Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 4489|Trả lời: 0

Đạo Đức Học

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 10-7-2011 09:58:55 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Đạo Đức Học

Bài 1: ĐẠO ĐỨC HỌC CỰU ƯỚC!
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa: Đạo đức học là khoa học về hành vi. Đạo đức học dạy chúng ta phải ăn ở, ứng xử như thế nào.
2. Lịch sử: Trước đây, người ta kêu gào: “Hãy giữ chặt đạo đức học, đừng bận tâm đến thần học”, nghĩa là chỉ cần nắm chắc “Bài giảng trên núi”. Hiện nay, người ta không những loại bỏ thần học mà còn muốn loại bỏ cả đạo đức học !
3. Tiền thân của đạo đức học Cơ Đốc: Cựu Ước là tiền thân của Tân Ước. Vì thế, trước hết chúng ta phải tìm hiểu đạo đức học Cựu Ước.
II. ĐẠO ĐỨC HỌC CỰU ƯỚC
1. Một nền đạo đức mặc khải: Thật là sai lầm khi giải thích bầng ngôn từ, vì :
. Đạo đức học (Ethics) do từ ngữ Hy lạp ethos là một thói quen, hay tập tục lâu đời.
. Luật pháp do từ ngữ Hy lạp nomos là một tập tục được thừa nhận.
. Công lý do từ ngữ Hy lạp dikè có nghĩa là tiêu chuẩn ăn ở ứng xử được chấp nhận.
. Trong khi đó, đạo đức học Cựu Ước là sự phù hợp của hoạt động con người với ý chỉ của Thượng Đế, chứ không phải theo lề thói quy ước hay thay đổi của con người.
2. Đạo đức học Cựu Ước bắt rễ từ lịch sử: Không một người Do Thái nào quên được rằng họ đã từng làm nô lệ tại Aicập và đã được Thượng Đế dùng quyền năng giải cứu. Vì thế, người Do Thái vâng lời Chúa vì hai lý do:
. Chúa là Đấng Quyền năng, có quyền phép để làm những việc vĩ đại.
. Chúa đã làm những việc vĩ đại cho họ: “Ngài đã hành động vì cớ tôi”.
3. Đạo đức học Cựu Ước buộc chặt với ý niệm về giao ước: Giao ước trong Cựu Ước không phải là thỏa thuận ký kết giữa hai con người, mà là giữa Thượng Đế với dân Ngài. Giao ước hoàn toàn do sự chủ động của Thượng Đế, do ân sủng của Ngài, chớ không vì cớ sự tốt lành của dân Do Thái (PhuDnl 7:6-8; 9:4-5).
. Dân Do Thái tự nhiên bị bó buộc phải sống xứng đáng với giao ước ân sủng đó.
4. Đạo đức học Cựu Ước là một mối liên hệ cá nhân: Cựu Ước bảo rằng dân Ysơraên là cô dâu của Thượng Đế (EsIs 54:5; 61:10; Gie Gr 2:2; OsHs 2:19-20), và Thượng Đế là một Thượng Đế hay ghen (XuXh 20:15) vì tình yêu bao giờ cũng phải độc chiếm.
. Vì thế, mối liên hệ giữa dân Do Thái với Thượng Đế phải là mối liên hệ của tình yêu: Họ vâng lời Ngài vì tình yêu, chứ không phải vì sợ hãi hình phạt.

Bài 2 : KẾT QUẢ CỦA SỰ TUYỂN CHỌN
I. TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
1. Đặc ân lớn: Amốt kể tội dân Đamách, Gaxa, Tyrơ, Eđôm, Ammôn, Mốap bằng một bảng liệt kê dài với sự đoán phạt tương xứng cho họ. Sau đó, ông ghi lời Chúa phán cho Ysơraên: “Ta đã chọn chỉ một mình các ngươi trong mọi họ hàng trên đất…”: Đây đúng là một đặc ân quá lớn do người Ysơraên.
2. Trách nhiệm cao: Nhưng lời Chúa phán tiếp: “Vậy nên Ta sẽ thăm phạt các ngươi vì mọi việc gian ác các ngươi” (AmAm 3:2). Càng được đặc ân lớn lao bao nhiêu thì tránh nhiệm sẽ càng lớn lao bấy nhiêu !
II. SỰ VÂNG LỜI
1. Sự bắt buộc phải vâng lời Chủ: Sự tuyển chọn phải nảy sinh sự vâng lời. Dân sự đã được chọn để trở thành dân của riêng Thượng Đế. Ngài là Chủ của họ. Vì thế, họ phải vâng lời Ngài (PhuDnl 27:9-10).
2. Trở thành lẽ sống, lối sống: Sự vâng lời chính là yếu tính của đời sống, vì lời Thượng Đế chính là sự sống cho dân Ngài (32:46-47). Sự vâng lời phải là lối sống của dân Chúa, chứng tỏ họ là dân của Chúa.
III. SỰ PHÂN CÁCH
1. Phải dọn mình: Vâng lời Thượng Đế, người Do Thái phải dọn mình để sống xứng đáng là dân của Ngài.
2. Phải phân rẽ khỏi các dân: Dân Chúa phải chuẩn bị để sống khác hẳn dân Aicập mà họ đã từ giã, cũng như khác hẳn dân Canaan trong xứ mà họ sẽ chiếm lấy (LeLv 18:1-5; 20:23-24). Thượng Đế đã phân rẽ họ ra khỏi mọi dân.
3. Phải nên thánh: Lời phán được nhắc đi nhắc lại, mô tả yếu tính cốt lỏi của Do Thái giáo là: “Hãy nên thánh, vì Ta là Thánh” (LeLv 20:26; 19:2; 11:44-45).
. Ý nghĩa căn bản của chữ thánh là “khác”: Ngày Sabát là thánh vì nó khác với các ngày khác. Đền thờ là thánh vì nó khác với các ngôi nhà khác… Thượng Đế là Thánh vì Ngài là Đấng Tối cao, khác hẳn mọi “vị thần”.
. Như thế, nhiệm vụ đầu tiên của người Do Thái là phải “khác hẳn”: Được Thượng Đế tuyển chọn, biệt riêng, trở nên người của Thượng Đế, họ phải sống khác hẳn mọi dân.
4. Ap dụng: Điều nầy giải thích được một số vấn đề lớn của đạo đức học Cựu Ước: . Dân Do Thái không được lập giao ước hay cưới gả với bất cứ dân nào khác (XuXh 23:32; 34:12-15). Điều gây ô nhiểm phải được nhổ tận gốc, không thương tiếc.
. Đạo đức và nghi lễ, luân lý và nghi thức được đặt bên cạnh nhau. Chính những điều nầy đã khiến Do Thái giáo tồn tại và người Do Thái chứng tỏ mình khác người. Vì nếu chỉ là vấn đề luân lý thì một người tốt lành Hylạp, Lamã, Do Thái có thể giống nhau. Nhưng chính là phần lễ nghi trong luât pháp Do Thái bày tỏ sự khác biệt chủ yếu.

Bài 3: DO THÁI GIÁO và ĐẠO ĐỨC
I. NHẤN MẠNH MỐI LIÊN HỆ GIỮA TÔN GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC
1. Tôn giáo và thánh sạch: Trong thế giới thời cổ, tập tục phổ biến là việc hành lạc trong các miếu thờ. Con người bị mê hoặc bởi cái gọi là “nguồn sinh lực”. Vì thế, trong các miếu thờ thời thế giới cổ, có hàng trăm, hàng ngàn nữ tư tế, mà thực chất là những gái mãi dâm. Solon là chính khách Hylạp đầu tiên thiết lập các nhà thổ công cộng để lấy lợi tức xây đền thờ nữ thần Aphrodite !
. Do Thái giáo tuyệt đối cấm sự buôn hương (con gái) và tà dâm (con trai), cấm đem vào đền thờ tiền công của một gái điếm hoặc giá trả cho một con chó (điếm đực) PhuDnl 23:17-18.
. Như thế, Do Thái giáo đã khởi xướng sự song hành giữa tôn giáo và sự thánh sạch.
2. Tôn giáo và đạo đức: Do Thái giáo nhấn mạnh rằng những nghi lễ, những buổi thờ phượng uy nghiêm nhất cũng không thể thế chỗ cho việc phục vụ đồng loại. Điều Thượng Đế muốn chúng ta thực hiện là làm sự công bình và tỏ lòng thương xót (OsHs 6:6; AmAm 5:24), không phải chỉ là những buổi nhóm thờ phượng, mà là chia cơm, xẻ áo cho kẻ nghèo, tiếp đãi những kẻ vô gia cư… (EsIs 58:6-12).
. Như thế, không thể có tôn giáo nếu không có đạo đức: Muốn phục vụ Thượng Đế, chúng ta phải phục vụ đồng loại mình.
II. HAI ĐIỂM TỒNG QUÁT
1. Động cơ ban thưởng:Cựu Ước không hề e ngại về động cơ ban thưởng, nhấn mạnh rằng sự thạnh vượng của quốc gia tỉ lệ thuận với việc vâng lời Thượng Đế của quốc gia đó.
. Lưu ý là Cựu Ước nói rất ít về đời hầu đến, nên nhấn mạnh đến sự ban thưởng trong đời nầy (khác hẳn Cơ Đốc giáo).
. Hơn nữa, nhà tiên tri thường là những chính trị gia, những con người hành động chứ không phải nói suông. Triết gia Péguy đã nói: “Mọi sự đều bắt đầu với thần bí học và kết thúc bằng chính trị học”. Tuy nhiên, đó chỉ là tôn giáo trần gian, vì đối với Cơ Đốc giáo, không thể có sự kết hiệp giữa tôn giáo và chính trị.
. Thật ra, các nhà tiên tri đã nói đúng: Không hề có vấn đề nào đe dọa một nước nầy hay nước nọ hiện nay, mà lại không phải là một vấn đề về luân lý, đạo đức.
2. Tính cách bao quát: Nó bao gồm mọi người và mọi hành động. Như Lời Thượng Đế phán: “Các ngươi sẽ là một nước thầy tế lễ” (XuXh 19:6). Sự thiện hào, tôn giáo không phải chỉ là công việc của một vài chuyên gia: Đó là công việc của mọi người.

Bài 4: NỀN ĐẠO ĐỨC CỰU ƯỚC
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Trong gia đình: Trong gia đình, cha mẹ phải được tôn kính (20:12). Hành hung cha mẹ là tội đáng chết (PhuDnl 21:18-21). Luật Hammurabi của Babylôn ra lệnh chặt tay kẻ hành hung cha mẹ. Plato dề nghị đày biệt xứ…
. Trinh khiết và nếp sống trong sạch được đánh giá cao.
2. Ngoài xã hội: Điều đáng để ý là luật pháp Do Thái nhằm bảo vệ kẻ nghèo, vì Thượng Đế đặc biệt yêu mến họ (10:18; LeLv 19:15).
. Chỉ có một bộ luật cho cả người Do Thái lẫn khách lạ cư trú trong xứ họ. Đây là một nghịch lý vì dân Do Thái không kết hợp với ngoại bang, nhưng lại không kỳ thị chủng tộc về quyền lợi của họ.
II. NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT
1. Đạo đức trong kinh doanh:Đạo đức trong việc làm ăn kinh doanh là điều vô cùng quan trọng: Phải cân lường thật chính xác… vì Thượng Đế không chỉ có mặt tại đền thờ, Ngài cũng là Thượng Đế của người làm kế toán và buôn bán tạp hóa nữa. Có thể nói, bạn không thể tìm được một ngưởi Do Thái sùng đạo mà lại là kẻ bất lương.
2. Nhấn mạnh đến trách nhiệm: Luật pháp Do Thái nhấn mạnh một người:
. Phải có trách nhiệm về mọi việc mình làm.
. Phải có trách nhiệm về việc đúng mà mình không làm (chủ bò, mái nhà…).
Như thế, Cựu Ước bảo đảm rằng: “Tôi phải là người bảo vệ cho anh em mình, nghĩa là tôi phải chịu trách nhiệm về thiệt hại mình gây ra cũng như về điều thiệt hại mà đáng lẽ tôi phải ngăn chận”.
3. Một thái độ tử tế đáng yêu: Người Do Thái có hai cái áo, áo trong là một áo ngắn, áo ngoài là áo choàng, ban ngày dùng để mặc, ban đêm dùng để đắp. Nếu một người cầm áo choàng thì áo đó phải được trả lại khi tối đến.
. Chủ phải trả tiền công cho công nhân ngay trong ngày, vỉ Thượng Đế quan tâm đến việc người làm công phải được trả lương để sống.
. Con bò hay lừa đi lạc phải được trả về cho chủ nó, hoặc giữ lại cho đến khi chủ nó tìm đến.
. Không nên gặt hết cánh đồng hay rung hết trái cây ôlive, hái sạch trái nho… mà phải để dành cho người nghèo và khách lạ.
. Không được rủa sả một người điếc hay để vật cản làm té người mù.
. Người mới cưới vợ phải được nghỉ việc và được miễn quân dịch một năm.
Nhìn chung, luật pháp Cựu Ước có phần nghiêm nhặt, nhưng cũng có sự khoan dung, cởi mở và tình thương. Đây là chiếc nôi rất đẹp của đạo đức Cơ Đốc.

Bài 5: CHÚA JESUS HÔM NAY
I. NHỮNG LỜI CHỐNG ĐỐI
1. Lời dạy không còn hợp thời:Một số người cho rằng Kinh Thánh được viết từ thời Môise (1400-1500 TC) với một số sự kiện có niên đại xác định xưa nhất là 950 TC. Phần trễ nhất của Kinh Thánh cũng quá xưa 100-120 SC, thì làm sao còn hợp thời với thế kỷ 21 (hơn 1900 năm rồi !).
. Không ai đem dạy sách thuốc của Galem hay Hippocrates cho sinh viên y khoa, sách Varro cho nông nghiệp hay sách Vitruvius cho kiến trúc… thì làm sao lại phải dạy lời của Chúa Jesus cho thời đại nầy được ?
2. Quốc gia không đáng học hỏi: Hơn nữa Chúa Jesus xuất thân từ một nước:
. Bé xíu: Xứ Palestine từ bắc xuống nam chỉ dài khoảng 240 km, chưa bằng từ thành phố đến Đàlạt. Chiều ngang từ đông sang tây cũng chỉ khoảng 72 km, bằng từ thành phố đến Mỹ tho.
. Nhược tiểu: Do Thái đã từng chịu thần phục nhiều ngoại bang, như Asyri, Babylôn, Batư, Hylạp, Lamã. Có thể nói họ chưa bao giờ biết tự do, độc lập !
. Tự cô lập hóa: Người Do Thái tự cô lập mình với các dân tộc khác cũng như với các nền văn hóa khác, thì làm sao trở thành mẫu mực cho thế giới được ?
3. Sinh hoạt hoàn toàn đổi khác: Hơn nữa, đời sống sinh hoạt tại Palestine thời Chúa Jesus hoàn toàn khác hẳn với chúng ta ngày nay:
. Họ không có ngành công kỷ nghệ hiện đại với mức sống cao ngày nay.
. Họ cũng có sự im lìm bất động khác thường. Sự đi lại dường như quá hiếm hoi (Bà Anne mổi năm chỉ lên Silô một lần, dù đường đi từ Rama đến Silô chỉ khoảng 24 km) trong khi ngày nay, sự đi lại là một “kỷ nghệ”, thậm chí người ta còn nghĩ đến việc du lịch thăm cung trăng !
II. HAI ĐIỀU CẦN NHỚ
1. Nguyên tắc nội tại vẫn y nguyên: Những điều bên ngoài đúng là đã thay đổi, nhưng các nguyên tắc nội tại thì vẫn y nguyên. Chẳng hạn các công trình kiến trúc như kim tự tháp ở Aicập, đền Parthenon ở Athên, đại thánh đường Cantebury, tháp bưu điện ở Luân đôn… hoàn toàn khác nhau, nhưng bên trong, chúng đều theo các quy luật kiến trúc giống nhau, nếu không, chúng sẽ sụp đổ.
2. Mối liên hệ cá nhân không hề thay đổi: Điều đạo đức học Cơ Đốc chú trọng chính là mối liên hệ giữa người với người. Nó quan tâm đến mối liên hệ giữa đàn ông với nhau, đàn ông với đàn bà, nhất là giữa con người với Thượng Đế. Các mối liên hệ cá nhân thì không thay đổi: Thương yêu và thù ghét, trung thành và phản bội… bao giờ cũng giống nhau.
. Đạo đức học Cơ Đốc vẫn luôn có giá trị vì nó đề cập đến những điều bất biến, những mối liên hệ không hề thay đổi.

Bài 6: ĐẶC TÍNH ĐẠO ĐỨC HỌC CƠ ĐỐC
I. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA CỘNG ĐỒNG
1. Đạo đức học của các mối liên hệ: Đạo đức học Cơ Đốc đề cập đến các mối liên hệ, nên đặc tính nổi bật của nó là tính cộng đồng: Không ai có thể sống cô lập với đồng bào đồng loại.
. Khi còn trẻ, John Wesley đã có ý định ẩn tu để được sống một mình với Thượng Đế. Nhưng một Cơ Đốc nhân khôn ngoan đã dạy ông rằng: “Thượng Đế không hề dạy về một tôn giáo cô độc”.
2. Sự đòi hỏi phải bắt chước: Một trong những nét chính yếu của Đạo đức học Cơ Đốc là sự đòi hỏi phải bắt chước: Loài người phải bắt chước, phải theo gương Chúa Jesus.
. Phierơ dạy rằng Chúa Jesus đã để lại cho chúng ta một “tấm gương”, hầu cho chúng ta “noi dấu chơn Ngài” (IPhi 1Pr 2:21). Chữ “tấm gương” ở đây, tiếng Hylạp là hupogrammos, là giòng chữ viết tay thật trọn vẹn, làm mẫu trên đầu trang vở để tập viết của trẻ con, là giòng chữ mà đứa trẻ phải sao chép lại.
. Cơ Đốc nhân phải bắt chước Thượng Đế (Eph Ep 5:1) là điều hợp lý, vì con người vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng Đế (SaSt 1:26-27).
II. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA LÒNG QUAN TÂM
1. Ý niệm của người Hylạp về Thượng Đế: Đối với người Hylạp, ý niệm đầu tiên và căn bản nhất về Thượng Đế, là ý niệm về sự yên tĩnh, thanh thản tuyệt đối của Ngài, mà không có gì có thể chi phối.
. Người Hylạp dùng hai từ ngữ để chỉ về Thượng Đế: Ataraxia là không chút lo âu xao xuyến, và apatheia là vô cảm, không thể có cảm xúc.
. Họ cho rằng hễ có cảm xúc là có tình cảm, là có âu lo xao xuyến: Hễ biết yêu là biết âu lo, bối rối, buồn bực về người mình yêu ! Vì thế, Thượng Đế hoàn toàn bình an, thanh thản tuyệt đối phải là một Thượng Đế vô cảm !
2. Quan điểm của Cơ Đốc giáo: Cơ Đốc giáo cho biết Thượng Đế là Đấng dấn thân vào hoàn cảnh con người, hết sức quan tâm lo lắng cho con người.
. Cựu Ước cho biết Thượng Đế rất âu lo, khốn khổ khi con dân Ngài âu lo, khốn khổ. Ngài không phải là một Thượng Đế cô lập, vô cảm.
3. Lòng quan tâm của Thượng Đế: Nền móng của Đạo đức học Cơ Đốc là lòng quan tâm. Đây là yếu tính của ba trong số các ẩn dụ của Chúa Jesus:
. An dụ về chiên và dê (Mat Mt 25:31-46) cho thấy tiêu chuẩn việc phán xét của Thượng Đế cho con người là : Ngươi có bận tâm đến những người đang gặp khó khăn, bối rối không ?
. An dụ người giàu xấu nết và Laxarơ cho thấy người giàu đã bị lên án vì không quan tâm gì đến người nghèo khổ đang ngồi trước cửa nhà mình.
. Ẩn dụ người Samari nhân lành khen ngợi sự quan tâm của người Samari.

Bài 7: TÌNH YÊU THƯƠNG
I. BỐN LOẠI TÌNH YÊU
1. Tình yêu tính dục (eros): Đây là một đam mê, một khát vọng, có cường độ lấn át tất cả, thường là thèm khát về phương diện tính dục.
2. Tình yêu anh em (philia):Đây là loại tình yêu thương bền vững xuất phát từ kinh nghiệm cùng nhau đối mặt với cuộc sống, nó giữ chặt hai người với nhau cả khi đam mê không còn nữa.
3. Tình yêu gia đình (storge): Đây là loại tình yêu mà tính dục không dự phần vào được. Đó là tình yêu của một đứa con với cha mẹ và ngược lại, hoặc giữa các anh chị em trong một gia đình.
4. Tình yêu Thượng Đế (agape): Đây là tình yêu mà Chúa Jesus đòi hỏi, khác hẳn ba loại tình yêu của người Hylạp. Đây là trung tâm điểm của Cơ Đốc giáo.
II. TÌNH YÊU AGAPE
1. Không lệ thuộc đối tượng được yêu: Trong Mat Mt 5:43-45, Chúa Jesus dạy môn đồ phải yêu kẻ thù nghịch, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình, để xứng đáng làm con của Cha trên trời, vì Ngài ban mưa ban nắng cho cả người công bình lẫn người độc ác.
. Martin Luther trong cuộc tranh luận tại Heidelberg năm 1518 đã nói: “Tội nhân rất hấp dẫn vì họ được yêu thương, chứ họ không được yêu thương vì cớ họ hấp dẫn”.
2. Một hành động của ý chí: Rõ ràng đây không phải chỉ là đáp ứng của tình cảm, mà phải là một hành động của ý chí. Tình thương Cơ Đốc là thái độ của tâm trí và ý chí của con người toàn diện khiến chúng ta có thể yêu được những người chẳng có gì đáng yêu, những người khó yêu, những người chẳng ai yêu…
3. Chỉ muốn làm điều tốt lành: Dầu con người xấu hay tốt, ý muốn tốt lành của Thượng Đế vẫn dành cho người ấy. Thượng Đế hoàn toàn chỉ muốn điều tốt lành. Sự từ ái của Ngài luôn luôn vây quanh Ngài và luôn chiếu tỏa ra.
. Đây là tình yêu Cơ Đốc Chúa dạy bày tỏ một thiện chí không thay đổi là luôn uớc muốn điều tốt lành cho người khác. Đó là tình yêu, không phải nhắm mắt lại trước những lầm lẫn, thất bại và tội lỗi của người khác, mà mở mắt ra để giúp đỡ với nhận thức họ càng tệ chừng nào, họ lại càng cần đến tình yêu của chúng ta nhiều hơn.
4. Tình yêu sáng tạo: Luther nói tiếp: “Tình yêu của Thượng Đế không đi tìm, nhưng sáng tạo ra những điều tốt lành cho đối tượng được yêu, khác với tình yêu loài người chỉ nảy sinh khi gặp điều đẹp lòng mình.
. Tình yêu Cơ Đốc không chỉ đơn giản chấp nhận tha nhân với nguyên trạng của họ, mà còn trông mong biến họ trở nên đáng yêu. Như thế, phương pháp duy nhất để biến kẻ khó thương thành khả ái là yêu thương kẻ ấy.

Bài 8: ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA LÒNG QUAN TÂM
I. MỐI QUAN TÂM PHỔ QUÁT
1. Đạo đức học của Plato: Có thể nói Plato là nhà đạo đức học vĩ đại nhất của Hylạp. Tuy nhiên, đạo đức học của Plato chỉ là đạo đức học của giới quý tộc !
2. Đến với mọi tầng lớp, quốc gia, thể chế: Đạo đức Cơ Đốc đến với mọi tầng lớp, mọi quốc gia, mọi thể chế… Nhưng mãi đến thế kỷ 19, người ta mới nhận ra điều nầy khi hội Cứu thế quân bắt đầu công tác tại An độ, một dân tộc mà lúc ấy bị đế quốc xem như thú vật !
II. MỐI QUAN TÂM NHIỆT THÀNH
1. Đạo đức học của Aristotle: Aristotle đưa ra thuyết trung dung. Ong dạy rằng đức hạnh luôn là một trung bình giữa hai đối cực. Thí dụ: Can đảm là trung bình giữa hèn nhát và liều mạng, hào hiệp là trung bình giữa keo kiệt và phung phí. Như thế, đó là một nền đạo đức học tính toán.
2. Lòng nhiệt thành: Đạo đức học Aristotle không có chỗ cho lòng nhiệt thành, khác với đạo đức học Cơ Đốc, không tính toán, mà sẵn sàng dấn thân với lòng cảm thông, với sự đam mê nhiệt thành quan tâm đến người khác.
III. MỐI QUAN TÂM ĐẦY TRỌN
1. Ba phần của con người: Phaolô cho biết con người gồm có ba phần là thân, hồn, và linh: Thân thể là phần thịt và máu, hồn (psuchẽ) là sự sống động vật của con người mà loài vật cũng có, linh (pneuma) là phần đặc thù của con người có thể tương giao với Thượng Đế.
2. Quan điểm thế giới cổ về thân thể: Thế giới cổ phần lớn khinh dễ và sợ hãi thân thể vì cho rằng nó là nguyên do của mọi rắc rối, hoạn nạn và đau khổ. Plato bảo rằng thân thể là nhà ngục của linh hồn.
3. Đạo đức học Cơ Đốc: Đạo đức học Cơ Đốc hoàn toàn chắc chắn về hai điều:
a. Thân thể có thể được dâng lên Thượng Đế như một sinh tế được Ngài vui nhận, đẹp lòng Ngài. Vì thế, Cơ Đốc nhân phải luôn giữ thân thể mình luôn sẵn sàng cho công tác phục vụ.
b. Cơ Đốc nhân phải quan tâm đến nhu cầu thân xác của người khác cũng như quan tâm đến nhu cầu tâm linh của họ vậy.
. William Booth chẳng bao giờ quên câu nói của Chúa Jesus trước khi Ngài hóa bánh nuôi 5. 000 người. Đó là : “Chính các ngươi phải cho họ ăn”. Chính vì thế, ông đã mở các cửa hiệu lương thực để cung cấp bữa ăn miễn phí cho những người nghèo khổ…
. George Whitefield cũng nhất trí với William Booth ở điểm nầy khi ông cung cấp cả những bài giảng, lẫn những nhu cầu vật chất cho người nghe ông…
. Đừng quên rằng con người có thân xác, một tài sản rất quan trọng đối với Thượng Đế mà Cơ Đốc nhân không có quyền quên !

Bài 9: ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA LÒNG QUAN TÂM
IV. MỐI QUAN TÂM TẬN THẾ GIỚI BÊN KIA
1. Ý thức về cõi đời đời: Đạo đức học Cơ Đốc sống với ý thức về cõi đời đời. Đây là nền đạo đức nhìn đến tận thế giới bên kia. Nó nhắc nhở con người rằng có một đời sau.
2. Anh hưởng của đời nầy: Đạo đức học Cơ Đốc dạy rằng cuộc đời nầy là chương đầu của một bộ sử ký cứ được tiếp tục đến cõi đời tời. Tuy nhiên, lối sống của chúng ta trong đời nầy sẽ ảnh hưởng sâu đậm trên cả bộ sử ký còn lại.
3. Không hề mỏi mệt: “Người nào nhìn vào một cái gì xa hơn, thì chẳng bao giờ thấy mỏi mệt”. Đạo đức học Cơ Đốc sống trong ánh sáng xa hơn đó.
V. MỐI QUAN TÂM TÍCH CỰC
1. Luật vàng của các hệ thống đạo đức khác: Thường ở dạng tiêu cực “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: Đừng làm cho người khác điều mình không muốn họ làm cho mình.
2. Luật vàng Cơ Đốc giáo: Mang tính tích cực “Hãy làm cho người khác điều các con muốn họ làm cho mình” (7:12). Câu phát biểu của Cơ Đốc giáo có tính đòi hỏi hơn, khó khăn hơn, nhưng ích lợi hơn.
. Đây chính là thể hiện của tình yêu Agape: Tích cực làm điều tốt lành cho người khác, bất chấp điều họ làm cho mình.
VI. MỐI QUAN TÂM TOÀN DIỆN
1. Từ suy tư đến hành động: Đạo đức học Cơ Đốc là đạo đức học của cả suy tư lẫn cách ăn ở, ứng xử của xúc cảm cũng như hành động. Vì thế, nó lên án tội giết người cũng như lên án sự giận dữ…
2. Cám dỗ và phạm tội: Tuy nhiên, nói như thế, không có nghĩa là gặp cám dỗ đồng nghĩa với phạm tội, vì có một ham muốn sai trái mà biết chống cự thì không thể bị lên án là đã phạm tội. Tuy nhiên, nếu nhượng bộ ham muốn sai trái, cố tình đánh thức và kích thích sự ham muốn và cưu mang nó sẽ bị lên án.
. Như thế, tột đỉnh của đạo đức học Cơ Đốc không những là không làm điều sai quấy mà còn không muốn làm điều ấy nữa.
VII. MỐI QUAN TÂM TRONG ĐẤNG CHRIST
1. Trong Đấng Christ: Nhóm từ “trong Đấng Christ”là nhóm từ đã ngự trị trong các thư tín của Phaolô. Đây là bí quyết của nếp sống Cơ Đốc.
2. Giải thích: Chúng ta klhông thể sống về mặt thuộc thể nếu không khí không ỏ trong chúng ta và chúng ta không ở trong không khí. Cũng vậy, đối với một Cơ Đốc nhân, Chúa Cứu thế Jesus chính là bầu khí quyển thuộc linh của người ấy.
. Cơ Đốc nhân chẳng bao giờ nên đi ra ngoài một mình: Người ấy phải bước vào cuộc sống với ký ức trong sự hiện diện và trong quyền năng của Chúa Cứu thế Jesus.

Bài 10: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
SỨ ĐỒ PHAOLÔ
1. Thần học gia khó hiểu:Nhiều người cho rằng Phaolô là một thần học gia viết khó hiểu. Ngay cả Phierơ cũng đồng ý như thế (IIPhi 2Pr 3:16).
2. Nhà đạo đức học vĩ đại: Tuy nhiên mọi luận cứ thần học của Phaolô đều kết thúc bằng một loạt các mệnh lệnh về đạo đức.
. Dầu lý luận thần học có khó hiểu đến đâu, đều được kết thúc bằng phần đạo đức học trong sáng như pha lê: Đó có thể là những đòi hỏi, những nguyên tắc (ITi1Tm 3:15), những lời khuyên…
I. ĐẠO ĐỨC HỌC CỘNG ĐỒNG
1. Ngoài xã hội: Giống như Chúa Jesus, Phaolô bày tỏ một nền đạo đức học Cơ Đốc có tính cộng đồng. Các đức hạnh quan trọng như yêu thương, phục vụ, tha thứ … chỉ có thể áp dụng ngoài xã hội mà thôi.
2. Dấn thân: Đạo đức học Cơ Đốc là đạo đức học của sự dấn thân, nhập thế, chứ không phải yếm thế, xuất thế…
II. ĐẠO ĐỨC HỌC VỀ SỰ KHÁC BIỆT
1. Thánh đồ:Phaolô thường gọi các tín hữu là thánh đồ. Từ ngữ Hy văn là hagios, được dùng để chỉ về dân Ysơraên trong Cựu Ước, với ý niệm căn bản là sự dị biệt (ngày Sabát, đền thờ, Kinh Thánh).
. Như thế, Cơ Đốc nhân phải khác người. Sự khác biệt đó hiện hữu là vì người đó đã hiến dâng, đã biệt riêng mình ra cho Thượng Đế.
2. Hội Thánh: Một số nơi khác, Phaolô gửi cho các Hội Thánh (ekklẽsia). Từ ngữ nầy liên hệ với động từ ekkalein có nghĩa là gọi ra, mà Hội Thánh là người đã được gọi ra khỏi thế gian, để dù vẫn sống giữa thế gian nhưng sống khác với người thế gian.
3. Người được biến hóa: Phaolô dạy Cơ Đốc nhân phải sống như một người đã được biến hóa (RoRm 12:2). Họ phải là những con cái không tì vết của Thượng Đế, chiếu sáng giữa xã hội xô bồ, điên đảo (Phi Pl 2:15). Họ phải sống như mình không còn thuộc về thế gian (CoCl 2:20).
4. Con người hoàn toàn mới: Phaolô khuyên giục tín hữu phải sống như một người đã được hoàn toàn thay đổi, đã trở nên một con người mới (IICo 2Cr 5:17):
. Họ phải dứt khoát với bóng tối, với lối sống cũ (CoCl 3:7-10).
. Họ phải sống như một người đã được sống lại vẻ vang (2:13), được phục hòa với Thượng Đế (1:21-23)…
5. Không có môn đệ kín giấu: Chắc hẳn Phaolô cũng đồng ý với Richard Glover rằng không thể có cái gọi là “môn đệ kín giấu”, vì hoặc sự kín giấu sẽ giết chết người môn đồ, hoặc người môn đồ thật sẽ giết chết sự kín giấu.

Bài 11: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
III. ĐẠO ĐỨC HỌC VỀ SỰ PHÂN RẼ
A. TỪ KHÁC BIỆT ĐẾN PHÂN RẼ
1. Không mang ách chung với kẻ vô tín: Trong thư tín Phaolô, thỉnh thoảng sự sống khác người phải biến thành phân rẽ. Trong IICo 2Cr 6:14-16, ông viết: Đừng mang ách chung với người vô tín, và ông giải thích: Công chính không thể kết hợp với tội ác, ánh sáng không thể hòa hợp với bóng tối, …
2. Phải lánh xa kẻ tội ác: Trong một số nơi khác, Phaolô dạy:
. Đừng tham dự vào tội ác của họ (Eph Ep 5:7).
. Phải lánh xa những anh em ở dưng, hoặc không nhận thẩm quyền của ông … Đừng dính dáng gì với người như thế (IITe 2Tx 3:6, 14).
. Phải tránh xa kẻ mang danh là có đạo, mà vẫn còn lối sống phóng túng tội lỗi, đi ngược lại với lời tự xưng (IITi 2Tm 3:1-5).
. Không cần giao thiệp với người gây chia rẽ, đã được khuyến cáo một hai lần mà không chịu ăn năn (Tit Tt 3:10-11).
B. CÓ MÂU THUẨN VỚI TRUYỀN GIÁO KHÔNG ?
1. Đừng quên bối cảnh xã hội: Lúc Phaolô viết thư, Hội Thánh Cơ Đốc chẳng khác gì hòn đảo nhỏ, bị cả đại dương ngoại giáo vây quanh. Vì thế, sự cám dỗ và các ảnh hưởng gây ô nhiểm rất gần gũi với các tín hữu.
. ICo1Cr 8:1-10:33 đề cập đến vấn đề ăn của cúng thần tượng. Các bữa tiệc của dân chúng thường được tổ chức ngay tại đền miếu, chứ không phải tại khách sạn hay tại một câu lạc bộ… như chúng ta hôm nay. Vì thế, Phaolô khẳng định Cơ Đốc nhân không thể tham dự các bữa tiệc như thế.
. Vấn đề là phải dứt khoát với mối tình cũ trước đã, rồi mới bắt đầu mối tình mới (ICo1Cr 10:21-22). Sinh hoạt cũ của người đó phải đột ngột kết thúc: Đó là cái giá người đó phải trả khi trở thành Cơ Đốc nhân.
2. Đây là cách đối xử với kẻ cố tình phạm tội: Người bị lên án, loại trừ ở đây là những người cố ý phạm tội, cố tình dan díu với sự cám dỗ. Tránh xa những người như thế, các tín hữu tránh được nguy cơ phá hoại cuộc sống mới.
3. Đây là làm trong sạch tập thể: 5:9-13 nêu ra một trường hợp tội ác ghê tởm mà ngay cả người thế gian cũng lên án. Vì thế, Hội Thánh phải dứt bỏ người đó để làm trong sạch tập thể.
. Đây là vấn đề kỷ luật. Hội Thánh phải có biện pháp để tự vệ. Hội Thánh sẽ không còn là “Hội Thánh” nếu không chịu thi hành kỷ luật.
4. Chữa lành chứ không phải tiêu diệt: Trong 5:5, dù việc dứt phép thông công dường như phó kẻ phạm tội cho Satan, thì mục đích tối hậu vẫn là nhằm cứu linh hồn người đó. Kỹ luật, sửa phạt là để chữa lành, chứ không phải để tiêu diệt.

Bài 12: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
IV. ĐẠO ĐỨC HỌC CỘNG ĐỒNG
A. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI XÃ HỘI
1. Cách so sánh cổ điển: Các tác giả cổ điển trước Phaolô thường so sánh xã hội với thân thể. Để thuyết phục giới bình dân trở lại thành phố, Menenius Agrippa đã kể câu chuyện về các chi thể trả thù anh bao tử.
. Phương pháp duy nhất để thân thể khỏe mạnh và an vui là mọi thành phần đều phải đóng góp phần của mình, chứ không được so đo, ghen tị lẫn nhau.
2. RoRm 12:3-8: Mỗi tín hữu đều là một chi thể của chung một thân thể.
. Mọi ân tứ khác nhau đều phải được sử dụng để tạo sự tốt lành cho toàn thân.
. Theo ISa1Sm 25:29 con cái Chúa đều cùng ở chung trong một bọc của sự sống.
. Không ai có thể “bỏ rơi” xã hội. Đó chỉ là khước từ trách nhiệm mà thôi !
B. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI ANH EM YẾU ĐUỐI
1. Điều cần lưu ý: Điều hết sức an toàn cho người nầy, có thể là vô cùng nguy hiểm cho người khác (RoRm 14:1).
2. Phải gìn giữ bảo vệ anh em mình:Người mạnh khỏe phải chia xẻ gánh nặng với kẻ yếu đuối, vì chúng ta sống trên đời không phải để làm đẹp lòng mình, mà để nâng đỡ người lân cận mình (15:1-2).
. Cơ Đốc nhân phải luôn tự vấn chẳng những “Việc tôi làm sẽ gây ra điều gì cho tôi ?”, mà còn “Việc nầy sẽ ảnh hưởng gì đến anh em tôi ?”.
C. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI NHÀ NƯỚC
D. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI KẺ LẠC LỐI
1. Dìu dắt trở lại: Cơ Đốc nhân phải nhẹ nhàng dìu dắt kẻ lạc lối (tình cờ phạm lỗi) trở lại chánh đạo (GaGl 6:5).
2. Tội dững dưng: Cơ Đốc nhân phải ý thức tội thản nhiên đứng nhìn:Một người không làm gì cả để cứu giúp anh em khốn khổ cũng mắc tội nặng như kẻ làm khốn khổ anh em mình (Gia Gc 4:17).
E. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM TIẾP ĐÃI KHÁCH LẠ
1. Quán trọ thường rất kém: Ngụy kinh “Công vụ của Giăng”đã kể lại câu chuyện Giăng truyền cho lũ rệp rời khỏi chỗ để cách xa tôi tớ Chúa !
2. Quán trọ là nhà thổ: Rất nhiều quán trọ thực chất là những nhà chứa !
3. Cơ Đốc nhân thường nghèo: Quán trọ tốt cũng có nhưng rất đắc tiền, trong khi Cơ Đốc nhân thường là người nghèo. Cho nên Kinh Thánh dạy “Hãy tiếp đãi khách lạ và người lỡ đường (HeDt 13:2. IPhi 1Pr 4:9; RoRm 12:13).
F. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI CHÚA CỨU THẾ
1. Hội Thánh là Thân thể của Chúa: Chúa không còn ở trong thân thể, nên Hội Thánh phải làm thân thể thay cho Ngài !
2. Làm thay Chúa: Chúa cần người làm bàn tay để làm việc, làm miệng để nói, làm chân để ra đi … thay cho Chúa, làm người đại diện cho Ngài.

Bài 13: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
V. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA THÂN HỒN LINH
1. Khả tri phái (Trí huệ giáo Gnosticism): Để giải thích căn nguyên tội lỗi, buồn rầu và đau khổ trong thế giới, phái khả tri cho rằng từ nguyên thủy, vật chất là xấu, là ác, vũ trụ được tạo dựng từ chất liệu xấu, trong khi Thượng Đế là Linh tốt lành thiện hảo. Vì thế Thượng Đế không thể là Đấng Sáng tạo ! Kết luận của Khả tri phái là thân thể và tất cả những gì liên hệ đến nó đều là xấu, là ác.
2. Hai lối sống: Từ đó phát sinh ra hai lối sống trái ngược: Khắc khổ chủ nghĩa khinh bỉ và bỏ mặc thân thể, và chủ nghĩa vô luân, vô đạo, tự do thỏa mãn mọi dục vọng thấp hèn vì thân thể tự nó đã là xấu là ác rồi.
3. Đạo dức học Phaolô: Phaolô nhấn mạnh sự quan trọng của thân thể bên cạnh hồn và linh: Thân thể có thể được dâng lên cho Thưỡng Đế vui nhận. Thân thể tín hữu là đền thờ Thánh Linh đang ngự. Vì thế, thân thể không thể bị khinh dễ hay sử dụng sai lầm như hai lối sống nêu trên.
. Lưu ý, Phaolô dùng từ “xác thịt” để chỉ về bản tánh con người cách xa Thượng Đế, chứ không phải nói về thân xác (GaGl 5:20-21).
. Vì thế đạo đức học Cơ Đốc chấp nhận thân thể và những gì liên hệ đến nó: Thân thể thuộc về Thượng Đế, chúng ta có thể dâng nó cho Ngài cũng như dâng tấm lòng và tâm trí cho Ngài vậy.
VI. ĐẠO ĐỨC HỌC VƯỢT KHỎI THẾ GIỚI VÀ THỜI GIAN
1. Đạo đức học của sự phục sinh: Đến bất cứ nơi nào, Phaolô cũng rao giảng về Chúa Cứu thế đã phục sinh. Vì thế, mọi đời sống đều trải ra trước mặt Đấng Cứu thế Hằng sống.
2. Đạo đức học của sự phán xét: Theo Phaolô, mọi cuộc đời đều đang đi dần đến sự phán xét. Có hai sự phán xét: Phán xét trước ngai lớn và trắng trong ngày sau cùng, dành cho tội nhân khước từ Đấng Christ (KhKh 20:11-15), và tòa án xét thưởng của Đấng Christ, dành cho các tín hữu (IICo 2Cr 5:10).
. Thượng Đế yêu thương cũng chính là Thượng Đế thánh khiết nổi giận trước tội lỗi, và ai gieo giống chi sẽ được gặt giống nấy.
. Cất đi ý niệm về sự đoán phạt khỏi Cơ Đốc giáo là cất đi nguồn sinh lực của nó. Mọi người phải đối diện với sự kiện nầy, để có cuộc sống xứng đáng.
3. Đạo đức học của sự tái lâm: Phaolô luôn nhắc nhở chúng ta về sự tái lâm vinh quang của Đấng sẽ phán xét thế gian. Tân Ước đầy dẫy những người đang trông chờ, mong đợi ngày trở lại của Chúa Cứu thế. Vì thế, ngày tái lâm của Chúa Jesus sẽ không phải là ngày bất ngờ, ngày tai họa…
. Hiển nhiên, mọi điều đó sẽ tạo nên một kết quả đạo đức phi thường, khi mỗi người luôn sống trong sự hiện diện của Đấng Christ phục sinh và chờ đợi ngày tái lâm vinh quang của Chúa.

Bài 14: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
V. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA SỰ NOI GƯƠNG
1. Noi gương Thượng Đế: Đây là hình thức cao nhất của sự noi gương. Eph 5:1; dy: “Trong mọi việc hãy noi gương Thượng Đế, như con cái yêu dấu bắt chước Cha mình”.
a. Người Hylạp cũng kêu gọi mọi người bắt chước Thượng Đế: Plato dạy phải bay càng nhanh càng hay để xa lánh đất mà đến thiên đàng. Pythagoras dùng câu “Hãy theo gót Thượng Đế” làm châm ngôn đời sống mình.
b. Người Do Thái cũng kêu gọi hãy bắt chước Thượng Đế: Trong tác phẩm “Cây chà là của Đêbôra”, Cordovero viết: Con người phải biến mình trở thành giống như Chủ của mình. Rồi ông trích dẫn MiMk 7:18-20 để khai triển 13 thuộc tính của Thượng Đế mà con người phải bắt chước. PhuDnl 13:4 kêu gọi con người hãy bắt chước Thượng Đế là Đấng mặc áo cho kẻ trần truồng (Ađam Eva), thăm viếng người đau và chôn cất người chết (Môise).
c. Đây là một nhiệm vụ của con người:Con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thượng Đế (SaSt 1:26-27), nên bắt chước Thượng Đế là chức năng, là nhiệm vụ của con người.
2. Cơ Đốc nhân phải bắt chước Đấng Christ: Cơ Đốc nhân là người đi theo dấu chơn của Đấng Cơ Đốc là Chúa, là Thầy của mình, vì : Ngài đã “để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài” (IPhi 1Pr 2:21).
3. Cơ Đốc nhân được khuyên noi gương các anh hùng đức tin: Trước giả Hêbơrơ khuyên phải: a. Nhớ dến những người dìu dắt và truyền dạy Lời Chúa cho mình … để học tập lòng tin Chúa của họ (HeDt 13:7). b. Hãy noi gương những anh hùng đức tin, những người hưởng điều Chúa hứa nhờ đức tin và nhẫn nại…
. Phaolô khen tín hữu Têsalônica đã noi gương các Hội Thánh tại Giuđê, khi họ cũng sẵn sàng chịu khổ vì niềm tin nơi Chúa của họ.
. Chính vì thế, Cơ Đốc nhân phải biết về lịch sử của Hội Thánh mình, vì “Lịch sử là triết học dạy bằng thí dụ”: Tấm gương quá khứ là thí dụ cho sự hướng dẫn hiện tại.
. Lucian bảo rằng lịch sử trên hết phải chính xác và hữu dụng… để hoặc cho chúng ta một lý tưởng phải vươn tới hay những điều nghịch đạo phải tránh xa. Cơ Đốc nhân phải biết lịch sử của Hội Thánh mình để bắt chước gương các anh hùng đức tin và tránh xa các lầm lẫn của kẻ ác.
4. Phaolô kêu gọi hãy bắt chước ông: Lời mời gọi đáng ngạc nhiên là lời mời gọi của Phaolô: Hãy bắt chước tôi. Tuy nhiên, Phaolô đã giải thích:
a. Hãy noi gương tôi, như tôi noi gương Đấng Christ (ICo1Cr 11:1).
b. Người giảng đạo phải truyền đạt Phúc Am bằng cả lời nói lẫn đời sống (ITe1Tx 1:5), không phải bảo người khác điều phải làm, mà hãy chỉ cho họ thấy điều họ phải làm.

Bài 15: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
VIII. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA SỰ NÊU GƯƠNG
1. Để lại dấu chơn: Đạo đức Cơ Đốc đòi hỏi toàn thể các Cơ Đốc nhân phải nêu gương cho người khác: “Phải để dấu chơn của mình lại cho người khác noi theo”. (Câu chuyện người cha hút thuốc, đứa con ngắt cọng cỏ bắt chước).
2. Giá trị tuyên truyền: Phaolô hiểu rõ điều chúng ta gọi là “giá trị tuyên truyền của một đời sống Cơ Đốc nhân chân chính, nên ông nhấn mạnh rằng Cơ Đốc nhân phải nêu gương để hấp dẫn chứ không phải để xua đuổi:
. Phải sống lao động lương thiện để người chưatin tôn trọng (4:12).
. Giám mục, chấp sự phải được người chưa tin làm chứng tốt (ITi1Tm 3:7).
. Phải khôn ngoan cư xử với người chưa tin (CoCl 4:5).
3. Cảm hóa: Phierơ khuyên tín hữu ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để những lời gièm chê sẽ được chứng minh là giả dối, và khi Chúa thăm viếng chính kẻ gièm chê sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời (IPhi 1Pr 2:12).
. Phierơ cũng khuyên người vợ có chồng ngoại đạo phải sống tốt đẹp để cảm hóa chồng đến với Chúa (3:1).
4. Hai chữ tốt: Hyvăn có hai từ ngữ chỉ về chữ “tốt”: Agathos chỉ đơn giản mô tả một vật tốt tự nhiên. Kalos mô tả một vật hay người, chẳng những tốt mà còn có tính thu phục, khả ái nữa. Tân Ước thường dùng chữ “kalos” hơn (Mat Mt 5:14-16).
5. Phải quan tâm: Cơ Đốc nhân không có quyền nói “Tôi bất cần thiên hạ nói gì hay nghĩ gì về tôi”. Trái lại, họ phải quan tâm đến diều đó, vì đời sống họ là một bài giảng sống, hoặc hậu thuẩn, hoặc chống lại niềm tin của họ.
IX. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA SỰ HÒA THUẬN
1. Căn bệnh của Hội Thánh: Chia rẽ luôn là căn bệnh khó trị của Hội Thánh:
. Ngay trong bữa tiệc cuối cùng, các sứ đồ cãi nhau ai lớn nhất (LuLc 22:24}.
. Hội Thánh Côrinhtô ủng hộ nhiều thủ lĩnh khác nhau (ICo1Cr 1:12)…
2. Tầm quan trọng: Phao lô nhấn mạnh rằng bao lâu Hội Thánh còn có sự ghen tỵ, tranh cạnh, thì bấy lâu, họ không có quyền tự xưng mình là Cơ Đốc nhân, vì Hội Thánh phải đoàn kết, hiệp một (3:1-4).
3. Phân biệt Thân Chúa: Bữa tiệc yêu thương tại Côrinhtô, đáng lẽ phải là dấu hiệu của sự đoàn kết hiệp một, đã trở thành lý lo để phân rẽ và phân biệt giai cấp. Vì thế, Phaolô cảnh cáo người không phân biệt Thân Chúa sẽ chuốc lấy sự xét đoán cho mình (11:29). Bản Hyvăn tốt nhất đã không có chữ Chúa, với ý nghĩa “Thân” ở đây là Hội Thánh. Vì thế, nguy cơ không phải phân biệt bánh và nước nho mà nguy cơ của một Hội Thánh mất bản chất.
4. Kêu gọi hòa thuận: Nhiều lần Phao lô kêu gọi sống hòa hợp, với lời cảnh cáo về sự xâu xé cắn nuốt nhau là có tâm trí hư hoại, chối bỏ chân lý (ITi1Tm 6:4-5).

Bài 16: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
X. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA SỰ KHIÊM NHƯỜNG
1. Nhấn mạnh suốt Tân Ước: Phẩm chất khiêm nhường được nhấn mạnh xuyên suốt Tân Ước: . Chúa Jesus dạy rằng kẻ kiêu ngạo sẽ bị triệt hạ, còn người khiêm nhường sẽ được tôn cao (Mat Mt 23:12; LuLc 14:11; 18:14).
. Con đường vào Nước Trời là con đường khiêm nhường như con trẻ (Mat Mt 18:4).
. Giacơ và Phierơ trích dẫn Cựu Ước dạy rằng Thượng Đế gia ơn cho kẻ khiêm nhường, nhưng chống trả kẻ kiêu ngạo (Gia Gc 4:6-7; IPhi 1Pr 5:5-6; ChCn 3:34).
2. Đức khiêm nhường của Chúa Jesus: Khúc sách quan trọng nhất về sự khiêm nhường là khúc sách của Phaolô vẽ lại đức khiêm nhường của Chúa Jesus:
. Ngài từ bỏ vinh hiển Thiên đàng để xuống sống trong trần gian thấp hèn.
. Ngài hạ mình xuống làm một con người, một người đầy tớ.
. Ngài vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá…(Phi Pl 2:1-11).
3. Một điều mới mẻ đối với đạo đức học Hylạp: Trong Hy văn không có chữ khiêm nhường nào mà không hàm ý hèn hạ, thấp kém. Đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa đạo đức Cơ Đốc và đạo đức Hylạp.
4. Quan điểm Hylạp: Aristotle cho biết người có linh hồn vĩ đại là người đại ngôn và xứng đáng với lời phô trương đó. Điều duy nhất mà người có linh hồn vĩ đại đặt làm mục tiêu là “danh dự”.
. Người có linh hồn vĩ đại thích ban phát hơn là tiếp nhận, vì ban phát ra là dấu hiệu của người trên, còn ngữa tay tiếp nhận là dấu hiệu của kẻ dưới.
. Người ấy chẳng bao giờ sống theo ý người khác, vì như thế là khúm núm, nô lệ. Vì thế người ấy có đặc điểm là khinh miệt.
. Người ấy sẽ không bao giờ nhận mình còn thiếu, vì như thế là thất bại.
. Người đạo đức Hylạp là một người đứng trên cao nhìn xuống, khác với Cơ Đốc giáo, một người vĩ đại là người khiêm nhường, biết nhìn lên Thượng Đế.
XI. LIÊN HỆ VỚI ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA PHIERƠ
1. Liên hệ với đạo đức học của Phierơ: Đạo đức học của Phaolô có liên hệ với đạo đức học của Phierơ. Trong nền văn học liên quan tới đạo đức học của thế giới cổ điển, trong đó có diều gọi là “Các luật lệ trong nhà”, trong đó, bổn phận của các thành viên trong gia đình được giải thích và đúc kết lại.
2. Bản gia huấn Tân Ước: Tân Ước cũng có bảng gia huấn riêng, theo hình thức nầy. Chúng đề cập đến ba mối liên hệ:
a. Mối liên hệ giữa vợ chồng (Eph Ep 5:21-33; CoCl 3:18-19; IPhi 1Pr 3:1-7).
b. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái (Eph Ep 6:1-4; CoCl 3:20-21; ITi1Tm 5:4, 8, 16).
c. Mối liên hệ giữa chủ và tớ hay giữa chủ và nô lệ (Eph Ep 6:5-9. CoCl 3:22-4:1; ITi1Tm 6:1-2; IPhi 1Pr 2:18-25).

Bài 17: MƯỜI HAI ĐẶC TÍNH
XII. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
A. Bản chất của Tình yêu thương Cơ Đốc:
1. Kiên trì bất biến: Điều căn bản cho Đạo dức học Phaolô, cũng như đạo đức học Cơ Đốc là tình yêu thương. Đây không phải là thứ tình cảm do cảm xúc, thôi thúc bởi sự đam mê, cháy bùng lên rồi lại tắt lịm… Nhưng đây là một quyết tâm kiên trì, bất biến, không gì có thể đánh bại.
2. Bất chấp sự đáp ứng: Tình yêu thương Cơ Đốc không những không lệ thuộc bản chất đối tương, mà còn không lệ thuộc vào sự đáp ứng của đối tượng.
3. Tìm kiếm điều tốt lành: Tình yêu thương Cơ Đốc không những không làm hại người khác mà còn chủ động tìm kiếm điều tốt lành hơn hết cho họ.
B. Kết quả của Tình yêu thương Cơ Đốc:
1. Đối diện lời nhục mạ, nguyền rủa: Sự báo thù không thể hiện hữu trong tình yêu Cơ Đốc. Điều đó thuộc thẩm quyền Thượng Đế. Tình yêu Cơ Đốc khiến:
a. Quan tâm lo lắng cho kẻ kẻ thù nghịch mình (RoRm 12:19-20). Tích cực thực hiện sự nhân từ tử tế, khiến kẻ thù xấu hổ và bị bắt phục bởi tình yêu.
b. Tha thứ cho họ như Chúa đã tha thứ cho mình (Eph Ep 4:32). Cơ Đốc nhân không lấy ác trả ác mà lấy thiện thắng ác (RoRm 12:21; ITe1Tx 5:15).
2. Một lòng khoan dung mới: Đây là sự kiên nhẫn chịu đựng với mọi người:
a. Khoan dung do cảm thông: Khôngphải do dững dưng, bất cần, chẳng quan tâm, mà do tình yêu thương cố gắng tìm hiểu tại sao người khác lại suy nghĩ và hành động như thế. “Biết rõ tất cả là tha thứ tất cả” !!!
b. Khoan dung nhưng cương quyết: Sự khoan dung không khiến chúng ta thay đổi một lập trường đúng đắn, một chân lý… Đây là sự khoan dung biết rõ sự khác nhau giữa nguyên tắc và thiên kiến. (Phaolô làm cắt bì cho Timôthê, trả phí tổn cho người có lời thề nguyền Naxirê. Cong Cv 21:17-26).
3. Một sự tự do mới: Đây là sự tự do thật, không bị lạm dụng để bào chữa cho sự phóng túng. Đây là sự tự do được điều chỉnh bằng trách nhiệm và tình yêu.
. Sự tự do trong tình yêu sẽ không làm gì có hại cho người lân cận (GaGl 5:13-14), không làm cớ vấp phạm cho anh em…
. Trong CoCl 2:16, 21 Phaolô dạy rằng Cơ Đốc nhân có quyền tự do ăn uống, nhưng trong ICo1Cr 8:13 ông tự giới hạn quyền tự do ăn uống để khỏi làm cho anh em vấp phạm.
4. Trình bày và bênh vực chân lý: Sự thật, mất lòng ! Sự thật có thể được nói ra khiến người khác đau khổ, gây thương tích, như ánh sáng làm chói mắt, nhưng nếu được nói ra bằng tình yêu sẽ đem lại phước hạnh cho người nghe.
. Cơ Đốc nhân phải sẵn sàng bênh vực sự thật, bênh vực niềm tin, nhưng phải hòa nhã, lễ độ (IPhi 1Pr 3:15).

Bài 18 : KẾT LUẬN ĐẠO ĐỨC HỌC PHAOLÔ
I. NHỮNG SỰ TÙNG PHỤC TỰ NHIÊN
1. Một cơ chế nội tại: Vợ thuận phục chồng, con cái thuận phục cha mẹ, tôi tớ thuận phục chủ… là những sự thuận phục tự nhiên, không có gì là bạo ngược hay độc tài cả. Đây là một cơ chế nội tại mà nếu không có, đời sống sẽ hổn loạn và không thể tiến triển.
2. Nền móng là tình yêu: Tình yêu thương đã được đưa vào các mối liên hệ tùng phục nầy, khiến sự tùng phục không còn là gánh nặng mà là niềm vui.
3. Chấp nhận quyền lãnh đạo: Chấp nhận quyền lãnh đạo là điều kiện để đời sống tiến triển, trong đó thực thi và tuân thủ là những thành phần đời sống.
II. MỐI LIÊN HỆ HAI CHIỀU
1. Quyền lợi và nghĩa vụ: Phaolô chẳng bao giờ quy định một quyền lợi mà không gắn liền với một nghĩa vụ: Vợ phải thuận phục chồng thì chồng phải yêu thương, dịu dàng với vợ, con cái phải vâng lời cha mẹ thì cha mẹ đừng đòi hỏi vô lý khiến chúng thù ghét hay chán nản, thất vọng…
2. Đặc quyền đặc lợi: Đặc quyền đặc lợi không bao giờ chỉ ở một phía. Chẳng ai có quyền đòi hỏi điều gì nơi người khác mà không đồng thời thừa nhận nghĩa vụ của mình đối với người ấy.
III. SỰ TỂ TRỊ CỦA CHÚA CỨU THẾ
1. Sự hiện diện của Chúa: Mọi sự phải được thực hiện trong nhận thức sự hiện diện của Chúa Cứu Thế và trách nhiệm của chúng ta đối với Ngài. Chủ đối xử với đầy tớ phải biết mình đang có một ông Chủ trên trời.
2. Đẹp lòng Chúa: Mọi sự phải thực hiện làm sao cho đẹp lòng Chúa vì đó là mục đích sống của Cơ Đốc nhân (ICo1Cr 10:31).
3. Dâng cho Chúa: Mọi sự phải được thực hiện như làm cho Chúa (CoCl 3:23), sẽ khiến trách nhiệm trở nên đặc ân, là của lễ dâng lên Chúa.
IV. CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA
1. Vấn đề giải phóng nô lệ: Tân Ước chẳng đá động gì đến vấn đề giải phóng nô lệ là vì thời gian chưa chín muồi cho việc nầy sẽ tạo ra hổn loạn khi đưa ra. Tuy nhiên Tân Ước đã khẳng địng một mối liên hệ mới giữa chủ và nô lệ : Tất cả đều là anh em trong Chúa (Phil Plm 1:16).
2. Vấn đề các nô lệ lợi dụng: Một số tín hữu nô lệ đã lợi dụng mối liên hệ anh em, nên Phaolô dạy họ hãy nhớ là mình đang phục vụ cho người anh em yêu dấu nên càng phải làm tốt hơn (ITi1Tm 6:1-2).
. Mối liên lệ anh em phải khiến chúng ta trở nên những con người tốt hơn, chứ không thể khiến chúng ta trở nên những công nhân lười biếng, vì động cơ làm việc không phải là áp lực uy quyền mà là tình anh em, đồng lao, đồng công.

Bài 19: TRÌNH BÀY ĐẠO ĐỨC HỌC TÌNH HUỐNG
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Quan điểm bình thường: Khi nói đến đạo đức học, chúng ta thường nghĩ ngay đến các luật lệ, quy luật và nguyên tắc hành động có sẵn, để chúng ta chấp nhận và đem ra áp dụng. Nó giúp chúng ta khỏi phải gặp những nhiệm vụ khó khăn khi phải tự mình phán đoán và quyết định.
2. Đạo đức học tình huống: Năm 1966, một giáo sư người Mỹ là Joseph Fletcher đã viết một quyển sách nhan đề “Đạo đức học tình huống” (Situation Ethics) và sau đó là “Trách nhiệm đạo đức” (Moral responsibility), để trình bày lý thuyết đạo đức học tình huống.
II. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC TÌNH HUỐNG
1. Nguyên tắc cơ bản: Theo Fletcher, chẳng có gì đúng phổ quát và cũng chẳng có gì sai phổ quát, nghĩa là chẳng có gì tự nó vốn là đúng hay sai cả: Tốt xấu, thiện ác không phải là những phẩm chất nội tại mà chỉ là những sự tình cờ được bộc lộ qua nhiều tình huống khác nhau. Chúng không phải là những thuộc tinh (properties), mà chỉ là những phẩm tính được gán cho (attributes).
2. Nguồn gốc: Người theo đạo đức học tình huống biết rõ là có các luật lệ và nguyên tắc, nhưng không thừa nhận có nguyên tắc nào lại có tính cách bó buộc tuyệt đối và luôn luôn có giá trị, là đúng hay sai cả.
III. HAI MỆNH ĐỀ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC TÌNH HUỐNG
1. Chỉ có một điều tự nó là tốt, là thiện. Đó là tình yêu thương: Tuy nhiên:
. Tình yêu thương đúng ra là gì ? Hy văn có 4 từ ngữ để chỉ tình yêu thương: Erõs là tình yêu tính dục, Philio là tình bạn, Storgẽ là tình gia đình, và Agape là tình yêu Thượng Đế mà chúng ta đã học: Quyết tâm luôn tìm điều tốt lành, thiện hảo nhất cho người khác, bất chấp bản chất và thái độ tiếp nhận của họ…
. Tình yêu thương đòi hỏi điều gì ? Fletcher đưa ra câu hỏi: Bạn sẽ cứu ai khỏi cơn hỏa họan: Một em bé hay một bức danh họa ? Người cha già hay vị bác sĩ có công thức chữa bệnh dịch nhân loại ?
2. Tình yêu thương và công lý chỉ là một, vì công lý là tình yêu thương được ban phát ra: Đây là một ý niệm mới. Fletcher giải thích: Công lý là trả cho mỗi người những gì người ấy có quyền hưởng, và điều người ấy có quyền hưởng là tình yêu thương.
. Theo Fletcher, công lý chỉ cần thiết khi tình yêu thương chỉ là một tình cảm mơ hồ được phổ quát hóa. Thí dụ: Kêu gọi yêu thương người da đen mà lại phủ nhận sự công bằng đơn giản nhất.
. Vì thế, tình yêu thương phải luôn tính toán, nhiều khi phải từ bỏ lời thề, phải vi phạm điều răn chỉ vì muốn bày tỏ tình yêu !!!

Bài 20: SAI LẦM của ĐẠO ĐỨC HỌC TÌNH HUỐNG
I. SAI LẦM TRONG CÁCH TRÌNH BÀY
1. Phần lớn thí dụ minh họa bất bình thường: Phần lớn các minh họa của Fletcher đều được rút ra từ những cái bất bình thường, thất thường hay khác thường.
2. Biện pháp khác thường: Trong những hoàn cảnh khác thường mới cần đến những biện pháp khác thường. Điều nầy không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, Chúa sẽ ban khôn ngoan trong khi đối diện (Gia Gc 1:5).
II. MỘT MỨC ĐỘ TỰ DO KHỦNG KHIẾP
1. Một trách nhiệm nặng nề: Với lý luận của Fletcher, không có gì tự nó là tốt hay xấu, vì thế, khi đối diện với hoàn cảnh của mình, chúng ta phải chịu trách nhiệm phán đoán đúng mới có quyết định đúng.
2. Con người cần luật lệ: Nếu mọi người đều là những ông bà thánh thì đạo đức học tình huống sẽ là nền đạo đức hoàn toàn. Tuy nhiên, con người chưa đạt đến mức độ đó.
. Aristotle bảo rằng không thể cho một đứa trẻ có tự do hoàn toàn, không phải vì nó xấu, mà vì nó chưa có khôn ngoan và kinh nghiệm. Nó cần kỷ luật, luật lệ, lắm khi cần được sửa phạt trước khi nó có tự do.
. Dù con người đòi hỏi tự do, nhưng con người cũng sợ trách nhiệm. Họ muốn áp dụng những luật lệ có sẵn hơn là phải cô đơn quyết định mọi việc.
III. CỨU CÁNH KHÔNG THỂ BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN
1. Bản chất không thay đổi: Dĩ nhiên có một số trường hợp khác thường, một hành động bị xem là sai quấy lại có thể trở thành điều tốt. Tuy nhiên, bản chất của nó vẫn không thay đổi, giống như lọ thuốc độc dù có được sử dụng vào mục đích nào đi nữa thì thuốc độc vẫn là thuốc độc, và tội lỗi vẫn là tội lỗi.
2. Quyền đoán xét: Khi đối diện với Thượng Đế, mọi người phải khai ra mọi việc mình làm trong ánh sáng của Lời Thượng Đế, và mọi miệng đều phải ngậm lại trước sự đoán xét công bình của Thượng Đế.
. Tiêu chuẩn đoán xét không lệ thuộc con người và hoàn cảnh mà lệ thuộc vào Lời bất biến của Thượng Đế.
IV. HAI ĐIỀU BỊ BỎ QUÊN
1. Các trợ giúp về mặt tâm lý: Đạo đức học tình huống đã quên rằng các trợ giúp về mặt tâm lý có thể được thực hiện khi có những điều kiện bất thường.
. Chiêu bài cứu cánh biện minh cho phương tiện nhiều khi phải hiện nguyên hình là kết quả của một động cơ sai lạc.
2. An điển của Thượng Đế: Trên hết, đạo đức học tình huống đã quên mất ân điển và quyền năng Thượng Đế có thể biến đổi đời sống, chứ không nhờ những cố gắng theo phương cách con người.

Bài 21: Ý NIỆM VỀ LUẬT PHÁP
I. LUẬT PHÁP LÀ CHẮT LỌC KINH NGHIỆM
1. Đúc kết kinh nghiệm: Luật pháp bảo đảm những việc làm mà kinh nghiệm đã chứng minh là có lợi thì phải được noi theo, và phải loại trừ những việc làm mà kinh nghiệm chứng minh là có hại. Như thế, luật pháp là sự đúc kết kinh nghiệm sống và sinh hoạt của xã hội.
2. Lưu ý: Đây chưa phải là cách mô tả luật pháp đầy đủ nhất, vì luật pháp sẽ tạo ra sự phân biệt lớn lao về những hành động nào là thiện hay ác của những xã hội khác nhau.
II. LUẬT PHÁP LÀ QUY LUẬT CỦA LẼ PHẢI
1. Quy luật của lẽ phải: Luật pháp là quy luật của lẽ phải được ứng dụng vào hoàn cảnh hiện có. Luật pháp bảo đảm mọi người sống một cuộc đời hợp lý, phải lẽ, như con người đáng phải sống. Hay nói một cách khác, luật pháp là phiên dịch luân lý đạo đức thành ra những kỷ luật xã hội.
2. Sự hình thành: Trước tiên xã hội phải đưa ra lời kết luận thế nào là nếp sống hợp lý, phải lẽ, những gì có giá trị và những gì nguy hiểm. Sau đó, phải hình thành một bộ luật nhằm bảo đảm cho lối sống được chấp nhận đó.
III. LUẬT PHÁP LÀ CHO NHỮNG ĐỊNH NGHĨA
1. Chức năng định nghĩa: Một trong những chức năng của luật pháp là định nghĩa. Nó định nghĩa cái gì phải bị trừng phạt, cái gì sẽ được hoan nghênh.
2. Lưu ý: Những định nghĩa về tội ác có thể thay đổi theo từng thời đại. Thí dụ: Từ xa xưa, đa thê là điều hợp pháp thì hiện nay trở thành bất hợp pháp.
IV. LUẬT PHÁP TẠO RA HAI HIỆU QUẢ TRÁI NGƯỢC
1. Luật pháp thuyết phục đừng làm việc sai quấy: Khi định nghĩa điều sai quấy, luật pháp có ý hướng thuyết phục người ta đừng làm điều sai quấy đó. Nó khiến người ta sợ các hậu quả của việc làm sai quấy đó.
2. Luật pháp tạo ra một thèm khát làm điều sai quấy: Tuy nhiên, chính sự ngăn cấm lại có thể tạo ra ước muốn, thèm khát hành động sai quấy, như điều Phaolô đã mô tả trong RoRm 7:7-8. Như Augustine đã nói: Đó là “nỗi thích thú dám hành động chống lại luật pháp” !
V. LUẬT PHÁP NHẰM BẢO VỆ XÃ HỘI
1. Ngăn chận kẻ xấu nhưng mạnh bạo: Luật pháp nhằm kiểm soát, ngăn chận kẻ xấu, nhưng mạnh bạo muốn làm hại xã hội.
2. Bảo vệ công dân bình thường: Luật pháp liên kết những công dân bình thường, bảo vệ những công dân bình thường
VI. LUẬT PHÁP CHỈ QUAN TÂM ĐẾN LUÂN LÝ CÔNG CỘNG
1. Chỉ quan tâm đến luân lý công cộng: Luật pháp luôn quan tâm đến luân lý công cộng và những gì đe dọa sự an vui, phúc lợi công cộng.
2. Không bận tâm đến luân lý riêng tư: Họ xem nó thuộc phạm vi giáo hội !

Bài 22: LIÊN HỆ GIỮA ĐẠO ĐỨC và LUẬT PHÁP
I. CĂNG THẲNG GIỮA TỰ DO VÀ LUẬT PHÁP
1. Quan điểm đạo đức học tình huống: Fletcher cho rằng: Chẳng có gì chúng ta làm là thật sự đạo đức cả, trừ phi chúng ta được tự do để làm khác đi…Chẳng có kỷ luật nào ngoài kỷ luật tự khép mình vào kỷ luật cá nhân có ý nghĩa đạo đức.
2. Trả lời: Trên bề mặt thì điều đó là đúng nhưng :
a. Có ai trong chúng ta là được tự do ? Chúng ta thụ hưởng di truyền, môi trường sống, tính khí, hậu quả của những quyết định trước đây… Tất cả đều tạo ảnh hưởng trên chúng ta.
b. Tự do không phải chỉ là tự do làm, mà cũng là tự do để không làm nữa. Phần đông chúng ta đều tự làm cho mình không được tự do.
c. Tự do với luật pháp đi song song nhau: Ay là nhờ ảnh hưởng của luật pháp mà cuối cùng người ta thật sự tự do.
II. CĂNG THẲNG GIỮA PHI LUÂN VÔ ĐẠO VỚI BẤT HỢP PHÁP
1. Trái với đạo đức mà không phi pháp: Thực tế có nhiều điều vốn trái với đạo đức, nhưng lại không được xem là phi pháp. Thí dụ: Ly dị, đồng tính luyến ái…
2. Quan điểm phổ thông: Theo quan điểm chính thống thì luật pháp chẳng màng đến luân lý đạo đức riêng tư, mà chỉ quan tâm đến đạo đức công cộng mà thôi.
. Điều nầy sẽ khiến những Cơ Đốc nhân xem lời dạy của Chúa Jesus là tiêu chuẩn đạo đức hoàn toàn khó chịu khi thấy những điều sai lầm lại dễ dàng được luật pháp công nhận: Đồng tính luyến ái, tự do ly dị, tự do có con và con cái người chưa kết hôn cũng được trợ cấp như con cái của những cặp vợ chồng đã kết hôn.
III. CĂNG THẲNG GIỮA CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐỒNG
1. Xã hội Do Thái giáo xưa: Vào những ngày đầu tiên của Do Thái giáo, sự đoàn kết, tương thân, tương trợ lớn đến nỗi một cá nhân, với tư cách cá nhân rất khó có một đời sống độc lập: Khi tội lỗi của Acan bị khám phá, cả nhà ông cũng bị ném đá chung với ông.
. Nếu một người sống trong xã hội bán khai vẫn còn sống đến ngày hôm nay, khi được hỏi tên, anh ta sẽ không nói tên anh ta mà chỉ nói tên của bộ lạc anh ta thôi.
2. Xã hội ngày nay: Vào thời của chúng ta ngày nay thì cá nhân lại được chú trọng: Tự phát triển, tự hành động , tự bộc lộ chính mình…là những mật khẩu của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tự phát triển bất chấp tha nhân không phải là điều đúng.
. Có quá nhiều luật lệ thì cá nhân bị bóp chẹt, còn quá thiên về cá nhân thì luật pháp bị suy yếu đi.
. Vì thế, cần sự quân bình tế nhị giữa tự do và luật pháp, giữa cá nhân và xã hội và tôn chỉ của đời sống phải là “yêu người lân cận như yêu chính mình”.

Bài 23: RỦA SẢ hay PHƯỚC HẠNH
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Quan điểm bình thường: Tiến sĩ Johnson có lần bảo rằng: Nếu có thể được, tất cả loài người chúng ta đều muốn ở dưng ! Điều mong muốn của một người lao động cực nhọc trên đời nầy là mong được vĩnh viễn nghỉ lao động trong đời sau. Khi cuộc đời chấm dứt thì công tác cũng chấm dứt, và người đó hết lòng tạ ơn Thượng Đế.
2. Quan điểm lý tưởng: Tuy nhiên, những Cơ Đốc nhân thiêng liêng cho rằng khi cuộc đời nầy chấm dứt, thì đó là lúc họ có cơ hội để lao động như chưa bao giờ có trước đây, và như thế, họ cũng hết lòng tạ ơn Thượng Đế.
II. DO THÁI VÀ HYLẠP-LAMÃ
1. Quan điểm Do Thái: Đối với người Do Thái thì lao động là điều thiết yếu, lao động chính là yếu tính của đời sống. Họ có một câu tục ngữ dạy rằng ai không dạy cho con trai mình một nghề, tức là dạy nó đi ăn trộm !
. Một rabi Do Thái không được lấy thù lao do việc giảng dạy, mà phải làm một nghề lao động để tự tay mình mưu sinh. Lao động chính là sự sống !
2. Quan điểm Hylạp Lamã: Văn minh Hylạp Lamã đặt cơ sở trên chế độ nô lệ, nên quan điểm về lao động hoàn toàn khác:
. Plato cho rằng không một thợ thủ công nào có thể trở thành công dân lý tưởng.
. Aristotle cho biết tại Thebes, không ai được trở thành công dân nếu chưa nghỉ hành nghề nào đó mười năm rồi.
. Cicero quy định rằng không một nhân vật khả kính nào lại đi làm việc vì tiền lương, họ không thể hành nghề thương mại, dù là buôn bán sỉ hay lẻ.
III. QUAN ĐIỂM KINH THÁNH
1. Bản án Ađam: Ađam Eva bị đuổi khỏi vườn với bản án “ngươi phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (SaSt 3:17-19). Nhiều người nghĩ rằng nếu loài người không phạm tội, chắc hẳn họ sẽ được sống vĩnh viễn trong một cõi thiên đàng đầy ánh nắng mặt trời mà chẳng cần phải làm gì cả ngoài việc hưởng thụ các phước hạnh trong vườn Eđen. . Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý sứ mạng của Ađam trước khi phạm tội, trong 2:15 là trồng và giữ vườn.
2. Toàn bộ Kinh Thánh: Hầu như toàn bộ Kinh Thánh, ngoài câu chuyện loài người phạm tội, đều được căn cứ trọn vẹn trên lời truyền dạy con người được dựng nên vốn là để lao động và lao động cách giỏi giang, đáng tôn trọng:
. Chẳng có chi tốt cho loài người hơn là vui hưởng công việc mình (TrGv 3:22).
. Chính Chúa Jesus đã vào đời như một công nhân, một người thợ mộc.
. Chúa Jesus dạy rằng một đầy tớ tốt luôn luôn là một công nhân giỏi giang.
. Chính Phaolô đã lao động và dạy phải lao động (ITe1Tx 2:9. IITe 2Tx 3:8-10).

Bài 24: TỔNG QUAN VỀ LAO ĐỘNG
I. CÔNG VIỆC LÀ BẢN THÂN
1. Một ước muốn khác: Chẳng có gì phổ biến hơn là mọi người thường ước muốn có một việc làm, một công tác khác: Một công nhân ước muốn mình làm bác sĩ trong khi một bác sĩ lại muốn làm giờ hành chánh như một công nhân…
2. Sống đúng con người của mình: Nhiều khi người ta ước ao phải chi mình là một người khác. Nhưng nhiệm vụ chúng ta là sống theo đúng con người của mình.
3. Công việc là bản thân: Trước hết và trên hết, công việc của chúng ta là con người của chúng ta và ngay tại nơi chúng ta đang ở. Điều nầy không có nghĩa là đừng thay đổi công việc, mà chỉ có nghĩa rằng cách tốt nhất để được làm một công tác lớn lao là hãy thực hiện hoàn hảo việc ta đang làm.
. Một nghịch lý lạ lùng là người ta nhận được công việc lớn lao khi thiết tha quan tâm nhiều nhất đến việc mình đang làm mà không hề nghĩ đến việc khác.
II. TÂN ƯỚC BẢO HÃY NHÌN CÁCH LÀM VIỆC
1. Làm như thế nào? Điều con người có thể trình lên Thượng Đế chính là việc làm của người ấy. Điều có ý nghĩa nhất không phải người ấy làm được gì, nhưng là người ấy làm việc như thế nào.
2. Lao động là cách trắc nghiệm:Vấn đề không phải là tầm quan trọng của công việc, nhưng căn cứ vào lòng trung thành mà công tác ấy được thực hiện. Thượng Đế không cần người ta làm việc phi thường, mà cần họ làm công việc bình thường, nhưng làm thật tốt, thật phi thường.
III. TIỀN LƯƠNG VÀ VIỆC LÀM
1. Một tình trạng nguy hiểm: Một tình trạng vô cùng nguy hiểm là người ta đấu tranh để hưởng lương cao nhất với một công việc ngày càng ít hơn, kém hơn.
2. Phẩm chất hơn tiền lương:Nếu đây là một thế giới lý tưởng thì chúng ta phải càng chú ý đến phẩm chất của công việc mình hơn là tiền lương lãnh được từ công việc ấy. Chúng ta có nghĩa vụ phải làm việc cho xứng với đồng lương.
IV. ĐÓNG GÓP CHO CỘNG ĐỒNG
1. Nguyên tắc phân công lao động: Có một nguyên tắc lừng danh nhất trong mọi nguyên tắc kinh tế được gắn chặt với cái tên Adam Smith. Đó là nguyên tắc phân công lao động: Theo nguyên tắc nầy, đừng ai nổ lực làm tất cả mọi việc một mình, mà mỗi người phải làm công việc của riêng mình. Mỗi người hãy hoàn thành phần việc của mình, tất cả họp lại sẽ tạo thành một xã hội thành công.
2. Vấn đề rắc rối hiện nay: Đó là còn rất ít hay chẳng còn tinh thần cộng đồng trong xã hội. Ai cũng muốn tách riêng để tìm lợi cho mình, bất chấp cả quyền lợi cộng đồng ! Tuy nhiên, nếu một người bắt buộc phải làm một số sự việc thì cộng đồng cũng có một số việc để làm cho người ấy.

Bài 25: CHÚA JESUS DẠY VỀ LAO ĐỘNG
Kinh Thánh: Mat Mt 20:1-16
I. QUYỀN ĐƯỢC LAO ĐỘNG
1. Quyền lợi của người lao động: An dụ của Chúa Jesus cho thấy người chủ đã quan tâm đến quyền lợi của công nhân vườn nho mình, nhưng thật đáng kinh ngạc là mãi đến 1890, người lao động vẫn chẳng có một quyền lợi nào cả: Chẳng có phụ cấp thất nghiệp mà cũng chẳng có lương hưu trí !
2. Nạn thất nghiệp: Theo thống kê của Cứu thế quân năm 1890, chỉ trong một tối tháng 6. 1890 vào lúc nửa đêm, đã có 366 người nằm ngủ trên một dặm đường giữa Westminster và Blackfriars để chờ đợi mỗi ngày một chén xúp và một mẫu bánh mì giá một xu ! Nạn thất nghiệp đang đe dọa thế giới và tài năng của con người đang mục rửa trong cảnh ăn không ngồi rồi.
II. QUYỀN HƯỞNG LƯƠNG ĐỦ SỐNG
1. An dụ của Chúa Jesus: Ong Chủ đã cho mỗi công nhân một đơniê, bất kể số giờ làm việc của họ. Không phải ông chủ cổ súy sự bất công, nhưng muốn bày tỏ sự quan tâm đến nhu cầu sống của công nhân của mình.
2. Thảm trạng xã hội: Richard Collier trích dẫn một trường hợp cũng trong năm 1890, một bà mẹ và hai đứa con trai dưới 9 tuổi phải làm 16 giờ mỗi ngày để sản xuất 1. 000 hộp diêm quẹt với số lương 0,16 Anh kim.
III. QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG ĐIỀU KIỆN HỢP LÝ
1. Thảm trạng một thế kỷ trước: Điều kiện hợp lý cho công nhân là điều các chủ nhân 100 năm trước không bao giờ nghĩ đến. Richard Collier cho biết trong thời đó, giá diêm quẹt rất rẻ nên diêm quẹt phải được chế tạo bằng lân tinh màu vàng, mà chỉ cần 0,2 g là có thể giết chết một người ! Trong bóng tối mờ ảo, quai hàm công nhân và đôi tay ánh lên màu xanh trắng ! Rất nhiều công nhân bị chứng thối quai hàm, xương hoại tử và chết.
2. Tìm đúng công việc cho mình: Thomas Carlyle bảo rằng: “Người nào đã tìm đúng được công việc cho mình là người có phước”. Người như thế sẽ sống với công việc của mình: Họ không phải chỉ làm việc để được trả lương mà họ có thể sẵn sàng trả tiền để làm công việc của mình (Nhạc sĩ Henry Coward).
. Sự thật chưa tới 10% người tìm được đúng công việc cho mình: Họ rời ghế nhà trường và nhận ngay một công việc vừa tầm tay. Không phải họ muốn như thế mà chỉ vì họ phải làm như thế.
. Công kỷ nghệ càng phát triển thì sự tự động hóa càng chiếm ưu thế, công nhân chỉ còn là người nhấn nút điều khiển. Máy móc thay thế cho người thợ thủ công, tiến trình tự động thay thế cho sự khéo tay của con người, và con người bị đẩy vào những công việc mà mình không có gì để hãnh diện !
3. Sự sống bên ngoài việc làm: Công việc chỉ còn là phương tiện sinh nhai và con người phải sống thật ở ngoài việc làm của họ !

Bài 26: LAO ĐỘNG và GIẢI TRÍ
I. NHU CẦU GIÁO DỤC
1. Sự suy thoái trong giáo dục: Có nhiều lãnh vực mà một học sinh tốt nghiệp, rời ghế nhà trường, mà chẳng biết chi cả !
. Có những trình độ giáo dục khiến cho đứa trẻ chẳng hề thấy ham thích đọc sách báo chi cả, ngoại trừ xem các chuyện bằng tranh hay bức hí họa !
2. Phải hồi sinh công tác giáo dục: Phải làm sao cho giáo dục không phải chỉ truyền dạy những điều cần thiết để mưu sinh, nhưng còn là truyền dạy những điều khiến người ta có thể sống được.
. Ngành giáo dục phải là chìa khóa vàng để mở toang nhiều cánh cửa, không những cho việc mưu sinh, mà còn cho các nhu cầu tinh thần như âm nhạc, nghệ thuật, kịch nghệ… để con người có thể tìm được sự sống.
II. THÂN THỂ VÀ TÂM TRÍ
1. Nguyên nhân thiếu niên phạm pháp: Phần lớn nạn thiếu niên phạm pháp xảy ra là vì chúng ta quên rằng con người vốn có một thân thể cũng như có một tâm trí. Sự buồn chán vì chẳng có việc làm sẽ tạo ra những nan đề cuộc sống.
2. Năng động lực bẩm sinh: Mọi người, nhất là con trẻ, vốn có một năng động lực bẩm sinh, một sức sống hầu như còn thô sơ, nếu không được hướng vào sự sống, chắc chắn nó sẽ bị hướng vào sự phá hoại.
III. TRUNG TÂM CỦA CỘNG ĐỒNG
1. Nếp sống cộng đồng: Có một chân lý quan trọng. Đó là càng biết rõ một người bao nhiêu, chúng ta sẽ càng có thể cùng người ấy thờ phượng Chúa sâu sắc hơn, cầu nguyện hiệu quả hơn bấy nhiêu.
. Người ngồi bên cạnh chúng ta trong nhà thờ không thể chỉ là một người thánh khiết xa lạ nào đó, mà phải là một người bạn thân sống động với mình.
2. Trung tâm của cộng đồng: Trong một thế giới mà thì giờ rỗi rảnh sau khi đã làm xong việc là rất quan trọng, thì Hội Thánh phải trở thành trung tâm của cộng đồng: Nơi đó, mọi người có thể ca ngợi Thượng Đế, nhưng cũng có thể tìm được sự thỏa mãn mọi nhu cầu chân thật của đời sống.
. Nhà thờ mở cửa đủ bảy ngày trong tuần cho mọi sinh hoạt, phải là một phần công tác của thời đại mới.
IV. THÌ GIỜ RẢNH RỖI
1. Sau ngày lao động: Dù lao động có thể là điều quan trọng nhất trong đời sống, nhưng nhiều người chỉ thật sự sống sau khi xong ngày lao động.
2. Nếp sống phục vụ: Điều duy nhất có thể mang ýnghĩa đến cho đời sống là phục vụ, phục vụ cộng đồng.
. Chính bằng việc sống cho người khác mà người ta có thể nhận thấy là mình đang sống cho chính mình vậy.

Bài 27: Vấn đề KHÔNG LAO ĐỘNG
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Vấn đề: Có một vấn đề được nêu ra ở đây là trường hợp những người không lao động. Không phải họ lười biếng hay mất khả năng làm việc, mà đây là một quyết định mang vẻ tôn giáo.
2. Thôi việc vì lý do tôn giáo: Có nhiều người cảm thấy xã hội là cái gì mà mình không thể tham gia, vì nó đã bị ô nhiểm thật sự về mặt tinh thần, nó đã bị vật chất hóa.
. Xã hội là cuộc chiến giữa những kẻ có và kẻ không có. Kẻ có thì không muốn san sẻ nhưng cố bám víu vào tài sản của họ và duy trì nó bằng bất cứ giá nào !
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Không thể sống ngoài vòng xã hội:Việc hoàn toàn chối bỏ và sống ngoài vòng xã hội là điều không thể có. Chúng ta không thể làm gì cả nếu không có xã hội, dù nó ra sao đi nữa.
. Chúng ta phải sử dụng những dịch vụ mà xã hội cung cấp cho mình. Chúng ta có thể bất mãn với xã hội nhưng không thể hoàn toàn tự cách ly khỏi nó.
2. Đó là thiếu sót nghĩa vụ: Một trong những vấn đề lớn liên quan đến việc nầy là: Rời bỏ xã hội thì chúng ta sẽ đi đâu. Phải chăng rời bỏ xã hội để đi vào một đời sống phi sản xuất, hoàn toàn tiêu cực, chỉ dùng lời nói thay cho hành động?
. Chúng ta cần xem lại kết quả của hành động xa rời xã hội có thể thay đổi được xã hội hay không ? Có làm suy giảm cái đói, cái đau khổ và hoạn nạn của thế giới không ?
. Tự buông xuôi chẳng hoạt động chi cả là thiếu sót nghĩa vụ đối với tha nhân. Chúng ta có thể phủ nhận sự ràng buộc đối với một xã hội băng hoại, nhưng không thể phủ nhận nghĩa vụ của mình đối với nó.
3. Vẫn còn điều có thể làm được: Một người có lương tâm phải quyết định xem mình có thể và không thể làm gì. Dĩ nhiên có nhiều điều mình không thể làm được nhưng vẫn còn có những điều mình có thể làm được cho xã hội đó.
. Một sự kiện đáng lo ngại ở đây là sự hoang phí. Nhiều người từ bỏ xã hội lại là những người có nhiều tài năng, tri thức. Người đó phải sử dụng những gì Thượng Đế ban cho mình hơn là hoang phí nó.
4. Dễ bị mắc vào điều tệ hại hơn: Thật đáng buồn là nhiều người phản đối xã hội, bỏ cuộc, rút lui lại đang dấn thân vào điều nguy hiểm hơn, chẳng hạn như ma túy…
5. Phải chiến đấu với sự chánb chường: Nếu một người rút lui khỏi sinh hoạt xã hội thì rất có thể cuối cùng người đó sẽ phải chiến đấu với một kẻ thù quan trọng là sự chán chường. Trong đời sống con người, nhiều lúc lao động trở thành một nhu cầu cần thiết. Con người là một tạo vật biết lao động.

Bài 28: KHÁI NIỆM VỀ LẠC THÚ
I. THAY ĐỔI THEO TỪNG NGƯỜI
1. Tình cách chủ quan: Lạc thú là một từ ngữ khó định nghĩa, vì cùng một sự việc có thể là điều thích thú cho người nầy, nhưng lại là hình phạt cho kẻ khác: Một món ăn khoái khẩu cho người nầy lại có thể gây buồn nôn cho người khác, một âm nhạc làm phấn chấn cho người nầy nhưng lại chỉ gây ồn ào điếc tai cho người khác…
2. Mỗi người mỗi khác: Lạc thú đối với mỗi người mỗi khác: Đối với người nầy có thể là những cuộc tranh tài thể thao, nhưng đối với người khác, có thể là đọc ngấu nghiến một loại sách nào đó…
II. ĐỐI LẬP VỚI LAO ĐỘNG ?
1. Lao động là niềm vui: Không thể xem lạc thú đói lập với lao động, vì nhiều người chẳng bao giờ vui vẻ thích thú hơn là khi được làm việc: Lao động là niềm vui của họ.
2. Nhiều thú vui đòi hỏi lao động: Hơn nữa, có nhiều thú vui đòi hỏi người ta phải đầu tư vào đó rất nhiều công sức. Có nhiều người phải tập dượt hết sức gian khổ cho một trò chơi, môn giải trí nào đó, hơn cả việc đầu tư của họ vào công việc hàng ngày.
III. TỰ Ý TỰ NGUYỆN
1. Tự ý tự nguyện: Nổ lực đầu tư vào một thú vui là tự ý tự nguyện, không do một áp lực vật chất hay tinh thần nào cả. Nhiều khi điều dó khiến họ phải bỏ ra nhiều thì giờ, tư tưởng, nổ lực và tiền bạc để đạt được thú vui mình ưa thích.
2. Liên hệ với việc mưu sinh: Một thú vui có thể biến thành một nghề nghiệp: Một người có thể đầu tư tự ý tự nguyện vào việc sưu tập tem như một thú vui, nhưng sau đó, người ấy bắt đầu mua bán những con tem mình đang sưu tập. Cùng một sự việc nhưng từ thú vui đã biến thành một kế mưu sinh.
IV. ĐIỀU MÌNH THÍCH THÚ
1. Định nghĩa lạc thú: Như thế, chúng ta có thể định nghĩa lạc thú là cái mà mình thích và cho là lý thú. Lạc thú là cái mà một người làm chỉ nhằm tạo thích thú cho chính mình, và người ấy làm vì mình thích như thế.
2. Không vì lý do khác: Người ấy không làm vì áp lực, không phải để mưu sinh, phục vụ tha nhân… mà chỉ vì người ấy thích như thế.
V. MỘT TỪ NGỮ BỊ XEM LÀ XẤU
1. Từ ngữ xấu: Nhiều người thường gán cho lạc thú một ý xấu.
2. Quan điểm của các nhà ẩn tu thế kỷ thứ tư thứ năm: Họ tôn sùng lối sống thiếu tiện nghi (ăn, ngủ…), lối sống bẩn thỉu dơ dáy (không tắm rửa), và tôn sùng việc giết chết mọi cảm xúc của con người và mối liên hệ giữa người với người (không còn cha con, mẹ con, anh em…).

Bài 29: NGUYÊN TẮC PHÊ PHÁN LẠC THÚ
I. BỐI CẢNH
1. Thanh giáo lên án lạc thú: Thanh giáo lên án bất cứ một hình thức nào có vẻ là lạc thú: Trò chuyện ngoài đường phố, đi dạo mát, nhìn qua cửa sổ… cũng đã là tội rồi.
. Vào thời John Wesley, không có trò chơi nào được cho phép trong nhà trường cả vì giáo hội quan niệm kẻ nào chơi đùa khi còn nhỏ thì khi lớn lên sẽ trở thành kẻ chơi bời !
2. Lamã đi quá đà về tiêu khiển: Lamã có nhiều lễ hội công cộng hơn bất kỳ một xã hội nào trong lịch sử: Những thú tiêu khiển của họ có thể là cờ bạc, ăn nhậu, kịch nghệ đồi trụy và tàn bạo, đua xe ngựa, trò giác đấu, trận hải chiến nhân tạo …
II. NGUYÊN TẮC PHÊ PHÁN LẠC THÚ
1. Không được gây hại trên kẻ áp dụng: Thú vui không thể gây hại cho kẻ dùng nó về mặt thể chất, tinh thần hay luân lý đạo đức. Thí dụ: Không thể say rượu, sử dụng chất kích thích hay ma túy, ăn nhậu, quan hệ tính dục bừa bãi…
2. Không được gây hại cho tha nhân: Có những thú vui gây hậu quả tai hại cho người khác, làm băng hoại họ về thể chất hoặc tinh thần: Dạy kẻ khác làm điều sai quấy là một tội rất lớn. Chính Chúa Jesus đã đòi cột cối đá vào cổ người đó mà quăng xuống đáy biển (Ma 18:6-7;).
. Mọi người đều cần một sức thúc đẩy đầu tiên để phạm tội: Dù sức thúc đẩy ở trong chính người đó, nhưng thường cũng cần sự thúc đẩy của ai đó bên ngoài.
3. Không được dẫn tới nghiện ngập: Tập tành một thói quen xấu là một trong những điều khủng khiếp nhất trên đời. Lần đầu sai phạm, người đó còn ngần ngại phân vân, nhưng lần thứ hai sẽ dễ dàng hơn và những khó chịu ban đầu sẽ nhường chỗ cho sự vui thú. Cần đặt câu hỏi: Tôi làm chủ nó hay nó làm chủ tôi
4. Không được hy sinh những điều thiết yếu: Một thú vui quá tốn kém, dù tự nó là tốt, nhưng khiến ta phải hy sinh những điều thiết yếu (gia đình…), thì vẫn không thể được chấp nhận. Bất cứ điều gì vượt quá tỷ lệ hợp lý đều là sai lầm.
5. Không làm nguy hiểm hay vấp phạm cho người khác: Đây là nguyên tắc Phaolô đã trình bày trong RoRm 14:21; ICo1Cr 8:13, rằng ông sẽ không ăn uống thức ăn nào có thể khiến anh em vấp phạm.
6. Không kèm theo sự hối tiếc về sau: Epicurus bị xem là ông tổ của thuyết hưởng lạc, nhưng thật ra ông nhấn mạnh phải nhìn lạc thú về lâu về dài, nghĩa là trong thời gian tới, ta sẽ cảm thấy thế nào về nó. Vì sợ sự hối tiếc về sau, Epicurus lại là người ít hưởng lạc nhất.
7. Trên hết, phải làm vinh hiển Đức Chúa Trời: Sứ đồ Phaolô dạy rằng anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay làm việc cho khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm. Không phải vì sợ Chúa phạt, mà chỉ vì muốn làm đẹp lòng Chúa.

Bài 30: QUAN ĐIỂM CƠ ĐỐC về LẠC THÚ
I. MỘT ĐIỀU THIẾT YẾU
1. Nhu cầu căn bản: Lạc thú là một yếu tố cần thiết cho đời sống, vì nếu không có lạc thú, thì có một phần thiết yếu của nhân cách toàn diện của con người đã không được đáp ứng. Trong đời sống con người, chắc chắn nhu cầu căn bản là lao động thì chắc chắn nhu cầu căn bản cũng là vui chơi nữa.
. Ước muốn vui chơi là một bản năng: Chẳng ai cần phải dạy cho trẻ con vui chơi, nhưng trẻ con từ xa xưa đã biết bày ra các trò chơi riêng để tự chơi một mình, trước khi chúng đến với các trò chơi có các quy luật đặc biệt.
2. Hai bản năng: Con người vốn có hai bản năng:
a. Bản năng tập thể: Con người cần cùng làm việc chung với nhau, con người cần hoạt động trong tình bạn, từ đó mà quan niệm về trò chơi tập thể ra đời.
b. Bản năng tranh đua: Trong trò chơi tập thể, bản năng tranh đua được thỏa mãn một cách vô hại và lành mạnh.
. Như vậy, thú vui, giải trí lấp đầy một khoảng trống trong đời sống mà không có nó, nhân cách toàn diện không thể phát triển đầy đủ được.
. Sống phải lao động mà sống cũng phải giải trí nữa. Đó là ý nghĩa của trái tiết độ hay quân bình (GaGl 5:22).
II. HAI CÔNG DỤNG CỦA LẠC THÚ
1. Làm thư dãn tâm trí: Tâm trí con người cũng có thể mệt mõi giống như thân xác vậy. Đến một giai đoạn nào đó, nó sẽ làm việc chậm chạp, kém hiệu năng, phạm nhiều sai lầm… Vì thế, cho tâm trí thư dãn là điều thiết yếu.
. Cánh cung luôn giương lên, chẳng bao lâu sẽ không còn bắn chuẩn nữa. Vì thế, mọi người đều cần thư dãn: Có thể một người tìm được thư dãn trong việc nghỉ ngơi, không làm chi cả, hoặc để tiêu khiển, người ấy sẽ có một thú vui hay một trò chơi: Nghe nhạc, đọc sách, đi câu, thể thao…
2. Làm bồi bổ sức lực cả thể xác lẫn thuộc linh: Các bậc thầy thuộc linh đã vạch ra rằng nhiều người cảm thấy sinh hoạt thuộc linh của mình bị trục trặc, bất ổn, thì rắc rối lại có tính cách thuộc thể chứ không phải thuộc linh:
. Philip Doddridge trong bài giảng “Sự khô hạn thuộc linh” đã viết: “…nên hết sức thận trọng tra xét xem có quả thật sự bối rối hiện tại của bạn nảy sinh từ các nguyên nhân thuộc linh thật sự không ? Hay nó có nguồn gốc từ một rối loạn cơ thể hay hoàn cảnh sống… mà thuốc men, kiêng ăn, tập thể dục và không khí trong lành sẽ có tác dụng ngay…”.
. Richard Baxter trong bài giảng “Sự ngợi khen và suy gẫm” có viết: “… Để giúp thêm cho đời sống của thiên đàng nầy, tôi khuyên bạn chớ chểnh mảng việc chăm sóc sức khoẻ của thân thể mình…”.
. Martin Luther dạy: Có một phần vụ của Cơ Đốc nhân là phải chăm sóc chính thân thể mình, nhằm mục đích…làm trọn luật pháp của Chúa Cứu Thế”.

Bài 31: BA LẠC THÚ ĐÁNG NGỜ !
I. CỜ BẠC
1. Tính phổ quát: Chưa hề có một thời đại nào mà không có chuyện cờ bạc, vì cờ bạc được xem như một bản năng của con người !!! Hàng tỉ anh kim được đổi chủ hàng năm trong việc đánh bạc.
2. Những sự thật cần lưu ý: Người đánh bạc phải biết rằng: 1. Hy vọng thua cuộc vốn nhiều hơn hy vọng thắng cuộc. 2. Ít có hành động nào lại chi phối con người nhiều như cờ bạc. 3. Cờ bạc là đồng minh của tội ác…
3. Đạo đức học Cơ Đốc chống cờ bạc: Việc chống cờ bạc đặt cơ sở trên 3 điều:
a. Cờ bạc để có nhiều tiền mà khỏi lao động, không sản xuất chi cả…
b. Trong cờ bạc, tiền thâu được đặt cơ sở trên sự mất mát của người khác.
c. Cờ bạc là thể hiện của lòng tham (thờ hình tượng Eph Ep 5:5): Xổ số, vé số…
II. MA TÚY
1. Chạy trốn thực tại: Chúng ta đang sống trong một xã hội biết công dụng của dược liệu và ma túy. Người ta vừa muốn thuốc an thần để bớt căng thẳng, vừa muốn thuốc kích thích để cất đi sự suy sụp tinh thần. Hiệu lực chỉ là tạm thời và thực chất chỉ là trốn chạy thực tế chứ không giải quyết được chi.
2. Nghiện ngập: Trong giai đoạn đầu, ma túy tạo một sự khoái cảm nhưng cuối cùng là sự tàn hại cả thể xác lẫn tâm hồn. Người ta có thể bắt đầu với cần sa, rồi đến các dược chất amphetamines và methadrine, thuốc ngủ và morphine…
3. Đạo đức học Cơ Đốc chống ma túy: Tự do rất quan trọng nhưng con người không có tự do để tự phá hủy mình hay đem cái chết đi bán dạo !!!
III. UỐNG RƯỢU
1. Quan điểm Cựu Ước: Trong Cựu Ước, thức ăn chính của dân sự là lúa mì, rượu và dầu và người Do Thái uống rượu nho theo tỉ lệ hai phần rượu ba phần nước. Đối với họ, lúa mì, rượu và dầu là dấu hiệu ân huệ của Thượng Đế. Ngược lại thiếu bánh mì và rượu là dấu hiệu bị Thượng Đế hình phạt.
. Tuy nhiên Cựu Ước cũng ghi rõ những bức tranh đáng buồn do rượu gây ra như: Sự sỉ nhục của Nôê, sự loạn luân của hai con gái Lót, sự sát hại Uri, Ammôn… Cựu Ước cũng nhấn mạnh sự nguy hại của rượu: “Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống say làm cho hỗn hào…”(ChCn 20:1; 31:4-7)…
2. Quan điểm Tân Ước: Tân Ước không cấm tuyệt đối việc uống rượu, vì Chúa Jesus có uống rượu (Mat Mt 11:19; LuLc 7:34), Ngài cũng hóa nước thành rượu (GiGa 2:1-11), Timôthê cũng được khuyên nên uống một ít rượu (ITi1Tm 5:23).
. Tuy nhiên Tân Ước cũng có lời cảnh cáo về sự say rượu như câu chuyện quản gia bất trung say sưa (Mat Mt 24:49), như lời Phaolô dạy: “Đừng say rượu vì rượu xui cho luông tuồng (Eph Ep 5:18). Vì thế Luther, Charles Wesley, George Whitefield không nghĩ đến việc kiêng rượu. Mãi đến khi William Booth thấy tệ nạn của rượu đã kiên quyết chống lại việc uống rượu.

Bài 32: ĐẠI CƯƠNG
I. NHỮNG MẶT CỦA XÃ HỘI
1. Một xã hội giàu sang: Chúng ta đang sống trong một xã hội giàu sang. Dù sự nghèo khó vẫn còn tồn tại nhưng đã đến lúc chúng ta phải biết làm thánh hóa của cải, vì giàu sang là con dao hai lưỡi gồm cả phước hạnh lẫn xấu xa.
2. Một xã hội phá sản: Xã hội chúng ta đang phá sản vì bệnh tật, loạn trí, tự tử, phạm pháp, ma túy. . .
3. Một xã hội của cơ hội: Tuy nhiên xã hội đang tạo ra rất nhiều cơ hội tốt cho những người muốn học hỏi, sản xuất, tiến thân. . . với một viễn ảnh chóng mặt.
4. Một xã hội văn minh: Xã hội văn minh tiến bộ với những kỷ thuật tân tiến đã tạo ra nạn thất nghiệp trầm trọng vì những hệ thống điện tử thay thế sức người.
II. QUAN ĐIỂM CỰU ƯỚC VỀ SỰ GIÀU CÓ
1. Giàu có là ơn phước Thượng Đế: Cựu Ước kết hợp sự tốt lành thiện hảo với sự thịnh vượng cũng như kết hợp sự gian ác với nghịch cảnh, như điều các bạn Gióp đã lý luận và thật ra kết cuộc sách Gióp cũng nói lên điều đó !
. Thi Tv 37:25 cho biết dòng dõi người công bình không thể đi ăn mày.
. Phần thưởng cho kẻ khiêm nhường và kính sợ Thượng Đế là của cải, sự tôn trọng và sự sống (ChCn 10:22). Tuy nhiên phải biết sử dụng nó như quản lý.
. Sự khôn ngoan cầm sự trường thọ trong tay hữu và sự giàu có, vinh hiển trong tay tả (3:16). . .
. Tuy nhiên:
a. Lời cầu xin khôn ngoan là: “Chớ cho con nghèo khổ hoặc giàu sang, hãy nuôi con đủ vật thực cần dùng. . . ” (30:8).
b. Giàu có chỉ là điều thứ yếu: Trong điều kiện tốt nhất thì giàu có chỉ là thứ yếu: Thà chọn danh tiếng còn hơn là nhiều của cải, chọn ân huệ hơn là bạc vàng (22:1). Người lao động ngủ ngon hơn kẻ giàu có (TrGv 5:12). Ai ham tìm của cải là người cận thị (ChCn 28:22). . . .
c. Nhiều khi giàu có chỉ ngăn trở: Nhiều khi của cải không những không giúp được gì mà còn ngăn trở người ấy hưởng phước Chúa ban (30:9). Làm giàu sai trái chẳng ích gì, đến nửa đời nó phải mất hết, cuối cùng là ngu dại.
2. Giàu có tạo thế lực: Không ai nghi ngờ gì về việc giàu có sẽ khiến con người có thế lực hơn đồng bào mình: “Người giàu quản hạt kẻ nghèo” (22:7).
3. Giàu có đem lại an ninh: 18:11 và 10:18 cho biết tài vật của người giàu là cái thành kiên cố của người.
. Tuy nhiên: Sự an ninh đó chỉ có giới hạn vì “Kẻ nào tin cậy nơi của cải mình sẽ bị xiêu ngã, còn người công bình xanh tươi như lá cây (11:28).

Bài 33: QUAN ĐIỂM CỰU ƯỚC VỀ KẺ NGHÈO
I. BA TỪ NGỮ ĐỂ CHỈ KẺ NGHÈO
1. Nghèo nàn, yếu đuối (dal): Chữ “dal” nầy có nghĩa là nghèo nàn, yếu đuối, hốc hác tiều tụy. Đây là chữ dùng cho bảy con bò gầy guộc trong giấc mơ của Pharaôn.
2. Nghèo thiếu (ebion): Chữ “ebion” nầy luôn được dịch là nghèo thiếu. Nó diễn tả tình trạng của một người nghèo khó nên bị người khác lạm dụng, áp bức.
3. Nghèo và khiêm tốn (ani): Nó mô tả một người nghèo, chẳng được ai giúp đỡ, nên ý thức được nguồn trợ giúp duy nhất là Thượng Đế và đặt lòng tin cậy nơi Ngài. Lần lần, từ ngữ nầy được dùng để chỉ kẻ nghèo và khiêm tốn, biết đặt lòng tin cậy nơi một mình Thượng Đế mà thôi.
II. THƯỢNG ĐẾ ĐẶC BIỆT QUAN TÂM ĐẾN KẺ NGHÈO
1. Mọi người đều phải có trách nhiệm nhớ đến và giúp đỡ kẻ nghèo: Cựu Ước đặc biệt đề cập đến phước hạnh của người nhớ đến kẻ nghèo khó (Thi Tv 41:1; ChCn Ch14:21). Người thiện hảo là người không coi kẻ giàu hơn người nghèo (Giop G 34:19). Thượng Đế ra lệnh phải đoán xét công bình cho kẻ khốn cùng và người mồ côi (Thi Tv 82:3-4). Như thế, nhiệm vụ của một người ngay lành là phải nhớ, giúp đỡ và bênh vực cho kẻ nghèo.
2. Lên án kẻ ngược đãi hay bỏ bê kẻ nghèo: Cựu Ước luôn có lời lên án những kẻ bỏ bê hay ngược đãi kẻ nghèo. Kẻ bắt bớ kẻ nghèo là kẻ ác (Thi Tv 10:2).
. Kẻ nào áp bức bóc lột người nghèo đặng thêm của cải cho riêng mình thì sẽ đi đến chỗ cuối cùng là bị thiếu thốn (ChCn 27:6).
. Có người cho rằng tiếng nói của các tiên tri chẳng gì khác hơn là tiếng kêu gào cho “công bằng xã hội”. Chăm sóc người nghèo là nhiệm vụ thiết yếu đặt trên vai kẻ nào muốn thấy thế gian nầy đúng theo điều Thượng Đế muốn.
3. Chăm sóc kẻ nghèo là bổn phận đối với Thượng Đế: Cựu Ước quy định việc chăm sóc kẻ nghèo không những là bổn phận đối với con người, mà còn là bổn phận đối với Thượng Đế nữa: Chúng ta phải chăm sóc kẻ nghèo vì cớ Thượng Đế. Kẻ hà hiếp người nghèo là làm nhục Đáng Tạo hóa mình, còn ai thương xót người bần cùng là tôn trọng Ngài (14:31).
. Ai thương xót kẻ nghèo chính là cho Đức Giêhôva vay mượn (19:17).
. Ai không nghe tiếng kêu của người nghèo khổ, sẽ kêu la mà không ai đáp lại. . Như thế kẻ nghèo được xem như con của Thượng Đế, ai giúp đỡ họ mới làm cho Ngài vui lòng.
4. Thượng Đế đặc biệt chăm sóc kẻ nghèo: Cựu Ước bảo đảm Thượng Đế sẽ đặc biệt lo lắng chăm sóc cho kẻ nghèo, cứu vớt và giải thoát cho họ.
. Đức Giêhôva nghe kẻ thiếu thốn (Thi Tv 69:33). Ngài đứng bên hữu họ (109:31).
. Cựu Ước không khinh dễ sự giàu có, xem đó là phước hạnh, nhưng không đưa nó lên hàng tốt lành chính yếu.

Bài 34: QUAN ĐIỂM TÂN ƯỚC VỀ CỦA CẢI
I. PHẢI SỐNG CUỘC ĐỜI BÌNH DỊ
1. Cuộc đời bình dị: Tân Ước quả quyết rằng Cơ Đốc nhân phải sống một cuộc đời bình dị, phù hợp với công việc làm và những bó buộc của đời sống.
2. Vấn đề xuất thế: Cơ Đốc giáo không cổ súy cho việc xuất thế: Rút lui khỏi thế gian, khỏi công việc làm, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, vì họ sẽ trở thành gánh nặng cho người khác và nếu mọi người đều như họ thì cơ cấu xã hội sẽ bị sụp đổ.
3. Gương của Chúa Jesus: Chính Chúa Jesus cũng đã từng là người thợ mộc. Ngài chấp nhận các nghĩa vụ bình thường như nộp thuế cho chính quyền và đền thờ (Mat Mt 22:15-22; 17:24-27).
4. Gương Phao Lô: Phao Lô có nghề may trại (Cong Cv 18:3). Ông không muốn mình là gánh nặng cho anh em, mà còn muốn mình có thể giúp đỡ cho anh em bằng chính đôi bàn tay của mình.
II. NGUY HIỂM CỦA CỦA CẢI
1. Lời cảnh cáo về sự tham lam: Tân Ước chẳng bao giờ bảo rằng có tiền là tội, nhưng cảnh cáo rằng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác (ITi1Tm 6:10).
. Tham lam (Pleonexia) là muốn có nhiều hơn: Người tham tiền bạc không bao giờ thấy là đủ, nên tác giả Hêbơrơ dạy “Chớ tham tiền” (HeDt 13:5).
2. Không đề cao sự nghèo thiếu: Tân ước không đề cao sự nghèo thiếu hay lên án sự giàu có. Các bạn và môn đồ Chúa Jesus cũng có những người giàu có như Giacơ và Giăng, Nicôđem, Xachê, Giannơ, vợ Chuxa là quản lý hoàng cung. . .
3. Nguy hiểm của sự giàu có: Tuy nhiên, giàu có khiến người ta dễ sinh ra kiêu ngạo, trịch thượng, đòi hỏi sự phân biệt đối xử. Giàu có cũng có thể cản trở người ta đến cùng Chúa, vâng lời Ngài như vị quan trẻ giàu có. Giàu có khiến người ta cậy nơi của cải và đánh mất lòng tin nơi Chúa để Ngài phải quở trách: Khốn cho các ngươi là người giàu có, kẻ hiện đang no. . (LuLc 6:24-25).
III. GIÁ TRỊ CỦA CỦA CẢI
1. Không phải là tiêu chuẩn đáng giá cuộc đời: Người giàu trong 12:13-21 bị Chúa quở là kẻ dại khi anh tưởng giá trị cuộc đời được đo lường bằng của cải.
2. Của cải không bền vững: Của cải có thể bị mất giá, bị sâu mối, ten rét làm hư và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy (Mat Mt 6:19-21). . .
3. Đánh mất điều quý hơn: Lòng tham muốn của cải có thể bịt mắt người ta lại với những điều cao trọng hơn. Nó sẽ trở thành gai gốc làm ngẹt ngòi đạo. Nó có thể khiến người ta hy sinh những giá trị thiêng liêng tốt đẹp của cuộc sống.
4. Nó không đi vào cõi đời đời được: Chẳng ai có thể mang của cải mình theo khi qua đời. Gióp bảo rằng trần truồng vào đời thì cũng trần truồng lìa đời. Vì thế hãy tìm kiếm những gì còn giá trị đến đời đời (ICo1Cr 15:58).

Bài 35: HƯỚNG DẪN VỀ TIỀN CỦA
I. CÂU CHUYỆN NGƯỜI GIÀU VÀ LAXARƠ
1. Lên án lối sống vô trách nhiệm: LuLc 16:4 cho biết người Pharisi vốn tham tiền, cho nên ẩn dụ nầy chắc hẳn liên hệ đến việc tiền bạc.
. Người giàu không được mô tả là đối xử tàn ác với Laxarơ, nhưng ông bị lên án vì sự vô trách nhiệm của mình. Ong đã thiếu ý thức về mối liên hệ anh em, và thiếu quan tâm đến anh em mình: Không ai có quyền sống xa hoa phung phí trong khi anh em mình đang lâm vào cảnh đói nghèo.
2. Lên án người không chịu làm: Người ta có thể bị lên án, không phải vì làm diều ác, mà chỉ vỉ không làm điều thiện mình đáng phải làm (Gia Gc 4:17).
. Dale gọi ẩn dụ nầy là “Sự công phẩn cực độ của tình yêu vô hạn”.
. Lưu ý nghĩa vụ về thuế không thể thay thế cho sự giúp đỡ thiết thực.
II. CÂU CHUYỆN CHÚA DẸP SẠCH ĐỀN THỜ
1. Việc đổi bạc: Vào lễ Vượt qua, người ta nộp thuế cho đền thờ là nửa siếc lơ (hai ngày công). Chỉ có siếc lơ của đền thờ và của Galilê là được chấp nhận vì không có hình hoàng đế. Bọn đổi bạc đã ăn lời thêm tối thiểu là nửa ngày công nên làm cho người đến đền thờ thật bất mãn.
2. Bán bồ câu: Bồ câu đem vào đền thờ đều bị “bới lông tìm vít” để từ chối nên dân chúng phải mua bồ câu trong đền thờ với giá cắt cổ gấp 75 lần !!
. Đây là lần đầu tiên Chúa sử dụng vũ lực vì sự bóc lột đã xảy ra trong đền thờ.
III. ẨN DỤ ĐẦY TỚ BẤT TRUNG
1. Sự khôn quỷ của tên đầy tớ bất trung: Việc làm của hắn khiến người ta vừa chịu ơn hắn, vừa trở thành kẻ đồng lõa của hắn để hắn có thể sai khiến họ. Đây là sự khôn khéo của con đời nầy.
2. Những bài học: Cơ Đốc nhân phải trung tín trong cả việc lớn lẫn việc nhỏ. Sự trung tín về tiền bạc là trắc nghiệm rất hay để biết rõ con người thật.
. Cơ Đốc nhân không được làm tôi hai chủ: Không được vừa làm tôi của Chúa, vừa làm tôi của tiền bạc.
IV. CÔNG CUỘC QUYÊN TRỢ CỦA PHAOLÔ
1. Công cuộc cứu trợ: Hội thánh Giêrusalem là một Hội thánh nghèo, nhưng là Hội thánh mẹ của các Hội Thánh khác. Chính từ Giêrusalem mà Cơ Đốc giáo đã tràn ra, đem phước hạnh đến cho nhiều người. Vì thế, sự cứu trợ vật chất cho Hội thánh Giêrusalem là điều phải lẽ và thích hợp.
. Nó bày tỏ sự hiệp một của Hội thánh.
. Nó tiêu biểu cho sự quan tâm đến người khác là biểu hiệu quan trọng nhất.
. Nó bày tỏ một sự thông công thực tế.
2. Nguyên tắc dâng hiến: Dâng hiến phải có hệ thống, đều đặn, chứ không đợi “nước tới trôn mới nhảy”. Dâng hiến cũng phải cân xứng với số lợi tức.

Bài 36: GIÁ TRỊ CỦA TIỀN CỦA
Kinh Thánh: Mat Mt 19:16-26
I. TIỀN BẠC KHÔNG THÀNH VẤN ĐỀ ?
1. Tiền bạc và hạnh phúc: Tiền bạc không tạo nên hạnh phúc, nhưng thiếu tiền bạc là nguồn gốc của phần lớn các vấn đề trong đời sống gia đình.
2. Tiền bạc và niềm vui: Nếu bảo rằng tiền bạc có luôn khả năng tạo ra niềm vui thì hơi quá đáng, nhưng gia đình sẽ rất khó vui vẻ nếu một người có quá ít tiền, không đủ mua sắm cho gia đình những thứ tối cần thiết, không đủ để thỉnh thoảng tổ chức một bữa tiệc gia đình hay nghỉ hè …
3. Tiền bạc và sự lo lắng: Tiền bạc không loại trừ hẳn sự lo lắng tương lai, nhưng người thiếu thốn sẽ luôn dễ bị ám ảnh bởi nỗi bất an bồn chồn khi suy nghĩ đến tương lai.
. Vì thế, chẳng một người thành thật nào lại dám bảo rằng tiền bạc không thành vấn đế, chẳng có gì là quan trọng cả.
II. ÔNG CHỦ HAY TÊN ĐẦY TỚ ?
1. Trắc nghiệm cổ Hylạp: Một trắc nghiệm đã có từ thời các triết gia Hy Lạp xa xưa là: “Tôi có làm chủ các tài sản của mình hay chúng đang làm chủ tôi ?”.
2. Thượng Đế và thần tài: Chúa Jesus dạy rằng: “Các con không thể vừa phục vụ Thượng Đế, vừa phục vụ thần tài (ma-môn). Từ ngữ phục vụ ở đây là từ Hylạp doulenein, do từ doulos mà ra. Từ doulos có nghĩa là nô lệ.
. Như thế, Cơ Đốc nhân phải là nô lệ của Thượng Đế, nghĩa là đối với Thượng Đế, người ấy không thể có ý chí, ý muốn riêng. Người ấy phải xem mình là tài sản của Thượng Đế, và không bao giờ trở nên nô lệ cho tài sản của mình.
. Nhưng sự thật không phải như vậy. Đối với nhiều người, cả cuộc đời họ chỉ dành để hoạch định xem làm sao để duy trì và tăng thêm các tiêu chuẩn về tiện nghi thoải mái cho mình, mà không cần biết Thượng Đế muốn mình làm gì.
3. Ông thần của cải: Khi Chúa Jesus bảo vị quan trẻ giàu có bán hết gia tài để bố thí cho kẻ nghèo rồi hãy đến mà theo Chúa, Ngài muốn anh ta khám phá điều gì đang làm chủ cuộc đời anh ta.
. Điều sai trái của vị quan trẻ không phải là của cải, nhưng là tình trạng làm nô lệ cho của cải. Chính cái tham vọng có thêm tiền bạc, của cải đã khiến nhiều Cơ Đốc nhân không thể sống theo điều Chúa dạy !
III. VÀO NƯỚC THIÊN ĐÀNG
1. Càng nhiều tiền càng gặp nhiều cám dỗ: Không phải người giàu không vào được nước Thiên đàng , nhưng điều đó vô cùng khó khăn, chỉ Thượng Đế mới làm được cho người ấy. Vì càng nhiều tiền, người ấy càng dễ phạm tội hơn.
2. Càng nhiều tiền càng cần Thượng Đế: Người Do Thái xem giàu có là ơn phước Thượng Đế, nhưng thật ra, nhiều khi nó ngăn cản người ta được phước.

Bài 37: KẾT LUẬN VỀ VẤN ĐỀ TIỀN CỦA
Kinh Thánh: Mat Mt 19:16-26
I. CÁC NGUY HẠI CỦA VẤN ĐỀ TIỀN CỦA
1. Có thể sản sinh một ý thức độc lập giả tạo: Nó có thể tạo ra cảm nghỉ: Có tiền mua tiên cũng được ! Quả thật có nhiều cánh cửa mà tiền bạc có thể mở, có nhiều ngỏ bí mà tiền bạc có thể khai thông, nhưng có nhiều điều mà không ai có thể định giá bằng tiền, mà chúng lại là những điều vô cùng cần yếu.
2. Lắm lúc bắt người ta trả giá quá đắt: Không một người phản bội nào có thể sống hạnh phúc. Giuđa Iscariốt đã khám phá giá của 30 miếng bạc là tự sát !
3. Càng có nhiều càng khó từ bỏ: Chúa dạy rằng của cải ở đâu thì lòng ở đó (Mat Mt 6:21). Con người có thể quá vấn vương với tiền của thế gian, đến nỗi quên rằng vẫn còn một thế giới khác mình phải đi đến !
4. Có thể tạo lòng tham không đáy: Sự giàu có đáng lẽ phải tạo cho con người một sự thỏa mãn, vững lòng, thì nó lại tạo nên một lòng tham muốn luôn có nhiều hơn. Người ta bảo rằng “Vừa đủ là nhiều hơn điều mình đang có một chút”, hoặc “Tiền của giống như nước muối, càng uống càng khát”.
II. NĂM NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ
1. Chúng ta kiếm tiền như thế nào ? Cần cân nhắc xem việc kiếm tiền của chúng ta có gây thiệt hại, tổn thương cho ai, có bóc lột ai không ? Có đang hổ trợ và làm giàu cho cộng đồng hay không ?
2. Chúng ta xem tiền bạc như thế nào ? Chúng ta có xem tiền của là ông chủ mà mình phải khó nhọc phục vụ không ? Hay chúng ta đang xem tiền của như một kẻ thù (phái khắc khổ) ? Hay chúng ta xem nó như một tên đầy tớ trung thành, mà việc sử dụng nó sẽ khiến cuộc đời chúng ta cũng như nhiều người khác được thêm phong phú ?
3. Chúng ta sử dụng tiền bạc như thế nào ? Chúng ta sử dụng tiền của một cách ích kỷ chăng ? Chúng ta chỉ sử dụng nó cho sự xa hoa tiện nghi của mình mà không cần quan tâm đến anh em thiếu thốn đang ở bên cạnh mình chăng ?
. John Wesley lúc mới đến Oxford, làm được 30 Anh kim. Ông dùng 28 Anh kim và dâng 2 Anh Kim. Khi lương đến 120, ông vẩn dùng 28 Anh kim, và dâng số còn lại. Nguyên tắc của ông là “tiết kiệm tất cả những gì có thể tiết kiệm để dâng tất cả những gì tôi có thể dâng”.
4. Chúng ta thấy con người quan trọng như thế nào ? Đừng quên rằng con người quan trọng hơn đồ vật, quan trọng hơn tiền của, quan trọng hơn máy móc… Con người phải được ưu tiên !
5. Chúng ta dâng hiến như thế nào ? Dâng tiền không thì chưa đủ. Đừng để người ta nhận định rằng chúng ta dã dâng rất nhiều, nhưng chẳng bao giờ chịu dâng chính mình. Dâng chính mình mới là điều quan trọng !

Bài 38: THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI THẾ GIỚI
Kinh Thánh: GiGa 17:6-19
Mỗi người đều phải sống trong hai thế giới: Thế giới riêng tư (của chính mình, gia đình mình) và thế giới cộng đồng trong xã hội, quốc gia, thế giới.
I. NGƯỜI BỊ CHÌM NGẬP HOÀN TOÀN TRONG THẾ GIỚI
1. Đắm mình theo kiểu hiện sinh: Một số người đắm mình vào thế giới với suy nghĩ: “Hãy ăn, uống và hưởng thụ vì ngày mai chúng ta sẽ chết”, hay “Hãy thu thập những nụ hồng trong khi bạn còn có thể làm được” (Herrick), vì “khi cuộc đời nầy qua đi, sẽ chẳng còn lại gì cả ngoài một đêm tối vô bờ, và một giấc ngủ chẳng bao giờ thức dậy nữa” (Catallus).
2. Đắm mình kiểu “đạo làm người”: Phương cách nầy thông thường hơn, họ không hề ý thức rằng sẽ còn một thế giới khác. Họ cố sống đứng đắn, nhưng xem tôn giáo là điều họ không cần, không quan tâm vì không phù hợp với họ.
. Đắm mình trong thế gian không nhất thiết phải là thích hưởng lạc. Nó chỉ đơn giản là không hay biết gì về những chân trời vượt khỏi cuộc đời nầy.
II. NGƯỜi ĐỐI LẬP và CHỐI BỎ CUỘC ĐỜI NẦY
1. Trốn tránh xã hội: Đây là khuynh hướng mệnh danh Cơ Đốc giáo, nhưng không hề đem ích lợi gì cho xã hội cả. Họ tự nguyện tách xa cuộc đời được bao nhiêu hay bấy nhiêu với lý tưởng “cố sống cho một mình Thượng Đế mà thôi!”. Phong trào nầy rất thịnh hành vào thế kỷ thứ ba và thứ tư.
2. An tu: Có người ẩn tu trên núi Sinai 55 năm, với lý luận: “Ai được người trần thăm viếng, thì thiên sứ không viếng thăm”.
. Có người sống trên cây trụ cao từ 2 mét đến 20 mét.
. Có người tự nhốt mình trong một phòng nhỏ xây kín, chỉ chừa một khe hẹp để tiếp tế thức ăn, với mong ước “mình đã chết đối với thế gian” !
3. Phê bình: Đây là lối sống vị kỷ nhất. Họ chỉ lo “cứu linh hồn” mình, mà không hề quan tâm đến sự sống chết của người chung quanh. Họ đã trở nên gánh nặng cho người khác thay vì giúp người khác thoát khỏi gánh nặng…
III. QUAN ĐIỂM CƠ ĐỐC GIÁO
1. Không thuộc về thế gian: Chúa Jesus dạy rằng người theo Chúa không còn thuộc về thế gian (GiGa 17:14-16) đến nỗi bị thế gian ghen ghét (15:18).
2. Được sai vào giữa thế gian: Nhưng Chúa Jesus đã sai họ vào giữa thế gian để làm muối của đất, ánh sáng của thế gian vì Chúa yêu nhân loại (3:16).
3. Vừa dấn thân vừa tách biệt: Hãy nhận thức có một thế giới đằng sau thế gian nầy. Hãy dấn thân vào thế gian với tinh thần tách biệt để bày tỏ Chúa.

Bài 39: CƠ ĐỐC NHÂN LÀ CÔNG DÂN TỐT
Kinh Thánh: RoRm 13:1-8
I. CÁC GƯƠNG MẪU TRONG TÂN ƯỚC
1. Gương của Chúa Jesus: Chúa Jesus sẵn sàng và tự nguyện nộp thuế (Mat Mt 17:24-27). Ngài không hề thắc mắc về nghĩa vụ đối với hoàng đế cũng như nghĩa vụ đối với Thượng Đế: Cả hai phải đước chu toàn (22:15-22).
2. Gương của các sứ đồ: Phaolô có thể tự hào là một công dân Lamã và ông đòi hỏi quyền lợi công dân của mình (Cong Cv 21:39; 22:25).
. Phaolô dạy rằng nhà cầm quyền là một định chế do Thượng Đế thiết lập, cho nên Cơ Đốc nhân có bổn phận phải vâng phục nhà cầm quyền. Ông giải thích rằng quan tòa là đầy tớ của Thượng Đế, để thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ.
. Phaolô cũng dạy Cơ Đốc nhân cầu nguyện cho bậc cầm quyền (ITi1Tm 2:2).
. Phierơ cũng dạy: Hãy kính sợ Thượng Đế và tôn trọng vua (IPhi 1Pr 2:17).
II. NHỮNG SAI LẦM CỦA CHÍNH QUYỀN LAMÃ
1. Khởi đầu vô cùng tốt đẹp: Trong những ngày hưng thịnh của mình, công lý và sự vô tư của La mã được mọi người biết đến, đến nỗi các dân tộc bị Lamã chinh phục không hề thù ghét, mà còn biết ơn họ nữa: Bọn hải tặc bị quét sạch khỏi vùng biển, bọn cướp bóc bị tiêu trừ trên các trục lộ giao thông… Người ta có thể du hành an toàn và sống trong cảnh thái bình, nhờ nền hòa bình của Lamã.
2. Đòi hỏi thờ lạy Sêsa: Tinh thần của đế quốc La-mã lúc đầu như một cái gì thiêng liêng, thần thánh. Tuy nhiên, tinh thần của La-mã trừu tượng đã nhập thể vào các hoàng đế ! Lần lần, người ta chuyển sự thờ lạy sang cho hoàng đế là sự thể hiện của đế quốc La-mã.
. Chính quyền Lamã quy định tất cả công dân, mỗi năm một lần, phải thắp một nén hương cho Sêsa và nói “Sêsa là Chúa”. Người đó sẽ được cấp cho một chứng chỉ. Tuy nhiên sau khi làm như vậy, người đó có thể đi ra để thờ lạy bất cứ nam hay nữ thần nào, miễn là việc thờ phượng đó không gây tác hại gì cho trật tự công cộng hay nền luân lý đạo đức chung.
3. Phản ứng của Cơ Đốc nhân: Việc thờ lạy Sêsa đúng ra chỉ là trắc nghiệm lòng trung thành của một công dân về phương diện chính trị hơn là tôn giáo. Tuy nhiên, đối với Cơ Đốc nhân, chỉ có Chúa Jesus mới là Chúa, vì thế, họ không thể nói “Sêsa là Chúa”.
4. Lưu ý: Trong thời Phaolô chưa có việc thờ lạy hoàng đế như thời sách Khải Huyền. Cơ Đốc nhân phải là công dân tốt, nghĩa là phải vâng phục nhà cầm quyền. Nhưng nhà cầm quyền cũng phải làm đúng chức năng của người đầy tớ Thượng Đế để được Cơ Đốc nhân vâng phục.

Bài 40: LIÊN HỆ -GIÁO HỘI CHÍNH QUYỀN
I. GIÁO HỘI ÁP ĐẢO CHÍNH QUYỀN
1. Ambrose và Theodosius: Một trong những khuôn mặt vĩ đại của Hội Thánh nguyên thủy là giám mục Ambrose ở Milan. Ông vốn là bạn thân của hoàng đế La mã Theodosius, là một Cơ Đốc nhân.
. Vì hành động điên cuồng của hoàng đế khi ra lệnh sát hại 7. 000 người tại một vận động trường ở Têsalônica, chỉ vì quan tổng đốc bị ám sát, Ambrose đã bắt hoàng đế sám hối một năm, quỳ dưới đất để lạy trước cửa thánh đường trước khi vị giám mục tiếp nhận hoàng đế trở lại.
2. Henry II: Sau khi Henry đệ nhị gián tiếp ra lệnh giết chết Tổng giám mục Canterbury là Thomas Becket vì ông thường đòi hỏi quyền lợi cho Hội Thánh, ông đã phải mặc áo lông, ăn bánh mì lạt, uống nước lã, đi chân không dưới trời mưa đến tận nơi Becket bị giết, rồi phải nằm dài xuống cho vị giám mục, vị tu trưởng và các linh mục đánh đòn, trước khi vua được nhận lại vào Hội Thánh.
3. Edward VIII: Dù giáo hội không còn thế áp đảo như trước, nhưng Edward đệ bát phải thoái vị khi ông muốn cưới một phụ nữ mà Hội Thánh không đồng ý.
II. GIÁO HỘI ĐỘC LẬP VỚI CHÍNH QUYỀN
1. Nữ hoàng Mary và John Knox: John Knox cho Nữ hoàng Mary xứ Tô cách lan biết ông mang sứ điệp từ Thượng Đế và không ai có thể ngăn trở ông. Ông còn cho biết dù ông đứng trên bục giảng hay đứng trước mặt nữ hoàng thì ông vẫn có bổn phận phải nói sự thật, vì Chúa đã lập ông làm “người canh giữ” trên cả Hội Thánh lẫn đất nước ông.
2. Hoàng đế James VI và Andrew Melville: Andrew Melville đã gọi James đệ lục là chư hầu ngu dại của Thượng Đế. Ông cho nhà vua biết rằng ở Tô cách lan có hai nhà vua và hai vương quốc, và nhà vua chỉ là thần dân của vương quốc Thượng Đế mà thôi. Chính quyền có thể treo cổ ông, nhưng không thể treo cổ hay lưu đày chân lý của Thượng Đế.
III. GIÁO HỘI QUỴ LỤY CHÍNH QUYỀN
1. Thomas Coke: Khi một số tín đồ Giám lý từ chối đi luyện tập quân sự trong ngày Chúa nhật, Thomas Coke, cánh tay mặt của John Wesley đã viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ Henry Dundas lên án các tín hữu đó !
2. Một đại họa: Một Hội Thánh quỵ lụy chính quyền là một đại họa cho dân tộc. Cơ Đốc nhân có bổn phận vâng phục nhưng không có bổn phận làm nô lệ.
IV. GIÁO HỘI KHÔNG XEN VÀO VIỆC NƯỚC
1. Hitler: Lúc Hitler lên cầm quyền, thoạt đầu ông không hề đe dọa Hội Thánh, nhưng không muốn ai trong chính quyền mình trung thành với bất cứ ai khác ngoài trung thành với nhà nước.
2. Lord Melbourne: “Tôn giáo sẽ tuyệt vời nếu không can thiệp vào đời tư cá nhân hay nhà nước, mà chỉ chú trọng đến thiên đàng mà thôi”!

Bài 41: QUAN ĐIỂM MARTIN LUTHER
I. HAI NHÓM NGƯỜI TRONG THIÊN HẠ
Martin Luther trong bài khảo luận về thế quyền, từng được gửi cho John, hầu tước Saxony năm 1523, đã chia thiên hạ thành hai nhóm:
1. Nhóm tín hữu chân chính: Đây là nhóm thuộc về Nước Trời. Martin Luther cho rằng nếu tất cả đều là tín hữu chân chính thì chẳng còn cần đến vua, chúa, gươm giáo hay luật pháp nữa. Họ sẽ làm mọi điềi luật pháp đòi hỏi và còn hơn thế nữa.
2. Nhóm người vô tín: Đây là nhóm thuộc về nước đời nầy. Họ sẽ không muốn làm điều luật pháp đòi hỏi. Do đó, họ cần được luật pháp dạy dỗ, thúc đẩy, giục giã họ phải làm lành. Đối với họ, Thượng Đế đã cung cấp một chính quyền và họ phải đầu phục lưỡi gươm công lý.
3. Không thể cai trị thế gian bằng Phúc Am và tình thương: Martin Luther cho rằng nếu có ai cố gắng thử cai trị thế gian bằng Phúc Âm và tình thương của nó, thì chẳng khác gì “cởi trói, mở xiềng cho những thú rừng hung dữ, để chúng cấu xé, phân thây mọi người” !
. Trước khi đem đạo của Chúa Cứu thế ứng dụng cho mọi người thì mọi người phải trở thành Cơ Đốc nhân, là điều mà không bao giờ hoàn tất được.
4. Phải phục vụ nhà nước: Martin Luther lý luận rằng ngày nào vẫn còn có hai hạng người thì xã hội cần có luật pháp và bạo lực, cần có lưỡi gươm và quan tòa. Muốn thấy an ninh trật tự, Cơ Đốc nhân không những tôn trọng luật pháp, mà còn, nếu có khả năng, phải phục vụ nhà nước theo khả năng của mình như: Làm đao phủ thủ, công chức, thẩm phán, vua chúa…
II. HAI LÃNH VỰC CỦA ĐỜI SỐNG
Trong loạt bài giảng của Luther về “Bài giảng trên núi”, ông đã chia đời sống Cơ Đốc nhân ra làm hai lãnh vực:
1. Lãnh vực cá nhân Cơ Đốc nhân: Theo Martin Luther, lời dạy của Chúa Jesus trong Mat Mt 5:38-42 là dạy cá nhân một Cơ Đốc nhân phải sống đời tư của mình như thế nào. Với tư cách cá nhân, không nắm giữ một địa vị công quyền nào, thì Cơ Đốc nhân không bao giờ nên mong muốn trả thù.
. Như thế, bài giảng trên núi được dành cho Cơ Đốc nhân với cương vị một con người, một cá nhân.
2. Lãnh vực cộng đồng: Cơ Đốc nhân không chỉ là một cá nhân riêng lẻ, mà còn là một con người trong mối liên hệ với nhiều người khác, nghĩa là người ấy có trách nhiệm phải bênh vực, giữ gìn và bảo vệ chân lý: Một Cơ Đốc nhân thì không kháng cự kẻ ác nào, nhưng người đó phải chống lại mọi điều ác như một thành viên của cộng đồng.
. Không thể chia đời sống Cơ Đốc nhân như thế vì cần nhớ rằng Cơ Đốc nhân là Cơ Đốc nhân trong mọi phạm vi đời sống.

Bài 42: BA LÃNH VỰC CẦN PHẢI ĐỐI DIỆN
I. LÃNH VỰC CHỦNG TỘC CHỦ NGHĨA
1. Nan đề của người da màu: Số người da màu du học hoặc nhập cư tại các nước Âu Mỹ càng ngày càng tăng. Hầu như một người da màu đi tìm việc làm cũng khó khăn như một người khuyết tật đi tìm việc làm !
. Janet Mitchell trong chuyến viếng thăm Mỹ đã phải gặp phản ứng lạnh nhạt của bạn bè khi cho biết mình muốn thăm ca sĩ và diễn viên vĩ đại nhất thời bấy giờ là Paul Robeson, chỉ vì ông ta là người da đen.
2. Sự chia rẽ kỳ thị trong thế giới cổ thời: Thường trong hai lãnh vực:
a. Do Thái - Ngoại bang: Người Do Thái xem trẻ con ngoại quốc vốn ô uế từ thuở sơ sinh. Họ không ăn bánh mì do người ngoại quốc làm, không để cho người ngoại quốc cắt tóc. . . và họ luôn nghi ngờ người ngoại quốc.
b. Hylạp - Dã man: Từ “dã man”(barbarian) trong nguyên văn Hylạp là nói một ngôn ngữ mà không ai hiểu, thay vì nói tiếng Hylạp “đẹp đẽ, dịu dàng”. Sau đó, từ “dã man” (man rợ) nầy chỉ một người xuất thân từ một nền văn hóa thấp kém. Người Hylạp rất khinh thường những người nầy.
3. Thế giới chủ nghĩa: Terence (Lamã) bảo rằng: Tôi không hề xem một người nào là xa lạ cả. Diogenes tự xưng mình là công dân của thế giới. Có lẽ chính ông đã đặt ra từ “Cosmopolitan”(thế giới chủ nghĩa). Alịchsơn đại đế thì muốn Đông Tây kết hôn với nhau để hòa lẫn mọi người trong một chiếc cốc yêu thương vĩ đại. . Thế giới cổ thời đã có chia rẽ, kỳ thị, nhưng không có sự ngăn cách do màu da. Đã có chia rẽ về tôn giáo, văn hóa, truyền thống, nhưng không có sự khinh rẽ trắng trợn với tư cách một con người. (Giấc mơ họa sĩ vẽ các trẻ em trên Thiên đàng).
II. LÃNH VỰC CÁC ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI
1. Sai lầm của Giáo hội: Dường như Giáo hội chủ trương và hậu thuẩn cho việc duy trì tình trạng kỳ thị, đến nỗi một người cùng khổ đã công khai đốt Kinh Thánh và bài Cầu nguyện chung, một nông dân bảo rằng tiệc thánh chỉ dành cho giới tiểu quý tộc mà thôi!
2. Phúc Am xã hội: Điều gây rắc rối cho Chúa Jesus là vì Ngài đã tỏ ra thân thiện với hạng người mạt lưu, mà chẳng có người Do Thái khả kính nào muốn làm. Muốn thể hiện tình yêu đối với Thượng Đế, chúng ta phải thể hiện tình yêu đối với những người cần được cứu giúp, phải hiến thân phục vụ cộng đồng.
III. LÃNH VỰC CHIẾN TRANH
1. Bản chất chiến tranh: Đời xưa, người ta tham dự chiến tranh với tinh thần thượng võ. Ngày nay, bản chất chiến tranh đã thay đổi, người ta sẵn sàng làm đủ mọi điều để làm hại đối phương (Hiroshima-Nagasaki !).
2. Quan điểm Cơ Đốc giáo: Điều răn chớ giết người được thêm sức mạnh bằng lời dạy của Chúa Jesus: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ.

Bài 43: THẾ GIỚI CỔ VÀ SỰ THANH SẠCH
I. THẾ GIỚI HY LẠP
1. Quan điểm của Demosthenenes: Demosthenenes mô tả người Hylạp: Họ đến với gái mãi dâm vì lạc thú, đến với vợ lẽ, nàng hầu vì nhu cầu hằng ngày của thân xác, họ giữ vợ là để làm mẹ cho bầy con của họ và để giữ nhà cho họ !
2. Tiền và ngoại hôn nhân: Tại Hylạp, mối liên hệ tính dục tiền hôn nhân và ngoại hôn nhân là tập quán thông thường !
II. THẾ GIỚI LAMÃ
1. Gái điếm: Tình trạng gái điếm rất phổ biến ở thế giới Lamã, đến nỗi Juvenal kể lại rằng Messalina, hoàng hậu của Claudius đã đợi khi Claudius ngủ say để đi hành nghề gái điếm trong căn phòng đặc biệt của bà tại nhà thổ !
2. Ly dị: Chuyện ly dị của thế giới cổ thời cũng là điều phổ biến. Thật ra, không có quá trình ly dị, mà đơn giản chỉ là người chồng đuổi vợ mình đi, vì trong thế giới cổ thời, phụ nữ chỉ là một đồ vật, chứ không phải một con người !
. Serena bảo rằng phụ nữ được cưới để ly dị và bị ly dị để được người khác cưới. Jerome kể lại một kỷ lục về một người đàn bà có đến hai mươi ba đời chồng và bà là người vợ thứ hai mươi mốt của ông chồng cuối cùng.
3. Đồng tính luyến ái: Thế giới cổ thời vốn đầy dẫy chuyện đồng tính luyến ái. Thật khó kể được tên một vĩ nhân Hylạp nào mà không có đồng tính luyến ái, kể cả Plato, Aristotle, Sophocles hay Socrates ! Đối với họ, tình yêu bình thường đối với phụ nữ là thấp kém, và đối với một người có văn hóa thì chỉ có tình yêu dành cho một câu con trai mới được xem là xứng đáng ! Trong 15 vị hoàng đế Lamã đầu tiên, đã có đến 14 vị thực hành đồng tính luyến ái.
. Vì thế, không phải vô cớ mà Phaolô cảnh cáo tín đồ đầu tiên về sự ghê tởm của tội đồng tính luyến ái (RoRm 1:26-27). ICo1Cr 6:9. ITi1Tm 1:10).
III. THẾ GIỚI DO THÁI
1. Nan đề Do Thái: Thế giới Do Thái không có nếp sống dâm ô như Hylạp, La mã, nhưng tình trạng ly dị là nan đề nghiêm trọng.
2. Hai trường phái tư tưởng: Luật pháp trong PhuDnl 24:1-4 cho phép ly dị nếu thấy vợ có điều gì bất khiết hay thiếu đoan trang. Trường phái Shammai chủ trương giống Chúa Jesus rằng cơ sở duy nhất cho việc ly dị là tội ngoại tình. Trường phái được hoan nghênh hơn lại là trường phái Hillel cho biết có thể ly vị vì ra đường mà xỏa tóc, trò chuyện với một người đàn ông khác, nấu ăn vụng về, hổn hào với cha mẹ chồng, hoặc hay gắt gỏng. . . Vì thế vào thời Chúa Jesus, các thiếu nữ sợ lấy chồng vì đời sống vợ chồng chẳng có gì an toàn cả !
3. Đối diện nan đề: Dĩ nhiên thời nào cũng có những người trung thực, thanh sạch, trinh khiết, nhưng sống trong một xã hội ô nghiễm không phải là dễ !

Bài 44: MỐI LIÊN HỆ GIA ĐÌNH
I. TỔNG QUÁT
1. Sống chung với nhau: Vấn đề của gia đình đơn giản là sống chung với nhau.
2. Đạo đức học hổ tương: Trong mối liên hệ gia đình, điều đầu tiên chúng ta có thể thấy ngay là mối liên hệ hổ tương: Không có một đặc quyền nào được ban ra, mà không kèm theo một trách nhiệm tương ứng.
. Vì thế, vợ phải thuận phục chồng thì chồng phải đối xử với vợ bằng tình yêu và sự tôn trọng. Con cái phải vâng lời cha mẹ thì cha mẹ chẳng nên bao giờ đối xử vô lý, làm nản lòng chúng. . .
II. CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI
1. Thời buổi luôn thay đổi: Điều đầu tiên các bậc cha mẹ phải luôn nhớ, đó là thời buổi luôn thay đổi. Chúng ta không thể bắt con cái làm y như thời chúng ta còn nhỏ: Có một “thời đó” và một “thời nay”, và chúng không hề giống nhau, hoặc không thể bị biến đổi trở thành giống nhau.
2. Đừng làm nản lòng con cái: Phaolô khuyên những bậc làm cha mẹ phải tránh cách đối xử gây nản lòng (chọc giận) con cái mình. Có thể đây chính là quy luật quan trọng nhất trong sinh hoạt gia đình.
. Đứa trẻ có thể có cảm tưởng rằng cha mẹ luôn bắt lỗi nó, và cảm tưởng nầy thường không sai !
3. Phải khích lệ chúng: Điều mà mọi người, trẻ cũng như già, cần nhận được trên đời nầy hơn bất cứ điều gì khác, chính là sự khích lệ. Benjamin West là một trong những họa sĩ vĩ đại của Anh Quốc, đã kể lại cảnh mẹ ông trở về nhà thấy ông đang vẻ bé Sally với sàn nhà hổn độn dơ bẩn, đồ đạc tứ tung. Thay vì la mắng, bà đã reo lên: “Đúng là bé Sally”, rồi bà ôm chầm cậu bé Benjamin mà hôn. Và Benjamin kết luận: “Nụ hôn của mẹ đã biến tôi thành họa sĩ”.
. Chúng ta cần cảm thông với nỗi lo âu xao xuyến của thanh thiếu nhi với những căng thẳng do nền giáo dục và đời sống hiện đại tạo nên.
. Bất cứ một đứa con nào cũng sẵn sàng vâng lời và làm việc cách thông minh, nếu nó hiểu rõ tại sao mệnh lệnh đã được ban ra.
II. CON CÁI ĐỐI VỚI CHA MẸ
1. Phải biết ơn: Trong muôn loài thọ tạo thì con người là tạo vật phải dành thời gian lâu dài nhất lệ thuộc vào cha mẹ trước khi có thể tự lực mưu sinh. Vì thế điều con cái phải có đó là lòng biết ơn cha mẹ. Tuy nhiên chỉ có tình thương mới đền đáp lại tình thương, mà sự thật thì nhiều lúc chúng ta lại gây tổn hại cho những người chúng ta đáng phải bày tỏ tình thương nhiều hơn hết !
2. Phải biết bước ra và quay về: Gia đình phải là nơi đứa trẻ được trang bị đầy đủ để bước ra, và là nơi mà nó phải sung sướng quay trở về. Con cái phải biết tự lập nhưng cũng phải luôn cảm nhận mình là thành viên của đại gia đình.

Bài 45: MỐI LIÊN HỆ HÔN NHÂN
I. TỔNG QUÁT
1. Giá trị suốt đời: Trong đạo đức Cơ Đốc, hôn nhân là để sống với nhau suốt đời, như Chúa Jesus đã dạy trong Mac Mc 10:1-12: . Từ sáng thế, Ngài đã làm ra một người nam và một người nữ. Hai người phải lìa mọi ràng buộc gia đình để trở nên một mà thôi. Không ai có quyền phân rẽ những kẻ Chúa đã phối hiệp.
2. Lý do duy nhất để ly dị: Chúa Jesus giải thích lý do Môise cho phép ly dị là vì lòng con người cứng cỏi. Tuy nhiên, lý do duy nhất có thể chấp nhận là sự thiếu chung thủy: Tội ngoại tình (Mat Mt 19:9).
3. Vài điều lưu ý: Chúng ta cần thận trọng những điểm sau:
a. Sự không chung thủy không phải là điều duy nhất có thể phá vỡ hôn nhân. Có nhiều điều như sự tham lam, ích kỷ, vũ phu, ác độc. . . có thể dự phần.
b. Căn bản của hạnh phúc gia đình là tình yêu. Những hôn nhân không tình yêu sẽ chỉ đưa đến đổ vỡ. Tuy nhiên, với những người kính sợ Chúa thì mạng lệnh của Chúa là vợ thuận phục chồng, chồng yêu thương vợ. Chính sự yêu mến, vâng phục Chúa sẽ phát triển tình yêu trong gia đình có Chúa làm Chủ.
II. QUAN HỆ TÍNH DỤC TIỀN VÀ NGOẠI HÔN NHÂN
1. Những sự kiện đau đầu: Chúng ta phải đối diện với một xã hội với sự kiện:
a. Ngay cả một số nhà đạo đức mang danh Cơ Đốc nhân cũng đồng ý với Hội Y học Anh Quốc 1959 rằng giữ trinh tiết là điều lỗi thời !
b. Ngày nay con người trưởng thành về tình dục sớm hơn, trong khi hôn nhân lại đến muộn hơn !
c. Những phương pháp ngừa thai đã được phổ biến rộng rãi, ngay cả trong trường trung học.
d. Sự phá thai gia tăng đáng sợ. Mỗi năm có 30 triệu vụ phá thai (1970) !
e. Nếp sống phóng túng đã được luật pháp ủng hộ: Đồng tính luyến ái, gia đình không hôn thú. . .
f. Ba nỗi lo sợ (sợ bị phát giác-sợ nhiễm bệnh-sợ mang thai) không còn đe dọa !
2. Kết luận dứt khoát: Cơ Đốc nhân phải có lập trường dứt khoát:
a. Phóng túng tình dục chứa đầy nguy cơ nghiêm trọng: Bệnh hoa liễu và Sida đang đe dọa - Tại Hoa kỳ 1/4 hôn nhân kết thúc bằng ly dị. . . .
b. Trên hết, không ai học Lời Chúa mà không thấy lập trường dứt khoát phải giữ mình trong sạch và trinh khiết:
. Tội tà dâm, tức liên hệ tình dục ngoài hôn nhân bị lên án ít nhất 18 lần.
. Tội ngoại tình, tức liên hệ tình dục với người có gia đình bị lên án 15 lần.
. Người đàn bà tà dâm được tha thứ với lời dạy “Hãy đi, đừng phạm tội nữa”.
c. Giáo dục giới tính: Học đường cung cấp những kiến thức về giới tính, nhưng gia đình phải cung cấp tính cao trọng của trinh khiết, thủy chung.



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 19-4-2024 04:34 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách