Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 6177|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 3 - Dẫn nhập Ê-phê-sô

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 1-9-2011 08:40:42 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Kinh Thánh 3

Dẫn nhập Ê-phê-sô

Trước giả, niên đại và địa điểm viết thư:
Trước giả tự xưng là Phao-lô (Eph Ep 1:1; 3:1; tham chiếu 3:7,13; 4:1; 6:19-20). Một số người viện việc thiếu vắng những lời chào thăm cá nhân thông thường và nhiều câu nói giống nhau ở nhiều phần trong thư Cô-lô-se - trong số nhiều lý do khác nữa - để làm cơ sở nghi ngờ tác quyền của sứ đồ Phao-lô. Tuy nhiên, đây có thể là một bức thư luân lưu, nhằm vào nhiều Hội Thánh khác nữa ngoài Hội Thánh tại Ê-phê-sô (xem các chú thích ở 1:1,15; 6:21-23). Có thể Phao-lô đã viết thư này đồng thời với thư Cô-lô-se - nghĩa là khoảng năm 60 S.C trong lúc ông bị cầm tù tại Rô-ma (xem 3:1; 4:1; 6:20).
Thành phố Ê-phê-sô:
Ê-phê-sô là thành phố quan trọng nhất tại vùng cực Tây Tiểu Á châu (Thổ nhĩ kỳ ngày nay). Nó có một hải cảng, thời bấy giờ được nối liền với sông Cayster đổ ra biển Á-để-á. Vì nó cũng là một giao lộ của nhiều con đường thương mại lớn, Ê-phê-sô vốn là một trung tâm buôn bán. Nó tự hào về một ngôi đền thờ nữ thần La Mã Đi-anh (Diana, là nữ thần Artemis của Hy Lạp), tham chiếu Cong Cv 19:23-31. Phao-lô đã dùng Ê-phê-sô làm một trung tâm để truyền giảng Phúc âm trong khoảng ba năm (xem chú thích ở Cong Cv 19:10), và Hội Thánh tại đó rõ ràng là đã phát triển nhanh chóng một thời gian, nhưng về sau cũng nhận được lời cảnh cáo cần thiết của KhKh 2:1-7.
Bức thông điệp:
Khác với nhiều thư khác mà Phao-lô đã viết, người Ê-phê-sô không được đề cập đến việc có liên hệ với bất kỳ một lầm lỗi hay tà giáo cá biệt nào. Phao-lô đã viết nhằm mở rộng tầm nhìn cho các độc giả của mình, để họ được thấu hiểu thêm các chiều kích của chủ đích đời đời của Đức Chúa Trời và của ân điển Ngài, hầu tán thưởng các mục tiêu cao cả mà Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh Ngài.
Bức thư được bắt đầu bằng một chuỗi liên tục những lời phát biểu về các phước hạnh của Đức Chúa Trời, chen vào rải rác là những câu hết sức khác lạ lưu ý mọi người đến sự khôn ngoan, tư tưởng và chủ đích vốn có từ trước vô cùng của Đức Chúa Trời, Phao-lô nhấn mạnh rằng chúng ta sở dĩ được cứu chẳng những chỉ vì lợi ích cá nhân, mà còn là để cho Đức Chúa Trời được ca ngợi và tôn vinh nữa. Tuyệt đỉnh của chủ đích của Đức Chúa Trời “khi kỳ mãn” là nhằm “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ” (Eph Ep 1:10). Điều vô cùng quan trọng là người Ê-phê-sô hiểu được điều đó, cho nên ở 1:15-23 Phao-lô đã cầu nguyện để họ thấu triệt được vấn đề (còn một bài cầu nguyện thứ hai nữa trong 3:14-21).
Sau khi giải thích các mục tiêu quan trọng của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh, Phao-lô tiếp tục vạch rõ các bước tiến nhằm kiện toàn chúng. Thứ nhất, Đức Chúa Trời đã phục hoà từng người một với Ngài như một hành động do ân điển (2:1-10). Thứ hai, Đức Chúa Trời đã hoà giải những cá nhân đã được cứu đó với nhau. Chúa Cứu Thế đã triệt hạ các bức tường ngăn cách bằng chính sự chết của Ngài (2:11-22). Nhưng Đức Chúa Trời còn làm một điều vượt xa hơn thế nữa: Ngài đã kết hợp tất cả các cá nhân đã được hoà giải ấy lại với nhau thành một thân thể duy nhất, là Hội Thánh. Đây là một “huyền nhiệm” vẫn chưa được ai biết rõ cho đến khi nó được mặc khải cho Phao-lô (3:1-6). Bây giờ ông có thể vạch ra càng rõ hơn điều mà Đức Chúa Trời muốn trên Hội Thánh, ấy là nhờ Hội Thánh Ngài sẽ phô bày “sự khôn ngoan muôn mặt” của Ngài cho “những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời” (3:7-13). Nhờ nhiều lần nhắc đi nhắc lại về “các nơi trên trời” (1:3,20; 2:6; 3:10; 6:12) thì rõ ràng đời sống của Cơ-đốc nhân không phải chỉ có trên bình diện là đất này mà thôi. Nó còn nhận được ý nghĩa từ thiên đàng, là nơi Chúa Cứu Thế từng được tôn cao bên hữu Đức Chúa Trời (1:20).
Tuy nhiên, cuộc đời này vẫn còn phải được sống trên đất, là nơi sinh hoạt thực tế của mỗi tín hữu vẫn phải tiếp tục để hoàn thành các chủ đích của Đức Chúa Trời. Chúa đã thăng thiên ban “ân tứ” cho các thành viên của Hội Thánh để giúp họ phục vụ lẫn nhau hầu xúc tiến sự hiệp một và trưởng thành (4:1-16). Sự hiệp một của Hội Thánh dưới quyền lãnh đạo của “cái đầu” là Chúa Cứu Thế, làm hình bóng về sự hiệp một của “muôn vật… cả ở trên trời và ở dưới đất” dưới quyền tể trị của Chúa Cứu thế (1:10). Cuộc đời mới thánh khiết và tôn trọng lẫn nhau sẽ tương phản rõ rệt với cuộc đời cũ không có Chúa Cứu Thế (4:17-6:9). Những ai “mạnh dạn trong Chúa” sẽ chiến thắng kẻ ác trong cuộc tranh chiến quan trọng này nhất là nhờ quyền năng của sự cầu nguyện (6:10-20).
Bố cục:
I. Những lời chào thăm (1:1-2)
II. Chủ đích của Đức Chúa Trời: Sự vinh hiển và quyền làm Đầu của Chúa Cứu Thế (1:3-14)
III. Cầu nguyện cho các tín hữu thấu hiểu chủ đích và quyền phép của Đức Chúa Trời (1:15-23)
IV. Các bước tiến tới việc hoàn thành chủ đích của Đức Chúa Trời (2:1-3:21)
A. Sự cứu rỗi từng cá nhân bởi ân điển (2:1-10)
B. Sự hoà giải giữa người Do Thái với người ngoại quốc nhờ thập tự giá (2:11-18)
C. Người Do Thái và người ngoại quốc được họp lại một nhà (2:19-22)
D. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời được bày tỏ thông qua Hội Thánh (3:1-13)
E. Cầu nguyện xin được từng trải sâu nhiệm hơn về sự hoàn toàn đầy đủ của Đức Chúa Trời (3:14-21)
V. Các phương pháp thực tiễn nhằm hoàn thành chủ đích của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh (4:1-6:20)
A. Sự hiệp một (4:1-6)
B. Sự trưởng thành (4:7-16)
C. Đổi mới đời sống cá nhân (4:17-5:20)
D. Sự tôn trọng lẫn nhau trong các mối liên hệ cá nhân (5:21-6:9)
1. Nguyên tắc (5:21)
2. Chồng với vợ (5:22-33)
3. Con cái và cha mẹ (6:1-4)
4. Tớ và chủ (6:5-9)
E. Sức mạnh trong cuộc chiến thuộc linh (6:10-20)
VI. Kết luận, những lời chào thăm và chúc phước cuối cùng (6:21-24)



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 12:17 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách