Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 4721|Trả lời: 0

Nếp Sống - Buổi trưa và buổi tối

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 21-9-2011 19:23:01 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Nếp Sống Cộng Đồng
Tác giả: Dietrich Bonhoeffer

Buổi trưa và buổi tối

Đối với một gia đình tín hữu, nếu có thể, buổi trưa là cơ hội dừng chân tạm nghỉ trong cuộc hành trình của một ngày. Nửa ngày đã trôi qua. Chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài gìn giữ chúng ta cho đến tối. Chúng ta dùng bữa và cầu nguyện với tinh thần của bài ca cải chánh: “Lạy Cha, xin nuôi dưỡng chúng con, con cái của Cha, và xin an ủi chúng con, những tội nhân đau khổ!” Đức Chúa Trời nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta không thể và không có quyền ăn một bữa ăn nào hết, vì chúng ta là những tội nhân hèn hạ không xứng đáng được hưởng đặc ân này; vì thế bữa ăn mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là một niềm an ủi đối với những người đang đau khổ; vì bữa ăn biểu lộ ân sủng và đức thành tín của Đức Chúa Trời dành cho con cái của Ngài. Kinh Thánh dạy rằng: “Ai không muốn làm việc, thì cũng không nên ăn” (IITe 2Tx 3:10); như vậy, muốn được phép ăn thì phải làm việc. Nhưng Kinh Thánh không dạy rằng người làm việc có quyền đòi hỏi thực phẩm nơi Đức Chúa Trời. Con người phải làm việc, nhưng thực phẩm là tặng phẩm mà Đức Chúa Trời tự nguyện và gia ân ban cho con người. Công ăn việc làm không đương nhiên đem lại cơm no áo ấm cho chúng ta, nhưng đó là trật tự nhân từ của Đức Chúa Trời.
Ngày thuộc về Đức Chúa Trời, của một mình Ngài mà thôi. Vì thế vào buổi trưa - vào lúc nửa ngày - cộng đồng tín hữu hội họp lại và được Chúa mời ngồi vào bàn. Buổi trưa là một trong bảy thì giờ cầu nguyện của Hội Thánh và của các trước giả Thi thiên. Vào lúc ngày đạt đến cao điểm, lúc đó Hội Thánh thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi bằng lời ca ngợi các phép lạ của Ngài, bằng lời cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ và giải cứu. Vào giữa trưa bầu trời trên cây thập tự của Chúa Giê-xu trở nên tối đen. Vào giữa trưa công trình hoà giải của Chúa hoàn tất. Vào thì giờ này, gia đình tín hữu sẽ được phước hạnh nếu có thể họp lại để thờ phượng ngắn, ca hát và cầu nguyện.
Một ngày làm việc kết thúc. Người tín hữu hiểu rằng công việc khó nhọc và lao khổ, cũng hiểu bài ca của Paul Gerhardt:
Đầu ta và chân tay
mừng vui vì xong việc.
Lòng ta! Hãy hoan ca
vì ta sẽ thoát khỏi
nỗi khổ của trần gian
và ta sẽ thoát khỏi
tội lỗi của cuộc đời!
Một ngày như thế là dài, dài vừa đủ để giữ vững đức tin. Ngày mai sẽ có nỗi lo của ngày mai.
Một lần nữa gia đình tín hữu quây quần lại. Bữa ăn tối và Lễ Thờ Phượng ngắn mỗi tối nối kết mọi người lại với nhau. Mọi người đồng lòng cầu nguyện chung với các môn đệ Em-ma-út: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con; vì ngày đã xế chiều và trời gần tối rồi” (LuLc 24:29). Lễ Thờ phượng ngắn vào buổi tối phải là sinh hoạt cuối cùng trong ngày để Lời Chúa sẽ là lời cuối cùng trước khi chúng ta an giấc. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng chân thật của Lời Chúa soi rọi Hội Thánh sáng chói hơn. Để kết thúc một ngày, cũng như khi bắt đầu một ngày, chúng ta dùng Thi thiên làm lời cầu nguyện, chúng ta đọc Kinh Thánh, đồng ca tôn vinh Chúa và cầu nguyện với Ngài. Trong Lễ Thờ Phượng ngắn vào buổi tối có một đặc điểm là: chúng ta cầu thay cho nhau. Sau một ngày làm việc chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời ban ân phúc, bình an và sự che chở của Ngài cho toàn bộ cộng đồng tín hữu, cho Hội Thánh của chúng ta, cho các vị Mục sư tại chức, cho tất cả những người nghèo khổ, đáng thương, cô đơn, cho những người bệnh tật và hấp hối, cho láng giềng, cho những người thân yêu và cho cộng đồng tín hữu của chúng ta. Lúc nào chúng ta có thể cảm nghiệm được quyền năng và tác động của Đức Chúa Trời bằng lúc chúng ta giao phó công tác của mình vào bàn tay thành tín của Chúa? Lúc nào chúng ta năng nổ cầu nguyện xin Chúa ban ân phúc, bình an và sự che chở của Ngài hơn là lúc chúng ta hoàn tất công tác của mình? Khi chúng ta mệt mỏi, lúc đó Đức Chúa Trời thực hiện công trình của Ngài. “Đấng gìn giữ Y-sơ-ra-ên không nhắp mắt cũng không buồn ngủ”. Tiếp theo, trong lời cầu nguyện buổi tối của cộng đồng tín hữu, chúng ta cầu xin Chúa tha thứ tất cả những lỗi lầm mà mình đã phạm với Đức Chúa Trời và với anh chị em của mình, cầu xin Chúa cho các anh chị em của mình sẵn sàng tha thứ và cầu xin Chúa cho chúng ta sẵn sàng tha thứ tất cả những bất công đã xảy đến cho chính mình. Trong chương trình Lễ Thờ Phượng buổi tối của các tu viện cổ có mục xin ân tha thứ: Vị tu viện trưởng xin tất cả các tu sĩ trong tu viện tha thứ những lỗi lầm và khuyết điểm mà mình đã phạm trong ngày; về phần các tu sĩ trong tu viện, sau khi đọc lời tha thứ cho vị tu viện trưởng, họ xin vị tu viện trưởng tha thứ tất cả những lỗi lầm và khuyết điểm mà mình đã phạm và cũng được vị tu viện trưởng tha thứ. “Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Eph Ep 4:26)! Nguyên tắc chính của mỗi cộng đồng tín hữu là tất cả mầm mống chia rẽ đã nảy sinh trong ngày phải được dẹp bỏ vào buổi tối. Đối với người tín hữu, đi ngủ với một tấm lòng bất hoà là một việc rất nguy hiểm. Vì thế, trong lời cầu nguyện mỗi tối, chúng ta nên đặc biệt cầu nguyện xin sự tha thứ giữa các anh chị em, để hoà giải và xây dựng cộng đồng mới. Cuối cùng, như chúng ta thấy trong tất cả những bài cầu nguyện vào buổi tối của người thời xưa, họ thường xuyên cầu nguyện xin Chúa bảo vệ mình truớc ma quỉ, sự sợ hãi, cái chết đau đớn và bất ngờ trong đêm tối. Người xưa biết rằng con người bất lực trong khi ngủ, rằng giấc ngủ và cái chết liên hệ mật thiết với nhau, rằng ma quỉ quỉ quyệt hãm hại con người lúc con người vô phương tự vệ. Vì thế người xưa cầu nguyện xin Chúa cho Thiên sứ bảo vệ mình, xin thiên binh của Đức Chúa Trời hiện diện trong lúc Sa-tan tìm cách hãm hại mình. Điểm đặc biệt và sâu sắc là trong các bài cầu nguyện của Hội Thánh thời xưa có lời cầu nguyện xin Chúa cho tâm hồn được tỉnh thức trong khi ngủ. Đó là lời cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ở với và trong chúng ta, dù chúng ta không cảm thấy, không biết gì hết, xin Đức Chúa Trời cho tâm hồn chúng ta được trong sáng và thánh khiết trước tất cả những nỗi lo sợ và sự cám dỗ của đêm tối, xin Ngài sửa soạn tâm hồn chúng ta để chúng ta luôn luôn sẵn sàng nghe tiếng gọi của Ngài, và cũng sẵn sàng trả lời như thiếu niên Sa-mu-ên: “Lạy Chúa, xin hãy phán, kẻ tôi tớ của Ngài đang nghe” (ISa1Sm 3:10)! Kể cả trong giấc ngủ, chúng ta hoặc ở trong bàn tay Đức Chúa Trời hoặc trong quyền lực của ác quỉ. Kể cả trong giấc ngủ, Đức Chúa Trời có thể làm phép lạ trên chúng ta hoặc ác quỉ có thể hủy hoại chúng ta. Vì thế buổi tối chúng ta cầu nguyện:
Mắt chúng con chừ phải ngủ,
xin cho tim tỉnh thức ở với Ngài,
xin giang tay và che chở,
cứu chúng con khỏi tội lỗi đọa đày. (Luther)
Khi suy niệm về buổi sáng và buổi tối, trước giả Thi thiên khẳng định rằng: “Ngày và Đêm thuộc về Chúa” (Thi Tv 74:16).




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 20-4-2024 04:41 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách