Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2785|Trả lời: 0

Đạo Đức - Tự nhiên chủ nghĩa phi lý

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 6-10-2011 19:35:39 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Đạo Đức Cơ Đốc Giáo Với Các Vấn Đề Cận Đại
Tác giả: Barry Branaman

VII. Tự nhiên chủ nghĩa phi lý (Irrational Naturalism):

Con người tự quyết định lấy trong việc tạo ra một thế giới cho riêng mình.
A. Từ bỏ mọi quy luật khách quan về đời sống trong lúc tìm cách bảo vệ ý nghĩa của các giá trị qua việc tạo quyết định cá nhân cao độ, nhiệt thành và bức thiết.
B. Lý trí không đủ tư cách để xác định thực tại.
C. Vì lý trí không thể xác định được thực tại, ý thức cá nhân xuyên tạc sự hiện hữu.
D. Cuộc đời nhằm vào cái ích dụng, chớ không chú trọng vào chân lý; phải biết tận dụng thiên nhiên.
E. Mọi luân lý đạo đức đều tương đối. Đạo đức học là ý chí tập thể được khẳng định mạnh mẽ.
F. Tất cả những tuyệt đối của chân lý, đạo đức v.v... đều phải được dùng trong cái nhìn của tâm trí khoa học, do đó, nếu khoa học làm ngơ nó, thì nó không xứng đáng cho chúng ta tìm biết.
G. Khoa học phát giác ra thực tại thay đổi như thế nào, do đó, con người phải học tập để biết cách thay đổi và thích nghi với môi trường của mình, như cõi thiên nhiên vậy.
H. Thà chết như một con người hơn sống như một con vật, do đó nếu con người không thể hiểu hay lãnh hội đời sống để đạt đến sự mãn nguyện, thì tự tử là lối thoát.
VIII. Hiện sinh chủ nghĩa (Existentialism). Triết lý về kinh nghiệm là vô nghĩa.
A. Những điểm căn bản.
1. Không đặt cơ sở trên lý trí, nhưng trên khoảnh khắc quyết định để xác định chân lý, thực tại và luân lý đạo đức cho chính khoảnh khắc đặc thù đó. Trong hệ thống này, đã không có gì được định nghĩa cả.
2. Những nhân vật chủ yếu trong dòng hình thành tư tưởng hiện sinh.
a. David Hume: Phủ nhận khả năng biết về cái siêu nhiên và phải trả lời, tính sổ với nó. Về căn bản thuyết của ông ta là Bất khả tri luận về hư vô (nihilisticgnosticism).
b. Immanuel Kant: Phủ nhận sự hiểu biết thật, về lãnh vực thuộc linh dẫn con người đến với luân lý, đạo đức. Phải có lý trí và kinh nghiệm, thế nhưng lý trí là không cần thiết phải hội đủ tiêu chuẩn hay hợp lý. Hệ thống này đại diện cho duy tâm chủ nghĩa với một chút vặn vẹo hiện sinh.
c. Friedrich Nietzsche và Soren Kierkegaard: Thực tại không thể được cảm nhận một cách thuần lý mà chỉ qua “chủ quan cận tiếp” (subjective immediacy) hay kinh nghiệm của khoảnh khắc ấy.
d. Kết luận tổng quát:
i. Tiến trình này là một sức sống mãnh liệt, năng động trong khoảnh khắc, cảm thấy đầy đủ nhất tất cả những gì có thể có, vì đó là tất cả những gì đang có.
ii. Cứu cánh tối hậu là hư vô. Khi người ta tin rằng tất cả các kinh nghiệm đều có thể không được thật sự biết chắc, thì ý nghĩa của đời sống bị suy giảm đi. Thất vọng, sa sút tinh thần và trống rỗng là những thực tại không tránh được của đời sống. Tất cả điều đó sở dĩ như thế vì chẳng có gì cho đời sống cả, chẳng có ý nghĩa gì cho đời sống hoặc sự hiện hữu ngoài ra chính sự hiện hữu.
3. Muốn thấu hiểu các giá trị là sống sai lầm. Vì có một điều gì có thể trở thành một ảnh hưởng chính yếu trong đời sống bạn hơn là chính bạn.
4. Đời sống hiện sinh chỉ là quyết định có tính cách thể nghiệm mà thôi, chớ không phải là một phân tích thuần lý.
a. Thành công trong đời sống là nhờ “bước nhảy vọt của đức tin”. Bước nhảy này chẳng có cơ sở nào vững chắc cả mà chỉ là một quyết định có chủ ý để teo đuổi trong một kinh nghiệm với niềm tin rằng nó là tốt (mà chẳng có sức hậu thuẫn nào cả) hay có một điều tốt nào đó sẽ nảy sinh từ quyết định ấy, và kết quả là kinh nghiệm.
b. “kinh nghiệm sốt dẻo” là mục tiêu của người theo chủ nghĩa hiện sinh. Đây là một kinh nghiệm một kinh nghiệm lớn nhất trong khoảnh khắc thực tại mà một người có thể có, thế nhưng không thể truyền thông được.
5. Nhấn mạnh trên khả năng đích thực của con người để làm thay đổi hay tạo ra chính tương lai của mình bằng các quyết định mình đưa ra. Phần quan trọng trong tiến trình này là việc đưa ra quyết định, chớ không phải việc phân tích thuần lý hay suy tư tính toán bất luận thuộc loại nào. Nó ở trong việc làm chớ không ở trong tư tưởng. Con người hoàn toàn là thú vật. Bất cứ điều gì ngăn trở, hạn chế hay cấm đoán tiến trình đưa ra quyết định của nó là không tốt.
B. Hiện sinh chủ nghĩa yếu tố (Elemental Existentialism): Con người không thể giải quyết được các vấn đề của đời sống, cho nên mới có “bước nhảy vọt của đức tin”.
1. Để giải quyết các vấn đề của đời sống, con người phải vượt khỏi lãnh vực thuần lý để bước sang lãnh vực thí nghiệm để cảm giác lạc thú, vốn là thực tại duy nhất.
2. Chẳng có những nguyên tắc hay một định chuẩn nào làm nền tảng để người ta căn cứ vào đó mà đưa ra các quyết định Tất cả đều có cơ sở là chủ quan tính (bất cứ điều gì mà “bản ngã” con người mong muốn).
3. Hệ quả của hệ thống này là phủ nhận việc có các quyết lệnh đạo đức dọn đường cho con người làm bất cứ việc gì mình muốn.
C. Hiện sinh chủ nghĩa triết học: Con người là giải pháp cho mọi vấn đề của nó theo cách phi-tâm-linh (non-spiritual), tự kỷ trung tâm (self-centered).
1. Vô thần.
2. Hệ thống bắt đầu bằng chủ quan tính. Con người không bị ràng buộc vào một vị phẩm thuộc linh cao cả, vì sự hiện hữu của con người là nền tảng chắc chắn cho việc đưa ra quyết định.
3. Từ ngoài nhìn vào, nó có vẻ như một khoái lạc chủ nghĩa tự kỷ trung tâm (egocentric hedonism), thế nhưng con người có thể chọn để ủng hộ một người khác.
4. Cá tính của một cá nhân do các quyết định của người ấy tạo thành; người ấy là điều mà người ấy quyết định và thực hiện.
5. Con người là một tấn thảm kịch trong đó lối thoát duy nhất là điều người ấy tự làm cho mình.
6. Cái chết là điều chắc chắn duy nhất, do đó:
a. Con người luôn luôn hành động dưới hoặc hướng về, cái áp lực đó.
b. Ý nghĩa của cuộc đời chỉ có trong hiện tại mà thôi.
c. Con người chính là vị “thần” của mình, người ấy cố gắng tự quyết định lấy cái chết của mình.
7. Muốn hoàn thành mục tiêu hàng đầu của mình, con người phải từ bỏ mọi chủ quan tính thuần lý.
D. Hiện sinh chủ nghĩa hữu thần (Theistic Existentialism): Khi Thượng Đế hữu ngã vắng mặt thì con người là vị thẩm phán và nhà làm luật luân lý đạo đức.
1. Không có kiến thức ngoài kinh nghiệm bản thân, do đó, không thể nhận biết được bản thân Thượng Đế.
2. Luân lý đạo đức được đặt trên cơ sở là kinh nghiệm con người, điều này có thể căn cứ vào một nền tảng theo Kinh Thánh, nếu bộ sách ấy được dùng làm một giá trị riêng tư.
3. Con người đích thực hoàn toàn giống các quyết định của nó, không hơn không kém, do đó, bằng việc quyết định có giá trị đạo đức, con người được tham dự cõi vĩnh hằng.
4. Con người trở thành đạo đức nhờ đưa ra những quyết định nhiệt thành, không bị khách quan tính gây trở ngại cho.
5. Thượng Đế “là Đấng vô hạn”, tương đương với một biến cố hay kinh nghiệm có cơ sở là một quyết định, nhưng Ngài không phải là thực tại. Thượng Đế không phải là một người nào đó mà người ta có thể nhận biết trực tiếp căn cứ vào một thực tại vật thể, do đó, sự mặc khải của Thượng Đế được thay thế bằng kinh nghiệm sắp xảy đến. Điều bạn biết hoặc nghĩ về Thượng Đế, chính là điều bạn đã kinh nghiệm được về Ngài.
E. Hiện sinh chủ nghĩa mặc khải (Revelational Existentialism): Thượng Đế “hoàn toàn là người khác” con người chẳng là gì cả.
1. Hệ thống này nhấn mạnh sự “hư không” của con người.
2. Gặp gỡ Thượng Đế, Đấng hoàn toàn là người khác, là điều không thể nào có được.
a. Điều này dẫn tới hành động không kìm chế, vì Thượng Đế hoàn toàn là người khác, con người có thể đụng mạnh vào Ngài nếu người ấy đã có đầy đủ kinh nghiệm.
b. Đây cũng là một phản ứng quá đáng của Hegel, người nhấn mạnh trên lý luận nhiều hơn là hành động.
3. Có tương phản sâu xa giữa biết và thực hiện chân lý.
4. Thực tại duy nhất của sự hiện hữu là đời sống con người, do đó, không thể lãnh hội được các ý niệm thuộc linh hoặc đạo đức hay các thực tại bằng lý trí, vì tất cả các chân lý đạo đức và tôn giáo đều chỉ có chủ quan tính mà thôi.
5. Thượng Đế chẳng truyền thông một chân lý nào cả về các chủ đích, chính Ngài hoặc loài người Ngài chỉ truyền phải vâng lời trong một số các trường hợp cần đáp ứng bằng đức tin khi chúng xuất hiện.
F. Những phản bác
1. Họ bảo rằng Thượng Đế chẳng truyền thông một chân lý nào cả, thế nhưng lại có các mệnh lệnh bảo phải vâng lời, là căn cứ vào đâu? Nếu không phải là Kinh Thánh, thì do uy quyền nào mà Ngài đã truyền lệnh? Sau đó, phải chăng Thượng Đế đã thay đổi, hay Ngài tự mâu thuẫn với các mệnh lệnh của mình?
2. Làm thế nào một Thượng Đế phi ngã, vốn thiết yếu là như thế, lại “thình lình” trở thành hữu ngã mà khỏi tiêu diệt chính “cá tính thiết yếu” của mình? Điều gì ngăn trở không cho Ngài cứ “hữu ngã” luôn? Làm thế nào để một Thượng Đế phi ngã lại đưa ra những mệnh lệnh hữu ngã?
3. Hệ thống này chẳng thiết trả lời cả cho các vấn đề về sự hiện hữu nữa. Nếu sự chết là điều chắc chắn duy nhất thì tại điểm ấy con người không thể muốn hay quyết định cứ sống mãi. Khi khiến cho sự chết trở thành điều chắc chắn duy nhất, toàn thể các thành phần của sự sống đều bị phủ nhận là có thật và thật sự quan trọng cho đời sống.
4. Điều này tạo ra một nan đề cho việc chọn lựa. Khi một người đưa ra một quyết định giữa hai điều có thể chọn, thì có một quyết định có giá trị được căn cứ vào một định chuẩn nào đó. Thế nhưng, nếu mọi định chuẩn đều bị huỷ bỏ cả, thì người ấy đang xâm phạm chính hệ thống của mình. Nếu lời biện hộ để biện minh cho hệ thống ấy là thi hành “bước nhảy vọt của đức tin”, thì đó là một quyết định đã được đưa ra một cách bấp bênh và sẽ kết thúc chẳng có gì là chắc chắn cả. Người ta vẫn không thể biết chắc chẳng hay việc mình làm đó là phải, là đúng, hay sẽ tạo ra một kết cuộc tốt lành hay không.
5. Điểm nhấn mạnh được đặt trên kinh nghiệm của khoảnh khắc, các biến cố lịch sử đều vô nghĩa. Do đó, sự chuộc tội, sự sa ngã, và công trình sáng tạo đều vô nghĩa. Hệ thống này không công nhận mọi kiến thức khác. Con người tự bịt mắt trước thực tại của đời sống để tạo ra một hệ thống nhằm thoả mãn các ước muốn của mình, thế nhưng chính bản chất của hệ thống ấy lại loại trừ bất luận một sự thoả mãn thật sự nào về hiểu biết nếu các ước muốn ấy thật sự được thoả mãn.
6. Nói chung, các hệ thống ấy chẳng đếm xỉa gì đến những hệ quả của các niềm tin của họ. Nếu phải bất chấp chân lý để có lợi cho kinh nghiệm và hành động (sẽ tạo ra lạc thú, mục tiêu cho bản thân hay bất cứ điều gì cho bản thân), nó sẽ dẫn đến một hệ thống duy ngã có thể di hại đến cá nhân khác, trong khi cùng một cá nhân ấy sẽ không để cho hành động ấy được thực hiện đối với mình. Thí dụ, tôi tin rằng nếu đổ nước sôi lên đầu một người để xem anh ta dãy dụa là vô cùng thích thú, thì theo hệ thống của mình tôi sẽ làm như thế, thế nhưng tôi sẽ phản đối cho đến cùng để chắc chắn rằng bạn sẽ không làm điều đó cho chính tôi. Rút cục, một người có thể tin bất cứ điều gì mình muốn, nhưng khi đến lúc phải đem ra thực hành, thì cả anh ta lẫn hệ thống của anh ta đều bị thất bại.
7. Các hệ thống ấy lại thất bại khi đưa ra một luận cứ thuần lý và hợp luân lý bằng phương pháp luận lý học và lý luận thuần lý. Vậy luận cứ phản lại tính cách thuần lý sẽ tự tiêu diệt.
8. Nếu các hệ thống này bổ sung cho nhau trên một căn bản phổ quát, hệ quả là một tình trạng hỗn loại vô chính phủ sẽ nảy sinh và tiêu diệt các hệ thống của họ. Một hệ thống muốn làm được điều tốt cho con người ít nhất cũng phải bảo đảm được nguyên trạng cho số người theo mình, thì mới tồn tại được.
9. Sự hiểu biết các giá trị đã bị bỏ qua để nhường chỗ cho sự định giá vô tâm. Khi làm thế, họ đã thiết lập một giá trị việc làm gắn liền với đời sống của họ: Cho nên, trong một ý thức làm việc đích thực họ sử dụng một giá trị và định chuẩn đã được ngầm hiểu với nhau, điều vốn không phải là những giá trị được mọi người cùng hiểu, để loại trừ nhu cầu hay phần giá trị của các giá trị.
VIII. Duy tâm chủ nghĩa (Idealism): Từ nền tảng cho đến các hình thức cao hơn, điều thiết yếu hướng về niềm tin với sự nhấn mạnh trên sự hiểu biết và niềm tin Họ cũng đồng ý là trong các giá trị có những phẩm chất nội tại.
A. Duy tâm chủ nghĩa yếu tố (Elemental idealism). Nếu bạn có thể làm việc ấy ngay bây giờ và nó đem lại phần thưởng tốt đẹp, thì hãy làm đi.
1. Cũng như phần lớn các hệ thống duy tâm, nó có nhiều niềm tin quan trọng.
2. Mệnh lệnh đạo đức là quy luật về tính cách hợp thời: nó có đem đến ngay điều mà bạn mong muốn không?
3. Đức hạnh cần phải thực thi vì phần thường nó có thể đem đến cho bạn.
4. Ở đâu có thực tại nhiều hơn thiên nhiên, ở đó có niềm tin (tín ngưỡng).
5. Các phản bác.
a. Những niềm tin quan trọng mà không được biến thành hành động đều vô dụng.
b. Đức hạnh phải được đem ra thực hành không phải vì những gì nó đem đến cho cái ta vị kỷ, mà vì lòng tôn kính và vâng lời do tình yêu thương đối với Đấng đã thiết lập đức hạnh.
c. Vẫn còn có sự nhấn mạnh quá đáng và một thành phần của thực tại, là niềm tin.
B. Duy tâm chủ nghĩa hệ thống (Systematic idealism): Điều gì hữu lý, thì có thể chứng nghiệm bằng khoa học.
1. Duy tâm chủ nghĩa thuần lý: Plato, Aristotle, Hegel và Dewey.
a. Phải theo đuổi nếp sống tốt lành, lương thiện là vì chính nó, chớ không phải vì những gì nó đem đến cho bạn.
b. Con người sở dĩ hành động đạo đức, vì người là á thần
c. Con người có thể “bắt liên lạc” được với điều siêu nhiên. Con người có khả năng tiếp xúc với cái siêu nhiên, vì bản thân người là á thần.
d. “Lý trí thần thánh” là một thành phần của con người, do đó, người có mộtđịa vị độc tôn trong thế giới động vật, người là một siêu động vật. Đời sống tự nhiên bị thần (thánh) hoá.
e. Có các ranh giới định phẩm vượt xa các biên giới chủ quan, độc đoán và tương đối. Các ranh giới ấy từ con người mà ra, vì con người là một thành phần của “lý trí tuyệt đối và ý chí đạo đức” của lãnh vực tinh thần (spiritual: thuộc linh) cao hơn.
f. Con người tự nội (intrinsically) vốn là thần linh, do đó...
i. Không có tội lỗi, đó chỉ là một nhầm lẫn do quên lãng.
ii. Chẳng có phải quấy đúng sai vì con người có thể làm điều phải, đúng cho phù hợp với chính mình.
iii. Con người có sự hiểu biết bẩm sinh về điều thiện với đức hạnh và động cơ thúc đẩy, do đó hành động sẽ tự nhiên theo sau kiến thức.
iv. có những phân biệt khách quan khi chúng nảy sinh bên trong con người.
g. Quy luật của sự sống là phải biết phân biệt hợp lý. Rationally được định nghĩa là “lạc mất trong tư tưởng”, do đó chẳng có ranh giới cho lý trí con người), không phải bằng cách tổ chức nhiều kinh nghiệm cảm quan khác nhau thành những nguyên tắc ăn ở ứng xử phổ quát.
h. Kiến thức được mở rộng sang lãnh vực tinh thần (thuộc linh) đạo đức vô hình của vũ trụ đều có thể được chứng nghiệm thuần lý.
i. Các phản bác.
i Thuyết này đánh mất trật tự khách quan vì định nghĩa của nó về khách quan tính thật ra là chủ quan vì nảy sinh từ con người tội lỗi.
ii. Nếu hệ thống này được chấp nhận trên toàn cầu (phổ quát), nó sẽ chẳng quan tâm gì đến điều xấu, điều ác.
iii. Nếu con người là á thần, thế tạo sao người lại quên? Quên để bị đưa đến chỗ sai lầm hay nhầm lẫn thì chưa phải là trọn vẹn, thế tại sao con người lại dám tự xưng là Thượng Đế một cách hợp pháp cho được?
iv. Plato từng bảo rằng “trong thực tại có điều thiện, là một phần của ý chỉ Thượng Đế”. Nếu như thế, thì con người đang lao khổ dưới một định chuẩn kép.
v. Như thế, người ta có thể làm điều xấu điều ác bao lâu nó đưa đến hậu quả phải lẽ. Trong hệ thống này, cứu cánh biện minh cho phương tiện, là điều mà Cơ Đốc nhân chẳng bao giờ chấp nhận.
2. Duy tâm chủ nghĩa theo định đề (Postulational idealism): Kant và Hume. Bởi vì con người có luân lý đạo đức, cho nên có một Thượng Đế đạo đức.
a. Vũ trụ được sắp xếp theo trật tự cơ giới và có thể được chứng nghiệm bằng toán học.
b. Đạo đức tính chẳng có liên quan gì với thiên nhiên. Đạo đức do ý thức về lẽ phải mà có, nếu con người vốn có đạo đức, thì nó phải hành động như thế.
c. Kiến thức không chỉ đến với con người qua các đường dây cảm quan mà thôi, như khoa học là các giới hạn của kinh nghiệm và kiến thức.
d. Chân lý là một tình trạng phổ quát (nó có một cái gì” vượt khỏi tầm với” bị định nghĩa sai, và có cứu cánh bất ngờ).
e. Lý trí cung cấp phần hình thức, còn kinh nghiệm giác quan cung cấp phần nội dung của kiến thức Do đó, các cảm giác là quan trọng nhưng nếu không có lý trí, chúng sẽ chỉ là kinh nghiệm suông mà thôi. Lý trí căn cứ vào kinh nghiệm để tạo ra ý nghĩa, nhưng nó không phải là thiêng liêng thần thánh, mà chỉ là cách biểu hiện phần thiêng liêng, thần thánh trong con người.
f. Kinh nghiệm giác quan cung ứng nội dung duy nhất cho kiến thức, do đó..
i. con người không có kiến thức về những điều thuộc linh hoặc các chủ đích hay cứu cánh khách quan.
ii. con người phải tác động vào lãnh vực đức tin (điều này tương đương với sự vắng bóng của kiến thức).
iii. ngoài lãnh vực của kiến thức chắc chắn (đức tin) chẳng còn có thể biết chắc được điều gì nữa cả.
g. Nền tảng của đạo đức tính là “Tôi phải”, tiếng nói của bổn phận. Vâng theo “quyết lệnh” này trở thành con người thật.
h. Điều thiện duy nhất là làm bổn phận vì đó là bổn phận, là tôn trọng luật đạo đức.
i. Con người tiếp tục “với” Thượng Đế, do đó con người có đạo đức; Thượng Đế có đạo đức theo khuôn mẫu của con người. Con người đưa ra các định đề về cá tính và bản tính của Thượng Đế căn cứ trên cá tính và bản tính của riêng mình.
j. Thượng Đế vốn đạo đức nhưng không phán xét, vì loài người không có tội.
k. Không có định chuẩn đạo đức phổ quát trong vũ trụ này. Nền tảng của đạo đức tính cá nhân là các quyết định mà con người đưa ra(Dẫn tới bước nhảy vọt hiện sinh).
l. Đạo đức còn được căn cứ trên cái thiêng liêng thần thánh (từ trong con người mà ra) và chịu đầu phục bổn phận (khuynh hướng của con người).
Các phản bác căn bản
1. Các hệ thống này không hề giải thích hay đề cập con người như có hình và tượng của Thượng Đế. Vì vậy:
A. Đã không có việc giải thích đầy đủ cho nhân cách thuần lý (rational personality), sự trừu tượng hay tình cảm, những điều khiến con người khác hẳn thế giới loài vật.
B. Vì chỉ là một con vật, con người không có giá trị của một loài do Thượng Đế trực tiếp sáng tạo ra, có lẽ chỉ là một con vật rất khôn ngoan, nhưng cũng chỉ là một con vật không hơn không kém.
C. Đã không có việc lý giải nhất quán hay chính xác về lãnh vực thuộc linh hay những kinh nghiệm xảy ra ở đấy.
D. Do thiếu bản tính thuộc linh - hoặc tích cực hay không tích cực - nên cũng chẳng có tội lỗi, chẳng có việc phản loạn chống lại một uy quyền cao hơn, chẳng có các hành động tội lỗi mà con người phải tính sổ, phải khai trình. Như thế, uy quyền có thể bị thắc mắc đặt vấn đề trên bất cứ cấp bậc nào.
E. Do phủ nhận sự mặc khải của Kinh Thánh một thế bất quân bình dứt khoát đã được tạo ra. Hoặc là phần hồn / xác của con người bị suy giảm để đề cao con người là á thần, hoặc là nó hạ thấp con người xuống để chỉ còn địa vị của một con vật mà thôi.
F. Phủ nhận phần thuộc linh (tinh thần) cũng là phủ nhận luôn sự mặc khải trong viễn ảnh đúng của nó, hoặc những điều mà con người không thể biết (Phục 29:29; Ês 55:8).
2. Việc chú trọng vào chân lý và kiến thức trở thành điều chỉ được căn cứ vào kinh nghiệm mà thôi; nó có tính cách chủ quan và là điều có thể biết được là do bẩm sinh. Con người là uy quyền tối hậu, nắm quyền phán xét và mang trong mình, định chuẩn về chân lý. Vốn hữu hạn, dễ mắc sai lầm, con người lại là công cụ để thanh lọc chân lý và không còn phải đầu phục nó nữa. Vì mọi sự đều tương đối, nên sẽ chẳng còn có định chuẩn khách quan nào ở bên ngoài cả. Do đó, cũng chẳng có việc khai trình tính sổ hay trách nhiệm gì của con người đối với một uy quyền cao hơn. Phủ nhận Thượng Đế và sự siêu nhiên trong Kinh Thánh sẽ đưa đến hậu quả là con người thay thế cho Thượng Đế, và mở cửa cho sự lừa dối thuộc linh cao độ. Việc ấy cũng cất đi tính cách liên tục giữa các dân tộc hoặc các thế hệ vì chẳng còn có lịch sử nào để con người căn cứ vào đó mà hiệp nhất với nhau, vì quá khứ chẳng có gì quan trọng, cả về phương diện thuộc linh lẫn về phương diện lịch sử.
3. Thực tại là cái mà con người tạo ra, chớ không phải là cái thật sự có. Họ bảo rằng con người đang nắm quyền kiểm soát và có thể tạo ra tương lai cho chính mình. Tuy nhiên, thực tại vạch rõ có rất nhiều điều vượt ra ngoài quyền kiểm soát của con người hơn là những điều người có thể nắm bắt được. Nếu thực tại có thể thay đổi được, nó phải khiến cho con người càng có nhiều mục tiêu hơn. Thực tại vốn chẳng bao giờ chịu thay đổi cũng như phải thay đổi vì lợi ích của con người. Sự thật đáng buồn cho con người là người phải tùng phục thực tại nhiều hơn điều người muốn nghĩ đến, nhận thức rõ hoặc đồng ý.
4. Thực tại tối hậu kết thúc trong tuyệt vọng, và sự chết là thực tại cuối cùng qua đó con người có thể được nghỉ ngơi, sau cả một cuộc đời đầy xáo trộn, sóng gió. Thế nhưng vì con người “mua sự dối trá”, thì người kết thúc cuộc đời trong hoả ngục Thực tại tối hậu này loại trừ hẳn niềm hi vọng chắc chắn và sống động của Phúc âm và Chúa Cứu Thế Giê-xu như lời giải đáp cho nhân loại.
5. Bình thường, bên trong phần nền móng của bất kỳ một hệ thống đạo đức học nào cũng đều có một lý tưởng tuyệt đối làm hậu thuẫn cho nó Nếu con người chối bỏ các lý tưởng tuyệt đối bên ngoài để tạo lợi thế cho các định chuẩn tương đối bên trong, thì kết cuộc sẽ là một đời sống không mãn nguyện, chán chường, tuyệt vọng, ít khi kiểm soát được, và vô nghĩa.
6. Trong phần của đạo đức học suy lý không đống ý và chối bỏ các tiến trình duy lý, do tinh thần, họ dùng cùng một nền móng để thiết lập cái vô giá trị, và sử dụng một cách không thích hợp các khả năng lý luận và thuần lý của con người.
7. Các hệ thống ấy tạo ra một sự căn thẳng khi bỏ qua thực tại toàn diện để bênh vực cho một phần thực tại hết sức giới hạn. Trong việc cứ tiếp tục chối bỏ những điều như thế và những việc tương tự khi loại bỏ chân lý, thì lương tâm của họ đã bị chai lì.
8. Bước nhảy vọt hiện sinh của đức tin là hoàn toàn thiếu hướng dẫn và chẳng có nền móng vững chắc nào để đưa ra quyết định mà họ cũng chẳng hề thẩm định được chính xác phần hậu quả Như sự việc vẫn xảy ra là hễ khi nào có đức tin dự phần vào, thì người ta phải tin rằng bất chấp quyết định có như thế nào đi nữa, nó đã được đức tin phê chuẩn rồi. Sự thật thực tế, ấy là có những quyết định rất tai hại cho những hành động tương ứng. Nếu tiến trình này cứ tiếp tục, nó sẽ tạo ra một sự phân vân khi đưa ra các quyết định. Việc này tạo ra một sự căng thẳng khi một người cứ tiếp tục đối đầu với việc đưa ra một quyết định làm mục tiêu tối hậu cho đời sống, thế nhưng tự thâm tâm, người ấy vốn biết rằng các quyết định đã được đưa ra đó đều không phải là những quyết định đúng nhất, tốt nhất. Một khi phải trực diện với một nan đề như thế, nó sẽ dẫn tới một khuôn mẫu là những quyết định sai và tuyệt vọng, chớ chẳng bao giờ đưa ra được một quyết định đúng.
BIỂU ĐỒ TIẾN TRÌNH ĐỐI CHIẾU
ĐẦU VÀO NIỀM TIN, HÀNH ĐỘNG VÀ THÁI ĐỘ
TIẾN TRÌNH TIÊU CHUẨN
Bất cứ con người cho phép điều gì trở thành một phần của đời sống mình, bất cứ người ấy dùng điều gì làm căn cứ cho chân lý của mình, cuối cùng sẽ quyết định cho điều mà đời sống người ấy sẽ phản ảnh.
ĐẦU VÀO: Ý CHÍ CÁC NIỀM TIN Ý CHÍ THÁI ĐỘ VÀ LỜI THƯỢNG ĐẾ VÀ LÝ DO CĂN BẢN HÀNH ĐỘNG LÀ CHÂN LÝ ĐỂ HÀNH ĐỘNG
TIẾN TRÌNH CƠ-ĐỐC
Với Cơ Đốc nhân, đầu vào là quan trọng nhất vì nó xác định nền móng cho đời sống, đức tin và sự kiện. Lời Thượng Đế phải là nền tảng cho đời sống Cơ Đốc nhân. Người ấy không thể lệ thuộc vào một nguồn hay thông tin nào khác để hướng dẫn cuộc đời mình.
Ý CHÍ HÀNH ĐỘNG NIỀM TIN CHÂN LÝ
TIẾN TRÌNH THEO THẾ GIAN
Với người không phải là Cơ Đốc nhân, ý chí vẫn là quan trọng nhất Điều mà cá nhân mong muốn quyết định cách bào chữa (biện minh) cho đời sống, các niềm tin và hành động của người ấy Chân lý thì nhượng bộ tất cả, do đó, không hề có xung khắc với điều kẻ ấy muốn làm.
BIỂU ĐỒ GIÒNG CHẢY CỦA CÁC HỆ THỐNG ĐẠO ĐỨC HỌC SUY LÝ
(xem trong sách)
Các phong trào phi lý của duy tâm chủ nghĩa và tự nhiên chủ nghĩa kết thúc trong nội tâm và chủ quan tính Lý trí hoặc kinh nghiệm là vị “thần” của triết học hiện đại. Nó là khởi điểm của thực tại của họ. Mọi hệ thống suy lý đều đặt con người làm tâm điểm. Cái “thiện” trở thành cái tốt nhất cho sự hiện hữu của con người. Con người không phải tính sổ hay chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, vì tất cả đều tương đối. Phản ứng đối với Tự nhiên chủ nghĩa - không thể quá coi trọng kinh nghiệm. Phản ứng đối với Duy tâm chủ nghĩa - không thể quá coi trọng lý trí. Phản ứng đối với hiện sinh chủ nghĩa - không thể quá coi trọng bất cứ điều gì, ngoại trừ các quyết định cá nhân.





Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 09:09 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách