Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3012|Trả lời: 0

Chuyện Trăm Năm 3

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 20-9-2011 08:11:28 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Chuyện Trăm Năm
Tác giả: Walter Trobisch

Chuyện Trăm Năm 3

Trong khi hội chúng hát thánh ca kết thúc, tôi có cảm giác ê chề của một người bại trận. Hội chúng quá im lặng vào phần cuối. Tôi không thể cưỡng lại tâm trạng muốn biết ý kiến của Daniel cho được an tâm.
Tôi nói nhỏ với ông:
- Có dài quá không?
- Không dài đâu, hội chúng nghe rất chăm chú.
- Nhưng sao đến cuối họ lại yên lặng quá vậy?
- Ở đây như vậy đó. Càng cảm động họ càng yên lặng.
Tôi không biết có phải Daniel cố tỏ ra lịch sự hay không. Tôi hỏi thẳng:
- Anh nghĩ sao về bài giảng? Có tệ quá không?
Daniel cười thông cảm như thể ông rất quen thuộc với những cảm nghĩ của tôi, ông bảo:
- Anh đã nắm được sừng bò.
- Anh có nghĩ là họ phật ý không?
- Không. Có nhiều điều khi tôi nói họ không chấp nhận, nhưng lại chấp nhận khi anh nói. Nhưng nếu họ phật ý thì có sao đâu? Đó đâu phải là sứ điệp của anh, phải vậy không? Bây giờ anh ra chào mọi người đi kìa.
Họ đi thành hàng, lần lượt bắt tay tôi bằng hai tay theo phong tục, Miriam là người cuối cùng.
- Xin giới thiệu với ông, đây là Timothy, chồng hứa của tôi.
Một chàng trai trong bộ quân phục bước đến chào tôi. Da anh ngăm đen và thấp hơn Miriam một chút. Thân thể anh rắn chắc, vạm vỡ.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ cho chúng tôi bài giảng thật quí. Tôi rất mong được nói chuyện với ông.
- Anh về khách sạn với tôi được không?
Tôi cùng Miriam và Timothy ra xe của Maurice, vừa đi tôi vừa hỏi Miriam:
- Cô nghĩ sao về bài giảng?
- Tôi được dạy dỗ nhiều. Vấn đề của tôi và Timothy là ở góc trái của tam giác. Góc “gắn bó”. Chúng tôi không rõ mình có gắn bó đủ để lìa cha mẹ hay không.
- Được rồi, Timothy và tôi sẽ cùng bàn vấn đề đó.
Nghe nói vậy Miriam có vẻ vui hẳn lên. Timothy và tôi bước vào xe của Maurice. Trong khi xe chạy về khách sạn, tôi vừa cười vừa nói với Maurice:
- Thế nào ông bạn “người cày chưa có ruộng”!?
Anh ta nói:
- Tôi thấy thật khó. Ông nói rất đúng về một người đàn bà goá - một vật sở hữu thiếu sở hữu chủ. Đó chính là lý do khiến tôi luôn suy nghĩ và thấy mình phải có bổn phận đối với người mẹ goá bụa của tôi. Ông thấy không, tôi không thể “lìa” và vì vậy nên tôi cũng không thể “gắn bó” với ai cả.
- Và anh cũng không có cha để mua cho anh một mảnh vườn.
- Vâng, tôi phải đi làm để tự kiếm tiền, vừa ăn học vừa chăm sóc mẹ. Tôi nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục phụng dưỡng mẹ. Nếu ông bảo điều kiện trước tiên để một người có thể kết hôn là phải “lìa” mẹ mình, tôi e rằng tôi sẽ chẳng bao giờ lập gia đình được.
- Tôi đã nói “lìa” không có nghĩa là bỏ mặc người thân của mình trong lúc họ gặp khó khăn kia mà.
- Vâng, tôi vẫn hiểu vậy, nhưng làm sao áp dụng điều này vào thực tế được? Nếu tôi cưới vợ, tôi phải đem mẹ về ở với tôi. Làm sao tôi có thể lìa mẹ khi bà ấy vẫn phải sống chung với chúng tôi?
- Có một điểm khác nhau anh cần phân biệt. Nếu cứ ở nhà cũ, vợ anh sẽ phải về sống trong nhà của mẹ anh, điều này thường đưa đến nhiều rắc rối. Nhưng nếu anh ra khỏi nhà và bắt đầu xây dựng nhà riêng, như vậy anh đã thật sự “lìa”. Sau đó anh mời mẹ về sống với anh, như vậy sẽ ít gặp xích mích.
Chúng tôi dừng trước khách sạn.
Maurice nói khi tôi và Timothy bước ra khỏi xe:
- Vậy thì vấn đề của tôi bây giờ là cần có một thiếu nữ.
- Tôi nghĩ anh đã có một người rồi.
- Ý ông nói người mà tôi nói chuyện trên xe buýt mỗi ngày chớ gì? Tôi chưa biết ra sao. Sau bài giảng tôi tự hỏi không biết cô ta có phải là người cùng tôi “nên một thịt” để có thể chia sẻ mọi sự như ông đã dẫn giải hay không.
- Nếu anh lớn hơn cô ta mười tám tuổi, có lẽ cô ấy ở vào cỡ con gái anh, anh sẽ lâm vào thế phải cư xử với cô ta như vậy. Hoặc giả trong điều kiện thuận lợi nhất thì cô ta chỉ là một mảnh vườn biết vâng lời chớ không phải là một người bạn đời.
Maurice cười lớn:
- Có lẽ đây là lý do vì sao đàn ông Phi Châu ưa cưới vợ trẻ. Họ muốn có mảnh vườn biết vâng lời. Thưa mục sư, vấn đề của tôi là không biết cách làm quen và nói chuyện với một thiếu nữ một cách đàng hoàng.
- Được, chúng ta sẽ bàn chuyện đó vào ngày mai. Anh cũng sẽ đến đón tôi chớ? Nhớ đưa mẹ anh cùng đi.
- Mẹ tôi? Chi vậy? Bà đã hơn sáu mươi. Tôi nghĩ bà không lưu tâm đến việc nghe giảng về tính dục và tình yêu đâu.
- Anh cứ đưa bà đến nhóm đi.
Maurice lái xe đi rồi, tôi cùng Timothy lên phòng. Chúng tôi vào đề ngay. Tôi nói:
- Miriam có nói chuyện với tôi hồi chiều ở phi trường.
- Có, tôi biết. Ông thấy Miriam có được không?
- Dễ thương và cũng đẹp nữa.
- Nếu tôi cưới Miriam, theo ông thì có hạnh phúc không?
- Anh nghĩ rằng cô ấy sẽ đồng ý kết hôn với anh?
- Đó chính là vấn đề. Miriam đang do dự không biết chúng tôi có hợp nhau không.
- Cô ấy có nói với anh vì sao do dự không?
- Dạ không. Chúng tôi rất ít nói chuyện với nhau. Nhưng tôi có thể đoán ra điều đó. Tôi thấp hơn nàng khoảng hơn một phân và lại đen hơn nàng một chút nữa.
- Đen hơn có hại gì?
- Có chớ, chúng tôi nghĩ nếu bớt đen một chút sẽ đẹp hơn.
- Tôi không nghe Miriam đả động gì đến điều đó.
- Vậy nàng đã nói gì?
- Tôi mong chính anh sẽ hỏi nàng.
- Nhưng thưa mục sư, chúng tôi không thể nói chuyện với nhau về những điều đó. Tôi nghĩ Miriam muốn ông nói với tôi nên nàng mới sắp xếp buổi nói chuyện này.
- Tôi hiểu, nhưng tốt hơn chính cô ta phải nói chuyện với anh, vì như vậy hai người mới học được một điều không thể thiếu trong hôn nhân. Đó là chia sẻ.
Timothy im lặng.
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Dạ hai mươi hai.
- Anh có biết Miriam bao nhiêu tuổi không?
- Thưa không, nàng chưa bao giờ cho tôi biết.
- Cô ta làm được bao nhiêu tiền mỗi tháng?
- Tôi chưa bao giờ hỏi nàng điều đó. Tôi rời ghế nhà trường sau khi học xong lớp tám. Sau đó tôi vào quân đội.
- Hiện nay anh có dự tính gì không?
- Mục sư muốn nói sao? Dự tính?
- Anh đang hướng đến điều gì? Có ước mơ gì ở tương lai không?
- Không có gì đặc biệt. Vài năm nữa tôi có thể lên trung sĩ. Có lẽ chỉ có thế thôi.
- Còn Miriam thì đã tốt nghiệp trung học, làm nhiều tiền hơn anh, lại lớn hơn anh một tuổi.
- Vậy à? - Anh ta có vẻ suy nghĩ - Nhưng đây có phải là những ngăn trở cho hôn nhân không?
- Thường thì không phải. Còn có những ngăn trở lớn hơn.
- Liệu cuộc hôn nhân của chúng tôi có thành công không?
- Có thể thành công nhưng không dễ. Nó đòi hỏi phải nỗ lực nhiều. Nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào việc hai người có yêu nhau đủ để thực hiện nỗ lực này không.
- Nhưng... thưa mục sư, tôi yêu nàng - Timothy quả quyết - Nếu không cưới nàng, tôi không biết mình sẽ làm gì.
- Tự tử phải không?
- Đã có lần tôi nói với nàng như vậy.
- Đây là lầm lỗi lớn nhất của anh. Timothy à, điều này khiến tôi nghi ngờ không biết anh có thật yêu nàng không?
- Tại sao ông nghĩ vậy?
- Vì anh cố làm áp lực với nàng bằng cách doạ dẫm. Đó đâu phải là yêu. Tình yêu không bao giờ ép uổng người khác. Tình yêu thật đem đến cho người khác tự do hoàn toàn, ngay cả quyền tự do nói “không”. Nếu lấy anh để anh khỏi tự tử là nàng lấy anh vì sợ, không vì yêu.
- Nhưng tôi có thể làm gì để cho nàng yêu tôi?
- Hãy tỏ cho nàng biết anh yêu nàng. Không phải bằng cách đe doạ nhưng bằng nỗ lực làm việc.
Timothy có vẻ sợ:
- Làm việc sao? Làm việc gì?
- Làm ngay trong bản thân anh.
Anh ta nhìn tôi không hiểu gì cả.
- Trong quan hệ của anh với Miriam, điều làm tôi lo lắng hơn cả không phải là khác biệt về tuổi tác, về học vấn nhưng vì anh thiếu cao vọng, thiếu ao ước. Tôi chắc chắn rằng Miriam mong mỏi nàng có thể tiến xa hơn trong tương lai. Nhưng anh vừa nói với tôi rằng anh có thể lên cấp trung sĩ, chỉ có thế thôi. Anh thiếu ao ước, thiếu cao vọng. Nếu anh lấy Miriam, đây là nguyên nhân gây ra những rắc rối trong đời sống lứa đôi.
- Nhưng tôi không thể thay đổi chiều cao, tuổi tác hay thay đổi trình độ học vấn mà tôi đã có.
- Dầu sao đi nữa anh vẫn có thể thay đổi ước vọng của anh. Thay đổi điều gì anh có thể thay đổi được. Điều này sẽ bày tỏ cho Miriam tình yêu của anh đối với nàng như thế nào.
Timothy yên lặng suy nghĩ. Anh cần phải suy xét về chính mình.
Timothy rời khỏi phòng tôi với nét mặt không vui. Tôi chắc là anh ta không ngờ nói chuyện với tôi lại đi đến kết cục như vậy. Sau khi Timothy về tôi nhớ ra mình đã trải qua một ngày mệt nhọc. Để nguyên bộ quần áo chưa thay, tôi chợp mắt một chút. Đang thiu thiu ngủ điện thoại lại reo.
- Tôi là người đã gọi ông hồi chiều.
- Tôi rất mừng cô đã gọi lại. Tôi quên không hỏi tên và địa chỉ của cô.
- Tôi không muốn ông biết tên và địa chỉ của tôi. Tôi không muốn chồng tôi biết tôi đã nói chuyện thế này.
- Cô đang gọi cho tôi ở đâu đó?
- Tại nhà. Chồng tôi vừa mới đi uống bia. Nhưng khi nào anh ấy về tôi phải cúp máy ngay.
- Tôi hiểu.
- Hồi tối tôi có đến nghe ông giảng. Tôi trốn học nhưng phải trở lại trường trước khi chồng tôi đến đón, nhờ vậy anh ấy không biết tôi đến nhà thờ.
- Thế cô nghĩ sao về bài giảng?
- Bài giảng của ông rất hay. Chỉ có một điều tôi không thích là hình tam giác.
- Cô không thích à. Có gì sai không?
- Không phải vì nó sai, nhưng chỉ vì tôi không thích. Nó có quá nhiều góc cạnh và mũi nhọn gây thương tích. Đó là cách suy nghĩ của đàn ông về hôn nhân: toàn là góc và đường thẳng. Tất cả phải vừa khít, ăn khớp với nhau. Thật hoàn toàn không hấp dẫn đối với tôi.
- Cám ơn cô.
- Khi suy nghĩ về hôn nhân, tôi nghĩ đến một cái gì tròn trịa, mịn màng. Cái gì đó ông có thể quấn quanh mình như chiếc áo choàng ấm áp.
- Có lẽ tôi nên vẽ một vòng tròn với ba phần.
- Tôi nghĩ đến một cái hay hơn. Khi nhìn hình tam giác ông vẽ trên bảng, tôi nghĩ nó gần giống như một cái lều vậy.
- Một túp lều à?
- Vâng, một túp lều. Ít nhất phải có ba trụ, nếu không có đủ nó không thể đứng được. Nhưng nếu nó đứng ông có thể chui vào bên trong và cảm thấy ấm áp, an toàn trong mưa gió và giông tố. Đó là hình ảnh tôi thích nghĩ về hôn nhân.
Tôi chưa từng nghĩ theo cách đó.
- Cô có cảm thấy như vậy trong căn nhà cô đang sống không?
- Không. Túp lều của tôi chưa được hoàn tất. Còn thiếu chóp lều. Góc ông gọi là góc “lìa khỏi”, góc tượng trưng cho hành động công khai hợp pháp của hôn nhân. Ấy là một đám cưới.
- Nếu chóp lều còn thiếu, chắc chắn mưa đang rơi vào trong lều của cô.
- Đúng vậy thưa mục sư, trời đang mưa tầm tã. Chẳng có gì là ấm cúng cả. Ai có thể giúp tôi sửa lại căn lều?
- Nếu cô muốn, tôi sẽ giúp cô sửa lại.
- Tôi đã lìa cha mẹ mà vẫn chưa được kết hôn cách hợp pháp và công khai.
- Không, việc lìa khỏi của cô khác với điều Kinh Thánh dạy, đó không phải là một sự ra đi có sự thoả thuận của cha mẹ. Tự nguyện ra đi và cho phép ra đi, ra đi trong thoả thuận như vậy cuối cùng sẽ làm cho họ gần gũi với nhau hơn. Còn cô đã lìa khỏi cha mẹ mà không có sự đồng ý cho nên bây giờ họ cũng bỏ mặc cô trơ trọi.
- Nhưng tại sao chồng tôi lại không hoàn tất cái chóp của túp lều?
- Có lẽ vì anh ta biết cô không thể trở về với cha mẹ mình nữa.
- Chẳng sao, vì ít nhất anh ấy đã không đối xử với tôi như đối với một mảnh vườn.
- Điều gì làm cô đoan chắc như thế?
- Anh ấy không muốn có con.
- Có thể anh ta không muốn xem cô như một mảnh vườn rau quả nhưng xem cô như một vườn hoa. Chỉ để mua vui trong giờ rảnh rỗi.
- Nhưng ảnh không hề mua tôi. Ảnh đâu có trả giá cho một sính lễ nào!
- Dầu sao anh ta vẫn trả tiền để cô được học hành.
- Chẳng lẽ ông lại nghĩ đây là hình thức khác của “sính lễ” làm tôi phải lệ thuộc ảnh sao?
- Tôi không dám chắc trước khi nói chuyện với anh ta. Nhưng đó là điều có thể.
- Nhưng tôi yêu anh ấy.
- Tôi biết cô yêu anh ta nếu không cô đã không gọi cho tôi.
- Anh ấy cũng yêu tôi nữa, đó là lý do ảnh chịu mọi tốn kém để tôi được đi học.
- Tôi hy vọng cô nói đúng. Nhưng tại sao anh ta không hoàn tất nóc lều và hợp pháp hoá cuộc hôn nhân của cô?
Cô ta lại khóc.
- Cô không thể cho tôi biết số điện thoại để nói chuyện với anh ta sao?
- Không được đâu... Ảnh đang về kia rồi.
Cô ta vội cúp điện thoại.
Một túp lều! Quả là một thiếu nữ thông minh! Một túp lều, hôn nhân như một túp lều. Tôi cầm lấy Kinh Thánh lật xem phần phụ dẫn kiếm những câu Kinh Thánh có chữ “túp lều”, “trại”. Hàng trăm câu Kinh Thánh được liệt kê theo chữ này. Tôi tra xem nhiều câu. Cuối cùng lật ra Gie Gr 10:20
Trại của tôi bị phá huỷ,
những dây của tôi đều đứt,
con cái tôi bỏ tôi,
chúng nó không còn nữa.
Tôi không có người để giương trại tôi ra
và căng màn tôi.
Tôi nghĩ đây là câu Kinh Thánh dành cho cô ta - Tôi không có người để giương trại tôi ra. Ước gì tôi biết tên và số điện thoại của cô ấy. Tất cả những gì tôi có thể làm được bây giờ là sử dụng quyền năng của kẻ không có quyền năng gì cả. Cầu nguyện cho cô ta.
Đã đến lúc đi ngủ, khi lấy bộ đồ ngủ từ trong va-ly, một mảnh giấy vợ tôi viết rơi ra, tôi cầm lấy và đọc: Trong tình yêu và sự hiệp một với anh, Deine Ingrid.
Túp lều của tôi, trại của tôi, tôi suy nghĩ mãi cho đến khi thiếp đi.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm và dùng một bữa điểm tâm thật ngon ở khách sạn. Daniel đến đúng lúc tôi từ phòng ăn trở về.
Ông được nghe nhiều lời bình phẩm về bài giảng của tôi.
- Phản ứng của những người lớn tuổi thế nào?
- Nhìn chung rất tốt. Một vị cao niên nói với tôi: “Thoạt đầu khi tôi nghe ông ấy sẽ giảng về hôn nhân trong nhà thờ tôi nghĩ ông ta là một người xấu. Nhưng bây giờ tôi nhận thấy hôn nhân quả có quan hệ với Thượng Đế”.
Anh có biết tôi sung sướng nhất về điều gì không? Có một cặp vợ chồng không có con trong Hội Thánh. Họ rất khốn khổ chỉ vì không có con, nhưng lại yêu nhau tha thiết nên không thể nghĩ đến việc ly dị. Họ được an ủi sâu xa vì tam giác hôn nhân là trọn vẹn không cần đến con cái.
- Quan niệm hôn nhân kiểu “mảnh vườn” cũng đang rất thịnh hành ở xứ anh phải không?
- Đúng vậy, rất thịnh hành như anh nói. Đó là điều người dân bản xứ chúng tôi rất tin tưởng. Cũng y như anh nói, con cái được sinh ra và lớn lên từ hạt giống của người đàn ông, con trai quí hơn con gái và hơn nữa mảnh vườn phải được mua.
Nói chuyện với Daniel thật thích. Ông ấy có cái nhìn sâu sắc và tôi chắc rằng ông là người thông dịch tốt nhất. Với Daniel tôi thấy được khích lệ rất nhiều.
- Daniel, anh biết không, như tôi có thể đi đến kết luận rằng trên thế giới này về cơ bản chỉ có hai quan niệm hôn nhân: quan niệm theo kiểu mảnh vườn và quan niệm theo Kinh Thánh - hình tam giác. Dĩ nhiên còn có đủ loại quan niệm biến thể và cả quan niệm lệch lạc khác nữa.
Sau một lúc suy nghĩ Daniel nói:
- Vấn đề “lìa” là một nan đề đối với dân thành phố chúng tôi. Bệnh hoạn trong các cuộc hôn nhân của chúng tôi đều nằm ở phần “lìa”. Hoặc các đứa con “lìa” khi không được sự đồng ý của cha mẹ, hoặc chúng nó chẳng “lìa” gì cả. Trong hai trường hợp, hôn nhân lâm vào nhiều nan đề khó giải quyết. Người dân chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao một người có thể vừa “lìa” lại vừa có sự hiệp một, làm thế nào một người cảm thấy hiệp một mặc dầu cứ ra đi.
- Tôi không nghĩ rằng mình có thể giải thích rõ ràng được. Đó là một nghịch lý. Cách duy nhất để diễn tả điều đó là qua hình ảnh của Đấng Christ. Trong thư Phao-lô gởi cho người Ê-phê-sô, ông nhấn mạnh: “Vậy nên người đàn ông phải ‘lìa’ cha mẹ mà ‘gắn bó’ với vợ mình... tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh vậy” (Eph Ep 5:31-32). Đấng Christ lìa Cha Thiên Thượng mà vẫn hiệp một với Ngài. Chúng tôi đã dịch một câu hát tiếng Đức như vầy:
Chúa Con ra khỏi Chúa Cha
Nhưng Ngài vẫn ở nhà Cha đời đời.
- Nhưng anh có thể cắt nghĩa điều này cho tín hữu của chúng tôi không?
- Tôi sẽ cố gắng, nhưng điều tôi muốn biết là điểm nào trong bài giảng của tôi đã đụng đến chính lòng anh nhiều nhất?
Daniel đã có sẵn câu trả lời.
- Phải gần gũi nhau hơn hết, gần hơn bất cứ ai, bất cứ điều gì khác. Đối với tôi chức vụ mục sư và những bổn phận trong gia đình là hai điều khó có thể thu xếp cho quân bình. Tôi không có đủ thì giờ dành cho vợ. Tôi luôn luôn dành ưu tiên cho công việc và kế đến mới là vợ. Khi nàng phàn nàn rằng không bao giờ có thể nhờ vả tôi trong việc cơm nước, điều đó rất đúng. Và ngay cả khi đang ăn tôi cũng phải đứng dậy ba bốn lần để tiếp khách hay nghe điện thoại.
- Tôi không biết hôm qua lúc ở trên xe Esther nói đùa hay có ý nghiêm trang.
- Nàng đã nói rất nghiêm chỉnh đó anh. Và nàng nói đúng. Nhưng tôi không biết làm sao để thay đổi tình cảnh đó. Rồi những điều anh nói về sự “chia sẻ” cũng chạm đến đời sống tôi rất nhiều. Chúng tôi không có được điều đó, chúng tôi không hề có thì giờ để chia sẻ.
Điện thoại reo. Lại thiếu nữ ấy.
- Cô đang gọi cho tôi ở đâu đó?
- Dạ ở trường, chúng tôi đang nghỉ giữa giờ.
- Tối hôm qua cô có nói với chồng cô về việc anh ấy nên đến gặp tôi không?
- Dạ không.
- Tối qua tôi tìm được cho cô một điều. Cô có Kinh Thánh không?
- Dạ có, tôi có một cuốn từ khi còn đi học ở làng.
- Vậy cô xem Gie Gr 10:20 nhé. Đó là câu Kinh Thánh dành cho cô.
- Tôi sẽ xem. Chào ông. Chuông vào lớp rồi. Tôi chỉ muốn gọi điện thoại để thăm ông thôi.
Đặt ống nghe xuống, tôi nói với Daniel:
- Một người dấu tên gọi tôi. Đây là lần thứ ba. Cô ta sống với một người nhưng anh này không muốn hợp thức hoá cuộc hôn nhân đó. Được anh ta cho đi học và cô ta xem đó như một bằng cớ của tình yêu.
- Đây là điều không lạ gì đối với thành phố này. Rất hiếm khi có một đám cưới tại nhà thờ tôi. Người ta ngần ngại bởi vì hôn lễ làm cho việc ly dị trở nên khó khăn. Có lẽ họ chỉ nhờ nhà thờ làm lễ thành hôn khi cả hai sống với nhau đã có vài mặt con. Anh thấy đó, đời sống ở đây đâu phải là những đường thẳng kẻ thẳng tắp và minh bạch như hình tam giác của anh. Đủ thứ chuyện rắc rối xen vào.
- Cảm ơn anh đã cho biết điều đó. Cô gái kia cũng không ưa khái niệm về hình tam giác vì các góc nhọn làm cô ta khó chịu.
Daniel vừa nói vừa cười:
- Góc nhọn cũng làm tôi đau.
- Thôi được chúng ta sẽ trở lại vấn đề của anh. Tối nay, sau bài giảng, khi các con của anh đã ngủ chúng ta có thể ăn tối với nhau không? Tôi muốn nói chuyện với cả hai người.
Tối hôm đó Maurice đến đón tôi, có một người đàn bà đứng tuổi cùng đi. Bà ta ốm và nhỏ, mái tóc được phủ kín bằng chiếc khăn quàng trắng. Đôi mắt sáng nổi bật giữa gương mặt nhăn nheo.
Bà chào và nói chuyện tự nhiên với tôi như thể tôi hiểu được ngôn ngữ của bà. Maurice thông dịch:
- Mẹ tôi chào ông và nói rằng bà là một vật sở hữu không có sở hữu chủ.
- Bà có một cậu con trai rất tốt.
- Nó chăm sóc tôi chu đáo lắm.
- Bà có thể hãnh diện về anh ta đó.
- Nhưng nó cần có vợ. Tôi sẽ chăm sóc vợ nó hết lòng. Cô ta không phải làm nhiều việc đâu. Tôi sẽ nấu ăn cho cả hai đứa nó.
Vừa khi Maurice dịch xong, tôi nói:
- Mẹ anh muốn anh đưa vợ về nhà và bà tiếp tục làm chủ gia đình, coi sóc việc nội trợ. Anh phải cắt nghĩa cho bà thật rõ ràng những điều tôi nói về việc “lìa”. Đặc biệt về vấn đề bếp núc, ngay cả khi mẹ anh dọn đến nhà anh, ai là người có trách nhiệm coi sóc bếp núc điều này phải được phân định rõ ràng.
Maurice nói:
- Tôi mong ông sẽ giải thích cho mẹ tôi. Những gì ông nói sẽ có ý nghĩa hơn. Điều lạ là có một số việc chúng ta chỉ thấy dễ chấp nhận nếu do một người lạ phát biểu.
- Tôi nghĩ rằng mọi người đều gặp rắc rối ở chỗ “lìa”. Nhưng đây lại là sự khôn ngoan Thiên Thượng.
Chúng tôi đã đến nhà thờ, lại vẫn đông nghẹt. Khi tôi đứng trên bục giảng bên cạnh Daniel, tôi có cảm tưởng hoàn toàn hiệp một với ông ta trong sứ điệp chúng tôi phải nói.





Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 29-3-2024 03:28 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách