Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2903|Trả lời: 0

Đào Tạo - Nhận Biết Các Giai Đoạn Phát Triển

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 3-10-2011 18:37:31 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Đào Tạo Người Lãnh Đạo
NHẬN BIẾT CÁC BÀI HỌC VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TƯ CÁCH LÃNH ĐẠO
Tiến sĩ J. Robert Clinton.

Nhận Biết Các Giai Đoạn Phát Triển

Các giai đoạn phát triển được đặc trưng nhất quán ít nhất là theo ba cách khác nhau.16 Trước hết, hình thức khác nhau của các quá trình tôi luyện diễn ra trong các giai đoạn khác nhau. Thứ hai, mỗi giai đoạn đều kết thúc bằng một sự kiện biên cụ thể. Thứ ba, có một phạm vi ảnh hưởng khác.
Đức Chúa Trời thường dùng những sự kiện Ngài đem đến, những con người và những hoàn cảnh (các quá trình tôi luyện) để phát triển một người lãnh đạo. Dầu cả cuộc đời được sử dụng để uốn nắn chúng ta, một số điều trong đời sống ràng buộc trực tiếp hơn đối với sự phát triển tư cách lãnh đạo. Tôi xếp các quá trình tôi luyện này thành sáu phạm trù chung: các yếu tố nền tảng, các yếu tố về sự tăng trưởng đời sống bề trong, các yếu tố về chức vụ, các yếu tố về sự trưởng thành, các yếu tố về sự đồng quy, và các yếu tố về sự chỉ dẫn. Những vấn đề khác nhau diễn ra vào những thời điểm khác nhau trong đời sống của người lãnh đạo. Các quá trình tôi luyện này có thể xảy ra, mặc dầu không đều đặn, ngoài các giai đoạn liên quan đến tâm tánh của họ. Quá trình chỉ dẫn diễn ra xuyên suốt tất cả các quá trình. Chúng thường quan trọng trong những sự chuyển tiếp giữa các giai đoạn.
Các giai đoạn phát triển ban đầu được đặc trưng bởi các quá trình tôi luyện được biết như là những vấn đề về sự tăng trưởng của đời sống bề trong. Đời sống của Dawson Trotman đã phản ảnh các giai đoạn này ngay sau khi ông quy đạo.17 Ông cầu nguyện xin Chúa cho ông được làm chứng ở tại nơi làm việc. Đức Chúa Trời đã thử nghiệm sự chân thật của ông bằng một loạt gồm ba thử nghiệm. Trước hết, sự quy đạo của ông có bí mật hay là ông bày tỏ điều đó bằng cách đem cuốn Tân Ước đến nơi làm việc? Dawson đã mang Kinh Thánh đến chỗ làm. Lời đồn nhanh chóng lan đi rằng Trotman đã theo đạo. Đức Chúa Trời lại thử ông một lần nữa. Ông có hiệp nhất với những Cơ đốc nhân khác không, đặc biệt là một người truyền đạo đến tại nơi chứa gỗ và giảng dạy mỗi tuần một lần? Trotman có hiệp nhất và điều này dẫn đến một thử nghiệm khác. Người truyền đạo mời Trotman làm chứng cá nhân. Dawson đồng ý và tin đồn nhanh chóng lan nhanh giữa vòng những người cùng làm việc. Lời làm chứng công khai đầu tiên của Trotman đã biến thành một buổi nhóm truyền giảng cho toàn bộ 200 công nhân cùng làm việc với ông. Qua những thử nghiệm cụ thể này, Đức Chúa Trời bắt đầu uốn nắn và chuẩn bị Trotman cho một chức vụ truyền giáo mở rộng. Sự đại dụng trong tương lai nằm trong những vấn đề nhỏ nhặt như vậy.
Các giai đoạn phát triển giữa thường cho thấy các quá trình tôi luyện trong chức vụ. Điều này liên quan đến các bài học về chức vụ và có những hình thức khác nhau. Một số được gọi là những vấn đề về quyền năng, liên quan đến sự nhận biết và áp dụng quyền phép của Đức Chúa Trời vào chức vụ.
Watchman Nee đã kinh nghiệm các quá trình tôi luyện liên quan đến quyền phép nhiều lần trong đời sống mình. Ông Nee và một nhóm những người Trung Hoa đang truyền giáo cho một ngôi làng nhỏ trên đảo. Vào tháng 1 năm 1925, những người dân chài và nông dân, đang tham gia trong cuộc tổ chức mừng năm mới, không được cởi mở lắm đối với các nhóm tin lành. Những người dân chài tin nơi vị thần có tên là Ta-Wang, là thần mà họ cho rằng đã chứng tỏ quyền phép bằng cách đem lại khí hậu tốt đẹp trong ngày lễ hội đặc biệt suốt 286 năm. Trong một sự tái hiện lại cuộc đối đầu giữa Êli và các thầy tế lễ Ba anh, đội ngũ của Nee và người dân làng đã chứng kiến một cuộc đối đầu giữa Đức Chúa Trời và Ta-Wang. Đức Chúa Trời của Nee đã hành động và một trận mưa lớn đã đến đáp lại đức tin của đội ngũ ông. Những kẻ đã bảo: "Nếu Đức Chúa Trời của ông mạnh hơn thần Ta-Wang, chúng tôi sẽ theo Ngài," đã làm chính xác điều đó. Sự kiện này là một sự đột phá trong chức vụ, không những ở tại hòn đảo ấy mà còn trên tất cả những người khác trong dây chuyền.
Yếu tố nhận diện thứ nhì trong các giai đoạn phát triển là sự kiện biên. Các quá trình tôi luyện xảy ra trong một thời gian giới hạn và là công cụ đem lại sự chuyển đổi từ một giai đoạn này sang giai đoạn kế tiếp được gọi là các sự kiện biên. Các sự kiện biên bao gồm những yếu tố như là khủng hoảng, sự thăng tiến, một chức vụ mới, học tập một khái niệm quan trọng mới, những kinh nghiệm lạ lùng, những cuộc đối đầu với một con người làm thay đổi đời sống, một kinh nghiệm về sự chỉ dẫn của Chúa, hoặc một sự chuyển chỗ về mặt địa lý. Bạn có thể thấy, không có tập hợp những chỉ dẫn. Các sự kiện biên thay đổi từ người này sang người khác, nhưng nói chung, các sự kiện biên là những dấu hiệu thay đổi. Chúng đánh dấu điểm kết thúc và sau đó là điểm bắt đầu của một thời điểm quan trọng trong đời sống một người lãnh đạo.
Giai đoạn I của A. W. Tozer kết thúc bằng kinh nghiệm quy đạo của ông. Giai đoạn thứ II của ông kết thúc bằng việc chuyển từ các khu vực giáo phận nhỏ ở tại Virginia, Ohio, và Indiana đến một giáo phận ở tại Chicago. Đây không những là một sự chuyển đổi về mặt địa lý, mà còn là một sự thay đổi từ một nhóm người vừa phải ở một vùng nông thôn nhỏ đến một hội chúng ở tại thành phố lớn hơn nhiều.
Có ba sự kiện biên quan trọng trong chặng đường của Dawson Trotman từ giai đoạn I sang giai đoạn II. Chúa đã đưa ông đến một sự xác quyết cả đời định hình cho chức vụ mà ông đã bắt đầu. Đường biên thực tế không rõ nét, nhưng kéo dài nhiều tháng. Ba sự kiện biên này được xây dựng và củng cố lẫn nhau.
Đầu tiên là quá trình tôi luyện về lời, điều Chúa thường dùng bởi lời của Ngài để thay đổi đáng kể lối nghĩ của một người lãnh đạo. Trong một giai đoạn chín tháng Trotman chỉ thành lập được 3 câu lạc bộ dành cho các bé trai. Với tốc độ đó thì phải mất một thời gian dài mới mở rộng được trên phạm vi cả nước, nói chi đến thế giới. Liệu ông có thể tăng tốc mức độ này không? Có cách nào tốt hơn để tiến hành công việc này không?
Trong giai đoạn chất vấn này, Đức Chúa Trời đã làm tươi mới và mở rộng mục vụ dựa trên một lời hứa Ngài đã ban cho Dawson trước đó: "Ta coi ngươi là quý báu, đáng chuộng và đã yêu ngươi nên ta sẽ ban những người thế ngươi và các dân tộc thay mạng sống ngươi" (EsIs 43:4). Ông đã cầu nguyện để có những con gặt đến trong mùa gặt của Chúa. Ông bắt đầu nhìn thấy sự khác biệt lớn lao giữa một người chỉ là tín hữu và một con gặt, và thấy được nhu cầu phải tập trung vào việc xây dựng những con gặt mà Chúa có thể tin nhờ. Ông đã bắt đầu rao giảng "Đức Chúa Trời có thể làm được nhiều qua một con người dâng mình cho ngài 100% hơn là qua 100 người chỉ đầu phục 90%."
Lúc ấy Dawson đã viết trên lề trang Kinh Thánh bên cạnh lời hứa của Êsai lời cầu xin này: "Chúa sẽ sớm cho chúng con gặp gỡ một nhóm những thanh niên mạnh mẽ, là những người lính mạnh dạn của thập tự giá, với cặp mắt chú mục vào sự vinh hiển của Ngài" (Skinner 1974:70). Một điều đã xảy đến sáu tháng sau đó. Mục tiêu của Dawson đã thay đổi từ việc chinh phục linh hồn đến việc gây dựng những môn đệ mạnh mẽ và chiêu mộ những con gặt cho Chúa. Sự kiện biên này, một lời hứa đầy thách thức từ Lời Chúa, bắt đầu làm thay đổi chú trọng của ông từ việc chỉ truyền giáo thôi sang việc truyền giáo kèm chăm sóc, đặc trưng của tổ chức The Navigators trong năm mươi năm qua.
Không phải tất cả những sự kiện biên đều tích cực, như chúng ta sẽ thấy ở phần kế tiếp:
Dawson đón một người xin đi quá giang có cách nói năng cho thấy không phải là người tin Chúa, trong giây lát ông đã khám phá người đàn ông này chính là một trong những người ông đã “dắt về Chúa" trong năm trước.Quyết định của anh ta đã không được chăm sóc và anh ta hầu như đã chết trong vườn nho. Bàng hoàng, Dawson lập luận rằng hẳn phải có rất nhiều người đã lấy lòng chân thành, có thể với những giọt nước mắt, kêu cầu danh Chúa, nhưng đời sống không được thay đổi gì cả. Sự trục trặc là do đâu?
Từ đó trở đi, Dawson kiên quyết chăm sóc bất cứ người nào ông đã dẫn về với Chúa - một công việc khó khăn hơn là chinh phục linh hồn - và ông cũng khuyến khích người khác cho những người mình đưa dắt về Chúa cơ hội phải lẽ để được tăng trưởng trong Đấng Christ. Lẽ thật đã hiện rõ, và ông đã có một quyết tâm: "Bạn có thể dẫn một người về với Chúa trong vòng hai mươi phút đến hai tiếng đồng hồ, nhưng phải mất từ hai mươi tuần lễ cho đến hai năm để chăm sóc đầy đủ cho người đó." Người tin Chúa xin quá giang đã làm ông bừng tỉnh, thấy được một sự thật trong chức vụ của mình - bớt nhấn mạnh đến việc đưa người ta đến quyết định tin Chúa mà chú trọng nhiều hơn đến sự tăng trưởng trong Đấng Christ. (Skinner 1974:70).
Sự kiện biên thứ ba gồm vấn để chỉ dẫn, là điều đi trước thay đổi cuối cùng sang giai đoạn kế tiếp. Đó là mối tiếp xúc Chúa đưa đến, được định nghĩa đầy đủ hơn ở chương 6. Trotman được ban cho tên của một người thủy thủ trên chiếc U.S.S. West Virginia . Sau khi cầu nguyện cho sự tăng trưởng của Spencer trong Chúa, Trotman quyết định gặp anh ấy. Trong buổi học Kinh Thánh, Trotman và Spencer được tiếp xúc với một người khác. Người ấy hỏi họ đang làm gì. Trotman đã sử dụng Kinh Thánh một cách khéo léo để làm chứng cho người ấy, và Spencer đã được gây một ấn tượng tốt trước cách sử dụng Kinh Thánh của ông.
Trên đường trở lại nơi đậu thuyền, ông nói: "Chao ôi, tôi chịu mất cánh tay phải của mình để biết cách sử dụng lời Chúa như vậy." Daws đã thách đố anh: "Anh đời nào chịu làm thế." Sau một cuộc trao đổi ngắn, vị thủy thủ nhất định: "Tôi sẽ. Tôi nói nghiêm túc đấy."
Đó chính là sự đáp ứng mà Dawson muốn: "Thôi được, anh có thể. Nhưng điều đó không khiến anh phải trả giá bằng cả cánh tay đâu, song anh sẽ phải sẵn sàng đào sâu nghiên cứu rồi áp dụng cho chính mình. Tôi sẽ dành cho anh tất cả thời gian anh cần." (Skinner 1974:75-76).
Trotman đã làm việc một đối một với Spencer để huấn luyện anh ấy trên cơ sở môn đệ hóa Cơ đốc. Từ mối tiếp xúc ấy và kinh nghiệm đào luyện đã phát sinh khái niệm sinh sôi theo cấp toán nhân thay vì toán cộng, một đặc trưng nữa của Hội Hoa Tiêu (The Navigators) ngày nay.
Chúa đã dùng Lời Chúa, sự chuẩn bị mang tính tiêu cực, và sự chỉ dẫn (mối tiếp xúc Chúa đem đến) suốt thời gian biên này trong cuộc đời của Trotman. Nếu như ông không đáp ứng như đã đáp ứng, có thể ông đã không tiếp tục tiến sang giai đoạn kế tiếp trên bước đường phát triển tư cách lãnh đạo.
Bởi vì bản chất của tư cách lãnh đạo chính là sự ảnh hưởng nên Chúa ban năng lực ảnh hưởng cho những người lãnh đạo. Người lãnh đạo thi hành các ân tứ của mình hiệu quả nhất ở một cấp độ ảnh hưởng nhất định.19 Chúa dùng nhiều cách khác nhau để phát triển một người lãnh đạo có tiềm năng đến chỗ thi hành tư cách lãnh đạo trọn vẹn ở mức độ đó. Phạm vi ảnh hưởng mô tả mức độ hoặc loại ảnh hưởng và những người được ảnh hưởng mà người lãnh đạo phải khai trình với Chúa.20 Sự thay đổi trong phạm vi ảnh hưởng, tăng hoặc giảm về số lượng, hoặc sự thay đổi về loại phạm vi ảnh hưởng thường báo hiệu một sự thay đổi trong các giai đoạn phát triển.
Sự chuyển đổi từ Giai đoạn II sang III của Tozer cho thấy phạm vi ảnh hưởng có thể khác rất nhiều trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong Giai đoạn II, phạm vi ảnh hưởng của Tozer chỉ là trực tiếp - chức vụ mặt đối mặt với những người ông gặp hàng ngày hoặc hàng tuần trong một hội thánh nhỏ. Trong giai đoạn này, ông gia tăng ảnh hưởng từ chỗ là một người mới tin Chúa ảnh hưởng đến những cá nhân đến chỗ là một vị mục sư được tấn phong. Trong Giai đoạn III, phạm vi ảnh hưởng của Tozer gia tăng cả về tầm cỡ lẫn hình thức. Chức vụ trực tiếp của ông là một hội thánh ở thành phố lớn. Nhưng ảnh hưởng của ông còn vượt xa phạm vi này khi ông bắt đầu viết sách, nói chuyện trên đài phát thanh và tại các hội nghị, dạy dỗ trong các tổ chức huấn luyện như trường Kinh Thánh Moody và Trường Đại Học Wheaton. Phạm vi ảnh hưởng trong Giai đoạn III không phát triển một sớm một chiều, mà ngay cả vào lúc bắt đầu nó khác với ảnh hưởng ở Giai đoạn II.
Những Giai Đoạn Phụ
Bởi vì những giai đoạn phát triển có thể gồm một thời gian kéo dài, nên rất ích lợi khi dùng những giai đoạn phụ cho thấy sự phát triển từng bước một của người lãnh đạo trong một giai đoạn dài. Các giai đoạn phụ được đặc trưng bởi những sự kiện biên và bởi những thay đổi nhỏ trong phạm vi ảnh hưởng.
IV. Những Năm Trưởng Thành Của Watchman Nee
A. Những năm cô độc
B. Những năm cấp bách
C. Những năm vinh quang - sự cô lập trong tù
1941
1945
1952
1972
Biểu đồ 2 - 5 Những Giai Đoạn Phụ Trong Giai Đoạn Phát Triển IV của Watchman Nee
Trong mười một năm đầu của giai đoạn này, ông Nee đã vô cùng ý thức về tính cấp bách. Ông dự kiến kết quả mạnh mẽ mà phong trào cách mạng sẽ để lại trên đời sống của những Cơ đốc nhân Trung Hoa. Trong những năm bị cô lập, thuộc giai đoạn phụ A, ông đã bắt đầu chuẩn bị chiến lược của mình. Bởi vì đang chuẩn bị cho tương lai, sự nhấn mạnh của ông trong giai đoạn phụ B là việc huấn luyện lãnh đạo chuyên sâu. Trong giai đoạn phụ C, phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của ông suy giảm vì ông bị tù, nhưng phạm vi ảnh hưởng gián tiếp của ông gia tăng mạnh mẽ vì các sách ông viết được xuất bản. Tất cả đều diễn ra trong giai đoạn IV của cuộc đời Watchman Nee.
Các giai đoạn phát triển được nhận biết bởi ba yếu tố: các quá trình tôi luyện, những sự kiện biên, và những thay đổi về phạm vi ảnh hưởng. Thường có sự ảnh hưởng qua lại giữa ba yếu tố này cũng giúp xác định các giai đoạn phát triển.
Là người lãnh đạo, bạn nên biết rằng Đức Chúa Trời không ngừng phát triển bạn cả đời. Ưu tiên hàng đầu của Ngài là khiến bạn hóa nên theo hình ảnh của Đấng Christ để chức vụ có uy quyền thuộc linh. Kết quả lâu bền ra từ con người của bạn. Ngoài việc biến đổi tâm tánh, Đức Chúa Trời còn gia thêm khả năng của bạn để ảnh hưởng thông qua việc phát triển các ân tứ thuộc linh của bạn.
Mặc dù những chi tiết về mô hình khái quát từ người này sang người khác rất khác nhau, và không phải mọi người lãnh đạo đều trải qua tất cả các giai đoạn này, khái niệm bao quát có giá trị và hữu ích trong sự đánh giá và quyết định.
Tóm tắt
Chúng ta đang ở chỗ nào? Chúng ta đã xác định ba thuật ngữ nền tảng: khuôn mẫu, quá trình, và nguyên tắc. Chúng ta đã xem xét một công cụ phân tích được gọi là dòng thời gian. Chúng ta định nghĩa các giai đoạn phát triển theo dòng thời gian. Chúng ta nghiên cứu giai đoạn phát triển là gì và làm sao để nhận biết. Chúng ta nhận biết các quá trình tôi luyện, các sự kiện biên, và phạm vi ảnh hưởng giúp chúng ta xác định các giai đoạn phát triển của một người. Chúng ta có cái nhìn bao quát về tư cách lãnh đạo như là một cuộc đời gồm các bài học.
Chương này có khiến bạn suy nghĩ về khuôn mẫu phát triển của chính mình không? Tôi hy vọng nó cho bạn sự hiểu biết mới mẻ về sự đụng chạm của Chúa trong đời sống mình bởi cho bạn những cái nhìn mới để nhận biết sự phát triển của Chúa qua khuôn mẫu lãnh đạo của chính mình. Với thái độ khao khát học tập bạn sẽ thấy chính mình đáp ứng trước sự chỉ dẫn của Ngài và nhận biết những bài học mới mà có thể trước đây bạn đã bỏ qua. Loại suy gẫm này về sự hành động của Chúa trong đời sống người lãnh đạo phát triển lòng tin cậy mà người lãnh đạo hầu việc Chúa phải có.
CÒN BẠN THÌ THẾ NÀO ?
Bây giờ là một số phương cách thực tiễn. Dưới đây tôi liệt kê một số câu hỏi để bạn trả lời. Xin đừng bỏ qua. Cũng như với mọi loại học tập, bạn cần áp dụng điều mình học. Vì vậy hãy thực hành điều đó. Hãy chấp nhận mời gọi của các yêu cầu này. Hãy làm rồi chia sẻ những điều đó với một người bạn.
1. Vạch ra dòng thời gian của chính mình. Bắt đầu nhận ra những sự kiện biên chính trong đời sống bạn. Sau đó suy nghĩ lại những gì Chúa đã làm trong mỗi giai đoạn quan trọng đó. Đặt cho mỗi giai đoạn phát triển một tên gọi. Nắm bắt được điều Chúa đã làm trong giai đoạn đó.
2. Sự phát triển của bạn tuân theo khuôn mẫu được khái quát hóa cách nào? Hay khác như thế nào?
3. Mặc dầu tôi chưa nói với bạn cách đến với các nguyên tắc, hầu hết những người lãnh đạo có thể tìm thấy chúng bằng trực giác. Khi bạn suy nghĩ về dòng thời gian và những sự kiện biên quan trọng trong câu hỏi số 1, bạn có thể nhận ra một nguyên tắc lãnh đạo quan trọng mà Chúa đã bày tỏ cho bạn không?
4. Hai lần trong chương này tôi đã đề cập đến một sự quan sát quan trọng: Chức vụ ra từ con người . Bạn có đồng ý với điều đó không? Vì sao có, vì sao không?




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 18-4-2024 05:26 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách