Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2734|Trả lời: 0

Để Thành Công - Những Lời Trích Dẫn Kích Thích Chúng Ta Suy Nghĩ

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 3-10-2011 17:58:20 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Để Thành Công Trong Tác Tư Vấn Thanh Thiếu Niên

Những Lời Trích Dẫn Kích Thích Chúng Ta Suy Nghĩ

“Tôi tin mọi người đều có một trái tim , và nếu bạn có thể chạm được nó , bạn có thể tạo nên một sự khác biệt .”
- Uli Derickson , nhân viên phục vụ trên chuyến bay TWA 847 bị không tặc năm 1985
“Thành kiến thay thế cho sự suy nghĩ của một người lười biếng .”- vô danh
“Thường cần phải có nhiều can đảm để thay đổi quan điểm của một người hơn là cứ bám lấy quan điểm đó .”
- George Christoph Lichtenberg
“Tôi hay tin có một gia đình nọ không có gì để ăn trong vài ngày -một gia đình Ấn độ giáo -vì thế tôi lấy một ít gạo đi đến thăm gia đình đó . Trước khi tôi biết điều này , người mẹ của gia đình đã chia số gạo ra làm hai , bà lấy một nửa kia đem cho những người hàng xóm sát bên nhà , và tình cờ đó lại là một gia đình Hồi giáo . Sau đó tôi hỏi bà : “Bà sẽ còn lại bao nhiêu để chia cho cả nhà ? Có đến mười người trong gia đình bà mà chỉ có một ít gạo đó ”. Người mẹ trả lời : “Họ cũng không có gì để ăn cả ”. Đây là sự vĩ đại ”. - Mẹ Teresa
Sự Khôn Ngoan của Người Xưa
(Nguyên tắc của Thánh Kinh)
Sự hòa thuận và sự hòa bình đòi hỏi những người khác nhau phải đến gần với nhau. Kinh Thánh dạy: “Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan” (RoRm 12:16).
Những người lãnh đạo hiểu rằng sự kiên nhẫn rất cần kíp đối với việc thông hiểu có hiệu quả và thâm nhập vào các nền văn hóa khác. Vì thế “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt” (GaGl 6:9).
Câu Kinh Thánh Ghi Nhớ
“Rút lại , hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em , có lòng nhân từ và đức khiêm nhường ”
(IPhi 1Pr 3:8).
Việc Cần Làm Thêm
Những sợ hãi nào ngăn trở bạn không dám mạo hiểm gặp gỡ những người xa lạ với kinh nghiệm của văn hóa bạn? Bạn có thể hành động ra sao để chế ngự những sợ hãi đó?


Loạt bài 4, Tuần 3
Giải Quyết Nan Đề
Một phần của nan đề ngày nay là chúng ta có dư thừa các câu trả lời đơn giản nhưng lại thiếu hụt những câu hỏi đơn giản .
“Tôi có thể cho bạn biết một điều . Tôi đã không đến đó bằng cách ao ước về nó , hay mơ về nó , hay hy vọng về nó . Tôi đã đến đó bằng cách hành động vì nó .”- Estee Lauder
“Đừng để cảm giác thất vọng săn đuổi bạn thì cuối cùng bạn chắc chắn thành công .”- Abraham Lincoln
“Tôi đã có nhiều thành công lẫn thất bại .”- Thomas Edison
“Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và chín mươi chín phần trăm nỗ lực tối đa .”- Thomas Edison
“Tôi học biết rằng sự thành công sẽ phải được đo lường bởi những trở lực mà một người đã vượt qua trong khi cố gắng để thành công nhiều hơn là bởi địa vị mà người ấy đã đạt được trong cuộc sống .”
- Booker T. Washington
“Không có giải pháp nào khác cho các nan đề của một người ngoại trừ việc làm chính đáng trong ngày , những quyết định trung thực trong ngày , lời nói khoan dung trong ngày , và việc lành trong ngày của người ấy .”- Clare Boothe Luce
“Sự khó khăn càng lớn , thì sự khắc phục được nó càng vẻ vang hơn .”
- Epicurus
“Hãy trở nên một người có tầm nhìn xa đầy hy vọng . Dù cho mọi việc có vẻ như tối tăm hay thực sự tối tăm đến đâu chăng nữa , hãy ngước mắt lên để nhìn thấy những triển vọng có thể xảy ra -hãy luôn nhìn thấy chúng , vì chúng luôn có ở đó .”- Norman Vincent Peale

Chỉ Dành Cho Người Tư Vấn
Từ một cái nhìn trưởng thành, chúng ta có thể thấy bị cám dỗ để nhìn vào đời sống của các bạn thiếu niên và nghĩ: “Những đứa trẻ nầy không có những nan đề thực tế, hãy chờ cho đến khi chúng lớn lên, rồi chúng sẽ hiểu những nan đề thực tế”. Tuy nhiên, khi đối diện với các mối quan hệ cùng trang lứa, với bài tập ở nhà hay với việc xử lý những khủng hoảng của gia đình, các thiếu niên thật sự đương đầu với những nan đề thực tế, trong đó một số nan đề dường như quá nặng nề.
Trong suốt những năm nầy, các em đang phát triển những thói quen và những khả năng thích nghi mà sau này khi các em đối diện những thách thức của tuổi trưởng thành chúng vẫn còn tồn tại. Các thiếu niên nào học biết cách giải quyết những nan đề và đương đầu với những gian nan thử thách trong hiện tại là người đang xây dựng những kỹ năng để vượt qua những nan đề trong suốt cuộc đời mình-thậm chí có khi các nan đề mà họ đối diện dường như không thể vượt qua được.
Bài học nầy sẽ giúp học viên của bạn đương đầu, phân tích, và giải quyết những nan đề. Bài học cũng khích lệ họ trao phó những lo lắng của mình cho Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện. Đây là những thói quen họ có thể áp dụng suốt cuộc đời mình, đối với những nan đề cá nhân cũng như đối với những nan đề lớn hơn của gia đình và các tổ chức đoàn thể chung quanh họ.
1. Giới Thiệu Khái Niệm
Tùy Chọn A: Trình bày một nan đề đơn giản .
Trong một nhóm hai hay ba học viên, hãy đặt một thanh kẹo (hay lon nước xô-đa) ở giữa bàn. Bảo học viên rằng họ có một nan đề: Họ sẽ quyết định điều phải làm với chỉ một thanh kẹo như thế nào? Yêu cầu họ đóng góp ý kiến để giải quyết nan đề nầy khi họ ghi lại những lời đề nghị của mình. (Hãy chuẩn bị thêm kẹo trong tay đủ để phục vụ cả nhóm sau bài tập nầy).
Tùy Chọn B: Chia sẻ một minh họa cá nhân .
Kể cho học viên nghe một nan đề cụ thể mà bạn đã đương đầu khi còn là một thiếu niên. Có lẽ bạn đã giải quyết một nan đề tại trường, trong gia đình bạn, hoặc trong một mối quan hệ. Trong câu chuyện của bạn, nhấn mạnh nỗ lực bạn đã phải đầu tư trong việc giải quyết nan đề nầy. Dùng câu trả lời cho những câu hỏi nầy để giúp bạn chuẩn bị câu chuyện của mình:
Nan đề đó là gì?
Lúc đầu bạn có tránh né nan đề nầy không? Nếu có, hãy mô tả những gì đã xảy ra như là kết quả của việc tránh né nầy.
Khi đương đầu với nan đề nầy, bạn đã thực hiện những bước nào?
Bạn có nhận sự giúp đỡ từ người khác không? Nếu có, thì từ ai?
Bạn đã mắc phải những sai lầm nào trong khi cố gắng giải quyết nan đề của mình?
Đức Chúa Trời đóng vai trò nào trong việc giúp đỡ bạn giải quyết nan đề nầy?
Nếu lúc đó bạn không phải là một Cơ Đốc Nhân, bạn có sẽ tiếp cận cùng nan đề đó cách khác biệt với bây giờ không?
Mô tả kết quả của nan đề nầy.
Tùy Chọn C: Nghĩ về một nan đề có tính giả thuyết .
Bảo các học viên hãy tưởng tượng rằng họ đang trong quá trình thực hiện một dự án cho một lớp học mà ngày mai là hết hạn. Sau đó, vào lúc 9.00 giờ tối, điều tệ hại nhất xảy ra. Con chó đã cắn xé nát bài tập ở nhà của họ (hoặc máy tính mất hết các dữ liệu về nó). Nhiều giờ làm việc khó nhọc của họ bỗng tan thành mây khói. Hướng dẫn học viên trong việc đóng góp ý kiến về một số giải pháp khả thi cho nan đề nầy. Nhắc nhở họ rằng trong việc góp ý nầy không nên chỉ trích hay phân tích ý kiến nào cả-mục đích của việc góp ý nầy là để nghĩ ra càng nhiều giải pháp khả thi càng tốt. Yêu cầu một người ghi lại các ý kiến đó.
Tùy Chọn D: Lập các danh sách .
Mang giấy và bút đến buổi học. Yêu cầu học viên làm việc cá nhân và ghi lại bất kỳ nan đề nào họ có trong trí vào lúc đó. Bạn cũng viết danh sách riêng của bạn. Bảo các học viên là họ có thể giữ kín danh sách của họ nếu muốn. Cho thời gian để viết, sau đó yêu cầu các học viên chia sẻ một nan đề với nhóm nếu họ muốn. Kết thúc bài tập nầy bằng việc chia sẻ một mục trong danh sách của riêng bạn. Mô tả ngắn gọn những gì bạn đang làm hay dự định làm để giải quyết nan đề nầy.

2. Lời chân lý
“CON ĐƯỜNG TỐT NHẤT ĐỂ RA KHỎI MỘT NAN ĐỀ LÀ ĐI QUA NÓ.”
- VÔ DANH
3. Bài Học
Tùy Chọn A: Đọc câu chuyện ngụ ngôn nầy .
Một số học viên của bạn có thể nhớ đến một số chuyện ngụ ngôn của Aesop mà họ đã học khi còn nhỏ. Câu chuyện nầy minh họa những điểm quan trọng cho việc giải quyết các nan đề.
Một ngày kia có một con quạ khát nước. Nó đã bay một chặng đường dài tìm kiếm nước uống. Bất chợt, nó thấy một chiếc bình. Nó bay xuống chỗ chiếc bình và thấy trong bình có một ít nước, nhưng nước trong bình quá thấp đến nỗi con quạ không thể với tới được.
Nó la lên: “Nhưng ta cần phải có nước, ta đã quá mỏi mệt làm sao có thể bay đi xa hơn? Ta phải làm gì đây? A! Ta biết rồi! Ta sẽ lật ngược chiếc bình lại”.
Nó dùng đôi cánh vỗ vào chiếc bình, nhưng chiếc bình quá nặng. Nó không xê dịch nổi chiếc bình. Rồi nó suy nghĩ một lát. “Thôi ta biết rồi! Ta sẽ làm vỡ nó! Sau đó ta sẽ uống nước khi nó đổ ra ngoài. Nước sẽ ngọt biết dường nào!”
Với cái mỏ, những móng vút và đôi cánh của mình, nó lao mình vào chiếc bình. Nhưng chiếc bình quá chắc chắn.
Con quạ tội nghiệp dừng lại nghỉ. “Bây giờ ta sẽ làm gì? Ta không thể chết khát ngay bên cạnh bình nước. Hẳn phải có một cách, nếu ta đủ thông minh để tìm ra”.
Sau một lúc, con quạ có một sáng kiến. Có nhiều viên đá nhỏ quanh đó. Nó nhặt từng viên một lên và thả chúng vào trong bình. Nước từ từ dâng lên, cuối cùng thì nó có thể uống nước được. Nước ngọt biết dường bao!
Con quạ nói: “Luôn có một cách để ra khỏi những nơi khó khăn nếu bạn có sự thông minh để tìm ra nó”.
Hãy bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách hỏi các học viên câu hỏi sau: Con quạ đã sử dụng tiến trình nào để giải quyết nan đề của nó?
Cho các học viên vài phút để phân tích và mô tả tiến trình được minh họa trong câu chuyện ngụ ngôn trên. Nếu họ không làm được, hãy dẫn dắt họ trở lại từng phần của câu chuyện, và hỏi họ: “Con quạ đã làm gì trước tiên? Kế tiếp nó làm gì? Một số bước trong tiến trình bao gồm việc:
thử một giải pháp dường như rõ rệt
thử một điều khác nếu điều đó không có hiệu quả
không đầu hàng
dành thời gian để suy nghĩ về nan đề đó
nhìn quanh để tìm kiếm những giải pháp gần bên
theo dõi xuyên suốt công việc cần thực hiện để áp dụng một giải pháp
Nối tiếp sự phân tích nầy bằng cách yêu cầu học viên suy nghĩ và trả lời một câu hỏi khác: Bạn có thể sử dụng tiến trình nầy đề giải quyết nan đề bạn đang đối diện hiện nay như thế nào?
Tùy Chọn B: Tạo ra một thách thức .
Đưa học viên của bạn đến một địa điểm nơi bạn có thể trình bày với họ một nan đề đòi hỏi sự tham gia tích cực của họ để đi đến một giải pháp. Ví dụ, hãy đi đến một công viên hay một cánh đồng nơi có một con sông hay một khe núi. Yêu cầu học viên vượt qua nó (không sử dụng cầu nếu đã có sẵn một cây cầu tại đó). Cung cấp sự giúp đỡ, nhưng để cho học viên tạo ra giải pháp để vượt qua.
Hãy sáng tạo khi bạn nghĩ về một nơi thách thức nhưng an toàn trong vùng bạn mà có thể cung cấp một cơ hội để thực hành việc giải quyết nan đề tích cực. Chụp hình để kỷ niệm công việc khó nhọc của học viên bạn, và chúc mừng sự thành công của họ bằng một chầu kem hoặc một món ăn gì khác. Khi bạn kết thúc thì giờ đó, hãy cùng nhau rút tỉa kinh nghiệm bằng việc thảo luận những nguyên tắc sau:
Cuộc sống đòi hỏi làm việc.
Cuộc sống đòi hỏi đổ mồ hôi.
Cuộc sống không luôn luôn có những chiếc cầu (những giải pháp dễ dàng).
Cuộc sống đòi hỏi khả năng để giải quyết các nan đề.
Tùy Chọn C: Giúp đỡ người khác vượt qua một giai đoạn khó khăn .
Yêu cầu học viên nghĩ về một nan đề họ biết một người bạn đang đối diện. Yêu cầu một người trong vòng họ chia sẻ nan đề mà không cho biết người bạn đó là ai. Trong suốt bài học nầy, những tên tuổi cần phải được giữ kín. Là một nhóm, bạn có thể mong muốn đặt một cái tên giả cho người bạn.
Yêu cầu học viên góp ý kiến về những gì họ có thể làm để giúp một người bạn với nan đề nầy. Khi bạn ghi lại ý kiến của họ, khích lệ họ nghĩ ra càng nhiều cách khả thi càng tốt để giúp đỡ theo khả năng của họ. Sau vài phút góp ý kiến, yêu cầu học viên suy nghĩ và trả lời những câu hỏi nầy:
Những ý kiến nào trên bảng liệt kê của chúng ta giúp người bạn giải quyết nan đề?
Những ý kiến nào trong những ý nầy trao trách nhiệm giải quyết nan đề nầy cho một người khác?
Sự khác biệt giữa việc làm một người lắng nghe tốt và một người đưa ra lời khuyên là gì?
Nếu bạn đảm nhận việc giải quyết nan đề, ai sẽ chịu trách nhiệm về kết quả? (Đây không phải là một câu hỏi không mục đích; hãy dùng nó để cho học viên của bạn thấy mối nguy hiểm của việc gánh lấy nan đề của một người khác).
Một số cách thức nào bạn có thể giúp đỡ cách hiệu quả trong khi cho phép người bạn của bạn giải quyết nan đề của họ?
Cho học viên thời gian để tìm ra những câu trả lời cho câu hỏi trước. Thanh lọc các ý kiến của họ bằng cách nêu lên những ý sau đây nếu chúng chưa được kể ra:
Hãy là một người nghe tích cực, hãy giúp người bạn của bạn định rõ và hiểu được nan đề khi họ nói về nan đề đó.
Hãy giúp người bạn của bạn góp ý kiến về những sự thay đổi và những giải pháp khả thi.
Hãy cầu thay cho và cầu nguyện với người bạn của bạn.
Giúp người bạn của bạn tìm một ai đó có thể giúp đỡ hoặc có thể cho lời khuyên khôn ngoan, chẳng hạn như một mục sư, một mục sư chuyên trách thanh thiếu niên, hoặc một người trưởng thành khác có lòng quan tâm.
Lập một danh sách gồm những lý luận thuận và chống để giúp người bạn của bạn nhìn thấy những gì có thể xảy ra nếu họ chọn một giải pháp đặc biệt.
Khích lệ người bạn của bạn thực hiện những bước hướng đến việc giải quyết nan đề hơn là né tránh nó.
Tùy Chọn D: Thay đổi quan điểm .
Yêu cầu học viên suy nghĩ về một số nan đề họ đang đối diện ngay lúc nầy. Có nan đề nào trong những nan đề nầy không tìm được giải pháp không? Những nan đề -chẳng hạn như sự không thỏa lòng với vẻ bề ngoài của một người, một hoàn cảnh không thể nào thay đổi, hoặc một sự thất vọng không thể nào ổn định-không có những giải pháp rõ ràng mà chúng ta có thể theo đuổi bằng cách làm việc chăm chỉ và dùng những kỹ thuật giải quyết nan đề tốt. Nếu học viên của bạn sẵn lòng, yêu cầu họ chia sẻ những ví dụ về các nan đề không thể giải quyết được. Cũng hãy chia sẻ một ví dụ từ kinh nghiệm riêng của bạn, và sau đó thảo luận những câu hỏi nầy:
Chúng ta cần phải đáp ứng ra sao đối với những nan đề chúng ta không thể giải quyết được?
Phải chăng một số trong các nan đề nầy sẽ được giải quyết theo thời gian?
Nan đề nầy sẽ quan trọng đến mức nào trong năm năm nữa? trong mười năm nữa?
Một số điều ích lợi khi ở trong hoàn cảnh nầy là gì?
Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép bạn trải qua nan đề nầy hiện giờ? Theo bạn, Ngài muốn bạn làm gì trong hoàn cảnh nầy?
Vào lúc này trong buổi học của bạn, hãy đứng lên và di chuyển đến một cái bàn, căn phòng, hay địa điểm khác. Hãy vạch rõ rằng bạn di chuyển để minh họa ý tưởng là một số nan đề đòi hỏi chúng ta nghĩ về chúng từ một cái nhìn mới. Có lẽ một điều gì đó về nan đề nầy mang đến một ích lợi mà chúng ta chưa nhận ra hoặc cho chúng ta một sự hiểu biết sâu rộng hơn và một cơ hôi để học hỏi. Dành thời gian để cầu nguyện lớn tiếng cho học viên của bạn vào lúc nầy, dâng trình cho Chúa những sự khó khăn họ đã nói ra hoặc chúng ta ngầm hiểu. Khích lệ học viên của bạn dành một thì giờ nào đó sau buổi học nầy để cầu nguyện và suy nghĩ về những nan đề “không thể giải quyết” của họ với một thái độ mới và một quan điểm tươi mới trong tâm trí.
4. Sự Khôn Ngoan của Người Xưa
(Nguyên tắc của Thánh Kinh)
Qua các phân đoạn Thánh Kinh khác nhau, Kinh Thánh cung cấp ba nguyên tắc cho việc xử lý những nan đề chúng ta đối diện trong cuộc sống.
Chúng ta có thể tránh một số nan đề bởi việc vâng giữ Lời Đức Chúa Trời.
Thi Tv 34:12-14 dạy chúng ta: “Ai là người ưa thích sự sống, và mến ngày lâu dài để hưởng phước lành? Khá giữ lưỡi mình khỏi lời ác, và môi mình khỏi nói sự dối gạt. Hãy tránh sự ác, và làm điều lành, hãy tìm kiếm sự hòa bình, và đeo đuổi sự ấy”. Và 119:4-6 ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: “Chúa đã truyền cho chúng tôi các giềng mối Chúa, hầu cho chúng tôi cẩn thận giữ lấy. Ồ! Chớ chi đường lối tôi được vững chắc, để tôi giữ các luật lệ Chúa! Khi tôi chăm chỉ về các điều răn Chúa, thì chẳng bị hổ thẹn”.
Tuy nhiên, cuộc sống sẽ đem đến một số khó khăn mà chúng ta không thể tránh né.
Trong TrGv 9:12, Sa-lô-môn than thở: “Lại, loài người chẳng hiểu biết thời thế của mình: Như cá mắc lưới, chim phải bẫy dò thể nào, thì loài người cũng bị vấn vương trong thời tai họa xảy đến thình lình thể ấy”. Chúa Jêsus cũng cảnh cáo chúng ta về những thử thách trong đời sống: “Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Mat Mt 6:34).
Đức Chúa Trời cung cấp những nguồn cậy trông để giúp chúng ta qua những nan đề, và Ngài ban cho chúng ta những sự hướng dẫn qua Lời Ngài về cách thức để đối diện các nan đề.
Cầu nguyện : “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi Pl 4:6).
“Trong anh em có ai chịu khổ chăng? Người ấy hãy cầu nguyện” (Gia Gc 5:13a).
Chuẩn bị thái độ của bạn : “Hỡi các người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí” (Thi Tv 31:24).
“Hãy vững lòng bền chí, vì ngươi sẽ dẫn dân nầy đi nhận lấy xứ mà ta đã thề cùng tổ phụ ban cho chúng nó” (Gios Gs 1:6).
Hành động : “Đa-vít lại nói với Sa-lô-môn, con trai mình rằng: Hãy vững lòng bền chí mà làm; chớ sợ sệt, chớ kinh hãi chi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời của cha, vẫn ở cùng con” (ISu1Sb 28:20a).
“Các ngươi khá làm việc cách can đảm, và Đức Giê-hô-va sẽ ở cùng người thiện” (IISu 2Sb 19:11b).
Câu Kinh Thánh Ghi Nhớ
“Chớ lo phiền chi hết , nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện , nài xin , và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời ” (Phi-líp 4:6;).
5. Kết Luận
Trong một lời tường thuật về gia đình tựa đề Traits of a Healthy Family (tạm dịch là Chân dung của một Gia Đình Lành Mạnh ), tác giả Dolores Curran liệt kê “thừa nhận và yêu cầu giúp đỡ giải quyết các nan đề” là một trong mười lăm yếu tố đứng đầu dẫn đến các mối quan hệ lành mạnh trong các gia đình. Thế nhưng thật nhiều người trong chúng ta đã học tập phớt lờ các nan đề và tránh sự xung đột từ kinh nghiệm cá nhân. Bước đầu tiên trong việc trở thành một người giải quyết nan đề tốt là sẵn sàng đương đầu với các nan đề của chúng ta.
Khi chúng ta tìm kiếm những giải pháp cho các nan đề, chúng ta phải nhớ rằng những giải pháp của chúng ta phải lưu tâm đến những người khác có liên quan. Việc dẫm chân người khác trong những nỗ lực riêng của chúng ta để ổn định một nan đề chỉ tạo ra nhiều nan đề hơn. Khi có một nan đề liên quan đến những người khác, hãy sẵn sàng để đối mặt với họ một cách đầy yêu thương và cùng nhau hướng đến một giải pháp giúp ích cho mọi người có liên quan. Đây là một công tác khó khăn.
Yêu cầu học viên của bạn suy nghĩ về câu hỏi nầy: Rốt lại thì điều gì quan trọng: việc giải quyết tạm thời một nan đề hay việc tôn trọng giá trị của những người có liên quan? Điều gì là quan trọng đối với Đức Chúa Trời?
Trang Dành Cho Học Viên
Loạt bài 4, Tuần 3

LỜI CHÂN LÝ
“CON ĐƯỜNG TỐT NHẤT ĐỂ RA KHỎI MỘT NAN ĐỀ LÀ ĐI QUA NÓ.”
- VÔ DANH



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 05:03 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách