúa khi mọi việc tiến triển như lòng ta mong muốn. Khi thoải mái chúng ta thường quan tâm đến những điều mình thích chứ không phải là Chúa. Chính khi mọi sự trở nên khó khăn chúng ta mới học biết để thôi không nhìn vào hoàn cảnh nữa mà khám phá ra niềm vui sâu xa được ở với Chúa.
Chính trong bệnh tật chúng ta học được Chúa có thể chữa lành. Chính trong nghèo đói chúng ta khám phá Ngài đáp ứng nhu cầu thể nào. Chính trong đau buồn chúng ta thấy Ngài an ủi, nhưng chúng ta sẽ không học được bất cứ điều gì nếu chỉ chú tâm vào nan đề của mình. Chúng ta chỉ thêm nghèo nàn, đau ốm và buồn rầu mà thôi.
Gần đây tôi nghe một người cha nói với bạn trai của con gái mình: “Tôi muốn anh lúc nào cũng cư xử với con bé giống như lúc tôi có mặt”. Nếu đó là điều một người cha trên đời mong ước cho con gái mình thì bạn nghĩ Cha trên trời mong ước gì cho chúng ta? Ngài ở với chúng ta mọi lúc và muốn chúng ta hành động như chúng ta tin vào điều nầy. Cảm giác có thể nói bạn đang cô đơn nhưng Lời Chúa phán rằng Ngài ở với bạn. Bạn tin điều nào? Nếu bạn không biết chắc, hãy ăn năn về sự nghi ngờ của mình và rồi nhìn vào Chúa Giê-xu. Mỗi lần làm như vậy, đức tin sẽ tăng trưởng và sự hiện diện lẫn sự vui mừng của Chúa sẽ ngày càng trở thành hiện thực với bạn.
Khi quyết tâm tin rằng Đức Chúa Trời dùng những nan đề hay những nỗi khổ đau để đưa chúng ta đến niềm vui mừng sâu xa hơn về sự hiện diện của Ngài thì chúng ta sẽ thật sự vui mừng khi gặp nan đề. Chúng ta sẽ dâng cho Ngài mọi cảm giác cũ và tập trung toàn bộ sự chú ý vào Đấng Christ với lòng vui mừng ngợi khen.
Một số tôn giáo dạy rằng thân thể và những bản năng thiên nhiên của con người là tội lỗi xấu xa, không cần quan tâm đến hay chối bỏ, đây là bóp méo Lời Chúa dạy. Ngài tạo nên thân thể con người, ban cho bản năng và cảm giác. Khi chúng ta giao thác tất cả cho Ngài thì giống như hạt giống rơi xuống đất và mọc thành cây xinh đẹp. Thân thể và tình cảm chúng ta nếu dâng trọn vẹn cho Chúa, sẽ mặc lấy sự sống mới ngay khi chúng ta vẫn còn ở trên đất nầy. Chúng ta sẽ vui hưởng sức khỏe và sức sống nhiều hơn, những cảm giác sẽ trở thành một phần kinh nghiệm về sự vui mừng mới mẻ trong Đấng Christ.
Khi chúng ta thôi không tùy thuộc những cảm giác để chỉ trung thành với Đức Thánh Linh thì bản chất cũ hay đòi hỏi phải chết đi. Và con người mới có thể kinh nghiệm niềm vui khoái lạc về sự hiện diện của Chúa bằng cả thể xác, tình cảm lẫn tâm linh.
Sau thân thể, quan niệm về thời gian là điều ngăn trở lớn nhất cho đức tin của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới tự nhiên mà mọi biến cố được tính bằng thứ tự thời gian và chúng ta đem quan niệm về thời gian đó vào mối quan hệ với Đức Chúa Trời đời đời.
Đức Chúa Trời đã tạo ra thời gian, Ngài sử dụng thời gian nhưng không bị giới hạn, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày” (IIPhi 2Pr 3:8).
Không có quá khứ hay tương lai đối với Đức Chúa Trời mà chỉ có hiện tại đang xảy ra. Chúa Giê-xu nói với những người Do Thái làm họ ngỡ ngàng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta” (GiGa 8:58). Nếu sống theo thời gian của Đức Chúa Trời, ngay bây giờ chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-xu đang ở trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta cũng thấy Ngài đang từ kẻ chết sống lại.
Nếu dùng thời gian để tính kết quả những lời cầu nguyện được nhậm thì cũng giống như dùng cuốn lịch để tính trọng lượng. Đồng hồ hay lịch đều không thể dùng sai mục đích vì vậy chúng ta phải dành trọn sự quan tâm cho một điều gì đáng tin cậy hơn. Lời Chúa nói: “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài” (5:14, 15).
Theo lịch thời gian của Chúa, chúng ta nhận được câu trả lời. Bạn có thể nói: “Nhưng đó không phải là quan niệm của tôi về thời gian; điều đó không giúp gì cho tôi ngay bây giờ!”. Nếu là một Cơ Đốc nhân thì bạn đã bước vào chiều hướng đời đời của Chúa - một hiện tại đời đời. “Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến Danh Con Đức Chúa Trời” (IGi1Ga 5:13). Chính sự phân tâm đã khiến chúng ta qua khoé mắt nhìn những cái đồng hồ và những tấm lịch của trần gian khi đang cố tập trung đức tin vào sự trả lời của Chúa. Làm như vậy sẽ không bao giờ có kết quả. Chúng ta có năng lực để quyết định chọn hoặc thời khóa biểu của Đức Chúa Trời hay thời khóa biểu của mình.
Đa-vít đã khám phá ra nguyên tắc nầy: ”...Kỳ mạng của tôi ở trong tay Chúa” (Thi Tv 31:15). Đức Thánh Linh bày tỏ điều nầy là đúng đối với bạn nhưng con người cũ của bạn vẫn còn ràng buộc với thế giới vật chất và thời khóa biểu sẽ nói: “Xem kìa, đã sáu tháng rồi Chúa chưa trả lời điều tôi cầu xin. Chắc Ngài không bao giờ trả lời nữa”.
Chúng ta có thể làm nô lệ cho thì giờ hay để Chúa dạy mình sử dụng thì giờ Chúa ban. Khi đó chúng ta sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc có quá nhiều hoặc quá ít thì giờ. Đức Chúa Trời cho chúng ta đủ thì giờ cần thiết để làm những gì Ngài muốn, bạn có cảm thấy quá trẻ hay già quá nhanh không? Bạn thấy chán chường hay luôn bận rộn? Hãy dâng thì giờ cho Chúa và thú nhận sự phân tâm của mình. Ngài sẽ tha thứ và vui lòng chịu trách nhiệm quản lý thì giờ của bạn.
Nếu bạn đang đợi Chúa trả lời điều mình xin thì bạn đang nhìn sai hướng và để ngày giờ trôi qua làm suy yếu đức tin của mình. Thay vào đó hãy để cho mỗi giây phút trôi qua làm đức tin bạn mạnh mẽ hơn bằng cách gắn chặt vào Chúa Giê-xu. Hãy nhớ trong chiều hướng thời gian của Đức Chúa Trời mọi lời cầu nguyện đều đã được trả lời. Hãy vui mừng vì bạn có cơ hội luyện tập đức tin. Người tập ta mỗi ngày nâng tạ lâu hơn một chút và bắp thịt càng săn chắc hơn. Đức tin chúng ta lớn lên trong mỗi giây phút quyết định vững tin nơi Chúa cho dù đồng hồ trên đất chỉ vào giờ nào. Chúng ta đang tập tin cậy điều chưa thấy và khi đức tin lớn lên, tấm lòng, nhãn quan chúng ta ngày càng trở nên chuyên chú. Như thế chúng ta càng đến gần chỗ hiệp một với Cha trên trời.
Trước đây tôi thường nổi giận khi người ta không đúng hẹn. Tôi trở nên nhức đầu và đau bao ử vì họ không hiểu là thì giờ quí báu như thế nào. Họ phí phạm thì giờ một cách vô ý thức.
Có lần tôi được mời trả lời một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, một vị mục sư khác phụ trách phần đầu của chương trình, còn tôi lo phần sau. Tôi có nhiều điều quan trọng muốn nói và canh đồng hồ chờ đến phiên mình. Nhưng vị mục sư nói lố giờ qui định, giành gần hết thì giờ dành cho phần sau của tôi. Tôi nghĩ thầm: “Chúa ơi, ông nầy làm mất thì giờ của con. Sao Ngài không bịt miệng ông ta lại để chúng ta có thể đi vào phần quan trọng hơn!”.
Khi ông ngưng nói thì chỉ còn vài phút, tôi phải thú nhận là tôi đã không hoàn toàn thật lòng cầu nguyện. Tôi thưa: “Chúa ơi, Ngài đã có thể bịt miệng anh chàng ba hoa nầy bất cứ lúc nào Ngài muốn. Nhưng Ngài đã không làm điều đó tức là Ngài có lý do khi để con ngồi đây chờ đợi. Ngợi khen Ngài về mọi sự, xin tha thứ cho con vì đã chỉ trích người kia và ngợi khen Chúa về điều Ngài sắp làm trong vài phút còn lại”.
Chẳng còn thì giờ để giải thích dài dòng, tôi bắt đầu ngay việc khuyến khích khán thính giả ngợi khen Chúa về những nan đề họ thay vì phàn nàn, rồi Ngài sẽ đáp ứng qua những cách họ phải kinh ngạc. Tôi khuyên các bậc cha mẹ ngợi khen Chúa vì con họ bỏ nhà ra đi, các bà vợ ngợi khen Chúa vì chồng mình luôn vắng nhà, những người đau ốm vui mừng trong bệnh tật và những người thiếu thốn vui mừng vì những hóa đơn chưa thanh toán được.
Trong vài phút điện thoại reo liên tục, khán giả đáp ứng khác thường đến nỗi người phỏng vấn được lệnh kéo dài chương trình hơn thường lệ. Khán giả cứ liên tục để lại những kết quả kỳ diệu của những lời cầu nguyện ngợi khen. Một người mẹ cám ơn Chúa vì con trai bà đã bỏ đi sáu tháng nay, thế mà mới đây cậu ta gõ cửa nhà xin trở về. Một người vợ cám ơn Chúa vì chồng mình nghiện rượu. Người chồng đã bước vào nhà và nói là lần đầu tiên kể từ mười năm nay nghĩ đến rượu là ông muốn bịnh.
Tôi nghĩ rằng sứ điệp của Chúa có thể bị ngăn trở vì thiếu thì giờ. Tôi quên mất Ngài là Đấng Chủ tể, Ngài có thể làm mặt trời mọc sớm hay trễ (Ngài đã làm điều nầy trong lịch sử). Nếu không có đủ thì giờ, Ngài có thể tạo thêm ra. Thật đáng nực cười khi tôi là con của Ngài lại lo lắng trong lúc Ngài có thể biến một ngày thành một ngàn năm.
Tôi đã không tập trung nhìn vào Chúa Giê-xu trong khi đợi đến lượt mình. Nhưng tôi đã để nhìn vào thì giờ và bị thuyết phục là Chúa không làm chủ tình thế. Tôi đã thú nhận tội hai lòng và cảm tạ Chúa về lòng kiên nhẫn, nhân từ vô hạn của Ngài. Tôi đã có thể tránh được những rối loạn của bao tử nếu nhìn đúng hướng.
Tâm trí chúng ta là trung tâm kiểm soát, là nơi chúng ta ghi nhận những thúc đẩy của các giác quan và tình cảm. Đó là nơi lý trí cân nhắc những cảm nghĩ mới mẻ tương phản với tình cảm, là nơi tích lũy kiến thức và là nơi quyết định cách phản ứng với mọi tình huống.
Sa-tan thường lợi dụng sự hiểu biết của con người. Nó gợi cho chúng ta những ý tưởng thông thái khiến chúng ta tự mãn vì tưởng mình đã nghĩ ra. Nó khích lệ chúng ta giải thích mọi thái độ cư xử hoặc suy nghĩ cách thuần lý và nghi ngờ bất cứ điều gì Đức Thánh Linh phán dạy mình. Sa-tan luôn nhắm vào mục đích khiến chúng ta không quan tâm đến Chúa. Nếu nó thành công tức là chúng ta đang ở trong bẫy của nó.
Tôi không biết làm cách nào để diễn giải điểm nầy, “Khi tôi cố tìm xem Chúa muốn tôi chia xẻ về đề tài nào đó - tôi biết chắc rằng Sa-tan cũng đang cố làm tôi phân tâm. Không biết Sa-tan sẽ nói với tôi điều gì?”. Ngay lúc đó, tôi chợt nghĩ: “Có lẽ mình đang chuẩn bị cho một sứ điệp không cần thiết”. Trầm tư một lúc, tôi thấy điều nầy có vẻ thật vì không biết phải nói gì. Nếu quả đây là sứ điệp cần nói thì Chúa phải dạy tôi chứ?
Tôi lớn tiếng tự nhủ: “Tôi tin Chúa sẽ ban những lời thích hợp”, nhưng ngay lúc đó, tôi vẫn nghĩ: “Có lẽ mình đã không tin cậy Chúa đủ để Ngài dạy mình điều phải nói - ngoài ra có thể mọi người cũng sẽ không hiểu!”. Tôi nghĩ ngợi hoài đến khi thấy chán nản tột độ: “Cố lắm cũng chẳng ích lợi gì. Có làm hết sức cũng không đạt yêu cầu!”.
Tôi đã tập trung sự chú ý vào đâu? Không vào Chúa Giê-xu mà vào những suy nghĩ Sa-tan khơi dậy trong tôi. Nó chỉ lừa gạt, chiếm đoạt, lấy đi tất cả sự bình an, vui mừng và đức tin chúng ta - nhưng chỉ khi nào chúng ta nghe theo nó.
Có lẽ bạn không tin Sa-tan có thể làm được điều đó. Bạn nghĩ mình khôn ngoan sáng suốt và không ai có thể xâm chiếm tâm trí của bạn. Nhưng bạn có biết Sa-tan khôn khéo thuyết phục chúng ta rằng: Làm gì có Sa-tan, lời nói của Sa-tan lại càng không có nốt. Chúng ta tự hào vì hiểu biết nhiều và ma quỉ biết rõ điều ấy. Cho nên ma quỉ không thiếu những luận cứ thích hợp để thỏa mãn tính kiêu ngạo của chúng ta. Lời Chúa cảnh cáo: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con" (ChCn 3:5).
Tôi rất vui mừng về những điều Chúa cho tôi hiểu, nhưng nếu để sự hiểu biết đó ngăn cản tôi tin những gì Chúa phán thì tôi đang sử dụng sự hiểu biết của mình cách sai lạc. Người ta thường hỏi về một số câu Kinh Thánh khó và thỉnh thoảng tôi vẫn nói rằng tôi không hiểu được. Đôi khi chúng ta vẫn nói: “Tôi mong hiểu được vì sao Chúa lại làm điều nầy” hay “Nếu như tôi hiểu được điều kia có nghĩa gì”.
Tôi có thể tập trung vào những điều khó hiểu trong Kinh Thánh và chẳng bao lâu trở nên hoàn toàn bối rối. Nhưng tập trung vào điều dễ hiểu thì tốt hơn biết bao. Thật dễ biết bao để hiểu Chúa yêu tôi và muốn tôi biết ơn Ngài về mọi điều Ngài đã làm. Chỉ cần nghĩ như thế là tôi cảm thấy vui mừng rồi. Nhưng tôi nhận biết Sa-tan đang thì thầm vào tai: “Merlin, anh không nghĩ là mình phải quan tâm đến những gì anh chưa hiểu sao? Dù sao anh cũng là mục sư, các tín hữu thường hỏi anh và muốn được trả lời”. Điều nầy nghe rất hợp lý, nhưng qua kinh nghiệm tôi biết nó sẽ đưa tôi đến đâu.
Bây giờ khi gặp một đoạn Kinh Thánh khó, tôi nhìn vào Chúa Giê-xu và làm theo lời khuyên của Đức Thánh Linh “Vì bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời...thì kẻ ấy sẽ được ban cho”. Chỉ có Thánh Linh mới mở mắt chúng ta hiểu được những điều Chúa muốn. Nếu đoạn Kinh Thánh đó vẫn còn làm tôi bối rối, tôi có thể quyết định tập trung vào những điều tôi biết chắc chắn như: Chúa yêu tôi và nếu Ngài muốn tôi hiểu, tôi sẽ hiểu. Vì vậy tôi có thể an toàn giao phó những điều mình không biết cho Cha ở trên trời, là Đấng hiểu biết mọi sự.
Sự hiểu biết của chúng ta giống như phần còn lại của bản tánh cũ. Khi chúng ta cố gắng sử dụng bằng sức riêng sự hiểu biết sẽ đưa chúng ta đến sự phân tâm và bối rối. Khhi chúng ta đặt vào tay Chúa, Ngài sẽ sử dụng sự hiểu biết vào mục đích của Ngài và chúng ta sẽ khám phá ra rằng Ngài dạy chúng ta hiểu những điều mà chúng ta không thể hiểu nổi.
Vì sao lại có những người đầy dẫy vui mừng đang khi những người khác buồn rầu chán nản? Tôi thường quan sát hai người trong cùng cảnh ngộ. Cả hai đều mắc bệnh ung thư hay đều thất nghiệp, cả hai đều mất một người thân hay gặp cảnh gia đình tan vỡ. Một người thì khốn khổ còn người kia vui mừng. Vì sao vậy? Đó là vì một người tập trung sự chú ý vào Chúa Giê-xu còn người kia chỉ nhìn vào nan đề của mình.
Hãy thử làm điều nầy. Bạn để một vật gần mình tượng trưng cho Chúa Giê-xu, và chọn một vật khác tượng trưng cho những gì bạn nghĩ là những thất bại trong cuộc đời bạn. Hãy ngắm vật thứ hai trong một lúc và nghĩ đến những điều bạn đã mong ước mà không xảy ra. Thử nghĩ đến từng vấn đề, từng nỗi khó chịu, từng điều đau đớn. Hãy suy nghĩ trong vài phút, bạn sẽ thấy hoàn toàn khốn khổ phải không?
Bây giờ hãy nhìn vào vật tượng trưng cho Chúa Giê-xu, Ngài yêu bạn, Ngài đã giải quyết tất cả những nan đề của bạn. Ngài đã tha thứ mọi tỗi lỗi của bạn. Ngài đặt để mọi sự và mọi người trong đời sống bạn để bày tỏ tình yêu của Ngài. Ngài đã đến để bạn được vui mừng và bình an. Điều nầy không làm bạn vui hơn sao? Và ngay cả khi chưa cảm thấy vui, bạn vẫn thấy mọi sự đều tốt hơn từ hướng nhìn nầy.
Chúa Giê-xu đến trần gian để thực hiện những điều con người không thể tự làm được. Chúng ta không thể giải quyết nan đề hay những nỗi đau đớn hay bằng cách phớt lờ chúng, nhưng vẫn có một điều chúng ta có thể làm được. Có lẽ ngay bây giờ bạn cảm thấy bệnh tật làm bạn yếu đuối, các nan đề làm bạn chán nản, bạn bị hiểu lầm và lợi dụng và bạn thấy không làm gì được. Đức Chúa Trời biết bạn yếu đuối và sa sút như thế nào. Ngài biết bạn không thể tự vực mình dậy được, nhưng Ngài muốn bạn làm một điều mà Ngài đã cho bạn khả năng để làm: Hãy mở mắt ra và nhìn vào Ngài, “Hễ điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi Pl 4:8b). Hãy nghĩ đến Chúa Giê-xu, Ngài có đáng cho chúng ta ngợi khen không? Hãy nghĩ đến Ngài là ai, đã làm gì cho đến khi bóng tối quanh bạn nhường chỗ cho ánh sáng.
Nếu thấy người nào đó đang đi ngoài đường, mặt mày sáng rỡ và vui mừng, đừng nghĩ người ấy không có vấn đề gì. Có thể người ấy có nhiều nan đề gấp mười lần bạn, bạn có nói: “Sao tôi không được như vậy? Sao tôi lại khốn khổ và anh ấy lại sung sướng như vậy?” Bạn biết câu trả lời rồi đấy, anh ấy đã học tập trung sự chú ý vào Đấng Christ, tức đã học cách đem thiên đàng vào địa ngục.
Bạn có khả năng làm được điều đó. Nếu gặp nan đề gì, bạn có thể nói “Ngợi khen Chúa, đây không phải là vấn đề của tôi mà là của Ngài”. Sự chú ý của tôi được tập trung vào Chúa Giê-xu, Đấng đã phán: “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa” (GiGa 14:1).
Sa-tan đang thì thầm phía sau, kích động bạn lo lắng và cho biết dù bạn có làm gì đi nữa thì mọi sự cũng vẫn trục trặc.
Sa-tan là kẻ nói dối. Không có điều gì trục trặc cả - mọi sự sẽ tốt đẹp nếu bạn chú tâm cứ nhìn vào Chúa Giê-xu với một tấm lòng trọn vẹn. Hãy tập trung mọi suy nghĩ vào Chúa Giê-xu. Hãy ăn năn về sự phân tâm và bạn có thể nói như Đa-vít: “Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững chắc, lòng tôi vững chắc; tôi sẽ hát, phải, tôi sẽ hát ngợi khen...Tôi sẽ cảm tạ Chúa giữa các dân” (Thi Tv 57:7, 9).




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 02:11 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách