Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Trở lại danh sách Đăng bài-----
Xem: 3261|Trả lời: 0

Chinh Phục Thiêu Nhi - Đức Chúa Trời Muốn Dùng Bạn!

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 13-11-2011 08:52:56 | Xem tất |Chế độ đọc

Dâng hiến cho công việc Chúa

Chinh Phục Thiêu Nhi Cho Chúa Cứu Thế

Đức Chúa Trời Muốn Dùng Bạn!

“Con mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian, đặng giúp sức cho người nào có lòng trọn thành đối với Ngài .”
IISu 2Sb 16:9
Phần lớn của quyển sách này bàn đến phương pháp. Chúng tôi đã thí nghiệm và chứng thực những phương pháp này nhưng sự thành công thuộc vào người sử dụng.
Nếu bản thân con người không đàng hoàng, thì chẳng có phương pháp nào thành công cả.
Trong tác phẩm Linh Lực Do Cầu, ông E M. Bounds viết: “Khuynh hướng của thời đại này là không nhìn thấy con người, hoặc nhận chìm con người trong kế hoạch hoặc tổ chức. Kế hoạch của Đức Chúa Trời là tận dụng con người hơn bất cứ điều nào khác. Con người là phương pháp của Đức Chúa Trời.”
“Hội Thánh đang tìm những phương pháp tốt hơn; Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người tốt hơn. ”
Chúng ta không cần nài xin Đức Chúa Trời sử dụng chúng ta. Ngài muốn sử dụng chúng ta. Chúng ta phải tự vấn rằng: “Ngài có thể dùng tôi không? Ông Vance Havner đã nói thẳng thừng rằng: “Nếu hiện tại bạn không được Đức Chúa Trời dùng, ấy là vì Ngài không sử dụng được bạn.”
Chúng ta phải làm sao để được Chúa dùng? Hãy để Ngài hình thành trong chúng ta những yếu tố mà Ngài muốn người phục vụ Ngài phải có. Chúng ta sẽ xem xét một số yếu tố đó bằng cách tự hỏi một vài điều. Khi bạn tự trả lời những câu hỏi này, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời muốn sử dụng bạn.
NHỮNG ĐIỀU TRỌNG YẾU
Có một vài yếu tố thiết yếu để phục vụ Đức Chúa Trời cách hữu hiệu. Dù biết rồi, thỉnh thoảng chúng ta cần nhắc đi nhắc lại những điều này.
Tôi có biết chắc mình đã được cứu chưa?
Mặc dầu câu hỏi này nghe có vẻ lạ lẫm nhưng vẫn có người biết rằng Chúa Cứu Thế chết cho tội lỗi của mọi người trên thế giới, thậm chí còn rao giảng cho người khác nữa, nhưng vẫn không nhận biết Chúa Cứu Thế chết vì tội lỗi của chính mình.
Ông John Wesley, người thành lập Hội Thánh Giám lý, từng làm giáo sĩ ba năm ở Mỹ. Một ngày kia, theo gia đình ông gặp một người giảng Tin Lành thuộc Hội Thánh Morave. Ông này đặt vấn đề với John Wesley về sự cứu rỗi của chính giáo sĩ. Khi trở về Anh quốc, John Wesley viết trong nhật ký của mình rằng: “Tôi đã học được điều gì? Tôi đã học được điều mà chính tôi không hề ngờ đến là tôi, một người đến Mỹ để hoán cải những người khác lại chưa hề được Đức Chúa Trời hoán cải.” Sau đó không bao lâu, ông John Wesley thật sự biết chắc mình được cứu.
Tôi có hoàn toàn dâng đời sống mình cho Chúa Cứu Thế chưa?
Chỉ khi nào bạn hoàn toàn dâng mình cho Chúa, đời sống bạn mới có quyền năng. Ông L. E. Maxwell, người thành lập trường Kinh Thánh Prairie nói: “Mức độ quyền năng bạn nhận lãnh nơi Đức Chúa Trời tuỳ thuộc vào mức độ bạn làm nô lệ cho Chúa Cứu Thế.”
Trong số các sinh tế của thời Cựu Ước, có “của lễ chuộc tội” tượng trưng cho sự chết chuộc tội của Chúa Cứu Thế vì chúng ta. Cũng có “của lễ thiêu” tượng trưng cho sự dâng mình của chúng ta để phục vụ Đức Chúa Trời.
Nhiều loại con sinh khác nhau dùng làm của lễ thiêu. Người giàu có thể dâng một con bò đực, người nghèo hơn có thể dâng một con chiên, người nghèo hơn nữa có thể dâng một con bồ câu. Tất cả những sinh tế này được Đức Chúa Trời chấp nhận như nhau. Nhưng trong mọi trường hợp, đó là một sự dâng hiến sự sống - trọn cả một cuộc đời.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm điều đó. Trong trường hợp của chúng ta, Đức Chúa Trời không đòi hỏi một sinh tế chết mà là một “sinh tế sống”. Ông Phao-lô viết: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”
Chúa đã mua chúng ta bằng huyết quí báu của Ngài nên chúng ta thuộc về Ngài. Khi chúng ta trao lại cho Chúa tài sản của Ngài thì đó là việc hợp lý hơn hết.
“Nếu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và Ngài đã chết cho tôi, thì có của lễ nào gọi là quá lớn đến mức tôi không thể dâng cho Ngài đâu. ”
C.T. Studd.
Một sinh viên hỏi: “Ông có thể dùng một từ để giải nghĩa sự dâng mình không?” Đưa ra một tờ giấy trắng, giáo sư trả lời: “Là chữ ký của bạn ở cuối trang giấy còn Đức Chúa Trời điền vào mọi điều theo ý của Ngài.”
Tôi có phân rẽ khỏi tinh thần thế gian không?
Mỗi tín hữu là một “người Cứu Thế”, nên phải từ bỏ bất cứ điều nào không phù hợp với mối tương giao với Chúa. Ông Wilbur Chapman nói: “Bất cứ điều gì làm lu mờ hình ảnh của Chúa Cứu Thế, chèn ép đời sống cầu nguyện của tôi, hoặc gây khó khăn cho sự hầu việc Chúa, đều là những việc sai quấy đối với tôi, và tôi là Cơ-đốc nhân nên tôi buộc phải dứt bỏ.”
Lời Đức Chúa Trời nói một cách rõ ràng: “Anh em há chẳng biết rằng làm bạn với thế gian là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời sao? Cho nên ai muốn làm bạn với thế gian thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy.”
Tôi không bao giờ quên câu nói của ông Paul LaBotz, người cố vấn thuộc linh cho tôi. Ông nói: “Bạn được phép lui tới những nơi người thế gian này lui tới, bạn được làm những gì họ làm, nhưng bạn sẽ không có chút quyền năng nào của Đức Chúa Trời.”
Trong đời sống của tôi còn tội nào chưa ăn năn hoặc chưa từ bỏ không?
Đức Chúa Trời rất yêu thương và kiên nhẫn đối với con cái của Ngài, nhưng không bao giờ Ngài dung túng tội lỗi. Ngài nói rằng Ngài sẽ không nghe lời cầu nguyện của chúng ta nếu chúng ta còn giữ lại tội lỗi trong đời sống mình. (Thi Tv 66:18).
“Cứu Chúa Giê-xu không thể ưu ái với những điều sau này sẽ gây đổ gãy cho chức vụ của một người hầu việc Đức Chúa Trời. ”
Oswald Chambers
Tôi có ở trong Chúa Cứu Thế không?
Chúa Giê-xu ví sánh mối tương giao của chúng ta với Ngài bằng một hình ảnh trong thiên nhiên đơn giản nhưng phong phú. Ngài nói: “Ta là cây nho, các ngươi là nhánh.” Nhánh không thể kết quả trừ phi ở trong cây nho. Chúng ta cũng không kết quả trừ phi chúng ta ở trong Ngài. Chúa Giê-xu phán: “Ngoài ta, các ngươi không thể làm chi được.”
Ở trong Chúa Cứu Thế nghĩa là tin cậy Ngài, vâng lời Ngài, và nhận nơi Ngài mọi điều chúng ta cần. Bạn có thể là một tín đồ mới và biết Kinh Thánh rất ít; tuy nhiên bạn có thể ở trong Chúa Cứu Thế và kết quả cho Ngài. Chúa Giê-xu phán: “Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì thì sinh ra lắm trái.”
CÁC MỐI TƯƠNG QUAN
Tín đồ là những chi thể trong Thân thể của Chúa Cứu Thế, như vậy chúng ta cần đến nhau. Kinh Thánh chép: “Vả như thân là một mà có nhiều chi thể … Chúng ta dầu nhiều, là một thân thể trong Chúa Cứu Thế, và mỗi người đều là chi thể của nhau.” Đức Chúa Trời không bao giờ muốn chúng ta sinh hoạt một mình. Chương trình của Ngài là chúng ta cùng làm việc với tín đồ khác để hoàn thành điều mà chúng ta không bao giờ có thể làm một mình. Vì lý do này mà chúng ta nhất thiết phải ở trong mối tương giao đúng đắn với các chi thể khác trong Thân thể của Chúa Cứu Thế.
Tôi có giải quyết những sự xúc phạm dựa theo Lời của Đức Chúa Trời không?
Cuộc sống của chúng ta luôn luôn gặp những nan đề, bị xúc phạm, và có những “xung đột về nhân cách.” Nhưng thật là một nghiêm trọng khi chúng ta nuôi sự bất mãn đối với người khác.
Trong Ma-thi-ơ 18, Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải làm gì khi có người xúc phạm chúng ta. Chúng ta không được nói với người khác về điều đó, nhưng chúng ta phải đến gặp người đã xúc phạm chúng ta, nói với người ấy biết điều người ấy đã làm và giải hoà.
Trong Ma-thi-ơ 5, Chúa bảo chúng ta phải làm gì khi chúng ta xúc phạm người khác. Chúng ta phải đến gặp người ấy và xin người tha thứ cho chúng ta.
“Tôi không để cho một người nào làm hại linh hồn của tôi bằng cách ghét anh ta. ”
Booker T.Washington.
Chúng ta đừng để cho sự cay đắng và tinh thần cố chấp đâm rễ trong lòng mình và đầu độc tâm linh mình. Đức Chúa Trời không thể sử dụng con người cay đắng và không chịu tha thứ. Thật phước hạnh khi con cái của Đức Chúa Trời cư xử với nhau một cách cao thượng.
Ông John Wesley và ông GeorgeWhitefield tượng trưng cho hai trường phái thần học rất khác nhau. Cả hai cũng khác nhau nhiều điều trong đời sống cá nhân và trong sự phục vụ Chúa. Mặc dầu cả hai đều là những nhà lãnh đạo được Đức Chúa Trời xức dầu, sự xung đột giữa họ với nhau dai dẳng và gay cấn. Nhưng sau một thời gian mối bất hoà được hàn gắn, họ trở nên hai người bạn tốt.
Thậm chí ông Whitefield còn mời ông John Wesley giảng trong đám tang của ông, và khi Whitefield qua đời John Wesley đã thực hiện lời yêu cầu này. Sau tang lễ, một thiếu phụ đến hỏi ông John Wesley: “Ông có mong gặp ông Whitefield yêu dấu trên thiên đàng không?” Ông Wesley trả lời ngay:
- “Thưa bà, không ạ!”
Hơi bất ngờ bà ta nói:
- “Chà! tôi ngờ ngợ ông sẽ trả lời như thế.”
Wesley đáp:
- “Bà đừng hiểu lầm tôi. Ông George Whitefield sáng như một ngôi sao trên bầu trời vinh quang của Đức Chúa Trời và ông ấy sẽ đứng gần ngai Ngài. Làm sao một người như tôi, kẻ hèn mọn hơn hết lại gặp ông ấy được.”
Tôi có sống hoà hợp với các tín đồ khác không?
Có lần, một tín hữu nói đùa như sau: “Dĩ nhiên là tôi thích làm việc trong Hội Thánh miễn là tôi không phải làm việc chung với người khác.” Khổ nỗi làm việc Hội Thánh là làm việc với người khác.
Sống ở thiên đàng với những thánh đồ chúng ta yêu mến. Là một điều rất vinh hiển!
Nhưng sống ở trần gian với những thánh đồ chúng ta quen biết, lại là một chuyện khác!
Trong công tác chúng ta làm cho Đức Chúa Trời, mọi sự đều tuỳ thuộc vào sự chúc phước của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời không chúc phước cho công việc chúng ta làm, chúng ta sẽ giống như những môn đồ của Chúa Giê-xu, là những người nói rằng: “Chúng tôi đã đánh cá suốt đêm mà chăng được gì cả.” (Edwin Markam)
Ở những nơi con cái Chúa làm việc với nhau trong sự yêu thương và hoà hợp thì luôn luôn có phước hạnh của Đức Chúa Trời. “Kìa, anh em ăn ở hoà thuận nhau thật tốt đẹp thay … vì tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước.”
ĐỜI SỐNG THỰC TẾ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN
Một người phục vụ Chúa là người phục vụ. Một số người nghĩ họ thực hiện tốt công tác thuộc linh khi họ nói: “Chúa ôi, xin đầy dẫy trong con.” Nhưng như vậy chưa đủ. Công tác phục vụ Chúa bao gồm sự chuẩn bị, kỷ luật, công việc khó nhọc và sự kiên trì.
Là Cơ-đốc nhân, rồi đây tất cả chúng ta đều phải đứng trước mặt Chúa khai trình về những gì chúng ta đã làm trong đời sống mình sau khi được cứu. Để khỏi bị xấu hổ trong ngày ấy, chúng ta cần kiểm tra chính mình hôm nay.
Tôi có chuẩn bị chính mình để Đức Chúa Trời sử dụng tôi không?
Khi tôi hỏi một người khôn ngoan trong Chúa rằng: “Tôi phải làm gì để phục vụ Chúa tốt hơn?”
Ông ta đáp: “Hãy chuẩn bị sẵn dụng cụ, Đức Chúa Trời sẽ dùng bạn.”
Tôi hỏi chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ bằng cách nào?” Câu trả lời của ông là: “Học thuộc lòng Kinh Thánh! Học thuộc lòng Kinh Thánh!”
Mỗi khi bạn học thuộc lòng một khúc Kinh Thánh là bạn đang tự trang bị thêm một dụng cụ để phục vụ Chúa.

Muốn làm một người phục vụ Chúa hiệu quả, bạn phải nắm vững Lời Chúa. Kinh Thánh chép: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” Bất cứ ai nói rằng mình muốn phục vụ Đức Chúa Trời nhưng không dành thì giờ nghiên cứu Lời của Ngài thì đừng mong Đức Chúa Trời tôn trọng và sử dụng.
Tôi có siêng năng không?
Nhiều tín đồ cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho mình, nhưng không muốn hành động theo cách được Ngài ban phước. Đức Thánh Linh không thể ban phước cho người làm việc cách cẩu thả và với một nửa tấm lòng. Kinh Thánh chép: “Đáng rủa sả thay là kẻ hầu việc Đức Giê-hô-va một cách cẩu thả.”
Phục vụ Chúa là làm những việc tôn vinh Ngài. Một số người cho rằng bởi vì họ đang “ở trong công việc của Chúa” nên họ có lý do để bào chữa cho sự thiếu chuẩn bị, tài liệu nghèo nàn và lối làm việc hời hợt của mình. Những ai tưởng rằng Đức Chúa Trời hài lòng với loại công việc ấy là những người không biết Đức Chúa Trời.
Chỉ trong từ điển từ “thành công” mới đặt trước từ “việc làm”!
Tôi có đặt công việc Chúa lên trên hết không?
Trước khi tin Chúa chúng ta có thể sống theo ý mình. Nhưng một khi đã tin Chúa, trong suốt cuộc đời còn lại chúng ta có nhiệm vụ phục vụ Chúa.
Đức Chúa Trời không đòi hỏi mọi tín hữu phải bỏ nghề nghiệp để đặt trọn thì giờ đi giảng Tin Lành. Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta dâng trọn đời sống mình cho Ngài. Một khi đã tin Chúa, dù bạn làm nghề gì thì cũng cần đặt sự phục vụ Chúa lên hàng đầu. Mọi công việc khác đều là phụ mà thôi.
Có người hỏi một thương gia Cơ-đốc ở Chicago làm việc gì, ông ta trả lời: “Công việc của tôi là chinh phục người ta về cho Chúa Cứu Thế. Còn tôi đóng hộp thịt heo để trang trải chi phí cho việc đó.”
Tôi có kiên trì làm công việc của Chúa giao cho tôi làm không?
Ông D.W Moody, sáng lập viên trường Kinh Thánh MOODY, nói rằng bí quyết để hoàn thành một công tác nào đó cho Đức Chúa Trời là tận hiến- dâng mọi sự của chúng ta cho Đức Chúa Trời và tận trung - hết lòng làm công tác Đức Chúa Trời giao cho chúng ta.
Đức Chúa Trời tán thưởng những đầy tớ trung tín. Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi cứ làm một điều.” Như vậy còn tốt hơn nói rằng: “Đây là năm mươi điều tôi làm chơi.”
Hãy nhớ rằng một viên kim cương vốn chỉ là một miếng than không bị bỏ rơi nửa chừng.
Tôi có sống theo kỷ luật không?
Thế giới đầy dẫy người thông minh nhưng họ chẳng bao giờ làm được một phần nhỏ trong những việc họ có thể làm. Vì sao? Vì họ không có một nếp sống kỷ luật. Ông John Wesley tin vào sự nên thánh bởi đức tin, nhưng ông cũng là người thức dậy lúc bốn giờ mỗi sáng để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh.
Ngoài những ý nghĩa khác ra, kỷ luật là làm chủ tình cảm của mình để bạn có thể làm những việc bạn cần làm, dù có cảm thấy thích hay không.
Một sinh viên đại học giải thích với giáo sư của mình rằng anh ta bỏ giờ học của ông vì anh ta cảm thấy không thích giờ đó. Vị giáo sư gầm lên: “Này anh, bộ anh không biết rằng hầu hết mọi công tác được thực hiện hoàn tất trên thế giới đều do những con người cảm thấy không thích đảm đương những công tác đó sao?”
Tôi có nghiêm túc không?
Khi nói chuyện với thiếu nhi về sự cứu rỗi, chúng ta phải ghi khắc trong các em sự cứu rỗi là vấn đề nghiêm trọng nhất. Nếu chúng ta không nghiêm chỉnh, làm sao chúng ta trông mong các em nghiêm chỉnh?
Sự sống là chuyện nghiêm trọng, sự chết là chuyện nghiêm trọng, địa ngục là một điều nghiêm trọng, Sa-tan là vấn đề nghiêm trọng, Thánh Linh là vấn đề nghiên trọng, vì vậy chúng ta cũng phải nghiêm túc.
THÔNG CÔNG VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Đời sống Cơ-đốc nhân là một đời sống thông công với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói về ông Hê-nóc: “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời” Trong khi chúng ta xem xét một số điểm thiết yếu của một đời sống đồng đi cùng Đức Chúa Trời, nguyện nỗi ao ước và mục đích của lòng chúng ta là được đồng đi cùng Đức Chúa Trời.
Tôi đã giải quyết sự bất đồng với Đức Chúa Trời chưa?
Nhiều tín đồ không tiếp tục đồng đi với Chúa vì họ còn bất đồng với Ngài. Thường thường Đức Chúa Trời xử lý từng điều một với chúng ta. Chúng ta có thể đồng ý với Ngài về một trăm điều khác, nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn đem chúng ta trở lại với vấn đề chúng ta không đồng ý với Ngài.
Chúng ta phải đối diện với sự thật này: Chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ trong đời sống Cơ-đốc nhân cho đến khi chúng ta đáp: “Vâng!” với Chúa về vấn đề ấy. Đôi khi Đức Chúa Trời phải mất mười, mười lăm, hai mươi năm hoặc hơn nữa để đưa một người con của Ngài đến chỗ đồng ý với Ngài.
Chúng ta không nên phung phí đời mình theo cách ấy. Nếu chúng ta không thật lòng muốn làm điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm, ít nhất chúng ta có thể thưa với Ngài: “Lạy Chúa, mặc dầu con không muốn làm việc này nhưng con vẫn muốn Ngài làm cho con muốn.” Nếu chúng ta cầu nguyện chân thành như vậy Đức Chúa Trời sẽ bắt đầu hành động để thay đổi lòng chúng ta.
Tôi có yêu kính Chúa Giê-xu không?
Cố gắng phục vụ Chúa khi lòng không yêu mến Ngài cũng giống như cưới một người mà mình không yêu. Như vậy chúng ta thiếu một mối quan hệ tận đáy lòng.
Chúa Giê-xu yêu thương chúng ta một cách nhiệt thành và Ngài cũng muốn chúng ta yêu thương Ngài một cách nhiệt thành. Bí quyết để làm một chứng nhân hiệu quả là một tình yêu riêng tư, chân thành tuôn tràn dành cho Chúa Giê-xu.
Tôi có thì giờ tĩnh nguyện hằng ngày không?
Một trong những lỗi lầm lớn nhất mà một Cơ Đốc nhân có thể vi phạm là để công việc chiếm mất thì giờ tương giao với Chúa. Mỗi ngày, chúng ta phải để thì giờ ở riêng với Chúa để cầu nguyện và đọc Lời Ngài.
Giờ tĩnh nguyện hằng ngày không phải là một sinh hoạt xa xỉ, tuỳ tiện trong đời sống Cơ Đốc - một giờ mà bạn có thể giữ hay không tuỳ ý. Nếu bạn muốn cuộc đời mình có giá trị, bạn phải xem đây là điều tối cần.
Ông S.D. Gordon viết: Một đời sống đắc thắng tuỳ thuộc vào ba điều: việc làm đầu tiên, mục tiêu cố định, và thói quen hằng ngày. Việc làm đầu tiên là hành động đầu phục Chúa Giê-xu, nhận Ngài làm Chủ của đời sống chúng ta. Mục tiêu cố định là chỉ làm những điều đẹp lòng Đức Chúa Trời ở mỗi khúc quanh của cuộc đời, trong mỗi vấn đề, cho dầu kết quả có ra sao chăng nữa. Thói quen hằng ngày là dành thì giờ cầu nguyện một mình với Chúa và đọc Lời Ngài. Sau hành động đầu phục, bí quyết của một đời sống mạnh mẽ, kết quả là những thì giờ một mình để tương giao với Chúa và suy gẫm Lời Ngài.
BẠN CÓ VUI LÒNG ĐỂ ĐỨC CHÚA TRỜI DÙNG BẠN KHÔNG?
Khi đọc bài này, có thể có người nghĩ: “Tôi chưa đạt mức Chúa yêu cầu. Làm sao Đức Chúa Trời có thể dùng tôi được?” Đừng nản lòng! Đức Chúa Trời không tìm kiếm những công cụ “hoàn hảo”. Ngài đang tìm những công cụ “sẵn lòng”.
“Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy yếu đuối, vì đó là điều kiện tiên quyết để có thể thành công. ”
Dawson Trotman.
Điều quan trọng nhất là thái độ trong lòng bạn. Nếu lòng bạn yêu mến Chúa và muốn được Ngài sử dụng, Ngài sẽ sử dụng bạn.
Có một thanh niên phạm tội và đang hấp hối vì bệnh lao phổi, một người phục vụ Chúa đã lớn tuổi giảng Tin Lành cho anh, nói cho anh biết Chúa Giê-xu đã gánh mọi tội lỗi của anh và khuyên anh ăn năn, xưng tội, và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa.
Ban đầu anh tỏ ra rất lưỡng lự vì bị ám ảnh với tư tưởng làm sao Đức Chúa Trời có thể tha thứ một tội nhân như anh. Nhưng cuối cùng anh tiếp nhận Chúa và được cứu. Anh cảm thấy rất vui mừng và bình an.
Sau vài ngày, đầy tớ của Chúa lại đến thăm anh, thấy mặt anh có vẻ buồn rầu và đau đớn lắm. Ông hỏi: -“ Vì sao trông anh buồn quá vậy?” Đừng để Sa-tan lừa dối anh!”
Anh đáp: “Tôi biết tội lỗi đã được tha.”
- “Vậy sao anh lại buồn?”
Anh thiểu não đáp: “Những ngày tháng của tôi trên đất đã sắp hết. Tôi sẽ đem gì đến với Chúa khi tôi đến gặp mặt Ngài? Tôi sẽ trình diện với Ngài với hai bàn tay không sao?”
Đó là lý do khiến anh ta buồn rầu.
Ông an ủi anh: “Anh đừng nản lòng như vậy. Tôi sẽ dùng lời anh vừa nói đặt một bài hát. Hễ khi nào có ai chịu cảm động qua bài hát này ra đi rao giảng Tin Lành, chinh phục tội nhân cho Chúa thì anh sẽ được chia phần thưởng với người ấy.” Đó là bài hát rất nổi tiếng của ông Charles C. Luther viết: “Mai đây tôi về với Chúa trên trời mang tay không gặp Chúa thôi sao?”
Nhiều người được gây dựng qua bài hát này và hầu việc Chúa cách sốt sắng. Thanh niên này đã đánh mất biết bao nhiêu ngày tháng, dầu vậy trước khi chết anh ao ước sống cho Chúa và Chúa đã đáp ứng tấm lòng của anh.
Khi dắt đem một người đến với Chúa, lòng chúng ta vui mừng biết bao! Ông D.L. Moody nói: “Tôi tin rằng nếu có một thiên sứ bay từ đất lên trời, báo tin rằng có một cậu bé nghèo nàn, rách rưới, mồ côi cha mẹ, không người chăm sóc, cũng chẳng ai dạy cho cậu biết con đường sự sống; và nếu Đức Chúa Trời hỏi trong các thiên sứ ai bằng lòng xuống đất sống năm mươi năm để dẫn dắt cậu bé này đến với Chúa Giê-xu, tất cả các thiên sứ đều tình nguyện đi .”
Nhưng Đức Chúa Trời không giao đặc quyền ấy cho các thiên sứ. Ngài ban đặc quyền ấy cho chúng ta. Có lẽ bạn là một tín đồ mới và bạn không thể biết mình có thể làm gì. Đừng nghĩ bạn phải chờ đợi nhiều năm rồi mới phục vụ Chúa. Bạn có thể phục vụ Chúa ngay hôm nay.
Có thể bạn là một bà nội trợ bận rộn, nhưng vẫn có thể dành thì giờ nói đến tình yêu của Chúa cho các thiếu nhi. Bạn hãy mời các em đến một buổi họp mặt nho nhỏ tại nhà bạn và chia sẻ những điều Chúa Cứu Thế đã làm cho bạn. Trẻ em rất thích nghe những kinh nghiệm cá nhân. Có thể bạn là một người khá lớn tuổi và lòng bạn đau đớn khi nghĩ đến những năm phí phạm và những cơ hội đã qua đi. Bạn đừng nản lòng, Đức Chúa Trời phán:
“Ta sẽ đền bù cho các ngươi về những năm đã bị cắn phá bởi cào cào.”
Một bà cụ 80 tuổi viết thư cho chúng tôi thuật lại niềm vui bà đã tìm được khi gửi những bài học hàm thụ cho các em thiếu nhi. Bà nói điều này đã đem lại ý nghĩa cho cuộc đời bà: “Khi cháu nội tôi được cứu qua những bài học này, thì chén phước hạnh của tôi đầy tràn.”
Dầu bạn lớn tuổi hoặc còn trẻ, đừng để công việc và những sinh hoạt của đời sống bạn chiếm hết chỗ của công tác phục vụ Chúa. “Chúng ta chỉ có một cuộc đời, cuộc đời ấy qua đi rất nhanh. Chỉ có những gì chúng ta làm cho Chúa Cứu Thế mới tồn tại mà thôi.”
Bước vào thiên đàng mà được gặp Chúa mặt đối mặt là điều rất VUI MỪNG. Nhưng nếu chúng ta dắt thêm nhiều em thiếu nhi đến gặp Chúa với chúng ta thì NIỀM VUI ẤY SẼ TĂNG BIẾT BAO NHIÊU LẦN HƠN!



Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

Phòng tối|Kinh thánh mp3. ISOM mp3, Nhạc thánh mp3 Liên lạc: mail: votong55@gmail.com. Zalo: 0362 222 482

GMT+8, 3-5-2024 12:44 AM

nguonsusong.com - Tin lành

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách