Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 2925|Trả lời: 0

Cây Gậy - LẬP RA NHỮNG MỤC TIÊU VÀ NHỮNG ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 6-8-2011 23:33:11 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Cây Gậy Của Người Chăn Bầy
Bài của Ralph Mahoney

Chương 3:
LẬP RA NHỮNG MỤC TIÊU VÀ NHỮNG ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU

A. MỤC ĐÍCH CỦA NHỮNG MỤC TIÊU
Tôi nghĩ trong công tác Cơ đốc, phần lớn chúng ta đều có thể sử dụng khải tượng đã được mở rộng. Chúng tôi đã từng làm việc thân cận với một số người ở tổ chức chinh phục Đại học cho Đấng christ (Campus Crusade for Christ). Một số người trong ban lãnh đạo đã nói với tôi: “Anh Ralph, một trong những vấn đề của chúng tôi là ông Bill Bright (người sáng lập) cứ luôn nảy ra những khải tượng lớn từ Chúa. Thế là chúng tôi phải thực hiện”.
1. Những Mục Tiêu Giúp Hoàn Thành Khải Tượng.
Đức Chúa Trời muốn tất cả chúng ta đều phải có những khải tượng lớn hơn và bày tỏ những khải tượng đó theo cách thực tế và rõ ràng. Chúng ta làm điều đó bằng cách lập ra những mục tiêu rõ ràng để khải tượng được hoàn tất. Điều này giúp cho những thành viên trong đội biết phải làm gì và kết ước thực hiện và vận động những người khác giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu.
Mục tiêu của Hội Thánh hoặc tổ chức của bạn là gì cho năm năm tới? Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm gì để hoàn tất công việc của bạn trong sáu mươi tháng tới?
2. Mục Tiêu Là Những Dự Đoán Bằng Đức Tin
Dự đoán bằng đức tin chính là những mục tiêu. Đừng giới hạn kế hoạch của bạn trong những gì mà con người có thể làm, nhưng hơn thế nữa trong những gì Đức Chúa Trời muốn làm. “Nếu các ngươi tin, mọi sự đều có thể ” (Mac Mc 9:23).
3. Mục Tiêu Xác Định Hành Động
Mục đích của mục tiêu là để xác định hành động và hành động đó sẽ dẫn đến những thành tựu cụ thể. Khải tượng chỉ có hiệu quả khi chuyển nó thành hành động. Để chuyển khải tượng thành hành động, hành động có hiệu quả, thì cần phải có những mục tiêu hành động thánh có định hướng (devinely directed action goals.)
B. NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA MỤC TIÊU
Để hiểu “mục tiêu” là gì, trước hết chúng ta nên bỏ lãnh vực ngôn ngữ tôn giáo mà đi vào ngôn ngữ công việc.
Nhiều người trong chúng ta thường dùng một kiểu ngôn ngữ tôn giáo nào đó mà một người bạn tôi gọi là “NGÔN NGỮ TÔN GIÁO RỖNG TUẾCH”. Là những người rao giảng, chúng ta thường dùng những từ có vẻ kêu để che giấu sự thiếu suy nghĩ cụ thể, rõ ràng, sáng tỏ.
“Mục tiêu của anh là gì?”
“Ồ mục tiêu của tôi là làm vinh hiển Đức Chúa Trời”
“Tuyệt quá! Làm thế nào anh biết được lúc nào anh làm vinh hiển Đức Chúa Trời? Hành động hoặc kết quả gì cho thấy anh đang làm vinh hiển Đức Chúa Trời?”
“Ồ, Ngài sẽ đặt trong lòng tôi một sự bình an đặc biệt”.
Nghe có vẻ quen thuộc quá phải không? Dĩ nhiên, đó là điều tuyệt vời làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Nhưng khi tôi nói về những mục tiêu, tôi không nói đến những giá trị trừu tượng, chủ quan, không thể xác định và không thể đo lường được. Những điều đó chỉ làm cho chúng ta ở trong sự khô khan văn tự của những quan niệm mù mờ, không rõ ràng. Tôi đang nói đến một hành động thực tiễn, có thể đo lường được.
Có thể mục tiêu của bạn là trong ba năm tới sẽ xây dựng được ba Hội Thánh trong những cộng đồng gần Hội Thánh của bạn. Điều đó thỏa mãn tiêu chuẩn của một mục tiêu, không trừu tượng và rõ ràng. Bạn biết khi nào bạn sẽ hoàn thành điều đó.
Chúng ta hãy thẳng thắn.
Mục tiêu là:
1. Rõ ràng (không trừu tượng );
2. Có thể chia sẻ được (không phải là những ý tưởng mù mờ, lộn xộn );
3. Có thể đạt được (không phải là những tư tưởng viễn vông );
4. Có thể đo lường được (có thể định lượng chứ không phải những ý tưởng không dò lường được );
5. Dứt khoát (của hành động mà bạn đang làm ).
Bây giờ bạn có một mục tiêu ngay trước mắt là hãy ghi nhớ năm phẩm chất này.
C. NHỮNG MỤC TIÊU PHẢI ĐƯỢC XÁC ĐỊNH
Xác định mục tiêu bằng năm phẩm chất này là điều cần thiết để hoàn thành khải tượng. Bạn phải nắm được điều này.
Tôi không thể nói cho bạn biết hành động nào nên được định rõ để hoàn thành khải tượng mà Đức Chúa Trời ban cho bạn. Một khi Ngài ban cho bạn khải tượng, bạn phải đến với Chúa và nói rằng: “Lạy Chúa con phải thực hiện những bước đi cụ thể nào để hoàn thành khải tượng này?”.
Tôi nhớ cách đây vài năm, một nhóm người trong chúng tôi đã ngồi quanh một chiếc bàn để vạch ra một số kế hoạch. Chúng tôi muốn đưa ra những gì chúng tôi cảm thấy Đức Chúa Trời muốn chúng tôi làm trong năm năm tới. Chúng tôi cùng ngồi xuống để “dự đoán bằng đức tin”, đến trước mặt Chúa bằng sự kiêng ăn cầu nguyện và dự định những điều mà chúng tôi cho là không thể làm được.
Trong năm năm sau, Đức Chúa Trời đã khiến mọi sự xảy ra vượt quá điều chúng tôi đã hoạch định trước. Ngài luôn làm vượt quá bất cứ điều gì chúng ta đưa ra để Ngài hướng dẫn. “Vả Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng ” (Eph Ep 3:20).
Năm năm sau, chúng tôi phải sửng sốt khi nhìn lại kế hoạch năm năm của mình vì Đức Chúa Trời đã làm “trổi hơn vô cùng những gì chúng tôi cầu xin hoặc suy tưởng ” (3:20).
Chúng tôi đã suy nghĩ và cầu xin trong nhiều ngày cầu nguyện và hoạch định, nên Đức Chúa Trời đã thực hiện. Nếu bạn lười biếng cầu xin hoặc suy tưởng, bạn sẽ làm được rất ít.
Tôi biết Đức Chúa Trời tôn trọng “sự dự đoán bằng đức tin” bởi vì chúng tôi đã chứng kiến điều đó có hiệu quả. Chúng tôi đã chứng kiến những gì đã xảy ra khi con người biết ngồi lại với nhau trong đức tin, trong sự cầu nguyện và kiêng ăn và biết nắm lấy tương lai mà không hề sợ hãi, biết rằng Đức Chúa Trời đang chuẩn bị con đường cho họ.
Chúng ta sẽ kiểm soát được tương lai bằng cách dự đoán trong đức tin những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta trở thành, và những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm.
Khi bạn tập tành dự đoán bằng đức tin, Đức Chúa Trời luôn mang đến kết quả lớn hơn điều bạn đã hoạch định, nếu kế hoạch của bạn đúng theo ý chỉ và khải tượng của Đức Chúa Trời.
D. NHỮNG ƯU TIÊU HÀNG ĐẦU PHẢI ĐƯỢC ĐỀ RA
Ở điểm này, bạn sẽ phải ngừng lại và đề ra một số điều ưu tiên hàng đầu.
Một trong những buổi nhóm đặt kế hoạch và ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là chúng tôi đã thấy có trên hai mươi bảy công việc khác nhau cần phải làm. Cần phải có một nhóm người thiên tài mới có thể sắp xếp hai mươi bảy mục tiêu khác nhau về thời gian và năng lực. Quá nhiều. Không ai có thể đáp ứng thỏa đáng nhiều vấn đề như thế được.
Nan đề đối với nhiều tổ chức là họ đang cố gắng làm quá nhiều việc tầm thường mà không làm một ít điều quan trọng. Những tổ chức này sẽ trở nên tốt hơn nếu họ quan tâm đặc biệt, và tập trung tư tưởng để thực hiện một vài mục tiêu đã được xác định và hoạch định rõ ràng.
1. Ba Loại
Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi đã xếp loại hai bảy kế hoạch đó vào ba loại:
a. Loại ưu tiên hàng đầu.
b. Những vấn đề duy trì.
c. Những mục tiêu được trì hoãn.
Vấn đề ở đây là chúng tôi đã làm những điều này như thế nào. Chúng tôi hỏi: “Nếu chúng ta phải hủy bỏ mọi điều ngoại trừ một điều thì điều chúng ta phải giữ lại là điều gì?”. Khi chúng ta trả lời được câu hỏi này, chúng tôi liệt kê điều đó vào trong danh sách ưu tiên hàng đầu.
Chúng tôi lặp lại câu hỏi “Nếu chúng ta phải hủy bỏ mọi điều còn lại trên danh sách này ngoại trừ một điều thì chúng ta sẽ giữ điều gì?” Câu trả lời đó là ưu tiên số hai trong những điều ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Chúng tôi cứ tiếp tục như vậy cho đến khi tất cả hai mươi bảy vấn đề đều được xếp loại vào hàng ưu tiên đầu, loại được duy trì hoặc là những mục tiêu được trì hoãn.
Tôi xin nói cho các bạn một bí quyết nhỏ: những mục tiêu được trì hoãn thường sẽ tiêu mất vì chúng ta không quan tâm đến nó, vì vậy đừng lo lắng về chúng. Có thể đó là những ý tưởng không chê vào đâu được của ai đó, vì vậy bạn không muốn hủy bỏ nó đi. Bạn chỉ để nó tiêu mất vì sự bỏ qua thôi.
2. Tiến Trình Phân Loại
a. Làm Mũi Tên Thêm Nhọn.
Nhiều tổ chức đã có nhiều ý tưởng không chê vào đâu được nhưng chỉ được xếp vào loại “mục tiêu trì hoãn”. Điều đó làm cho ý tưởng đó được để riêng ra một bên và không ai lo nghĩ về chúng cả. Nhưng nếu bạn đụng đến một trong những ý tưởng này thì mọi người sẽ bị xáo trộn.
Trong hai mươi bảy điều đó, chúng tôi đã liệt kê được sáu điều ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cam kết hoàn thành sáu điều ưu tiên hàng đầu này. Chúng tôi cho rằng sáu mục tiêu này là những điều sẽ hoàn thành tốt nhất khải tượng của chúng tôi.
Chúng tôi đặt sáu điều khác vào danh sách “những vấn đề được duy trì”. Chúng tôi không để những điều đó chết nhưng chúng tôi cũng không nổ lực phát triển chúng. Chúng tôi để cho những vấn đề đó tự phát triển, vừa đủ sống nhưng chúng tôi cũng không thúc đẩy phát triển hoặc khuyến khích chúng.
Những vấn đề còn lại chúng tôi xếp vào loại “những vấn đề trì hoãn” và phần lớn sẽ tự tiêu mất vì bỏ qua. Khi chúng ta có thể tập trung vào một vài điều ưu tiên hàng đầu và thật sự quan tâm đến những điều đó thì chúng ta có thể dốc đổ mọi khả năng vào đó. Tôi gọi điều này là “làm cho mũi tên thêm nhọn”. Sau đó hãy theo dõi điều gì sẽ xảy ra khi bạn bắn mũi tên đó đi. Nó sẽ bay thẳng đến mục tiêu và cắm vào thật sâu.
Phaolô nói rằng: “Tôi cứ làm một điều ” (Phi Pl 3:14). Chúng ta có thể nói “Chúng tôi cứ làm ba điều hoặc sáu điều...”. Nếu có nhiều điều hơn thì chúng ta sẽ không thể thực hiện một cách xuất sắc được. Nếu cùng một lúc mà cố đạt được nhiều vấn đề ưu tiên hàng đầu thì chỉ dẫn đến sự phát triển bình thường, hoàn thành được rất ít hoặc không hoàn thành được gì cả.
Xác định những công việc ưu tiên hàng đầu là một nguyên tắc rất quan trọng. Chúng ta phải giảm xuống chỉ còn lại một điều duy nhất phải làm nếu phải bỏ hết những điều khác. Điều mà chúng ta phải nắm giữ là gì? Trung tâm điểm của khải tượng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là gì? Xác định điều ưu tiên hàng đầu là chọn được điều số một trong danh sách của bạn.
Sau đó hãy xác định điều số hai, số ba và cứ tiếp tục như vậy. Nếu bạn biết dành ưu tiên về thời gian, nhân lực và tiền bạc để đạt được một số mục tiêu có giới hạn thì trong vài năm, bạn sẽ nhìn lại và thấy nhiều điều rất có ý nghĩa đã được hoàn thành trong Hội Thánh và tổ chức của bạn.
3. Dự Đoán Bằng Đức Tin
Ngay bây giờ, chúng tôi đang dự đoán bằng đức tin cho năm năm tới. Đức Chúa Trời đã mở những cánh cửa cơ hội rất có ý nghĩa cho chúng tôi.
Chỉ trong một quốc gia thôi, chúng tôi sẽ được mời đi để giúp đỡ cho hàng ngàn lãnh đạo Hội Thánh. Kết quả thật đáng kinh ngạc! Hàng ngàn lãnh đạo Hội Thánh đến để biết về quyền năng và công việc của Thánh Linh. Khi họ làm như vậy, họ sẽ thành công nhiều hơn. Ngay khi họ tham dự một trong những buổi hội thảo khôi phục thuộc linh của tổ chức World MAP của chúng tôi thì đời sống của nhiều người trong số ấy được biến đổi.
Cơ hội chỉ trong quốc gia đó đòi hỏi trên một triệu đô la và nhiều năm làm việc nỗ lực của một nhóm người mạnh mẽ.
Chúng tôi đang tìm kiếm Đức Chúa Trời và xin Ngài ban cho chúng tôi đức tin để hoàn thành những cơ hội đang đến với chúng tôi từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đức Chúa Trời đang hành động, đang tìm kiếm những người sẽ hưởng ứng mùa gặt mà thế hệ này đang đối diện.
Hãy tin tôi, hai mươi năm tới sẽ là thời điểm có ý nghĩa nhất trong lịch sử Hội Thánh. Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người mà Ngài có thể truyền đạt khải tượng và mục đích. Ngài đang tìm kiếm những con người có thể chuyển khải tượng và mục đích đó thành những mục tiêu hành động, những con người có thể sắp xếp những hành động đó theo thứ tự ưu tiên hàng đầu thành một chuỗi các hành động hợp lý, có logic và có thể thực hiện được.
Những ai ngày hôm nay chịu dự đoán bằng đức tin, thì trong một vài năm tới, họ sẽ nhìn lại và thấy kết quả lớn hơn là họ tưởng.
Tôi thách thức bạn hãy chổi dậy và tham dự một cách mới mẻ vào công việc Chúa. Có lẽ bạn đã nản chí hoặc không biết phải khởi đầu như thế nào. Hãy nắm lấy những nguyên tắc Kinh Thánh này để được thành công và bước đi bằng đức tin. Hãy hy vọng những điều lớn và theo đuổi bằng đức tin, điều đó sẽ được thực hiện.
E. THỰC HIỆN NHỮNG MỤC TIÊU
Có một số điều chúng ta cần hiểu về những mục tiêu hành động thiên thượng được hướng dẫn trực tiếp. Một đoạn trong sách Khải Huyền sẽ minh họa cho điều này. “Vậy tôi đi tới vị thiên sứ và xin người cho tôi quyển sách nhỏ. Người phán: Ngươi hãy lấy và nuốt đi, nó sẽ đắng trong bụng ngươi nhưng trong miệng ngươi nó sẽ ngọt như mật.
Tôi lấy quyển sách nhỏ khỏi tay vị thiên sứ và nuốt đi; trong miệng tôi nó ngọt như mật, nhưng khi tôi nuốt vào rồi, thì đắng ở trong bụng ” (KhKh 10:9, 10).
Cách đây vài năm, tôi có nghe một người bạn nói: “Đây chính là ý nghĩa của khải tượng. Khi Đức Chúa Trời phán với bạn về những gì Ngài muốn bạn làm, bạn sẽ yêu mến điều đó vì điều đó quá vĩ đại, lớn lao và ngọt ngào dường bao!
Nhưng khi bạn bắt đầu sản sinh ra khải tượng, khi bạn bước vào công việc khó nhọc để thực hiện những gì Đức Chúa Trời đã phán với bạn thì nó trở nên đắng trong bụng của bạn”.
1. Công Việc Khó Nhọc Là Cần Thiết
Một nhà tư vấn thương mại nổi tiếng Peter Drucker chỉ ra rằng nan đề của khải tượng và mục tiêu là họ thực sự thoái hóa CÔNG VIỆC. Đó là khi “mỡ gặp lửa” hoặc “bánh xe lăn trên đường” như người Mỹ đã nói.
Cách đây vài năm, tôi có nhớ một lãnh đạo Hội Thánh có một hội chúng 500 người. Mỗi tuần ông có ba ngày chơi golf và hưởng thụ một cuộc sống giải trí thoải mái. Hội Thánh trả lương cho ông rất hậu. Ông được lo liệu chu tất. Trải qua nhiều năm, ông và Hội Thánh của ông cứ sống buông trôi như vậy.
Một ngày nọ, khi đang chơi golf, Chúa phán với ông: “Con có muốn tiếp tục quảng đời còn lại của con là một người lãnh đạo Hội Thánh tầm thường với một Hội chúng tầm thường, những trách nhiệm và công việc bình thường không? Hay là con muốn làm việc?”.
Người lãnh đạo Hội Thánh đó phải quyết định giữa nếp sống dễ dãi và công việc khó nhọc thật sự. Và quyết định đó là tự gắn mình vào khải tượng và những mục tiêu thay vì buông trôi cuộc đời mình, ông nói: “Lạy Chúa, con muốn làm việc”.
Trong vòng ba năm, ông đã cam kết làm việc liên tục, chịu lao nhọc, gánh vác trách nhiệm, Hội Thánh của ông tăng lên khoảng 2.000 người. Nhưng vấn đề đối với ông là biến khải tượng thành hành động.
Có những lãnh đạo Hội Thánh chẳng bao giờ học tập làm việc. Tôi biết vì tôi đã gặp nhiều người trong số này. Trên khắp thế giới, tôi đã gặp những người lãnh đạo Hội Thánh sống trong tình trạng nữa hưu trí, và một số thì về hưu hoàn toàn.
Họ tự hỏi tại sao không có gì xảy ra trong chức vụ của họ. Họ không sẵn lòng làm việc. Họ lười biếng. Họ không thức dậy nổi vào buổi sáng vì họ đã thức đến nửa đêm để xem tivi. Họ không thể gắn mình vào trách nhiệm, kế hoạch, khải tượng và sự phát triển.
Có nhiều quốc gia đang ở trong tình trạng tồi tệ thường là nghèo vì hầu hết dân chúng không muốn làm việc. Điều này giống như một căn bệnh, một bệnh dịch. Chúng tôi gọi căn bệnh đó là “hội chứng chần chừ”.
Bạn biết hội chứng đó như thế nào không: “Hôm nay trời đang nắng. Tại sao lại phải sửa mái nhà đang bị dột. Hôm nay trời không mưa mà”. Sau đó khi trời mưa thì người đó lại nói: “Bây giờ tôi không thể sửa mái nhà được. Trời đang mưa mà. Tôi phải chờ đến khi trời ngừng mưa”.
Hội chứng đó bao trùm cả thế giới này giống như một sự rủa sả: Không sáng kiến, không trách nhiệm, không sẵn sàng làm gì cả.
2. Thời Gian: Của Chúng Ta Hay Của Chúa?
Khi khải tượng đã biến thành mục tiêu thì có một số người phải ra đi làm việc. Bạn nghĩ “số người đó” là ai? Đúng rồi. Đó là chính bạn! Bạn sẽ phải hướng dẫn bầy.
Đó không phải là công việc từ tám giờ sáng tới năm giờ chiều mỗi ngày. Những người có khải tượng không làm việc mỗi ngày tám giờ và cũng không mong ước một kỳ nghĩ bốn tuần hàng năm bằng tiền nghỉ phép. Họ đang kiếm mọi cơ hội để phục vụ Vua muôn vua, Chúa muôn chúa!
Những người có khải tượng sẽ dâng hiến hết những gì họ có. Bạn không làm việc vì lương của nghiệp đoàn, các qui định của nghiệp đoàn và làm việc bốn mươi tiếng một tuần. Kinh Thánh chép “các ngươi sẽ làm việc sáu ngày ”. Đó là thời gian tối thiểu.
Theo thời gian trong Kinh Thánh, thời gian một ngày là mười một tiếng, từ hừng đông đến hoàng hôn. Vì vậy một tuần có sáu mươi sáu giờ. Có lẽ đó là một tuần làm việc của Kinh Thánh.
Mặc dù chúng ta sống trong thời đại nhàn rỗi, mọi khải tượng, mọi mục đích, nếu phải đạt được, thì phải cố làm vài điều gì đó. Ai đang làm công việc Chúa? Đó là khi chúng ta biết phân biệt giữa người làm thuê và người biết lao nhọc.
Dĩ nhiên bạn có thể nói suốt ngày về khải tượng. Nói thì rất dễ, nhưng khi cần phải làm việc để thực hiện khải tượng thì đó là lúc Đức Chúa Trời sẽ phân biệt được bạn là người lớn hay trẻ con.
Khi tôi bắt đầu công việc của tổ chức World MAP ở California vào năm 1963, tôi không có đủ tiền để lo cho công việc.
Chúa cung cấp cho chúng tôi một chuồng gà để làm việc. Chúng tôi dọn sạch chuồng gà đó, đặt vào đó một máy in nhỏ và bắt đầu làm việc. Chúng tôi đã ở trong cái “chuồng” gà đó để làm việc. Đó là “tổng hành dinh xuất bản” của chúng tôi, một chuồng gà đã được dọn dẹp!
Bạn có biết họ đã xây cái chuồng gà như thế nào không? Đằng trước họ xây cao 7 feet (2 mét) và phía sau cao khoảng 4 feet (1 mét), với mái nghiêng.
Điều này làm cho chúng tôi phải có “tư thế cầu nguyện” liên tục vì mái không đủ cao. Chúng tôi không thể đứng thẳng được.
Nhiều khi tôi phải làm việc suốt đêm, vui vẻ khom mình trên máy in trong chuồng gà nhỏ bé đó. Công việc thêm nhiều ra mà chúng tôi không có tiền để thuê người làm việc. Vì vậy tôi phải hăng hái làm việc. Tôi thường bắt hai máy chạy hết tốc độ.
Cuối cùng, Chúa chúc phước cho chúng tôi có một trụ sở tốt, trị giá trên ba triệu đôla, và Chúa đã ban điều đó cho chúng tôi.
Trụ sở của tổ chức World MAP đẹp đẽ của chúng tôi ở Burbank, bang California. Trụ sở này được ban cho chúng tôi bởi một phép lạ kỳ diệu của Chúa. Công việc mà chúng tôi đã khởi đầu trong cái “chuồng” gà đó đã phát triển nhờ ở sự chăm chỉ và sự chúc phước của Đức Chúa Trời để trở thành một trụ sở ba triệu đôla.
Gần đây chúng tôi đã bán trụ sở đó vì vậy chúng tôi mới có thể cung cấp tài liệu huấn luyện này cho hàng trăm, hàng ngàn người lãnh đạo Hội Thánh ở các quốc gia ở Châu Á, Phi và Mỹ La tinh.
Đó là cách sản sinh ra khải tượng. Nếu bạn không sẵn lòng làm việc thì hãy quên khải tượng đó đi. Hãy gia nhập vào một nghiệp đoàn ở địa phương là làm việc bốn mươi tiếng hàng tuần đi. Bạn hãy nghỉ ngơi và sống cuộc đời nhàn rỗi đi.
Ngược lại nếu bạn muốn làm việc, Đức Chúa Trời có một cơ hội lớn cho bạn. Ngài sẽ biến những giờ làm việc dài của bạn thành những kết quả phi thường, những kết quả mà bạn chưa bao giờ nghĩ là có thể được.
Ngài sẽ gia tăng kết quả của những tuần làm việc từ 60-70 giờ của bạn thành những thành tựu vĩ đại cho tin lành. Đức Chúa Trời ban thưởng cho mọi sự hứa nguyện và hy sinh.
3. Phaolô Đã Kết Ước
Khi bạn đọc về chức vụ của Phaolô, bạn sẽ thấy sự kết ước của ông trong công việc của ông. Ông đã liều mình rao giảng tin lành
Nói về sự khó khăn mà ông phải chịu, Phaolô nói: “Năm lần bị người Giuđa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. .. chịu khó nhọc và đau đớn. ..” (IICo 2Cr 11:24-27). Tại sao ông phải chịu khó nhọc? Tại sao ông lại bị đau đớn?
Khi nhìn vào công việc hằng ngày của Phaolô, ông là người may trại, kiếm sống để nuôi chính mình và bảy người khác.
Ông là một giáo sư, là người rao giảng và là một sứ đồ. Ông đồng thời gánh nhiều chức vụ. Trong mối quan hệ với những người lãnh đạo khác, ông nói rằng “ông lao nhọc hơn hết những người đó ”.
Phaolô nói ân điển của Đức Chúa Trời không vô ích, cũng không phí phạm trên ông, vì ông làm việc khó nhọc hơn và tận tâm với công tác hơn bất kỳ sứ đồ nào khác. Nhiều tài liệu lịch sử đã minh chứng điều ông đã nói.
Đoạn Kinh Thánh này đã nói lên một sự việc thú vị đã xảy ra ở Êphêsô: “Đức Chúa Trời lại dùng tay Phaolô làm các phép lạ khác thường, đến nỗi người ta lấy khăn và áo đã bận vào mình người mà để trên các kẻ đau yếu, thì họ được lành bịnh, và được cứu khỏi quỉ dữ ” (Cong Cv 19:11, 12).
Những “khăn” này là những “tấm vải thấm mồ hôi” được quấn quanh đầu và hông của Phaolô để thấm mồ hôi của ông đổ ra khi phải làm việc cực nhọc.
Trong mồ hôi của Phaolô còn có quyền năng hơn bài giảng của ông. Sự xức dầu trên những mảnh vải này đã đến với nhiều người mà bản thân Phaolô không thể đến được với họ vì ông phải làm việc quá nhiều.
Thật là một bài học có giá trị cho những người rao giảng lười biếng để họ thử nghiệm phương pháp của Phaolô. Có lẽ họ sẽ đạt được kết quả tốt hơn.
Khi Phaolô viết thư cho người Têsalônica về tinh thần “không chịu làm việc” của họ, ông đã dùng những ngôn ngữ mạnh mẽ để quở trách sự lười biếng của họ. Ông nói: “Nếu ai không làm việc, người đó cũng không nên ăn nữa ” (IITe 2Tx 3:10). Ông nói với họ về nhu cầu phải làm việc có kết quả, tránh sự lười biếng và sự buộc mình vào kỷ luật để làm việc hằng ngày (3:6-12).
Qua tất cả các thư tín, ông thường đề cập đến sự tận tâm của mình về công việc, mồ hôi, nước mắt, sự vất vả, sự phát triển mục tiêu của Chúa. Ông không tìm kiếm những giờ làm việc ngắn ngủi, cũng không để cho những phần thưởng về tiền bạc quyết định cách hầu việc Chúa và nơi hầu việc Chúa của ông. Ông đã hy sinh cuộc đời mình một cách trọn vẹn và không giữ lại điều gì cả. Ông muốn thấy ý chỉ và mục đích của Đức Chúa Trời trên đời sống ông.
4. Người Ta Sẽ Quay Trở Lại Với Những Mục Tiêu Đáng Giá.
Rồi bạn sẽ thấy dân sự sẽ làm việc với bạn. Họ sẽ hy sinh để phụ giúp bạn. Họ sẽ dâng những nguồn năng lực và sức lực của họ để giúp bạn đạt được những mục tiêu của bạn, nếu bạn biết bạn đang đi đến đâu. Nếu bạn không biết thì tiền bạc, nhân lực và sự thành công sẽ chạy theo những người lãnh đạo và những tổ chức biết họ đang đi đâu.
Nếu bạn tìm đến khải tượng và mục tiêu của Đức Chúa Trời, biết nói ra những điều đó, làm cho người khác biết bạn đang đi đâu, thì họ sẽ đi theo bạn và quay lại với bạn. Họ sẽ làm việc với bạn để hoàn thành những mục tiêu của bạn. Nếu bạn biết dẫn đường, chịu trả giá và làm việc nhiều giờ hơn thì những người khác sẽ theo bạn.
Ngay lúc bạn biết Đức Chúa Trời muốn bạn đi đâu và làm thế nào để đến được nơi đó thì bạn sẽ thấy người ta sẽ tập hợp quanh bạn và làm việc với bạn.
Một khi bạn đã làm cho khải tượng được sáng tỏ, xác định rõ ràng những mục tiêu, một khi bạn biết chuyển những mục tiêu đó thành những lời phát biểu rõ ràng, nói ra được những gì mà Đức Chúa Trời muốn bạn đạt được thì bạn sẽ thấy những kết quả bắt đầu vượt hơn khả năng thực hiện của bạn.
Chúng ta hãy cầu nguyện
Lạy Chúa xin giúp con có một sự hứa nguyện mới với công việc của Ngài. Xin giúp con có hành động dạn dĩ để đi ra trình bày khải tượng mà Ngài ban cho chúng con. Xin khiến cuộc đời, chức vụ và tổ chức của chúng con mở mang được Vương quốc của Ngài.
Xin hãy dạy chúng con không nương cậy nơi những nguyên tắc này nhưng nương cậy trên tác giả của những nguyên tắc này, vào Danh mà chúng con đang nhờ cậy. Xin dạy chúng con biết ưu tiên những mục tiêu của chúng con theo ý chỉ của Ngài để chúng con có thể bày tỏ một cách hiệu quả khải tượng mà Ngài đã ban cho chúng con. Chúng con xin dâng tất cả sự vinh hiển cho Ngài khi chúng con cầu xin những điều này trong danh Chúa Jesus. AMEN.


Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 3-5-2024 09:02 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách