Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2493|Trả lời: 0

Thần Học Cựu Ước - Tội Lỗi

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 17-1-2012 08:26:45 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Những Chủ Đề Trong Thần Học Cựu Ước

Tác giả: William Dyrness

Tội Lỗi
Tôi dạy cho bàn tay tôi tuân thủ các mạng lịnh của thượng thiên. ..
Ô, ước chi tôi biết được điều gì làm đẹp lòng thần! Điều gì con người thấy là tốt đẹp, lại là đáng ghê tởm trước mặt thần, còn điều gì mà lòng loài người ghen ghét thì lại đẹp lòng thần nhất. Ai là người học biết được ý chỉ của các thần trên cõi thượng thiên, kế hoạch của các thần, sự khôn ngoan trọn vẹn, ai có thể thấu hiểu được những sự đó? Đến bao giờ thì con người khả tử ngu đần mới hiểu được đường lối của các thần?
Lời khôn ngoan của người Ba-by-lôn
“Sự vi phạm của kẻ ác nói trong lòng tôi rằng chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mắt nó. ”
-- Thi Tv 36:1

Nguồn Gốc Tội Lỗi: Sự Sa Ngã
1. Ranh giới của mối tương giao. Bản tính thọ tạo của con người không biểu hiện một cản trở nào trong mối tương giao với Đức Chúa Trời; nó không phải là một điều gì đó - theo như triết lý Hy lạp - cần phải vượt qua. Vì thế khi Đức Chúa Trời đã hoàn tất công việc sáng tạo, Ngài có thể phán rằng nó thật tốt lành (SaSt 1:31). Nhưng theo nhãn quan của loài người thì điều đó không có nghĩa là không có giới hạn nào cho đời sống. Giới hạn không phải là không phù hợp với sự hoàn hảo của công trình sáng tạo người nam và người nữ. Họ phải sống trong một thân xác và lệ thuộc vào đất đai để nuôi dưỡng bản thân mình. Hơn nữa, đã có một giới hạn cố hữu trong mối quan hệ giữa họ và Đức Chúa Trời. Họ phải hiểu Ngài là nguồn gốc và ý nghĩa và bởi lời Ngài họ mới học biết được cách sống thuộc linh. Điều này đã được minh định rõ trong SaSt 2:16, 17.
Trước hết, Chúa đã phán dạy rằng đất đai tươi tốt chính là phương tiện để nuôi dưỡng họ. Ngài phán: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn ” (câu 16 ). Câu Kinh Thánh này như thể một lời khẳng định về một chủ đề quan trọng của Thánh Kinh. Trật tự sáng tạo không phải để cho con người chối bỏ song để cho họ được tận hưởng; nó chính là sự ban tặng của Đức Chúa Trời. Nhưng đồng thời, tại giữa vườn cũng có một cây cấm. Đó là cây biết điều thiện và điều ác. Theo nguyên ngữ Hi-bá-lai, “biết điều thiện và điều ác ” chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là ý thức đạo đức, khởi điểm để một đứa trẻ bắt đầu phân biệt được thiện ác và trở nên một người có trách nhiệm đạo đức (EsIs 7:16). Nhưng chúng ta không nên lợi dụng yếu tố đó để đoán định rằng người nam và người nữ không chịu trách nhiệm đạo đức trước khi sa ngã mặc dầu có một số người mô tả sự vô tội của họ theo cách đó. Có lẽ điều đe dọa họ chính là biết điều thiện và điều ác thông qua kinh nghiệm (từ biết theo nguyên ngữ Hi-bá-lai có nghĩa là biết bằng kinh nghiệm thân thiết). Sự vâng lời luôn được đòi hỏi với bất cứ giá nào, nhưng đồng thời sự bất tuân cũng có khả năng xảy ra.
Thật là vô ích nếu chúng ta muốn biết lý do của sự ngăn cấm đó (“Ai sẽ nói với Ngài rằng: Chúa làm chi vậy? ” Giop G 9:12). Nhưng ít ra chúng ta cũng có thể nói được rằng rõ ràng A-đam và Ê-va đã minh định được sự khác biệt giữa tạo vật và Đấng Tạo Hóa, và nhu cầu quan hệ giữa họ với Đức Chúa Trời phải được định đoạt bởi Ngài chứ không phải bởi họ. Hơn thế nữa, cuộc đời của họ cần phải sống trong sự vâng lời: “Thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài và tríu mến Ngài, vì Ngài là sự sống ngươi ” (PhuDnl 30:20). Sự đe dọa của cái chết không nhất thiết có nghĩa họ là tạo vật bất tử. Có lẽ chỉ cần sự tương giao với Đức Chúa Trời là đủ để bảo vệ họ khỏi sự đe dọa của tử thần. Vậy Hê-nóc và Ê-li có thể nêu gương gì theo suy nghĩ được Đức Chúa Trời đặt để trong tâm trí mọi người. Điều đó chúng ta không dám quả quyết. Theo quan điểm của các nhà thần học truyền thống thì sự ngăn cấm đó chính là một phương thức thử nghiệm. Gerhardus Vos gọi cây tri thức này là “công cụ thiên định để con người được trải qua cuộc thử nghiệm nhằm đạt đến mức độ trưởng thành về đạo đức và niềm tin kèm theo đó là những phước hạnh cao cả nhất” (Vos, 31). Nói một cách khác thì đó là cuộc sát hạch dành cho tổ phụ và tổ mẫu loài người, nếu vượt qua thì họ sẽ đạt đến tầm mức cao hơn về nhận thức trách nhiệm đạo đức. Điều này có thể đúng, dầu cho tất cả chỉ nằm trong phạm trù suy đoán.
Dầu sự thể ra sao thì A-đam và Ê-va cũng không thể viện cớ là quyền tự do của mình bị hạn chế, nhưng ngược lại nữa là đằng khác. Người nam và người nữ không thể tìm thấy tự do bên ngoài trật tự mà Đức Chúa Trời đã định cho họ bằng lời phán của Ngài.
2. Mối tương giao bị đỗ vỡ. Tội lỗi đã xen vào bởi một quyết định bởi ý chí tự do của A-đam và Ê-va trong Sáng Thế Ký chương 3. Điều đầu tiên khiến chúng ta chú ý là sự cám dỗ dẫn đến việc bất tuân mạng lịnh Đức Chúa Trời vốn xuất phát từ yếu tố ngoại tại và được tiếp ứng bởi yếu tố nội tại của trật tự tạo vật. Về cớ tích sự việc này, chúng ta chỉ có thể đoán định được cho đến thời Môi-se, không có dấu chỉ nào cho thấy đó chính là Sa-tan hay chỉ là một công cụ của Sa-tan. Chúng ta chỉ biết về một trong số những tạo vật của Đức Chúa Trời - con rắn. Chỉ sau này (trong sách Khôn Ngoan của Sa-lô-môn 2: 23,24) sự cám dỗ mới được gán cho Sa-tan. Nhưng xuyên suốt Cựu Ước, đã không hề có việc suy đoán về nguồn gốc của sự cám dỗ này (EsIs 14:12-16 và Thi Tv 82:6, 7 có lẽ là những khúc sách duy nhất đã đề cập một cách bóng gió về sự sa ngã của Sa-tan, nhưng thật khó để chấp nhận đó là tín lý). Điều dễ dàng nhận biết nhất đó là điều ác không hề xuất phát từ Đức Chúa Trời mà trái lại nó đến từ một thế lực gian ác nằm trong trật tự tạo vật. Tuy nhiên, nhờ vào Tân Ước mà chúng ta biết được Sa-tan chính là kẻ cầm quyền chỉ huy lực lượng đó.
Trước hết, ma quỷ đã đặt ra một câu hỏi và sau đó là một lời phản bác (SaSt 3:1, 4). Có nghĩa là trước tiên, hột giống nghi ngờ sự thiện hảo của Đức Chúa Trời đã được gieo vào kèm theo một sự đòi hỏi. Qua câu trả lời của bà Ê-va thì rõ ràng bà đã thể hiện sự không nắm chắc về lời phán dạy của Chúa, bởi bà đã thêm thắt ý tưởng vào trong mạng lịnh của Ngài “và cũng chẳng nên đá động đến”, mạng lịnh nguyên thủy của Chúa không phải là như vậy. “Mắt các ngươi sẽ mở ra” soi sáng thêm cho ý nghĩa của câu “biết điều thiện và điều ác”, nghĩa là họ sẽ thấy cuộc đời trong những điều kiện vượt hẳn các giới hạn mà Đức Chúa Trời đã định cho họ. Đây là nguồn gốc mọi tội lỗi: tính kiêu căng (hubris) bắt đầu xuất hiện. Nhưng cần lưu ý là nó chỉ theo sau việc nghi ngờ lời Đức Chúa Trời. Đây là đòn trí mạng đánh vào sự vâng lời cách chiếu lệ. Giờ đây, bà Ê-va đang đứng giữa lời của Đức Chúa Trời với khả năng lựa chọn điều chưa từng biết (Von Rad, 1961, 85). Ngay sau lời nói của con rắn (c. 5) đề nghị đã được chấp nhận.
Đến đây thì sự quyến rũ đã phát huy năng lực của nó. Một khi đã nghi ngờ lời của Đức Chúa Trời thì sự quyến rũ của thể xác và dục vọng trở nên hiệu nghiệm. Họ ăn và mắt họ liền mở ra (c.7). Đây là hậu quả của sự sa ngã nên sau đó khi nghe lời biện giải của Chúa họ cảm nhận được ngay. Tính hồn nhiên của tạo vật đã không còn nữa. Phản ứng đầu tiên (mà Vos gọi là “phản xạ đạo đức” - reflex of the ethical - Vos, 53) là sự xấu hổ. Họ biết tội lỗi của họ đã chạm đến chỗ sơ đẳng nhất trong các mối quan hệ của họ nên họ đã cố gắng tìm cách tự che đậy mình một cách đáng thương.
Đọc phần ký thuật về sự sa ngã với tất cả những ngụ ý đáng sợ của nó, người ta không cảm thấy bất kỳ một ý thức né tránh nào qua biến cố này. Tự nhiên quyền tự do có thể làm người ta nghi ngờ và bất tuân lời của Đức Chúa Trời. G. Oehler (1880,229) cho chúng ta biết: “Con người có thể bước từ tình trạng vô tội sang tình trạng đạo đức tự do chỉ bởi một hành động tự quyết”. Nhưng đó là một quyết định mà tất cả chúng ta đều gặp phải và đến lượt mình, chúng ta cũng hành động như vậy mà thôi.
3. Bảo vệ mối tương giao. Tại đây bắt đầu chủ đề về sự phán xét mang tính cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Tội lỗi phải bị trừng phạt, nhưng sự phán xét bao giờ cũng xen lẫn ơn khoan hồng. Câu hỏi đầu tiên hàm chứa sự nhẫn nhục của Đức Chúa Trời: Ngươi ở đâu? Ai nói cho ngươi biết mình lõa lồ? Ngươi đã làm chi vậy? Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời chẳng cần hỏi sự việc đã xảy ra thế nào, cũng như về sau Ngài chẳng cần hỏi về A-bên trong khi chất vấn Ca-in (SaSt 4:9-12), nhưng Ngài hỏi vì muốn kẻ phạm tội biết ăn năn để tình trạng có thể được phục hồi. Nhưng A-đam đã đáp lại bằng cách đưa vào hai duyên cớ trực tiếp (người nữ) và tối hậu là hai yếu tố ngoại tại chẳng khác gì Ca-in. Chúng ta đã thấy được khuynh hướng tội lỗi thể hiện qua cách ăn ở của con người. Tội sanh ra tội, là hậu quả tự nhiên. Khi chúng ta đã hiểu được trọn vẹn các hàm ý của mối liên hệ hỗ tương giữa các hành động của con người (các hành động của cha mẹ và con cái), chúng ta mới thấy rõ nguyên tội không thể là một hiện tượng riêng biệt.
Đức Chúa Trời phải đoán phạt con rắn, người nam và người nữ. Trước hết, trong trường hợp con rắn, sự thù địch giữa nó với người nữ hàm ý về sự phục hòa giữa Đức Chúa Trời với hậu tự của người nữ. Nhân loại và các thế lực gian ác sẽ chẳng bao giờ thiết lập được nền hòa bình chung kết. Người nam và người nữ sẽ bị tấn công liên tục. Người ta sẽ chẳng làm được gì để xóa bỏ sự thù nghịch, sẽ không có chủ nghĩa anh hùng. Nhưng căn cứ vào Tân Ước, con rắn sẽ bị đạp đầu là dấu chỉ đầu tiên về Phúc Âm. Chính Đấng Christ sẽ phá hủy các công việc của ma quỷ (Mat Mt 1:23, CoCl 2:15, ITi1Tm 2:15, GaGl 4:4).
Đối với Ê-va, Đức Chúa Trời đã báo trước nhiều đau khổ, đặc biệt là việc phải mang nặng đẻ đau. Đó là niềm vui, là mão miện cho bà, đồng thời cũng trở thành nỗi sầu khổ. Cũng vậy, trong mối liên hệ với chồng, bà cũng phải chịu khốn khổ. Sự kiềm chế chuyển từ tình yêu và riêng tư sang thành bản năng (Kidner,1967,71). Tuy bà vẫn còn cái ước muốn sâu xa đó và cứ tiếp tục thỏa mãn nó (Ru R 1:9), những gì bà tìm được cũng chỉ là sự phủ phục tủi nhục mà thôi. Căn cứ vào đó rõ ràng việc chế ngự và đầu phục vốn không phải là một thành phần của trật tự tạo vật mà đúng ra chỉ được đưa vào sau khi loài người sa ngã. Từ ngữ “kẻ giúp đỡ” (SaSt 2:18) có nghĩa là người đối diện, là người hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tương giao của người nam. Tuy rằng Đức Chúa Trời có ý đề cập một trật tự “kinh tế” (hoặc làm việc) nào đó, theo văn mạch rõ ràng đã có sự bình đẳng hoàn toàn trước mặt Đức Chúa Trời và sự tương kính lẫn nhau. Sự sa ngã đã đổi thay tất cả, cho đến ngày nay chúng ta hiện vẫn phải còn vật lộn với các hậu quả của nó.
Trong trường hợp của A-đam, sự rủa sả được áp dụng trong lãnh vực quản trị của ông hơn là cho bản thân ông. Ông sẽ phải lao động khổ nhọc và đổ nhiều mồ hôi. Thật là một kết quả đáng buồn vì tin vào lời hứa hẹn giả dối của con rắn rằng mình sẽ trở nên như các vị thần vậy! Vì cớ A-đam, đất cũng bị rủa sả (3:17). Mối liên hệ căn bản giữa ông với đất có ngay từ thuở khai thiên lập địa, giờ đây phải tiếp nhận một yếu tố mới - thất vọng và cạnh tranh. Ở khắp nơi, quyền làm chủ trên tạo vật bấy giờ đều bị thách thức. Muốn sinh tồn, ông phải lao động và khổ nhọc (có người nhận xét: điều kỳ lạ là chính sự rủa sả lại hướng về cuộc sống!). Công việc - trước đó có lẽ chỉ là niềm vui thú - nay kèm theo lời đe dọa về khả năng thất vọng và thất bại. Qua sự rủa sả này, người ta có thể nhìn thấy các hậu quả tiêu cực của tội lỗi. Vì đối với trật tự sáng tạo, đã không có gì thiết yếu được thêm vào, sự hài hòa lại mất đi, trật tự sáng tạo đã bị đảo ngược. Giờ đây, tính cách phù du và tuyệt vọng trở thành một phần thiết yếu của trật tự tạo vật (TrGv 1:8). Bất cứ đi đâu, con người cũng phải tranh đấu cho trật tự và vẻ đẹp của tạo vật. Giờ đây, tất cả đều thở than rên siết, chờ đợi sự giải thoát. Điều mà Kinh Thánh thường nhắc đi nhắc lại, ấy là muôn vật đang trông đợi (EsIs 11:1-9, RoRm 8:18-21).
Thiết tưởng nên nói qua về tính lịch sử (hay sử tính - historicity) của các chương đầu tiên trong Sáng Thế Ký, vì đây là một vấn đề có ý nghĩa thần học. Nhiều học giả hiện đại nhấn mạnh đây không phải là “lịch sử thông thường” mà là “lịch sử uyên nguyên” (primeval history), cho chúng ta biết chắc chúng ta đến từ Đức Chúa Trời khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa bởi những thế lực hỗn loạn, nhưng không cho chúng ta biết thực sự điều gì đã xảy ra. Chúng ta cần giải thích vài điểm về vấn đề đó. Trước hết, bảo đây không phải là sử ký “theo như chúng ta hiểu” thì khó có thể đúng được, dầu sao, sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử - theo nghĩa khoa học - chỉ mới được có khoảng hai trăm năm nay mà thôi. Chúng ta biết lịch sử đó không phải dưới hình thức sử ký khoa học, không phải nó đã nói rằng sẽ chẳng đem đến cho chúng ta thông tin về những gì đã thật sự xảy ra hay sao. Thậm chí phần hình thức của nó cũng được cải biên. Trong phần ký thuật của Sáng Thế Ký, chẳng có gì cho thấy nó không nhằm mục đích cho biết các sự kiện về buổi ban đầu của chúng ta. Cả khi phần ký thuật có vài đặc điểm giống với những thần thoại của các dân tộc sơ khai cũng không phải lịch sử không thật sự xảy ra như đã chép lại. Thật ra, như Mircea Eliade giải thích: “Thần thoại bao giờ cũng kể lại một điều gì đó như đã thật sự xảy ra, như một biến cố đã xảy ra theo theo đúng nghĩa của nó” (Myths, Dreams, and Mysteries, 1968,16). Hơn nữa, theo quan điểm Thánh Kinh, phần cốt tủy của các ký thuật trong Sáng Thế Ký xuất phát từ những sự kiện đã thật sự xảy ra.
Hơn nữa, nó đã không được viết theo hình thức thi ca, những phần khác của Kinh Thánh cũng không cho chúng ta thấy đó chỉ là một câu chuyện chẳng xảy ra như đã được kể lại. Thật ra, RoRm 5:12-21 đã đặt sự bất tuân của A-đam ngang hàng với sự vâng lời của Đấng Christ để mô tả sự liên kết của chúng ta với tội lỗi và sự công nghĩa. Nếu chúng ta thừa nhận phần ký thuật của Phao-lô, chúng ta sẽ không thể bảo phần ký thuật này là thần thoại, còn phần kia là lịch sử. Nhận xét quan trọng nhất vẫn là các biến cố của những chương sách nói về công cuộc sáng thế do lời phán của Đức Chúa Trời, sự giáo huấn và thái độ bất tuân của A-đam và Ê-va, sự rủa sả và lời hứa. Tất cả đều có ý nghĩa vô giá đối với sự tiến triển đầy trọn công trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Các biến cố trong lịch sử chính là mạc khải và cũng là những phương tiện cho mối quan hệ với Đức Chúa Trời, đó là cốt tủy của quan điểm Thánh Kinh về sự cứu rỗi. Không thể khẳng định cả Kinh Thánh như là một toàn thể thống nhất đồng thời phủ nhận các chương đầu tiên của Sáng Thế Ký (cũng như phần ký thuật về các biến cố của những ngày sau rốt, như nhiều người đang làm). Không thể xem lẽ thật về niềm tin nơi Kinh Thánh chỉ dựa trên truyện thần thoại. Tóm lại, đã không có một trở ngại nào khi xem các biến cố này có tính cách lịch sử, và dường như ngoài một vài định đề triết học, cũng chẳng ai có khuynh hướng phủ nhận điều đó.
Từ Ngữ & Định Nghĩa Tội Lỗi
Cựu Ước có nhiều từ ngữ dùng chỉ tội lỗi hay sự quá phạm. Chúng tạm được chia thành ba loại chính (xem Grayston trong Richardson, 227).
1. Sự sai lệch (deviation). Loại đầu tiên nói về việc đi lệch khỏi một đường thẳng. Từ gốc Hi-bá-lai (j^tt*’t hay j@t’) xuất hiện khoảng 225 lần như một động từ. Khuynh hướng thần học của ý niệm này có thể thấy trong 25 lần xuất hiện cụ thể như “một tội phạm cùng Đức Chúa Trời” (ý niệm này cũng xuất hiện nhiều lần nữa với hàm ý đó). Bắt đầu với Giô-sép (SaSt 39:9), ý niệm này thấy rõ qua lời xưng tội của Đa-vít: “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi ” (Thi Tv 51:4). Ý căn bản của từ ngữ này là sự đi lệch khỏi chánh lộ hay bị sai mục tiêu (nó thật sự được dùng chỉ việc ném đá sai mục tiêu trong Cac Tl 20:16). Một ý niệm tương tự cũng hiện diện trong từ ngữ thường được dịch là “tội” (iniquity - ‘*w{n, XuXh 20:5 và một vài chỗ khác). Nhóm từ ngữ này được dịch là “cong quẹo” (perverse hay perversity - ‘iqq @v) - trong ChCn 28:16 và những nơi khác, nhất là trong văn chương về sự khôn ngoan) nói lên sự sai lệch có chủ ý đối với những qui tắc cộng đồng. Người cong vạy gieo bất hòa và tranh cạnh trong cộng đồng. Họ đi lệch con đường khôn ngoan đó là sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Dầu đi lệch khỏi lòng nhân từ hay vi phạm điều luật đặc thù nào khác cũng liên quan với Đức Chúa Trời là Đấng Thánh và cuối cùng sẽ dẫn đến chỗ hư mất linh hồn.
2. Tội phạm (guilt). Có nhiều từ ngữ ám chỉ tình trạng ở trong tội lỗi: sự phạm tội hay sự vô đạo. Kẻ ác (r*v*u) là kẻ đã phạm tội, do đó đáng bị trừng phạt. Từ ngữ này thường được dịch là gian ác, vô đạo. Đức Chúa Trời “chẳng bảo tồn sự sống của kẻ gian ác ” (Giop G 36:6), đường lối chúng sẽ bị diệt vong (Thi Tv 1:6), chúng sẽ chẳng tìm kiếm Đức Chúa Trời (10:4) mà ưa sự hung bạo (11:5) cuối cùng chúng sẽ bị diệt đi (37:28). Gian ác là tình trạng của kẻ không đứng nổi trước mặt Đức Chúa Trời, bị phó mặc cho cơn thạnh nộ Ngài. Cũng vậy, kẻ gian ác vi phạm luật pháp và phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời. Từ ngữ này có thể có nghĩa là “bị phạt”, “bị kết án” (Thi Tv 34:21-22) hoặc chỉ là “mắc tội” (ChCn 30:10). Nghĩa của danh từ cũng có thể là “tội” (SaSt 26:10) hay “của lễ chuộc sự mắc lỗi” (5:6). Cả đến kẻ phạm tội không cố ý cũng bị kể là mắc lỗi phải dâng của lễ chuộc sự mắc lỗi (LeLv 4:1-3). Ở đây, bản tính khách quan của tội được đưa lên phía trước. Một người phải chịu trách nhiệm về mọi việc mình làm cả khi phạm lỗi mà không biết, cũng phải bồi thường và chuộc lỗi. Tội lỗi phải được “mang lấy” và do đó được cất đi khỏi con người. Bằng cách đó dân sự mới phản chiếu được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.
3. Sự phản loạn (rebellion). Thứ ba là ý niệm về sự phản loạn chống lại người trên hay bất trung đối với một hòa ước. Từ ngữ này thường được dịch (dầu chưa thỏa đáng là “phản nghịch” (trespass - P#s^u) ngụ ý về một hành vi phản nghịch có tính cá nhân (Giop G 34:37). Nghĩa thế tục của nó ám chỉ việc phản lại nhà Đa-vít (IVua 1V 12:19). Trong sách Ê-sai nó được dùng để chỉ về việc dân Y-sơ-ra-ên phản loạn chống lại Đức Chúa Trời là Đấng đã trưởng dưỡng họ (EsIs 1:2). Mối liên hệ hỗ tương và liên đới của tội lỗi được nhấn mạnh trong EsIs 43:27 “Thỉ tổ ngươi đã phạm tội, các thầy giáo ngươi lại phạm pháp nghịch cùng ta ”. Câu này dường như muốn ám chỉ về tộc trưởng (có lẽ là Gia-cốp) chứ không phải A-đam mặc dầu có thể A-đam cũng không được loại trừ. Ở đây, ý nghĩa của tội lỗi được mở rộng với ý nghĩa cố tình quay lưng chống lại cấp trên hay một hòa ước, tức sự bất trung.
Định nghĩa tội lỗi có thể bao gồm tất cả những điểm đã được nhấn mạnh trên đây. Tội lỗi không phải là gặp rủi, tuy điều đó có thể là hậu quả của sự phạm tội nói chung cho tình trạng đó. Trái lại, nó là một sự sai lệch cá nhân và cố ý đối với một mẫu mực, cuối cùng hướng về việc chống lại Đức Chúa Trời. Cả việc vi phạm luật pháp cũng là chống lại Đức Chúa Trời. Vì như John Murray nhận xét, luật pháp chỉ là bản sao sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời (NBI, 1189). Tội lỗi cũng có nghĩa là tình trạng con người làm điều ác trước mặt Đức Chúa Trời và đáng bị trừng phạt. Thật vậy, trong Cựu Ước có nhiều dấu chỉ cho thấy tình trạng làm điều ác trước mặt Đức Chúa Trời đi trước và gây ra hành động vi phạm thật sự. Đa-vít ghi nhận ông được sanh ra trong sự gian ác (iniquity- ‘*w{n)) và được hoài thai trong tội lỗi (j^tt*’t - Thi Tv 51:5). Phạm vi của khuynh hướng phạm tội của con người được thú nhận qua câu: “Các tư tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn ” (SaSt 6:5, Gie Gr 17:9). Tuy ở trong lòng, nhưng tội lỗi tự bộc lộ qua mọi việc người ta làm, họ phạm nhiều tội lỗi (ChCn 29:22). Tội lỗi rình rập để chộp lấy phần quan yếu của và phản ánh bản tính của Đức Chúa Trời nơi con người. Nó đưa đến sự hư hỏng và cuối cùng là sự chết (ChCn 11:19 và Gia Gc 1:15).
Đặc Tính Tội Lỗi Trong Cựu Ước
1. Đặc tính thần học. Trước hết, tội lỗi hoàn toàn mang đặc tính thần học; nghĩa là tội lỗi bao giờ cũng liên quan đến các chủ đích thánh khiết của Đức Chúa Trời. Trong Cựu Ước luôn có quan điểm nhất quán rằng tình trạng và hành động của con người ảnh hường đến vị trí của họ trước mặt Đức Chúa Trời; tội lỗi luôn ngăn trở ân huệ của Đức Chúa Trời. Nó quan trọng đến mức độ nào, điều đó có thể thấy được bằng cách đối chiếu các Thi Thiên về việc ăn năn thống hối trong Cựu Ước với những bài cầu nguyện tương tự trong các nền văn học khác của vùng Cận Đông. Ngoài Cựu Ước, chỉ có sự sợ hãi các thần linh vì vi phạm một số luật lệ người ta mới cần được tha thứ bằng một số lễ nghi đã được qui định. Sự thờ phượng - sẽ được chú thích rõ hơn - mang tính cách tôn giáo hơn là mang tính đạo đức, nghĩa là người ta không ý thức rằng tình trạng đạo đức của kẻ kêu cầu là chướng ngại ngăn trở sự tương giao. Họ biết mình bị đặt dưới những sắc lệnh của các thần nhưng không hề tin rằng các sắc lịnh ấy là công bằng. Sau đây là một bài cầu nguyện của người Ba-by-lôn:
(Về) Chúa tôi - nguyện cơn giận của lòng Ngài trở về chỗ của nó...
Vật mà vị thần của tôi cấm tôi đã vô ý ăn rồi;
Tội ác mà tôi đã phạm - Tôi không hề biết;
Tội lỗi mà tôi đã làm - Tôi chẳng hề hay;
Trong cơn giận dữ của lòng Ngài, Chúa đã nhìn tôi;
Trong cơn giận dữ của lòng mình, vị thần đã quay mặt khỏi tôi;
Xin tha thứ các tội phạm tôi thì tôi sẽ kỷ niệm sự ngợi khen Ngài.
Nguyện lòng tôi như lòng mẹ đã sanh con - trở về chỗ của nó;
Về cha mẹ của ai đó đã sanh con được trở về lại nơi của nó.
(DOTT,113-14).
Rất có thể kẻ ấy đã không cố ý phạm tội, nhưng anh ta phủ nhận việc phạm tội có ý thức. Thật khác xa biết bao so với các Thi Thiên ăn năn thống hối của Cựu Ước, nơi bày tỏ ý thức về sự thất bại liên hệ trực tiếp với ý muốn công chính của Đức Chúa Trời (xem Thi 6, 15, 32, 51, 102)!
2. Đặc tính khách quan. Trong Cựu Ước đã có ý thức bất biến về tính khách quan của tội lỗi. Người ta không thể bỏ qua tội lỗi mà không tìm ra thủ phạm (PhuDnl 21:1-9) nó làm ô uế đất (Dan Ds 35:33). Phải trả một giá chuộc tội (ISa1Sm 14:34, 35). Khách quan tính này phản ảnh các tiêu chuẩn về sự công nghĩa trong trật tự tạo vật cũng như được ban cho trong việc mạc khải luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong trật tự ấy, đã có một qui định mà người ta không thể lẫn tránh hay làm ngơ như không biết đến. Châm Ngôn chương 8 vẽ ra bức chân dung rõ rệt về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời ngay từ khi trái đất này chưa được tạo thành, vì Ngài đã đặt các ranh giới cho nó: “luôn luôn ở trước mặt Ngài ” (c.30), để đoan chắn rằng kẻ nào thiếu khôn ngoan sẽ “tự làm hại mình” mà thôi (c.36).
3. Đặc tính ý thức và cá nhân. Tội lỗi trong Cựu Ước cũng mang tính cá nhân và tính ý thức; nghĩa là tuy tội phạm có thể không cố ý, nhưng tội là do tấm lòng đang ở tình trạng phản loạn cùng Đức Chúa Trời. Mỗi cá nhân đều “luôn có một cuộc cách mạng” (Emil Brunner, Man in Revolt, 152). Tội lỗi căn bản là một hành động tự ý nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời và lời của Ngài (Thi Tv 51:4). Tội lỗi là từ khước quyền tể trị của Ngài (Cac Tl 10:13). Tính cách cá nhân như vậy đặc biệt thể hiện rõ nét qua các sách tiên tri khi bản tính phong phú trọn vẹn của Đức Chúa Trời được hiểu rõ và ý thức trách nhiệm cá nhân trước mặt Đức Chúa Trời được thấu đáo. Tội lỗi ban đầu là từ khước rồi sau đó là lãng quên (OsHs 4:6) đó là một kế hoạch riêng tư nhằm mục đích lìa xa Đức Chúa Trời (EsIs 30:1) đó cũng là ý thức muốn tạo ra các thần tượng để thay thế Đức Chúa Trời (OsHs 13:2). Kẻ bất nghĩa luôn nôn nả phạm tội (EsIs 59:7).
4. Đặc tính phổ quát. Tội lỗi mang tính phổ quát ở chỗ nó xâm nhập vào mỗi bản tánh con người và hết thảy mọi người ở khắp nơi. Nó bắt nguồn từ sự hư hoại căn bản của nhân tánh, ảnh hưởng đến tất cả những gì chúng ta làm ở mức độ nào đó (đặc biệt xem SaSt 6:5). Cả đến cái gọi là tốt lành thiện hảo của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của sự sai lệch ấy (EsIs 64:6). Dĩ nhiên tội lỗi tự bộc lộ theo nhiều cách khác nhau. A-mốt mô tả về sự vô ơn; Ô-sê thì nói đến sự đố kỵ hay ác cảm bên trong Ê-sai thì đề cập đến thái độ tự cao tự đại; và Giê-rê-mi thì nói về sự giả dối sâu kín trong lòng. Chẳng có ai không hề phạm tội (IVua 1V 8:46, Thi Tv 53:1). Như Eichrodt ghi nhận, sự kiện mọi người đều phạm tội cho thấy rõ rằng tất cả mọi người đều nhất thiết liên hệ với Đức Chúa Trời và mối liên hệ ấy không thể bị phá hủy bởi tội lỗi (Eichrodt, II, 408). Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chấp nhận một định mệnh thuyết bệnh hoạn khi tin rằng người ta không thể nào làm điều lành để được Đức Chúa Trời vui nhận. Như Đức Chúa Trời từng diễn giải với Ca-in: “Nếu ngươi làm lành há chẳng được chấp nhận sao? ” (SaSt 4:7). Người ta có thể làm điều đẹp lòng Đức Chúa Trời như Nô-ê và Gióp. Người ta có thể nói chắc chắn rằng: “Vì tôi đã giữ theo các đường lối Đức Giê-hô-va, chẳng có làm ác xây bỏ Đức Chúa Trời tôi ” (Thi Tv 18:21). Niềm tin ấy không phải do tự nhiên nhưng thuộc về những người đã từng trải lòng thương xót của Đức Chúa Trời và kinh nghiệm sự giải cứu Ngài. Muốn đạt được những điều đó, người ta không thể trông cậy vào sự công chính của cá nhân mà chỉ trông cậy vào sự thiện hảo của Đức Chúa Trời mà thôi (xem PhuDnl 9:4-6).
5. Đặc tính cố định. Cuối cùng, tội lỗi có tính cố định như một phần của trật tự tạo vật sa ngã được gọi là tính gắn kết. Như giếng giữ cho nước tươi mát thể nào thì Giê-ru-sa-lem cũng lưu giữ những điều gian ác của nó thể ấy (Gie Gr 6:7). “Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình hay là con beo có đổi được vằn nó chăng? ” (13:23). “Ai có thể biết được? ” (17:9). Sức lôi cuốn của tội lỗi rất mạnh mẽ đến nỗi Giê-rê-mi phải ví sánh như một con thú đang động dục (2:24, 25). Đó là một tình trạng tuyệt vọng như dân Y-sơ-ra-ên vẫn thường thú nhận. Nếu chỉ dựa vào nỗ lực của con người mà thôi thì Cựu Ước cũng như Tân Ước đều không đem lại chút hy vọng nào để con người có thể trở thành công nghĩa cả. Hy vọng duy nhất là tin cậy vào những lời hứa của Đức Chúa Trời để vượt khỏi tình trạng tuyệt vọng hầu nhận được ơn quan phòng cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
Hậu Quả Của Tội Lỗi
1. Phạm tội. Phạm tội dẫn đến sự trừng phạt của Đức Chúa Trời. Đây không phải là hình thức báo ứng về sự rủa sả tất yếu theo như kiểu các ngoại giáo nhưng là một tình trạng xứng đáng cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Nó là một điều kiện khách quan trước khi là một ý thức chủ quan. Như chúng ta đã thấy tội lỗi xuất phát từ bản tánh cá nhân với tư cách là một tội nhân bằng hành vi bất tuân đích thực. Nếu nhận thức đầy đủ về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không khó khăn gì để nhận biết thế nào thực trạng ấy có thể tồn tại trong mối tương giao riêng tư với Đức Chúa Trời. Bản tánh Đức Chúa Trời không hề thay đổi ngay cả khi Ngài kêu gọi những người nam và người nữ đến cùng Ngài. Như vậy, phạm tội là một tình trạng khách quan có khi được nhận biết, có khi không. Có khi chỉ được biết qua sự đoán phạt (IISa 2Sm 21:1). Trong tất cả mọi biến cố, Chúa chẳng thể nào quên (Gios Gs 22:22, OsHs 13:12).
2. Sự trừng phạt. Cuối cùng thì sự trừng phạt của Đức Chúa Trời cũng sẽ xảy ra như là đáp ứng chắc chắn cho hành vi tội lỗi. “Phải biết rằng tội chắc sẽ đổ lại trên các ngươi ” (Dan Ds 32:23). Yếu tố căn bản của sự trừng phạt, thậm chí bày tỏ qua nỗi cô đơn và thống khổ ấy là bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời (EsIs 59:2). Việc đến ra mắt Đức Chúa Trời bị từ chối (ISa1Sm 14:37-41). Sự phán xét sau cùng sẽ xóa tên kẻ phạm tội khỏi “sách sự sống” (Thi Tv 69:28) Âm phủ (Sheol) sẽ là chỗ ở cho kẻ ác (49:14). Trước đây, chúng ta từng ghi nhận Đức Chúa Trời có thể dùng cả điều ác cho những mục đích làm vinh danh Ngài và chúng ta sẽ gặp lại điều đó trong phần thảo luận về sự thờ phượng. Nhưng ở đây, thiết tưởng cần ghi nhận rằng các chủ đích của Đức Chúa Trời vẫn đạt được trong trường hợp có kẻ phạm tội (SaSt 45:8, Thi Tv 76:10) song muốn cho an toàn hơn thì nên nói đó là hậu quả hơn là mục đích của tội lỗi.




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 20-4-2024 04:31 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách