Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3155|Trả lời: 0

Dẫn Nhập KT 3 - Dẫn nhập Rô-ma

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 1-9-2011 08:37:23 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Dẫn Nhập Kinh Thánh 3

Dẫn nhập Rô-ma

Trước giả:
Trước giả thư tín này là sứ đồ Phao-lô (xem RoRm 1:1). Từ thời Hội Thánh nguyên thuỷ đã không hề có ai lên tiếng phản đối tác quyền của ông. Bức thư gồm một số tài liệu lịch sử phù hợp với các sự kiện đã được biết về cuộc đời Phao-lô. Nội dung giáo lý của sách này là giáo lý điển hình của Phao-lô, điều sẽ trở thành hiển nhiên khi đem ra đối chiếu với những bức thư khác mà ông đã viết.
Niên đại và địa điểm viết thư:
Sách này có lẽ đã được viết vào đầu mùa xuân năm 57 S.C. Rất có thể là Phao-lô đang thực hiện vòng lưu hành truyền giáo thứ ba của ông, và đang sẵn sàng trở về Giê-ru-sa-lem đem theo tiền cứu trợ của các Hội Thánh thuộc các khu vực ông đã đến truyền giáo, cho các tín hữu bị nghèo thiếu tại Giê-ru-sa-lem (xem 15:25-27). Câu 15:26 gợi ý rằng Phao-lô đã nhận tiền đóng góp của các Hội Thánh ở Ma-xê-đoan và A-chai nên ông đã đến Cô-rinh-tô rồi. Vì từ ngày ông viết thư cho Hội Thánh ấy đến lúc đó (tham chiếu ICo1Cr 16:1-4; IICo 2Cr 8:9) ông vẫn chưa đến Cô-rinh-tô, cho nên việc viết thư Rô-ma chắc phải xảy ra sau khi viết hai thư I và II Cô-rinh-tô (đã được định niên đại là khoảng năm 55).
Địa điểm hợp lý nhất để viết thư này, hoặc là Cô-rinh-tô hoặc là Sen-cơ-rê (cách đó khoảng sáu dặm), vì có những câu đề cập Phê-bê người Sen-cơ-rê (RoRm 16:1) và Gai-út, người tiếp đãi Phao-lô (16:23), có lẽ là một người Cô-rinh-tô (xem ICo1Cr 1:14). Ê-rát (RoRm 16:23) có lẽ vốn cũng là một người Cô-rinh-tô (xem IITi 2Tm 4:20).
Những người nhận thư:
Những người nhận bức thư này đầu tiên là người của Hội Thánh tại Rô-ma (RoRm 1:7), đa số là người ngoại quốc. Tuy nhiên có một thiểu số là trụ cột của hội chúng ấy chắc phải là những người Do Thái (xem 4:1; 9:1-11:36; cũng xem chú thích ở 1:13). Có lẽ Phao-lô nguyên gởi trọn bức thư này cho Hội Thánh Rô-ma, nhưng sau đó, hoặc chính ông hoặc có ai khác đã dùng một hình thức ngắn gọn hơn (1:1-14:23 hay 1:1-15:33) để có thể phân phối sâu rộng hơn. Xem chú thích ở IIPhi 2Pr 3:15).
Luận đề chính:
Luận đề đầu tiên trong thư Rô-ma là Phúc âm căn bản, là kế hoạch cứu rỗi và sự công chính của Đức Chúa Trời cho toàn thể nhân loại, cả cho người Do Thái lẫn người ngoại quốc như nhau (RoRm 1:16-17). Tuy có một số người gợi ý rằng sự xưng công chính bởi đức tin là luận đề của nó, dường như còn một luận đề rộng rãi hơn nữa nhấn mạnh bức thông điệp của sách này đầy đủ hơn. “Sự công chính từ Đức Chúa Trời” (1:17) bao gồm cả sự xưng công chính bởi đức tin mà cũng gồm luôn cả các ý niệm liên hệ như tội lỗi, sự thánh hoá và sự an toàn nữa.
Chủ đích:
Phao-lô có nhiều chủ đích khác nhau khi viết bức thư này:
1. Ông viết để dọn đường cho việc ông sắp đến thăm Rô-ma và cho chuyến đi truyền giáo đến nước Tây-ban-nha mà ông đã dự định (1:10-15; 15:22-29).
2. Ông viết để trình bày hệ thống cứu rỗi căn bản cho một Hội Thánh vẫn chưa nhận được lời truyền dạy của một vị sứ đồ nào trước đó.
3. Ông tìm cách giải thích mối liên hệ giữa dân Do Thái với người ngoại quốc trong kế hoạch cứu chuộc toàn diện của Đức Chúa Trời. Các Cơ Đốc nhân người Do Thái bấy giờ đang bị nhóm người ngoại quốc đông hơn trong Hội Thánh chối bỏ (14:1) vì các tín hữu người Do Thái vẫn còn cảm thấy bị bó buộc phải tuân thủ các luật lệ về kiêng ăn và các ngày thánh (14:2-6).
Cơ hội:
Lúc viết bức thư này, có lẽ Phao-lô đang ở tại Cô-rinh-tô (Cong Cv 20:2-3) nhân vòng lưu hành truyền giáo thứ ba của ông. Công tác của ông tại phần cực Đông Địa trung hải hầu như đã hoàn tất (xem RoRm 15:18-23), và ông rất ao ước được đến thăm Hội Thánh Rô-ma (xem 1:11-12; 15:23-24). Tuy nhiên, lúc ấy ông không thể đi Rô-ma được vì cảm thấy phải đích thân trao số tiền cứu trợ nhận từ các Hội Thánh người ngoại quốc về cho các Cơ Đốc nhân đang gặp nghèo thiếu tại Giê-ru-sa-lem (xem 15:25-28). Cho nên, thay vì đi Rô-ma, ông gởi đến đó một bức thư để chuẩn bị cho các Cơ Đốc nhân ở đó, về ý định ông muốn sang truyền đạo bên Tây-ban-nha (xem 15:23-24). Từ nhiều năm rồi, Phao-lô đã muốn đến thăm Rô-ma để phục vụ tại đó (xem 1:13-15), và bức thư này được dùng làm phần giới thiệu nền thần học thận trọng và có hệ thống của ông cho chức vụ mà riêng ông hằng ao ước đó vì ông chưa hề trực tiếp quen biết với Hội Thánh Rô-ma, nên ông chỉ nói rất ít đến các vấn đề của nó (nhưng xem 14:1-15:13; cũng tham chiếu 13:1-7; 16:17-18).
Nội dung
Phao-lô bắt đầu đề cập tình trạng thuộc linh tổng quát của cả nhân loại. Ông nhận thấy cả người Do Thái lẫn người ngoại quốc đều là tội nhân rất cần được cứu rỗi như nhau. Sự cứu rỗi ấy đã được Đức Chúa Trời ban cho thông qua công lao cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên thập tự giá. Tuy nhiên, đây là một tặng phẩm phải tiếp nhận bởi đức tin - một nguyên tắc mà Đức Chúa Trời luôn luôn vận dụng đối với loài người, như tấm gương của Áp-ra-ham đã chứng minh. Vì sự cứu rỗi chỉ mới là từng trải đầu tiên của Cơ Đốc nhân, Phao-lô tiếp tục chứng minh người tín hữu đã được giải thoát khỏi tội lỗi luật pháp và sự chết như thế nào - một tặng phẩm chỉ có thể được cung cấp nhờ người ấy hiệp làm một với Chúa Cứu Thế cả trong sự chết lẫn sự sống lại, và nhờ sự hiện diện bằng cách ngự trị bên trong và bằng quyền phép của Đức Thánh Linh. Rồi Phao-lô chứng minh rằng cả người Y-sơ-ra-ên, tuy hiện sống trong tình trạng vô tín, vẫn có một chỗ đứng trong kế hoạch cứu rỗi tể trị của Đức Chúa Trời. Tuy giờ đây họ chỉ là một phần sót lại để những người ngoại quốc được phép ăn năn quy đạo sẽ có ngày “cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu” (11:26). Bức thư được kết thúc bằng một lời kêu gọi các độc giả hãy tự tạo lấy đức tin vào Chúa Cứu Thế cho họ một cách thực tế cả trong Hội Thánh lẫn ngoài đời. Chưa hề có bức thư nào khác của Phao-lô lại nhấn mạnh thật sâu sắc nội dung của Phúc âm và các ngụ ý của nó cả cho hiện tại và tương lai, cho bằng bức thư này.
Các điểm đặc sắc:
1. Bức thư có hệ thống hơn hết trong số các thư tín của Phao-lô. Khi đọc nó người ta cảm thấy như đọc một sách khảo luận thật trau chuốt về thần học, hơn là đọc một bức thư.
2. Nhấn mạnh trên giáo lý Cơ Đốc. Con số và tính cách quan trọng của các luận đề thần học mà thư này đụng chạm đến đã gây ấn tượng sâu đậm trên chúng ta: tội lỗi, sự cứu rỗi, ân điển, đức tin, sự công chính, sự xưng công chính, sự cứu chuộc, sự chết và sự sống lại.
3. Trích dẫn Cựu Ước hết sức rộng rãi. Tuy Phao-lô vẫn thường trích dẫn Cựu ược trong các thư tín của ông, các luận cứ trong thư Rô-ma nhiều khi được khai triển theo chiều hướng của câu trích dẫn đó (xem đặc biệt các chương 9:1-11:36)
4. Quan tâm sâu xa đến dân Y-sơ-ra-ên. Phao-lô viết về quy chế hiện nay cho họ, mối liên hệ giữa họ với người ngoại quốc và sự cứu rỗi cuối cùng dành cho họ.
Bố cục:
I. Dẫn nhập (1:1-15)
II. Luận đề: sự công chính từ Thương Đế (1:16-17)
III. Cả nhân loại đều bất chính (1:18-3:20)
A. Người ngoại quốc (1:18-32)
B. Người Do Thái (2:1-3:8)
C. Tóm lại: tất cả mọi người (3:9-20)
IV. Sự công chính được gán cho: sự xưng công chính (3:21-5:21)
A. Qua Chúa Cứu Thế (3:21-26)
B. Nhận được bởi đức tin (3:27-4:25)
1. Nguyên tắc quy định (3:27-31)
2. Nguyên tắc được minh hoạ (4:1-25)
C. Kết quả của sự công chính (5:1-11)
D. Tóm tắt: sự bất chính của loài người đặt tương phản với sự công chính của Đức Chúa Trời (5:12-21)
V. Sự công chính được chia sẻ: sự thánh hoá (6:1-8:39)
A. Được cứu khỏi quyền lực tội lỗi (6:1-23)
B. Được cứu khỏi bị định tội của luật pháp (7:1-25)
C. Sống trong quyền năng của Đức Thánh Linh (8:1-39)
VI. Sự công chính của Đức Chúa Trời được thắng hơn: vấn đề dân Y-sơ-ra-ên bị từ bỏ (9:1-11:36)
A. Công lý của sự từ bỏ (9:1-29)
B. Nguyên nhân bị từ bỏ (9:30-10:21)
C. Các sự kiện làm suy giảm khó khăn (11:1-36)
1. Sự từ bỏ không có tính cách toàn diện (11:1-10)
2. Sự từ bỏ không có tính cách dứt khoát (11:11-24)
3. Chủ đích tối hậu của Đức Chúa Trời là thương xót (11:25-36)
VII. Sự công chính thực tiễn (12:1-15:13)
A. Trong một thân thể - Hội Thánh (12:1-21)
B. Trong thế gian (13:1-13)
C. Giữa vòng các Cơ Đốc nhân mạnh mẽ và yếu đuối (14:1-15:13)
VIII. Kết luận (15:14-33)
IX. Gởi gắm và chào thăm (16:1-27)



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 28-3-2024 04:45 PM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách