Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3163|Trả lời: 0

Cố Vấn - ĐỨC THÁNH LINH TRONG CÔNG CUỘC SÁNG TẠO

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 25-10-2011 08:12:34 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Cố Vấn Dạy Bảo Và Dẫn Dắt
Tác giả: William Farrand

ĐỨC THÁNH LINH TRONG CÔNG CUỘC SÁNG TẠO

Một nhà thiên văn là một Cơ đốc nhân trên đường đi diễn thuyết ở một tỉnh xa bằng xe lửa. Ông mang theo một mô hình hệ mặt trời chạy bằng pin mà ông đã chế tạo và dùng để diễn thuyết. Ngồi bên cạnh ông trên xe lửa là một người vô thần. Trong câu chuyện, người vô thần bắt đầu chế nhạo thuyết về sự sáng tạo.
Nhà thiên văn yên lặng lắng nghe. Sau đó ông mời người vô thần kia cùng đến toa hành lý. Tại đó, ông dỡ tấm đậy mô hình của ông rồi ấn vào một cái nút. Khi nhìn thấy những hành tinh nhỏ bé xoay chuyển chung quanh mặt trời cách nhịp nhàng,, người vô thần vô cùng ngạc nhiên cách thích thú. “Thật kỳ diệu”, ông ta nói, “ Ai đã chế tạo ra vật nầy vậy?” Nhà thiên văn mỉm cười và trả lời rằng: “Không ai chế tạo nó cả. Nó được tạo ra do sự tình cờ của thiên nhiên”.
Người vô thần im lặng. Đây chính là những lời ông dùng để giải thích cho ý kiến của ông về sự khởi đầu của hệ mặt trời mà bởi đó nhà thiên văn đã chế tạo ra mô hình của ông. Nếu mô hình còn cần phải có một người chế tạo, thì vật nguyên bản còn cần hơn biết là dường nào!
Trái đất, bầu trời và tất cả các vật trong đó đều là công việc của tay Đấng Tạo Hóa thiên thượng. Chính quyền năng của Đức Thánh Linh làm cho lời phán của Đức Chúa Trời hành động. Trong bài học nầy chúng ta sẽ nghiên cứu về công tác của Đức Thánh Linh trong Công cuộc Sáng tạo. Người bạn riêng tư, thiên thượng của chúng ta đã hiện diện khi thế giới được hình thành, và ngày hôm nay Ngài vẫn còn đang chủ động trong cuộc đời chúng ta bởi quyền năng sáng tạo của Ngài.
Dàn Ý Bài Học
Kết hợp trong Sự Sáng Tạo
Tạo dựng thế giới
Tạo Dựng Con Người
Bảo Tồn Muôn Vật
Những Mục Tiêu Bài Học
Khi bạn kết thúc bài học nầy bạn sẽ có thể:
Thảo luận điều mà Kinh thánh bày tỏ về sự liên hệ của Cha, Con và Thánh Linh trong Công Cuộc Sáng Tạo.
Giải thính sự khác nhau trong phương cách tạo dựng con người và những tạo vật khác.
Nhận diện quyền năng của Đức Thánh Linh trong Công Cuộc Sáng Tạo và bảo tồn Sự Sáng Tạo của Ngài.
Những Hoạt Động Học Tập
Nghiên cứu bài học theo như cách đã chỉ dẫn trong phần những hoạt động học tập của Bài 1. Đọc nội dung bài học, tìm và đọc những đoạn Kinh thánh trưng dẫn và trả lời những câu hỏi nghiên cứu.
Để làm nền tảng cho bài học nầy, hãy đọc Sáng Thế Ký chương 1 và 2, và Giăng chương 1.
Tìm định nghĩa trong phần từ vựng ở cuối sách cho những từ ngữ then chốt mà bạn không biết.
Làm bài tự trắc nghiệm và kiểm tra lại câu trả lời của bạn.
Những Từ Ngữ Then Chốt
Nhà thiên văn học
vận hành
bảo tồn
ban tứ
vũ trụ
hiện hữu từ trước
vô cùng
hạn chế
hệ mặt trời
Thiên văn học
thiên thể
thực vật
Triển Khai Bài Học
KẾT HỢP TRONG SỰ SÁNG TẠO
Đấng Lập Kế Hoạch Trước Sự Sáng Tạo

Mục tiêu 1: Giải thích tại sao trong Công Cuộc Sáng Tạo trong Sáng Thế Ký không đưa ra những chi tiết đặc biệt hơn về sự liên quan của Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh trong Sự Sáng Tạo .
“Ban đầu Đức Chúa Trời . . .”(SaSt 1:1). Những từ ngữ mở đầu Kinh thánh trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ sử dụng một danh xưng số nhiều để chỉ về Đức Chúa Trời. Mặc dù Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh không được nhắc đến cách đặc biệt, Ba Ngôi Đức Chúa Trời vẫn được nhắc đến cách tổng quát.
Giáo lý Ba Ngôi là một phần trong sự mặc khải của Đức Chúa Trời về chính Ngài mà giáo lý này không được giải thích kỷ cho đến khi Kinh thánh Tân ước được viết ra.Vào thời gian Môi-se viết Ngũ kinh (năm sách đầu của Kinh thánh Cựu ước), rất nhiều người tin vào thuyết đa thần. Sự mặc khải về Ba Ngôi Đức Chúa Trời vào thời điểm đó sẽ chỉ đem đến sự lầm lẫn mà thôi. Đức Chúa Trời biết rằng con người chưa sẵn sàng nhận lấy lẽ thật nầy, vì vậy Ngài không bày tỏ lẽ thật ấy. Tuy nhiên sự tự mặc khải của Ngài cứ tiếp tục tăng lên bởi vì Ngài biết chính xác phải bày tỏ vào lúc nào. Vì vậy Công Cuộc Sáng Tạo trong sách Sáng Thế Ký không đề cập từng chi tiết về công tác tạo dựng của Đức Chúa Trời. Những đoạn Kinh thánh khác giúp chúng ta hiểu được vai trò của từng Ngôi vị của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong kế hoạch sáng tạo cũng như trong kế hoạch cứu rỗi.
Sách Sáng Thế Ký ghi lại rất nhiều sự khởi đầu: về sự sáng tạo, về con người, về tội lỗi, về sự phán xét, và về sự cứu rỗi. Tuy nhiên chỉ hai chương đầu nói đến Sự Sáng Tạo. Công Cuộc Sáng Tạo được ghi lại cách ngắn gọn để làm nền tảng cho những sự kiện ban đầu trong lịch sử con người mà chúng dẫn đến nhu cầu cần được cứu rỗi của họ.
Ngay cả trước Sự Sáng Tạo thì Đức Chúa Trời đã biết điều gì sẽ xảy ra với sự tạo dựng của Ngài. Ngài biết trước rằng con người sẽ phạm tội, và Ngài đã chuẩn bị một chương trình cứu rỗi cho con người. Một vài đoạn Kinh thánh cho chúng ta thấy điều này:
1. KhKh 13:8 nói đến sách sự sống của Chiên Con (Chúa Giê-xu) đã chịu chết trong buổi sáng thế.
2. Eph Ep 1:4 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chọn chúng ta trong Đấng Christ trước khi tạo dựng trời đất.
3. Mat Mt 25:34 nói đến một vương quốc được chuẩn bị cho những kẻ trung tín từ khi sáng tạo thế giới.
Một vài đoạn Kinh thánh khác xác định sự hiện hữu đời đời của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Do đó, chúng ta biết rằng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, Đấng luôn hành động trong sự hiệp nhất trọn vẹn, đã cùng đưa ra kế hoạch và cùng thực hiện Công Cuộc Sáng Tạo. Hãy cùng xem một số đoạn Kinh thánh nầy:
1. Tác giả Thi Tv 90:2 nói rằng: “Trước khi núi non chưa sanh ra, đất và thế gian chưa dựng nên; Từ trước vô cùng cho đến đời đời, Chúa là Đức Chúa Trời”. Đây là đoạn Kinh thánh nói lên sự hiện hữu từ trước vô cùng của Đức Chúa Cha .
2. Sứ đồ Giăng tuyên bố sự hiện hữu từ trước vô cùng của Đức Chúa Con trong GiGa 1:1 “Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.” Rồi Giăng tiếp tục nói rằng: “Ngôi-Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha” (GiGa 1:14). Đức Chúa Con đã cùng hiện diện với Đức Chúa Cha trong Công Cuộc Sáng Tạo.
3. HeDt 9:14 ám chỉ về sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong Công Cuộc Sáng Tạo. Ngài được gọi là Đức Thánh Linh đời đời . Ngài không có khởi đầu cũng không có kết thúc, và Ngài đã hiện diện với Cha và Con trong Công Cuộc Sáng Tạo. Sự hiện hữu từ trước vô cùng của Đức Thánh Linh được câu Kinh thánh nầy xác nhận qua bản tính đời đời của Ngài.
Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh đã cùng hiện hữu từ ban đầu. Đức Chúa Trời Tam Nhất, Đấng bảo tồn muôn vật, là “khởi nguyên của khởi nguyên” - nghĩa là, Ngài đã luôn luôn hiện hữu và sẽ luôn luôn hiện hữu. Tâm trí hạn hẹp của chúng ta không thể hiểu đầy đủ về lẽ thật này, bởi vì chúng ta bị chi phối bởi thời gian. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là Đấng vượt lên trên thời gian. Trước buổi ban đầu được nói đến trong SaSt 1:1, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh bởi sự hiệp nhất trọn vẹn đã đưa ra kế hoạch Sáng thế cũng như kế hoạch Cứu rỗi.
1. Dựa trên bài học, hãy nêu lên lý do tại sao sách Sáng Thế Ký không đề cập chi tiết về Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
..............................................................................................................................................................................................................
2. Đọc Sáng Thế Ký chương 1 và trả lời những câu hỏi sau:
a. Đức Chúa Trời được nhắc đến bao nhiêu lần trong chương nầy? ..................... Đức Thánh Linh ? ...................... Đức Chúa Con?
b. Chúng ta tin rằng câu 1 ám chỉ về Ba Ngôi Đức Chúa Trời bởi vì danh xưng số nhiều được xử dụng ở đây. Ngoài ra, câu Kinh thánh nào khác chỉ về Ba Ngôi? ...................................................
Những Đấng Đồng-Tạo Hóa
Mục tiêu 2: Mô tả những phương cách mà qua đó Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh dự phần trong Công Cuộc Sáng Tạo .
Kinh thánh mô tả cách rõ ràng rằng Công Cuộc Sáng Tạo được cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời cùng tham gia.
1. Các tín hữu tại Hội thánh đầu tiên đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời rằng: “Lạy Chúa là Đấng dựng nên trời, đất , biển cùng muôn vật trong đó”(Cong Cv 4:24). Hiển nhiên, đây là lời cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha của họ.
2. Trong phần mở đầu của sách Phúc âm Giăng, tác giả đã nói về Đức Chúa Con như vầy: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (GiGa 1:3). Rõ rằng rằng Đức Chúa Giê-xu cũng dự phần trong Công Cuộc Sáng Tạo.
3. Trong một bài ca của Thi thiên, Sự Sáng Tạo được mô tả như là một công tác của Đức Thánh Linh. Tác giả Thi Tv 104:30 nói rằng: “Chúa sai Thần Chúa ra, chúng nó được dựng nên; Chúa làm cho mặt đất ra mới.” Tại đây, chúng ta không chỉ thấy Đức Thánh Linh dự phần trong sự tạo dựng trời đất, mà Ngài còn bảo tồn chúng nữa.

TỪ ĐỨC CHÚA CHA QUA ĐỨC CHÚA CON BỞI ĐỨC THÁNH LINH
Công Cuộc Sáng Tạo là kết quả của một sự kết hợp trọn vẹn giữa Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Chúng ta không thể hiểu hết điều nầy xảy ra như thế nào. Stanley Horton nói rằng: “Đức Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa. Ngài tạo dựng mọi vật qua Đức Chúa Con và bởi Đức Thánh Linh. Sự huyền nhiệm này không được Kinh thánh giải bày cách chi tiết. Điều quan trọng ấy là Ngài là Đấng Tạo Hóa và chúng ta là những tạo vật của Ngài”(Horton, Đức Thánh Linh , tr.52).
Chúng ta sẽ thấy rằng Đức Thánh Linh giữ một vai trò chủ động trong Công Cuộc Sáng Tạo. Ngài được đề cập cách đặc biệt đó là vận hành bởi quyền năng sáng tạo của Ngài, là đặc tính tể trị trong số các hoạt động của Ngài. (Xem Giop G 33:4; Thi Tv 104:30; GiGa 6:63 và cũng trong RoRm 8:11 liên hệ quyền năng ban sự sống của Đức Thánh Linh .)
3. Mặc dù Công Cuộc Sáng Tạo trong sách Sáng Thế Ký không nhấn mạnh về việc cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều dự phần trong Công Cuộc Sáng Tạo, làm sao chúng ta biết được rằng cả Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh đều đồng công trong Sự Sáng Tạo?
..............................................................................................................................................................................................................
TẠO DỰNG THẾ GIỚI
Mục tiêu 3: Phân biệt những quan điểm đúng và sai lầm dựa trên những sự kiện trong Công Cuộc Sáng Tạo .
Trong số các học giả Kinh thánh, nhiều người đã đưa ra những thuyết giải thích sự trống không và sự mờ tối bao phủ trên đất trước khi Sự Sáng Tạo bắt đầu. Bởi vì Lời của Đức Chúa Trời không bày tỏ nguyên nhân cho chúng ta, vì vậy, chúng ta chỉ có thể phỏng định điều gì đã xảy ra mà thôi, do đó, chúng ta sẽ không cố gắng bàn luận đến điều này. Qua Kinh thánh chúng ta biết rằng đã có sự trống không mà chỉ có Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới có thể biến đổi thành sự đầy trọn và đẹp đẽ sau này.
Vận Hành Trên Mặt Nước

Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước (SaSt 1:2).
Câu Kinh thánh trên mô tả Thánh Linh đang bay lượn trong vũ trụ trước khi sáng thế. PhuDnl 32:11 cũng xử dụng từ ngữ này để mô tả một con chim mẹ vỗ cánh bay lượn cách mạnh mẽ trên những con nhỏ của mình để bảo vệ chúng. Năng lực siêu nhiên của của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời được bày tỏ ở đây như là đã sẵn sàng để thực hiện Công Cuộc Sáng Tạo của Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã thực thi những mạng lịnh sáng tạo và Ngài được xem như là một tác nhân của Sự Sáng Tạo.
Mạng lịnh thứ nhất là: “Phải có sự sáng” (SaSt 1:3). Lập tức có sự sáng, và điều đó là tốt lành.
Mạng lịnh thứ hai là: “Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước”(1:6). Những màng sương mù bay lên tạo thành những đám mây trên mặt nước do sự tác động của Đức Thánh Linh. Một bản dịch Kinh thánh đã dịch Giop G 26:13 như vầy: “Bởi hơi thở của Ngài(Đức Thánh Linh) mà các từng trời được điểm tô.”
Và mạng lịnh thứ ba được ban ra: “Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chổ khô cạn bày ra”(SaSt 1:9). Các đại dương dồn lại dứi năng lực toàn năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời tác động trên chúng. Những đại lục xuất hiện và trở nên khô ráo.
4. Từ ngữ nào mô tả đúng nhất về sự đồng công của Đức Thánh Linh trong việc phân rẽ nước?
a) Nghỉ ngơi
b) Chờ đợi
c) Ra lịnh
d) Quyền năng
Vận Hành Trên Đất
Những mạng lịnh tiếp theo (1:11-13, 20-25) liên quan đến mặt đất mô tả Đức Thánh Linh như là Thần Linh của Sự Sống. Trong bài học trước, chúng ta thấy rằng đây là một trong những danh hiệu của Ngài.
Ngài vận hành trên những địa lục của trái đất, và chúng bắt đầu sinh sản ra những loại hoa cỏ, thảo mộc thích ứng với từng điều kiện khí hậu (1:12). Ngài vận hành trên các đại dương, sông hồ, làm cho chúng đầy dẫy những sinh vật. Những loài chim xinh đẹp bay lượn trên bầu trời (câu 20-22). Ngài lại vận hành trên mặt đất, ban hơi thở sự sống cho muôn loài (câu 24-25).
Tác giả Thi thiên 104 ca ngợi Đức Chúa Trời vì điều này, ông nói: “Chúa sai Thần Chúa ra, chúng nó được dựng nên.” Hiển nhiên trong đoạn văn, từ chúng no chỉ về những sinh vật trên đất và dưới nước (xem Thi Tv 104:24-25).
Vẻ đẹp và sự đa dạng của những loài thảo mộc, chim chóc, muôn thú và các loài cá dưới nước làm cho chúng ta càng kính sợ quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Trong viện bảo tàng Châu Phi tại thành phố Brussels, nước Belgium, vô số những loài thảo mộc và muôn thú từ lục địa Châu Phi được trưng bày. Một trong những vật được trưng bày thú vị nhất là hàng trăm loài côn trùng nhiều màu sắc, đa dạng và xinh xắn. Một số loài trông giống như những viên ngọc lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong Công Cuộc Sáng Tạo của Đức Chúa Trời. Chính Đức Thánh Linh đã thực thi kế hoạch của Đức Chúa Trời bởi quyền năng sáng tạo của Ngài.
5. Đọc SaSt 1:11-12, 20-25. Những câu Kinh thánh này bày tỏ rằng Đức Chúa Trời tạo dựng
a) mọi loài thảo mộc, sinh vật dưới biển, chim chóc và muôn thú.
b) một số loài tiêu biểu và từ đó chúng tiến hóa và trở nên đa dạng.
c) một số lượng nhỏ trong mỗi loài và chúng tự sản sinh ra nhng loài khác.
Vận Hành Trên Các Từng Trời
Các từng trời được làm nên bởi Lời Đức Giê Hô Va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có (Thi Tv 33:6).
Trong câu Kinh thánh nầy tác giả đã ghi lại sự tạo dựng các từng trời là bởi Đức Thánh Linh (hơi thở) của Đức Chúa Trời. Công Cuộc Sáng Tạo tập trung trên đất và sự sắp đặt các thiên thể trên bầu trời (SaSt 1:14-18).
Không có sự nghiên cứu nào có thể cho thấy được quyền năng đáng kinh sợ của Đức Chúa Trời như là ngành thiên văn học (ngành khoa học về các thiên thể, ví dụ như các vì sao). Vũ trụ của chúng ta rộng lớn vô biên, nó vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng ta. Con người chúng ta chỉ như những hạt bụi khi so với vũ trụ.
Khoảng cách trong vũ trụ vô cùng vĩ đại, những phương tiện đo lường trên đất của chúng ta chẳng so sánh được. Ví dụ như để đo lường chiều sâu của không gian, chúng ta phải dùng tốc độ của ánh sáng, nó đi nhanh đến 299.270 Km/giây. Nhưng khoảng cách trong không gian không được tính bằng giây hay phút, thậm chí cũng không phải giờ hay ngày. Chúng được tính bằng năm ánh sáng !
Vì sao ngoài hệ mặt trời gần chúng ta nhất cũng cách chúng ta bốn năm rưỡi ánh sáng. Nói cách khác, ánh sáng của nó với tốc độ 299.270 Km/giây phải mất bốn năm rưỡi mới có thể đến đuợc trái đất. Hiện tại, các nhà thiên văn có thể quan sát những vì sao ở cách xa trái đất ba tỉ năm ánh sáng!
Để bạn biết con số của những ngôi sao được dựng nên bởi hơi thở (Thánh Linh) của Đức Chúa Trời, có 100 tỉ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta (thiên hà là một trong những hệ thống ngôi sao). Các thiên văn gia đếm được trên một tỉ thiên hà.
Giêrêmi khi nói về nhân loại đã nói rằng: “Người ta không thể đếm được cơ binh trên trời, và lường cát dưới biển.” (Gie Gr 33:22). Đa-vít, đứng trước sự diệu kỳ của sự sáng tạo, đã thốt lên rằng: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Tv 19:1). Chúng ta đang phục vụ một Đức Chúa Trời quyền năng biết bao! Đức Thánh Linh Đấng thực thi mạng lịnh của Đức Chúa Cha như một tác nhân của Sự Sáng Tạo đang hành động trong đời sống chúng ta ngày hôm nay; quyền năng của Ngài vẫn còn có để chúng ta thực hiện ý muốn của Đức Chúa Cha trong thế giới mà Ngài đã tạo dựng cách diệu kỳ.
6. Khoanh tròn các ký tự trước những câu ĐÚNG liên quan đến những sự kiện trong Sự Sáng Tạo.
a. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm cho một phần khác nhau của Công Cuộc Sáng Tạo.
b. Sự vận hành của Đức Thánh Linh trên mặt nước trước Sự Sáng Tạo nói lên năng lực năng động của Ngài sẵn sàng để thực thi những mạng lịnh sáng tạo của Đức Chúa Trời.
c. Mặc dù vũ trụ rộng bao la, vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, chúng chuyển động cách hài hòa với nhau.
d. Đức Chúa Trời tạo dựng nên trái, cây cối, thú vật, chim muôn và những sinh vật dưới nước từ chổ không có gì cả.
e. Công Cuộc Sáng Tạo trong sách Sáng Thế Ký tập trung vào các từng trời và cách chúng được tạo dựng.
f. Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao là những thiên thể được Đức Chúa Trời tạo dựng.
g. Một trong những điều Đức Thánh Linh đã làm trong Công Cuộc Sáng Tạo là ban hơi sống cho các sinh vật.
TẠO DỰNG CON NGƯỜI
Mục tiêu 4: Xác định Đấng ban sự sống con người và sự sống này khác với những sinh vật khác trong Sự Sáng Tạo như thế nào .
Được Đức Chúa Trời Định Kiểu Mẫu
“Đức Chúa Trời phán rằng: ‘Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta (chúng ta) và theo tượng ta(chúng ta)’” (SaSt 1:26). Ở đây, chúng ta lại thấy danh xưng số nhiều của Đức Chúa Trời và được đi theo bởi đại từ số nhiều. Ba Ngôi Đức Chúa Trời đang lập kế hoạch cho một biểu hiện đặc biệt của tình yêu thiên thượng.
Chúng ta đã xem con người như là một hạt bụi khi so với kích thước của vũ trụ. Nhưng đối với Đức Chúa Trời thì con người là một “hạt bụi” rất đặc biệt. Con người là sự sáng chói nhất và là đối tượng đặc biệt trong Công Cuộc Sáng Tạo của Đức Chúa Trời.
KhKh 13:8 bày tỏ rằng sự cứu chuộc con người đã được hoạch định từ trước buổi sáng thế. Quyết định thần thượng này (SaSt 1:26) có thể đã được quyết định trước Công Cuộc Sáng Tạo. Chúng ta hãy thử tưởng tượng điều gì đã xảy ra giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời. “Chúng ta hãy làm một sinh vật giống như chúng ta,” Đức Chúa Cha nói, “một sinh mà nó có thể suy nghĩ, cảm xúc và quyết định - một sinh vật thuộc linh mà chúng ta có thể tương giao - một sinh vật mà chúng ta có thể có một mối tương giao mật thiết với chúng.”
Để thực hiện kế hoạch nầy, Đức Chúa Trời quyết định ban cho con người sự tự do thật mà qua đó, con người có thể tiếp nhận hay chống đối lại với tình yêu của Đấng tạo dựng mình. Bởi sự toàn tri, Đức Chúa Trời biết rằng con người sẽ sa ngã và việc dự phòng một phương cách để con người nối lại mối thông công với Ngài là điều cần thiết. Đức Chúa Con sẽ phải hy sinh để làm một sinh tế tối cao, và Ngài đã sẵn sàng từ bỏ chính mình. Đức Thánh Linh sẽ là Đấng thực hiện kế hoạch nầy. Đức Chúa Trời biết rằng sẽ có một số người tự ý chọn lựa để theo Ngài. Những người tín hữu nầy sẽ cùng dự phần trong bổn tánh Ngài. Trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã hoạch định chương trình cứu rỗi của Ngài.
Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ (1:27).
7 Tại sao Đức Chúa Trời hoạch định chương trình cứu rỗi ngay cả trước khi Ngài tạo dựng con người?
.............................................................................................................................................................................................................
Được Đức Chúa Trời Nắn Nên
“Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn lên hình người”(2:7). Những loài khác xuất hiện khi Đức Chúa Trời phán ra lời và Đức Thánh Linh vận hành trên mặt đất.
Con người lại khác. Chính Đức Chúa Trời nắn đúc lên thân thể con người từ bụi đất. Sự tạo dựng con người hoàn toàn khác với những loài khác. Sáng Thế Ký chương 2 cho chúng ta những chi tiết đầy đủ hơn về Công Cuộc Sáng Tạo trong chương 1. Trong 2:21-22 chúng ta thấy rằng sự tạo dựng con người chấm dứt khi Đức Chúa Trời lấy một trong những xương sườn của người nam để làm nên một người nữ.
Được Đức Chúa Trời Làm Cho Hoạt Động
Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời ... hà sanh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sanh linh (2:7). Thần của Đức Chúa Trời đã sáng tạo tôi, hơi thở của Đấng Toàn Năng ban cho tôi sự sống (Giop G 33:4).
Làm cho hoạt động có nghĩa là làm cho sống. Trước tiên Đức Chúa Trời nắn nên thân thể. Rồi thì Đức Thánh Linh hà hơi vào, đem đến sự sống cho con người thuộc linh ở trong thân thể. Sự sống xuất phát từ hơi thở của Đức Chúa Trời dường như tỏ bày Đức Thánh Linh hơn là sự tạo dựng nên nó. Những thành tố của sự tạo dựng vẫn có, tuy nhiên sự sống chỉ đến từ hơi thở của Đấng Toàn Năng.
Trong khi chúng ta biết rằng những sự kiện trong Sự Sáng Tạo và quyền năng của Đức Chúa Trời vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, chúng ta vẫn có thể an tâm mà nói rằng sự tạo dựng con người làm cho con người có một vị trí gần gũi với Đức Chúa Trời mà chẳng có một tạo vật nào khác có được.
8. Con người nhận được sự sống vào thời điểm nào trong sự tạo dựng?
.......................................................................................................
9. Sự tạo dựng con người khác với những loài khác như thế nào?
..............................................................................................................................................................................................................
10. Sự khác biệt nầy cho thấy rằng, trong tất cả những tạo vật của Đức Chúa Trời, con người làm một
a) hữu thể vật lý.
b) hữu thể linh.
c) hữu thể mà dưới con mắt của Đức Chúa Trời không quan trọng hơn những tạo vật khác.
BẢO TỒN MUÔN VẬT
Mục tiêu 5: Xác định những đoạn Kinh thánh bày tỏ những hoạt động Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh trong việc bảo tồn Sự Sáng Tạo .
Cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều dự phần trong Công Cuộc Sáng Tạo, vì vậy, cả Ba Ngôi cũng đều dự phần bảo tồn Sự Sáng Tạo. Có rất nhiều đoạn Kinh thánh cho thấy Đức Chúa Trời gìn giữ dân Ngài (xem PhuDnl 6:24; Thi Tv 31:23; ChCn 2:8; ITi1Tm 4:18). Thi Tv 121:1-8 tuyên bố rằng:
Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-Hô-Va, là Đấng đã dựng nên trời và đất. Ngài không để cho chơn ngươi xiêu tó, Đấng gìn giữ ngươi không hề buồn ngủ. Đấng gìn giữ Y-sơ-ra-ên không hề nhắm mắt cũng không hề buồn ngủ.
Đức Giê-Hô-Va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-Hô-Va là bóng che ở bên hữu ngươi. Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm.
Đức Giê-Hô-Va sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi tai họa; Ngài sẽ gìn giữ linh hồn ngươi. Đức Giê-Hô-Va sẽ gìn giữ ngươi khi ra khi vào, từ nay cho đến đời đời.
Bạn sẽ nhớ lại rằng, Chúa Giê-xu đã nói rằng Ngài sẽ cầu xin Cha ban cho chúng ta Đấng An-ủi để ở với chúng ta đời đời (GiGa 14:16). Chính Ngài là Đấng canh giữ chúng ta ngày đêm, và chúng ta được an ninh trong bóng cánh Ngài. Sự chăm sóc gìn giữ của Ngài không chỉ cho chúng ta mà cho cả toàn bộ sự tạo dựng của Ngài.
11. Đọc Giop G 12:7-10. Trái đất, chim chóc, muôn thú, và các loài cá dưới nước dạy chúng ta điều gì?
.......................................................................................................
12. Đọc EsIs 40:7, 13. Hãy dùng lời củabạn để phát biểu ý nghĩa của những câu Kinh thánh nầy đối với bạn.
..............................................................................................................................................................................................................
13. Đọc những phần Kinh thánh được liệt kê (bên phải) và sắp xếp với những sự việc mà chúng mô tả (bên trái).
. . . .a. Chúa Giê-xu bảo tồn muôn vật bởi Lời của Ngài.
. . . .b. Chúng ta không cần phải sợ hãi vì Đức Chúa Trời sẽ ban năng lực và gìn giữ chúng ta.
. . . .c Đức Thánh Linh Đấng tạo dựng muôn vật cũng sẽ đổi mới muôn vật.
1) Thi Tv 104:30
2) HeDt 1:1-3
3) EsIs 41:10
14. Những phần Kinh thánh nầy bày tỏ rằng cả Sự Sáng Tạo và sự bảo tồn (chăm sóc) tất cả những tạo vật là
a) hầu hết là công tác của Đức Thánh Linh.
b) chủ yếu là công việc của Đức Chúa Cha.
c) được thực hiện bởi Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh .
Khi chúng ta chiêm ngưỡng sự vĩ đại của Sự Sáng Tạo của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ ngạc nhiên kinh sợ bởi những kỳ quan mà Ngài đã thực hiện. Quả thật Ngài đáng để chúng ta ca ngợi và tôn thờ. Khi Ngài chấm dứt các công tác vào ngày thứ sáu và nhìn xem tất cả những gì Ngài đã tạo dựng, Ngài phán rằng mọi sự đều tốt lành.
Đức Chúa Trời tạo dựng muôn vật vì sự vinh hiển của Ngài. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm”(Thi Tv 19:1). Sự sáng tạo của Ngài phô bày sự vinh hiển Ngài. Ngài tạo dựng chúng ta để chúng ta có thể tôn vinh Ngài. Rất nhiều đoạn Kinh thánh khích lệ chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời (xem ISu1Sb 16:29; Thi Tv 29:1; RoRm 15:6, 9). Bạn đã tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của bạn chưa? Bạn có tôn vinh Chúa Giê-xu là Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là Đấng đã đến để ngự trong bạn không?
Không có lời kết nào tốt hơn cho bài học nầy là những lời của hai mươi bốn trưởng lão khi họ sấp mặt trước Đấng Tạo Hóa và quăng mão triều thiên mình trước ngôi Ngài (KhKh 4:11):
Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi,Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.
Bài Tự Trắc Nghiệm

CÂU HỎI CHỌN LỰA. Khoanh tròn các ký tự trước những câu trả lời đúng.
1. Đâu là phần hoàn chỉnh đúng liên quan đến sự khải thị qua Công Cuộc Sáng Tạo về sự đồng công của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong Sự Sáng Tạo? Công Cuộc Sáng Tạo bày tỏ
a) rằng cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều dự phần, và được bày tỏ cách rất chi tiết.
b) rất ít về sự dự phần của mỗi Ngôi, nhưng nhấn mạnh trên cả Ba Ngôi của một Đức Chúa Trời đời đời và rằng Ngài là Đấng Tạo Hóa của muôn vật.
c) rằng Đức Thánh Linh dự phần nhiều nhất trong Sự Sáng Tạo.
2. Sách Sáng Thế Ký nhấn mạnh điều gì nhất trong những câu sau?
a) Sự tạo dựng vũ trụ
b) Sự bắt đầu của tội lỗi và sự phán xét
c) Nhu cầu được cứu rỗi của con người
d) Sự tạo dựng con người
3. Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời được quyết định
a) trước buổi sáng thế.
b) sau khi con người phạm tội.
c) khi Chúa Giê-xu giáng sinh.
d) vào thời điểm của Sự Sáng Tạo.
4. Thi Tv 90:2, GiGa 1:1 và HeDt 9:14 xác nhận bản tánh đời đời của Đức Chúa Trời bằng cách liên hệ đến
a) sự hiện diện và dự phần của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong Công Cuộc Sáng Tạo.
b) sự hiện hữu từ trước vô cùng của Đức Chúa Trời Tam Nhất so với thời điểm của Sự Sáng Tạo.
c) sự hiện hữu từ trước vô cùng của Đức Chúa Cha, cùng với Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh xuất hiện vào thời điểm sau nầy.
d) sự trống không và sự mờ tối vào thời điểm của Sự Sáng Tạo.
5. Sự Sáng Tạo là một sự hoạt động kết hợp giữa
a) Đức Chúa Con, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.
b) Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh.
c) Đức Chúa Trời và con người.
6. Công tác của Đức Thánh Linh trong Sự Sáng Tạo là
a) phán ra Lời.
b) quyết định điều gì sẽ được thực hiện.
c) vận hành trong quyền năng để thực hiện những mạng lịnh thiên thượng.
7. Trong sự tạo dựng con người, sự đồng công của Đức Thánh Linh là gì?
a) Nắn lên con người từ bụi đất.
b) Tạo dựng người nữ từ xương sườn của người nam.
c) Ban hơi thở sự sống khiến con người trở nên một loài sanh linh.
d) Vận hành trên con người trong quyền năng sáng tạo.
8. Theo Sự Sáng Tạo, sự dự phần của Đức Thánh Linh với thứ tự sáng tạo có thể được mô tả cách chính xác nhất là
a) bảo tồn muôn vật đã được dựng nên.
b) quan tâm đến những người vâng phục Đức Chúa Trời.
c) dần dần làm đầy dẫy khắp đất với những loài sinh vật mới.
9. Đức Chúa Trời tạo dựng con người và thế giới bởi vì Ngài muốn
a) trở nên trọn vẹn.
b) bày tỏ sự vinh hiển của Ngài và để nhận sự vinh hiển.
c) kiểm soát một điều gì đó.
10. Cách tốt nhất mà chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời vì những việc Ngài đã làm là gì?
a) Thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên.
b) Thờ phượng và vâng phục Ngài.
c) Bày tỏ lòng tốt với tất cả những tạo vật của Ngài.
d) Kiểm soát những sinh vật khác càng nhiều càng tốt.
11. Sự tạo dựng con người khác với những sự tạo dựng khác trong Sự Sáng Tạo như thế nào?
a) Con người là sinh vật duy nhất được tạo dựng là một người trưởng thành.
b) Con người được Đức Chúa Trời nắn lên từ bụi đất, và rồi được Đức Chúa Trời hà hơi sự sống vào; trong khi những sinh vật khác được dựng nên bởi lời phán ra.
c) Con người được ban cho quyền năng để bảo tồn tất cả những sinh vật khác.
12. Tại sao sự mặc khải của Đức Chúa Trời về chính Ngài phải được phát triển từ từ hơn là được hoàn chỉnh vào thời điểm Môi-se viết Ngũ kinh?
a) Bởi vì bản tánh thần thượng của Ngài chưa phát triển trọn vẹn vào thời điểm đó.
b) Bởi vì con người chưa chuẩn bị để tiếp nhận sự mặc khải của một Đức Chúa Trời Tam Nhất.
c) Môi-se chưa hiểu đủ sự mặc khải về Ba Ngôi Đức Chúa Trời để ông có thể trình bày sự mặc khải nầy cách rõ ràng, dễ hiểu.
Trả Lời Câu Hỏi Nghiên Cứu
1. Con người chưa sẵn sàng để tiếp nhận sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời Tam Nhất vào thời điểm đó - nó sẽ làm cho họ bối rối.
2. a. Ít nhất 30 lần; một lần; không lần nào cả.
b. Câu 26 ( đại từ số nhiều ta -chúng ta-).
3. Những phần Kinh thánh khác trong cả Kinh thánh cho thấy rằng cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều dự phần trong Sự Sáng Tạo.
4. d) Quyền năng.
5. a) mọi loài thảo mộc, sinh vật dưới nước, chim chóc và muôn thú.
6. a. Sai
b. Đúng
c. Đúng
d. Đúng
e. Sai
f. Đúng
g. Đúng
7. Ngài biết rằng con người sẽ không giữ mối tương giao với Ngài và rằng một sự dự phòng sẽ phải được thực hiện để phục hồi mối tương giao đó.
8. Khi Đức Chúa Trời hà hơi (Thánh Linh) sự sống vào lỗ mũi con người.
9. Tất cả những vật được tạo dựng bởi lời phán ra của Đức Chúa Trời khi Thánh Linh Ngài vận hành trên đất. Đức Chúa Trời nắn đúc con người từ bụi đất và ban cho con người sự sống của chính Ngài.
10. b) Hữu thể linh.
11. Sự sống và hơi thở đều ở trong tay Đức Giê-Hô-Va.
12. Câu trả lời của bạn. Tôi tin rằng chúng bày tỏ rằng Thánh Linh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống, và Ngài kiểm soát sự bắt đầu cũng như sự kết thúc của cuộc đời chúng ta.
b. 3) EsIs 41:10
c. 1) Thi Tv 104:30.
13. a. 2) HeDt 1:1-3
14. c) thực hiện bởi Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.




Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 18-4-2024 08:06 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách